TCCSĐT -
Theo tin của Hãng thông tấn Nga “RIA Novosti”, trưa 30-11-2001, tại Điện
Crem-li, Tổng thống Nga Đ. Mét-vê-đép đã đọc Thông điệp liên bang lần
thứ ba, với những định hướng rõ ràng, có tính khả thi, nhằm đưa nước Nga
vươn tới vị thế cường quốc thế giới trong tương lai.
Về chiến lược chính trị và tình hình kinh tế
Năm 2009, trong Thông
điệp Liên bang, Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép đã trình bày rõ ràng về
chiến lược chính trị của nước Nga. Theo Chiến lược đó, dựa trên các giá
trị dân chủ, Nga sẽ hiện đại hóa nền kinh tế và tạo động lực phát triển
trong tất cả các lĩnh vực; nuôi dưỡng và giáo dục thế hệ công dân Nga
mới tự do, được giáo dục tốt và có tư duy sáng tạo; nâng cao mức sống
của người dân Nga; khẳng định vị thế của Nga như là một cường quốc thế
giới trên cơ sở chiến lược đổi mới.
Tổng thống Nga
Đ.Mét-vê-đép nhận định, quá trình hiện đại hóa của nước Nga khởi đầu
trong một thời điểm khó khăn đối với toàn thế giới, trong đó diễn ra
cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế toàn cầu và nạn cháy rừng chưa từng
có ở Nga năm 2010. Mặc dù vậy, Nga đã đạt được kết quả phát triển đáng
ghi nhận như ổn định nền kinh tế sau một thời gian bị suy thoái và đạt
mức tăng trưởng 4% trong năm 2010. Thu nhập thực tế của công dân Nga
trong năm 2010 tăng khoảng 5%. Năm 2010, số người thất nghiệp ở Nga vào
khoảng 5 triệu người, giảm 2 triệu so với đỉnh cao khủng hoảng. Đây là
một thành tựu đáng kể. Nợ nhà nước được giảm đến mức tối thiểu. Hiện nay
dự trữ ngoại tệ của Nga khoảng 500 tỉ USD, cao hơn nhiều so với thời
điểm cuối năm 2008.
Trong năm 2011, Nga sẽ
tăng lương cho công chức nhà nước, thực hiện chương trình mục tiêu cho
cựu chiến binh và quân nhân Nga, tiếp tục tăng lương cho người nghỉ hưu,
bảo đảm cho tất cả những người về hưu có thu nhập không thấp hơn mức
sống tối thiểu của người dân Nga.
Trong 3 năm tới, nhiệm vụ
của Nga là giảm mức lạm phát xuống ở mức 4-5%/năm. Sau khi đã áp dụng
các biện pháp chống khủng hoảng với quy mô chưa từng có, Nga đã chuyển
sang thực hiện chính sách tài chính cân bằng. Nhằm không để cho thâm hụt
ngân sách trở thành vật cản đối với sự phát triển, Nga sẽ tiếp tục cắt
giảm thâm hụt ngân sách, một hướng ưu tiên mà không phải quốc gia nào
trên thế giới cũng làm được.
Ưu tiên nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em và phát triển dân số
Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép khẳng định,
Chính phủ Nga đặc biệt chú trọng phát triển thế hệ tương lai và đây là
chiến lược đầu tư tin cậy nhất, thông minh nhất và nhân đạo nhất. Một xã
hội mà trong đó chú trọng bảo vệ quyền của trẻ em và tôn trọng nhân
cách của trẻ em không chỉ là nhân đạo hơn và thân thiện hơn mà còn là
một xã hội phát triển nhanh hơn và tốt hơn, đồng thời có triển vọng tốt
đẹp và có thể dự báo được.
Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép nhấn mạnh, Nhà
nước Nga đang thực hiện chính sách có hiệu quả trong lĩnh vực chăm sóc
trẻ em. Đây cũng là một chính sách hiện đại hoá đáp ứng lợi ích phát
triển quốc gia. Trong thời gian gần đây, Nga đã đạt được thành tựu đáng
kể trong kế hoạch phát triển dân số. Trong năm 2009, lần đầu tiên sau 15
năm, Nga đã đạt được mức tăng trưởng dân số. “Quỹ người mẹ”, đề án “Sức
khỏe" quốc gia” và nhiều biện pháp xã hội khác đã giúp đỡ có hiệu quả
cho các gia đình. Tuy nhiên, trong 15 năm tới, Nga sẽ vẫn phải chịu tác
động của hậu quả từ sự suy giảm dân số từ những năm 90 của thế kỷ trước.
Những biện pháp nhằm hoá giải thách thức này đã được nêu trong Thông
điệp.
Một là, sẽ
tạo điều kiện cho người mẹ và trẻ em có khả năng tiếp cận hệ thống trợ
giúp y tế và xã hội có chất lượng cao, phát triển chương trình khuyến
khích sinh đẻ và hệ thống điều trị phục hồi cho trẻ em trong 3 năm đầu
đời, trẻ em sinh thiếu tháng và có cân nặng thấp. Sẽ tăng cường sự hỗ
trợ của nhà nước đối với hoạt động điều trị những người vô sinh.
Hai là, hiện
đại hóa cơ sở công nghệ cho các bệnh viện và các thiết bị điều trị cho
trẻ em, nâng cao trình độ chuyên môn của cán bộ y tế. Nhằm mục đích đó,
trong năm 2011, Nga sẽ tăng cường đầu tư theo các chương trình khu vực,
ít nhất có 25% ngân sách y tế giành cho việc hiện đại hóa hệ thống bảo
đảm y tế, phát triển hệ thống máy móc thiết bị hỗ trợ cho trẻ em. Khoản
ngân sách này có thể chiếm tới 100 tỉ rúp trong vòng 2 năm.
Hiện nay, một trong nhiệm
vụ phức tạp mà ngành y tế Nga phải đương đầu là đã phát hiện thấy 1/3
học sinh có khuyết tật về sức khỏe trong năm đầu tiên bước vào trường
phổ thông. Sức khỏe của trẻ vị thành niên cũng đáng lo ngại. Khoảng 2/3
trẻ em ở tuổi vị thành niên đều có vấn đề đối về sức khỏe. Vì thế, Tổng
thống Nga Đ.Mét-vê-đép đề ra nhiệm vụ bắt đầu từ năm 2011 phải điều trị
những trẻ em này tại các bệnh viện. Nga sẽ đặc biệt chú ý hệ thống phòng
bệnh và điều trị dự phòng cho trẻ em sơ sinh và trẻ em ở vị thành niên,
phát hiện sớm bệnh lao, ung thư và nhiều căn bệnh nguy hiểm khác. Nhằm
mục đích đó Nga sẽ đầu tư thích đáng từ ngân sách nhà nước.
Ba là, hỗ
trợ và giúp đỡ những gia đình đông con và những người mới lập gia đình.
Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép khẳng định, đây là một vấn đề có tính nguyên
tắc. Trước hết là giải quyết một trong những vấn đề bức xúc hiện nay là
nhà ở. Từ năm 2008, nhà nước Nga đã có luật cho phép sử dụng “Quỹ người
mẹ” để thanh toán tín dụng nhà ở. Chương trình này hỗ trợ cho 250.000
công dân Nga. Chính phủ sẽ tạo động lực cho sự phát triển nhà ở trong
năm 2011. Từ năm 2011, sự giúp đỡ này phải trở thành thường xuyên.
