Thứ Bảy, 10 tháng 11, 2012

13. Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma trước những thách thức lớn

18:29' 5/11/2012
TCCSĐT- Làn sóng bạo lực chống Mỹ đang diễn ra tại một loạt nước Trung Đông và thế giới A-rập, trong khi kinh tế Mỹ vẫn còn nhiều khó khăn. Đó là những thách thức lớn trước ứng cử viên - đương kim Tổng thống B. Ô-ba-ma (Barac Obama).


Tình huống trớ trêu

Gần đây, một làn sóng bạo lực tấn công các cơ quan ngoại giao của Mỹ ở hơn 20 quốc gia Hồi giáo và thế giới A-rập, trong đó có Ai Cập, Li-bi, Y-ê-men, I-ran, Pa-ki-xtan, Áp-ga-ni-xtan, In-đô-nê-xi-a…, khiến Tổng thống B. Ô-ba-ma lâm vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Khi mới bước vào Nhà trắng, tân Tổng thống B. Ô-ba-ma từng hứa hẹn sẽ tạo ra “một sự khởi đầu mới” với thế giới Hồi giáo. Phát biểu tại Cai-rô trong chuyến thăm Ai Cập tháng 6-2009, ông bày tỏ hy vọng sẽ “cài đặt lại” các quan hệ với khu vực này và xoa dịu những ác cảm của thế giới A-rập đối với người Mỹ. Thế nhưng, trên thực tế, ông đã phải rất chật vật để đối phó với sự chuyển đổi to lớn đã và đang diễn ra tại khu vực này.

Vào đúng dịp kỷ niệm 11 năm vụ tấn công khủng bố làm rung chuyển cả thế giới (11-9-2001 - 11-9-2012), những đoàn người biểu tình giận dữ xông vào đại sứ quán Mỹ tại Cai-rô (Cairo), Ai Cập, xé bỏ quốc kỳ Mỹ, thay vào đó là ngọn cờ Hồi giáo màu đen. Còn tại thành phố Ben-ga-di (Bengadi), nơi được nhiều người ngợi ca là “cái nôi” của cuộc “cách mạng hoa Nhài” Li-bi, những đoàn người hung dữ đã xông vào Lãnh sự quán Mỹ, giết hại Đại sứ Mỹ Cri-xtô-phơ Xtê-vân (Christopher Stevens) và 3 nhân viên ngoại giao khác. Tại Y-ê-men, I-ran, Pa-ki-xtan, In-đô-nê-xi-a…, trong những ngày trung tuần tháng 9 vừa qua, hàng nghìn người biểu tình đã bao vây, uy hiếp an ninh đại sứ quán Mỹ. Tất cả những cuộc biểu tình, nổi loạn, đập phá các Đại sứ quán Mỹ nói trên đều biểu hiện sự tức giận vì bộ phim “Sự ngây thơ của tín đồ Hồi giáo” của điện ảnh Mỹ đã báng bổ nhà tiên tri Hồi giáo Mô-ham-mét (Mohammad). Đấy là cái hố sâu ngăn cách ngày càng lớn giữa Mỹ với thế giới A-rập và các thế lực Hồi giáo quá khích tại Trung Đông, Bắc Phi. Rõ ràng, đây là một tình huống trớ trêu đối với Tổng thống B. Ô-ba-ma.

