THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM (Tài liệu tham khảo đặc biệt)
Chủ nhật, ngày 7/4/2013
(Tạp chí “Chính trị quốc tế”, Trung Quốc, tháng 11/2012)
Học giả Vladimir Krakow thuộc Viện nghiên cứu Viễn Đông thuộc Học viện Mátxcơva nêu rõ Nga chưa có sự
quan tâm đầy đủ tại thời điểm năm 2009 khi Chính phủ Obama lần đầu tiên
tuyên bố Mỹ quay trở lại châu Á (nói đúng hơn là trở lại châu Á-Thái
Bình Dương).
Tổng biên tập Tạp chí “Cuộc sống thế giới” thuộc Bộ Ngoại giao Nga Armen cho rằng Mỹ chưa có kế hoạch hành động để thực hiện mục tiêu chiến lược tại khu vực châu
Á-Thái Bình Dương trước khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton viết bài
“Thế kỷ Thái Bình Dương của Mỹ” trên tạp chí “Chính sách ngoại giao” vào
năm 2010. Quan điểm của giới học giả Nga đối với vấn đề Mỹ “quay trở
lại châu Á-Thái Bình Dương” được phản ánh qua nhiều bài viết trên các
tạp chí chính trị học và phương Đông học như: “Nước Nga trong nền chính
trị toàn cầu”,-“Cuộc sống thế giới”, “Vấn đề Viễn Đông”, “Nga và châu
Á-Thái Bình Dương”, “Châu Á và châu Phi ngày nay” và các trang web như
“Chính trị nước Nga hiện đại”, “Bình luận Đông phương mới”, “Bình luận
Nga – Trung”. Lập trường và quan điểm của các nhà chính trị và học giả
phương Đông của Nga đối với nguyên nhân, ảnh hưởng và ứng phó với việc
Mỹ quay trở lại châu Á đã cung cấp cho chúng ta những đánh giá mới.
I) Nguyên nhân Mỹ “quay trở lại” châu Á-Thái Bình Dương
Học giả Nga phân tích nguyên nhân Mỹ quay trở lại
châu Á-Thái Bình Dương chủ yếu từ các góc độ như nguyên nhân kinh tế,
cục diện chiến lược quốc tế…
Thứ nhất, việc Mỹ quay trở lại châu Á-Thái Bình
Dương là để thúc đẩy phục hồi kinh tế Mỹ, kiềm chế Trung Quốc, duy trì
địa vị lãnh đạo kinh tế của họ. Có học giả nêu rõ Mỹ chưa bao giờ rời
khỏi châu Á-Thái Bình Dương, việc nhấn mạnh quay trở lại châu Á-Thái
Bình Dương lần này có tính chất tiến hành một cuộc Chiến tranh Lạnh về
kinh tế đối với Trung Quốc, cũng như có những tính toán kinh tế nhằm
tăng cường sự phụ thuộc về an ninh của đồng minh đối với Mỹ và để xuất
khẩu vũ khí. Thực chất việc Mỹ quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương là
dùng sức mạnh quân sự và mạng lưới đồng minh đê bù đắp sự yếu kém và lo
ngại về sức mạnh kinh tế. Chẳng hạn, Mỹ hy vọng dùng “sức mạnh mềm” và
“sức mạnh thông minh” để bù đắp vào sự thiếu hụt sức mạnh cứng của họ.
Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Viễn Đông thuộc Học viện Mátxcơva Sergei
Lukin cho rằng việc lưỡng cực hóa Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái
Bình Dương (APEC) đã phản ánh sự tranh chấp địa vị lãnh đạo kinh tế khu
vực châu Á- Thái Bình Dương giữa Trung Quốc và Mỹ. Ông nói: “Mỹ cố gắng
tranh thủ quay trở lại khu vực châu Á-Thái Bình Dương là nhằm chiếm lấy
một không gian để thực hiện phương án thị trường chung của mình. Tại Hội
nghị thượng đỉnh APEC tổ chức vào tháng 11/2011, Hiệp định đối tác kinh
tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ đưa ra đã gây tranh cãi
quyết liệt. Hơn nữa, Mỹ còn cố ý quên mời Bắc Kinh tham gia”.
Về TPP, các học giả Nga nêu rõ hiệp định này thực
tế là biện pháp để chèn ép Trung Quốc, làm suy yếu ảnh hưởng của Trung
Quốc tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Nghiên cứu viên Viện nghiên cứu
an ninh quốc tế thuộc Học viện khoa học Nga Alexei Fenenko cho rằng xây
dựng TPP là thử nghiệm của Mỹ một là nhằm làm cho khu vực châu Á-Thái
Bình Dương phát triển theo hướng có lợi cho họ, động cơ chủ yếu của họ
là xây dựng quan hệ kinh tế với các quốc gia hai bờ Thái Bình Dương. Hai
là làm suy yếu và kiềm chế các tổ chức liên kết khu vực như Hiệp hội
các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), ngăn chặn sự liên kết của các quốc gia
Đông Nam Á. Ba là Mỹ và Nhật Bản muốn thông qua TPP để lôi kéo các nước
ASEAN đã ký hiệp định tự do thương mại với Trung Quốc, làm suy yếu ảnh
hưởng kinh tế của Trung Quốc đối với các nước ASEAN, ngăn chặn việc xây
dựng Khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc – ASEAN trong tương lai. Bốn là
phá vỡ hệ thống hiệp thương chính trị trong khuôn khổ các tổ chức chính
trị đã được thừa nhận rộng rãi như ASEAN + 3, ASEAN+6. Ôxtrâylia, Niu
Dilân, Nhật Bản càng muốn tham gia nhiều hơn khuôn khổ TPP do Mỹ lãnh
đạo. Các nước như Malaixia, Xinhgapo, Việt Nam… đang xây dựng hệ thống
hiệp thương TPP để thay thế ASEAN. Năm là thông qua TPP để điều chỉnh hệ
thống đồng minh xuyên Thái Bình Dương do Mỹ lãnh đạo, bao gồm đồng minh
Mỹ – Nhật Bản, ANZUS (Hiệp ước an ninh Ôxtrâylia, Niu Dilân, Mỹ), quan
hệ đối tác Mỹ – Mỹ Latinh (Chilê, Pêru).
