Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2013

3. Một số đánh giá về Sách trắng Quốc phòng Trung Quốc 2013

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM (Tài liệu tham khảo đặc biệt)
Thứ Bảy, ngày 4/5/2013
TTXVN (Cairô 2/5)
Ngày 16/4 vừa qua, Bắc Kinh đã cho công bố Sách Trắng Quốc phòng lần thứ 8 kể từ năm 1998. Tại Trung Quốc cũng như các nước khác, ấn phẩm này thường có nội dung mập mờ. Trong khi nhan đề gợi lên tính minh bạch, nội dung chỉ một phần đúng sự thật. Ở bất cứ đâu cũng vậy, giới chính trị không bao giờ có ý định phô bày sự thật khách quan về hệ thống phòng thủ của họ với những điểm yếu và điểm mạnh, hay tiết lộ những bí mật nhạy cảm nhất. Trên thực tế, Sách Trắng Quốc phòng luôn đưa ra hình ảnh được đánh bóng, phù hợp với hình ảnh mà các quốc gia muốn gán cho quân đội của họ, cả trong và ngoài nước.
Việc công bố Sách Trắng trước hết xuất phát từ động cơ chính trị nhằm khẳng định tính hợp pháp, sự gắn kết và hiệu quả, cũng như xác định các điều kiện và cách thức, sử dụng các hệ thống quân sự để đối phó với các mối đe dọa được xác định. Sự nhạy cảm đặc biệt của các nội dung này đòi hỏi Sách Trắng phải có những “vùng tối”.
Theo tạp chí “Vn đề Trung Hoa” số xuất bản ngày 24/4, đối với Trung Quốc – nơi văn hóa quân đội chịu ảnh hưởng rất lớn bởi binh pháp Tôn Tử, thái độ minh bạch miền cưỡng thậm chí còn lớn hơn so với các nơi khác. Tiết lộ của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) được cân nhắc hết sức cẩn thận cho dù đó là những thông tin mà giới chuyên gia đều biết hay là những thông tin nhằm bổ trợ cho chiến lược dài hạn với mục đích khẳng định vai trò then chốt của khả năng răn đe hạt nhân và kiểm soát toàn bộ các lợi ích chiến lược trực tiếp.
Đây là lần đầu tiên Sách Trắng Quốc phòng Trung Quốc tiết lộ cấu trúc các lực lượng đóng quân tại 7 quân khu, quân số của lực lượng Lục quân (850.000 người), Hải quân (235.000 người, tổ chức thành ba hạm đội Bắc Hải, Đông Hải và Nam Hải), Không quân (398.000 người, được triển khai tại tất cả các quân khu), chưa kể tới Lực lượng pháo binh hai. Tuy nhiên, với quân số chưa được tiết lộ, Lực lượng pháo binh 2 sở hữu những khả năng răn đe hạt nhân chiến lược và được trang bị các loại tên lửa đạn đạo liên lục địa Đông Phong và tên lửa hành trình Trường Kiếm (Long Sword). Điều này cho thấy lực lượng này đóng vai trò trung tâm trong PLA, trong bối cảnh Mỹ đã và đang cho triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa và xuất hiện các loại vũ khí thông thường có khả năng vô hiệu hóa các loại tên lửa chiến lược của Trung Quốc.
Nhằm khẳng định chủ quyền trong bối cảnh nổ ra các cuộc tranh cãi với Mỹ, Nhật Bản và các nước ASEAN, Sách Trắng cũng đề cập đến đơn vị liên binh chủng di động lớn của lực lượng Lục quân cũng như sự tồn tại của các lữ đoàn độc lập thực hiện các nhiệm vụ mới bên ngoài lãnh thổ của Trung Quốc. Những khả năng mới này – nhằm đáp ứng những đòi hỏi cấp bách trong việc kiểm soát lãnh thổ ở biển Nam Trung Hoa (biển Đông) và biển Hoa Đông – có được nhờ vào việc phát triển lực lượng không quân của Lục quân, các trang thiết bị cơ khí có khả năng vận chuyển bằng đường không, các lực lượng đặc biệt và các đơn vị “đa nhiệm” quy mô nhỏ thích hợp với các “hoạt động tầm xa trên không và trên mặt đất, có khả năng thực hiện các cuộc tấn công chớp nhoáng và các chiến dịch đặc biệt”.
