Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2013

5. Việt Nam, Trung Quốc và xung đột Biển ở Đông Nam Á

Jonathan London and Vũ Quang Việt [i]
Soạn cho Hội nghị Quốc tế về biển Đông, 27-28/4/2013
Đại học Phạm văn Đồng, Quảng Ngãi, Việt Nam
Người dịch: Huỳnh Phan
Thoả thuận tháng 10 năm 2011 giữa Hà Nội và Bắc Kinh về việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ và biển ở biển Đông Nam Á (biển Đông) một cách hòa bình ban đầu đã được chào đón với những nụ cười, chủ yếu là vì dường như nó hứa hẹn một giai đoạn tạm ngơi đi các căng thẳng đang xấu thêm giữa hai nước Leninist láng giềng này. Nhưng những nụ cười hồi hộp trong việc chính trị hệ trọng này của Đông Á chưa bao giờ chứa đựng nhiều thông tin. Và từ chỗ đứng của năm 2013 rõ ràng thoả thuận trên giấy đó đã không giải quyết được những cội rễ của những căng thẳng và, trên thực tế đã thất bại ngay cả trong việc “che đậy” sự tranh chấp. Chỉ một tháng sau khi hiệp định được ký kết, một đoạn băng video tiếng Việt không rõ nguồn tung lên cảnh một tàu biên phòng Việt Nam đâm một tàu hải giám Trung Quốc (TQ) tại một địa điểm không tiết lộ. Bắc Kinh không có phản ứng chính thức nào về sự cố này, một dấu hiệu cho thấy sự cố quả thực xảy ra khá gần Việt Nam. Chỉ một vài ngày sau đó thì các giới chức Việt Nam và TQ họp tại APEC ở Honolulu. Ở đó, Tổng thống Obama và Hồ Cẩm Đào tiếp tục cuộc đối thoại căng thẳng, theo sau là một thông báo của Tổng thống Obama rằng Hoa Kỳ đã gần hoàn tất thỏa thuận Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hình thành một cộng đồng kinh tế không có TQ, bao gồm Úc, New Zealand, Malaysia, Singapore, Chile, Peru, và đáng chú ý là có Việt Nam. Dự kiến Nhật Bản sẽ gia nhập sớm. Với một cách lý giải nào đó, Bắc Kinh xem TPP như là một chỉ dấu về những cố gắng của Washington nhằm hạn chế sức mạnh của họ và đã phản ứng bằng nhiều nỗ lực khác nhau nhằm giảm thiểu bất kỳ tác động bất lợi nào, chủ yếu bằng cách ký thỏa thuận thương mại song phương với Hàn Quốc, Nhật Bản, và nhiều đối tác khác. Các diễn biến khác, đặc biệt căng thẳng giữa Trung – Nhật, đi ngược lại diễn tiến vừa nêu.
Trong vòng 18 tháng kể từ cuộc họp APEC, nhiều việc đã xảy ra, nhưng tuyệt đối không có việc nào thuộc dạng làm giảm đi những căng thẳng ở biển Đông Nam Á. Quả thế, chúng tôi sẽ lập luận ở đây rằng hành vi của Bắc Kinh trong giai đoạn này chỉ có thể được hiểu như là một quá trình bành trướng theo chủ nghĩa đế quốc mới thuộc loại chính sách ngoại giao pháo hạm. Việc đầu tiên là giằng co của TQ-Philippines tại bãi cạn Scarborough, ở đó TQ chiếm giữ các vùng biển và các thể địa lí mà Philippines tuyên bố chủ quyền từ lâu và từ chối rời đi. Việc thứ hai là sự phá sản đáng kinh ngạc về tính thích đáng của ASEAN trong các vấn đề ngoại giao, gây ra do sự biểu lộ của Phnom Penh rằng lập trường của họ đối với biển Đông Nam Á là Bắc Kinh muốn sao thì nó phải như vậy. Việc thứ ba là việc chính thức hóa tuyên bố chủ quyền “lưỡi bò” bất hợp pháp của TQ đối với 80 phần trăm biển Đông Nam Á qua việc thành lập “thành phố Tam Sa”, một quyền pháp lý có chẳng có cơ sở nào trong luật pháp quốc tế. (Hãy tưởng tượng một nước bất kỳ nào khác, kể cả Hoa Kỳ thời hoàng kim đế quốc của mình thực hiện điều tương tự. Thôi được, có thể là một ví dụ tồi!). Lưỡi bò bây giờ điểm tô các hộ chiếu TQ, các bản đồ (bao gồm cả một số được bán tại Philippines) và các con dấu chính thức của TQ. Việc thứ tư là tăng cường các cuộc tập trận hải quân khiêu khích từ năm 2008 kể cả “tăng thêm tuần tra” trên vùng biển với 24 tàu hải giám bổ sung, trong đó gần một nửa là tàu chiến cải biến, chúng “… không có nhiệm vụ nào khác ngoài việc chèn ép các nước khác phải khuất phục trước yêu sách bành trướng của TQ[ii] trên cái lưỡi bò mà Bắc Kinh không có tuyện bố chủ quyền hợp pháp đối với nó. Việc cuối, nhưng không kém phần đáng lo ngại, là tiếp tục cổ vũ chủ nghĩa dân tộc và “số phận đã định” như một phương tiện kích động sự hậu thuẫn trong nước. Một xu hướng không những đề cao về sự cần thiết cho “ổn định khu vực” (theo ngôn từ của Bắc Kinh) mà còn có vẻ mời gọi các xu hướng siêu quốc gia và thậm chí phát xít trong chính trị TQ, điều này không có chút cường điệu nào.
