Thứ Bảy, 10 tháng 11, 2012

11. Cuộc “hành trình” của châu Âu tới châu Á

7:14' 9/11/2012
Trả lời phỏng vấn báo chí của Việt Nam trước khi tham dự ASEM 9, Thủ tướng Nga Đmi-tơ-ri Mét-ve-đép khẳng định, nước Nga là cầu nối giữa hai trung tâm quan trọng nhất của nền chính trị và kinh tế thế giới là châu Âu và châu Á.

TCCSĐT - Năm 2012, thế giới chứng kiến cuộc “hành trình” của các cường quốc tới châu Á. Đầu tiên là Mỹ công bố chủ trương “trở lại châu Á” vào tháng 1-2012, tiếp đến là Ô-xtrây-li-a công bố Sách trắng “Ô-xtrây-li-a trong Thế kỷ châu Á" vào ngày 28-10-2012. Vừa qua, Hội nghị Cấp cao Á-Âu lần thứ 9 (ASEM 9) lại là một sự kiện nữa chứng tỏ xu hướng châu Âu đã và đang “hành trình” tới châu Á.


Với sự tham dự của Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu Héc-man Van Rô-pơi (Herman Van Ropuy), Chủ tịch Ủy ban châu Âu Giô-xê Ma-nu-en Ba-rô-xô (Jose Manuel Barroso), Thủ tướng Nga Đmi-tơ-ri Mét-ve-đép (Dmitry Medvedev) cùng các vị nguyên thủ, người đứng đầu Chính phủ nhiều nước châu Âu, ASEM 9 là minh chứng về “cuộc hành trình” của “lục địa già” tới châu Á - nơi được mệnh danh là “lục địa trẻ” vì tập trung đa số các nền kinh tế mới nổi và đang tạo nên sự tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu.

Cơ chế đối thoại có một không hai trên lục địa Á – Âu


Do sự hội nhập của các nước châu Âu vào châu Á, hiện đang hình thành một cơ chế đối thoại có tính đặc trưng của các nước trên lục địa Á - Âu, thể hiện ở nhiều khía cạnh.

Một là, cơ chế đối thoại đa nguyên về thể chế chính trị. Hiện tại, các nước trên hai lục địa Á - Âu do điều kiện lịch sử phát triển theo các thể chế chính trị khác nhau, gồm thể chế chính trị của các nước xã hội chủ nghĩa còn lại sau khi Liên Xô tan rã như Trung Quốc, Việt Nam và Lào; thể chế chính trị theo mô hình chuyển đổi ở Nga; thể chế chính trị của các nước tư bản phát triển ở châu Âu và thể chế chính trị của các nước xã hội chủ nghĩa trước kia nay vừa gia nhập EU.

Hai là, cơ chế đối thoại đa dạng về hình thái kinh tế - xã hội. Do sự khác nhau về thể chế chính trị, mô hình và trình độ phát triển kinh tế, nên các nước tham gia đối thoại trong ASEM thể hiện sự đa dạng về hình thái kinh tế - xã hội.

Ba là, cơ chế đối thoại đa dạng về văn hóa và lịch sử. Có thể coi ASEM là diễn đàn đối thoại của các quốc gia có truyền thống lịch sử và văn hóa lâu đời, phong phú và đa dạng nhất trên thế giới. Trong đó, nổi lên nền văn minh phương Tây lâu đời của các nước châu Âu và nền văn minh phương Đông có lịch sử từ nhiều nghìn năm của các nước châu Á, đồng thời cũng là nơi diễn ra quá trình hội nhập, học hỏi, tiếp thu lẫn nhau hết sức phong phú và đa dạng.

Bốn là, tính bao dung và bình đẳng của các quốc gia thành viên. ASEM là cơ chế đối thoại không phân biệt các quốc gia tham gia là lớn hay nhỏ, giàu hay nghèo, mạnh hay yếu mà chỉ nhằm mục tiêu hợp tác và phát triển vì sự thịnh vượng, vì hòa bình và hữu nghị.

Hợp tác kinh tế là trọng tâm
Trong bối cảnh nhiều nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đang lâm vào vòng xoáy nợ công, còn các nước châu Á vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, thì sự hợp tác kinh tế là chủ đề trọng tâm của ASEM.

Tại ASEM 9 lần này, sau khi các nước Băng-la-đét (Bangladesh) ở châu Á và Na Uy, Thụy Sĩ ở châu Âu được kết nạp làm thành viên mới, ASEM sẽ chiếm trên 60% dân số thế giới và gần 60% GDP toàn cầu, mở ra cơ hội cho các nước châu Âu khẳng định, Liên minh châu Âu (EU) vẫn là một khu vực ổn định và tăng trưởng, còn các nước châu Á tiếp tục nỗ lực duy trì nhịp độ tăng trưởng. Đồng thời, hỗ trợ các quốc gia châu Âu nhanh chóng thoát ra khỏi vòng xoáy cuộc khủng hoảng nợ công đã “tàn phá” châu lục này trong hơn 3 năm qua.

