Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2013

11. Trung Quốc nổ lực chống ảnh hưởng của Mĩ tại châu Phi


THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM (Tài liệu tham khảo đặc biệt)
Thứ Năm, ngày 28/3/2013
TTXVN (Niu Yoóc 22/3)
“Tạp chí Á-Âu” ngày 14/3 cho biết trong một hội nghị gần đây của Quốc hội Trung Quốc ở Bắc Kinh, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã công bố một kế hoạch dài hạn nhằm hội nhập khoảng 400 triệu người sống ở các vùng nông thôn vào các đô thị bằng cách tập trung thúc đẩy mức tăng trưởng ở các thành phố vừa và nhỏ. Ngược lại với tình trạng thiếu quan tâm tới phát triển cơ sở hạ tầng ở Mỹ và châu Âu, mỗi năm Trung Quốc chi khoảng 500 tỷ USD cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng và 6.400 tỷ USD cho kế hoạch đô thị hóa trong 10 năm để biến kế hoạch di dân nông thôn ra thành thị trở thành dự án lớn nhất trong lịch sử nhân loại.
Để thực hiện các chủ trương như vậy không chỉ đòi hỏi Trung Quốc phải sử dụng các phương pháp sản xuất khối lượng lớn và thời gian hiệu quả, mà cả các nguồn lực khổng lồ. Do đó không có gì ngạc nhiên khi chuyến công du đầu tiên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ông ta đến châu Phi để tăng cường các mối quan hệ thương mại và năng lượng cùng có lợi được triển khai khắp lục địa đen từ lâu và khiến các nhà hoạch định chính sách ở Oasinhtơn và các nước phương Tây cảm thấy khó chịu. Ông Tập Cận Bình sẽ đến thăm một số nước châu Phi mà Trung Quốc mong muốn mở rộng quan hệ, trong đó đặc biệt là Nam Phi. Từ khi thiết lập quan hệ năm 1998, thương mại song phương giữa hai nước tăng từ 1,5 tỷ USD lên 16 tỷ USD năm 2012, Tiếp theo mối quan hệ chủ yếu trao đổi kinh tế, hiện Trung Quốc và Nam Phi đã công bố kế hoạch tăng cường quan hệ Quân sự trong một chương trình hợp tác chính trị và an ninh. Tại Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-châu Phi năm 2012, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tuyên bố cung cấp khoản vay 20 tỷ USD cho các nước châu Phi để phục vụ các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng như: các tuyến đường giao thông, đường sắt và bến cảng nhằm cho phép trao đổi khối lượng hàng hóa thương mại và xuất khẩu lớn hơn. Trong bài phát biểu tại diễn đàn, Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma nói về khả năng không bền vững của mô hình thương mại hiện nay giữa Trung Quốc và châu Phi, trong đó các loại nguyên liệu thô được đưa về Trung Quốc và hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang khu vực này. Ông Zuma nói: “Kinh nghiệm về kinh tế trước đây của châu Phi đến với châu Âu cho thấy phải thận trọng khi tham gia quan hệ đối tác với các nền kinh tế khác. Chúng tôi tin tưởng mục đích của Trung Quốc khác với châu Âu-khu vực đến nay tiếp tục có ý đồ gây ảnh hưởng tới các nước châu Phi vì lợi ích riêng của họ”. Chuyến thăm của ông Tập Cận Bình cho thấy Trung Quốc chú trọng tới mối quan hệ Trung Quốc-châu Phi và trong chuyến thăm, ông cũng tham dự hội nghị thứ năm của BRICS-hội nghị thượng đỉnh đầu tiên được tổ chức tại châu Phi để hỗ trợ nhà lãnh đạo nhóm các nền kinh tế mới nổi trên thế giới gồm: Braxin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, và Nam Phi. Nhóm BRICS, chiếm khoảng 43% dân số thế giới và 17% tổng thương mại toàn cầu, được thiết lập để tăng đầu tư gấp 3 vào lĩnh vực công nghiệp của châu Phi, từ 150 tỷ USD năm 2010 lên 530 tỷ USD năm 2015, dưới chủ đề: “BRICS và châu Phi: quan hệ đối tác vì phát triển, hội nhập và công nghiệp hóa”. Nhờ chú trọng chuyển đổi theo hướng xây dựng khu vực công nghiệp của châu lục, rõ ràng Nam Phi được coi là một bàn đạp thâm nhập châu Phi và một đối tác phát triển quan trọng của lục địa cho các nước thành viên BRICS khác. Các nhà phân tích cho rằng thiết lập nhóm BRICS là một biện pháp quan trọng để xóa bỏ một trật tự kinh tế thế giới đơn cực và sự ra đời của BRICS là không có gì đáng ngạc nhiên. Khi các nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu bị suy yếu do chính sách thắt lưng buộc bụng, tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục và nhu cầu giảm, thương mại giữa Liên minh châu Âu (EU)và Nam Phi giảm từ 36% năm 2005 xuống 26,5% năm 2011, ngược lại, thương mại giữa các nước BRICS với Nam Phi tăng từ 10% năm 2005 lên 18,6% năm 2011. Giá trị và tầm quan trọng của BRICS có khả năng ảnh hưởng đến các mối quan hệ chính trị và kinh tế Nam-Nam, và khả năng các rào cản thương mại sẽ giảm và các hoạt động trao đổi kinh tế dần dần sẽ sử dụng các đồng tiền địa phương.
Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) đã chi trả 5,5 tỷ USD sau khi mua 20% cổ phần trong Standard Bank của Nam Phi năm 2007 và việc mua cổ phần này rất có lợi cho Bắc Kinh để mở rộng các tài khoản bằng đồng nhân dân tệ (NDT), bởi vì Standard Bank đang có hơn 500 chi nhánh ở 17 nước châu Phi sử dụng đồng NDT. Hiện nay Trung Quốc và châu Phi đang chú trọng xây dựng cơ sở công nghiệp quy mô lớn tại Châu Phi. Các cuộc khảo sát cho thấy đến nay khoảng 1.600 công ty sử dụng châu Phi như một cơ sở công nghiệp, trong đó toàn bộ đầu tư của Trung Quốc cho sản xuất công nghiệp chiếm 22% và khai thác khoáng sản chiếm 29%. Tổng công ty hóa dầu của Trung Quốc (Sinopec) đang tăng cường hợp tác với đối tác Công ty dầu lửa quốc gia Nam Phi (PetroSA) để xây dựng một nhà máy lọc dầu trị giá 11 tỷ USD ở bờ biển phía Tây Nam Phi. Do Nam Phi không có nơi dự trữ khí đốt hoặc dầu lửa lớn, nhà máy lọc dầu như dự kiến sẽ phụ thuộc vào nhập khẩu và chủ yếu phục vụ thị trường nội địa. Vì vậy nhà máy sẽ phục vụ thị trường Nam Phi và không được sử dụng để chế biến dầu lửa xuất khẩu sang Trung Quốc. Đây là một trong những khoản đầu tư mới nhất cho thấy các nhà đầu tư Trung Quốc sẵn sàng đổ tiền vào khu vực công nghiệp, năng lượng và cơ sở hạ tầng ở châu Phi. Thực tế cuộc hành trình của con rồng Trung Quốc đang diễn ra ở khắp nơi của châu Phi từ Tandania và Cộng hòa Dân chủ Cônggô, đến Nigiêria và Ănggôla. Ông Tập Cận Bình cũng sẽ đến thăm thủ đô Luanda của Ănggôla, nơi Trung Quốc cung cấp cho quốc gia nhiều dầu lửa này các khoản vay trị giá khoảng 4,5 tỷ USD từ năm 2002. Sau cuộc nội chiến kéo dài 27 năm bắt đầu từ năm 1975, Bắc Kinh đóng vai trò quan trọng trong quá trình tái thiết Ănggôla thông qua hoạt động của 50 công ty lớn trực thuộc nhà nước và hơn 400 công ty tư nhân Trung Quốc ở nước này. Do đó Ănggôla trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc ở châu Phi với khối lượng thương mại song phương đạt 20 tỷ USD/năm. Đại sứ Trung Quốc Trương Bác Luân cho biết ông nhận thấy tiềm năng to lớn trong việc phát triển hơn nữa mối quan hệ Trung Quốc-Ănggôla và hỗ trợ nước này trong việc giảm sự phụ thuộc vào các nguồn thu từ dầu lửa, đồng thời ưu tiên phát triển nông nghiệp, các ngành dịch vụ, năng lượng đổi mới, giao thông vận tải và cơ sở hạ tầng cơ bản khác.
