Thứ Bảy, 10 tháng 11, 2012

9. Nâng tầm quan hệ hợp tác song phương: Việt Nam - EU

21:8' 31/10/2012
TCCSĐT - Nhận lời mời của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Hơ-man Van Rôm-pơi (Herman Van Rompuy) và Phu nhân thăm chính thức Việt Nam ba ngày (từ 31-10 đến 02-11-2012). Chuyến thăm nhằm trao đổi và thống nhất các phương hướng, biện pháp thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và EU, trong đó có việc phê chuẩn và triển khai sớm Hiệp định Ðối tác và Hợp tác toàn diện (PCA), đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA).


Có thể nói, sau 9 vòng đàm phán từ tháng 6-2008 đến tháng 10-2010, ngày 4-10-2010, Hiệp định PCA đã được ký tắt bên lề Hội nghị ASEM 8 tại Bỉ trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Giô-xê Ma-nu-en Ba-rô-xô (José Manuel Barroso), đánh dấu một mốc mới trong quan hệ hợp tác hai bên, thể hiện những bước phát triển to lớn, sâu rộng của quan hệ Việt Nam - EU trong 20 năm qua, đồng thời tạo cơ sở pháp lý đưa quan hệ hợp tác Việt Nam - EU bước sang một giai đoạn mới với phạm vi rộng lớn và mức độ hợp tác sâu sắc hơn. Với mục tiêu đưa quan hệ hợp tác Việt Nam - EU lên tầm cao mới theo phương châm "quan hệ đối tác bình đẳng, hợp tác toàn diện, lâu dài vì hòa bình và phát triển", Chính phủ Việt Nam đã thông qua Ðề án tổng thể về quan hệ Việt Nam - EU và Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển quan hệ Việt Nam - EU đến năm 2010 và định hướng đến năm 2015. Việc hai bên ký chính thức Hiệp định Ðối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) và khởi động đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) tháng 6-2012 là bước tiến quan trọng, tạo cơ sở vững chắc để thúc đẩy quan hệ Việt Nam - EU phát triển mạnh mẽ và thực chất hơn trong thời gian tới.

Năm 1996, EU chính thức mở Phái đoàn đại diện tại Hà Nội. Kể từ đó đến nay, quan hệ hai bên phát triển nhanh chóng cả về chiều rộng và chiều sâu trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ... Mối quan hệ tốt đẹp này được đánh dấu bằng các chuyến thăm cấp cao giữa hai bên. Về phía Việt Nam là chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm EC (tháng 10-2010); Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thăm Nghị viện châu Âu (EP) (tháng 12-2011); Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Chủ tịch Hội đồng châu Âu Hơ-man Van Rôm-pơi và Chủ tịch EC G.Ba-rô-xô bên lề Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân tại Xê-un (Hàn Quốc); Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh gặp Đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh Ca-thơ-rin Át-xtôn (Catherine Ashton) bên lề Hội nghị AEMM 19 tại Bru-nây (Brunei), (tháng 4-2012); Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh thăm EU và ký chính thức Hiệp định PCA Việt Nam - EU (tháng 6-2012). Về phía EU là chuyến thăm của Chủ tịch EC G.Ba-rô-xô thăm chính thức Việt Nam vào tháng 11-2007. Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Chủ tịch EC kể từ khi hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao. Tiếp đó là chuyến thăm của Ủy viên Thương mại EC Ca-ren đơ Gớt (Karel de Gucht) tại Việt Nam vào tháng 2-2010; đoàn các nghị sĩ EP thăm Việt Nam tháng 3-2010; Tổng Giám đốc điều hành Cơ quan đối ngoại EU thăm Việt Nam và tiến hành tham vấn chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao lần đầu tiên với Việt Nam tháng 2-2012... Những chuyến thăm này thể hiện sự coi trọng vai trò, vị thế ngày càng tăng của Việt Nam tại khu vực đang phát triển năng động; khẳng định mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam; tìm hiểu tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đường lối đổi mới và hội nhập quốc tế thành công của Việt Nam; trao đổi các biện pháp tăng cường hợp tác song phương trong khuôn khổ hợp tác rộng lớn hơn của Hiệp định PCA; trao đổi các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm; thông báo các biện pháp EU triển khai đối phó với khủng hoảng Khu vực đồng ơ-rô và trao đổi các biện pháp tăng cường quan hệ hai bên tại các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế.

Là một thực thể kinh tế, chính trị đặc thù và quan trọng hàng đầu thế giới với mức độ liên kết sâu sắc, Liên minh châu Âu (EU) hiện bao gồm 27 nước thành viên, có dân số khoảng 500 triệu người, chiếm 7,3% dân số toàn thế giới với thu nhập bình quân đầu người 34.000 USD/người/năm, GDP năm 2011 đạt 17,69 nghìn tỷ USD. EU có các định chế chính là: Hội đồng châu Âu, Hội đồng Bộ trưởng, Nghị viện châu Âu, Ủy ban châu Âu và Tòa án châu Âu. Hội đồng châu Âu là cơ quan quyền lực cao nhất của EU gồm lãnh đạo 27 nước thành viên, Chủ tịch Hội đồng châu Âu và Chủ tịch Ủy ban châu Âu. Hội đồng đưa ra định hướng và ưu tiên chính trị cho cả khối. Các quyết định của Hội đồng châu Âu chủ yếu được thông qua theo hình thức đồng thuận... Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với năm nước thành viên EU là Anh, Ðức, Tây Ban Nha, Hà Lan, Ðan Mạch và chuẩn bị đưa quan hệ với Pháp, I-ta-li-a lên tầm đối tác chiến lược.

