So với thời điểm bắt
đầu thực hiện Hiệp ước Lisbon, EU ngày nay đã có nhiều thay đổi theo
hướng lớn mạnh hơn, mở rộng hơn. Tuy nhiên, 10 năm đầu của thế kỷ XXI
cũng chứng kiến những khó khăn, thách thức của EU cả trong lĩnh vực
chính trị, kinh tế và xã hội, điển hình là vẫn tồn tại những bất đồng
quan điểm giữa các nước lớn trong những vấn đề chung của xã hội, nạn
nhập cư, mất an ninh phi truyền thống, thất nghiệp, khủng hoảng nợ
công... Những vấn đề này sẽ có những ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát
triển của EU trong thập niên thứ hai của thế kỷ XXI.
1. Khủng hoảng kinh tế cuối thập niên 2000
Cuộc khủng hoảng kinh
tế thế giới trong những năm cuối thập niêm 2000 đã làm mất mát một lượng
tài chính rất lớn trên thị trường tài chính châu Âu. Theo đánh giá của
IMF (tháng 4-2009), khủng hoảng đã làm mất khoảng 1.193 tỉ USD trên thị
trường tài chính khu vực đồng Euro và Anh. Các ngân hàng của Anh mất
khoảng 316 tỉ USD và các ngân hàng khu vực đồng Euro mất khoảng 1.109 tỉ
USD trong năm 2009 do bị tác động tiêu cực của khủng hoảng. Khủng hoảng
khiến tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư trong năm 2008 chỉ ở mức 0,1%, năm
2009 ở mức -10,5%. Do hàng loạt công ty và các tổ chức tài chính ngân
hàng bị phá sản, thất nghiệp của EU trong năm 2008 là 7%, năm 2009 là
9,4%.
Để đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế, EU đã đưa ra một loạt các chính sách, trong đó có ba chính sách sau đây:
* Nhóm chính sách phòng
ngừa khủng hoảng: Chính phủ các nước EU đã đưa ra một loạt các chính
sách tài chính - tiền tệ để phòng ngừa khủng hoảng, ổn định tài chính vĩ
mô như bảo đảm tăng trưởng tín dụng và giá nhà ở.
* Nhóm chính sách kiểm
soát và giảm nhẹ tác động của khủng hoảng: Trong nhóm chính sách này,
chính sách tiền tệ đóng vai trò quan trọng. Các nước EU đều thực hiện
các biện pháp mở rộng tiền tệ và tung ra những gói kích thích tài chính
để hỗ trợ cho các ngân hàng, doanh nghiệp và nền kinh tế. Ngoài ra, một
loạt các chính sách khác đuợc áp dụng như can thiệp vào thị trường sản
xuất, thị trường lao động, hạn chế thất nghiệp
* Nhóm chính sách phối
hợp giữa các nước thành viên: Sự phối hợp chính sách chống khủng hoảng
giữa các nước thành viên EU được thực hiện thông qua Ủy ban giám sát EU,
Thị trường chung đơn nhất, Chính sách cạnh tranh, Hội nghị G20, Chiến
lược Lisbon, Hiệp ước Tăng trưởng và ổn định. Vào đầu năm 2010, EU chính
thức lập quỹ chống khủng hoảng trị giá 750 tỉ Euro để giúp các nước
trong khu vực gặp khó khăn về tài chính như Hy Lạp. Ngoài ra, sự phối
hợp của EU còn được thể hiện thông qua chính sách phối hợp chống khủng
hoảng nợ của Hy Lạp. Để đối phó với cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp, EU
nhất trí thành lập một lực lượng đặc nhiệm nhằm xem xét các khả năng về
cải cách kinh tế trong khối 27 nước này.
