Thứ Bảy, 10 tháng 11, 2012

10. Vê-nê-xu-ê-la: Sự bất thành của “kịch bản Ben-ga-di” và cơ hội xây dựng “chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI”

17:18' 9/11/2012
TCCSĐT - Thắng lợi của ông Hu-gô Cha-vet, đương kim Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la (Venezuela), trong cuộc bầu cử tổng thống nhiệm kỳ 2013 - 2019 được tổ chức một cách công khai, dân chủ, minh bạch vào ngày 7-10 vừa qua, đã làm thất bại một trong những âm mưu can thiệp của nước ngoài nhằm thực hiện “kịch bản Ben-ga-di” (benghazi) như đã từng diễn ra ở Li-bi, đồng thời cho phép ông “làm sâu sắc cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa” ở quốc gia Nam Mỹ này.

Những “sự cố” trước bầu cử và sự bất thành của “kịch bản Ben-ga-di”
Trong thời gian ngày bầu cử tổng thống ở Vê-nê-xu-ê-la tới gần, phe đối lập khẳng định rằng, cơ hội giành chiến thắng của ứng cử viên đối lập Hen-rich Cap-ri-let sẽ tăng lên nếu ở nước này xảy ra “thảm họa quy mô lớn”. Khi đó, Chính phủ Vê-nê-xu-ê-la và bản thân Tổng thống H. Cha-vet sẽ bị cáo buộc là “không có khả năng và trình độ chuyên nghiệp để quản lý đất nước”. Và, trên thực tế, một trong những thảm kịch kinh hoàng nhất trong lịch sử quốc gia Nam Mỹ này đã xảy ra vào ngày 25-8-2012 tại bang Phan-côn. Đúng 1 giờ đêm, tại tổ hợp chế biến dầu mỏ A-mua (Amuay) đã xảy ra vụ nổ lớn, mà theo đánh giá ban đầu là do rò rỉ khí đốt nhưng đến nay, nguyên nhân đích thực vẫn chưa được xác minh. Trong 3 năm gần đây, Chính phủ Vê-nê-xu-ê-la đã đầu tư 3 tỷ USD cho các hoạt động nhằm bảo đảm an toàn dự phòng tại tổ hợp này. Vụ nổ đã khiến hơn 120 người thương vong, trong đó có ít nhất 41 người thiệt mạng; thiêu rụi 209 căn nhà và 11 cửa hàng nằm gần đó.
Ngoài vụ nổ tại nhà máy lọc dầu trên, tại Vê-nê-xu-ê-la còn xảy ra nhiều sự cố dẫn tới chết người khác, như vụ nổ và hỏa hoạn tại một kho chứa hàng, các vụ bạo động của tù nhân ở một số nhà tù; tai nạn máy bay quân sự và máy bay dân dụng; hàng loạt vụ hỏng hóc được cho là đáng nghi ngờ tại một số nhà máy điện phục vụ sinh hoạt tại các thành phố lớn. Chuyên gia phân tích của Vê-nê-xu-ê-la, ông Ne-xtơ Phran-xi-a còn cho rằng, không loại trừ khả năng đằng sau những “sự cố” đó có bàn tay của phái đối lập nhằm giảm đến mức tối thiểu uy tín của Tổng thống H. Cha-vet.
