Thứ Bảy, 10 tháng 11, 2012

8. Ấm nồng tình hữu nghị hai nước Việt Nam - Liên bang Nga

21:10' 6/11/2012
Hơn 60 năm kể từ ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ chính trị Việt Nam - Liên bang Nga luôn đã và đang không ngừng được củng cố với độ tin cậy cao.
TCCSĐT - Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga Đ.Mét-ve-đép thăm chính thức Việt Nam ngày 7-11-2012. Chuyến thăm này diễn ra đúng ngày kỷ niệm 95 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (7-11-1917 - 7-11-2012), được đánh giá là sự kiện quan trọng, khơi dậy những tình cảm hữu nghị nồng ấm giữa nhân dân hai nước.


Tham gia đoàn tháp tùng Thủ tướng Đ.Mét-ve-đép lần này có Phó Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga phụ trách vấn đề kinh tế A-rơ-ca-đi Đvô-cô-vích; Phó Chánh Văn phòng, Văn phòng Chính phủ Liên bang Nga Séc-gây Pri-khốt-cô; Phó Chánh Văn phòng, Văn phòng Chính phủ Liên bang Nga Ma-ri-na En-tan-xe-va; Phó Chánh Văn phòng, Văn phòng Chính phủ Liên bang Nga Na-ta-lia Ti-ma-cô-va; Bộ trưởng Bộ Năng lượng Liên bang Nga A-lếch-xan-đơ Nô-vác; Trưởng Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga Vla-đi-mia Pô-pốp-kin; Trưởng Cơ quan Du lịch Liên bang Nga A-lếch-xan-đơ Rát-cốp; Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam An-đrây Cốp-tun; Thứ trưởng Ngoại giao I-gô Mô-gu-lốp; Thứ trưởng Bộ phát triển vùng Viễn Đông I-van Bla-gô-đư; Thứ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế A-lếch-xây Li-kha-chốp; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Khoa học I-gô Rê-mô-sen-cô; Thứ trưởng Bộ Công Thương Iu-ri Slu-xa-rơ; Thứ trưởng Bộ Tài chính Séc-gây Sa-ta-lốp; Phó giám đốc Cơ quan liên bang về hợp tác kỹ thuật quân sự Via-che-xơ-láp Đơ-di-rơ-kan.

Có thể nói, hơn 60 năm kể từ ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ chính trị Việt Nam - Liên bang Nga luôn đã và đang không ngừng được củng cố với độ tin cậy cao. Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao, tạo động lực mạnh mẽ cho việc phát triển quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Về phía Việt Nam, có chuyến thăm của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tháng 10-2002 và tháng 7-2010; chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đức Lương tháng 5-2004; Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tháng 8-2008 và tháng 5-2010; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tháng 9-2007 và tháng 12-2009; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An tháng 1-2003; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng thăm tháng 4-2009; mới đây là chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tháng 7-2012. Về phía lãnh đạo cấp cao Liên bang Nga có các chuyến thăm của Tổng thống Nga Vla-đi-mia Pu-tin tháng 3-2001 và tháng 11-2006; Thủ tướng Nga M.Ca-xia-nốp tháng 3-2002; Chủ tịch Hội đồng Liên bang X.Mi-rô-nốp tháng 1-2005; Tổng thống Nga Đ.Mét-ve-đép và dự Hội nghị cấp cao ASEAN - Nga lần thứ hai vào tháng 10-2010 thăm chính thức Việt Nam; Thủ tướng Nga M.Phờ-rát-cốp tháng 2-2006.

Trong các cuộc gặp cấp cao, hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc tích cực triển khai các biện pháp cụ thể nhằm đưa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Liên bang Nga thực chất và hiệu quả hơn, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên hợp tác như kinh tế - thương mại, đầu tư, khoa học và kỹ thuật, tạo thuận lợi cho trao đổi hàng hóa và dịch vụ, tạo kênh thông tin về thị trường của nhau, khuyến khích đầu tư của Nga vào Việt Nam, nhất là các dự án khai khoáng, năng lượng. Bên cạnh đó, hai nước duy trì hữu hiệu cơ chế Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật và thành lập Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam - Liên bang Nga nhằm trao đổi biện pháp tăng cường hợp tác và hỗ trợ xúc tiến thương mại, đầu tư cho doanh nghiệp hai nước. Năm 2007, Việt Nam và Nga đã công nhận lẫn nhau có nền kinh tế thị trường, tạo thêm điều kiện cho doanh nghiệp của nhau thâm nhập thị trường.