Hoạt động thương mại của Trung Quốc tại Cộng hòa Dân chủ Cônggô cũng tăng đáng kể không những trên lĩnh vực khai thác khoáng sản mà cả viễn thông. Năm 2000, Công ty ZTE của Trung Quốc hoàn tất hợp đồng trị giá 12,6triệu USD với Chính phủ Cônggô để thành lập công ty viễn thông đầu tiên giữa Trung Quốc và Cônggô, đồng thời Kinsasa xuất khẩu côban trị giá 1,4 tỷ USD sang Trung Quốc năm 2007-2008. Phần lớn nguyên liệu thô của Cônggô như côban, quặng đồng và các loại gỗ cứng được xuất khẩu sang Trung Quốc để chế biến hơn nữa và 90% nhà máy chế biến ở tỉnh giàu tài nguyên Katanga thuộc sở hữu của người Trung Quốc. Năm 2008, một tổ hợp công ty Trung Quốc được cấp giấy phép khai thác mỏ ở Katanga để đổi lấy 6 tỷ USD cho các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó xây dựng 2 bệnh viện, 4 trường đại học và một dự án thủy điện, nhưng Quỹ Tiền tệ Quốc tế can thiệp và ngăn chặn thỏa thuận này vì nó vi phạm chương trình giảm nợ nước ngoài cho các nước nghèo (HIPC). Trung Quốc đã đầu tư đáng kể vào các khu vực sản xuất tại các nền kinh tế không giàu tài nguyên như Dămbia và Tandania, và là đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi. Trung Quốc nhập khẩu 1,5 triệu thùng dầu/ngày từ châu Phi, chiếm 30% tổng lượng dầu lửa nhập khẩu của Trung Quốc. Tại Gana, Trung Quốc đầu tư cho hãng hàng không quốc gia Gana nhằm phục vụ các đường bay nội địa. Trung Quốc cũng hợp tác với Chính phủ Gana xây dựng đập thủy điện Bui Hydroelectric Dam. Thương mại Trung Quốc-châu Phi tăng từ 10,6 tỷ USD năm 2000 lên 106,8 tỷ USD năm 2008 với tốc độ tăng trưởng hàng năm trên 30%. Cuối năm 2009, Trung Quốc hủy bỏ hơn 300 khoản vay không lãi suất của 35 nước nghèo mắc nợ lớn và các nước kém phát triển nhất châu Phi. Trung Quốc là nước cung cấp tài chính lớn nhất của lục địa, và không nước nào có thể so sánh với ảnh hưởng kinh tế của Bắc Kinh tại châu Phi, thậm chí Trung Quốc còn tài trợ 200 triệu USD cho Liên minh châu Phi xây dựng trụ sở tại Addis Ababa của Êtiôpi. Ông David Shinn, cựu đại sứ Mỹ tại Buốckina Phaso và Êtiôpi cho biết sự can dự kinh tế và vai trò quan trọng của Trung Quốc trong việc phát triển khu vực khoáng sản, công nghiệp viễn thông và các dự án cơ sở hạ tầng cần thiết khác tại châu Phi đang khiến phương Tây lo lắng. Trong chuyến công du ngoại giao châu Phi năm 2011, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton đã chỉ trích Trung Quốc áp đặt chủ nghĩa thực dân mới khắp lục địa này. Tại châu Phi, sự khác biệt về quan điểm, chiến lược chính sách đối ngoại và kinh tế của hai cường quốc Mỹ-Trung được thể hiện rõ hơn bất cứ khu vực nào trên thế giới. Oasinhtơn đang nỗ lực chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc khắp châu Phi và tìm cách hợp pháp hóa sự hiện diện của họ thông qua các hoạt động chống khủng bố và mở rộng Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ tại châu Phi (AFRICOM) – tiền đồn của quân đội Mỹ có nhiệm vụ chỉ đạo mọi hoạt động ở lục địa châu Phi. Ngược lại, Trung Quốc không ngừng nỗ lực thực hiện chiến lược gia tăng ảnh hưởng kinh tế và thương mại trong khu vực.
Năm 2008, Phó Đô đốc Robert T. Moeller cho biết nguyên tắc chỉ đạo của AFRICOM là bảo vệ “sự lưu thông tự do các nguồn tài nguyên thiên nhiên từ châu Phi đến thị trường toàn cầu” và khẳng định sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc là một thách thức lớn đối với lợi ích của Mỹ trong khu vực. Gần đây Oasinhtơn thông báo Lầu Năm Góc sẽ triển khai hàng nghìn lính Mỹ ở 35 quốc gia châu Phi vào đầu năm 2013 để thực hiện các chương trình huấn luyện và nhiều hoạt động khác nhằm tăng cường vai trò của Lầu Năm Góc ở châu Phi – chủ yếu tại các quốc gia có các nhóm quan hệ với al-Qaeda. Do Chính quyền Obama có xu hướng phát triển công nghệ máy bay không người lái, các nhà phân tích coi chủ trương đó là để tạo cơ sở can thiệp quân sự của Mỹ trong tương lai bằng cách sử dụng công nghệ máy bay không người lái quy mô lớn ở châu Phi như đã thấy gần đây tại Xômali và Mali. Mỹ cũng thường xuyên tố cáo “chủ nghĩa thực dân mới” của Trung Quốc tại châu Phi do nước này chỉ chú trọng xây dựng các ngành công nghiệp, thúc đẩy phát triển và cải thiện cơ sở hạ tầng vật chất cũng như hành chính trong khu vực. Khi ông Tập Cận Bình nắm vai trò lãnh đạo một đất nước thực hiện một số dự án phát triển quan trọng nhất tại lục địa đen, mối quan hệ giữa Bắc Kinh với châu Phi sẽ là mối quan hệ quan trọng. Tuy nhiên, mặc dù mọi thứ có vẻ thuận lợi, nhưng Chính quyền của ông Tập Cận Bình phải giành được sự tin tưởng của các nước đối tác châu Phi bằng cách thường xuyên quan tâm các hoạt động đang xảy ra ở lục địa đen. Chính quyền mới ở Bắc Kinh phải nỗ lực rà soát việc thực hiện các dự án của các tập đoàn và các hoạt động kinh doanh của người Trung Quốc, trong đó đặc biệt cần tôn trọng các quy định về môi trường, tiêu chuẩn an toàn và phương pháp xây dựng hiệu quả, chất lượng của các nước khu vực. Nếu không, chừng mực nào đó Trung Quốc sẽ trở thành mối đe dọa và khó có thể loại trừ ảnh hưởng của Mỹ và phương Tây trong khu vực.
Posted in Archives, Articles, International relations | Tagged , , , | Để lại phản hồi

Tình tình Mianma (TTXVN)

MIANMA ĐANG HƯỚNG ĐẾN MỘT TƯƠNG LAI TỰ DO HƠN (TIME)
MỘT CUỘC CHIẾN CỦA NHIỀU LỢI ÍCH Ở MIANMA (Thời báo châu Á)
———————-
THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM (Tài liệu tham khảo đặc biệt)
Thứ Hai, ngày 25/3/2013
MIANMA ĐANG HƯỚNG ĐẾN MỘT TƯƠNG LAI T DO HƠN
(Tạp chí Time)
Ở sâu trong thung lũng Irrawaddy của Mianma, nhịp điệu của làng Kyonku như vọng lại từ một thế kỷ khác; phụ nữ trong những bộ xàrông hút thuốc bằng tẩu và đập những con muỗi có thể truyền bệnh sốt rét. Cách đây hàng thập kỷ, những người nổi dậy thuộc sắc tộc thiểu số Karen, một trong hàng chục lực lượng dân quân bộ lạc, đã chiến đấu chống lại chế độ quân sự cầm quyền trong một thời gian dài ở Mianma, thường lảng vảng quanh những quả đồi. Ngày nay, quân nổi loạn Karen đã hạ vũ khí đầu hàng. Thay vào đó, những con voi rừng đi lang thang sau khi mặt trời lặn và thỉnh thoảng chúng tấn công người làng bằng những chiếc ngà voi trong cơn giận dữ.
Ngôi nhà làm bằng gỗ ở Kyonku nơi vị Tổng thống 67 tuổi của Mianma, ông Thein Sein, đã lớn lên ở đó vẫn còn đứng sừng sững, một vỏ bọc ọp ẹp qua thời gian ở một nước được bảo tồn chủ yếu bằng hổ phách. Người cha của Thein Sein đã dệt chiếu và bốc dỡ hàng chở qua sông để kiếm sống. Gia đình ông thuộc diện nghèo khó, giống như rất nhiều gia đình ở Mianma dưới thời thuộc địa Anh – một phạm trù vẫn còn bao gồm đến 1/3 dân số Mianma. Việc đi học đại học là không có đủ khả năng. Nhưng Thein Sein đã vượt qua được kỳ thi của Học viện các Quân chủng Quốc phòng, và năm 1965 đã bắt đầu một sự nghiệp quân sự kéo dài 45 năm để rồi kết thúc khi ông rút lui với tư cách là vị tướng cao cấp thứ tư của nước này và sau đó đảm nhận chức Tổng thống dân sự vào tháng 3/ 2011. Một đất nước bị cô lập đã chính thức được biết đến với cái tên Mianma và đất nước này đang đi theo một con đường giữa chế độ độc tài quân sự và sự cai trị dân chủ, và cậu con trai trầm lặng của vùng châu thổ này hiện đang đứng đầu đất nước đó.
Hiện nay, cháu trai của Thein Sein đang quản lý một cửa hàng nhỏ ở Kyonku gần ngôi nhà thời niên thiếu của Tổng thống, bán các chai dầu cọ và cây trầu không vốn nhuộm đỏ những nụ cười của người Mianma. Cô con gái nhỏ nhất của người cháu trai này chưa bao giờ gặp người họ hàng nổi tiếng của nó, người hiện đang sống ở thủ đô mới của Mianma, Nâypiđô, với những đại lộ 8 làn đường ở thủ đô và những tòa nhà cao tầng của những bộ lớn. Nhưng đứa trẻ 6 tuổi này có một yêu cầu dành cho người ông họ của mình. “Xin hãy bảo ông ấy mua cho cháu một chiếc xe ô tô”, Su Myat Yi nói với tôi, khi chiếc bóng đèn điện duy nhất ở trong nhà cô bé này nhấp nháy rồi tắt hẳn. Đó dường như là một đòi hỏi lố bịch trong một làng với những con đường đất bẩn không có nước máy. Các chính trị gia ở bất cứ đâu, từ các chế độ độc tài cho đến các chế độ dân chủ, đều hướng những người tốt quay trở lại quê hương của họ. Nhưng trong biểu hiện về hình ảnh trong sạch của Tổng thống ở một đất nước tham nhũng triền miên này, việc Thein Sein lên cầm quyền không làm thay đổi Kyonku. Tuy nhiên, một bé gái Mianma có thể mơ mộng. Bé gái này nói “Một chiếc xe hơi đẹp và lớn với máy điều hòa nhiệt độ”.