Theo nhận định của Tổng thống Pháp Phrăng-xoa Ô-lăng-đơ (François Hollande), trong bối cảnh hiện nay, một số nước châu Á vẫn còn hoài nghi về sự ổn định của EU, do đó các nước châu Âu cần phải thực hiện “cuộc hành trình” tới châu Á để chứng minh cho châu lục này thấy EU vẫn là một liên minh mạnh về kinh tế, đang nỗ lực tái lập ổn định và thúc đẩy tăng trưởng, thành lập Liên minh ngân hàng, qua đó trấn an các nhà đầu tư châu Á, thúc đẩy họ quay lại thị trường châu Âu. Đồng thời, các nước châu Âu muốn thông qua nỗ lực củng cố quan hệ đầu tư với các nước châu Á để thoát khỏi tình trạng suy thoái. Tại ASEM 9, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Giô-xê Ma-nu-en Ba-rô-xô tuyên bố rằng, châu Âu tin rằng châu Á trở nên ngày càng quan trọng hơn và do đó các nước trên lục địa Á - Âu cần và nên hợp tác cùng nhau để bàn cách đối phó với các thách thức có tầm toàn cầu.

Để đón chào cuộc “hành trình sang châu Á” của các nước châu Âu, chủ đề của ASEM 9 lần này là “Bạn bè vì hòa bình, đối tác vì thịnh vượng” nhằm thể hiện nguyện vọng chung của các nước trên lục địa Á - Âu tạo động lực mới nhằm tăng cường, củng cố và làm sâu sắc thêm sự hợp tác giữa châu Á và châu Âu. Theo chủ trương đó, Diễn đàn doanh nghiệp Á - Âu lần thứ 13 được tổ chức 1 ngày trước khi khai mạc ASEM 9, với chủ đề chính “Chăm sóc trái đất vì kinh tế và kinh doanh bền vững ở châu Á và châu Âu”.

Tại Diễn đàn doanh nghiệp Á - Âu lần thứ 13, các đại biểu đã thảo luận nhiều vấn đề quan trọng như các xu hướng hiện nay và tương lai trong quan hệ kinh tế và kinh doanh giữa châu Á và châu Âu; triển vọng tăng trưởng ở châu Á và châu Âu; tiếp cận tài chính; môi trường và an ninh lương thực, năng lượng và quản lý bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên; thị trường và kết nối giữa châu Âu và các Tiểu vùng của châu Á mà trọng tâm là Tiểu vùng Mê Công mở rộng. Diễn đàn Doanh nghiệp Á - Âu lần thứ 13 gửi tới ASEM 9 một thông điệp chính là cần có một môi trường ổn định về chính trị, xã hội và kinh tế, dỡ bỏ những trở ngại đối với thương mại hàng hóa và dịch vụ cũng như đầu tư.

Phiên họp đầu tiên của ASEM 9 dành để bàn về các vấn đề kinh tế - tài chính, trong đó lãnh đạo nhiều các nước tới dự ASEM 9 đặt nhiều hy vọng vào cơ chế hợp tác Á - Âu để tìm ra một lối thoát cho cuộc khủng hoảng nợ công hiện nay tại Eurozone. Cả Chủ tịch Hội đồng châu Âu Héc-man Van Rôm-pơi và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Giô-xê Ma-nu-en Ba-rô-xô đều khẳng định, việc tăng cường cơ chế hợp tác Á - Âu là yêu cầu cần thiết hơn bao giờ hết và đây là quan hệ hợp tác hai bên cùng có lợi. Các nước châu Á là thị trường rộng lớn cho châu Âu, còn các thành viên EU cũng mang tới cho châu Á thị trường lớn nhất thế giới. EU hiện là nhà viện trợ lớn nhất tại châu Á và cũng là khu vực chiếm vị trí hàng đầu trong hoạt động chuyển giao khoa học - công nghệ cho các nước trong khu vực này. Tuy nhiên, để sự hợp tác có hiệu quả, các nước trên cả hai châu lục cần có quyết tâm chính trị rất cao. Về vấn đề này, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Giô-xê Ma-nu-en Ba-rô-xô nhấn mạnh: “Chúng ta đang đại diện cho một nửa dân số thế giới, hơn một nửa GDP toàn cầu và 55% thương mại thế giới. Đó là những con số ấn tượng cho thấy vai trò trung tâm của mối quan hệ Âu - Á. Chính mối quan hệ của chúng ta là chìa khóa cho thịnh vượng và an ninh của thế giới”.

Không chỉ là hợp tác kinh tế
Tại cuộc Họp báo về kết quả Hội nghị cấp cao Á - Âu lần thứ 9 chiều ngày 6-11-2012, Thủ tướng Lào Thoong-xỉnh Thăm-mạ-vông (Thongsing Thammavong), Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu Héc-man Van Rôm-pơi và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Giô-xê Ma-nu-en Ba-rô-xô (Jose Manuel Barroso) thông báo, tại ASEM 9, ngoài chủ đề hợp tác kinh tế, lãnh đạo các nước thành viên còn đề cập tới nhiều vấn đề toàn cầu và khu vực cùng quan tâm, đặc biệt là những tiến bộ trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN và những diễn biến chính trị - an ninh ở châu Á, châu Âu, Trung Đông, châu Phi; trao đổi về hợp tác và phát triển văn hóa - xã hội, khuyến khích du lịch và quan hệ rộng mở giữa nhân dân nhằm tăng cường tình hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai châu lục.

