Đó
hẳn là một sự phát triển nhanh chóng về chất trong mối quan hệ song
phương Việt Nam – EU, đòi hỏi phải có một cơ chế và khuôn khổ hợp tác
mới, như Thánh Gióng vươn mình lớn bổng cần tấm giáp rộng hơn.
Vừa toàn diện, vừa then chốt
Thời gian là thước đo quan trọng để
đánh giá bất cứ mối quan hệ song phương hay đa phương nào trong đời sống
quốc tế. Thế nhưng, với quan hệ Việt Nam – EU, 22 năm chưa phải là dài
để “dò hết nông, sâu”. Nếu chỉ nhìn vào đại lượng thời gian, khó có thể
hình dung hết tầm vóc phát triển của mối quan hệ song phương với nhiều
bước ngoặt quan trọng được thể hiện bằng những hiệp định, thoả thuận...
Cùng với lộ trình pháp điển hóa mối quan hệ, hai bên thường xuyên trao
đổi các đoàn cấp cao, tăng cường sự hiện diện và can dự của giới doanh
nghiệp vì lợi ích chung. Gần đây nhất, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh
Hùng đã có chuyến thăm Nghị viện Châu Âu (EP) tháng 12/2011 nhằm tăng
cường hơn nữa sự hiểu biết lẫn nhau và thúc đẩy hợp tác song phương. Chỉ
trong một thời gian ngắn, các tập đoàn lớn và nổi tiếng đã lần lượt “đổ
bộ” vào thị trường Việt Nam như Shell và BP (Anh); Metro, Daimler và
Siemens (Đức); Alcatel và Total (Pháp)…, hình thành nên cộng đồng doanh
nghiệp châu Âu gắn bó với xã hội mà hoạt động vượt ra ngoài mục tiêu
tăng lợi nhuận. Cùng lúc đó, hàng hoá “made in Vietnam” nhanh chóng
chiếm lĩnh thị trường châu Âu, tạo thêm nhiều cơ hội lựa chọn cho người
tiêu dùng với chất lượng đảm bảo và chủng loại đa dạng.
Được tạo đà từ những cam kết chính trị
mạnh mẽ và hành lang pháp lý mỗi ngày thêm thuận lợi, kim ngạch trao
đổi mậu dịch hai chiều EU-Việt Nam đã “bay” từ mức khiêm tốn 1,5 tỷ USD
năm 1995 lên 16,2 tỷ USD năm 2008. Theo số liệu của Bộ Công Thương, mặc
dù khủng hoảng nợ công vẫn chưa được đẩy lùi, nhưng EU vẫn là đối tác
thương mại lớn thứ 3, và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam.
Tín hiệu đáng mừng là năm 2011, tổng kim ngạch trao đổi mậu dịch tăng
37%, đạt mức kỷ lục 24,3 tỷ USD. Tuy nhiên, nhìn vào cơ cấu hàng xuất
khẩu từ Việt Nam sang EU, vẫn thấy những “gương mặt” khá quen thuộc:
nhóm nông thuỷ sản, có giá trị gia tăng thấp, nguyên liệu thô… như: giày
dép, cà phê, dệt may, đồ gỗ, thuỷ hải sản. EU hiện là một trong những
nhà đầu tư lớn nhất ở Việt Nam. Tính đến hết năm 2011, các nhà đầu tư
đến từ EU có 1687 dự án còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký là 32,85 tỷ
USD, tập trung chủ yếu ở những lĩnh vực công nghệ cao, dịch vụ…
Trong khi đó, cam kết viện trợ phát
triển chính thức (ODA) của EU dành cho Việt Nam năm 2012 là 1 tỷ USD.
Duy trì mức ODA cam kết dành cho Việt Nam giảm không đáng kể được coi là
một nỗ lực rất lớn của EU khi mà các nước thành viên đang phải vật lộn
với suy thoái kinh tế. Nó cũng phản ánh chính sách khá nhất quán của EU
đối với Việt Nam như một “đầu cầu” quan trọng mở ra cơ hội can dự vào
Đông Nam Á. Bên cạnh đó, sự giao thoa ngày càng sâu trên lĩnh vực văn
hoá, giáo dục đã điểm tô thêm những gam màu tươi sáng cho bức tranh toàn
cảnh của mối quan hệ Việt Nam – EU. Nhiều sinh viên Việt Nam hứng thú
với môi trường giáo dục ở trời Âu nhờ chương trình học bổng Eramus
Mundus, trong khi lễ hội ẩm thực châu Âu mỗi khi hè về đã trở thành nét
đẹp của giao thoa văn hoá giữa Hà Nội thanh lịch.