Mặc dù các nước EU đã
nỗ lực hết sức để khắc phục khủng hoảng tài chính - kinh tế, nhưng cho
đến cuối năm 2010 cuộc khủng hoảng này vẫn chưa có hồi kết. Nhiều dự báo
khác nhau cho rằng kinh tế EU27 trong năm 2011 có thể sẽ đạt mức tăng
trưởng 1,7% và kinh tế khu vực đồng Euro có thể sẽ đạt mức tăng trưởng
1,5% nhờ có sự phục hồi của nền kinh tế thế giới và những tác động tích
cực của các biện pháp chống khủng hoảng của các nước EU.
2. Khủng hoảng nợ công, thâm hụt ngân sách và ảnh hưởng đến đồng Euro
Theo đúng nguyên tắc
của SGP, châu Âu trong thập niên 2000 đã theo đuổi một mục đích rất rõ
ràng: đẩy thâm hụt ngân sách xuống còn khoảng 3% GDP và giảm nợ công
xuống mức 60% GDP.
Tuy nhiên, kể từ khi
SGP được ban hành, EU hầu như không thực hiện đúng nguyên tắc trên. Rất
khó để EU có thể vừa thực hiện chính sách kích thích tăng trưởng kinh
tế, vừa thực hiện mục tiêu cắt giảm ngân sách trong điều kiện nền kinh
tế EU gặp đầy rẫy những khó khăn như sản xuất đình đốn, thất nghiệp lan
rộng và quỹ an sinh xã hội ngày càng mở rộng. Chính vì thế, nợ công và
thâm hụt ngân sách không phải là vấn đề mới. Nó tồn tại ở EU ngay từ khi
SGP ra đời và có dịp bùng phát mạnh mẽ trong khủng hoảng kinh tế do
chính phủ các nước đưa ra những gói kích thích, cứu trợ kinh tế trị giá
khổng lồ.
Khủng hoảng nợ công ở
EU xuất phát từ Hy Lạp khi vào cuối năm 2009, Hy Lạp rơi vào tình trạng
lâm nguy về tài chính công với thâm hụt ngân sách ở mức 13,9% GDP, vượt
gấp 4 lần giới hạn cho phép của SGP. Mức thâm hụt ngân sách này cùng
với khoảng nợ công trị giá 236 tỉ Euro, chiếm 115% GDP của Hy Lạp trong
năm 2009(1)
đã gấp tới 2 lần quy định về nợ công trong SGP đã khiến Hy Lạp lâm vào
cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Cuộc khủng hoảng ở Hy Lạp xảy ra khi các
nước EU chưa phục hồi sau cuộc khủng hoảng kinh tế đã lan thành “đại
dịch” và lan nhanh ra toàn châu lục, khiến một loạt nước EU khác lâm vào
khủng hoảng nợ công. Sau một thập kỷ gần như đình trệ, tăng trưởng kinh
tế của Bồ Đào Nha được dự báo là rất yếu (0,6% năm 2010 và 1,1% năm
2011). Thâm hụt ngân sách nhà nước lên đến 9,4% trong năm 2009. Nợ công
cũng ở mức 76,6% GDP trong năm 2009 và có thể lên tới 84,6% trong năm
nay. Chính phủ Bồ Đào Nha đang phải tìm cách ổn định khu vực tài chính
công trong bối cảnh nợ và thâm hụt ngân sách nhà nước đã và đang làm xói
mòn lòng tin của thị trường. Theo đánh giá của một số nhà kinh tế Mỹ,
Bồ Đào Nha đang trong tình cảnh “giống Argentina năm 2001”.
Cùng với Bồ Đào Nha,
Tây Ban Nha, từng tận hưởng hơn một thập kỷ kinh tế tăng trưởng nhanh và
từ lâu vẫn được đánh giá là có một ngân sách cân bằng và mức nợ công
thấp, hiện cũng đang đứng trước những khó khăn không dễ tháo gỡ do nền
kinh tế mất đi sức cạnh tranh và tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt. Thâm hụt
ngân sách của Tây Ban Nha lên tới 11,2% trong năm 2009 và có thể vẫn cao
gấp ba mức trần của EU trong năm 2010. Chính phủ Tây Ban Nha đã chi quá
nhiều cho phúc lợi thất nghiệp và các biện pháp kích thích kinh tế sau
khủng hoảng.