Những phát triển khác trong khu vực cũng không làm dịu căng thẳng. Ví dụ rõ ràng nhất là vụ giằng co quanh quần đảo Senkaku / Điếu Ngư, mà Bắc Kinh dường như sẵn sàng theo đuổi bằng mọi giá, trong vòng một năm qua tranh chấp đã trở nên tồi tệ hơn mà không có dấu hiệu dừng lại. Nếu cuộc xung đột vượt khỏi tầm kiểm soát thì toàn bộ khu vực sẽ bị biến dạng. Ngoài ra, có nhiều điều không chắc chắn về việc Mỹ sẽ phản ứng như thế nào. Tình thế với CHDCND Triều Tiên cũng có tác động đối với thế trận an ninh của Mỹ. Đã có dấu hiệu cho thấy rằng Philippines mong muốn một dạng sức mạnh hải quân cốt yếu nào đó của Mỹ quay trở lại Subic Bay. Cuối cùng chúng ta đã thấy sự phát triển của một cuộc chạy đua vũ trang thực sự ở Đông Á, một phần bị thúc đẩy bởi sự mở rộng quân sự có thể dự đoán phần nào của Bắc Kinh. Người hưởng lợi lớn ở đây dường như là Nga và Mỹ. Kẻ thua là an ninh khu vực và hàng loạt các mục tiêu đáng giá mà tiền sẽ không được chi vào. Có lẽ yếu tố đáng lo ngại nhất trong nền chính trị khu vực là dường như không có khả năng giới tinh hoa chính trị vượt qua “chính trị thể diện”, một thuộc tính văn hóa thâm căn cố đế của Đông Á từ lâu sống lâu hơn tính hữu dụng của nó. Tất cả những điều trên thậm chí còn làm các nhà quan sát thận trọng lo lắng về các căng thẳng trong khu vực.
Sự dai dẳng của tình trạng căng thẳng trong vùng biển Đông Nam Á trong bối cảnh của một cảnh quan khu vực địa chính trị năng động tạo cơ hội để xem xét lại những ưu và nhược điểm của các tuyên bố chủ quyền xung khắc của nhà nước Việt Nam và TQ ở biển Đông Nam Á, để khám phá những động lực chính trị trong nước và quốc tế gây kích động cuộc xung đột, và để suy tư về các điều kiện theo đó cuộc xung đột có thể giải quyết một cách không bạo lực. Vì hầu hết chúng ta đã quen thuộc với trường hợp Việt Nam, chúng tôi sẽ dành sự chú ý đặc biệt trong việc tháo dỡ mặt chính trị về vị thế của Việt Nam trong cuộc xung đột. Hơn nữa, chúng tôi làm như vậy từ một tầm nhìn được đào tạo về một quan điểm của Việt Nam và giả định, dưới ánh sáng của các bằng chứng, rằng tuyên bố của Việt Nam thực sự hợp pháp. Chúng tôi thăm dò những cách mà Việt Nam có thể nâng cao lợi ích của mình khi đối mặt với chủ nghĩa đế quốc TQ.