Một vụ việc nữa là, Bộ Chỉ huy Hải quân Vê-nê-xu-ê-la cho biết đã phát hiện sự hiện diện của một “tàu ngầm lạ” và tiến hành truy đuổi, nhưng không nổ súng. Tuy nhiên, do “kẻ đột nhập” này có lợi thế tốc độ khá cao nên đã nhanh chóng tẩu thoát. Giới phân tích thạo tin nhận định, “tàu ngầm lạ” đó chính là một trong các tàu ngầm nguyên tử của Mỹ. Còn Nin Ni-can-đrôp (Nil Nikandrov) trong bài “Tàu ngầm nguyên tử của Mỹ bên bờ biển Vê-nê-xu-ê-la và công thức Ben-ga-di” đăng trên trang web http://www.fondsk.ru, viết: Đây không phải là lần đầu tiên, tàu ngầm nguyên tử của Mỹ hoạt động gần bờ biển Vê-nê-xu-ê-la. Tháng 4-2002, trước khi xảy ra vụ đảo chính ở Vê-nê-xu-ê-la, trên một chiếc tàu ngầm của Mỹ hoạt động ở khu vực này đã diễn ra cuộc gặp của đại diện các lực lượng đảo chính với các nhân viên thuộc Cục Quân báo Mỹ. Tháng 9-2005, tàu ngầm nguyên tử của Mỹ “USS Virginia” xuất phát từ căn cứ hải quân của Grô-xtôn (Groston) đã hiện diện tại vùng biển Ca-ri-bê trong suốt 70 ngày liền.
Các cuộc diễn tập của các tàu ngầm Mỹ trong vùng lãnh hải giáp với Vê-nê-xu-ê-la đã khiến các chuyên gia quân sự dự báo rằng, Mỹ đang chuẩn bị cho một “kế hoạch” ở Vê-nê-xu-ê-la, trong đó sức mạnh quân sự là một thành phần quan trọng nhất. Trong khi đó, Rô-gơ Nô-ri-ec-ga (Roger Noriegra), cựu đại sứ của Mỹ ở Tổ chức các nước châu Mỹ, cũng từng nói đến cái gọi là “sự ra đi tất yếu” của Tổng thống H. Cha-vet trong những tháng tới và do đó, Mỹ cần phải chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với “những ngày bão táp” trong thời kỳ chuyển tiếp. Trên trang web InterAmerican Security Watch, R.Nô-ri-ec-ga đề nghị Bộ Ngoại giao Mỹ lập một nhóm công tác gồm đại diện các nước Tây bán cầu để “ngăn chặn sự hỗn loạn ở Vê-nê-xu-ê-la” do sự đối đầu giữa lực lượng đối lập và những người ủng hộ Tổng thống H. Cha-vet. Theo R.Nô-ri-ec-ga, sự can thiệp của quân đội Mỹ vào công việc nội bộ của Vê-nê-xu-ê-la là “cần thiết” để duy trì “nền dân chủ thực sự” và ngăn chặn mọi nỗ lực duy trì quyền lực của những người ủng hộ ông H. Cha-vet.
Thành phố Ma-ra-cai-bô đã được chọn làm căn cứ để thực hiện “công thức Ben-ga-di” ở Vê-nê-xu-ê-la. Các tư liệu được dàn dựng ghi hình sẵn cung cấp cho những nhân vật chủ chốt triển khai “công thức Ben-ga-di”, nhằm mục tiêu kích động để làm dấy lên “phong trào nổi dậy”, thành lập chính phủ lâm thời và đưa ra tối hậu thư đối với Tổng thống H. Cha-vet cũng như các lực lượng ủng hộ ông, đồng thời kêu gọi bên ngoài giúp đỡ về mặt quân sự.
Trước tình hình đó, Chính phủ Vê-nê-xu-ê-la đã áp dụng các biện pháp khẩn cấp để kiểm soát và ổn định trật tự. Ngoài việc ngăn chặn âm mưu phá hoại để gây bất ổn trong thời gian trước khi diễn ra cuộc bầu cử, cơ quan an ninh Vê-nê-xu-ê-la phát hiện và bắt giữ nhiều “khách du lịch” được giao nhiệm vụ khảo sát thực địa để lựa chọn địa điểm, đánh giá điều kiện thời tiết nhằm chuẩn bị hành động và hướng rút lui. Tư lệnh Hải quân Vê-nê-xu-ê-la, Đô đốc Đi-ê-gô Mô-le-rô, cho biết, vừa qua Vê-nê-xu-ê-la tiến hành các cuộc diễn tập nhằm bảo vệ lãnh hải chống lại sự xâm lược từ bên ngoài, trong đó có nội dung hoàn thiện chiến thuật phối hợp hành động giữa tàu ngầm với máy bay không người lái để kịp thời phát hiện những kẻ đột nhập.
