Thứ Bảy, 10 tháng 11, 2012

12. Cánh tả Mỹ La-tinh: Những thách thức cần vượt qua

16:41' 8/11/2012
TCCSĐT - Việc tái đắc cử nhiệm kỳ Tổng thống lần thứ 3 của ông Hu-gô Cha-vết (Hugo Chavez) đã phản ánh nguyện vọng của đa số người dân đang hướng về tinh thần của cuộc cách mạng Bô-li-va (Bolivar) - hướng về một tương lai tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội (CNXH) hiện đại của thế kỷ XXI mà các nhà xã hội chủ nghĩa (XHCN) cánh tả Mỹ La-tinh đang theo đuổi. Tuy nhiên, hiện nay tại Mỹ La-tinh vẫn đang diễn ra sự tranh giành ảnh hưởng giữa Mỹ và các nước thuộc khối BRICS (Bra-xin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi).

1. Viễn cảnh tương lai và cạnh tranh ảnh hưởng
Theo các chuyên gia phân tích khu vực, tại Mỹ La-tinh trong trung và dài hạn có thể diễn ra ba viễn cảnh: Một là, Mỹ tiếp tục duy trì được vị thế bá chủ thế giới và khu vực. Hai là, Mỹ mất vị thế bá chủ thế giới, nhưng tiếp tục duy trì được ảnh hưởng sâu rộng đối với Mỹ La-tinh. Ba là, Mỹ mất cả vị trí bá chủ thế giới và khu vực.

Trong các viễn cảnh nêu trên, nếu diễn ra viễn cảnh thứ ba sẽ là một thuận lợi lớn đối với phong trào cánh tả Mỹ La-tinh, vì bản đồ chính trị Mỹ La-tinh hiện nay đang được đánh dấu với một số đảng cánh tả cầm quyền tại các nước, như: Cu-ba (Cuba), Vê-nê-du-ê-la (Venezuela), Ni-ca-ra-goa (Nicaragua), En Xan-va-đo (El Salvador), Bra-xin (Brazil), Ê-cu-a-đo (Ecuador), Bô-li-vi-a (Bolivia), U-ru-goay (Uruguay), Pa-ra-goay (Paraguay), Ác-hen-ti-na (Argentina) và Cộng hòa Đô-mi-ni-ca (Dominica). Trong số các nước nêu trên, Cu-ba đã giành được chính quyền bằng đấu tranh vũ trang năm 1961, còn các chính phủ cánh tả khác giành được chính quyền bằng đấu tranh nghị trường, khởi đầu là cuộc đấu tranh của phong trào cộng hòa do Tổng thống Vê-nê-du-ê-la Hu-gô Cha-vết lãnh đạo giành thắng lợi năm 1998 và gần đây nhất là chiến thắng của phe cánh tả tại En Xan-va-đo năm 2009.

Lực lượng cánh tả tại các nước Mỹ La-tinh có đường lối chính trị, biện pháp đấu tranh khác nhau, song có một số đặc điểm chung là: kế thừa một số chính sách của chủ nghĩa tự do mới, chính sách phát triển bảo thủ mang tính thực dân; giai cấp tư sản tại các nước Mỹ La-tinh chống đối mọi chính sách tái phân chia quyền lực, tài nguyên và của cải vật chất của xã hội. Các nước vốn là “mẫu quốc” của Mỹ La-tinh như: Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Anh, Pháp và cả Mỹ, đều có thái độ chống lại các chính phủ cánh tả Mỹ La-tinh có chính sách ưu tiên cho các tiến trình hội nhập khu vực.

Hiện nay, tại Mỹ La-tinh đang tồn tại nhiều tổ chức ủng hộ hội nhập khu vực như Khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR), Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR), Liên minh Bô-li-va của các dân tộc Nam Mỹ (ALBA) và Cộng đồng các quốc gia Mỹ La-tinh và Ca-ri-bê (Caribe) (CELAC). Một số nước tham gia ký các sáng kiến hội nhập như: các hiệp định thương mại tiểu vùng, hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương nhằm phục vụ cho các mục tiêu hội nhập, tiến tới hình thành một Khu vực Tự do thương mại của các nước Mỹ La-tinh.

Tại khu vực cũng đang diễn ra sự cạnh tranh ảnh hưởng mạnh mẽ giữa Mỹ và các nước thuộc nhóm BRICS trên lĩnh vực kinh tế, thương mại. Sự cạnh tranh ảnh hưởng này đã biến Mỹ La-tinh trở thành khu vực thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế, trở thành một trong những khu vực kinh tế năng động, có vị thế địa chiến lược quan trọng trên thế giới.