Còn lại, Sách Trắng không tiết lộ chút gì về ngân sách quân đội, phương thức tác chiến chuyên biệt hay các trang thiết bị chuyên dụng, ngoại trừ việc nêu tên các loại tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo Đông Phong. Tuy nhiên, tài liệu này lại xác nhận việc hiện đại hóa các trang thiết bị, khả năng của các lực lượng hải, lục, không quân và Lực lượng pháo binh 2. Theo Sách Trắng, Lực lượng pháp binh 2 (Bộ đội tên lửa chiến lược) cho phép PLA “tham gia và giành chiến thắng trong các cuộc xung đột cục bộ trong điều kiện thông tin hóa và cường độ cao” và tham gia các chiến dịch bên ngoài biên giới của Trung Quốc. Tuy nhiên, để khẳng định ý định hòa bình của Trung Quốc, Sách Trắng Quốc phòng năm nay nhấn mạnh tính đa dạng của các nhiệm vụ hơn so với các phiên bản trước đây.
Một đội quân đa nhiệm với mục đích hòa bình
Sau khi nhấn mạnh các mối đe dọa đang gia tăng (chủ nghĩa ly khai, chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan cùng với nguy cơ bất ổn nội bộ và nguy cơ từ các phong trào ly khai ở Tân Cương, Tây Tạng và Đài Loan) đã được nêu trong các Sách Trắng trước đó, Sách Trắng Quốc phòng Trung Quốc 2013 cũng xác định các đối thủ tiềm năng trên đấu trường châu Á và trực tiếp cáo buộc Mỹ và Nhật Bản “khiêu khích quân sự”. Sách Trắng tái khẳng định chiến lược “phòng thủ chủ động” và quyết tâm đáp trả trong trường hợp bị tấn công, đồng thời nhắc lại những ý định hòa bình của Trung Quốc.
Một đoạn dài trong tài liệu này được dành để mô tả các nhiệm vụ của Cảnh sát vũ trang nhân dân. Theo đó, nhiệm vụ chính của lực lượng này là duy trì sự ổn định trong nước, cả ở Hồng Công lẫn Ma Cao, với sự giúp đỡ của PLA và lực lượng dân quân. Với quân số hơn 90.000 người, dân quân tham gia bảo vệ các công trình công cộng, các tuyến giao thông và các công trình nghệ thuật lớn. Để đối phó với các nguy cơ bất ổn xã hội và chính trị, Sách Trắng nhấn mạnh tới việc thành lập các đớn vị di động phản ứng nhanh ở cấp quốc gia và tại tất cả các đơn vị hành chính tới tận cấp huyện.
Tuy có nhan đề khá khác thường (“Vận dụng Đa dạng hóa Lực lượng Vũ trang Trung Quốc”, Sách Trắng 2013 lặp lại cách thức trình bày trong các phiên bản trước đó và thường xuyên mô tả khả năng của PLA chống lại các mối đe dọa quân sự, cũng như sự tham gia của PLA trong nhiều nhiệm vụ phi tác chiến ở trong và ngoài nước, từ các hoạt động hỗ trợ phát triển (trồng rừng, lập bản đồ, xây dựng cơ sở hạ tầng…), đến hợp tác quốc tế thông qua các phái bộ của Liên Hợp Quốc (đến ngày 31/12/2012, 1.842 binh sĩ và sĩ quan Trung Quốc đã tham gia 9 hoạt động của Liên Hợp Quốc) và bảo vệ các tuyến thông tin liên lạc, các công dân Trung Quốc ở nước ngoài hoặc hỗ trợ cho người dân trong trường hợp xảy ra thảm họa nhân đạo ở cả trong và ngoài nước.
Sách Trắng năm 2013 đặc biệt dành một phần để nhắc lại chiến dịch hồi hương 35.860 công dân Trung Quốc làm việc tại Libi vào tháng 2/2011, trong đó huy động một tàu khu trục hải quân và 4 máy bay thuộc lực lượng không quân. Một phần của Sách Trắng 2013 được dành để nói về vấn đề hợp tác quốc tế và các biện pháp xây dựng lòng tin, nhất là thông qua việc lần đầu tiên Trung Quốc tham gia bảo vệ tuyến hàng hải quốc tế tại Vịnh Aden. Tài liệu này cho biết đến hết ngày 31/12/2012, Hải quân Trung Quốc đã hộ tống 2.455 tàu thuyền nước ngoài và một số lượng tương tự tàu thuyền của Trung Quốc. Nhấn mạnh khả năng hợp tác bên ngoài và tinh thần cởi mở của PLA, Sách Trắng 2013 cho rằng các hoạt động này đã giúp thiết lập quan hệ hữu nghị tốt đẹp với lực lượng Hải quân của Hàn Quốc, Pakixtan, Mỹ, Liên minh châu Âu, NATO và Xinhgapo.