Dù chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn nhưng hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Liên bang Nga thời gian qua phát triển rất năng động và tiếp tục được đẩy mạnh. Kim ngạch thương mại năm 2011 đạt 1,98 tỷ USD, tăng 8,1% so với năm 2010. Chín tháng đầu năm 2012 tổng kim ngạch hai chiều đạt gần 1,77 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt trên 1,13 tỷ USD, nhập khẩu 640 triệu USD. Tính đến hết tháng 8-2012, Nga có 84 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn 924 triệu USD. Hai bên dự kiến sẽ sớm cùng các nước liên quan khởi động đàm phán thành lập Khu vực mậu dịch tự do Việt Nam - Liên minh thuế quan (Nga, Bê-la-rút và Ca-dắc-xtan), khẳng định ưu tiên thúc đẩy hợp tác tại khu vực Viễn Đông của Nga.

Bên cạnh thương mại, hợp tác đầu tư Việt Nam - Liên bang Nga cũng cho thấy sự gia tăng mạnh mẽ. Tính đến hết tháng 9-2012, Nga đã có 78 dự án đầu tư trực tiếp vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký 919 triệu USD, tập trung vào khai khoáng, công nghiệp chế biến, chế tạo, ngân hàng, viễn thông... Đầu tư của Việt Nam sang Nga cũng tăng nhanh chóng, từ chỗ hơn 100 triệu USD vào năm 2008, hiện lên tới 776 triệu USD, tập trung vào lĩnh vực dầu khí, ngân hàng, thương mại... Xác định năng lượng là lĩnh vực hợp tác trụ cột trong quan hệ kinh tế Việt Nam - Liên bang Nga, mang lại hiệu quả kinh tế và tạo cơ sở cho mở rộng hợp tác các lĩnh vực khác, bên cạnh gia hạn thời gian đối với Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro đến năm 2030, hai nước còn thành lập các Liên doanh Rusvietpetro, Vietgazprom, Gazpromviet để mở rộng hợp tác dầu khí ở Việt Nam, Nga và nước thứ ba. Liên doanh Rusvietpetro đã khai thác dòng dầu thương mại đầu tiên tại mỏ Bắc Khô-xê-đa-út (Liên bang Nga) tháng 9-2010 và tại mỏ Vi-xô-vôi (Liên bang Nga) tháng 7-2011. Hai nước đã đạt được thỏa thuận tiếp tục hợp tác trong việc xây mới và hiện đại hóa các công trình năng lượng tại Việt Nam. Các hoạt động giao lưu văn hóa được hai nước tổ chức thường xuyên, góp phần tăng cường sự hiểu biết và tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Liên bang Nga.

Bên cạnh đó, sự hợp tác trên các lĩnh vực khoa học - kỹ thuật, giáo dục - đào tạo, văn hóa giữa hai nước tiếp tục phát triển tốt đẹp. Năm 2012, Nga cấp cho Việt Nam 476 học bổng đào tạo đại học và sau đại học. Các hoạt động giao lưu văn hóa được tổ chức thường xuyên, góp phần tăng cường hiểu biết và quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Tháng 11-2010 Những ngày văn hóa Nga được tổ chức tại Việt Nam và Những ngày văn hóa Việt Nam được tổ chức tại Liên bang Nga năm 2011. Việt Nam ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách Nga. Hai nước đã thực hiện gần 60 dự án nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Hợp tác nghiên cứu khoa học trong khuôn khổ Trung tâm Nhiệt đới tại Việt Nam mang lại nhiều kết quả tích cực... Hợp tác địa phương cũng tiếp tục được duy trì và tăng cường thông qua trao đổi đoàn và ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác. Nhiều địa phương của hai nước đã thiết lập quan hệ hợp tác với nhau, đặc biệt giữa Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh với Mát-xcơ-va và Xanh Pê-téc-bua.