Học giả Nga nêu rõ Mỹ cho rằng Trung Quốc có dã
tâm địa chính trị, muốn quảng bá mô hình chính trị của mình, điều này
làm Mỹ lo ngại. Nhà nghiên cứu lịch sử Igor Vladimirovich nêu rõ Obama
đưa ra chiến lược mới là để ngăn chặn sự phát triển của Trung Quốc, làm
yếu đi ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Nhà
ngoại giao Boris Gryzlov cho rằng: “Giới tri thức và tinh hoa chính trị
của Mỹ lo ngại sự tăng cường địa vị kinh tế của Trung Quốc có thể thay
đổi ảnh hưởng chính trị toàn cầu, trở thành kẻ cạnh tranh mạnh mẽ đối
với Mỹ. Do đó, trong bất kỳ tình huống nào, họ đều có ý nhấn mạnh thế kỷ
của Mỹ còn lâu mới kết thúc”. Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tình hình
chính nước Nga Pavel Saleen nhấn mạnh Mỹ không thể chấp nhận Bắc Kinh có
ý đồ chuyển sức mạnh kinh tế sang thách thức Mỹ về chính trị. Trọng
điểm của việc Mỹ ngăn chặn chiến lược toàn cầu của Trung Quốc hiện nay
là lấy kinh tế làm biện pháp chủ yếu, lấy quân sự để hỗ trợ, trên nhiều
phương diện, chẳng hạn như những cuộc gây hỗn loạn ở Libi và Xuđăng là
nhằm đánh vào lợi ích kinh tế của Trung Quốc. Krakow nêu rõ học giả Nga
đã thừa nhận thực tế Mỹ “quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương”, đồng thời
giải thích mục đích của Mỹ là tăng cường địa vị và uy tín quốc tế đang
bị lung lay của họ. Mỹ chú ý đến tỷ trọng đóng góp vào tăng trưởng kinh
tế thế giới của các nước châu Á-Thái Bình Dương, nên hy vọng biến chính
sách châu Á-Thái Bình Dương của mình thành công cụ chiến lược hiệu quả
để thúc đẩy phục hồi kinh tế Mỹ, việc “quay trở lại châu Á-Thái Bình
Dương” đã xem xét vấn đề công khai kiềm chế “sự trỗi dậy của Trung
Quốc”.
Một quan điểm khác nêu rõ việc Mỹ quay trở lại
châu Á-Thái Bình Dương là để cân bằng so sánh lực lượng tại khu vực này,
thực hiện trách nhiệm đối với đồng minh, duy trì địa vị lãnh đạo tại
khu vực này. Tổng biên tập Tạp chí “Nước Nga trong nền chính trị toàn
cầu” Fyodor Romanov nhấn mạnh một số quốc gia châu Á-Thái Bình Dương hy
vọng được bảo vệ với sự giúp đỡ của Mỹ, nhằm tránh các rủi ro do sự hùng
mạnh của Trung Quốc gây ra. Ý đồ đó bị Mỹ lợi dụng, tôn chỉ ngoại giao
chủ yếu của Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương là tăng cường quan hệ
với những quốc gia mong muốn Mỹ làm đối trọng với Trung Quốc hoặc liên
kết đồng minh mới, như một số đồng minh truyền thống như Ôxtrâylia,
Phillíppin, Xinhgapo, Thái Lan, Nhật Bản…. và các nước mới như Việt Nam,
Ấn Độ… Việc Trung Quốc có cảm giác bị bao vây là có thật. Viện trưởng
Viện khoa học về vấn đề địa chính trị Nga Leonid Ivashov cho rằng: “Tăng
cường sự hiện diện tại Xinhgapo là một bộ phận cấu thành sự đối đầu
quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc”. Học giả Armen nhấn mạnh “Chúng ta sẽ
nhanh chóng nhìn thấy sự tăng cường tổ chức chính trị quân sự cũ và nảy
sinh những tổ chức chính trị quân sự mới”. Mỹ và đồng minh của họ có thế
phát triển thành “NATO của châu Á”.
Đài Tiếng nói nước Nga nêu rõ Mỹ có ý đồ dựa vào
các đồng minh và đối tác để xây dựng bức tường thành chống Trung Quốc
tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Mục đích của cuộc tập trận chung
“Balikatan” không những là để cảnh báo Bắc Triều Tiên, mà còn có ý đồ
gây sức ép chính trị quân sự với Trung Quốc. Học giả Alexei Maslov thuộc
Đại học Kinh tế nói: “Khoảng 10 năm trước, chỉ dùng phương thức chính
trị để giải quyết xung đột, còn hiện nay các bên đang trở lại khái niệm
duy trì răn đe quân sự trong xung đột. Ở khu vực này, ngày càng có nhiều
quốc gia ASEAN và láng giềng của họ tham gia tập trận chung”. Mỹ còn
lợi dụng sức mạnh mềm văn hóa như điện ảnh để thâm nhập vào Trung Quốc,
chẳng hạn như bộ phim “Chiến hạm” (Battleship) ra mắt ở Trung Quốc tháng
4/2012 đã ra sức giương cao cuộc tập trận chung Mỹ – Nhật, tác động
tiêu cực đến tâm lý của dân chúng Trung Quốc.