Chính phủ Li-bi đã ngay lập tức lên án cuộc tấn công Lãnh sự quán Mỹ ở Ben-ga-di và cam kết hợp tác với Mỹ nhằm tìm ra những kẻ sát hại các nhà ngoại giao Mỹ. Cho đến nay, đã lần ra một vài đầu mối nghi ngờ có bàn tay của mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda. Thế nhưng, phản ứng của Ai Cập lại không phải như vậy. Tổng thống Ai Cập Mô-ha-mét Mơ-xi (Mohamed Mursi) đã giận dữ lên án sự xúc phạm Hồi giáo của điện ảnh Mỹ. Ông không đả động gì tới hành động của đám đông người Ai Cập xông vào Đại sứ quán Mỹ ở Cai-rô, xé quốc kỳ Mỹ - điều đã làm cho Oa-sinh-tơn hết sức tức giận. Phát biểu trên kênh truyền hình tiếng Tây Ban Nha Telemundo, Tổng thống B. Ô-ba-ma tuyên bố: Chính phủ Ai Cập do những người Hồi giáo lãnh đạo sẽ không được coi là đồng minh của Mỹ. Song ông cũng nói thêm: “Tuy nhiên, chúng tôi không coi họ là kẻ thù”.

Sự việc bất ngờ ở Trung Đông và nhiều nước Hồi giáo khác đã khiến cả hai ứng cử viên tổng thống Mỹ phải chịu sức ép chính trị. Thế nhưng, nhân vụ việc này, ứng cử viên Đảng Cộng hòa, ông Mít Rôm-ni (Mitt Romney) còn “chính trị hóa” vấn đề cho to chuyện, nhằm đẩy ứng cử viên Đảng Dân chủ, đương kim Tổng thống B. Ô-ba-ma, vào tình thế khó xử trên trường ngoại giao. Tệ hại hơn nữa, ông M. Rôm-ni còn đòi Tổng thống B. Ô-ba-ma phải “xin lỗi nước Mỹ”.

Tuy nhiên, Tổng thống B. Ô-ba-ma rất tỉnh táo và bình tĩnh, ông vẫn tiếp tục bảo vệ chính sách của mình đối với Trung Đông và thế giới A-rập, tìm cách ngăn chặn dư luận chống lại ông trong vấn đề này. Khi thực hiện chiến dịch tranh cử tại bang Cô-lô-ra-đô (Colorado) vừa qua, ông nói: “Tôi biết rằng đôi khi rất khó cho chúng ta khi phải chứng kiến những hình ảnh ấy trên ti-vi. Thế giới của chúng ta đầy rẫy những thách thức. Chúng ta đang phải trải qua một giai đoạn hỗn loạn. Tuy nhiên, chúng ta có thể và sẽ giải quyết được những thách thức đó nếu chúng ta vẫn luôn là chính mình”.

Phát biểu tại Nhà trắng, Tổng thống B. Ô-ba-ma đã bày tỏ thái độ đau buồn và lên án mạnh mẽ vụ tấn công nhằm vào Lãnh sự quán Mỹ tại Ben-ga-di. Với thái độ đĩnh đạc của một vị nguyên thủ quốc gia, ông kêu gọi người dân hãy đoàn kết, đồng thời khẳng định Chính phủ sẽ có những hành động cụ thể để bảo vệ các đại sứ, cũng như các nhân viên ngoại giao đang làm việc tại các nước A-rập và Hồi giáo. Mục tiêu chính trị đằng sau những tuyên bố đó của ông chính là nhằm nhấn mạnh rằng, ông là một nhà lãnh đạo “thép” của thế giới và tránh để nỗ lực tái tranh cử của mình bị phương hại do sự phẫn nộ của cử tri trong nước trước sự kiện vừa xảy ra.

Cũng phải nói ngay rằng, ý đồ của ứng cử viên Đảng Cộng hòa M. Rôm-ni định lợi dụng vụ việc ở Trung Đông và thế giới A-rập để giành điểm trước Tổng thống B. Ô-ba-ma, đã làm cho chính ông bị chỉ trích nặng nề. Trong các cuộc thăm dò dư luận mới đây nhất, ứng cử viên M. Rôm-ni bị coi là “thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực chính trị”. Nhiều người cho rằng, việc ông buộc tội Tổng thống B. Ô-ba-ma là “phản ứng thiếu tế nhị” và sẽ “là một thảm họa”. Nhiều nhà quan sát còn so sánh những tuyên bố của ông M. Rôm-ni với nỗ lực vụng về của cựu ứng cử viên Đảng Cộng hòa Giôn Mác-kên (John McCain) năm 2008 trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính vừa mới bùng phát - nhân tố góp phần làm cho ông thất bại trong cuộc chạy đua vào Nhà trắng ngày ấy. Trước đó, một số nhà phân tích nhận định, ông M. Rôm-ni thiếu một “nền tảng chính trị”, khi ông liên tục “lỡ lời” trong chuyến công du nước ngoài hồi tháng 7 vừa qua; điều đó làm cho nhiều cử tri Mỹ nghi ngờ rằng, vị triệu phú này “chưa sẵn sàng” trở thành một nhà lãnh đạo đất nước.