Một cuộc hành trình đáng chú ý
Kyonku là một thế giới cách xa Nâypiđô, nơi được xây với mục đích dành riêng cho giới tướng lĩnh lãnh đạo và được khánh thành vào năm 2005. Cung điện của Tổng thống cố bắt chước theo nét kiến trúc của Versailles nhưng rốt cuộc lại giống như một cái gì đó mà bộ phim Các bà nội trợ thực thụ của New Jersey có thể đã thiết kế. Khoảng 100 căn phòng của cung điện tràn ngập những cây phong lan và được thắp sáng bởi rất nhiều những ngọn đèn nhỏ. Ngồi trong một ngai vàng được mạ vàng có thể dễ dàng thích hợp với 3 vị đứng đầu nhà nước, Thein Sein dường như lạc lõng – ít sức hấp dẫn nhất trong một phòng đón tiếp khách có mặt nhiều vị bộ trưởng và những người đến tham dự, Một cách thư thả, cách diễn đạt của ông giống như kiểu một con rùa đang thưởng thức bữa trưa với lá rau diếp: nhẹ nhàng, chớp mắt và suy tư. Ông không có vẻ trang trọng gì trong cử chỉ của một người có thế lực. “Tôi không bao giờ mơ đến việc trở thành tổng thống”, ông nói với tôi trong một cuộc trả lời phỏng vấn hiếm thấy trước khi chuyển chủ đề. ‘‘Có những người khác có đủ tư cách”. Ông ngừng lại với một tràng hắng giọng ồn ào. Thein Sein là cựu thành viên Hội đồng quân sự cầm quyền được mọi người biết đến nhiều hơn về việc biết lắng nghe, một nhà lãnh đạo vẫn còn đang tìm kiêm tiếng nói riêng cho mình.
Trên đôi vai trĩu nặng của người đàn ông mảnh khảnh này là cả tương lai của Mianma. Cũng vậy là hy vọng của thế giới rằng một mảnh đất với gần 60 triệu dân (không kể đến việc nước này có đàn voi được thuần hóa lớn nhất hành tinh) có thể thực hiện thành công một giai đoạn quá độ theo hướng dân chủ và được coi như một hình mẫu cho các nước đang nổi lên khác. So với các cuộc cách mạng mang tính bùng nổ của Mùa Xuân Arập, sự thay đổi của Mianma có xu hướng hòa bình hơn nhiều – và hoàn toàn gây ngạc nhiên hơn. Chỉ cách đây 2 năm, Mianma là một nơi có nhiều người nghèo khổ xét trên phạm vi toàn cầu, một tiền đồn của sự chuyên chế theo quan điểm của Chính phủ Mỹ vì Hội đồng quân sự cầm quyền thường coi thường người dân của mình một cách rất khó chịu. Tuy nhiên, chính các thành viên của chế độ quân sự đầy hoang tưởng đó đang tạo ra những sự tự do hóa đang tái tạo Mianma. Đã có lần trong sự náo động chính trị của những năm gần đây, các cuộc cải cách đã đến không phải từ việc tức giận đổ ra ngoài đường phố mà từ mối quan hệ về quyền lực.
Kiểu thay đổi mang tính lịch sử diễn ra ở Mianma thường được dẫn dắt bởi các cá nhân được tin cậy và có uy tín, giống như Đặng Tiểu Bình ở Trung Quốc và Mandela ở Nam Phi. Tuy nhiên, dưới cái vẻ tái xanh và cái đầu hói, Thein Sein lại có vẻ trông giống như Gorbachov của Mianma, một quan chức rụt rè, dường như tẻ nhạt, người mà những việc đã thực hiện được có thể làm lu mờ nhiều bản thân con người ông. Thein Sein tuyên bố với tạp chí Time “Chúng tôi đang ở giữa giai đoạn quá độ chưa từng thấy, từ một chính phủ quân sự chuyển sang một chính phủ dân chủ, từ xung đột vũ trang chuyển sang hòa bình và từ một nền kinh tế tập trung hóa chuyển sang một nền kinh tế mới ngả theo xu hướng thị trường”. Bất kỳ một thay đổi nào trong những thay đổi này đều có thể mất tới hàng thập kỷ. Mianma đang thử tất cả những điều đó trong cùng một lúc.
Mianma dường như có thể là một nơi nước đọng, nhưng đó là một hòn đá tảng địa chính trị xen giữa hai nước đông dân nhất của hành tinh là Ấn Độ và Trung Quốc. Với nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đất nước nằm ở ngã tư đường này cũng là khu vực biên giới kinh tế và du lịch mới nhất hiện nay khi mà hầu hết các lệnh trừng phạt của các nước phương Tây đã được xóa bỏ nhờ công cuộc cải cách của chính phủ mới. Mianma có thể bị bần cùng hóa sâu sắc, nhưng đó cũng là nơi có sự hứa hẹn hiếm thấy ở một lục địa năng động và phát triển nhanh nhất thế giới. “Đó là lý do vì sao mà những gì xảy ra ở đây lại quan trọng đến như vậy – không chỉ đối với khu vực này mà còn đối với cả thế giới”, đó là lời phát biểu của Barack Obama hồi tháng 11/2012 khi ông trở thành Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên tới thăm Mianma. “Các bạn đang thực hiện một chuyến đi có khả năng truyền cảm hứng cho rất nhiều người. Đây là một cuộc thử nghiệm về việc liệu một nước có thể chuyển sang một vị thế tốt hơn”.
Trong gần một nửa thế kỷ, Hội đồng quân sự cầm quyền đã hăm dọa làm cho đất nước Mianma hoảng sợ và tàn phá nền kinh tế nước này. Hãm hiếp được sử dụng như một thứ vũ khí chiến tranh ở các khu vực sắc tộc, và trẻ em bị bắt làm nô lệ. Giới quân sự quay nòng súng vào những người phản đối ủng hộ dân chủ, mà sự việc xảy ra gần đây nhất vào năm 2007 khi hàng tá nhà sư đã bị giết hại. (Mianma là một nước chủ yếu theo đạo Phật). Khi các tướng lĩnh cao cấp, dẫn dắt bởi người đứng đầu giới quân sự cầm quyền có tiếng là xa lánh mọi người, Thống tướng Than Shwe, tuyên bố rằng Mianma sẽ tổ chức các cuộc bầu cử trong năm 2010 như một phần của một “nền dân chủ phát triển có kỷ luật”, thế giới đã nhạo báng. Chắc chắn, các cuộc bỏ phiếu là gian lận và đảng được giới quân sự ủy quyền đã thắng thế. Việc chọn Thein Sein làm Tổng thống thay vì các thành viên khác của Hội đồng quân sự cầm quyền dạn dày chiến trận hơn dường như khó có thể là một vấn đề quan trọng. Mặc dù được một số người coi là điềm tĩnh và thậm chí là tốt bụng, Thein Sein đã phục vụ với tư cách là cánh tay phải của Than Shwe trong nhiều năm và bị những người chỉ trích gạt bỏ như một bù nhìn của vị thống tướng.
Nhưng trong suốt năm qua, người bị coi là con rối này vẫn không còn bị ai kiểm soát nữa. Công cuộc cải cách của Thein Sein đang diễn ra ở một nước có tầm quan trọng sống còn về mặt chiến lược vốn được coi là chiến trường của hệ tư tưởng mới nhất giữa mô hình phát triển độc đoán của Trung Quốc và hình thức cai trị dân chủ phương Tây lộn xộn hơn. Trong khi Thein Sein bày tỏ sự biết ơn đối với một nước láng giềng lớn mà trong nhiều năm là một trong một vài nhà đỡ đầu quốc tế của Mianma, không có vấn đề Tổng thống công khai chọn phe nào trong sự chia rẽ chính trị này. Ông Thein Sein nói: “Khi chúng tôi tiến hành cải cách, quan điểm của tôi về vấn đề dân chủ đã trở nên vững chắc hơn. Tôi tin rằng chúng tôi không thể phát triển nền kinh tế Mianma mà không có dân chủ”. Như thể nhấn mạnh điểm này, ông Thein Sein nhắc lại từ dân chủ bằng tiếng Anh.
Cách đây không lâu, chiến dịch ủng hộ dân chủ ở Mianma có thể đẩy một người vào trại cải tạo lao động tập trung ở vùng nhiệt đới. Hiện nay, các quyền cơ bản như tự do ngôn luận và tự do hội họp cũng như quyền thành lập các công đoàn đã được coi trọng. Tháng 8/2012, Thein Sein đã thanh lọc những người theo đường lối cứng rắn quân sự ra khỏi Nội các của ông và 3 tháng sau đó đã đón tiếp Tổng thống Mỹ Obama tới một đất nước mà các nhà cầm quyền bài ngoại một thời của nó đã lo ngại về một cuộc xâm lược của Mỹ. Lệnh ngừng bắn đã được ký kết với gần như tất cả các lực lượng dân quân người thiểu số. Các nhà tù đã thả hàng nghìn tù nhân chính trị. Việc kiểm duyệt giới truyền thông cũng gần như biến mất.
Trong các cuộc bầu cử bổ sung diễn ra vào tháng 4/2012, công dân nổi tiếng nhất của nước này và là người đoạt giải Nôben hòa bình, bà Aung San Suu Kyi, đã được bầu vào Quốc hội cùng với 42 thành viên khác thuộc Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà, liên đoàn đã giành thắng lợi trong các cuộc tổng tuyển cử năm 1990 mà Hội đồng quân sự cầm quyền đã cố tình phớt lờ. Cho đến cuối năm 2010, thần tượng dân chủ này đã lâm vào cảnh tiều tụy trong sự quản thúc tại gia, bị giam giữ trong hầu hết hai thập kỷ trước đó bởi các vị tướng đã chết điếng trước sức lôi cuốn trên phạm vi toàn cầu của bà. Than Shwe được biết còn cấm người dân nhắc đến tên của bà, vị Tổng thống mới đã tiếp bà trong một bữa cơm chiều. Trong khi bà Suu Kyi vẫn là biểu tượng được ca ngợi của cuộc đấu tranh vì tự do của nước này, thì chính Thein Sein, vị Tổng thống miễn cưỡng lại là một người tạo điều kiện không chắc thành công.