Tình hình tại bốn nền
kinh tế lớn ở châu Âu là Anh, Pháp, Italy và Đức cũng đáng lo ngại. Nợ
công của Italy trong những tháng đầu năm 2010 vào khoảng 120,1% GDP,
trong khi thâm hụt ngân sách của Anh ở mức gần 12% GDP. Pháp cũng phải
tạm ngừng mọi chi tiêu cho khu vực công trong vài năm tới để giảm thâm
hụt ngân sách, trong khi Đức đang phải vật lộn để cân bằng mức thâm
thủng ngân sách khổng lồ.
Hình 1: Khủng hoảng nợ công ở EU
Khủng hoảng nợ công và thâm hụt ngân sách ở EU đã làm ảnh hưởng mạnh mẽ đến sức mạnh của đồng Euro. Điều này là rất dễ hiểu bởi sức mạnh và sự ổn định của đồng Euro phụ thuộc vào sức mạnh của các nền kinh tế trong khu vực đồng Euro. Có một số lý do khiến nợ công và thâm hụt ngân sách của Hy Lạp và các nước EU tăng cao, làm ảnh hưởng đến sức mạnh của đồng Euro, đó là:
Thứ nhất, do
không tuân thủ chặt chẽ các quy định trong Liên minh tiền tệ. Theo Hiệp
ước Maastricht, để tham gia vào EMU các quốc gia thành viên phải đáp ứng
nhiều tiêu chuẩn, trong đó có quy định mức thâm hụt ngân sách bằng 3%
GDP và có nợ công nhỏ hơn hoặc bằng 60% GDP. Theo quy định này, Hy Lạp
chưa đủ điều kiện tham gia EMU vào tháng 5-1998. Tuy nhiên, sau 2 năm,
vào ngày 1-1-2001 Hy Lạp cũng được chấp thuận vào EMU với điều kiện phải
nỗ lực cải thiện mức thâm hụt ngân sách và nợ chính phủ. Tuy nhiên bội
chi ngân sách và nợ nước ngoài của Hy Lạp vẫn tiếp tục tăng lên.
Thứ hai, tác
động tiêu cực của tiến trình hội nhập kinh tế khu vực. Quá trình hình
thành đồng tiền chung được chia thành ba giai đoạn nhằm giúp các quốc
gia điều chỉnh nền kinh tế theo hướng hội nhập toàn diện và sâu rộng -
hàng hóa, vốn và sức lao động được tự do hóa hoàn toàn. Tuy nhiên, hội
nhập cũng có mặt trái của nó. Đối với các quốc gia nhỏ, năng lực cạnh
tranh yếu thì đây thực sự là thách thức. Với một quốc gia có nguồn tài
nguyên hạn hẹp, lợi thế thương mại thấp, năng lực cạnh tranh thấp thì họ
không thể xây dựng rào cản để bảo hộ nền sản xuất trong nước. Hàng hóa
thiếu cạnh tranh, sản xuất đình trệ, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, thu
ngân sách giảm, chi an sinh xã hội cao.
Ngoài ra, theo quy định
của EU, các quốc gia được phép giữ lại 25% thuế xuất nhập khẩu hàng hóa
vào EU để trang trải chi phí hoạt động và 75% còn lại được chuyển vào
ngân sách chung của EU. Điều này có nghĩa, các quốc gia có vị trí thuận
lợi về giao thông quốc tế: sân bay, bến cảng... sẽ nhận được một nguồn
thu đặc biệt từ thuế nhập khẩu vào EU mà các quốc gia nhỏ hơn, ở vị trí
bất lợi hơn như Hy Lạp không nhận được; thậm chí đó là khoản thuế đánh
trên hàng hóa nhập khẩu đang tiêu thụ tại nước mình. Nguồn thu ngân sách
của họ bị suy giảm. Ngoài ra, tại các nước kém phát triển hơn như Hy
Lạp, để tránh làn sóng di dân khi thực hiện tự do hóa lao động, chính
phủ buộc phải gia tăng các khoản chi phúc lợi, chi an sinh xã hội cho
công dân của mình. Điều này góp phần làm gia tăng thâm hụt ngân sách.