Bốn là, gia
tăng mạnh số lượng các gia đình có 3 con trở lên bằng nhiều hình thức
giáo dục, tuyên truyền và khuyến khích vật chất. Gần đây trên mạng
Internet có thông tin thú vị về những người nổi tiếng trong lịch sử Nga
có 3 con trở lên như Anh hùng vũ trụ Ga-ga-rin, đại văn hào Nga
Chê-khốp, nhà văn An-na A-khma-tô-va. Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép cho
rằng, đây là một ý tưởng thú vị khi biểu dương các gia đình có 3 con
trong số những người nổi tiếng. Không có những con người vĩ đại này,
không có sự sáng tạo và thành quả lao động của họ thì thế giới đã không
được như ngày hôm nay và nhân loại sẽ trở lên nghèo nàn về đạo đức và
văn hóa. Do đó, Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép cho rằng đối với những gia
đình đông con cần phải có một chế độ khuyến khích đặc biệt. Ở một số khu
vực ở Nga, những gia đình có con thứ ba đã có chế độ cung cấp đất miễn
phí để xây dựng nhà ở hoặc trang trại. Chính phủ Nga sẽ phối hợp với các
khu vực để áp dụng chế độ cấp đất miễn phí để xây dựng nhà ở cho những
gia đình có con thứ ba và những đứa con tiếp theo. Tổng thống Nga
Đ.Mét-vê-đép đề nghị lãnh đạo tất cả các chủ thể Liên bang thành lập
“Quỹ người mẹ” trong khu vực.
Năm là, có
chế độ ưu tiên đối với những gia đình có từ 3 con trở lên đang ở tuổi vị
thành niên, thí dụ tăng trợ cấp ưu đãi lên 3.000 rúp hàng tháng cho mỗi
một trẻ em là con thứ 3 trở lên.
Sáu là, ủng
hộ, các sáng kiến, hoạt động từ thiện giúp đỡ những trẻ em bị bệnh hiểm
nghèo. Chẳng hạn đầu tư cho các trại trẻ mồ côi, các công trình thể thao
và giải trí của trẻ em. Để ủng hộ những sáng kiến đó, lần đầu tiên ở
Nga đã hoàn thiện bộ luật về hoạt động từ thiện. Đu-ma quốc gia sẽ thông
qua các đạo luật cần thiết trong thời gian sớm nhất.
Bảy là, xây
dựng lại và xây mới các vườn trẻ đáp ứng yêu cầu hiện đại hoặc có các
thiết bị cũng như phòng ở cần thiết. Tiếp tục duy trì các hình thức giáo
dục cho trẻ em trước khi đến trường, trong đó có hệ thống các nhà trẻ
ngoài công lập và các vườn trẻ gia đình.
Hiện nay, ở Nga vẫn còn
130.000 trẻ em chưa được chăm sóc trong điều kiện gia đình. Từ năm 2010,
có tới 1.684.000 trẻ em cần phải đi nhà trẻ, nhưng do thiếu nhà trẻ nên
các gia đình trẻ đã phải hạn chế sinh con hoặc chỉ sinh 1 con.
Cải cách tòa án và các cơ quan bảo vệ pháp luật
Trong Thông điệp Liên
bang khẳng định, hiện đại hóa chỉ có thể đạt hiệu quả mong muốn khi
trong xã hội có một hệ thống đạo luật đúng đắn, có hệ thống tòa án độc
lập có uy tín, hoạt động có hiệu quả và tạo được niềm tin của dân chúng.
Tất cả những khâu này liên quan với nhau và do đó cần phải phát triển
toàn bộ hệ thống chứ không phải là một thể chế riêng lẻ. Chính vì vậy,
cùng với việc phát triển hệ thống luật pháp và tòa án cần phải tiếp tục
cải cách Bộ Nội vụ. Không chỉ Liên bang, khu vực mà cả địa phương phải
chuẩn bị thực hiện có hiệu quả những đề án cải cách hệ thống pháp luật
bởi tội phạm đang phát triển mạnh ở Nga, từ Trung ương cho tới các khu
vực. Vì vậy, các cơ quan bảo vệ pháp luật cần phải làm mọi việc để mọi
công dân Nga không phải lo sợ và lo nghĩ về sự an toàn trong cuộc sống,
được bảo vệ nhân phẩm và tài sản. Luật pháp cần phải nghiêm minh, hiện
đại và nhân đạo, việc xét xử phải công bằng, bảo vệ quyền của những
người bị nạn nhằm ngăn ngừa nguy cơ tội phạm mới và không để cho những
cá nhân trong thế giới tội phạm len lỏi vào hệ thống bảo vệ pháp luật.