Tiến trình phát triển chính trị của Mianma còn lâu mới kết thúc. Hiến pháp duy trì các vị trí đầy quyền lực cho những nhân vật có gốc gác quân đội và thẳng thắn loại trừ Suu Kyi – người được người dân ở Mianma yêu mến hơn nhiều so với Thein Sein – ra khỏi việc trở thành Tổng thống. (Hiến pháp có thể được sửa đổi, nhưng bất kỳ việc sửa đổi nào cũng cần phải được Quốc hội với 1/4 số ghế là của quân đội thông qua.) Phần lớn đất nước này vẫn còn phải sống lần hồi. Sự tranh chấp sắc tộc tiếp tục gây rắc rối cho một vài vùng biên giới, Hiện nay, khi mà các lệnh trừng phạt quốc tế đã bị đình chỉ hoặc xóa bỏ, giới kinh doanh phương Tây đang lũ lượt kéo đến thủ phủ thương mại Rangoon của Mianma. Tuy nhiên, đầu tư nước ngoài ở Mianma đã thực sự bị giảm sút trong 9 tháng đầu năm 2012 so với cùng thời gian này năm 2011. Những người thân quen của giới kinh doanh đang chè chén no say nhờ các nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có của đất nước này, giành giật đất đai và ký kết những hợp đồng béo bở. Quy mô hối lộ đang lan truyền như bệnh dịch.
Thử thách lớn nhất của nước này sẽ xảy ra vào năm 2015, khi các cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra như dự kiến. Trong bài diễn văn đọc hồi tháng 9/2012 trước Đại hội đồng Liên hợp quốc ở thành phố New York, Thein Sein đã thừa nhận bản chất “độc đoán” của giới quân sự cầm quyền mà ông một thời đã thuộc về nó và chúc mừng bà Suu Kyi “về sự kính trọng mà bà đã nhận được ở nước này qua việc công nhận những nỗ lực của bà đóng góp cho dân chủ”. Nhưng liệu chính quyền của ông sẽ phản ứng ra sao nếu đảng NLD của bà Suu Kyi đánh bại Đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển được ủy quyền của quân đội trong các cuộc bầu cử tương lai, như hầu hết người Mianma hy vọng sẽ xảy ra? Liệu chính phủ này sẽ lại gian lận phiếu bầu?
Điều đáng lo ngại hơn, các cấp lãnh đạo chóp bu trong quân đội tỏ ra bất bình có thể tiến hành một cuộc đảo chính khác – giống như cuộc đảo chính năm 1962 lần đầu tiên đã đưa giới quân sự lên cầm quyền. Để bảo đảm ông sẽ không bị thanh lọc theo kiểu cho nghỉ hưu (như đã xảy ra với một Chủ tịch Hội đồng quân sự cầm quyền trước đây, người đã chết khi đang bị quản thúc tại gia), Than Shwe, hiện đang ở trong độ tuổi 80 của ông, có thể đã đạt được một thỏa thuận với Thein Sein. Nhưng ai mà biết được các sĩ quan vẫn còn đang ở trong vị thế hoàn hảo nhất của họ cảm thấy thế nào về việc quyền lực của họ bị giảm sút? “Ngay bây giờ, chúng ta phải tạo ra một môi trường trong đó các nhà cải cách thấy rằng những nỗ lực của họ hiện được đánh giá cao”, đó là nhận xét của Min Zaw Oo, một sinh viên lưu vong tham gia các hoạt động xã hội đã trở về nước từ năm ngoái. Thein Sein biết rõ giai đoạn này nhạy cảm như thế nào đối với Mianma. Ông nói “Tôi đảm nhận trọng trách là Tổng thống vì tôi biết Mianma ở trong thời khắc trọng yếu. Việc đó không phải vì tôi muốn quyền lực mà bởi vì tôi muốn tạo ra một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân ở đất nước tôi”.
Trong những bức ảnh, Tướng Thein Sein trông giống như phiên bản Hollywood của một nhà lãnh đạo nước cộng hòa trồng nhiều chuối, bộ ngực nhỏ tràn ngập những dãy huy chương và ruybăng đính trên bộ quân phục của ông. Các nhà ngoại giao Mỹ cho là sĩ quan phụ tá trong một thời gian dài của Than Shwe này ít để lộ cá tính của ông trong các cuộc gặp. “Tôi không cho rằng Than Shwe có bất kỳ ý tưởng nào về việc Thein Sein có thể thay đổi mọi việc nhanh chóng đến như vậy”, đó là nhận xét của Hla Maung Shwe, Phó Chủ tịch phòng Thương mại Mianma và là một cựu tù nhân chính trị. “Thực sự là tất cả chúng tôi đều rất ngạc nhiên”.
Cái gì đã thúc đẩy sự thay đổi của vị tướng quan trọng thứ 4 của Hội đồng quân sự cầm quyền? Một sự giải thích là Thein Sein, một quân nhân trung thành, đã được huấn luyện để tuân thủ các mệnh lệnh, nhưng một khi có cơ hội để thực thi quyền lực, ông đã khẳng định quyền lực tinh thần của mình. Không giống như một vài thành viên khác trong giới quân sự cầm quyền, ông không bao giờ cho thấy liên quan trực tiếp đến những sự lạm dụng nghiêm trọng về nhân quyền hoặc các cuộc tàn sát ở khu vực biên giới. Có một dấu hiệu gợi ý về những nguyên tắc của ông trong thời gian làm Tổng thống là hồi ông là một thiếu tá trong sư đoàn bộ binh hạng nhẹ. Trong những tuần sau khi giới quân sự cầm quyền lúc đó trấn áp phong trào ủng hộ dân chủ vào năm 1988 bằng việc giết hại hàng trăm người phản đối, một làn sóng các sinh viên và nhà sư đã tìm cách bỏ trốn sang các nước láng giềng. Nhiều tư lệnh quân đội đã bỏ tù hoặc thậm chí ra lệnh hành hình các nhà hoạt động chính trị mà họ đã bắt được. Thein Sein, trái lại, đã thả một vài trong số những người bị bắt theo lệnh của ông.
Thein Sein cũng bị ảnh hưởng bởi những gì mà ông đã được chứng kiến ở nước ngoài. Ông đã mạo hiểm đi ra nước ngoài lần đầu tiên khi ở trong độ tuổi 40 của mình, nhưng không giống những vị tướng khác của Mianma bị cản trở, ít nhất ông cũng đã giao tiếp với thế giới bên ngoài. Vào lúc đó, nước mà một thời được coi là nơi xuất khẩu gạo lớn nhất của hành tinh đã bị bỏ lại xa ở phía sau các nền kinh tế đang phát triển mạnh của châu Á. Tình thế bấp bênh của nước này đã trở nên hoàn toàn bi thảm vào năm 2008 khi cơn bão lốc Nargis tràn qua thung lũng Irrawaddy, làm khoảng 130.000 người chết. Trong những ngày quan trọng sau khi xảy ra cơn bão tồi tệ nhất trong lịch sử của Mianma, các vị tướng đã từ chối không nhận khoản viện trợ quốc tế vì sợ rằng những ảnh hưởng của hệ tư tưởng nước ngoài đi cùng với hàng viện trợ. Một tuần sau khi xảy ra cơn bão, tôi đã lén đi thuyền vào những làng mạc nơi những người sống sót tiếp tục tồn tại bằng gạo đã bị hỏng và nước uống mà trong đó những xác chết vẫn còn nổi lềnh phềnh. Thành viên đầu tiên của giới quân sự cầm quyền đến vùng bị thảm họa là Thein Sein, cố vấn chính phủ Nay Win Maung, người đã qua đời hồi đầu năm ngoái, nhớ lại thời điểm tháng 11/2011,“Ông ấy đã đến chỗ vị thống tướng (Than Shwe) và nói ‘Nào, chúng ta phải giúp đỡ người dân của chúng ta. Đó là việc mà tín đồ đạo Phật nên làm.’”, vẫn theo ông này “Ông ấy không được ca ngợi vì điều đó, nhưng ông ấy đã tạo ra một sự khác hẳn”.
Không có chế độ độc tài nào hiểm ác một cách không thay đổi như nó dường như có thể theo quan điểm bên ngoài. Và trong một chế độ có liên quan đến giới quân sự, một khi dây chuyền chỉ huy được chuyển từ một nhà lãnh đạo mắc chứng hoang tưởng sang một nhà lãnh đạo có đầu óc cởi mở hơn, sự thay đổi có thể xảy ra nhanh chóng đáng kể. Đội ngũ cấp cao hơn của các lực lượng vũ trang gồm 400.000 quân của Mianma hóa ra đã được lấp đầy bởi những người nói tiếng Anh hăng hái, những người không muốn sống ở một nước nghèo khổ. Thein Sein, người nói tiếng Anh khá tốt, nói rằng ông đã đọc ngấu nghiến những hồi ký của các nhà lãnh đạo phương Tây như Obama, Henry Kissinger và Tony Blair. Tại Nâypiđô, tôi đã gặp chủ bút của tờ báo Ánh sáng mới của Mianma, một thời là một trong những cơ quan phát ngôn mạnh mẽ nhất của chính phủ trên thế giới. Than Myint Tun, một cựu sĩ quan quân đội, vui vẻ thừa nhận đã lắng nghe các bản tin nước ngoài mà tờ báo của ông đã cảnh báo là “những chương trình phát thanh, truyền hình giết người” có ý định “gieo rắc hận thù”. Ông này tự hỏi “Ai là người luôn muốn ở trong bóng tối? Chúng tôi muốn là một phần của cộng đồng toàn cầu”.
Các cuộc chiến tranh trong nưc
Mianma có nhiều vấn đề: nền kinh tế yếu kém là một vấn đề, và có sự cách biệt giữa những gì mà luật pháp cho phép và những gì mà luật pháp được thực hiện từ trước tới nay – chẳng hạn như hồi tháng 11/2012 khi các lực lượng an ninh tấn công các nhà sư phản đối việc khai thác một mỏ đồng có liên quan đến người Trung Quốc. Có lẽ thách thức quan trọng nhất, và tất nhiên là có liên quan nhất đến sự tồn tại của con người, là xung đột sắc tộc có thể chia rẽ một dân tộc có ít sự ràng buộc giữa với nhau ngoài các đường ranh giới được vẽ trên các bản đồ thực dân. Hàng thế kỷ giao chiến và ngờ vực đã làm hơn một triệu người ở Mianma phải thay đổi chỗ ở hoặc không có tư cách công dân.