Nhờ những nỗ lực và tinh thần cảnh giác cao độ cùng với sự giúp đỡ của các đồng minh chiến lược của mình ở khu vực này, Chính phủ Vê-nê-xu-ê-la đã ngăn chặn, làm thất bại “kịch bản Ben-ga-di”.
Cơ hội để xây dựng “chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI”
Với chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 7-10-2012, ông H. Cha-vet sẽ nhậm chức nhiệm kỳ mới vào ngày 10-1-2013 và điều hành đất nước đến năm 2019. Đây là lần thứ tư, ông H.Cha-vet tái đắc cử trong cuộc bầu cử Tổng thống tại Vê-nê-xu-ê-la. Tổng thống H.Cha-vet đã từng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống lần đầu tiên vào năm 1998 với 56% phiếu ủng hộ. Sau đó, ông liên tiếp giành được sự ủng hộ cao của các cử tri Vê-nê-xu-ê-la trong các cuộc bầu cử tổng thống năm 2000 với 56,9% số phiếu ủng hộ; năm 2006 với 62,8% số phiếu ủng hộ. Năm 2004, Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la vượt qua cuộc trưng cầu ý dân về sự tín nhiệm đối với ông, sau khi nhận được 59% số phiếu ủng hộ.
Phát biểu sau khi đắc cử, Tổng thống H. Cha-vet khẳng định, cuộc bầu cử lần này có tầm quan trọng đặc biệt, vì nó quyết định vận mệnh của đất nước trong 100 năm tới. Việc tái đắc cử thêm một nhiệm kỳ nữa sẽ cho phép ông đẩy mạnh công cuộc xây dựng “chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI” tại Vê-nê-xu-ê-la. Tổng thống H. Cha-vet sẽ cùng Chính phủ mới tiếp tục tăng cường đầu tư cho các chương trình xã hội, với cam kết trong vòng 6 năm tới sẽ giảm tỷ lệ nghèo ở quốc gia Nam Mỹ này xuống mức 0%.
Kể từ khi lên nắm quyền lãnh đạo đất nước năm 1999, Tổng thống H. Cha-vet đã phát động cuộc cách mạng mang tên người Anh hùng giải phóng dân tộc Xi-môn Bô-li-va, nhằm xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, tiến bộ, xóa bỏ nghèo đói và bất công ở quốc gia giàu tài nguyên khoáng sản nhưng tỷ lệ người nghèo chiếm tới hơn 50% dân số; tiến hành những cải cách sâu rộng về chính trị, kinh tế và xã hội, đưa đất nước tiến theo con đường “chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI”. Chính phủ Vê-nê-xu-ê-la sử dụng nguồn lợi to lớn từ dầu khí để đầu tư cho các chương trình xã hội, cải thiện mức sống của các tầng lớp nhân dân lao động và tăng cường hợp tác liên kết khu vực Mỹ La-tinh.
Trong suốt 13 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống H. Cha-vet và Đảng Xã hội thống nhất Vê-nê-xu-ê-la, đất nước Mỹ La-tinh này đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực, tạo nên những đổi thay sâu sắc, tích cực. Đến năm 2011, nền kinh tế Vê-nê-xu-ê-la đã phá vỡ mọi dự báo lạc quan nhất khi đạt mức tăng trưởng GDP 4,2% và tăng 5,6% trong nửa đầu năm 2012. Tính đến thời điểm hiện tại, kinh tế Vê-nê-xu-ê-la đã tăng 9 quý liên tiếp, bắt đầu từ quý II năm 2010 đến quý III năm 2012. Theo tính toán của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nợ công của Vê-nê-xu-ê-la ở mức 45,5% GDP. Đặc biệt, tỷ lệ lạm phát trong tháng 7-2012 của Vê-nê-xu-ê-la lần đầu tiên ở dưới mức 20% kể từ năm 2008 và tiếp tục giảm xuống còn 18,1% trong tháng 8-2012.