Năm 2010, Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép đề nghị bổ sung một đạo luật cho phép áp dụng các biện pháp trừng phạt có hiệu quả.
Cải cách quân đội và các yếu tố đối ngoại
Việc áp dụng công nghệ
mới đóng vai trò quan trọng và có nhu cầu lớn trong việc hiện đại hóa
quân đội. Hiện nay, nước Nga đang đứng trước một nhiệm vụ căn bản là xây
dựng một đội quân mới dựa trên cơ sở công nghệ cao và khả năng cơ động.
Nga đang đi theo hướng đó và đã chi cho những mục tiêu này trên 20 tỷ
rúp. Đây là một khoản tiền lớn nhưng sẽ có hiệu quả gấp đôi nếu tạo ra
những công nghệ lưỡng dụng vừa giúp hiện đại hóa quân đội vừa giúp
nghiên cứu những vấn đề khoa học cơ bản.
Nước Nga sẽ không thể
phát triển nếu không được bảo đảm an ninh và quốc phòng. Nga chủ trương
hiện đại hóa sâu sắc quân đội, tiến hành các biện pháp chuyển đổi mang
tính hệ thống. Thành phần chiến đấu của quân đội Nga đã được đổi mới,
trong đó có hệ thống sẵn sàng chiến đấu, chỉ huy và bảo đảm vật chất kỹ
thuật. Các cuộc diễn tập chiến đấu đã được thực hiện thường xuyên và có
quy mô lớn.
Chương trình quốc gia của Nga đến năm 2020 dự kiến sẽ hiện đại hóa vũ khí trang bị cho quân đội.
Các nhiệm vụ hiện đại hóa quân đội của Nga được xác định trong những năm tới là:
Thứ nhất,
trong năm 2011, đặc biệt chú trọng tăng cường hệ thống phòng thủ đường
không vũ trụ; liên kết các hệ thống phòng không, phòng thủ tên lửa hiện
có và cả hệ thống báo động và kiểm soát khoảng không vũ trụ thành một bộ
chỉ huy chiến lược thống nhất.
Thứ hai, xây
dựng quân đội và hạm đội hiện đại gọn nhẹ và cơ động, được trang bị vũ
khí mới và có các chuyên gia trình độ cao. Cần phải thực hiện tất cả
những cam kết đối với những công dân Nga lựa chọn quân sự là sự nghiệp
của họ.
Thứ ba, quân
đội Nga cần phải được giải phóng khỏi những chức năng không thuộc phạm
vi của họ. Những chức năng này cần được chuyển giao cho các tổ chức dân
sự và quân đội chỉ tập trung chủ yếu có nhiệm vụ chiến đấu
Thứ tư, tăng
cường phát triển và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực an ninh. Nga sẵn
sàng cùng với các nước khác nghiên cứu nhằm tăng cường cơ chế đối phó
với nguy cơ phổ biến tên lửa.
Gần đây tại Hội nghị Nga -
NATO, Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép chia sẻ quan điểm về việc xây dựng
một hệ thống phòng thủ tên lửa mới ở châu Âu liên kết tiềm năng của Nga
với NATO và bảo đảm bảo vệ tất cả các nước châu Âu chống lại cuộc tiến
công bằng tên lửa. Hiện nay các bên đang khởi động nghiên cứu những vấn
đề liên quan đến đề án này. Tuy nhiên, Tổng thống Nga cũng tuyên bố
thẳng thắn rằng, trong thập kỷ tới, Nga có thể phải đối mặt với thỏa
thuận về xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa với NATO trên cơ sở minh
bạch, công bằng và bình đẳng. Nếu không đạt được thoả thuận đó, có thể
sẽ diễn ra cuộc chạy đua vũ trang và Nga cần phải quyết định bố trí
phương tiện tiến công mới.