Mặc dù phải ưu tiên giải quyết những khó khăn, thách thức trong quá trình chuyển đổi ở Nga và đổi mới ở Việt Nam nhưng với tình cảm hữu nghị truyền thống, lãnh đạo và nhân dân hai nước đã nỗ lực vun đắp và phát triển quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga lên tầm cao mới. Trong một thập kỷ qua, vượt qua thăng trầm, với chiến lược chấn hưng đúng đắn, Liên bang Nga đã đi vào ổn định, phục hồi và phát triển, từng bước khôi phục vị thế cường quốc với uy tín và vai trò ngày càng cao trên trường quốc tế. Liên bang Nga hiện là nền kinh tế lớn thứ 9 trên thế giới với GDP năm 2011 đạt 1.885 tỷ USD. Liên bang Nga là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, thành viên của các tổ chức toàn cầu quan trọng như G8, G20, BRICS…

Trong chính sách đối ngoại của mình, Liên bang Nga luôn dành ưu tiên phát triển quan hệ với Việt Nam trên cơ sở song phương và đa phương, coi Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ngược lại, với chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, Việt Nam cũng luôn coi trọng quan hệ truyền thống, hữu nghị, toàn diện với Liên bang Nga. Trên nền tảng mối quan hệ truyền thống và đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới, Việt Nam và Liên bang Nga đã xác lập mối quan hệ song phương lên tầm đối tác chiến lược vào tháng 3-2001 nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống V.Pu-tin. Liên bang Nga là nước đầu tiên Việt Nam thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Cùng với các cơ chế đối thoại khác giữa Việt Nam và Liên bang Nga hoạt động hiệu quả, trở thành kênh trao đổi ý kiến quan trọng về các vấn đề hai bên cùng quan tâm, từ đó phối hợp chặt chẽ và ủng hộ nhau trên các diễn đàn quốc tế. Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ Nga tham gia Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM), Hội nghị Cấp cao Đông Á, ủng hộ Liên bang Nga gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)... Việt Nam cũng ủng hộ vai trò của Liên bang Nga tại châu Á - Thái Bình Dương vì hoà bình, ổn định và phát triển bền vững tại khu vực.

Chính sự tương đồng quan điểm về nhiều vấn đề quốc tế và khu vực mà hai nước Việt Nam - Liên bang Nga đã phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế như: Liên hợp quốc, APEC, ARF... ; đẩy mạnh hợp tác trong khuôn khổ ASEAN - Nga. Hội nghị Cấp cao ASEAN - Nga lần thứ hai đã diễn ra thành công tại Hà Nội tháng 10-2010. Việt Nam đã hỗ trợ tích cực để Nga chính thức được kết nạp vào ASEM tháng 10-2010 và tham gia Cấp cao Đông Á từ năm 2011. Hai nước cũng đã thiết lập cơ chế Đối ngoại chiến lược ngoại giao - an ninh - quốc phòng thường niên cấp Thứ trưởng thường trực Ngoại giao (đến nay đã tiến hành 4 lần) và tiến hành tham vấn chính trị thường kỳ cấp Thứ trưởng Ngoại giao và cấp Cục, Vụ trong khuôn khổ hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao.

Với sự hợp tác, phát triển bền vững và thắm tình đó, chúng ta tin tưởng, chuyến thăm lần này của Thủ tướng Nga Đ.Mét-vê-đép tới Việt Nam, một lần nữa khẳng định quyết tâm của lãnh đạo và nhân dân hai nước trong việc tăng cường mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống, đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga. Đây sẽ không chỉ là sự kiện đánh dấu trang mới trong quan hệ hai nước nhằm củng cố và tăng cường hơn nữa hợp tác toàn diện giữa hai bên, duy trì cơ chế tiếp xúc chính trị cấp cao vì hoà bình và phát triển trong khu vực và trên thế giới giữa Việt Nam và Liên bang Nga mà còn là dịp quan trọng để hai bên trao đổi các biện pháp và phương hướng thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện trên mọi lĩnh vực, nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư, thúc đẩy triển khai thực hiện các dự án lớn giữa hai nước và thúc đẩy sớm khởi động đàm phán để ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA), làm cơ sở tăng nhanh trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Liên minh thuế quan Nga - Ca-dắc-xtan - Bê-la-rút trong những năm tới./.
Bạch Dương