Cuối cùng, Sách Trắng 2013 miêu tả các cuộc tập trận quốc tế của PLA với cường độ ngày càng cao trong một nỗ lực nhằm hiện đại hóa quân đội và chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu. Tài liệu này nhấn mạnh tính trung lập của các hoạt động thao diễn theo đó “không nhằm vào bất cứ ai, trên tinh thần hợp tác và bình đẳng”. Từ năm 2002, PLA đã tiến hành 28 cuộc tập trận cùng 34 khóa đào tạo, huấn luyện chiến đấu với 31 quốc gia nhằm mục đích “đẩy nhanh chương trình hiện đại hóa các lực lượng, tăng cường sự tin cậy lẫn nhau, duy trì an ninh và ổn định khu vực”.
So với thời PLA đóng cửa và không tiếp xúc với bên ngoài tới tận những năm 1990, số lượng các cuộc tập trận, diễn tập cũng như số lượng các đối tác tham gia là rất đáng ngạc nhiên. Hải quân Trung Quốc đã tổ chức các cuộc tập trận chung tại biển Arập (với Pakixtan) và Hoàng Hải (với Nga), đồng thời tham gia các cuộc diễn tập cứu hộ cứu nạn trên biển nhân chuyến thăm của các đội tàu chiến của Pháp, Anh, Thái Lan, Mỹ, Niu Dilân và Việt Nam, cũng như tổ chức các cuộc diễn tập bắn đạn thật, đổ bộ bằng trực thăng và các cuộc diễn tập tiếp liệu.
Trên bộ, các cuộc diễn tập thường tập trung vào chủ đề giữ gìn hòa bình, chống khủng bố và hỗ trợ nhân đạo được tổ chức cùng với nhiều đối tác như Ấn Độ, Mông cổ, Xinhgapo, Rumani, Thổ Nhĩ Kỳ, Thái Lan, Pakixtan, Gioócđani, Colombia và Mỹ. Đối với không quân và các đơn vị lính dù, phạm vi hợp tác hẹp hơn, với các đối tác gồm Pakixtan, Bêlarút và Vênêxuêla. Thực tế này cho thấy sự yếu kém của lực lượng không quân chiến đấu của Trung Quốc khi họ chỉ tổ chức tập trận với Pakixtan (vốn được trang bị một phần bằng các máy bay chiến đấu của Trung Quốc).
Đặc biệt chú ý là các cuộc tập trận chung với các nước thuộc Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Từ năm 2005, PLA đã có 9 tập trận chung, hoặc chỉ riêng với Nga, hoặc với tất cả các thành viên SCO khác, về chủ đề chống khủng bố và chống lại hai nguy cơ khác là “chủ nghĩa ly khai và chủ nghĩa cực đoan”. Điều này cho thấy những quan ngại của Trung Quốc đối với vấn đề an ninh nội bộ và nguy cơ tan vỡ đất nước.
Sự mập mờ và khoảng tối của Sách Trắng
Tuy nhiên, loạt chi tiết trong Sách Trắng Quốc phòng năm 2013 – trong đó phần lớn mọi người đều đã biết – che giấu một số điểm chính liên quan đến các khoản chi ngân sách cho nghiên cứu và phát triển (R&D), chế tạo các thiết bị mới, vị thế quốc tế và khả năng răn đe hạt nhân của Trung Quốc. Quả vậy, không có một từ nào trong Sách Trắng đề cập đến cam kết tài chính gần đây lên tới 49 tỷ USD trong vòng 20 năm trong lĩnh vực phát triển động cơ máy bay cho Tập đoàn Tây An Aero Engine, một trong những nhà sản xuất động cơ quân sự hàng đầu của Trung Quốc. Không có bất kỳ thông tin nào được đưa ra về tình hình phát triển tên lửa chống hạm DF – 21 (tầm bắn 1.500 km) mà báo chí Đài Loan tiết lộ vào tháng Một vừa qua. Theo đó, loại tên lửa mới này đã được Trung Quốc thử nghiệm tại sa mạc Gobi và có thể đánh trúng một mục tiêu có kích thước tương đương với một tàu sân bay Mỹ. Ngoài ra, Sách Trắng cũng không nói gì về triển vọng triển khai các căn cứ hải quân ở nước ngoài hay kế hoạch sử dụng sức mạnh hải quân mới.