2. Những thách thức phải vượt qua
Theo các nhà nghiên cứu, các chính phủ cánh tả Mỹ La-tinh sẽ phải đối phó với những thách thức lớn về lý luận, chiến lược phát triển và nhiệm vụ nặng nề như:

Một là, phải đương đầu với sự chống phá của Mỹ và phe cánh hữu, sử dụng các thủ đoạn: thông tin tuyên truyền chống các chính phủ cánh tả; gây chia rẽ các nước cánh tả Mỹ La-tinh, phân loại các nước ôn hòa và cấp tiến, tiến hành kích động, gây xung đột lợi ích giữa các nước này; phát động các chiến dịch nhằm gây bất ổn định, hậu thuẫn các cuộc đảo chính lật đổ các chính phủ cánh tả, như đã thực hiện tại Hon-đu-rát (Honduras) năm 2009; hỗ trợ cho các đảng cánh hữu ra tranh cử, với chiến thuật này Mỹ đã thành công ở Pa-na-ma (Panama), Cô-xta Ri-ca (Costa Rica) và Chi-lê (Chile); gây sức ép quân sự thông qua việc tái thành lập Hạm đội IV, mở rộng chuỗi các căn cứ quân sự của Mỹ và các đồng minh châu Âu trong khu vực.

Hai là, cánh tả phải đương đầu với nguy cơ mất chính quyền đã giành được qua bầu cử từ các âm mưu chống phá của phe cánh hữu.

Ba là, sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi tham gia tranh cử, năm 2011 đã diễn ra các cuộc bầu cử tại Goa-tê-ma-la (Guatemala), Ác-hen-ti-na và Ni-ca-ra-goa, năm 2012 tại Vê-nê-du-ê-la và Mê-xi-cô (Mehico).

Bốn là, các chính phủ cánh tả đang chịu sức ép từ yêu cầu phải thúc đẩy và kiểm soát tiến trình đổi mới cơ cấu về dân chủ, nhân quyền. Cánh tả Mỹ La-tinh hiện nay vẫn đang phải đương đầu với sự chống phá quyết liệt cả trong và ngoài nước về vấn đề “dân chủ, nhân quyền”.

Tiến trình thay đổi cơ cấu xây dựng trên cơ sở một chính phủ được bầu cử hoàn toàn khác so với được xây dựng trên những chính phủ cách mạng. Các chính phủ cầm quyền với sự tham gia của cánh tả thường là các liên minh chính trị (bao gồm các đảng cánh tả, trung tả và thậm chí cả cánh hữu) vận hành trong khuôn khổ của chủ nghĩa tư bản, vì thế các chính sách dù xét trên phương diện nào cũng đều có lợi cho giai cấp tư bản.

Ngoài sự chống đối của cánh hữu, các chính phủ cánh tả còn gặp sự chống đối từ ngay trong nội bộ lực lượng cánh tả, vì có những bộ phận đấu tranh chống sự thỏa hiệp với giới tư sản và việc áp dụng các chính sách mà họ cho là của chủ nghĩa tư bản. Bra-xin là một ví dụ điển hình về sự phức tạp và khó khăn để tiến hành thay đổi cơ cấu theo hướng dân chủ. Để tiến hành cải cách cơ cấu hoặc ít nhất là xây dựng lực lượng, chính phủ cánh tả cần phải có đường lối chính trị vững chắc. Nếu không có cơ sở lý luận chính trị có tính thuyết phục thì các chính phủ cánh tả dễ bị lật đổ như đã từng diễn ra tại Hon-đu-rát. Để đối phó với thách thức này, cánh tả Mỹ La-tinh không thể nóng vội và cũng không được quá chậm chạp, cần phải đánh giá tình hình khách quan, tương quan lực lượng và nối lại các cuộc tranh luận chiến lược công khai hoặc tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý về sự thay đổi, điều chỉnh cơ cấu, như kinh nghiệm của Đảng Thống nhất Nhân dân Chi-lê.

Năm là, đẩy nhanh tiến trình hội nhập nhằm khai thác tối đa tiềm năng của khu vực và hạn chế sự can thiệp của chủ nghĩa đế quốc.

Sáu là, làm chủ và bảo vệ được bản sắc nền văn hóa Mỹ La-tinh và Ca-ri-bê, vì hiện nay lối sống và văn hóa Mỹ đang có ảnh hưởng rất lớn đến khu vực.

Bảy là, mở rộng lực lượng cánh tả Mỹ La-tinh và Ca-ri-bê, cụ thể là tăng cường khả năng liên kết, phối hợp giữa các chính phủ, đảng phái và phong trào xã hội tiến bộ khu vực. Nếu không đạt được mục tiêu này, cánh tả Mỹ La-tinh ngày càng khó khăn khi đối phó với sự chống phá của phe cánh hữu cũng như các thách thức nảy sinh từ hội nhập khu vực và bất ổn trên thế giới.

