Thứ Tư, 28 tháng 11, 2012

18. Tổng hợp Báo chí đưa tin Hội thảo Quốc tế về Biển Đông lần 4


Chiều 21/11/2012, tại thành phố Hồ Chí Minh, sau ba ngày làm việc tích cực với 36 tham luận và 107 ý kiến thảo luận, Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ tư về Biển Đông với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển ở khu vực” đã kết thúc thành công.
Báo Vietnamnet: “Yêu sách của Trung Quốc thành tâm điểm Hội nghị biển Đông” - Với 9 phiên trình bày, 1 phiên kết luận, cùng với thời gian thảo luận, ba ngày của Hội thảo Quốc tế Biển Đông lần thứ 4 dường như vẫn chưa đủ cho các đại biểu bày tỏ hết được các ý kiến của mình về vấn đề liên quan đến Biển Đông. So với 3 hội thảo trước, hội thảo này đã có những tiến bộ trông thấy. Thứ nhất, thời gian dành cho việc chất vấn, hay trao đổi ý kiến, giữa các đại biểu từ nhiều quốc tịch khác nhau, đã tăng lên khá nhiều. Thứ hai, các học giả tranh luận với nhau một cách thuần túy khoa học, thẳng thắn, và không né tránh những vấn đề được cho là nhạy cảm nhất. Yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc và chính sách tái cân bằng quyền lực của Mỹ tại khu vực châu Á vẫn là trọng tâm của các cuộc tranh luận, như những hội thảo trước. Các yêu sách trên biển Đông, cũng như các hành động quyết đoán gần đây của Trung Quốc luôn thu hút rất lớn sự quan tâm của các nhà nghiên cứu từ nhiều quốc gia.
Báo Vnexpress: “Đường lưỡi bò' không có cơ sở pháp lý” - Điểm nhấn của hội thảo là các học giả đã xem xét tác động và hiệu lực phán quyết mới nhất của của Tòa án quốc tế về phân định biển giữa Nicaragua và Colombia ngày 19/11/2012 đối với tranh chấp Biển Đông. Nhiều ý kiến cho rằng lập luận về đường lưỡi bò dựa trên quyền lịch sử của Trung Quốc cũng không có cơ sở. Bởi lẽ quyền lịch sử của các quốc gia nếu được thiết lập cũng phải nhường hiệu lực cho quyền chủ quyền và quyền tài phán. Điều này được quy định trong Công ước luật biển 1982 về đặc quyền cho các quốc gia ven biển. Các nhà nghiên cứu quốc tế nhất trí rằng đường lưỡi bò và cái gọi là "quyền lịch sử" của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý và gây quan ngại cho sự an ninh, hòa bình trong khu vực Biển Đông.
Báo Sài gòn Tiếp thị: “Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ tư: Ý kiến mới cho những vấn đề không mới” - Cảnh báo về chiến tranh mát - không lạnh, không nóng - trên Biển Đông. Nêu thực trạng nhiều chính quyền trung ương vì lợi ích nhóm trong nội bộ nên không còn hoàn toàn kiểm soát được chính sách đối ngoại liên quan đến Biển Đông. Tham chiếu phán quyết mới của của Tòa án quốc tế về phân định biển ở các nước Nam Mỹ để phân định lãnh hải ở Hoàng Sa, Trường Sa. Đó là các vấn đề vừa được bàn thảo ở hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ tư. Một nội dung đáng chú ý ở hội thảo là tình trạng các nhóm lợi ích trong một quốc gia đang gia tăng vai trò và ảnh hưởng tới chính sách đối ngoại của quốc gia đó ở Biển Đông. Thậm chí, các học giả cho rằng, nhiều chính quyền trung ương không còn hoàn toàn kiểm soát được mọi hành vi và chính sách đối ngoại của quốc gia, khiến tình hình Biển Đông khó kiểm soát.

Báo Tiền phong
: “Kết thúc Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông: Đoàn kết, ASEAN sẽ đảm bảo được lợi ích” - Theo một số đại biểu, Biển Đông đang ngày càng trở thành tâm điểm chú ý của các nước do trọng tâm kinh tế, chính trị thế giới đang chuyển dần về châu Á- Thái Bình Dương. Các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc và các nước khác trong khu vực đều coi biển là không gian an ninh và không gian phát triển quan trọng trong thế kỷ 21. Các học giả cũng cho rằng, sự khác biệt lợi ích giữa các thành viên Asean chính là thách thức lớn nhất cho đoàn kết khối. Nếu Asean không duy trì được đoàn kết nội khối, vai trò của Asean trong các cơ chế hợp tác khu vực sẽ sụt giảm thì lợi ích của các nước thành viên sẽ bị phớt lờ.