Trong quan hệ hợp tác kinh tế, EU hiện là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch thương mại hai chiều tăng trung bình 15 - 20%/năm. Đặc điểm nổi bật trong thương mại hai chiều Việt Nam - EU là tính bổ sung cao, ít cạnh tranh. Việt Nam liên tục xuất siêu sang EU, đặc biệt trong 10 năm gần đây với mức xuất siêu trung bình từ 3 - 5 tỷ USD, tương đương 50% kim ngạch xuất khẩu. Chỉ tính trong vòng 11 năm, từ năm 2000 đến năm 2011, kim ngạch thương mại Việt Nam - EU đã tăng 5,9 lần, từ mức 4,1 tỷ USD năm 2000 lên 24,29 tỷ USD năm 2011 (tăng gần 37% so với năm 2010), trong đó xuất khẩu của Việt Nam vào EU đạt 16,55 tỷ USD, tăng 45%, nhập khẩu của Việt Nam từ EU đạt 7,75 tỷ USD, tăng gần 22% so với năm 2010. Thương mại hai chiều 8 tháng đầu năm 2012 đạt trên 18 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt 12,69 tỷ USD, nhập khẩu của Việt Nam từ EU đạt 5,75 tỷ USD. EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam sau Hoa Kỳ và là thị trường lớn cho một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như: giày dép, may mặc, thủy sản, đồ gỗ, điện tử, hàng tiêu dùng. Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang EU năm 2011 vẫn là những mặt hàng truyền thống như: giày da, dệt may, cà phê hạt xanh, đồ gỗ, hải sản, chiếm gần 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường châu Âu. Các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu chính từ EU vẫn là máy móc, thiết bị, phụ tùng, phương tiện vận tải, dược phẩm, vải các loại, phân bón...

Không chỉ vậy, hiện nay EU là nhà tài trợ song phương lớn thứ hai về quy mô vốn ODA và là nhà cung cấp viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam, với tổng ODA cam kết trong giai đoạn 1993 - 2011 là 13 tỷ USD, trong đó viện trợ không hoàn lại một tỷ USD, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Riêng năm 2012, tổng cam kết ODA của EU dành cho Việt Nam là hơn một tỷ USD. Các khoản hỗ trợ tài chính của EU phần lớn tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên của nước ta là xóa đói, giảm nghèo, y tế, giáo dục, phát triển bền vững, đào tạo nhân lực, nâng cao năng lực quản lý, hỗ trợ cải cách hành chính, tư pháp, ngân hàng, tài chính, hội nhập kinh tế quốc tế. EU đang nỗ lực hài hòa hóa thủ tục ODA giữa các nước thành viên và các nhà tài trợ khác nhằm nâng cao hiệu quả viện trợ và tốc độ giải ngân. Tính đến hết tháng 8-2012, Việt Nam có 33 dự án đầu tư sang 10 nước EU với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 107 triệu USD chủ yếu là những mặt hàng có chất lượng cao, thực phẩm sạch, thủ công mỹ nghệ. Ngược lại, tính đến hết tháng 8-2012, đã có 20 trong tổng số 27 nước EU đầu tư vào Việt Nam với 1.226 dự án còn hiệu lực, tổng số vốn đăng ký khoảng 4,75 tỷ USD đưa EU trở thành một trong các đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, thương mại, đầu tư, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Bên cạnh đó, EC và các nước thành viên EU cũng hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong nhiều lĩnh vực chuyên ngành thuộc các lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam và EU có thế mạnh như: hỗ trợ thể chế, khoa học - công nghệ, giáo dục, pháp luật, y tế, tài chính ngân hàng, nông nghiệp, văn hóa, du lịch...

Chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 28-11-1990, hơn 20 năm qua, quan hệ Việt Nam - EU đã phát triển nhanh chóng cả về bề rộng lẫn chiều sâu, với chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Chủ tịch Hội đồng châu Âu kể từ khi hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1990, chúng ta tin tưởng rằng, chuyến thăm sẽ mở ra trang mới trong quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), góp phần giúp Hội đồng châu Âu và EU hiểu thêm về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đường lối đổi mới và hội nhập quốc tế thành công của Việt Nam. Đồng thời, thể hiện sự coi trọng của Hội đồng châu Âu đối với Việt Nam, khẳng định mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác song phương trong khuôn khổ hợp tác rộng lớn hơn của Hiệp định PCA./.
Mỹ Linh