3. Những giải pháp chủ yếu
Các chuyên gia phân tích cho rằng, cánh tả Mỹ La-tinh phải khắc phục các yếu tố tiêu cực như: khủng hoảng về đường lối phát triển dân tộc, dân chủ và XHCN, vốn đã bị ảnh hưởng, chi phối bởi học thuyết “chủ nghĩa tự do mới”; Chưa đưa ra được các cương lĩnh, chiến lược tranh cử đúng đắn để bảo đảm thắng lợi và tham gia vào thể chế nhà nước; thiếu lý luận thực tiễn về việc xây dựng các mặt trận đa giai cấp, tầng lớp trong khi giai cấp những người lao động đang có nguy cơ bị chia rẽ và suy yếu.

Các yếu tố tiêu cực nêu trên có những tác động khác nhau đối với các phong trào, tổ chức cánh tả trong khu vực. Tuy nhiên, hiện nay tại Mỹ La-tinh đang tồn tại ba xu hướng chính trong phe cánh tả, đó là: chủ nghĩa trung lập, chủ nghĩa không tưởng và chủ nghĩa phong trào. Ở các nước có nền kinh tế công nghiệp đa dạng như Bra-xin và U-ru-goay thì sự đối kháng chính trị - xã hội đã áp đặt được giới hạn đối với chủ nghĩa tự do mới. Do đó, Đảng Lao động Bra-xin và Đảng Mặt trận U-ru-goay cầm quyền được lâu dài hơn. Mặc dù cánh hữu thất cử nhưng tầm ảnh hưởng vẫn còn và có thể ngăn chặn các tiến trình sửa đổi hiến pháp và cải cách cơ cấu. Tại các nước này, chủ nghĩa thực dụng trung tả chiếm ưu thế trong khi chủ nghĩa không tưởng và chủ nghĩa phong trào hầu như không tồn tại.

Giữa các điều kiện chủ quan và khách quan, chỉ có một giải pháp để phát triển khu vực nói chung và từng quốc gia nói riêng đó là giải pháp hội nhập, đây cũng là chủ đề chính trong các cuộc tranh luận chính trị của phe cánh tả Mỹ La-tinh. Hội nhập không bảo đảm cho tương lai của CNXH của các nước Mỹ La-tinh và Ca-ri-bê và cũng không phải toàn bộ các chiến lược hội nhập đều tương thích với các chiến lược xây dựng CNXH tại các nước cánh tả khu vực. Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới hiện nay, hội nhập là cách duy nhất đưa CNXH phát triển thực sự. Vì vậy, để phát triển và mở rộng lực lượng của mình mà không bị mất đi định hướng chính trị, cánh tả Mỹ La-tinh cần phải chú trọng tranh luận, nghiên cứu sâu về chủ nghĩa tư bản thế kỷ XXI, so sánh với CNXH thế kỷ XX để từ đó tìm ra được những giải pháp nhằm giải quyết mối quan hệ biện chứng giữa cải tạo quốc gia và hội nhập khu vực và quốc tế.

Mặc dù cánh tả Mỹ La-tinh đang phải đối phó với nhiều khó khăn, thách thức, song vẫn còn những dấu hiệu tích cực về triển vọng hội nhập khu vực. Ngoài việc UNASUR đã có chiến lược đối phó với những tác động của khủng hoảng tài chính thế giới; vào tháng 12 tới, cánh tả Mỹ La-tinh sẽ đánh dấu bước phát triển mới về hội nhập với việc thành lập Cộng đồng kinh tế Mỹ La-tinh và Ca-ri-bê. Trong bối cảnh tình hình hiện nay, đối với cánh tả Mỹ La-tinh, việc đẩy nhanh tiến trình hội nhập khu vực Mỹ La-tinh và Ca-ri-bê đã, đang và sẽ là giải pháp tối ưu nhằm từng bước vượt qua những khó khăn, thách thức nêu trên.

Có thể thấy, hội nhập khu vực là giải pháp mà các nhà lãnh đạo cánh tả Mỹ La-tinh lựa chọn để phát triển đất nước nói riêng và phong trào cánh tả Mỹ La-tinh nói chung. Trên cơ sở đó, nâng cao tính độc lập của khu vực trước những ảnh hưởng của Mỹ, tạo tiền đề để các nước trong khu vực có thể hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau, thúc đẩy hợp tác kinh tế, chính trị, quân sự và văn hóa khu vực và tiểu khu vực./.


Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Tiến Nghĩa: Lịch sử nhân loại không dừng lại ở CNTB mà tiến lên CNXH.
 www.tapchicongsan.org.vn; 31-5-2009

2. Trần Long: Hu-gô Cha-vết và những chiến thắng nối dài cho cánh tả Mỹ La-tinh. http://www.baomoi.com; 11-10-2012

3. Quách Quỳnh: Chuyển biến không đột biến http://www.tapchicongsan.org.vn; 10-10-2012

4. NN: Tổng thống Hu-gô Cha-vết tái đắc cử nói lên điều gì? http://vov.vn; 9-10-2012
Nguyễn Nhâm