Trang tin điện tử Buzzfeed dẫn lời một nhân vật cao cấp có ảnh hưởng đối với chính sách đối ngoại của Đảng Cộng hòa cho rằng, chiến thuật của ông M. Rôm-ni “hoàn toàn là một thảm họa”. Còn ông Đa-vít Phrăm (David Frum), người từng viết các bài diễn văn cho cựu Tổng thống G. Bu-sơ (G.Bush) nhận xét: nỗ lực của ông M. Rôm-ni nhằm “ghi điểm trên chính trường dựa trên vụ thiệt mạng của các nhà ngoại giao Mỹ ở Trung Đông là một cuộc kinh doanh tệ hại trên mọi phương diện”. Ông Đ. Phrăm còn nói: “Chưa tính đến nhiều khía cạnh khác, thật khiếm nhã và ngu ngốc khi lợi dụng sự kiện đau buồn ấy để phục vụ mục đích chính trị”.

Sức ép từ các vấn đề kinh tế

Bức tranh kinh tế Mỹ hiện không mấy sáng sủa. Cỗ máy kinh tế Mỹ đang vận hành trong tình trạng không trơn tru. Những ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng nợ công tại các nước châu Âu khiến tương lai của cường quốc kinh tế số 1 này cũng trở nên bấp bênh. Tốc độ tăng trưởng GDP của Mỹ trong 6 tháng đầu năm 2012 đã suy giảm từ 1,9% trong quý I xuống còn 1,7% trong quý II và dự đoán sẽ chỉ có thể duy trì được ở mức 1,7% trong nửa cuối năm 2012.

Thâm hụt trong cán cân thương mại của Mỹ 6 tháng đầu năm nay cũng đã tăng thêm khoảng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, ở mức 290 tỉ USD, trong đó thâm hụt với nền kinh tế thứ hai thế giới (Trung Quốc) lên tới 145 tỉ USD, tức gần 50% thâm hụt thương mại của Mỹ; thâm hụt với các nước Khu vực đồng tiên chung châu Âu (Eurozone) hơn 60 tỉ USD, chiếm hơn 20% thâm hụt thương mại của Mỹ. Chính việc liên tục bị thâm hụt thương mại đã lấy đi của Mỹ hơn 2,7 triệu việc làm trong giai đoạn 10 năm qua (2001-2011), trong đó chủ yếu là việc làm tại các ngành công nghiệp chế tạo.

Trong suốt 4 năm cầm quyền của Tổng thống B. Ô-ba-ma, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ chưa bao giờ giảm xuống dưới mức 7,8%, thậm chí luôn dao động ở trên mức 8%; thâm hụt tài chính luôn cao hơn ngưỡng 1.000 tỉ USD/năm. Đến cuối tháng 8 vừa qua, nợ công của cường quốc kinh tế số 1 đã vượt ngưỡng 16.000 tỉ USD, tương đương 104% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Đây là năm thứ tư liên tiếp ngân sách Liên bang Mỹ bị thâm hụt trầm trọng. Hiện mỗi người dân Mỹ phải gánh khoản nợ công hơn 50 nghìn USD. Ông B. Ô-ba-ma cho rằng, tình hình bi đát của kinh tế Mỹ hiện nay là hậu quả tất yếu của chính sách kinh tế từ những năm đầu thế kỷ XXI, dưới thời cựu Tổng thống G. Bu-sơ.

