Mặc
dù đã đánh bại đối thủ Mitt Romney của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử
tổng thống Mỹ ngày 7/11, song ông Barack Obama vẫn phải đối mặt với khá
nhiều kẻ thù ở bên ngoài, trong đó có Iran, Xyri và rất có thể là cả
Trung Quốc.
Việc
ông Obama tái đắc cử tổng thống Mỹ sẽ giúp cho chính sách đối ngoại của
Mỹ đảm bảo được tính liên tục, tuy nhiên, nó cũng đặt ra nhiều câu hỏi
như: Liệu chính sách ngoại giao có thể ngăn chặn được chương trình hạt
nhân của Iran? Liệu Ixraen hoặc Mỹ có tiến hành các cuộc không kích hay
không? Hiện cũng chưa rõ ông Obama sẽ tiếp tục từ chối tác động đến cán
cân trong cuộc nội chiến ở Xyri hay ông sẽ cho phép Mỹ vũ trang cho phe
nổi dậy ở nước này để lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad. Giới phân tích
chính sách đối ngoại của Mỹ cho rằng ông Obama sẽ tiếp tục chiến lược
"chuyển trọng tâm sang châu Á", tìm cách thay đổi chính sách của Mỹ sao
cho Mỹ sẽ được lợi từ sự tăng trưởng mạnh mẽ ở những nước như Trung Quốc
và Ấn Độ, đồng thời thực hiện kế hoạch rút dần khỏi Trung Đông. Mặc dù
vậy, cả Iran và Xyri sẽ vẫn tìm cách để thu hút sự chú ý của Mỹ và cộng
đồng quốc tế. Martin
Indyk, Phó Giám đốc phụ trách nghiên cứu chính sách đối ngoại tại Viện
Brookings, cho rằng năm 2013 có thể là năm mang ý nghĩa quyết định đối
với Iran. Theo ông Indyk, cam kết mạnh mẽ hơn của ông Obama đối với vấn
đề không phổ biến (vũ khí hạt nhân) có thể đồng nghĩa với việc ông sẽ đề
ra một chính sách "tập trung và quyết đoán". Ông Indyk nói: "Đây sẽ là
vấn đề hàng đầu trong chương trình nghị sự của ông Obama. Việc ngăn Iran
có được vũ khí hạt nhân là một yêu cầu bắt buộc, có ý nghĩa quan
trọng".
Mỹ
và Ixraen, nước coi Iran có vũ khí hạt nhân là mối đe dọa đối với sự
sống còn của mình, cũng nói bóng gió về khả năng tiến hành một cuộc tấn
công quân sự nhằm vào Iran. Trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên
hợp quốc hồi tháng 9/2012, Thủ tướng Ixraen Benjamin Netanyahu cho biết
vào mùa Xuân năm 2013, Ixraen sẽ quyết định có dùng vũ lực đối với Iran
hay không. Trong khi đó, ông Obama cho biết Mỹ sẽ "làm những việc cần
làm" để ngăn Iran có vũ khí hạt nhân, đồng thời ông luôn tuyên bố rằng
mọi sự lựa chọn vẫn nằm trên bàn - ý nói tới khả năng dùng vũ lực (đối
với Iran).
Theo
James Dobbin, Giám đốc Trung tâm An ninh Quốc tế và Chính sách Quốc
phòng RAND, ông Obama sẽ buộc phải can thiệp ở một mức độ nào đó vào
tình hình Xyri, có thể là cung cấp vũ khí cho phe đối lập, nhưng chưa
chắc sẽ tấn công Iran. Ông Dobbin nhận định: "Tôi cho là chính quyền Mỹ
sẽ không thể đứng ngoài cuộc nếu tình hình ở Xyri xấu đi, và Iran không
'ngốc' đến nỗi tạo cho chúng ta một cái cớ hợp lý để chúng ta tiến hành
một cuộc tấn công nhằm vào họ".
Các
nhà phân tích cho biết thách thức tổng quát đối với ông Obama sẽ là
định hình môi trường quốc tế theo hướng có lợi cho Mỹ vào thời điểm nước
này đang lún sâu vào nợ nần trong khi các cường quốc khác đang trỗi dậy
và Mỹ đang phải đối mặt với những nguy cơ xuyên quốc gia như nạn khủng
bố, tấn công mạng và tình trạng ấm lên toàn cầu. Theo ông Indyk, có thể
ông Obama muốn "tránh xa" Trung Đông và tập trung vào châu Á, và chưa
chắc ông Obama sẽ tạo cú huých mới cho tiến trình hòa bình
Ixraen-Palextin, ông cũng không nỗ lực hết sức để "ấn định" kết quả cuộc
khủng hoảng Xyri, cũng không can dự mạnh mẽ vào các chính phủ Hồi giáo ở
Ai Cập và Tuynidi. Ông Indyk nói: "Tôi cho rằng những vấn đề này không
thuộc dạng 'ưu tiên' trong chương trình nghị sự của Obama. Việc gây dựng
mối quan hệ với Trung Quốc, hỗ trợ cho sự trỗi dậy của Ấn Độ ở châu Á
và tìm kiếm cơ hội của Mỹ tại khu vực này mới là những ưu tiên hàng đầu
của ông Obama".
Mặc
dù ông Obama từng ngụ ý nói Trung Quốc "vừa là kẻ thù, vừa là một đối
tác tiềm năng" trong cuộc tranh luận cuối cùng với đối thủ Romney, nhưng
có lẽ ông sẽ tập trung vào việc hợp tác (hơn là đối đầu) với Trung
Quốc. Jon Alterman thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế nói:
"Chúng tôi sẽ ngày càng nghĩ mình là một nước ở Thái Bình Dương hơn là
một nước ở Đại Tây Dương".
Theo Reuters (ngày 7/11)
Mỹ Anh (gt)