Một khu vực bất hòa là ở bang cực Tây Arakan (hay Rakhine). Mặc dù có đến một nửa số dân là người Hồi giáo, ở thủ phủ im lìm Sittwe, tôi chỉ thấy một nhà thờ Hồi giáo không bị sứt mẻ. Những ngọn tháp thanh tao của nó vươn lên trời từ một phòng cầu nguyện lớn, nhưng tôi không thể tới thăm vì có những người lính mang súng trường đứng gác ở bên ngoài. Thay vào đó, tôi bí mật theo dõi một nhà thờ Hồi giáo lịch sử từ ban công của văn phòng chính quyền địa phương ở bên kia đường phố này. Tại đó, một quan chức quả quyết rằng lý do để khoảng 100.000 thành viên của một nhóm sắc tộc Hồi giáo không có tư cách công dân được gọi là người Rohingya hiện đang sinh sống trong các trại tị nạn là họ “đã đốt chính những ngôi nhà của họ vì không có bất kỳ cái gì đáng giá ở trong đó”. Thế còn những nơi thờ cúng của họ thì thế nào, tôi hỏi. “Chúng vẫn tốt đẹp”, người viên chức này nói. Sau đó, tôi đến xem những khối nhà lớn bị đốt cháy hoặc những thứ còn sót lại bị san phẳng của một vài nhà thờ Hồi giáo ở Sittwe. Chúng trông chẳng có gì là tốt đẹp.
Kể từ tháng 6/2012, các cuộc đụng độ giữa những người Arakan theo Phật giáo và các cư dân Hồi giáo đã làm ít nhất 100 người chết trên khắp Arakan đồng thời có thêm hàng chục nghìn người không có nhà cửa. Mặc dù một vài nạn nhân là người Arakan, còn hầu hết là người Rohingya hoặc Kaman, một nhóm sắc tộc Hồi giáo khác mà không giống như người Rohingya, hiện là công dân Mianma. Sittwe, một thành phố nhỏ mà tôi đã đến thăm hồi tháng 4/2012 đã bị thanh trừng sắc tộc. Các chủ cửa hiệu, các thương gia và ngư dân đã biến mất khỏi đời sống công cộng. Thay vào đó, họ bị dồn ép vào một khu nhà ổ chuột hôi hám hoặc sống trong những dãy lều được dụng lên ngổn ngang nằm cắt chéo ngang qua những khu đầm lầy muối mặn của vùng Arakan. Liên hợp quốc phàn nàn rằng khoản trợ giúp quốc tế hiện đang bị ngăn chặn. Căn bệnh chết người đang đuổi theo các trại tị nạn.
Các vị tướng cố giành quyền kiểm soát Mianma hồi năm 1962 không bận tâm nhiều đến việc biện minh cho sự cai trị của họ. Nhưng bất kỳ một chút tính hợp pháp nào mà giới quân sự cầm quyền có được là đến từ cái được cho là khả năng của họ ngăn chặn các thế lực ly tâm chia rẽ quốc gia đa dạng hóa này. Được ghép nối vội vã bởi người Anh thực dân, Mianma là một mảnh đất chắp vá của 135 nhóm sắc tộc chính thức được công nhận. (Người Rohingya không được tính đến, làm tồi tệ thêm những gánh nặng của họ.) Kể từ khi lên cầm quyền, Chính quyền của Thein Sein đã hòa giải với 10 nhóm dân quân sắc tộc chủ yếu chiến đấu vì quyền tự trị. Chỉ có Quân đội Độc lập Kachin vẫn còn ở trong tình trạng tham chiến. Kể từ tháng 6/2011, chiến sự diễn ra ở các khu vựcKachin tiếp giáp với biên giới Trung Quốc đã làm hàng trăm người chết và làm khoảng 100.000 người phải thay đổi chỗ ở, hầu hết là những người không nhận được khoản viện trợ quốc tế. Trong những ngày gần đây, máy bay quân sự đã bắn vào quân nổi loạn Kachin và tìm cách tiến vào thành trì của họ. Việc này đang diễn ra mặc dù Thein Sein trước đó đã kêu gọi ngừng bắn – làm dấy lên nỗi quan ngại về việc giới quân đội có thể không quan tâm đến mệnh lệnh của ông.
Thein Sein nói các cuộc cải cách mạnh mẽ hơn nữa là chìa khóa để tháo ngòi nổ hộp mồi lửa sắc tộc của Mianma. Ông nói “Chỉ với một chính phủ dân chủ hoàn toàn chúng tôi mới có thể làm cho hòa bình bền vững”. Aung Min, cựu thiếu tướng và hiện là Bộ trưởng phụ trách các công việc về vấn đề sắc tộc, nói về những thỏa thuận chia sẻ quyền lực để bảo đảm rằng những người thiểu số, với nhiều người sinh sống ở những khu vực có các nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, cảm thấy họ không bị bóc lột. Ông nói “Tổng thống sẵn sàng thử nghiệm nhiều điều. Ông ấy biết rằng quân đội phải là phương sách cuối cùng để giải quyết một cuộc xung đột”. Nhưng sự nã pháo vào Kachin làm giảm bớt cam kết của Thein Sein trong việc tìm kiếm hòa bình với quân nổi loạn, trong khi phản ứng của ông trước tình trạng bạo lực ở Arakan nhiều nhất cũng chỉ ở mức hờ hững. Thời điểm duy nhất mà Thein Sein tỏ ra tức giận trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi là khi tôi thúc ép ông nói về số phận của người Rohingya. Ông nói “Hãy chuyển sang vấn đề khác”. Sự dè dặt của ông được chia sẻ bởi bà Suu Kyi, người đã làm một vài người ủng hộ bà thất vọng với việc từ chối nói mạnh mẽ hơn về tình cảnh của các nhóm sắc tộc ở Mianma.
Làng Kyonku của Thein Sein nằm ngay trên những quả đồi của vùng Arakan. Cả hai khu này chia sẻ một nguồn voi rừng phong phú, đặc biệt là loài voi trắng quí hiếm mà ở Mianma người ta tin rằng sẽ mang đến vận may cho triều đại của nhà cầm quyền. Cũng ở Arakan mà 5 chú voi cuối cùng của loài voi quí hiếm này đã bị bắt. Loài voi trắng da dày mới đây nhất đã được tìm thấy vào năm 2010, khi tờ Ánh sáng mới của Mianma tuyên bố rằng “cơ hội đầy triển vọng tốt đẹp trùng hợp với giai đoạn quá độ dân chủ của quốc gia này”. Một vài trong số những con voi trắng Arakan hiện sinh sống ở khu đất có hàng rào bao quanh khá là gây chán nản ở Nâypiđô. Một người điều khiển voi cho biết để thuần hóa những động vật hoang dại kiểu như vậy, người dân địa phương phải ca hát trong nhiều ngày và vuốt ve con vật cho đến khi nó “nhận ra rằng nó có thể cảm thấy sung sướng khi được ở giữa những con người”. Đó là điều mà Thein Sein, nhà hòa giải đáng ngạc nhiên của Mianma, có thể hiểu được./.
———–
MỘT CUỘC CHIẾN CỦA NHIỀU LỢI ÍCH Ở MIANMA
TTXVN (Hồng Công 17/3)
Cuộc chiến giữa quân đội Chính phủ Mianma và nhóm phiến quân của người sắc tộc thiểu số Kachin ở miền Bắc Mianma đã diễn ra từ lâu, bất chấp những nỗ lực hòa giải của cả hai bên và cả cộng đồng quốc tế. Ngoài việc Kachin là nơi có nhiều nguồn tài nguyên thiên thiên quý hiếm, khu vực này còn nằm sát Trung Quốc và Bắc Kinh cũng có nhiều lợi ích ở đây. Báo mạng ‘Thời báo châu Á”trực tuyến ngày 5/3 đã đăng bài viết của nhà báo người Mianma, Aung Tun, về cuộc chiến giữa người Kachin và quân đội Mianma, trong đó tác giả nhấn mạnh rằng đây là “một cuộc chiến của nhiều lợi ích ở Mianma”.
Giao tranh tiếp diễn giữa nhóm phiến quân Quân đội Độc lập Kachin (KIA) và quân Chính phủ Mianma là phép thử quan trọng về việc liệu một tiến trình chuyển tiếp chính trị đáng diễn ra ở quốc gia Đông Nam Á này cuối cùng có dẫn tới việc thành lập một nhà nước liên bang hay không. Cuộc chiến hiện nay đã nổ ra từ tháng 6 năm 2011, tức gần 3 tháng sau khi chính phủ mới gần như là dân sự hoàn toàn do Tổng thống Thein Sein đứng đầu, lên nắm quyền.
Đến nay Tổng thống Thein Sein đã đưa ra ít nhất 2 tuyên bố rằng chính quyền của nhà lãnh đạo này đã ra lệnh cho quân đội ngừng giao tranh với các tay súng của KIA. Tuy nhiên, quân đội Mianma vẫn chưa chấm dứt các cuộc tấn công của họ, với các cuộc chiến đặc biệt quyết liệt và phải sử dụng đến cả sức mạnh của không quân vào tháng 12 năm ngoái.
Từ đầu đến cuối, Chính phủ Mianma luôn khẳng định rằng các cuộc tấn công của quân, đội nhằm vào các vị trí của quân nổi dậy mang tính phòng thủ nhiều hơn là tấn công. Sự mờ ám của cuộc chiến tranh ở khu vực xa xôi héo lánh, nơi Chính phủ Mianma luôn cố gắng hạn chế thông tin cho báo chí, đã thúc đẩy cả hai bên cáo buộc lẫn nhau đang gây ra các cuộc tấn công kinh hoàng. Điều này khiến cho khả năng đạt được một lệnh ngừng bắn giữa quân đội Mianma với phiến quân KIA là điều không thể xảy ra, bất chấp một loạt cuộc đàm phán đang được tổ chức ở bên ngoài Mianma.
Cho dù các cuộc tấn công đó là nhằm mục đích phòng thủ hay tấn công, giờ đây rõ ràng là cả Chính phủ và Quốc hội Mianma ở thủ đô Nâypiđô đều không thể kiểm soát hoàn toàn quân đội nước này. Quân đội Mianma, lực lượng đã liên tục cai trị quốc gia Đông Nam Á này trong nhiều thập kỷ dưới các hội đồng quân sự khác nhau bằng chính sách “bàn tay sắt”, đã duy trì một cơ chế tự trị với chương trình hoạt động riêng của mình dưới hình hài dân chủ mới của đất nước. Chương trình hoạt động đó là bí mật, mặc dù nó rõ ràng không cần phải tuân thủ về mặt chính trị hay quân sự các chỉ thị của chính phủ và dường như nó tiến hành các hoạt động độc lập ở bang Kachin.