Tình hình kinh tế khó khăn hiện nay chính là một lợi thế của cặp ứng cử viên Đảng Cộng hòa M. Rôm-ni/ Đa-vít Rai-ân (Davis Ryan), bởi họ được nhiều cử tri, nhất là các tầng lớp nhà giàu, xem là có nhiều kinh nghiệm hơn trong quản lý và điều hành kinh tế. Đảng Cộng hòa chọn cặp Rôm-ni/Rai-ân làm ứng cử viên tổng thống/phó tổng thống, với kỳ vọng rằng, bằng những đòn tấn công trong lĩnh vực kinh tế, nhất là các vấn đề nợ công, thâm hụt ngân sách, chính sách thuế, giải quyết công ăn việc làm, bảo hiểm y tế… sẽ giành thắng lợi trước cặp ứng cử viên Đảng Dân chủ Ô-ba-ma/Bai-đơn.

Ông Đ. Rai-ân được mô tả là chính khách trẻ tuổi (sinh năm 1970), một ngôi sao đang lên, một nhà lãnh đạo hiểu rất rõ những hiểm họa của ngân sách nước Mỹ. Hiện ông giữ chức Chủ tịch Ủy ban Ngân sách Hạ viện, là người đứng đầu về tài chính và các vấn đề ngân sách của Đảng Cộng hòa, bởi vậy, ông được xem là người có tiếng nói chính thức của đảng này trong các vấn đề nợ công và thâm hụt ngân sách nhà nước. Việc lựa chọn Đ. Rai-ân với “Kế hoạch Rai-ân” đang gây nhiều tranh cãi - kế hoạch cắt giảm chi tiêu theo các chương trình Medicare, Medicaid của Tổng thống B. Ô-ba-ma, trong đó ưu tiên đặc biệt việc chăm sóc sức khỏe cho người già và người có thu nhập thấp. “Kế hoạch Rai-ân” được coi là bức thông điệp thể hiện quyết tâm giải bài toán thâm hụt ngân sách của Đảng Cộng hòa gửi tới cử tri.

Còn ông M. Rôm-ni thì khẳng định rằng, ông có thể làm một lúc hai việc, nhưng dường như việc cắt giảm mạnh các khoản thuế và xử lý khoản nợ công khổng lồ của Mỹ hiện nay đang mâu thuẫn với nhau. Ông hứa hẹn sẽ làm cho nước Mỹ có thể tự cung ứng nhu cầu năng lượng, tự do hóa thương mại và nhất là cam kết sẽ tạo ra khoảng 12 triệu việc làm thông qua chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều này đánh trúng vào tâm lý của cử tri Mỹ hiện nay. Thế nhưng, rõ ràng là nhà triệu phú này vẫn chưa có những biện pháp cụ thể để giải quyết vấn đề thâm hụt ngân sách, bảo đảm tự cung ứng năng lượng và đem lại một số lượng lớn việc làm như vậy.

Nhằm tranh thủ lá phiếu ủng hộ của cử tri, ông M. Rôm-ni tập trung vào lĩnh vực kinh tế, tấn công vào những chỗ gọi là yếu điểm của B. Ô-ba-ma trong quản lý và điều hành kinh tế. Ông phản đối việc cắt giảm ngân sách quốc phòng, dọa sẽ thay đổi đạo luật về chăm sóc sức khỏe của Tổng thống B. Ô-ba-ma. Dường như chính sách của nhà triệu phú này sẽ đụng chạm tới quyền lợi của một bộ phận đông đảo dân chúng thuộc tầng lớp dưới. Trong khi đó, chính quyền đương nhiệm lại cam kết sẽ không cắt giảm chi tiêu của Liên bang dành cho các tầng lớp dân nghèo, gồm những người có thu nhập thấp, người cao tuổi và chủ trương sẽ điều chỉnh khoảng cách thu nhập của các tầng lớp trong xã hội.