Học giả Nga coi việc Mỹ “quay trở lại châu Á” là
biện pháp đánh đòn phủ đầu để bảo vệ địa vị lãnh đạo của Mỹ, kiềm chế
những đối thủ cạnh tranh tại châu Á-Thái Bình Dương. Học giả Sergei
Mikhnevich coi hành động của Mỹ tại châu Á là biện pháp phòng ngừa. Ông
cho rằng Mỹ thấy các quốc gia ở châu Á có thể đoàn kết với nhau dưới sự
lãnh đạo của Trung Quốc, Mỹ không thể chấp nhận một quốc gia chuẩn bị
thách thức địa vị lãnh đạo thế giới của họ đang phát triển mạnh mẽ. Phó
Viện trưởng Viện nghiên cứu vấn đề Mỹ và Canada thuộc Học viện khoa học
Nga Paevl Solotarow cho rằng: “Chiến lược quốc phòng mới là sự kéo dài
chính sách quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương, đó là tăng cường quan hệ
với đồng minh hiện có và câu kết đồng minh mới tại khu vực này, mục
đích chủ yếu của họ là kiềm chế Trung Quốc”.
II) Ảnh hưởng của việc Mỹ “quay trở lại” châu Á-Thái Bình Dương
Học giả Nga cho rằng Mỹ sẽ coi châu Á-Thái Bình
Dương là một vành đai quan trọng trên thế giới để kiềm chế Trung Quốc,
đồng thời tăng cường gây áp lực chiến lược đối với Xyri và Iran, chèn ép
không gian quốc tế của Trung Quốc, bóp nghẹt yết hầu năng lượng của
Trung Quốc, đồng thời làm suy yếu, thậm chí loại bỏ sức mạnh quân sự
nòng cốt của Nga. Chiến lược “quay trở lại” châu Á-Thái Bình Dương của
Mỹ có ảnh hưởng sâu rộng đến quan hệ Nga – Mỹ, quan hệ Trung – Mỹ và cục
diện châu Á- Thái Bình Dương.
1) Ảnh hưởng đối với quan hệ Nga – Mỹ
Việc Mỹ “quay trở lại” châu Á-Thái Bình
Dương đã xâm phạm đến lợi ích của Nga, làm gia tăng mâu thuẫn giữa Nga
và Mỹ, đồng thời thúc đẩy Nga hướng về châu Á-Thái Bình Dương. Nhà
nghiên cứu chính trị Sergei Mikheyev nêu rõ Mỹ tích cực thúc đẩy chủ
trương xây dựng TPP, nhưng họ không mời Nga, cũng không mời Trung Quốc
tham gia hiệp định này. APEC không thể tiếp tục là công cụ để Mỹ gây ảnh
hưởng đến Thái Bình Dương. Việc Mỹ phản đối ý kiến của Nga liên quan
đến việc xây dựng Quỹ chuyển giao công nghệ trong khuôn khổ APEC vừa là
hành động chống Mátxcơva, vừa là hành động chống Bắc Kinh, vấn đề hệ
thống phòng thủ tên lửa đạn đạo làm cho quan hệ Nga – Mỹ đã xấu lại càng
xấu hơn. Krakow cho rằng Mátxcơva coi hệ thống lá chắn tên lửa mà Mỹ
triển khai ở châu Âu (lần này là Ba Lan và Rumani) là hành động phá hoại
nguyên tắc “an toàn bình đẳng”. Trong bài viết “Trở thành cường quốc:
Bảo đảm an ninh quốc gia Nga”, Tổng thống Nga Putin nêu rõ: “Phải có
những bước đi kiên định về mặt tăng cường hệ thống phòng thủ không gian
quốc gia”. Ông giải thích: “Chính sách của Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc
Đại Tây Dương (NATO) trong vấn đề triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa
buộc chúng ta phải lựa chọn hành động trên”. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng
Nga Anatoly Anonov cũng nêu rõ: “Bộ phận cấu thành hệ thống phòng thủ
tên lửa toàn cầu của Mỹ tại các khu vực khác cũng có tiềm năng nhằm vào
Nga. Việc kết hợp lá chắn tên lửa tại châu Âu với các căn cứ của hệ
thống phòng thủ tên lửa tại Alaska và khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ
nâng cao khả năng tổng hợp phòng thủ của hệ thống lá chắn tên lửa Mỹ”.
Putin nhấn mạnh chuyển hướng quân sự sang châu Á-Thái Bình Dương, nêu rõ
phục hưng thực sự hải quân “viễn dương”, trước hết là phục hưng sức
mạnh hải quân ở khu vực phía Bắc và Viễn Đông, là một trong những phương
hướng nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay của Nga.
Krakow cho rằng hy vọng “tái khởi động” hoặc cải
thiện quan hệ Nga – Mỹ được thực hiện trong mấy lĩnh vực: Thúc đẩy đàm
phán về hạn chế vũ khí tấn công chiến lược; Mỹ từ bỏ kế hoạch xây dựng
hệ thống phòng thủ tên lửa tại Cộng hòa Séc và Ba Lan được xây dựng dưới
thời Tống thống Bush con. Mỹ ngừng kế hoạch lôi kéo các quốc gia Đông
Âu thuộc Liên Xô trước đây như Grudia và Ưcraina gia nhập NATO. Đúng như
những điêu mà Putin nói: “Trong quan hệ Nga – Mỹ, chúng ta mong muốn
phát triển quan hệ lâu dài hơn với Mỹ, có sự đột phá mang tính thực chất
hơn. nhưng điều kiện là Mỹ phải thực sự tuân thủ nguyên tắc quan hệ đối
tác bình đăng và tôn trọng lẫn nhau”.
2) Ảnh hưởng đối với quan hệ Trung – Mỹ
Học giả Nga đã phân tích vấn đề, hiện trạng và xu
hướng của quan hệ Trung – Mỹ và ảnh hưởng của việc Mỹ “quay trở lại
châu Á-Thái Bình Dương” đối với quan hệ Trung – Mỹ, bao gồm vấn đề cục
diện Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông), tranh chấp lãnh thổ.