Trên tổng thể, chúng tôi cho rằng một cuộc chiến tranh Trung-Việt nữa sẽ là thảm hoạ. Nhưng vẫn còn khó để hình dung ra một giải pháp hòa bình có thể đạt tới như thế nào mà không có những thay đổi cơ bản trong các tính toán chính trị hiện tại. Để hiểu rõ hơn cuộc xung đột và lý do tại sao các ý đồ của Bắc Kinh đối với khu vực là không thể chấp nhận được đòi hỏi một quan điểm lịch sử đối với những tuyên bố xung khắc, chú ý đến thái độ và hành vi ẩn bên dưới các rắc rối gần đây, và lưu ý rằng các yêu sách của Bắc Kinh to tát và bất hợp pháp nhường nào. Rõ ràng TQ là một nước lớn mạnh và là còn là một siêu cường đang trỗi dậy. Nhưng điều này không phải có nghĩa là Bắc Kinh muốn làm gì thì làm. Có vẻ giải pháp duy nhất đối với Bắc Kinh sẽ là từ bỏ tuyên bố bất hợp pháp của mình theo tiêu đề của một hiệp ước đa phương khu vực và một bộ quy tắc ứng xử có tính ràng buộc. Đạt được kết quả như vậy sẽ đòi hỏi đề cao việc không khuyến khích đối với các thứ chủ nghĩa bành trướng và nền ngoại giao pháo hạm mà Bắc Kinh dường như có ý muốn thực hành. Điều đó cũng sẽ đòi hỏi các nhà lãnh đạo ở Việt Nam vung bồi với nhiệt tâm hơn tính chính đáng quốc tế và trong nước.
Thực tế lịch sử không ủng hộ các yêu sách của Bắc Kinh
Chúng ta hãy bắt đầu bằng việc đánh giá các yêu sách hợp pháp kích động các tranh chấp giữa Việt Nam và TQ nói riêng. Các khía cạnh lịch sử tranh chấp hiện tại rất khó tóm tắt ngắn gọn. Sẽ hữu ích khi tách cuộc xung đột thành ba khu riêng biệt dù có liên kết với nhau. Thứ nhất là tình trạng của quần đảo Hoàng Sa và các vùng biển liền kề mà Hà Nội, Bắc Kinh và Đài Bắc đều tuyên bố chủ quyền. Thứ hai là tình trạng của quần đảo Trường Sa và các vùng biển liền kề mà Việt Nam và TQ là hai trong số năm nước có yêu sách, gồm có Philippines, Malaysia và Brunei. Cuối cùng đó là tình trạng của chính biển Đông Nam Á – một khu vực biển rộng lớn mà cho đến nay đã bị gọi sai là biển Nam Trung Hoa. Việc chỉ định tên gọi địa lý biển Nam Trung Hoa là không phù hợp cho một vùng biển nằm trong khu vực Đông Nam Á và cộng đồng quốc tế, nên ngừng và từ bỏ cách gọi như vậy.
Quần đảo Hoàng Sa
Đối với quần đảo Hoàng Sa, các bằng chứng như sau. Trong giai đoạn Việt Nam chia thành hai lãnh địa dưới thời vua Lê, năm 1774, nhà viết sử Lê Quý Đôn ghi lại các chuyến đi hàng năm do chúa Nguyễn của Đàng Trong (miền Nam) phái ra quần đảo Hoàng Sa trong quyển Phủ biên tạp lục (府 编 杂 录).
Khi Việt Nam thống nhất, vị vua đầu là Gia Long tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa năm 1816.[iii] Gia Long và hai vị vua sau đó thể hiện chủ quyền và kiểm soát các hòn đảo thông qua các chuyến đi chính thức lặp đi lặp lại được ghi chép kỹ lưỡng vào tài liệu và báo cáo trong hơn năm thập kỷ. Từ 1835-1838, vua Minh Mạng hàng năm đều phái lính ra quần đảo Hoàng Sa, vua Thiệu Trị cũng làm như thế cho đến năm 1854.[iv] Những hành động liên tục này thể hiện rõ ràng quyền kiểm soát quần đảo Hoàng Sa.