Ngoại trừ việc đề cập đến các loại tên lửa thuộc Lực lượng pháp binh 2, Sách Trắng che giấu kích thước kho vũ khí hạt nhân chiến lược mà một số người khẳng định là lớn hơn rất nhiều so với những gì mà các chuyên gia phương Tây dự đoán. Sự mập mờ về những vấn đề này làm dậy lên những đồn đoán và tâm trạng lo lắng tại các quốc gia láng giềng, đồng thời củng cố thuyết về mối đe dọa từ Trung Quốc, đặc biệt là tại Nhật Bản và Mỹ.
Trong một bài báo đăng trên tạp chí “Quan sát tình trạng phổ biến vũ khí” vào tháng 3/2013, ông J.P Cabestan, Giám đốc Nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu quốc gia Pháp (CNRS) và là giáo sư tại Đại học Baptist Hồng Công, đã xem xét những tin đồn, những điều mập mờ và các nguồn gốc gây lo lắng cho các nước láng giềng của Trung Quốc. Theo ông Cabestan, hiện rất ít người biết được khả năng răn đe hạt nhân của Trung Quốc, trong đó bao gồm số lượng tên lửa chiến lược và mức độ hoạt động của các tàu ngầm có gắn tên lửa đạn đạo.
Năm 2012, Lầu Năm Góc ước tính Lực lượng pháp binh 2 đã triển khai 50-75 tên lửa liên lục địa (ICMB) và từ 80 đến 120 tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung (IRBM) chĩa vào Đài Loan. Tuy nhiên, trước đó vào năm 2010, một viện nghiên cứu tại Anh đã đánh giá rằng kho vũ khí của Trung Quốc bao gồm 400 IRBM và 90 ICMB, trong đó 25 quả được lắp trên các tàu ngầm hạt nhân. Tuy nhiên, mối quan tâm chính của Mỹ và Nhật Bản hiện nay là việc thiếu các thông tin về chương trình hạt nhân quân sự của Trung Quốc. Trong khi Oasinhtơn và Mátxcơva đã ký kết thỏa thuận cắt giảm số lượng vũ khí hạt nhân của họ xuống còn 1.550 vào năm 2018, Trung Quốc lại tuyên bố không có bất kỳ hạn chế nào đối với kho vũ khí hạt nhân của mình.
Theo giáo sư Cabestan, một nghiên cứu của Đại học Georgetown xuất bản năm 2011 ước tính rằng Trung Quốc có thể đã sở hữu 3.000 vũ khí hạt nhân di động, trong đó phần lớn được cất giấu trong các đường hầm có tổng chiều dài 4.800 km. Nhận định này được nhiều chuyên gia ủng hộ. Về phần mình, các chuyên gia Nga lại cho rằng con số này vào khoảng 1.600- 1.800 tên lửa. Điều đáng nói là sự tồn tại của hệ thống đường hầm trên hiện vẫn rất mơ hồ.
Dư luận cũng nghi ngờ về nguyên tắc “không sử dụng vũ khí hạt nhân trước” của Trung Quốc. Theo một thông tin mới đây của Hãng thông tấn Nhật Bản Kyodo, quân đội Trung Quốc đang cân nhắc phát động một cuộc tấn công hạt nhân đầu tiên đáp trả cuộc tấn công bằng vũ khí thông thường của kẻ thù xâm lược nhằm vào các mục tiêu chiến lược trên lãnh thổ của mình (đập thủy điện, nhà máy điện hạt nhân, khu đô thị, các địa điểm triển khai tên lửa chiến lược). Không có gì khẳng định rằng thông tin này là đúng sự thật. Tuy nhiên, trái ngược với tuyên bố công khai của Sách Trắng, tin đồn xuất phát từ sự mập mờ của Bắc Kinh đang làm dấy lên những nghi ngờ trong bối cảnh căng thẳng tái diễn tại biển Đông và biển Hoa Đông giữa Trung Quốc với Nhật Bản, Philíppin, Việt Nam và Mỹ.