Báo Tuổi trẻ: “Hòa bình là con đường duy nhất cho Biển Đông” - Chiều 21/11, Hội thảo khoa học quốc tế về biển Đông lần thứ tư đã kết thúc sau ba ngày thảo luận của các chuyên gia, học giả trong nước và quốc tế. Trong cuộc họp báo sau khi bế mạc hội thảo, Giáo sư Carlyle A. Thayer - Trường Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học New South Wales thuộc Học viện Quốc phòng Úc - cho biết cơ hội để giải quyết những tranh chấp trên biển Đông dù vẫn còn nhưng không thể kéo dài trước những diễn biến tiêu cực gần đây. “Thời gian đang cạn dần, đối thoại và đàm phán là giải pháp duy nhất để thúc đẩy hợp tác và giải quyết tranh chấp” - ông Thayer nhấn mạnh.
Báo Thanh niên: “Hợp tác đa phương cho vấn đề biển ĐôngTheo các chuyên gia, đàm phán đa phương cho vấn đề biển Đông đã mang lại tín hiệu khả quan trong thời gian qua và là xu hướng tất yếu. Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc, nói: “Cho dù có ý kiến cho rằng không nên quốc tế hóa vấn đề biển Đông, nhưng thực ra nó đã được quốc tế hóa từ cách đây 10 năm, ngay từ lúc Trung Quốc và ASEAN tiến hành đàm phán để cho ra đời Tuyên bố về ứng xử của các bên tại biển Đông (DOC). Bên cạnh đó, hãy nhớ lại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á năm ngoái khi có ý kiến cho rằng không nên đưa biển Đông vào chương trình nghị sự, thì 16 quốc gia trong tổng số 18 nước tham gia đã không đồng ý và tiếp tục thảo luận về vấn đề này”.
Cộng đồng quốc tế nỗ lực vì biển Đông” - Không chỉ phân tích cặn kẽ vấn đề biển Đông, các chuyên gia quốc tế còn cùng nhau nhấn mạnh nền tảng pháp lý giải quyết tranh chấp tại đây. Tại hội thảo, không ít ý kiến chỉ trích việc Trung Quốc đưa yêu sách trên biển Đông với bản đồ “đường lưỡi bò”. Phát biểu tại hội thảo, chuyên gia Lý Danh Tượng thuộc RSIS cho rằng: “Sự mập mờ trong yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông gây lúng túng cho những người ngoài cuộc với câu hỏi chính xác thì Trung Quốc đang yêu sách điều gì. Một số nhà quan sát tin rằng Trung Quốc yêu sách vùng nước lịch sử bên trong “đường 9 đoạn” ở biển Đông”. Trả lời báo giới bên lề hội nghị, Giáo sư Tô Hạo, Đại học Ngoại giao ở Bắc Kinh (Trung Quốc), thừa nhận “đường lưỡi bò” đơn thuần là do chính phủ Trung Hoa Dân Quốc trước đây vẽ ra. Đồng thời, ông cũng giải thích lòng vòng về bản đồ này: “Vùng nước nằm phía trong “đường 9 đoạn” không phải là vùng nước Trung Quốc có chủ quyền, mà chỉ là vùng nước có thể đưa ra bàn thảo với các quốc gia khác”.
Báo Người lao động: “Thúc đẩy xây dựng lòng tin ở biển Đông” - Hầu hết đại biểu dự hội thảo đều ủng hộ việc các bên liên quan đến tranh chấp ở biển Đông nhanh chóng thương thảo xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông. Hội nghị đã nhất trí đưa ra 3 nhóm kiến nghị cho chính phủ các nước, gồm: nhóm kiến nghị nhằm thúc đẩy các biện pháp xây dựng lòng tin; nhóm kiến nghị nhằm làm rõ các yêu sách theo hướng phù hợp  với luật quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982; nhóm kiến nghị thúc đẩy hình thành những cơ chế, khuôn khổ hợp tác trong khu vực, nhất là Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC), sự kiềm chế hơn nữa, tuân thủ những điều đã cam kết, đặc biệt là những cam kết tuân thủ các nguyên tắc không sử dụng vũ lực, không đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, tôn trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Hiệp ước thân thiện và hợp tác (TAC) và  Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) mà tất cả các bên liên quan đến tranh chấp đều là thành viên.
Nhận diện yếu tố gây bất ổn ở biển Đông” - Trong ngày 19-11, các đại biểu đã tập trung thảo luận nhiều nội dung như tầm quan trọng của biển Đông, những diễn biến gần đây ở biển Đông, chính trị nội bộ và chính sách đối ngoại ở biển Đông, giá trị chiến lược của hải phận các các tuyến đường giao thông trên biển…Theo phó đô đốc (nghỉ hưu) Hideaki Kaneda, Giám đốc Viện Okazaki ở Nhật Bản, sự phát triển nhanh chóng của quân đội Trung Quốc và tham vọng muốn thành bá chủ trên biển của Bắc Kinh là 2 trong số “những yếu tố bất ổn đáng chú ý gây ảnh hưởng đến an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương”.