Pháp thuộc đia hóa Việt Nam năm 1884 tiếp theo sau là một thời kỳ xao lãng. Tỉnh Quảng Đông, chưa từng là một quốc gia có chủ quyền, đã đưa ra tuyên bố chủ quyền lần đầu đối với quần đảo Hoàng Sa bắt đầu vào năm 1909. Trung Hoa Dân Quốc (THDQ) đã tuyên bố lần đầu và chỉ đối với quần đảo Hoàng Sa vào năm 1932, trong một bản thông cáo gửi cho người Pháp. THDQ nêu ra hai lý do, cả hai đều bất hợp pháp. Lý do thứ nhất là do trong quá khứ Việt Nam là chư hầu của TQ nên quần đảo này là của TQ. Lý do thứ hai, thường được chính quyền TQ nêu ra, là thoả thuận đã ký kết tại Bắc Kinh vào năm 1887 (khoảng 70 năm sau tuyên bố ban đầu của Gia Long) giữa Thống đốc Pháp ở Bắc Ký và TQ với tiêu đề “Công ước về phân định biên giới giữa TQ và Bắc Bộ”. Thoả thuận này chỉ trên vịnh Bắc Bộ có nêu rằng các đảo phía đông kinh tuyến 105° 43′ thuộc về TQ. Tuy nhiên, điều quan trọng là quần đảo Hoàng Sa, tuy nằm về phía đông của 105° 43′ nhưng lại ở ngoài khơi bờ biển An Nam, miền Trung Việt Nam hiện nay, không thuộc quyền quản hạt của Bắc Bộ.
Chịu thua trước sức ép của các quan chức địa phương Việt và Pháp,[v] ngày 08 tháng 3 năm 1925, Toàn quyền Đông Dương tuyên bố các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Pháp.[vi] Năm 1933, Pháp chính thức tái khẳng định chủ quyền.[vii] Tuy nhiên, họ chỉ chiếm nhóm đảo Trăng Khuyết trong quần đảo Hoàng Sa, ở đó họ đã xây dựng một căn cứ quân sự, trạm khí tượng, và đài phát thanh vào năm 1937. Trong quảng thời gian Pháp xao lãng, ít nhất là một công ty Nhật đăng ký dưới tên một người TQ và sử dụng công nhân TQ đã bắt đầu khai thác phân chim trên đảo Phú Lâm, nằm trong nhóm An Vĩnh của quần đảo. Pháp phái một nhóm cảnh sát bản địa tới đây vào năm 1939.[viii] Sau Thế chiến II người Pháp không trở lại đảo Phú Lâm nhưng đã trở lại đảo Hoàng Sa tái chiếm đóng nhóm Trăng Khuyết của quần đảo Hoàng Sa vào năm 1956 rồi chuyển giao quyền kiểm soát chủ quyền cho chính phủ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Sau khi Nhật thua trận, THDQ nắm quyền kiểm soát đối với nhóm An Vĩnh, nhóm có đảo Phú Lâm. Năm 1955, CHNDTH nắm quyền kiểm soát. Năm 1974, CHNDTH chiếm nhóm Trăng Khuyết bằng vũ lực, dẫn đến cái chết của 54 lính Việt Nam và 48 người khác cùng một cố vấn quân sự Mỹ bị tạm giữ. TQ vẫn tiếp tục kiểm soát bất hợp pháp toàn bộ quần đảo Hoàng Sa từ năm 1974.
Quần đảo Trường Sa
Tiếp theo chúng ta chuyển sang quần đảo Trường Sa và các vùng biển liền kề. Quần đảo Trường Sa bao gồm 36 đảo nhỏ và hơn một trăm mỏm đá và bãi cát với tổng diện tích 5 km², nhưng lan rộng trên một vùng biển khoảng 600.000 km². Đảo lớn nhất là đảo Ba Bình, 0,5 km², do Đài Loan chiếm đóng kể từ sau Thế chiến II. Quần đảo Trường Sa lần đầu tiên được Pháp tuyên bố chủ quyền một phần vào năm 1887, và sau đó toàn bộ năm 1933 nhưterra nullius (đất không chủ) để ngăn chặn Nhật Bản xâm nhập. Không có phản đối từ Đài Loan.