Các nhà chiến lược Trung Quốc hiểu rất rõ nguy cơ từ hình ảnh một Trung Quốc hung hăng. Ngày 23/4/2013, trong một bài báo đăng trên mạng của Diễn đàn Thái Bình Dương thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Giám đốc Trung tâm Quan hệ quốc phòng Trung – Mỹ thuộc Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc, Thiếu tướng Diêu Vân Trúc, đã cáo buộc Oasinhtơn phải chịu trách nhiệm về những nghi ngờ quanh việc Bắc Kinh đã từ bỏ nguyên tắc “không sử dụng vũ khí hạt nhân đầu tiên”.
Sau khi nhắc lại rằng nguyên tắc nói trên đã được tái khẳng định qua nhiều tuyên bố chính thức, trong đó có tuyên bố ngày 27/3/2012 của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, và tuyên bố ngày 27/3/2013 của ông Bàng Sâm, người đứng đầu phái đoàn Trung Quốc tại Hội nghị đánh giá việc thực hiện Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), theo đó “Trung Quốc tuân thủ vô điều kiện và trong mọi trường hợp nguyên tắc không sử dụng trước”, Tướng Diêu thừa nhận rằng các phương tiện truyền thông Trung Quốc đã nhiều lần đề cập đến việc từ bỏ tuyên bố nguyên tắc này. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu quân sự này cho rằng lỗi thuộc về Mỹ – quốc gia đang thiết lập một hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao có khả năng vô hiệu hóa khả năng đáp trả của Lực lượng pháp binh 2 và sở hữu các loại vũ khí thông thường có khả năng tấn công trực tiếp nhằm vào kho vũ khí chiến lược của PLA, qua đó làm suy yếu khả năng răn đe chiến lược của Trung Quốc. Theo bà, mệnh lệnh được Tổng thống Mỹ Barack Obama đưa ra cho Bộ Tư lệnh chiến lược vào ngày 2/1/2013 theo đề nghị của Quốc hội “chỉ có thể làm trầm trọng thêm tình hình”. Quả vậy, ông Obama đã yêu cầu cơ quan này đệ trình một báo cáo nghiên cứu về “các mạng lưới hầm ngầm tại Trung Quốc có chứa vũ khí hạt nhân và khả năng vô hiệu hóa số vũ khí này bằng các phương tiện thông thường” vào ngày 15/8 tới.
Cuộc tranh cãi trên cho thấy rõ những cái lợi và cái hại của việc bưng bít và minh bạch hóa thông tin. Ngại công khai về quy mô và khả năng thực tế kho vũ khí chiến lược của mình, Trung Quốc đang phải xoay xở để đối phó với những tác động xấu xuất phát từ thái độ nước đôi đó. Tuy các tuyên bố chính thức khẳng định cam kết của Bắc Kinh đối với nguyên tắc “không sử dụng hạt nhân trước”, báo chí chính thống nước này lại lên giọng đe dọa từ bỏ điều đó. Trong khi đó, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đang tìm kiếm những lý lẽ hợp lôgíc để giải thích về bất kỳ động thái thay đổi nào trong quan điểm chiến lược của nước này.
Tranh cãi hiện nay liên quan đến việc kế hoạch của Mỹ triển khai các lá chắn tên lửa (điều làm cả Nga tức tối) sẽ tiếp tục diễn ra, xuất phát từ nhũng thông tin không rõ ràng về kho vũ khí chiến lược của quân đội Trung Quốc cũng như thuyết về mối đe dọa từ Trung Quốc. Sự nghi ngờ này chỉ có thể giảm bớt nếu Trung Quốc đồng ý tham gia các cuộc đàm phán về việc cắt giảm các loại vũ khí hạt nhân chiến lược.
***
TTXVN (Niu Yoóc 3/5)
Tạp chí Á-Âu” ngày 23/4 đăng bài phân tích về “Sách Trắng Quốc phòng 2013 của Trung Quốc” của tác giả Jayadeva Ranade, thành viên Ban Cố vấn An ninh Quốc gia và nhà phân tích của Viện Nghiên cứu Hòa bình và Xung đột của Ấn Độ, trong đó cho biết ngày 16/4 Trung Quốc công bố Sách Trắng Quốc phòng lần thứ 8 dưới nhan đề: “Vận dụng Đa dạng hóa Lực lượng Vũ trang Trung Quốc”, dày 47 trang, gồm 5 phần và 3 phụ lục liệt kê các cuộc diễn tập và huấn luyện quân sự chung của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) với các lực lượng vũ trang nước ngoài năm 2011-2012; lực lượng vũ trang Trung Quốc tham gia các hoạt động cứu trợ thiên tai quốc tế (2011-2012 ) và các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (2011-2012).