Thứ ba, mối
quan hệ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài chính. Đồng tiền chung
hệ thống ngân hàng Trung ương châu Âu bao gồm Ngân hàng Trung ương châu
Âu (ECB) và 16 ngân hàng trung ương của các quốc gia thành viên. ECB
điều hành chính sách tiền tệ theo mục tiêu lạm phát. Quy định này tạo
nền tảng cho việc hình thành và ổn định đồng Euro. Nhưng nó cũng mang
lại nhiều thách thức cho các chính phủ do họ không thể sử dụng chính
sách tiền tệ làm công cụ hữu hiệu để hỗ trợ kinh tế phát triển. Các quốc
gia thành viên khu vực đồng euro chấp thuận một ngân hàng trung ương
chung, một chính sách tiền tệ chung nhưng không chấp thuận một chính
sách thuế chung.
Nguyên nhân sâu xa là
mỗi quốc gia có một nhà nước riêng và nhà nước riêng thì cần có ngân
sách riêng với hàng loạt nguyên tắc chi tiêu đính kèm. Điều này hợp lý
nhưng lại là rào cản đối với khu vực đồng tiền chung, bởi vì chính sách
tiền tệ và chính sách tài khóa luôn có mối quan hệ khắng khít với nhau.
Cụ thể, lãi suất trên thị trường tiền tệ phụ thuộc vào chính sách lãi
suất do ECB định đoạt. Lãi suất trái phiếu chính phủ lại do bộ tài chính
của từng quốc gia quyết định. Quyết định của bộ tài chính phụ thuộc vào
chính sách tài khóa của từng quốc gia. Đối với một số nước có năng lực
cạnh tranh kém hơn, thâm hụt ngân sách lớn hơn các quốc gia khác trong
khối, để bình ổn nền kinh tế, phát hành trái phiếu chính phủ với lãi
suất cao hơn là giải pháp được ưa chuộng. Vì vậy, khủng hoảng nợ do mất
khả năng chi trả chỉ còn là vấn đề thời gian.
Ngoài ra, so với các
quốc gia khác, khoản chi phúc lợi - an sinh xã hội và thu thuế của EU
rất cao so với nhiều quốc gia khác trên thế giới. Mỹ có thu nhập bình
quân đầu người là 34.320 USD nhưng chỉ dành 19,4% GDP chi phúc lợi và an
sinh xã hội. Con số tương tự ở Nhật là 25.130 USD/người và 18,6%. Trong
khi đó, tại EU, tỷ lệ này dao động từ trên 20-38,2%. Để có tiền chi
phúc lợi và an sinh xã hội, các nước buộc phải gia tăng các khoản thuế.
Thực tế cho thấy, tỷ lệ thu thuế tính trên GDP của các nước trong khối
EU cũng tăng vượt trội so với các quốc gia khác trên toàn cầu. Tỷ lệ này
biến động từ trên 30-50% GDP. Để có nguồn thu lớn, EU đã xây dựng một
biểu thuế suất cao hơn. Thuế giá trị gia tăng trung bình trên 20%, trong
khi tỷ lệ này ở Mỹ và Hàn Quốc khoảng 10%; tại Nhật và Canada là 5%.