Các lực lượng vũ trang Mianma được coi như là một thể chế riêng theo Hiến pháp Mianma năm 2008, văn kiện cho phép quân đội nghiễm nhiên chiếm giữ 25% số ghế trong Quốc hội nước này mà không cần phải tham gia bầu cử. Điều này đã đánh dấu một sự thay đổi to lớn trong chính trường Mianma: quân đội trước đó chi phối toàn bộ công tác quản lý của chính phủ, cơ quan lập pháp và các cơ quan điều hành. Bàn tay của quân đội cũng vươn rộng sang lĩnh Vực kinh doanh thông qua sự kiểm soát của họ đối với các dự án và việc cấp phép.
Mục tiêu chính của người Kachin là giành được quyền thành lập một nhà nước theo thể chế liên bang trong một cuộc chuyển tiếp dân chủ thực sự. Về điểm này, có 3 nhân tố chủ chốt cần được xem xét: Những biện pháp gì trong bối cảnh chính trị hiện nay mà chính quyền gần như dân sự thực hiện để đáp ứng các yêu cầu của người Kachin? Chính quyền, với quân đội hoạt động như một cơ quan riêng rẽ, có thế đảm bảo như thế nào đối với an ninh và sự bất khả xâm phạm của bất kỳ quyền nào được trao cho người Kachin? Và người Kachin có thể tin vào những đảm bảo đó ở mức độ nào?
Khi cuộc chiến ở bang Kachin diễn ra ác liệt, những câu trả lời cho những vấn đề trên vẫn hết sức mơ hồ. Để thiết lập một nhà nước theo thể chế liên bang thực sự ở một đất nước bao gồm hàng trăm nhóm sắc tộc khác nhau đại diện cho gần một nửa dân số đất nước, chính quvền gần như dân sự, cơ quan lập pháp và đại diện các nhóm sắc tộc phải giải quyết những vấn đề quan trọng này một cách nhanh chóng trong giai đoạn chính trị tương đối cởi mở hiện nay. Những cơ chế quân sự trước đó đã tránh né những vấn đề như vậy, gây nên các cuộc nội chiến với nhiều nhóm sắc tộc và giờ đây các cuộc chiến ấy đã kéo dài vài thập kỷ. Như một kết quả của các cuộc xung đột này, sự phát triển của Mianma đã bị các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á bỏ xa.
Cơ quan xúc tiến hòa bình của Tổng thống Thein Sein do cựu Bộ trưởng Đường sắt Aung Min đứng đầu, đã thành công trong việc thiết lập một số lệnh ngừng bắn với các nhóm sắc tộc, trong đó có nhóm Liên minh Quốc gia Karen (KNU), một trong những nhóm phiến quân sắc tộc lớn nhất ở Mianma. Bằng cách thực hiện một tiến trình cho phép các nhóm sắc tộc có được chỗ đứng trong đời sống chính trị Mianma, chiến dịch hòa bình của Chính phủ Mianmạ, đã trao cho đại diện các nhóm sắc tộc một tiếng nói trong những nỗ lực sửa đổi bản Hiến pháp Mianma năm 2008 (một bản Hiến pháp mà nhiều người coi là “phi dân chủ”). Đây là một phần trong các kế hoạch nhằm tái định cư người tị nạn và những người bị mất nhà cửa ở Mianma, cũng như trong các chương trình phát triển kinh tế ở các khu Vực riêng của các sắc tộc.
Trong khi các nhóm sắc tộc khác đã chấp nhận những đảm bảo được đưa ra bởi chính quyền gần như dân sự của Tổng thống Thein Sein, người Kachin vẫn không cảm thấy họ nhận được những câu trả lời thỏa đáng cho những lo ngại chính của họ. Thật vậy, người Kachin, Vốn đã duy trì một lệnh ngừng bắn với quân đội của Chính phủ Mianma từ năm 1994-2011, hiện đang ở một vị trí đặc biệt nhất so với các nhóm sắc tộc khác. Họ đã chứng kiến trực tiếp những cam kết của chính phủ về hòa bình mang lại một loạt vấn đề và sự bóc lột như thế nào.
Những nhân tố phức tạp
Đầu tiên, bang Kachin là khu Vực giàu tài nguyên thiên nhiên nhất ở đất nước Mianma, với trữ lượng dồi dào vàng, gỗ quý, ngọc bích và các khoáng sản khác. Thứ hai, bang Kachin nằm ở khu vực chiến lược chạy dọc theo biên giới với Trung Quốc – cường quốc kinh tế lớn thứ hai thế giới, trong hơn hai thập kỷ qua là nhà bảo trợ kinh tế chính và là người ủng hộ quốc tế của Mianma. Thứ ba, quân đội Kachin được chuẩn bị tốt hơn so với các nhóm sắc tộc khác trong việc giành được và bảo vệ quyền tự trị thực sự từ sự cai trị của chính quyền trung ương Mianma. Thứ tư, những lợi ích kinh doanh của Trung Quốc ở Mianma làm phức tạp các cuộc đàm phán về lệnh ngừng bắn đang diễn ra giữa người Kachin và Chính phủ Mianma.
Vai trò của Trung Quốc trong cuộc xung đột giữa người Kachin và quân Chính phủ Mianma không nên bị bỏ qua. Trong quá trình hợp tác với Chính phủ Mianma, phía Trung Quốc đã đầu tư hơn 3 tỷ USD vào một dự án thủy điện có tên là đập Myitsone ở khu vực bang Kachin. Đây là một trong những nguyên nhân gốc rễ gây nên những cuộc giao tranh trong thời gian gần đây ở khu vực này. Hơn 90% lượng điện sản xuất ra từ dự án thủy điện này dự kiến sẽ được xuất khẩu sang Trung Quốc. Dự án thủy điện này cũng đe dọa môi trường địa phương và cuộc sống của người Kachin sinh sống quanh khu vực này.
Cuối năm 2011, dự án không được ưa thích này đã bị dừng lại, mặc dù không phải là bị hủy bỏ. Bởi vì đập Myitsone là một dự án của Trung Quốc, và bởi vì dự án thủy điện này sẽ gây ra ảnh hưởng to lớn đối với sông Irrawaddy, con sông được coi là mạch máu nuôi sống đất nước Mianma và là một biểu tượng quốc gia không chỉ đối với người dân Kachin mà còn đối với cả phần còn lại của quốc gia Đông Nam Á này, nếu nó được tái khởi động trở lại, người Kachin chắc chắn sẽ phản ứng bằng bạo lực. Do vậy, bất cứ khi nào diễn ra đối thoại giữa Chính phủ Mianma và người Kachin, bao gồm các cuộc gặp được tổ chức gần đây ở Trung Quốc, những lợi ích thương mại của Trung Quốc sẽ chi phối bao trùm các cuộc đàm phán.
Bất chấp những thách thức như vậy trong việc đạt được một thỏa thuận ngừng bắn, không thiếu những cơ hội để cho cả hai bên cùng hợp tác với nhau. Đại diện của Tổng thống Thein Sein, cựu Bộ trưởng Đường sắt Aung Min nói với báo chí sau cuộc thương lượng giữa người của ông này với ban lãnh đạo của người Kachin ở Trung Quốc đầu tháng trước rằng: “Chúng tôi ở đây để đáp ứng bất kỳ điều gì mà họ đã đòi hỏi, ở mức tốt nhất trong khả năng của chúng tôi. Chúng tôi sẽ không yêu cầu bất kỳ điều gì từ người Kachin”.
Nếu như chính quyền của Tổng thống Thein Sein thực sự ủng hộ và thực hiện đúng như nhũng lời mà cựu Bộ trưởng Aung Min đã nói ở trên, có một cơ hội để cho người Kachin kiểm tra sự chân thành của cả chính phủ và quân đội Mianma, cũng như là khả năng của quá trình Quốc hội Mianma thực hiện một nhà nước theo thể chế liên bang thực sự ở khu vực đang bị ảnh hưởng bởi quân đội Mianma này.
Bài kiểm tra đầu tiên sẽ là chính quyền có thể lôi kéo người Kachin ở mức độ nào thông qua các cử chỉ thiện chí, bao gồm việc cho phép các tổ chức nhân đạo quốc tế như Hội chữ Thập Đỏ tiếp cận đầy đủ những người bị mất nhà cửa và người tị nạn ở khu vực biên giới giữa Mianma và Trung Quốc. Một bước đi được hoan nghênh khác sẽ là ngừng các vụ lạm dụng nhân quyền của quân đội Mianma ở khu vực này, trong đó có việc tra tấn những người thuộc sắc tộc Kachin bị cáo buộc tham gia nhóm phiến quân Quân đội Độc lập Kachin.
Các quyền lợi kinh tế ở bang Kachin là vấn đề chủ chốt. Ngay cả khi đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) đối lập không thể sửa đổi đáng kể Hiến pháp, một chiến dịch ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự chính trị của thủ lĩnh NLD Aung San Suu Kyi, giờ cũng là lúc để người Kachin thúc đẩy việc được đảm bảo các quyền lợi kinh tế của họ đổi với các nguồn tài nguyên ở khu vực bang Kachin.
Điều 188 trong Hiến pháp Mianma năm 2008 không nêu rõ các quyền lập pháp và kinh tế của các nhóm sắc tộc. Bản Hiến pháp chịu tác động của quân đội Mianma cũng cho phép các bang và các khu vực bắt đầu hoạt động trong cơ chế liên bang, một bước đi đầu tiên hướng tới việc thành lập một nhà nước liên bang thực sự. Tuy nhiên, những quyền này đã bị thay thế bởi Điều 196 của Hiến pháp, một điều khoản nêu ra các quyền lập pháp và kinh tế của liên bang và thúc đẩy tập trung hóa sự phân quyền.