Sách Trắng Quốc phòng của Trung Quốc năm 2013 chỉ rõ tình hình ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương hiện đang bao trùm tư tưởng quân sự của Trung Quốc. Sách Trắng lần này thể hiện sự tin tưởng của lãnh đạo Trung Quốc về các khả năng của các lực lượng vũ trang. Sau khì khẳng định Trung Quốc sẽ “không theo đuổi bá quyền, hành xử một cách bá quyền hoặc bành trướng quân sự” và nhận thấy tầm quan trọng của hợp tác quốc tế, Sách Trắng tuyên bố Trung Quốc sẽ tiếp tục xây dựng và hiện đại hóa quân đội. Sách Trắng nhấn mạnh Trung Quốc sẽ phát triển khả năng và tầm hoạt động của Hải quân của PLA (PLAN) và Không quân của PLA (PLAAF) cùng với tăng cường đầu tư Nghiên cứu và Phát triển (R&D) trong nước để nâng cấp ngành công nghiệp quốc phòng bản địa. Trung Quốc bắt đầu minh bạch quân sự từ năm 1998, khi nước này công bố Sách Trắng Quốc phòng đầu tiên. Công bố Sách Trắng của Trung Quốc nhằm hai mục tiêu: đáp ứng yêu cầu quốc tế về chương trình hiện đại hóa quốc phòng cũng như nguyện vọng tiếp tục can dự cộng đồng quốc tế, nhưng gần đây Trung Quốc cũng bất đầu sử dụng Sách Trắng Quốc phòng để công bố các mục tiêu quốc gia và thế giới quan. Mặc dù tránh đề cập các nội dung chi tiết, nhung các Sách Trắng Quốc phòng của Trung Quốc đã đề cập tư tưởng của các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự cấp cao Trung Quốc về các vấn đề quốc phòng. Không giống các tài liệu của phương Tây thường chú trọng các khả năng về quân sự một cách chi tiết và cụ thể, các Sách Trắng Quốc phòng của Trung Quốc chỉ tiết lộ một số chi tiết về chi phí hoặc mua sắm hoặc sản xuất các loại vũ khí. Tính minh bạch của Trung Quốc về các vấn đề này vẫn chưa rõ ràng, mặc dù đã có cải thiện đôi chút trong những năm qua. Do lực lượng vũ trang phụ thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc, Sách Trắng Quốc phòng 2013 thể hiện rõ tư tưởng chính trị qua các kế hoạch của lực lượng vũ trang như: kế hoạch và vai trò tương lai của các lực lượng vũ trang; dự kiến các khu vực xung đột; mức độ nghi ngờ các nước khác; các khu vực quan tâm của Trung Quốc; mức độ hợp tác quân sự với các nước…. Điều đáng chú ý là Trung Quốc cũng sử dụng Sách Trắng Quốc phòng như một công cụ chính trị và ngoại giao.