Theo Ngân hàng thế giới (WB), sau 3 nhiệm kỳ của Tổng thống H. Cha-vet, GDP bình quân đầu người của Vê-nê-xu-ê-la tăng từ mức 3.739 USD năm 1997 lên mức 10.810 USD vào năm 2011. Tính từ năm 2004 đến nay, GDP bình quân đầu người ở Vê-nê-xu-ê-la tăng trung bình 2,5% mỗi năm. Nhờ đó, tỷ lệ người nghèo và nghèo cùng cực tại Vê-nê-xu-ê-la đã giảm đáng kể.
Trong thời gian cầm quyền, Tổng thống H. Cha-vet đặc biệt chú trọng đến các chương trình an sinh xã hội cho người dân, nhất là tầng lớp người nghèo. Nhờ các khoản đầu tư của Chính phủ từ lợi nhuận thu được do dầu mỏ, đời sống của đa số người dân Vê-nê-xu-ê-la được cải thiện. Họ có nhiều cơ hội tiếp cận với các dịch vụ y tế, giáo dục, nhà ở như chương trình xã hội “Sứ mệnh lớn về nhà ở” với mục tiêu xây dựng 353.000 căn hộ mới trong hai năm 2011 và 2012; chương trình “Sứ mệnh lớn về việc làm” nhằm phấn đấu tới năm 2019 tạo thêm khoảng 3,2 triệu việc làm mới; cấp lương hưu cho 365.000 người già; trợ cấp 100 USD/tháng cho các bà mẹ mang thai và trẻ em của gia đình nghèo và tăng lương tối thiểu cho công nhân viên chức thêm 25%.
Với sự giúp đỡ của Cu-ba, Vê-nê-xu-ê-la đã hoàn thành chương trình xóa nạn mù chữ và đang phấn đấu phổ cập tiểu học. Nhà nước dành cho ngân sách giáo dục 20% tổng chi ngân sách. Học sinh các cấp kể cả bậc đại học đều không phải đóng học phí. Hàng triệu lượt người được khám, chữa bệnh miễn phí.
Trong lĩnh vực đối ngoại, vai trò và vị thế của Vê-nê-xu-ê-la trên trường quốc tế và khu vực ngày càng được củng cố và nâng cao. Là nước xuất khẩu dầu lớn thứ 5 trên thế giới, là thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), có trữ lượng dầu mỏ vào khoảng 297,5 tỷ thùng và sản xuất khoảng 3 triệu thùng/ngày, Vê-nê-xu-ê-la dưới thời cầm quyền của Tổng thống H. Cha-vet đã tài trợ cho nhiều dự án ở các nước thuộc khối Liên minh Bô-li-va của châu Mỹ (ALBA) và Liên minh các nước Nam Mỹ (UNASUR), đồng thời cung cấp hàng triệu thùng dầu cho các nước vùng Ca-ri-bê (Caribe) với giá ưu đãi. Mặt khác, các nước Mỹ La-tinh chiếm khoảng 1/3 khối lượng nhập khẩu của Vê-nê-xu-ê-la, trong đó chủ yếu là từ Bra-xin (Brazil) và Cô-lôm-bi-a (Colombia). Vì vậy, Vê-nê-xu-ê-la được xem là một nhân tố quan trọng có thể tạo ra sự khác biệt trong chính trường đầy phức tạp ở khu vực này.
Thắng lợi của đương kim Tổng thống H. Chat-vet, vì thế, không chỉ là thắng lợi của nhân dân Vê-nê-xu-ê-la mà còn là thắng lợi của lực lượng tiến bộ và yêu chuộng hòa bình, của lực lượng dân chủ, dân tộc và tiến bộ xã hội tiếp tục cuộc đấu tranh cách mạng của Xi-môn Bô-li-va nhằm xóa bỏ nghèo đói, bất công xã hội, để tiếp tục phát triển của các quốc gia Mỹ La-tinh./.

Ngô Quyền