Thứ Bảy, 10 tháng 11, 2012

3. 10 lý do ASEAN muốn ông Obama đắc cử Tổng thống Mỹ

Nếu có bất kỳ tổng thống Mỹ nào hiểu biết và đánh giá cao về ASEAN thì đó là Obama

1. Nhìn chung, các nhà lãnh đạo ASEAN mong muốn Obama tái đắc cử tổng thống Mỹ để ông có thể tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS), dự kiến tổ chức tại Phnôm Pênh (Campuchia) sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2 tuần. Hội nghị EAS lần thứ 7 này sẽ là một trong số những hội nghị quan trọng giữa các nhà lãnh đạo của ASEAN và các quốc gia quyền lực nhất thế giới bao gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ, trong bối cảnh mỗi nước đều đang phải trải qua nhiều thay đổi quan trọng do những vấn đề trong và ngoài nước gây ra. Với ASEAN, ông Obama đại diện cho một sự cam kết liên tục của Mỹ đối với châu Á.
2. Nếu chiến thắng thuộc về ứng cử viên của đảng Cộng hòa Mitt Romney, ông sẽ không có lý do nào để công du tới Đông Nam Á. Nhiệm vụ đầu tiên của ông sẽ là củng cố bộ máy chính quyền mới của mình cũng như định hình lại chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Trung Đông, tập trung vào Ixraen và Iran. Nếu ông quan tâm tới châu Á thì tất cả sẽ chỉ liên quan tới Trung Quốc và Nhật Bản, còn ASEAN sẽ ở vị trí rất thấp trong danh sách này.
3. Campuchia, Chủ tịch ASEAN hiện nay, đã rất vui mừng khi công bố hôm 31/10 rằng Tổng thống Obama sẽ tới thăm Campuchia và tham dự EAS. Đó là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy Nhà Trắng tự tin vào chiến thắng của Obama trong cuộc bầu cử tổng thống. Sau sự kiện tai tiếng không ra được tuyên bố chung kết thúc hội nghị thường niên của ASEAN diễn ra tháng 7 vừa qua, Campuchia rất muốn chứng minh rằng họ có một chính sách đối ngoại trung lập đối với các cường quốc lớn, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc.
4. Cả Mianma và Thái Lan đang nóng lòng muốn biết liệu ông Obama có xác nhận sẽ ghé thăm họ trong chuyến công du tới Phnôm Pênh sắp tới hay không. Chuyến thăm ba nước thành viên ASEAN này sẽ là chuyến đi mang tính lịch sử, đặc biệt là đối với Mianma. Những cải cách gần đây ở Mianma đã được thế giới hết lời khen ngợi, khiến Tổng thống Obama không thể bỏ qua. Trên thực tế, mối quan hệ Mỹ-Mianma đang trải qua nhiều thay đổi quan trọng. Đối với ông Obama, chuyến công du tới tận Campuchia và Mianma mà bỏ qua Thái Lan - đồng minh lâu đời của Mỹ - là điều không thể xảy ra. Để củng cố vai trò quan trọng của Thái Lan, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Penetta đã lên kế hoạch dừng chân tại Băng Cốc trước khi tới Siem Riep vào ngày 15/11 tới và Ngoại trưởng Hilary Clinton cũng sẽ ghé thăm Băng Cốc 2 ngày trên đường đến Phnôm Pênh trước khi bà kết thúc nhiệm kỳ của mình.
5. Nếu có bất kỳ tổng thống Mỹ nào hiểu biết và đánh giá cao về ASEAN thì đó là Obama. Trong 4 năm qua, ông Obama đã phát triển mối quan hệ gần gũi và dễ chịu với hầu hết các nhà lãnh đạo ASEAN. Trên thực tế, ASEAN đang nghĩ đến việc tổ chức một cuộc họp nữa giữa các nhà lãnh đạo của khối với Tổng thống đương nhiệm của Mỹ. Họ đã gặp nhau một vài lần trước đó và các cuộc gặp gỡ này đã mang lại nhiều kết quả quan trọng. Quả là đúng khi nói rằng ông Obama giúp định hình và duy trì vai trò của Mỹ trong quan hệ với ASEAN.