Học giả Nga nêu rõ tương lai quan hệ Trung – Mỹ
rất có khả năng sẽ là hợp tác trong đấu tranh, nếu Trung Quốc và Mỹ chưa
thể kiềm chế nhân tố mang tính xung đột trong quan hệ song phương, thì
sẽ dẫn đến đối đầu nhiều hơn. Học giả Andrei Davvdov ở Viện nghiên cứu
Viễn Đông thuộc Học viện khoa học Nga cho rằng: Vấn đề quan trọng nhất
của quan hệ Trung – Mỹ không phải là nhân tố kinh tế, mà là nhân tố
chiến lược quân sự. Hai bên ở vào thời kỳ hình thành một mô hình đối tác
toàn cầu mang một nhân tố cạnh tranh. Krakow nêu rõ: Việc Mỹ “quay frở
lại châu Á-Thái Bình Dương” có thể làm cho mâu thuẫn trong quan hệ Trung
– Mỹ trở nên sâu sắc hơn. Tình cảm tốt đẹp mà dân chúng Trung Quốc dành
cho Mỹ giảm đi, đánh giá tiêu cực của giới học giả đối với chính sách
của Mỹ ở châu Á chiếm vai trò chủ đạo. Các phương tiện truyền thông của
Nga chú ý đến quan điểm “sự tin cậy lẫn nhau giữa Trung Quốc và Mỹ giảm
đi, hai nước có thể xảy ra xung đột trong 10 năm nữa” nêu trong Báo cáo
“Sự nghi ngờ chiến lược Trung – Mỹ: Phân tích và ứng phó”, Họ cho rằng
nếu những dự báo của báo cáo này thành hiện thực, khu vực châu Á-Thái
Bình Dương sẽ trở thành chiến trường đối đầu quyết liệt giữa Trung Quốc
và Mỹ. Đương nhiên, giới học giả Nga cũng đánh giá lạc quan về quan hệ
này. Cùng quan điểm với Henry Kissinger, Viện trưởng Học viện ngoại giao
Nga Evgeniya Bazanov cho rằng Trung Quốc và Mỹ có thể tránh thành được
sự đối đầu nghiêm trọng: “Hai nước đều hiểu đa số vấn đề toàn cầu đều
không thể tự giải quyết hoặc dùng biện pháp đối đầu để giải quyết. Thế
là xuất hiện một tình thế rất phức tạp: Một mặt là đấu tranh, mặt khác
là hợp tác”.
Học giả Nga cho rằng vấn đề Biển Đông trở thành
cái cớ để Mỹ can thiệp vào quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN. Học giả Ana
thuộc Đại học Saint Petersburg nhận định những tranh chấp này (tranh
chấp giữa Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN tại Biển Đông) đã tạo
ra môi trường có lợi để Mỹ thực hiện chính sách “quay trở lại châu Á”,
một mặt giúp Mỹ mở rộng hợp tác với ASEAN, mặt khác kiềm chế ảnh hưởng
ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực. Một học giả Nga cho rằng:
“Vấn đề Biển Đông của Trung Quốc hiện nay đã bước vào giai đoạn phân
chia phạm vi quyền lực. Trung Quốc có trọng điểm của mình, Mỹ cũng có
trọng điểm của họ. Mặc dù Bộ Quy tắc về cách ứng xử của các bên Biển
Đông đang được soạn thảo, nhưng chẳng nước nào có thể tuân thủ, tất cả
mọi vấn đề sẽ được giải quyết cứng rắn thô bạo bằng bạo lực”.
Chuyên gia Nga còn chú ý đến việc các nước phương
Tây như Mỹ lợi dụng các quốc gia như Mianma để kiềm chế Trung Quốc, Học
giả Boris thuộc Viện nghiên cứu chiến lược nêu rõ: “Sau khi phe đối lập
giành thắng lợi trong cuộc bầu cử quốc hội bổ sung tại Mianma, Trung
Quốc, Ấn Độ và các nước phương Tây đã bắt đầu một cuộc đấu mới vì lợi
ích của mình. Các nước phương Tây ra sức giúp bà Aung San Suu Kyi trở
thành lãnh tụ tiềm năng của đất nước, nhằm chặt một tay của Trung Quốc.
Học giả Felix Yurlov thuộc Viện Đông phương thuộc Học viện khoa học Nga
cho rằng: “Mianma đã trở thành chiến trường xung đột lợi ích giữa Trung
Quốc với thế giới phương Tây”. Cũng có học giả cho rằng sự can dự của Mỹ
vào quan hệ Trung Quốc – Mianma là rất hạn chế. Tuy Mỹ đã gây thiệt hại
cho Trung Quốc, làm cho Mianma ngừng xây dựng đập thủy điện Myitsone đe
dọa đường ống dẫn khí đốt giữa Trung Quốc và Mianma, làm yếu đi ảnh
hưởng của Trung Quốc tại Mianma, nhưng Chính quyền Thein Sein không thể
duy trì quyền lực nếu không có sự ủng hộ của Trung Quốc, bởi vì chính
quyền hiện nay của Mianma được Trung Quốc đảm bảo
cho vay nợ. Trung Quốc có ưu thế mà Mỹ không thể so sánh được về mặt
duy trì ổn định tình hình chính trị tại Mianma.
3) Ảnh hưởng đối với cục diện châu Á-Thái Bình Dương
Các phương tiện truyền thông và học giả Nga thể
hiện sự quan tâm cao độ đối với vấn đề điều chỉnh chiến lược quân sự mới
của Mỹ như mở rộng sự hiện diện quân sự tại Ôxtrâylia, cục diện bán đảo
Triều Tiên. Cơ quan ngoại giao Nga nhận định đây là hành động làm cho
tình hình khu vực châu Á-Thái Bình Dương phức tạp hơn.