"Ngăn chặn và kiểm soát xung đột trên biển Đông" - Đây là một trong các mục tiêu lớn được bàn luận tại Hội thảo khoa học quốc tế về biển Đông lần thứ 4, khai mạc ở TPHCM hôm 19-11. Các học giả nghiên cứu về biển Đông cũng góp phần không nhỏ vào những nỗ lực chung nói trên thông qua việc công bố các kết quà nghiên cứu và phát biểu chính kiến của mình. Nhờ vậy, công luận đã hiểu rõ hơn bản chất của tranh chấp, căng thẳng trong lúc các nhà hoạch định chính sách tính toán kỹ hơn lợi ích của dân tộc trước khi đưa ra các quyết định liên quan đến biển Đông.
Trang BBC: “TQ 'xuống nước' tại hội nghị Biển Đông?” - Hội nghị Biển Đông lần thứ tư này có sự tham gia của học giả có uy tín từ Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Nhật, Nga, Trung Quốc, Singapore, Việt Nam và nhiều nước khác với số tham luận lên tới trên 30. Hội nghị Biển Đông lần thứ tư này có sự tham gia của học giả có uy tín từ Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Nhật, Nga, Trung Quốc, Singapore, Việt Nam và nhiều nước khác với số tham luận lên tới trên 30. Tiến sĩ Nguyễn Nhã nói các học giả Trung Quốc tỏ ra 'mềm mỏng hơn tại Hội nghị Biển Đông vừa kết thúc tại TP Hồ Chí Minh. Học giả Tô Hạo từ Đại học Ngoại giao Trung Quốc ở Bắc Kinh có vẻ cho rằng quan hệ kinh tế giữa các nước Asean với Trung Quốc quan trọng hơn so với những gì Asean thu được từ Biển Đông.
Báo Quân đội Nhân dân: “Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 4: Xây dựng lòng tin và tôn trọng luật pháp quốc tế” - Trao đổi bên lề Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 4 đang diễn ra tại TP Hồ Chí Minh, nhiều học giả quốc tế cho rằng, các bên trực tiếp và không trực tiếp liên quan đến tranh chấp Biển Đông cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc giữ gìn hòa bình và ổn định trên Biển Đông. Theo các học giả, đối thoại hòa bình, xây dựng lòng tin và tôn trọng luật pháp quốc tế là những biện pháp phải được ưu tiên thực hiện.
Trang VTV: “Đường lưỡi bò không có cơ sở pháp lý” - Sau ba ngày làm việc tích cực với 36 tham luận và 107 ý kiến thảo luận, Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ tư về Biển Đông với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển ở khu vực” đã thành công tốt đẹp. Tại hội thảo quốc tế về Biển đông, các học giả cho rằng, các đảo nhỏ của Trường Sa và Hoàng Sa sẽ chỉ có 12 hải lý lãnh hải. Đường lưỡi bò và cái gọi là "quyền lịch sử" của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý và gây lo ngại cho các quốc gia có liên quan. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm soát xung đột và giải quyết tranh chấp tại Biển Đông, các học giả khuyến nghị các bên tranh chấp hợp tác khảo sát các điều kiện tự nhiên và địa lý của các thực thể tại Biển Đông nhằm xác định quy chế pháp lý của các thực thể này theo quy định của Công ước luật biển 1982. Trên cơ sở khảo sát đó, các bên trong tranh chấp làm rõ phạm vi các yêu sách về chủ quyền và vùng biển tại Biển Đông.
Báo Pháp luật Thành phố: “Tái thiết và củng cố lòng tin” - Ông Hasjim Djalal, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, Indonesia, nhấn mạnh: “Tôi nghĩ rằng chúng ta đã có những ký kết được xây dựng từ lòng tin với nhau và chúng ta hy vọng rằng những điều ấy được thực hiện như đã cam kết. Để được như vậy, chúng ta nhất thiết phải xây dựng lòng tin và tất nhiên là cần rất nhiều thời gian để thực hiện điều đó. Tôi mong rằng những hội thảo như thế này sẽ gắn kết cảm xúc, niềm tin và gây được sự chú ý về vấn đề này”.
Trang Vnplus: “Kết thúc Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông” - Hội thảo đã phân tích, trao đổi sâu hơn về nguyên nhân của căng thẳng tại Biển Đông, đánh giá các nhân tố tác động tới quá trình hoạch định và triển khai chính sách Biển Đông ở một số nước; đánh giá sâu hơn về lợi ích và vai trò của các bên liên quan trực tiếp, các bên không liên quan trực tiếp tới tranh chấp tại Biển Đông. Tại hội thảo, một số học giả cảnh báo, các khác biệt lợi ích giữa các nước thành viên ASEAN sẽ là thách thức lớn nhất đối với ASEAN trong những năm tới. Nếu ASEAN không duy trì được đoàn kết nội khối, vai trò của ASEAN trong các cơ chế hợp tác khu vực sẽ sụt giảm thì lợi ích của các nước thành viên ASEAN sẽ bị phớt lờ.
Lê Sơn (tổng hợp)