Nói một cách khác, hầu hết những quyền lợi kinh tế được đảm bảo bằng Hiến pháp là mơ hồ, ngoại trừ việc trao cho liên bang nhiều quyền lực hơn là các địa phương. Trong khi sự chân thành của Chính phủ mới và quân đội đang được kiểm tra, cơ quan lập pháp ở thủ đô Nâypiđô nên sớm làm sáng tỏ những sự mơ hồ này liên quan đến những quyền lực được ghi trong Hiến pháp của các cơ quan khu Vực thông qua việc phê chuẩn những bộ luật rõ ràng.
Điều này sẽ cho thấy liệu Quốc hội Mianma có thực sự quan tâm đến việc làm việc vì một nhà nước liên bang thực sự hay không. Nếu là như vậy, đó sẽ là một bước đi quan trọng đầu tiên hướng tới việc xây dựng lòng tin với các nhóm sắc tộc thiểu số đang đấu tranh đòi các quyền lợi và sự tự trị lớn hơn. Những bước đi đầu tiên này cần phải được thực hiện đầu tiên trước khi chuyển sang các vấn đề quan trọng tương tự như quyền lợi văn hóa, các quyền công dân đầy đủ, các quyền khác của người thuộc sắc tộc thiểu số, và những sự thay đổi Hiến pháp.
Ngày 12/2/2013 đã đánh dấu kỷ niệm 65 năm Ngày Liên bang Mianma giành được độc lập. ông Hla Saw, một chính trị gia hàng đầu của Đảng Quốc gia Tiến bộ Rakhine (RNPP) đã nêu ra một điểm quan trọng về các quyền lợi kinh tế của các nhóm sắc tộc thiểu số ở Mianma. Ông Hla Saw nêu rõ: “Chúng tôi hài lòng khi chính phủ bán các nguồn tài nguyên chủ yếu chưa được khai thác ở khu vực Rakhine và tái phân phối tiền để ủng hộ một khu vực khác kém phát triển hơn nhiều, ví dụ như khu vực bang Chin, bởi vì người Chin cũng là những người anh em của chúng tôi và cần các khoản đầu tư như xây dựng những cây cầu và trường học. Tuy nhiên, chúng tôi rất không hài lòng khi chính phủ sử dụng số tiền đó để mua các loại vũ khí nhằm đánh người Kachin cũng như các nhóm sắc tộc khác, và cả chúng tôi”.
Khi số người tị nạn Mianma ở các khu vực biên giới với Trung Quốc tăng lên, phản ứng của Bắc Kinh đối với sự bất ổn này đang được theo dõi chặt chẽ. Ngay cả khi người Kachin sẽ giành chiến thắng trên chiến trường đi chăng nữa, Trung Quốc cũng có thể chuyển sang thu phục khu vực giàu tài nguyên này bằng các biện pháp khác nhau. Điều này có thể gây ra một cuộc chiến hỗn loạn giữa người Kachin và Trung Quốc và có khả năng liên quan đến các lực lượng của quân đội Mianma. Các cuộc xung đột vũ trang trong nước, như lịch sử đã cho thấy, đôi khi có thể bùng phát thành một cuộc xung đột quốc tế. Do vậy, người Kachin sẽ là khôn ngoan hơn nếu họ không sử dụng lãnh thổ Trung Quốc làm nơi hoạt động trong cuộc chiến chống lại các lực lượng của Chính phủ Mianma.
Người Kachin cũng nhận thức được rằng tình hình chính trị hiện nay tạo ra một cơ hội tốt nhất để xây dựng lòng tin trong khi vẫn bảo vệ được những lợi ích cốt lõi của họ. Cuộc chiến chống quân đội Mianma hiện nay dễ dàng trở thành một cuộc chiến lâu dài, một cuộc chiến sẽ gây ra những tổn thất lớn cho người dân Kachin.
Việc quân đội Mianma sử dụng sức mạnh không quân gần đây là một bước leo thang chưa từng có tiền lệ trong cuộc xung đột này. Động thái này đã phái đi một thông điệp rõ ràng rằng ngay cả khi Chính phủ Mianma cam kết ngừng bắn và đưa ra nhượng bộ chính trị khác, các vị chỉ huy quân đội tại chiến trường vẫn sẵn sàng sử dụng các biện pháp cực đoan để giành thắng lợi bằng các biện pháp quân sự.
***
(Tạp chí The Economist)

Chính phủ Mianma nhận được nhiều tiền viện trợ nước ngoài hơn trong khi quân đội của nước này sát hại nhiều người sắc tộc Kachin hơn

Vào ngày 19/1/2013, khi Tổng thống Thein Sein thông báo một lệnh ngừng bắn, súng ống đã hạ xuống đủ lâu để những người dân thường leo lên tới thành trì cuối cùng trên đỉnh đồi của Quân đội Độc lập Kachin (KIA), chỉ cách Laiza, trụ sở hành chính của tổ chức này, 5km. Các binh sĩ Kachin đang đào xác 4 người đồng đội của mình mà boongke của họ đã trực tiếp trúng đạn của quân đội Mianma. Sau đó họ nép mình đầy lo lắng trong các boongke được đào sâu dưới lòng đất đỏ của ngọn đồi này, cho rằng lệnh ngừng bắn sẽ bị phá vỡ bởi nhiều cuộc tấn công hơn từ súng cối, máy bay tấn công mặt đất và máy bay trực thăng tấn công của chính phủ.
Trong vòng vài giờ điều đó đã xảy ra, khi quân đội mở lại cuộc tấn công. Ngày hôm sau, hàng trăm quân đã tiến gần tới chướng ngại vật, binh sĩ Kachin nổ súng về phía họ, theo từng đợt ngắn để tiết kiệm đạn dược hạn chế của mình, khi họ tìm cách chiếm cứ đỉnh đồi. Sau vài ngày giao chiến, vào ngày 26/1 các lực lượng chính phủ đã chiếm được ngọn đồi, và hiện nay nắm tất cả các cao điểm xung quanh Laiza. Khi The Economist đăng bài báo, thị trấn này đang lo lắng chờ xem quân đội sẽ làm gì tiếp theo.
Nếu Laiza thất thủ, điều đó có thể đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đấu tranh đẫm máu giữa chính phủ và người Kachin vốn đã lại nổ ra vào năm 2011 sau một lệnh ngừng bắn kéo dài 17 năm. Chính phủ tuyên bố rằng quân đội của mình đang hành động chỉ để tự vệ, nhưng trong những tuần gần đây quân đội đã chiếm được một lượng lớn lãnh thổ mà KIA đã kiểm soát trong một nửa thế kỷ. Và sau khi quân đội dường như phớt lờ tuyên bố ngừng bắn của tổng thống vào ngày 19/1, hầu như không có người Kachin nào còn tin vào lời hứa hẹn của ông rằng quân đội sẽ không tiêu diệt chính Laiza.
Tuy nhiên tổng thống có nhiều lý do để tìm cách kiềm chế quân đội. Một đòn tấn công đẩy cuối cùng có thể buộc hàng nghìn người tị nạn phải chạy trốn qua biên giới vào Trung Quốc, làm bối rối đồng minh chính về kinh tế và ngoại giao của Mianma. Nó cũng bất chấp tất cả các nước, đặc biệt là Mỹ, yêu cầu chấm dứt cuộc chiến ở bang Kachin. Đó cũng chính là những nước đã đón nhận một cách nhiệt tình chương trình cải cách chính trị kéo dài hai năm của ông Thein Sein. Nếu tình trạng giết chóc còn tiếp diễn, họ có thể kết luận rằng tổng thống không phải là kiểu người cai trị dân chủ mới như ông tuyên bố.
Tuy vậy có lẽ Chính phủ và quân đội Mianma tính toán rằng phương Tây hiện đã đầu tư quá nhiều, về chính trị và kinh tế, vào các cuộc cải cách của Mianma đến mức họ sẽ không để một cuộc chiến sắc tộc nhỏ bé xấu xí làm trật bánh sự can dự mới. Đó tất nhiên là vẻ ngoài của nó, vì nhiệm vụ tái thiết nền kinh tế đổ vỡ của Mianma cần đến một động lực hành chính của chính nó. Mới đây có thông báo rằng Mianma đã trả hết các khoản nợ còn tồn đọng của nước này cho Ngân hàng Thế giới (với sự giúp đỡ của người Nhật Bản), cho phép nước này nhận một khoản cho vay mới trị giá 440 triệu USD. Nước này cũng vừa nhận một khoản cho vay trị giá 512 triệu USD từ Ngân hàng Phát triển châu Á, sau khi cũng thanh toán các khoản nợ của mình tại đó. Và “Câu lạc bộ Pari” gồm các nước cho vay vào ngày 25/1 đã công bố rằng nhóm này đang xóa một khoản nợ 6 tỷ USD khác cho Mianma.
Tất cả điều này là phần thưởng cho những cải cách và thả tù nhân trong hai năm qua, và được mong đợi là sẽ diễn ra nhiều hơn nữa. Chính phủ Mianma đã thông báo đúng lúc vào ngày 29/1 rằng nước này sẽ bãi bỏ một lệnh cấm tụ tập ở nơi công cộng có từ lâu (nhưng hiện nay đều bị phớt lờ).
Tuy nhiên, ngày càng khó điều hòa tiến bộ chính trị ở trung tâm đô thị của các khu vực sắc tộc của Mianma với cuộc nội,chiến đẫm máu ở bang Kachin. Nhiều khu vực sắc tộc thiểu số khác dọc những đường biên giới đồi núi của Mianma cũng gặp rắc rối bởi các cuộc tranh chấp chưa được giải quyết. KIA và những người ủng hộ họ, giống như Karen, Shan và các nhóm khác, nhìn nhận cuộc đấu tranh lâu dài vì quyền tự trị của họ theo những thuật ngữ đạo đức đơn giản. Aung San, nhà lãnh đạo đầu tiên của Mianma hiện đại và là cha của Aung San Suu Kyi, người nhận giải Nôben hòa bình của Mianma, đã hứa hẹn cho các cộng đồng thiểu số một hệ thống liên bang theo Thỏa thuận Panglong được ký kết năm 1947, một năm trước khi nước này giành được độc lập từ Anh. Người Kachin nhấn mạnh rằng chính phủ hiện nay phải tôn trọng lời hứa đó. Chính phủ hầu như không cho thấy dấu hiệu sẵn sàng làm vậy.