Học giả Victor Nikolaevich ở Viện nghiên cứu Viễn
Đông thuộc Học viện khoa học Nga nêu rõ chiến lược “quay trở lại châu
Á” là sự bổ sung để tiếp tục tăng cường ưu thế về sự hiện diện quân sự
và sức mạnh quân sự của Mỹ tại khu vực này. Trong tình hình thu hẹp lực
lượng quân sự tại khu vực khác, Mỹ đã điều chỉnh trọng tâm chiến lược
sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương, về tổng thể, có thể dự báo, chính
sách châu Á- Thái Bình Dương của Mỹ là để tăng cường sức mạnh hải quân
và không quân, tiếp tục triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa nhằm vào
khu vực Đông Á, tăng cường căn cứ quân sự tại Guam và Okinawa, tăng
cường viện trợ cho các đồng minh tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương; xây
dựng tổ hợp quân sự hùng mạnh mới mang tính thực chất tại phía Tây Nam
Thái Bình Dương; triển khai 2500 lính thủy đánh bộ, tàu chiến và lực
lượng không quân đi cùng tại thành phố Darwin ở miền Bắc Ôxtrâylia. Thực
thi hàng loạt biện pháp này rõ ràng là nhằm vào Trung Quốc và khu vực
Biển Đông, Mỹ đã thực hiện chính sách công khai đối đầu vói Trung Quốc.
Về vấn đề bán đảo Triều Tiên, Chủ nhiệm Trung tâm
nghiên cứu Triều Tiên thuộc Viện nghiên cứu Viễn Đông – Học viện khoa
học Nga Alexander quy kết tình hình bán đảo Triều Tiên xấu đi trong năm
2010 hoàn toàn do lỗi của Mỹ. Ông cho rằng Hàn Quốc mong muốn đẩy nhanh
sự sụp đổ của chế độ Bắc Triều Tiên và thiết lập sự kiểm soát trên toàn
bán đảo Triều Tiên, từ đó trực tiếp đưa vũ khí của mình đến biên giới
Trung – Nga. Tuy nhiên, đến năm 2011, Chính quyền Obama đã ý thức được
rằng sách lược dùng vũ lực đế gây sức ép với Bắc Triều Tiên là không khả
thi, vì thế Mỹ đã bổ nhiệm đặc phái viên mới của ngoại trưởng phụ trách
Triều Tiên và Trưởng đoàn đàm phán của Mỹ tham gia Đàm phán Sáu bên về
vấn đề hạt nhân của bán đảo Triều Tiên để khôi phục lại sự tiếp xúc giữa
Mỹ và Bắc Triều Tiên. Từ ngày 29-30/3/2012, Viện nghiên cứu Viễn Đông
của Nga và Viện nghiên cứu quốc gia của Hàn Quốc đã tổ chức “Hội thảo về
vấn đề an ninh trên bán đảo Triều Tiên”. Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu
Triều Tiên thuộc Đại học Mátxcơva nêu rõ không thể hy vọng chính quyền
Bắc Triều Tiên sụp đổ (hoặc thực hiện một cuộc “Cách mạng sắc màu”), mà
phải tích cực chờ đợi và hướng theo tiến trình cải cách mở cửa của Bắc
Triều Tiên. Lựa chọn duy nhất của Nga chính là tích cực tham gia cải
cách mở cửa mà Bắc Triều Tiên có khả năng thực hiện, chuyển hướng chính
sách bị động về Bắc Triều Tiên sang chính sách hợp tác láng giềng thiết
thực một cách tích cực chủ động.
Học giả Nga coi việc Mỹ quay trở lại châu Á-Thái
Bình Dương và hành động có liên quan là việc làm gây rối tại khu vực
này. Tổng biên tập Tạp chí “Quốc phòng” Igor nêu rõ: “Không loại trừ khả
năng cục diện căng thẳng thời kỳ Chiến tranh Lạnh sẽ được tái diễn tại
châu Á-Thái Bình Dương”. Tuy nhiên, nếu cuộc chạy đua vũ trang tại khu
vực châu Á-Thái Bình Dương trước kia là do Liên Xô và Mỹ gây ra, thì
cuộc đấu tranh chấp địa vị lãnh đạo của khu vựchiện nay được
Trung Quốc và Mỹ tiến hành. Những năm gần đây, Mỹ rõ ràng đã thực hiện
chiến thuật bao vây Trung Quốc thông qua chiến lược quân sự. Cùng với ý
đồ làm suy yếu Trung Quốc, là nước giữ vai trò lãnh đạo khu vực, Mỹ cũng
tăng cường ủng hộ về ngoại giao đối với những nước có tranh chấp lãnh
thổ với Trung Quốc, thậm chí muốn đóng vai trò trung gian hòa giải trong
cuộc xung đột này. Mỹ càng công khai ý đồ can dự vào tranh chấp lãnh
thổ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng, thì càng có khả năng làm
tình hình căng thẳng hơn, dẫn đến xung đột quân sự.
III) Phương hướng chiến lược ứng phó của Nga
Để giảm bớt ảnh hưởng từ việc Mỹ “quay trở lại
châu Á-Thái Bình Dương”, Nga tích cực điều chỉnh chiến lược và chính
sách tại châu Á-Thái Bình Dương, tích cực ứng phó trên nhiều lĩnh Vực
chính trị, kinh tế, quân sự tổ chức quốc tế… nhằm ổn định tình hình châu
Á-Thái Bình Dương, mượn “cơn gió phương Đông” để xây dựng môi trường
quốc tế tốt đẹp.
1) Tư duy ứng phó với việc Mỹ “quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương ”
Chủ trương thứ nhất được gọi là “Thuyết về việc
giúp Mỹ kiềm chế Trung Quốc”, đề xuất Nga phải giữ vai trò trung lập
trong quan hệ Trung – Mỹ, thậm chí phải giúp Mỹ kiềm chế Trung Quốc,
thực hiện tối đa hóa lợi ích quốc gia của Nga. Những người theo quan
điểm này có ý muốn ly gián quan hệ Trung -Nga, Học giả Dmitry thuộc Tổ
chức nghiên cứu phương Tây tại Nga là đại diện cho quan điểm này. Chủ
trương thứ hai có thể gọi là “Thuyết về việc hợp tác để kiềm chế Mỹ”,
cho rằng ảnh hưởng của Mỹ gia tăng tại châu Á-Thái Bình Dương làm tổn
hại lợi ích của Nga, có thể gọi là “môi hở răng lạnh”, chủ trương tăng
cường quan hệ hợp tác với các nước mới nổi tại châu Á-Thái Bình Dương
như Trung Quốc để cân bằng ảnh hưởng của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương.