Việt Nam là nước đầu tiên ở Đông Nam Á
chủ động triển khai chiến lược hợp tác tổng thể với EU. Đây được coi là
một trong những động lực giúp hai bên có được mối quan hệ đối tác vừa
toàn diện, vừa then chốt. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng duy trì mối quan hệ
tốt đẹp và hiệu quả với hầu hết các nước EU, đồng thời xây dựng quan hệ
đối tác chiến lược với một số thành viên như Anh, Tây Ban Nha… Quãng
thời gian qua cũng chứng kiến nỗ lực vươn ra biển lớn để khẳng định vai
trò và vị thế của Việt Nam ở khu vực và trên toàn thế giới. Thành công
của nhiệm kỳ 2 năm (2008-2009) làm uỷ viên không thường trực Hội đồng
Bảo an LHQ, đảm nhận tốt vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2010, tích cực tham
dự nhiều diễn đàn đa phương với tiếng nói ngày càng có trọng lượng…, tất
cả cho thấy sức hấp dẫn lan tỏa của một Việt Nam mở cửa để đổi mới và
hội nhập. Xuất phát từ thực tế đó, EU luôn coi Việt Nam là một đối tác
quan trọng trong khu vực, đồng thời mở rộng hợp tác toàn diện trên tất
cả các mặt. Nhiều nước thành viên EU cũng bày tỏ mong muốn phát triển
hơn nữa mối quan hệ song phương với Việt Nam để tranh thủ những cơ hội
hợp tác và đầu tư.
Vượt qua khác biệt và bất đồng
Trong bức tranh toàn cảnh quan hệ Việt
Nam – EU không phải không có những mảng màu còn tối. Đó dường như là
một tất yếu trong xu thế vận động và phát triển của quan hệ quốc tế với
nhiều biến chuyển, đan xen giữa tích cực và tiêu cực, hợp tác và đấu
tranh, và cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nhóm lợi ích. Mối quan hệ Việt
Nam – EU không nằm ngoài xu thế này, nhất là khi hai bên còn những khác
biệt về trình độ phát triển và hội nhập, thể chế chính trị, văn hoá,
quan điểm về dân chủ, nhân quyền và tôn giáo… Vấn đề đặt ra là trong bối
cảnh mối quan hệ hợp tác và đối tác ngày càng phát triển mạnh mẽ và đi
vào chiều sâu, thì hai bên sẽ phải lựa chọn cách tiếp cận như thế nào về
sách lược để có thể vượt qua khác biệt, khắc phục bất đồng, hướng tới
tương lai?
Nếu nhìn lại, con đường mà Việt Nam và
EU đã trải qua không ít chông gai. Trên thực tế, EU phải đối mặt với
những thách thức không nhỏ khi tăng cường quan hệ sâu rộng với Việt Nam.
Áp lực này bắt nguồn từ toan tính của một số nhóm hay cá nhân “đục
nước, béo cò” tranh thủ mối quan hệ Việt Nam – EU để trục lợi cho riêng
mình. Lợi dụng những điểm còn khác biệt trong cách tiếp cận của Việt Nam
và EU, họ tìm cách gây áp lực thông qua các nghị sỹ Nghị viện Châu Âu,
các cơ quan hành pháp… để mở rộng hợp tác và đầu tư gắn với điều kiện về
dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo. Ngay khi EU thông báo về đàm
phán mậu dịch tự do với Việt Nam, những nhóm lợi ích đã rục rịch đánh
tiếng rằng châu Âu không thể quên vấn đề dân chủ, nhân quyền. Thực tế
này đòi hỏi EU phải luôn có cái nhìn khách quan và chân thực, vì lợi ích
chiến lược của chính mình để có đối sách phù hợp, hoá giải áp lực,
tránh phiến diện theo toan tính của những trở lực.
Bên cạnh đó, những rào cản thương mại
được triển khai như giải pháp bảo hộ mậu dịch cũng gây khó khăn cho quan
hệ Việt Nam – EU. Còn nhớ năm 2007, EU quyết định áp thuế chống bán phá
giá đối với mặt hàng giày da xuất khẩu của Việt Nam, khiến các doanh
nghiệp trong nước và cả người tiêu dùng châu Âu một phen lao đao. Sau
bao nỗ lực đấu tranh, mức thuế mang tính bảo hộ này cũng đã được dỡ bỏ
từ tháng 4/2011. Tuy vậy, các doanh nghiệp giày da xuất khẩu của Việt
Nam vẫn phải chịu một năm kiểm soát và đối mặt với thách thức từ sự cạnh
tranh khốc liệt ở thị trường châu Âu. Việc EU áp thuế chống bán phá giá
cho thấy những khác biệt trong chính sách thương mại của mỗi bên, đòi
hỏi các doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu kỹ thị trường, hiểu về luật
pháp, tuân thủ nghiêm tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và có giải pháp
duy trì hợp lý tốc độ tăng trưởng xuất khẩu.