Sau Thế chiến II, Pháp đã không tái khẳng định chủ quyền, nhưng VNCH đưa quân đến nhiều đảo, trong khi Philippines cũng tuyên bố một số khu vực như terra nullius. Malaysia và Brunei đã tuyên bố chủ quyền đối với nhiều rạn san hô và bãi cạn trong năm 1982 và 1983. THDQ không yêu sách chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa trong Thông cáo năm 1932 của họ về quần đảo Hoàng Sa.[ix] Năm 1946, lợi dụng nhiệm vụ do Đồng Minh giao bảo vệ các khu vực trên vĩ tuyến 16, Tưởng Giới Thạch tuyên bố chủ quyền cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Những tuyên bố của TQ tiếp theo được CHNDTH thực hiện vào năm 1951, khi Chu Ân Lai tuyên bố quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa luôn luôn là lãnh thổ của TQ. Dường như tuyên bố chủ quyền của TQ có rất nhiều khả năng được tiến hành phối hợp với Liên Xô mà tại Hội nghị Hòa bình San Francisco tổ chức chỉ một tháng sau tuyên bố của họ Chu, nước này đã đưa ra 13 sửa đổi cho Hiệp ước, trong đó có một sửa đổi giao hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho TQ. Các sửa đổi này đã bị loại với tỉ lệ phiếu là 48-3.[x] Nhưng những nỗ lực của Bắc Kinh để phô trương sức mạnh chỉ mới bắt đầu và các quan chức TQ vẫn tiếp tục lập luận sai trái rằng Hiệp ước hòa bình San Francisco được ký kết giữa Nhật và Đồng minh kết thúc chiến tranh thế giới II đã giao quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa lại cho TQ. Thật ra, hiệp ước quốc tế này chỉ đơn giản nói rằng “Nhật Bản từ bỏ mọi quyền, danh nghĩa và yêu cầu đối với quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa.”[xi]
Hiệp ước hòa bình giữa THDQ (Đài Loan) và Nhật vào ngày 28 tháng 4 năm 1952 chỉ lặp lại những gì đã được ký kết giữa Nhật và Đồng minh. Nhật Bản từ bỏ mọi quyền, danh nghĩa, và yêu sách chủ quyền đối với Đài Loan (Formosa) và Bành Hồ (Pescadores) cũng như quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa theo quy định tại Điều 10 của Hiệp ước San Francisco.[xii] Không có chỗ nào trong tài liệu này nói rằng các đảo đó được trả lại cho THDQ, nhưng từ đó Bắc Kinh cứ giải thích như thế. Không chỉ vậy, họ còn nói rằng “Hoa Kỳ công nhận chủ quyền của TQ đối với quần đảo Nam Sa [Trường Sa] trong một loạt các hội nghị quốc tế và thông lệ quốc tế sau đó.”[xiii] Nhưng khẳng định của TQ rõ ràng là trái với chủ trương của Hoa Kỳ “không theo lập trường nào đối với giá trị pháp lý của các tuyên bố chủ quyền đối chọi nhau”. Hoàn toàn ngược lại, “Hoa Kỳ sẽ xem xét nghiêm ngặt bất kỳ yêu sách biển nào hoặc bất kỳ hạn chế nào đối với hoạt động trên biển trong biển Đông mà không phù hợp với luật pháp quốc tế” (tuyên bố Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 10 tháng 5 năm 1995).[xiv]
Ngoài ra, TQ cũng không có bằng chứng lịch sử nào cho thấy họ đã từng thực hiện chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa. Cũng như với quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa chưa bao giờ được mô tả như là một phần của TQ trong các hồ sơ lịch sử. TQ cũng không chiếm đóng bất kỳ đảo nào của quần đảo này bất kỳ thời điểm nào trước thập niên 1980, kể cả trong thời hoàng kim của Trịnh Hòa. CHNDTH cho rằng người TQ phát hiện, đặt tên, khai thác, tiến hành các hoạt động kinh tế và thực thi quyền tài phán đầu tiên đối với các đảo trong biển Nam Trung Hoa.