Đại diện cho trường phái này là các học giả Krakow, Alexander Rogin…
Khi dự báo tình hình nước Nga trong cục diện châu
Á-Thái Bình Dương, những người theo “Thuyết về việc trợ giúp Mỹ kiềm
chế Trung Quốc” cho rằng Nga vừa phải đối mặt với rủi ro bị cuốn vào
xung đột giữa các siêu cường, vừa phải đối mặt với một cơ hội, mà theo
cách nói của người Trung Quốc là “Tọa sơn quan hổ đấu”, tìm cách “ngư
ông đắc lợi”. Chủ nhiệm Trung tâm Carnegie Moscow Dmitry cho rằng sự
trỗi dậy của Trung Quốc là thách thức to lớn đối với Nga, đặc biệt là
đối với khu vực Tây Xibêri. Trong lịch sử, Nga đã lần lượt đóng vai trò
“người thầy”, “kẻ thù”, đến nay lại là nơi cung cấp nguyên liệu thô cho
Trung Quốc. Mátxcơva nên tránh đơn phương hướng về Bắc Kinh, phải tăng
cường quan hệ với các quốc gia xung quanh Trung Quốc, đặc biệt là hợp
tác với siêu cường hạng hai như Ấn Độ ở châu Á, nhằm kiềm chế Trung
Quốc. Tốt nhất là Mátxcơva thực hiện chính sách trung lập trong vấn đề
tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông và đảo Điếu Ngư (Nhật Bản gọi là
Senkaku). Đối với việc Nga lợi dụng mâu thuẫn giữa các nước Mỹ, Nhật
Bản, Ấn Độ, Việt Nam… với Trung Quốc, lấy ưu thế về năng lượng, vũ khí,
nâng cao địa vị của họ tại châu Á-Thái Bình Dương, Viện trưởng Viện
nghiên cứu vấn đề địa chính trị Leonid Ivashov thừa nhận: “Nga và Ấn Độ
tăng cường quan hệ đối tác để kiềm chế Trung Quốc”.
“Thuyết về việc giúp Mỹ kiềm chế Trung Quốc” thực
chất là phiên bản của “Thuyết về mối đe dọa từ Trung Quốc”, đã đã phản
ánh sự lo ngại của người Nga đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc, chủ
trương thực hiện chính sách vừa hợp tác vừa ngăn chặn. Những luận điệu
này phải được Trung Quốc thật sự coi trọng, đồng thời tìm cách để giải
quyết vấn đề đó. Sự lo ngại của một bộ phận người Nga chủ yếu là lo ngại
ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Á-Thái Bình Dương tăng lên sẽ làm
giảm đi vị thế của Nga ở châu Á-Thái Bình Dương và Trung Á, phá hoại
“Liên minh Âu – Á” do Nga xây dựng. Chuyên gia nghiên cứu vấn đề Đông
Nam A Dmitry Moxia cho rằng Trung Quốc thực hiện chính sách bành trướng
tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, hoạt động đầu tư đã làm gia tăng sự
phụ thuộc của các quốc gia tại châu Á-Thái Bình Dương vào Trung Quốc,
tình hình tương tự cũng xuất hiện trong quan hệ giữa Trung Quốc với một
số nước Trung Á. Giám đốc Trung tâm phân tích tình hình chính trị nước
Nga Pavel Saleen nêu rõ trong cuộc đấu Mỹ – Trung tại châu Á-Thái Bình
Dương,- Nga lợi dụng sự kiềm chế của Mỹ đối với Trung Quốc về năng
lượng, tìm cách mở rộng khả năng cung ứng đối với Trung Quốc, kiếm lợi
từ năng lượng của Nga. Ông nói: “Một khi xung đột Mỹ – Trung gia tăng,
việc cung ứng năng lượng trên biển của Trung Quốc rất dễ bị Mỹ cắt đứt,
Nga có thể lợi dụng địa vị nước cung ứng năng lượng trên đất liền duy
nhất cho Trung Quốc, nâng cao thị phần của Nga trong thị trường năng
lượng Trung Quốc”.
Về chiến lược, những người theo “Thuyết về việc
hợp tác kiềm chế Mỹ” nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng và vai trò của châu
Á-Thái Bình Dương đôi với Nga, cho rằng lợi ích của Nga đang tập trung
tại khu vực châu Á, phải thông qua chiến lược “quay trở lại châu Á-Thái
Bình Dương” (Đông tiến) để thực sự thực hiện chiến lược “chim ưng hai
đầu”. Krakow nêu rõ từ năm 2011 đến đầu năm 2012, sự quan tâm của Nga
đối với công việc châu Á-Thái Bình Dương ngày càng nhiều hơn. Oasinhtơn
khôi phục và tăng cường quan hệ với các đồng minh cũ tại khu vực châu
Á-Thái Bình Dương, đồng thời xây dựng chính sách mới với mục đích kiềm
chế Trung Quốc. Ở mức độ nào đó, việc làm này đụng chạm đến lợi ích của
Nga. Chủ tịch Uy ban quốc phòng và ngoại giao Nga Sergei Karagamov cho
rằng nước Nga bị ảnh hưởng của văn hóa châu Âu sẽ “châu Á hóa kinh tế”
trong tương lai. Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu Đông Á thuộc Viện Đông
phương thuộc Học viện khoa học Nga Dmitry Murcia nói: “Nước Nga là quốc
gia Thái Bình Dương, đối với tất cả các quốc gia thuộc Nga, khu vực châu
Á-Thái Bình Dương cũng rất hấp dẫn”.