ASEM 9 đã thảo luận về phương hướng tương lai của ASEM nhằm tăng cường đối tác toàn diện và cải thiện ASEM ngày càng cởi mở và hiệu quả hơn. Việc kết nạp 3 thành viên mới tại ASEM 9 đã khẳng định tầm quan trọng của ASEM với tư cách là một diễn đàn chiến lược để trao đổi quan điểm giữa hai châu lục Á - Âu.

Lãnh đạo các nước thành viên ASEM có chung quan điểm trong nhiều vấn đề như tất cả các đối tác ASEM chung sống hòa bình, bảo đảm an ninh và ổn định lâu dài cho các dân tộc, loại trừ chiến tranh ra khỏi đời sống nhân loại, không sử dụng vũ lực; không can thiệp trực tiếp hoặc gián tiếp vào công việc nội bộ của nhau; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và nhất trí đẩy mạnh hợp tác về phát triển bền vững; bảo đảm cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế ổn định; phát triển xã hội và bảo vệ môi trường đồng thời cam kết thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các đối tác ASEM.

Nước Nga - nhịp cầu kết nối trong “cuộc hành trình” của châu Âu tới châu Á
Trước khi tham dự ASEM 9, Thủ tướng Nga Đmi-tơ-ri Mét-ve-đép đã có bài viết đăng tải trên các báo lớn ở Nga, trong đó ông khẳng định Nga đã trở thành cầu nối giữa hai trung tâm quan trọng nhất của nền chính trị và kinh tế thế giới là châu Âu và châu Á.

Thủ tướng Nga Đmi-tơ-ri Mét-ve-đép nêu rõ, từ khi gia nhập ASEM vào năm 2010, Nga đã trở thành cầu nối cho diễn đàn, nơi phản ánh nổi bật hai xu hướng phát triển chủ yếu của thế giới, gồm một bên là quá trình toàn cầu hóa và gia tăng sự phụ thuộc lẫn nhau, còn bên kia là sự phát triển của khu vực và vai trò tăng lên của những khu vực phát triển mạnh nhất. Là quốc gia trải dài trên cả hai lục địa Âu - Á, có nền văn hóa đa dạng và tiềm năng kinh tế hùng hậu, Liên bang Nga không thể không trở thành cầu nối cho quá trình phát triển này của thế giới và ASEM.

Trong những năm tới và các thập kỷ tới, nước Nga đang đặt ra một nhiệm vụ lịch sử quan trọng là bảo đảm cho nền kinh tế phát triển nhanh chóng theo hướng hiện đại hóa trên cơ sở phát triển hài hòa các khu vực trong toàn liên bang, trước hết là Xi-bê-ri (Siberia) và Viễn Đông. Việc thực hiện nhiệm vụ này tạo điều kiện cho phép Nga tham gia tích cực hơn vào quá trình phát triển châu Á - Thái Bình Dương, khu vực đã trở thành trọng tâm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, bảo đảm gần 55% tổng thu nhập toàn cầu và gần 1/2 tổng kim ngạch thương mại của thế giới.

Người đứng đầu Chính phủ Nga nhấn mạnh, Nga có diện tích chiếm gần 1/3 lục địa Á - Âu nhưng tiềm lực giao thông - vận tải và vận tải quá cảnh của Nga chưa được sử dụng triệt để. Mạng lưới giao thông vận tải của Nga phát triển khá mạnh gồm các tuyến đường sắt và đường bộ xuyên Xi-bê-ri và Bai-can-A-mua (Baikal-Amur), hằng năm có thể chuyên chở 100 triệu tấn hàng, các hải cảng ở Thái Bình Dương, Bắc Băng Dương và Đại Tây Dương với thời gian vận chuyển từ Viễn Đông sang châu Âu chỉ mất hai tuần so với 35 ngày đêm của các tuyến đường vận tải đối trọng, hệ thống sân bay và đường vận tải hàng không ngắn nhất nối liền hai lục địa Âu - Á.

Thủ tướng Nga Đmi-tơ-ri Mét-ve-đép nhận định, ASEM là diễn đàn thích hợp để thảo luận các vấn đề này cùng mọi vấn đề cấp bách nhất của sự phát triển hiện nay tại lục địa Á - Âu cũng như trên thế giới gồm phát triển kinh tế ổn định, sử dụng công nghệ mới và đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu. Do đó, Nga sẵn sàng phối hợp hành động chặt chẽ trong khuôn khổ ASEM nhằm thúc đẩy sự phát triển đi lên của lục địa Á - Âu./.

Hương Ly