Thứ năm, tăng cường ngoại giao
kinh tế nhằm phục vụ cho chương trình hiện đại hóa. Chính sách đối ngoại
của Nga hiện nay không được thể hiện bằng số tên lửa, mà là thành tựu
cụ thể trong lĩnh vực dân dụng như xây dựng các xí nghiệp liên doanh
trên lãnh thổ Nga, sản xuất hàng loạt hàng hóa chất lượng cao giá thành
hạ, miễn thị thực nhập cảnh và tăng số lượng việc làm. Cách tiếp cận có
tính thực dụng đã được nhiều nước trên thế giới ủng hộ. Nga cần phải
hướng tới hợp tác với những nước và những hãng sẵn sàng hợp tác với Nga.
Với tinh thần đó, Nga đã thiết lập quan hệ đối tác hiện đại hóa với Đức
và Pháp.
Hiện nay, tiềm năng đổi mới ẩn chứa
trong sự hợp tác giữa Nga và Trung Quốc, Ấn Độ, Bra-xin, Hàn Quốc,
Xinh-ga-po, Nhật Bản, Ca-na-đa, I-ta-li-a, Phần Lan, U-crai-na và
Ca-dăc-xtan, quan hệ đối tác đó định hướng vào 5 ưu tiên hiện đại hóa
công nghệ của Nga. Hiệp định giữa Nga và EU mang tên "Đối tác để hiện
đại hóa" đã từng được Nga xây dựng cách đây một năm và cần phải định
hướng trên 3 hướng là trao đổi công nghệ, hài hòa các tiêu chuẩn công
nghệ, hỗ trợ thực tế của EU trong việc Nga gia nhập WTO; đơn giản hóa
thủ tục xuất nhập cảnh để tiến tới tương lai hoàn toàn loại bỏ thủ tục
cấp visa; mở rộng đáng kể việc trao đổi chuyên nghiệp và giữa các trường
đại học
Thứ sáu, liên
kết Nga với các nước trong không gian kinh tế châu Á - Thái Bình Dương.
Nga cần chủ động hơn nữa trong việc sử dụng tiềm lực tham gia của Nga
tại diễn đàn APEC cũng như các diễn đàn khác; mở rộng mối quan hệ với
các nước trong khu vực có quan hệ chiến lược như quan hệ với Trung Quốc.
Tăng cường hợp tác song phương cũng như đa phương được thể hiện trong
việc gia tăng uy tín và ảnh hưởng của các Tổ chức như BRIC, Tổ chức hợp
tác Thượng Hải và hợp tác với các nước ở châu Mỹ La-tinh.
Thứ bảy,
hướng ưu tiên đặc biệt trong chính sách đối ngoại của Nga vẫn là các
nước cộng hoá độc lập trong không gian hậu xô viết, các thể chế hiện có
như không gian kinh tế thống nhất Á-Âu và Tổ chức hiệp ước an ninh tập
thể. Nga đã xây dựng liên minh hải quan và xây dựng không gian kinh tế
thống nhất trong khuôn khổ không gian kinh tế Á - Âu, đang thử nghiệm
các biện pháp liên kết kinh tế có hiệu quả theo hướng xây dựng một không
gian kinh tế thống nhất từ Bắc Cực đến châu Á - Thái Bình Dương và trên
toàn bộ lãnh thổ lục địa Á-Âu.
Thứ tám, Nga
dựa vào kinh nghiệm độc nhất vô nhị, tiềm năng kỹ thuật và cán bộ sẽ là
động lực cho hệ thống đối phó với các tình huống khẩn cấp trên quy mô
toàn cầu và ở khu vực châu Âu.
Tại Summit G20 ở Hàn
Quốc, Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép đã đề xuất phối hợp các nỗ lực nhằm
bảo vệ môi trường biển chống lại thảm họa tràn dầu. Trong lĩnh vực đối
ngoại, Nga sẽ tích cực hợp tác với các nước trong cuộc chiến chống nạn
cướp biển và đã đề xuất sáng kiến về việc xây dựng một cơ chế quốc tế để
xét xử tội cướp biển nhằm giải quyết vấn đề truy cứu trách nhiệm hình
sự đối với tội phạm đặc biệt nguy hiểm này./.