Và hẳn nhiên là chỉ có tăng cường hiểu
biết và đối thoại mới có thể giúp hai bên vượt qua khác biệt, khắc phục
bất đồng và duy trì quan hệ đúng hướng, phù hợp với lợi ích chung. Rõ
ràng, khi mối quan hệ Việt Nam - EU phát triển ngày càng sâu rộng, thì
nó cũng có thể phải đối mặt với thách thức nảy sinh. Điều này lý giải
tại sao các nhà lãnh đạo hai bên đã nỗ lực hiện thực hoá PCA để tạo ra
khuôn khổ mới cho một “sân chơi” bình đẳng hơn.
Chuyển mình cùng PCA
Ngày 14/5 vừa qua, tại Brussels (Bỉ),
các Ngoại trưởng EU đã thông qua việc ký kết PCA với Việt Nam, đánh dấu
một bước ngoặt mới trong quan hệ song phương. Với 8 chương, 65 điều, PCA
đưa ra những nguyên tắc cơ bản, xác định khuôn khổ hợp tác toàn diện
trên tất cả các lĩnh vực, từ thương mại - đầu tư đến hợp tác tư pháp,
bảo vệ hoà bình và an ninh quốc tế. Thay thế Hiệp định Hợp tác song
phương ký năm 1995, PCA được kỳ vọng sẽ đưa quan hệ Việt Nam – EU và tất
cả các nước thành viên bước vào một giai đoạn mới với phạm vi hợp tác
sâu rộng hơn, mà trọng tâm là thương mại - đầu tư.
Hai bên đã đạt được những thoả thuận
quan trọng, cho phép Việt Nam tiếp cận thuận lợi hơn với thị trường châu
Âu thông qua việc mở rộng tham vấn về hiệu quả sử dụng quy chế ưu đãi
thuế quan (GSP), mở đường cho đàm phán về mậu dịch tự do và EU sớm công
nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường… Có thể khẳng định rằng PCA đã
phản ánh rõ nét và toàn diện nhất những lợi ích của cả Việt Nam và EU
trong mối quan hệ song phương, và hợp tác trên các diễn đàn đa phương vì
hoà bình và an ninh toàn cầu.
Như vậy, với khuôn khổ hợp tác mới mà
PCA tạo ra, Việt Nam và EU sẽ khai thác triệt để những vai trò tích cực
của mỗi bên nhằm tăng cường can dự trên cơ sở những nguyên tắc của luật
quốc tế. Xuất phát từ lợi ích chung, Việt Nam và EU sẽ tăng cường hợp
tác trên các diễn đàn đa phương khu vực và thế giới. Ví dụ như đối với
vấn đề an ninh – an toàn hàng hải, với kinh nghiệm cũng như tiềm lực của
mình, EU có thể phát huy vai trò, tích cực tham gia các cơ chế đối
thoại, giải quyết tranh chấp và đối phó thách thức như Diễn đàn An ninh
khu vực (ARF)... Sự đan xen về lợi ích không chỉ giúp EU và Việt Nam
xích lại gần nhau hơn, mà còn giúp khối này mở rộng ảnh hưởng trong bối
cảnh môi trường an ninh toàn cầu xuất hiện ngày càng nhiều những thách
thức phi truyền thống.
EU cũng có thể thông qua mối quan hệ
với Việt Nam để can dự sâu hơn vào Đông Nam Á nói riêng, châu Á – Thái
Bình Dương nói chung. Ngược lại, khi nâng tầm quan hệ với EU, Việt Nam
cũng có nhiều cơ hội để mở rộng và tăng cường hơn nữa sự hiện diện về
thương mại, đầu tư, văn hóa... ở các nước châu Âu. Cộng đồng đông đảo
người Việt đang sinh sống ở các nước châu Âu chính là một trong những
“chất xúc tác” thúc đẩy quan hệ Việt Nam – EU. Với tiềm lực kinh tế,
nguồn tài nguyên tri thức và chỗ đứng chính trị được cải thiện đáng kể,
cộng đồng người Việt có thể trở thành một kênh đầu tư và chuyển giao
công nghệ về nước, đồng thời là “đầu cầu” tiếp cận với thị trường châu
Âu giàu tiềm năng. Cũng có ý kiến còn cho rằng, với vị thế và uy tín
đang được khẳng định mạnh mẽ, với quan hệ truyền thống trước đây, Việt
Nam có thể phát huy vai trò là cầu nối giữa châu Âu “mới” và “cũ”, giữa
Đông Âu và Tây Âu. Dù rằng đây mới chỉ là triển vọng lâu dài, nhưng chắc
chắn rằng vào thời điểm hiện nay, cả Việt Nam và EU đang chứng kiến sự
chuyển mình quan trọng trong quan hệ song phương một khi PCA được triển
khai.
Lê Phương
|