Tại Đại hội toàn quốc Đảng Dân chủ, ngày 5-9, cựu Tổng thống Mỹ Bin Clin-tơn (Bill Clinton) đã có bài phát biểu quan trọng, trong đó nêu bật những thành công của ông B. Ô-ba-ma và chính thức đề cử ông B. Ô-ba-ma đại diện cho Đảng Dân chủ tranh cử nhiệm kỳ hai vào Nhà trắng. Việc đăng đàn của ông B. Clin-tơn được đánh giá là một nỗ lực rất lớn nhằm tăng cường sức hút cho đương kim Tổng thống B. Ô-ba-ma đối với các cử tri lao động da trắng, các cử tri độc lập, những người vẫn chưa quyết định dứt khoát có bỏ phiếu cho ông B. Ô-ba-ma tiếp tục ở lại Nhà trắng bốn năm tiếp theo, hay không.

Ông B. Clin-tơn cho rằng, các cử tri có thể thấy rõ, các chính sách của Đảng Dân chủ giúp mang lại một nền thịnh vượng to lớn hơn cho nước Mỹ và đại đa số người dân Mỹ, trong khi đó, các chính sách của Đảng Cộng hòa chỉ ưu tiên tầng lớp giàu có. Một mặt, ông kiên quyết bảo vệ các chính sách của Tổng thống B. Ô-ba-ma và nhấn mạnh rằng, các chính sách kinh tế của đương kim Tổng thống đang phát huy hiệu quả. Mặt khác, ông phê phán mạnh mẽ chương trình kinh tế và các cam kết chính sách của Đảng Cộng hòa.

Ông B. Clin-tơn lập luận rằng, các chính sách kinh tế của Tổng thống B. Ô-ba-ma đã giúp ngăn chặn khủng hoảng lan rộng và giúp kinh tế phục hồi. Ông tuyên bố: “Không có vị tổng thống nào, kể cả tôi hay bất kỳ vị tiền nhiệm nào của tôi, có thể khắc phục hết mọi thiệt hại (của cuộc khủng hoảng năm 2008) chỉ trong vòng 4 năm. Tuy nhiên, tình hình đang cải thiện và nếu quý vị cho Tổng thống một cơ hội nữa, thì quý vị sẽ cảm nhận được điều đó”.

Chỉ trích chính sách của Đảng Cộng hòa, cựu Tổng thống B. Clin-tơn khẳng định, ứng cử viên phó tổng thống Đ. Rai-ân đã diễn giải sai chính sách y tế của Tổng thống B. Ô-ba-ma. Còn ứng cử viên tổng thống M. Rôm-ny thì lảng tránh nhiều vấn đề trong chiến dịch tranh cử và chỉ giải thích các cam kết cắt giảm chi tiêu và đơn giản hóa các quy tắc thuế một cách chung chung. Ông B. Clin-tơn cho rằng, mặc dù chưa công bố chi tiết, song các chính sách của ông M. Rôm-ny nếu được thực thi thì có thể sẽ làm gia tăng nợ công, gia tăng gánh nặng thuế đối với tầng lớp trung lưu và tạo ra lỗ hổng lớn trong các chương trình như chăm sóc trẻ em và giao thông. Cựu Tổng thống B. Clin-tơn kết luận: “Chính cử tri Mỹ sẽ quyết định họ muốn sống trong một đất nước như thế nào” thông qua lá phiếu của mình. Ông nhấn mạnh: “Nếu quý vị muốn một xã hội mà thân ai người ấy lo, mạnh ai người ấy làm, thì hãy bầu cho Đảng Cộng hòa. Nhưng nếu quý vị muốn một đất nước mà ở đó ai cũng chia sẻ các cơ hội và trách nhiệm, một xã hội mà mọi người cùng chung sức thì hãy bỏ phiếu cho B. Ô-ba-ma và J. Bai-đơn”.