Thế giới quan của Trung Quốc được nêu trong Sách Trắng Quốc phòng mới nhất nhấn mạnh mối lo ngại của Trung Quốc trước những phát triển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt vai trò của Mỹ và xác định các mối đe dọa tiềm tàng đối với tham vọng của Trung Quốc. Trong hai đoạn đầu của Phần thứ nhất trong Sách Trắng có tiêu đề: “Tình hình mới, Thách thức mới và Sứ mệnh mới”, Sách Trắng 2013 khẳng định châu Á-Thái Bình Dương đã và đang trở thành “khu vực ngày càng quan trọng cho sự phát triển kinh tế thế giới và tác động chiến lược giữa các cường quốc”. Ám chỉ mối quan ngại của Bắc Kinh trước sự can thiệp của Mỹ, Sách Trắng cho rằng: “Mỹ đang điều chỉnh chiến lược an ninh châu Á-Thái Bình Dương và bức tranh khu vực đang trải qua những thay đổi sâu sắc”. Đoạn tiếp theo khẳng định: “Một số quốc gia đã và đang tăng cường liên minh quân sự ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, mở rộng sự hiện diện quân sự trong khu vực và thường xuyên làm cho tình hình căng thẳng hơn”. Tiếp đó, Sách Trắng cho rằng Nhật Bản là một trong số “các nước láng giềng” đang có những hành động làm trầm trọng thêm tình hình. Sau khi khẳng định mối đe dọa của “ba lực lượng” gồm: chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa ly khai và chủ nghĩa cực đoan ngày càng gia tăng, Sách Trắng 2013 mô tả “Các Lực lượng Ly khai đòi Độc lập của Đài Loan vẫn là mối đe dọa lớn nhất đối với sự phát triển hòa bình của mối quan hệ hai bờ eo biển”. Sách Trắng kết luận các nguy cơ an ninh đối với lợi ích ở nước ngoài của Trung Quốc đang gia tăng. Sách Trắng xác định rõ vai trò của các lực lượng vũ trang là: “đánh thắng các cuộc chiến tranh khu vực trong điều kiện thông tin hóa” và liệt kê các nhiệm vụ của lực lượng vũ trang gồm: ngăn chặn “các lực lượng ly khai”, bảo đảm an ninh biên giới, bờ biển và không phận; bảo vệ quyền và lợi ích hàng hải quốc gia và các lợi ích an ninh quốc gia ngoài vũ trụ và không gian mạng.
Sách Trắng 2013 cũng yêu cầu các lực lượng vũ trang bảo đảm “sự hỗ trợ tin cậy các lợi ích của Trung Quốc ở nước ngoài” và “bảo vệ vững chắc các lợi ích quốc gia cốt lõi của Trung Quốc”, nhưng không chỉ rõ các “lợi ích quốc gia cốt lõi” là gì. Sách Trắng đặc biệt quan tâm các nước láng giềng của Trung Quốc có các tuyên bố lãnh thổ chưa được giải quyết hoặc chồng lấn là các nhiệm vụ liên quan đến Lực lượng hải quân của PLA (PLAN) và Lực lượng không quân của PLA (PLAAF) trong phần nói về “Xây dựng và Phát triển Lực lượng Vũ trang Trung Quốc”. Sách Trắng cho biết PLAN sẽ đẩy nhanh tốc độ hiện đại hóa và phát triển các loại tàu ngầm, tàu khu trục và tàu khu trục nhỏ hiện đại đồng thời phát triển các khả năng tiến hành các hoạt động cơ động trên biển. Ngoài ra, Sách Trắng cho rằng phát triển một tàu sân bay có “tác động sâu sắc đến việc xây dựng một PLAN hùng mạnh và bảo vệ an ninh hàng hải”. Điều thú vị là, việc công bố Sách Trắng 2013 trùng với ngày Trung Quốc chính thức loan báo tàu sân bay “Liêu Ninh” sẽ tiếp tục một hành trình dài trên các vùng biển quốc tế vào cuối năm nay. Sách Trắng cho biết PLAAF đang phát triển các loại vũ khí và trang thiết bị hiện đại như máy bay chiến đấu thế hệ mới, các tên lửa đất đối không và các hệ thống rađa kiểu mới; phát triển các hệ thống thông tin liên lạc và chỉ huy cảnh báo sớm và “nâng cao các khả năng tấn công trên không ở khoảng cách xa, răn đe chiến lược và cảnh báo sớm chiến lược”. Nhưng Sách Trắng không đề cập PLA sẽ nỗ lực thực hiện ra sao kế hoạch nghiên cứu và phát triển 3 giai đoạn nhằm phát triển động cơ phản lực hiện đại cho PLAAF, như mới tiết lộ giữa tháng 3/2013. Một điểm mới trong Sách Trắng Quốc phòng 2013 là tiết lộ sức mạnh của các quân binh chủng gồm Lục quân của PLA (PLAA), PLAN và PLAAF và kèm theo việc triển khai của các lực lượng.
- Quân số của PLAA: 850.000 binh sĩ được biên chế thành 18 quân đoàn hỗn hợp và bố trí ở 7 quân khu: Quân khu Thẩm Dương (quân đoàn 16, 39 và 40); Quân khu Bắc Kinh (quân đoàn 27, 38 và 65); Quân khu Lan Châu (quân đoàn 21 và 47); Quân khu Tế Nam (quân đoàn 20, 26 và 54); Quân khu Nam Kinh (quân đoàn 1, 12 và 31); Quân khu Quảng Châu (quân đoàn 41 và 42); và Quân khu Thành Đô (quân đoàn 13 và 14).