“Thuyết về việc hợp tác kiềm chế Mỹ” được đại bộ
phận các học giả Nga ủng hộ, chủ trương tăng cường hợp tác chiến lược
với các quốc gia mới nổi, trong đó có Trung Quốc, chính sách hợp tác
trong khuôn khổ đa phương như BRICS (Braxin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam
Phi), Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) và cân bằng ảnh hưởng với Mỹ và
các đồng minh của họ. Krakow cho rằng Mỹ quay trở lại châu Á, tăng cường
sức mạnh quân sự tại khu vực này, sự phức tạp trong quan hệ Trung – Mỹ
tại Đông Á và Đông Nam Á do Oasinhtơn gây ra chắc chắn sẽ đe dọa nghiêm
trọng đến lợi ích của Nga. Nga phải duy trì và hoàn thiện quan hệ đối
tác hợp tác chiến lược với Trung Quốc, đồng thời cũng từ chối cùng Mỹ và
các nước phương Tây kiến tạo quan hệ mang tính xây dựng hài hòa. Học
giả thuộc Học viện Ngoại giao cho rằng: “Chính do quan hệ giữa Trung
Quốc với các đối tác kinh tế khác tại châu Á, Nga mới ở trong trung tâm
có ảnh hưởng đến thế giới”. Bắc Kinh coi Nga là đối tác để cân bằng
trong cạnh tranh với Mỹ và châu Âu, cũng được coi là để bảo đảm sự độc
lập chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Viện trưởng Viện nghiên cứu
Viễn Đông thuộc Học viện khoa học Nga Mikhail Leonid phát biểu rằng Nga
và Trung Quốc cần coi nhau là đối tác, quan hệ họp tác giữa hai nước
láng giềng là sự bảo đảm cho nhau về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Tuy
nhiên, đối với sự kết thành liên minh giữa Nga và Trung Quốc, phần lớn
các học giả Nga luôn giữ thái độ bảo lưu. Chuyên gia về vấn đề địa chính
trị của Nga Konstantin Sivkov nêu rõ việc kết thành liên minh Nga –
Trung thực tế có thể bao trùm cả lục địa Âu – Á. về mặt chính trị quân
sự, liên minh nảy sẽ rất mạnh, nhưng nhiều quan điểm chiếm số đông hơn
cho rằng thảo luận vấn đề này còn hơi sớm.
2) Biện pháp ứng phó: Điều chỉnh chiến lược và chính sách tại châu Á-Thái Bình Dương
“Thuyết về việc hợp tác để kiềm chế Mỹ” cũng nhận
được sự ủng hộ của những nhà hoạch định chính sách cao cấp ở Nga, trong
cương lĩnh tranh cử ngoại giao “Nước Nga và thế giới không ngừng thay
đổi” của mình, Putin đặc biệt nhấn mạnh đến việc nâng cao vai trò của
khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong công việc quốc tế, đồng thời trình
bày và phân tích đánh giá quan hệ Nga – Trung. Putin nêu rõ: “Nga cần
một Trung Quốc phồn vinh và ổn định, Trung Quốc cũng cần một nước Nga
lớn mạnh và thành công”. Putin khẳng định Ấn Độ là một đối tác hợp tác
chiến lược quan trọng của khu vực, đồng thời phải tăng cường vai trò của
các tổ chức đa phương như Liên hợp quốc, BRICS, Nhóm các nền kinh tế
phát triển và mới nổi hàng đầu thế giói (G-20), Nhóm 8 nước công nghiệp
phát triển (G- 8), Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO), ASEAN, APEC… Tổng
biên tập Tạp chí “Nước Nga trong nền chính tị toàn cầu” Feodor Luki cho
rằng Putin nhấn mạnh nước Nga quan tâm nhiều hơn Trung Quốc và toàn bộ
châu Á, đương nhiên đã xem xét đến sự phát triển tại phía Tây Xibêri và
vùng Viễn Đông.
Trên cơ sở đó, nước Nga tích cực điều chỉnh chiến
lược và chính sách tại châu Á-Thái Bình Dương, phản ánh chiến lược
“tiến sang phía Đông” quay trở lại khu vực châu Á-Thái Bình Dương theo
mô hình của Nga dần dần đã hình thành. “Báo cáo chiến lược năm 2020” đã
đề cập đến vai trò thúc đẩy của Trung Quốc đối với nền kinh tế Nga, kiến
nghị một mặt cần đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế Nga, mặt khác phải lợi
dụng cơ hội mới trong hợp tác Nga – Trung. Báo cáo “Tiến về phía Đông:
Nước Nga và châu Á hay nước Nga trong châu Á” của Hội nghị câu lạc bộ
Lauderdale gửi cho Putin đã nêu rõ chiến lược “tiến sang phía đông” của
Nga. Đó là cùng với việc quan tâm đến lợi ích của các nước tham gia công
việc khu vực châu Á-Thái Bình Dương khác, Nga phải tăng cường hợp tác
hơn nữa với các nước châu Á, đặc biệt là hợp tác chính trị và quan hệ
thương mại với Trung Quốc. Sự xác lập toàn diện hình tượng nước lớn của
Nga tại khu vực này phải có vai trò quan trọng trong việc thực hiện
chiến lược châu Á của Nga.