Chính điều này đã làm cho EU trở thành thiên đường của hưởng thụ hơn là
nơi hấp dẫn nhà đầu tư bỏ vốn kinh doanh. Lợi thế trong thu hút nguồn
vốn nước ngoài của EU cũng bị tác động. Là một thành viên của EU, trong
các hoạt động kinh tế đối ngoại với các quốc gia ngoài EU, Hy Lạp cũng
gặp những khó khăn tương tự. Không chỉ bị tác động bởi các yếu tố bên
ngoài, Hy Lạp còn bị thất thế trong các giao dịch nội khối. Là một quốc
gia nhỏ, nghèo tài nguyên, năng lực cạnh tranh của Hy Lạp giảm. Mặc dù
Hy Lạp thiết lập một tỷ lệ thu thuế và chi phúc lợi và an sinh xã hội ở
mức trung bình của khu vực đồng tiền chung, nhưng nó cũng làm tăng mức
thâm hụt ngân sách, tạo áp lực gia tăng nợ công.
Những thách thức cho khu vực đồng euro
Sức mạnh của đồng Euro
phụ thuộc vào sức mạnh của mỗi nền kinh tế trong EU. Đồng tiền chung của
16 quốc gia ngày càng khẳng định được vị thế, tạo sự tin cậy, từng bước
thay thế vị trí độc tôn của USD trong gần chục năm qua về thanh toán và
dự trữ quốc tế... Tỷ trọng của Euro trong quỹ dự trữ của các Ngân hàng
trung ương trên thế giới vào cuối năm 2009 đã lên tới gần 30%, so với
mức 17,9% từ khi ra đời. Nhưng khi một số nước châu Âu rơi vào cuộc
khủng hoảng nợ, các món nợ khổng lồ và chồng chéo nhau được lộ rõ, thì
sức mua của Euro suy giảm mạnh. Tính đến tháng 7-2010, Euro đã giảm giá
khoảng 15,7% so với USD, 8,5% so với GBP và 20% so với JPY… Cuộc khủng
hoảng nợ công ở các nước EU cùng với các kế hoạch cắt giảm
chi tiêu, cứu trợ kinh tế tiếp tục là mối đe dọa nghiêm trọng đến tăng
trưởng kinh tế của khu vực đồng Euro. Việc cứu trợ Hy Lạp có thể sẽ phải
kéo dài, thậm chí có thể phải cơ cấu lại nợ. Kế hoạch cứu trợ kinh tế
của các nước tiếp theo như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha,… sẽ tác động xấu đến
tăng trưởng kinh tế của khu vực Euro. Vì thế, châu Âu khó tránh khỏi
cuộc suy thoái kinh tế vào năm 2011 và tình trạng trì trệ vào những năm
tiếp theo. Như vậy, tăng trưởng kinh tế của khu vực này sẽ chậm hơn các
nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc và các nền kinh tế phát triển
khác, trong khi lượng tiền không nhỏ đưa ra để cứu trợ, sẽ đẩy nhanh đà
mất giá của Euro. Hơn nữa, sự suy giảm niềm tin của giới đầu tư và người
tiêu dùng sẽ tiếp tục đặt áp lực giảm giá Euro. Niềm tin đối với triển
vọng kinh tế của 16 quốc gia khu vực sử dụng Euro đã sụt giảm trong quí
2 và 3 năm 2010. Theo số liệu của IMF, chỉ số niềm tin của giới chủ
doanh nghiệp và người tiêu dùng tại Eurozone đã giảm từ mức 100,6 điểm
trong tháng 4 xuống 94,5 điểm trong tháng 6, trong đó, tại Hy Lạp giảm
từ mức 69,1 điểm xuống còn 51,9 điểm, tại Bồ Đào Nha giảm từ 93,8 điểm
xuống còn 87,1 điểm. Đồng Euro dự báo sẽ tiếp tục giảm giá trong những
năm tới, nhưng khả năng phục hồi của nó nhanh hay chậm phụ thuộc rất lớn
vào việc cải cách mạnh mẽ hệ thống tài chính từng quốc gia, việc thực
thi chính sách tài khóa và kỷ luật tài chính nghiêm ngặt, cũng như việc
điều hành chính sách tiền tệ của ECB trong thời gian tới.