Nếu phải tuân theo lời hứa không chiếm Laiza của tổng thống, khi đã cô lập nguồn tiền cuối cùng do KIA kiểm soát, thì quân đội có thể ngồi lại và để họ lụi tàn, cắt đứt các nguồn thu nhập từ khai thác gỗ và ngọc bích của họ. Điều đó sẽ khắc nghiệt đối với hàng chục nghìn dân thường phải rời bỏ nhà cửa đang sống trong các khu vực của KIA, dù không khắc nghiệt như một cuộc chiếm đóng. Có lẽ quân đội tin rằng các nhà lãnh đạo Kachin hiện giờ sẽ cảm thấy họ cần phải thỉnh cầu hòa bình và đàm phán theo những điều kiện của chính phủ.
Nhưng các chỉ huy của KIA tuyên bố họ không quan tâm đến việc thảo luận các lệnh ngừng bắn. Một trong những người phát ngôn của tổ chức này, La Nan, giải thích rằng họ đã lãng phí 17 năm của lệnh ngừng bắn trước đây để “chờ đợi chính phủ bắt đầu một cuộc đối thoại chính trị thích hợp với chúng tôi – họ đã không bao giờ làm thế”. Và nếu Laiza thất thủ? La Nan nhún vai, ông nói: “Trước đây chúng tôi đã di chuyển tổng hành dinh của mình, và chúng tôi có thể làm thế lần nữa và điều chỉnh cho thích hợp với các chiến thuật của chúng tôi”. Nói cách khác, một chiến dịch theo kiêu du kích sẽ diễn ra.
Quân đội có thể không quá bối rối về điều đó. Cuộc chiến tiếp diễn sẽ cho họ một lý do để nắm giữ vị thế chính trị đặc quyền của mình theo hiến pháp, gồm cả khối không trúng cử chiếm 1/4 tổng số nghị sĩ. Đó là một trở ngại đối với sự thay đổi chính trị. Cuộc xung đột ở miền Bắc, nơi có phần lớn lượng khoảng sản của nước này, sẽ cũng tác động đến sự tiến bộ về kinh tế. Theo nghĩa đó, một cuộc xung đột sắc tộc ở các vùng biên giới sẽ tác động đến số phận của toàn Mianma.
***

Bên kia biên giới, cuộc xung đột Kachin khiến Trung Quốc đau đầu

Zhang Shengqi lo sợ cảnh sát. Ở Doanh Giang, một huyện Trung Quốc giáp giới Mianma, ông đề nghị tài xế của mình dừng lại để ông kiểm tra xem mình có bị bám theo hay không. Ông Zhang, một người Trung Quốc theo Cơ đốc giáo, buôn lậu lương thực và quần áo qua biên giới vào Mianma để giúp đỡ những người tị nạn Kachin, nhiều người trong số họ có chung tín ngưỡng với ông. Các nhà chức trách Trung Quốc, bị giằng xé giữa sự ủng hộ của họ cho Chính phủ Mianma và mối quan hệ địa phương vững chắc với Kachin, thận trọng theo dõi.
Cuộc chiến ở bang Kachin đã gây ra một loạt vấn đề cho Trung Quốc. Nước này lo ngại rằng nó có thể kích động một làn sóng người tị nạn trên quy mô lớn tràn qua biên giới dễ vượt qua vào tỉnh Vân Nam, nơi có Doanh Giang. KIA, có trung tâm hành chính ở thị trấn Laiza nằm ngay trên biên giới, sắp sửa rơi vào tay quân đội Chính phủ Mianma, nhưng không nhiều người trông đợi hòa bình. Ông Zhang và các nhà hoạt động đồng nghiệp từ Trung Quốc có thể vẫn bận rộn tại hàng tá trại tị nạn bên trong Mianma vốn là nơi ở của hàng chục nghìn người tị nạn gần biên giới với Trung Quốc.
Trung Quốc muốn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Mianma, nhất là để chống lại việc gần đây Mianma hâm nóng quan hệ với Mỹ. Trung Quốc có những lợi ích to lớn về năng lượng và tài nguyên ở Mianma. Đầu tư của nước này tại đó gồm ít nhất 2 tỷ USD chi vào các đường ống dẫn dầu và khí đốt đi qua Mianama vào Vân Nam sẽ được hoàn thành vào tháng 5 tới. Trung Quốc coi đây là một trong những dự án vô cùng quan trọng đối với an ninh năng lượng của mình, giúp nước này tránh phụ thuộc vào những chuyến hàng vận chuyển qua Eo biển Malacca. Nhưng nước này cũng muốn giữ quan hệ tốt với Kachin, những người có chung sắc tộc với các cộng đồng thiểu số ở phía Trung Quốc của biên giới.
Phần lớn ngọc bích và gỗ tạo nên xương sống cho thương mại ở các thị trấn của huyện Doanh Giang đến từ bang Kachin. Trong những năm gần đây, mối quan hệ kinh tế đang nảy nở của Trung Quốc với Kachin đã làm lợi cho một số cư dân của bang này, nhưng cũng bị một số người coi là lợi dụng. Trung Quốc không muốn thổi bùng sự oán giận đó bàng việc đứng quá gần với quân đội Mianama trong cuộc chiến chống KIA.
Ông Zhang hoạt động trong vùng xám (vùng có tranh chấp) do những áp lực xung đột này tạo ra. Các nhà cầm quyền ở những nơi khác của Trung Quốc thường nhanh chóng ngăn chặn các hoạt động có tổ chức của những người như ông: những người Cơ đốc giảo “đi lễ tại nhà” tránh xa các nhóm tôn giáo được nhà nước ủng hộ (ông Zhang bị tù 4 tháng vào năm 2003 vì bị cáo buộc làm rò rỉ bí mật nhà nước sau khi viết một báo cáo về sự ngược đãi các buổi đi lễ tại nhà). Sau khi giao chiến nổ ra ở Kachin vào năm 2011, ông đã chuyển từ Bắc Kinh đến Vân Nam để thành lập một tổ chức phi chính phủ nhằm giúp đỡ các nạn nhân của cuộc xung đột. Để vận động sự ủng hộ ông đã mở một tài khoản trên dịch vụ tiểu blog giống như Twitter của Trung Quốc, Sina Weibo, dưới cái tênwoai nanmin, có nghĩa là “tôi yêu quý người tị nạn”, ông nói ông đã gây quỹ được khoảng 100.000 nhân dân tệ (16.000 USD) nhờ quyên góp tiền mặt ở Trung Quốc trong năm 2012. Trong tháng 2/2013 chỉ riêng những người ủng hộ Trung Quốc đã góp thêm 50.000 nhân dân tệ nữa.
Do Trung Quốc lưỡng lự trước việc dính líu trực tiếp đến cuộc khủng hoảng nhân đạo, và Chính phủ Mianma từ chối viện trợ quốc tế ở các bang Kachin và Shan, công việc gần như vụng trộm của các tổ chức phi chính phủ như của ông Zhang đóng một vai trò sống còn. Để vượt qua lính biên phòng Trung Quốc ông lén lút đi trong đêm, tránh xa các cửa khẩu chính thức (biên giới ở Doanh Giang được đánh dấu bằng một con sông). Kể từ cuối năm 2012 phần lớn những người không sống ở đây thậm chí đã bị ngăn cản vào Na Bang, một thị trấn biên giới Trung Quốc đối diện với Laiza. Na Bang đã hứng chịu đạn lạc của quân đội Mianma.
Các quan chức đã tìm cách ngăn cuộc khủng hoảng người tị nạn tràn vào Trung Quốc. Ở rìa thị trấn biên giới Điền Than thuộc huyện láng giềng của Doanh Giang là Đằng Trùng, một nhà hoạt động người Mianma chỉ vào những ngôi nhà gỗ xiêu vẹo nơi những người tị nạn đang thuê với giá rẻ. Ông ước tính có khoảng 1.000 người tị nạn Mianma trong những ngôi nhà xơ xài bẩn thỉu này, một phần trong số hơn 4.000 người tị nạn vượt biên giới sang Điền Than vào tháng 4/2012. Trong một thời gian ngắn chính phủ để họ ở trong một xưởng sửa chữa xe và cung cấp cho họ lương thực và trợ giúp y tế (những chữ tiếng Trung Quốc có nghĩa là Giêxu, được viết nguệch ngoạc lên một bức tường, là một điều nhắc nhở về sự lưu lại của họ). Nhưng hai hay ba tuần sau, phần lớn họ đã bị hộ tống về Mianma để ở trong những trại tị nạn gần biên giới. Một số trại do chính phủ điều hành, một số do Kachin điều hành.
Giống như Mianma, Trung Quốc ngăn cấm các nhóm quốc tế tiếp cận người tị nạn Kachin, kể cả Cao ủy Liên hợp quốc về Người tị nạn. Theo tổ chức Theo dõi Nhân quyền, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở ở Niu Yoóc, có khoảng từ 7.000 đến 10.000 người tị nạn Mianma ở Vân Nam vào tháng 6/2012. Chính phủ Trung Quốc bác bỏ các báo cáo rằng họ đã gửi trả lại người tị nạn Kachin trái với nguyện vọng của họ.
Ông Zhang, một người Trung Quốc theo Cơ đốc giáo, nói chính quyền chắc chắn biết về các hoạt động của ông nhưng làm ngơ. Tuy nhiên, ông chỉ ra rằng các quan chức có thể làm được nhiều hơn nhiều để giúp đỡ. Chính phủ đã xây dựng 4 trại tị nạn xung quanh Na Bang, nhưng chúng vẫn trống không. Một nhà hoạt động Cơ đốc giáo khác, Hua Huiqi, nói ông đã tới Mianma để cố vấn cho người Kachin về mối quan hệ truyền thông. Ông tự hào nói: “Tôi là nhà hoạt động vì quyền lợi ở Trung Quốc và giờ tôi đã hoạt động ra quốc tế”. Sự khoan dung của Trung Quốc đối với những hoạt động như vậy đang được thử thách.