6. Chính sách tái cân bằng của Mỹ đã giành được sự tán thưởng của các nhà lãnh đạo ASEAN. Chính sách này sẽ bước vào giai đoạn thứ hai khi Mỹ tăng cường cam kết với các nước thành viên ASEAN trong tất cả lĩnh vực. Việc Tổng thống Obama lên kế hoạch thăm Mianma sau Hội nghị EAS và mời Nâypiđô làm quan sát viên trong cuộc tập trận "Hổ mang Vàng" vào năm tới là những dấu hiệu rõ ràng cho thấy ý định của Oasinhtơn muốn tăng cường hợp tác an ninh với tất cả các nước thành viên ASEAN. Đây sẽ là một cơ chế đảm bảo an ninh mới cho khu vực. Với sự hiện diện và cam kết mạnh mẽ hơn của Mỹ, quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Oasinhtơn khởi xướng đang gặt hái được nhiều thành tựu khi ngày càng có thêm các nước thành viên ASEAN muốn tham gia vào quá trình đàm phán TPP. Thái Lan sẽ là một trong số này.
7. ASEAN muốn một tổng thống Mỹ có chính sách đối ngoại thiết thực với Trung Quốc. Việc nằm gần kề với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này mang đến cho ASEAN nhiều lợi ích, song bên cạnh đó cũng có không ít căng thẳng. Mặc dù là một lực lượng cân bằng song Mỹ lại nằm ở phần khác của thế giới. Trong quá khứ, khi Trung Quốc là nước nghèo và kém phát triển, họ không phải là mối đe dọa. Tuy nhiên, hiện nay, ASEAN đang phải học cách làm thế nào để đối phó với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này, vốn đang đứng ở vị thế cao và luôn tự hào về những thành tựu mà họ đạt được. Chính sách đối với Trung Quốc của Chính quyền Obama là cả cạnh tranh và hợp tác. Điều này tốt cho cách tiếp cận của ASEAN đối với hai đối tác đối thoại siêu cường này. ASEAN sẽ được lợi từ các cách tiếp cận cân bằng, có đủ không gian cho cả hai cường quốc cùng tham gia và đảm bảo họ vẫn có tầm ảnh hưởng riêng theo cách thức giúp gia tăng vị thế của khu vực chứ không phải phá hỏng nó.
8. ASEAN thích nhà lãnh đạo Mỹ nào không đối xử với Nga như kẻ thù và không gây ra những tác động trực tiếp đến hòa bình và ổn định của khu vực. Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Vladimir Putin, Nga đang quay trở lại khu vực, đặc biệt là các nước Đông Dương trước đây. Mátxcơva muốn có quan hệ chặt chẽ hơn với ASEAN và sẵn sàng làm nhiều hơn nữa để tận dụng mối quan hệ này. Tại Việt Nam, Lào và Campuchia, người ta vẫn có thể chứng kiến nhiều dấu tích cho thấy sự hiện diện mạnh mẽ một thời của Liên bang Xô viết. Năm 2005, Mátxcơva là nước đầu tiên bày tỏ mong muốn tham dự EAS khi đó mới ra đời.
9. Nếu đương kim Tổng thống Obama tái đắc cử, các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ không phải bận tâm về Mỹ và có thêm thời gian để xem xét những nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc, dự kiến sẽ được quyết định vào tuần tới. Trong thập kỷ qua, ASEAN đã ảo tưởng rằng Trung Quốc sẽ không quá hung hăng, tìm cách thỏa hiệp với các lợi ích của ASEAN và hành động một cách ôn hòa nhất có thể. Tuy nhiên, các tranh chấp ở Biển Đông và hậu quả của nó đã làm thay đổi quan niệm này. Kể từ bây giờ, các nước ASEAN sẽ phải tìm cách "giải mã" hàng loạt các lãnh đạo mới và trẻ hơn của Trung Quốc, cũng như động cơ của họ đối với khu vực. Nếu việc này thất bại, cả hai bên sẽ thêm nghi kỵ lẫn nhau - đây là điều mà đôi bên đều không thể để xảy ra trong thời điểm hiện nay. 
10. Các nhà lãnh đạo ASEAN, đặc biệt là những người từ các quốc gia Hồi giáo, không thích chính sách của ứng cử viên Romney muốn gây chiến với Iran - quốc gia mà họ luôn duy trì mối quan hệ song phương tốt đẹp. Bất chấp các biện pháp trừng phạt, một số thành viên ASEAN vẫn tiếp tục giao dịch với Iran, đặc biệt, Inđônêxia, Malaixia và Thái Lan có mối quan hệ kinh tế sâu rộng với Iran.
Theo “Nation multimedia” (ngày 5/11)
Hương Trà (gt)
http://nghiencuubiendong.vn/tin-quoc-te-tong-hop/3077-10-ly-do-asean-muon-ong-obama-dac-cu-tong-thong-my