Khả năng thắng cử vẫn nghiêng về ông B. Ô-ba-ma

Cuộc chạy đua vào Nhà trắng diễn ra trong bối cảnh kinh tế nước Mỹ nói riêng và kinh tế thế giới nói chung chưa thoát khỏi khủng hoảng. Gần đây, Tạp chí “Nhà kinh tế” của Anh đặt câu hỏi với 1.700 chủ doanh nghiệp trên thế giới: “Ông Ô-ba-ma hay ông Rôm-ni sẽ cải thiện được tình hình kinh tế toàn cầu?”. Kết quả cuộc thăm dò dư luận đặc biệt này cho thấy, có tới 42% số người được hỏi cho rằng kinh tế thế giới sẽ sáng sủa hơn nếu Tổng thống B. Ô-ba-ma tái đắc cử, trong khi đó, ông M. Rôm-ni chỉ nhận được 21% số phiếu ủng hộ. Tuy nhiên, trong giới doanh nhân Mỹ, ông M. Rôm-ni giành được số phiếu ủng hộ của gần 40% số người được hỏi, trong khi chỉ có 31% dành sự ủng hộ cho đương kim Tổng thống B. Ô-ba-ma. Nói cách khác, giới doanh nhân Mỹ cho rằng ứng cử viên Đảng Cộng hòa sẽ bảo vệ quyền lợi của họ tốt hơn.

Đối với đại đa số cử tri Mỹ, các cuộc thăm dò dư luận xã hội được tiến hành sau khi Đại hội Đảng Dân chủ kết thúc, ngày 6-9, cho thấy số phiếu bầu có nhiều khả năng sẽ nghiêng về phía ông B. Ô-ba-ma. Ông dẫn trước đối thủ Đảng Cộng hòa M. Rôm-ni tới 5-6 điểm trong các cuộc thăm dò ý kiến. Theo kết quả thăm dò của Viện Rasmussen, công bố ngày 10-9, ông B. Ô-ba-ma được 50% cử tri ủng hộ, còn ông M. Rôm-ni được 45%. Thăm dò của Viện Gallup cũng đưa ra mức chênh lệch giữa ông B. Ô-ba-ma và ông M. Rôm-ni là 5 điểm. Còn theo thăm dò của CNN-Opinion Research, cách biệt giữa ông B. Ô-ba-ma và ông M. Rôm-ni là 6 điểm.

Ông B. Ô-ba-ma đã giành được lợi thế rất rõ ràng trong hầu hết các cuộc thăm dò dư luận trên toàn quốc. Quan trọng hơn nữa, ông dường như giành được ưu thế lớn tại các bang còn có nhiều cử tri đang do dự. Theo kết quả thăm dò dư luận mới nhất của NBC News/Wall Street Journal/Marist, ông B. Ô-ba-ma dẫn trước ông M. Rôm-ni tới 6 điểm, với tỷ lệ là 51% - 45%. Tại bang Phlo-ri-đa, ông B. Ô-ba-ma cũng dẫn trước ông M. Rôm-ni với tỷ lệ 49% - 47%. Gần đây nhất, kết quả thăm dò dư luận công bố ngày 3-11 cho thấy, đương kim Tổng thống B. Ô-ba-ma tiếp tục dẫn điểm trước đối thủ M. Rôm-ni ở hai bang Phlo-ri-đa và Ô-hai-ô. Hai bang này có ý nghĩ rất quan trọng đối với kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 6-11.

Các nhà quan sát trong nước cũng như tại thủ đô nhiều nước trên thế giới đều thống nhất cho rằng, nếu ông B. Ô-ba-ma tiếp tục duy trì được tỷ lệ ủng hộ nói trên cho đến ngày bầu cử 6-11, ông sẽ dễ dàng giành được 270 phiếu bầu của đại cử tri theo luật định./.
Ngọc Linh