[xv] Tuy nhiên, người ta có thể chỉ ra rằng ranh giới của TQ kết thúc tại đảo Hải Nam sau khi kiểm tra cẩn thận các tài liệu lịch sử chính thức của TQ từ Lịch sử nhà Minh (Minh Sử / 明 史), Lịch sử nhà Thanh (Thanh Sử Cảo/ 清史稿) và các bản đồ Quảng Đông đã được vẽ ra qua nhiều triều đại và chính thức công bố trong bộ bản đồ tinh tuý của Quảng Châu (广州 历史 地图 精粹 / Quảng Châu lịch sử địa đồ tinh túy).[xvi] Nguồn này bao gồm các bản đồ hành chính xuống đến cấp huyện và được biên soạn thời nhà Thanh và thời THDQ. Một bản đồ thẩm quyền hơn có tên là Hoàng dư toàn lãm đồ (皇舆全览图) vì nó được Hoàng đế Khang Hi của nhà Thanh ra lệnh làm. Bản đồ này được in trên gỗ năm 1717 sau 10 năm nghiên cứu, vẽ bởi một nhóm giáo sĩ dòng Tên có kiến thức Bản đồ học phương Tây. Lãnh thổ TQ cũng kết thúc tại đảo Hải Nam.[xvii] Bản in sao chép trên đồng được giáo sĩ Dòng Tên Matteo Ripa thực hiện vẫn còn lưu giữ ở một phần bộ sưu tập địa hình của vua George III tại Thư viện Anh ở London.[xviii]
Tất cả những cuốn sách mà TQ kê ra nhằm mục đích thể hiện một bằng chứng mơ hồ nào đó cho những hiểu biết của TQ về quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa đều là những ghi chép của những nhà du lịch và thám hiểm. Rõ ràng TQ không có bằng chứng lịch sử nào cho thấy rằng chính phủ của họ đã có thẩm quyền, hay thậm chí đã xem quần đảo Hoàng Sa như là một phần của TQ trước năm 1909. Do đó, tuyên bố “TQ là nước đầu tiên phát hiện ra, đặt tên, khai phá, thực hiện các hoạt động kinh tế và thực thi quyền chủ quyền” là không có giá trị. Về phần Việt Nam, tuyên bố chủ quyền đối với Trường Sa chủ yếu dựa trên tuyên bố của Pháp. Bằng chứng lịch sử khác khá mong manh, mặc dù có các ghi chép về các hoạt động của Việt Nam trong quần đảo Trường Sa ít ra từ năm 1776.
Điều này cuối cùng dẫn chúng ta tới công hàm gây tranh cãi của Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng gửi cho Thủ tướng Chu Ân Lai vào năm 1958. Công hàm này đã trở thành tâm điểm cho các nỗ lực Bắc Kinh vo tròn bóp méo lịch sử và suy diễn sai trái rằng Việt Nam đã từ bỏ tuyên bố chủ quyền của mình, khi mà công hàm không hề nói điều đó. Nỗ lực của Bắc Kinh khi chơi con bài Phạm Văn Đồng có ba vấn đề. Đầu tiên và quan trọng nhất, công hàm Phạm Văn Đồng tỏ ý ủng hộ cho lãnh hải 12 hải lý trong bốn câu. Không chỗ nào Phạm Văn Đồng tỏ ý rằng Việt Nam nhượng chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa hay Trường Sa cho TQ.
Thứ hai, Phạm Văn Đồng vào thời điểm đó thay mặt cho VNDCCH, trong khi đó chính VNCH lại là nước đã nhận được sự chuyển giao quyền lực từ tay người Pháp và đã thiết lập chủ quyền đối với quần đảo này. Do đó, công hàm Phạm Văn Đồng không có hiệu lực về vấn đề chủ quyền. Như một nhà quan sát nói: “Người ta không thể từ bỏ một cái gì đó mà họ không nắm quyền kiểm soát.”[xix] Cả VNCH lẫn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đều phản đối tuyên bố của TQ.
Cuối cùng, Bắc Việt Nam vừa đã bị chiến tranh vừa phụ thuộc nặng nề vào viện trợ của TQ. Trong tình cảnh đặc biệt đó, ĐCSVN không có tư thế nào để phản đối. Sau đó, Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam (được Bắc Việt Nam ủng hộ), khi lên tiếng phản đối việc TQ chiếm đóng bằng bạo lực quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974 đã kêu gọi giải quyết trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, hữu nghị và láng giềng tốt.[xx] Điều cần cho Bắc Kinh và những người ủng hộ là nên loại bỏ các cứ liệu lịch sử mơ hồ để ủng hộ các bằng chứng đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế trong đánh giá các tuyên bố về chủ quyền.