- Quân số của PLAN: 235.000 binh sĩ và được chia thành 3 hạm đội: Hạm đội Bắc Hải; Hạm đội Đông Hải và Hạm đội Nam Hải.
- Quân số của PLAAF: 398.000 binh sĩ và bố trí ở mỗi quân khu một tư lệnh Không quân.
- Lực lượng tên lửa chiến lược của Trung Quốc hay Lực lượng pháo binh 2 của PLA (PLASAF) gồm lực lượng tên lửa hạt nhân, tên lửa thông thường và các đơn vị yểm trợ, nhưng tiếp tục bí mật các chi tiết về sức mạnh quân số hoặc triển khai.
Sách Trắng mô tả thành phần tên lửa chiến lược của Trung Quốc là “lực lượng nòng cốt răn đe chiến lược của Trung Quốc”. PLASAF sẽ sử dụng các tên lửa hạt nhân để phát động một cuộc phản công độc lập, hoặc kết hợp với “lực lượng hạt nhân của các quân binh chủng khác”. Ngoài ra, Sách Trắng cũng khẳng định lực lượng tên lửa thông thường của PLASAF có thể nhanh chóng chuyển từ trạng thái thời bình sang thời chiến và tiến hành các cuộc tấn công thông thường chính xác, tầm xa và tầm trung”. Nhưng cũng như trước đây, Sách Trắng 2013 cho biết Trung Quốc sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân để tấn công trước, mặc dù đề cập vai trò của PLASAF là lực lượng “răn đe chiến lược” và “phản công hạt nhân”. Việc khẳng định PLASAF sẽ sử dụng tên lửa hạt nhân kết hợp với tên lửa hạt nhân của các lực lượng khác cho thấy tất cả các quân binh chủng của PLA đều có khả năng sử dụng hạt nhân. Và PLASAF sẽ can dự các cuộc xung đột thông thường, từ đó có thể tăng nguy cơ tính toán sai lầm của đối phương. Cũng như Sách Trắng Quốc phòng 2011, Sách Trắng lần này sử dụng nhóm từ viết tắt của lực lượng bộ binh của PLA là PLAA và đặt PLAA đầu tiên, sau đó đến PLAN, PLAAF, PLASAF và Lực lượng Cảnh sát vũ trang nhân dân (PAPF). Thông tin chi tiết về vai trò và chức năng của PAPF, lực lượng dân quân và lực lượng dân quân biên giới và các đơn vị đồn trú ở Hồng Công và Ma Cao được bổ sung trong Sách Trắng năm nay. Sử dụng nhiều lần các nhóm từ viết tắt PLAA, PLAN, PLAAF và PLASAF cho thấy, các quân binh chủng này ngày càng mang bản sắc độc lập và thoát khỏi sự thống trị và kiểm soát của PLAA. Thành phần nhân sự trong Quân ủy Trung ương mới đã củng cố thêm quan điểm này. Các động thái đó sẽ là một phần nỗ lực của giới lãnh đạo để chuyên môn hóa lực lượng vũ trang, nâng cao niềm tự hào của các quân binh chủng và khích lệ họ xây dựng các học thuyết chiến tranh và các kế hoạch tác chiến riêng. Nhưng việc các thành viên PLAA chiếm đa số các đại biểu tham dự Đại hội Đảng lần thứ 18 và Khóa họp Quốc hội 12 cho thấy vị thế và ảnh hưởng của các lực lượng bộ binh của PLA vẫn không bị ảnh hưởng, mặc dù đã giảm nhiều. Hơn nữa tất cả các Tư lệnh Quân khu đều có nguồn gốc từ lực lượng bộ binh và các nhân viên của PLAAF cũng như PLAN đều dưới sự chỉ huy của họ. Cuối cùng, Sách Trắng Quốc phòng năm 2013 cũng đề cập các vai trò khác của lực lượng vũ trang, bao gồm các cuộc diễn tập và huấn luyện chung với các lực lượng quân sự nước ngoài và cứu trợ thảm họa thiên tai quốc tế. Sách Trắng khẳng định lực lượng vũ trang Trung Quốc sẽ tăng cường tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế, đặc biệt là ở châu Phi.