3. Chênh lệch trình độ kinh tế giữa các nước thành viên
Chênh lệch trình độ
kinh tế giữa các nước thành viên là một trong những thách thức đối với
quá trình nhất thể hóa EU, đồng thời dễ làm nảy sinh những bất đồng,
chia rẽ trong liên kết nội khối. Trong khu vực các nước EU15 được xếp
vào nhóm nước thu nhập cao, thì EU12 (các nước Trung và Đông Âu) lại là
những nước được xếp hạng là có thu nhập trung bình. Trong khi thu nhập
bình quân đầu người của toàn EU27 là 23.600 USD/người/năm (theo PPP),
thì thu nhập của nhiều nước EU15 cao hơn rất nhiều, chẳng hạn như GDP
bình quân đầu người của Luxemburg năm 2009 là 63.000 USD, bằng 267,8%
mức thu nhập bình quân toàn EU27, Ai Len là 30.900 USD, bằng 131% thu
nhập bình quân của EU27, Thụy Điển là 28.4000 USD (120,3%), Áo là 28.800
USD (124%), Hà Lan là 30.700 USD (129,8%), Đức là 27.400 USD (116,2%).
Trong khi đó, có nhiều nước EU12 thu nhập bình quân đầu người rất thấp,
chỉ bằng trung bình 60% thu nhập bình quân của toàn khu vực, điển hình
có những nước chỉ bằng dưới 50% thu nhập toàn khu vực như Romania 10.400
USD (bằng 41%), Bulgaria (10.400 USD, 41%), Latvia (11.400
USD,48,5%)(2).
Việc mở rộng EU buộc các nước có thu nhập đầu người thấp hơn phải nỗ
lực chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế để theo kịp trình độ phát triển
chung của toàn khu vực.
Hình 2: Tổng chi tiêu R&D ở các nước châu Âu (% GDP)
Nguồn: UNESCO Institute for Statistics database, World Development Indicators database, 2008.
Khoảng cách trong chi
tiêu R&D giữa các nước thành viên cũ và mới cũng cho thấy chênh lệch
về trình độ phát triển kinh tế giữa các nước. Chi tiêu R&D của EU15
vượt xa các nước EU12 và các nhóm nước châu ÂU khác. Chi tiêu R& D ở
nhóm nước EU15 thường ở mức 2% GDP (có những nước EU15 giành chi tiêu
R&D ở mức 3-4% GDP), trong khi chi tiêu R&D ở nhóm nước EU12 chỉ
là khoảng 1%GDP, chỉ có vài nước ở EU12 có chi tiêu R&D trên 1% là
Hungary, Cộng hòa Sec, Slovenia, Ukraine.
Tính theo chỉ số phát
triển nguồn nhân lực, cũng có thể thấy sự chênh lệch về trình độ phát
triển giữa các nước EU. Trong khi HDI của EU15 trung bình là 0,943 (năm
2005), thì HDI của các nước EU12 trung bình chỉ là 0,820, có những nước
còn thấp hơn như Romania (0,813), Bulgaria (0,804), Ukraine (0,788)(3).
Khoảng cách phát triển này cho thấy EU hiện nay tuy là một thực thể
kinh tế thống nhất nhưng vẫn bao gồm nhiều quốc gia có trình độ phát
triển kinh tế khác nhau, có năng lực công nghệ khác nhau và thể chế
chính trị khác nhau. Mặc dù Hiệp ước Lisbon đã đi vào hiệu lực để tạo ra
một EU có tiếng nói chung, hình ảnh chung, quyết định chung, cùng thống
nhất trong hoạch định và ra quyết định chính sách, nhưng khoảng cách
phát triển giữa hai nhóm nước EU vẫn khiến EU không tránh khỏi sự chia
rẽ, bất đồng và phải gánh những khoản tài chính khổng lồ để thu hẹp
khoảng cách phát triển./.
---------------------------------------------(1) European Commission 2009
(2) Eurostat (2009)
(3) Warsaw Bishkek Kyiv Tbilisi Chisinau Minsk, The Development Gap between the CIS and EU, CASE Network Reports, No 81- 2008