Về mặt an ninh, Nga thực hiện chính sách khá
trung lập và hợp tác đa phương nhằm phản ứng lại với chiến lược quân sự
của Mỹ. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng Nga có đầy đủ lý do để
được coi là nhân tố quan trọng nhằm ổn định chính trị quân sự và phát
triển bền vững tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Giữa Nga và các quốc
gia khác trong khu vực không tồn tại vấn đề không thể thông qua đối
thoại hòa bình để giải quyết. Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam là đối tác
chiến lược của Nga tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tăng cường hợp
tác chiến lược Trung – Nga trong lĩnh vực an ninh là khâu quan trọng để
ổn định thế cờ châu Á-Thái Bình Dương, về cuộc tập trận chung “Liên hợp
trên biển 2012” giữa Nga và Trung Quốc vào ngày 24/4/2012, Chuyên gia
Andhra Davidoff thuộc Viện nghiên cứu Viễn Đông nêu rõ: Hai nước Trung
Quốc và Nga đột nhiên tiến hành hợp tác về hải quân, vấn đề chính do sự
gia tăng căng thẳng ở khu Vực Biển Đông. Ngoài ra, Mỹ và Philippin cũng
tập trận chung tại vùng biển này. Ở mức độ nhất định, tập trận chung
giữa Nga và Trung Quốc là sự phản ứng với thực tế trên. Thượng tướng
Gennady Yefstafiyev, nhà phân tích quân sự của Nga, cho rằng: “Mỹ đã
chuyển trọng tâm sức mạnh quân sự và chính trị của mình sang khu vực
châu Á- Thái Bình Dương, chuẩn bị đối đầu với Trung Quốc. Ở mức độ nào
đó, nhiều sự kiện hiện nay đã xảy ra tại khu vực biển châu Á-Thái Bình
Dương có liên quan chặt chẽ đến việc làm đó của Mỹ”.
Nga tăng cường hơn nữa ngoại giao châu Á-Thái
Bình Dương trong hình thức đa phương. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nêu
rõ: “Nga đã tăng cường chính sách tập trung cho châu Á trong năm 2011.
Đây không phải do sức ép về tình hình chính trị hiện nay mà nhằm từng
bước thực hiện phương châm chiến lược nâng cao địa vị của Nga tại khu
vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Nga, trước hết là đưa khu vực
Tây Xibêri và Viễn Đông hội nhập có hiệu quả vào tiến trình liên kết khu
Vực châu Á-Thái Bình Dương. Trong mô hình tổ chức BRICS, Nga đã tăng
cường quan hệ hợp tác bình đẳng cùng có lợi, ở nhiều cấp độ, đồng thời
phát triển quan hệ với các nước chủ yếu ở châu Á, đặc biệt coi trọng
phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược với Trung Quốc và Ấn Độ,
đưa hợp tác trên nhiều lĩnh vực với Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước ASEAN
và khu vực châu Á-Thái Bình Dương đi vào chiều sâu, cùng với Mỹ tham gia Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS).
Triển vọng trong tương lai, Nga sẽ tham gia nhiều
hơn hoạt động của các cơ chế đa phương tại khu vực châu Á-Thái Bình
Dương như: “ASEAN+1”, Diễn đàn an ninh ASEAN, Hội nghị thượng đỉnh
BRICS, Đàm phán Sáu bên về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, SCO. Hợp tác
năng lượng đa phương với ASEAN là biện pháp quan trọng để Nga tăng cường
ảnh hưởng về kinh tế tại châu Á-Thái Bình Dương. Trên Tạp chí “Nước Nga
trong nền chính trị toàn cầu”, Viện trưởng Viện nghiên cứu quan hệ quốc
tế Xinhgapo Simon Tai nêu rõ “Nga không quan tâm nhiều đến Đông Nam Á
và ASEAN trong quá khứ, do đó Nga phải thông qua ASEAN để tăng cường
quan hệ với từng nước Đông Nam Á”. Học giả Kabaev thuộc Trung tâm nghiên
cứu châu Á-Thái Bình Dương Mátxcơva cho rằng không lâu nữa, đặc biệt là
sau khi tuyến đường ống dẫn dầu từ Tây Xibêri sang Thái Bình Dương đi
vào hoạt động, Nga sẽ phát huy vai trò ngày càng lớn về bảo đảm an ninh
năng lượng khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tuyến đường ống dẫn dầu
Skovorodino – Đại Khánh giữa Nga và Trung Quốc sẽ giúp Nga có thể xuất
khẩu dầu mỏ sang các nước Đông Nam Á. Học giả Ramon Pedrosa cho rằng Nga
ngày càng gắn bó chặt chẽ với khu vực Đông Nam Á về thương mại, năng
lượng, du lịch, quan hệ giữa Nga và ASEAN cũng bước vào tuần trăng mật
mới.
Việc Nga tổ chức Hội nghị thượng đỉnh APEC năm
2012 đã tạo điều kiện để Nga đẩy nhanh kế hoạch phát triển kinh tế khu
vực Viễn Đông, đồng thời giúp Nga hội nhập tích cực hơn vào đời sống
kinh tế và tiến trình liên kết khu vực. Trong bài viết “Liên kết để phát
triển, đổi mới để phồn vinh”, Thủ tướng Medvedev cho rằng chống khủng
bố và tội phạm xuyên quốc gia là nhiệm vụ quan trọng nhất khi Nga đảm
nhiệm chức Chủ tịch luân phiên của APEC; kiến nghị các nước thành viên
của APEC tăng cường hợp tác để chiến thắng thiên tai và địch họa; các
nền kinh tế của APEC cần tăng cường nỗ lực, nâng cao cảnh giác đối với
tai họa. Chuyên gia nghiên cứu Andre Varro thuộc Viện nghiên cứu Viễn
Đông cho rằng nhiệm vụ chủ yếu của Nga khi tổ chức APEC là hội nhập tích
cực hơn vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ông nói: “Nếu Nga gia nhập khu vực mậu
dịch tự do châu Á, cánh cửa lớn đầy triển vọng cho sự phát triển của
Nga sẽ mở ra”. Học giả Dimensional Slavic cho rằng: “Nga muốn tận dụng
đầư tư nước ngoài, tri thức nước ngoài và ưu thế thương mại quốc tế để
phát triển kinh tế xã hội trong khu vực. Đối với các quốc gia đối tác,
ưu thế của chúng ta trước hết là tài nguyên thiên nhiên phong phú và du
lịch. Nga có khả năng trở thành một mắt xích trong tiến trình xây dựng
quan hệ hợp tác cùng có lợi với các quốc gia khác trong khu vực này./.