Đường chữ U và luật pháp quốc tế
Điều này dẫn đến thành phần cuối cùng của những rắc rối hiện tại. Tuyên bố chủ quyền của Pháp đối với quần đảo Trường Sa vào năm 1933 không gặp sự phản đối của TQ. Tuy nhiên, tuyên bố của Pháp đã khiến một quan chức THDQ là Bạch Mi Sơ bịa ra bản đồ hình chữ U 11 vạch, thu tóm 80 phần trăm biển Đông Nam Á vào lãnh thổ của TQ.[xxi] Bản đồ này, in vào năm 1947, không có ghi tọa độ, và vẫn giữ nguyên không có tọa độ. Hình chữ U 11 vạch đã được CHNDTH chỉnh thành hình chữ U 9 vạch và nộp cho Liên Hiêp Quốc (LHQ) năm 2009, yêu sách rằng khu vực được phân định đó là lãnh thổ lịch sử của TQ. Cần nhấn mạnh rằng yêu sách trong đường chữ U không được luật pháp quốc tế công nhận và do đó là hoàn toàn bất hợp pháp. Có những dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh biết điều này. Có cách giải thích nào khác việc Bắc Kinh cho rằng họ có “chủ quyền không thể tranh cãi” lại đồng thời đề xuất cùng nhau khai thác tài nguyên? Điều sau mâu thuẫn với điều trước hay tìm cách khôi phục lại huyền thoại về lòng hào phóng của đế chế TQ xưa.
Những điều trình bày ở đây được định hướng theo các tiêu chuẩn quốc tế đã được thiết lập liên quan đến các yêu sách chủ quyền lãnh thổ có chủ quyền. Hai bộ tiêu chuẩn được sử dụng trong bài viết này dựa trên các quyết định trước đây của Tòa Án Quốc tế và của các Trọng tài quốc tế khác, Hiến chương LHQ và Công ước về Luật Biển của LHQ (UNCLOS). Một tuyên bố chủ quyền phải được phản ánh trong tuyên bố và các hành động công khai của một chính phủ cấp quốc gia, chứ không phải chỉ do chính quyền địa phương. Một tuyên bố phải bao gồm hai yếu tố, mỗi một yếu tố đó phải cho thấy sự tồn tại: chủ định và ý muốn hành động như một chủ quyền và một thực thi thực tế nào đó hoặc thể hiện tiếp tục thẩm quyền đó. Một tuyên bố phải không bị tranh chấp tại thời điểm tới hạn (critical time – thời điểm mà những hành động của các bên sau đó sẽ không được xét tới) của việc công bố. Im lặng có nghĩa là mặc nhận. Một tuyên bố phải không được thực hiện bằng vũ lực hoặc đe dọa vũ lực. Quyền lịch sử với đại dương không được luật pháp quốc tế công nhận. Bằng chứng về chủ quyền lịch sử phải là văn bản chính thức, chúng có ưu tiên cao hơn các tài liệu lịch sử khác ghi nhận các hành động của một cơ quan quốc gia. Bằng chứng lịch sử cũng phải minh bạch với các nguồn có thể kiểm chứng được.
Bằng chứng cho thấy tuyên bố chủ quyền lịch sử trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Bắc Kinh là giả trá và vô căn cứ. Kiểm tra cẩn thận các tài liệu lịch sử chính thức TQ của nhà Minh và nhà Thanh đều cho thấy, ranh giới theo lịch sử của TQ kết thúc tại đảo Hải Nam. Tất cả các sách Bắc Kinh kê ra làm bằng chứng cho hiểu biết của TQ về quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa đều là những ghi chép của các nhà du lịch và thám hiểm. Bắc Kinh không có bằng chứng lịch sử nào cho thấy rằng chính phủ của họ đã có thẩm quyền, thậm chí đã coi quần đảo Hoàng Sa là một phần của TQ trước năm 1909, hơn 130 năm sau khi Việt Nam đã thiết lập tuyên bố chủ quyền.
Động lực chính trị: Trong nước và quốc tế
Không có gì ngạc nhiên khi Việt Nam và TQ đều thèm muốn kiểm soát chủ quyền đối với các đảo tranh chấp và các vùng biển liền kề. Cũng sẽ không đáng ngạc nhiên là các bên thứ ba có quan tâm, trong đó có Hoa Kỳ, có lợi ích trong cuộc xung đột này, vì tác động của nó về phạm vi quả thực là tác động địa chính trị. Khu vực này rất giàu sinh vật biển và nằm trên một trữ lượng dầu khí đáng kể dù chưa xác định rõ. Khu vực này là một tuyến đường vận tải biển quan trọng và chiến lược. Nhưng cũng đáng xem xét đến các động lực trong nước và quốc tế của cuộc xung đột, chúng không phải luôn luôn rõ ràng.
Đối với Việt Nam, một đất nước có nền kinh tế tương đối nhỏ và có đường bờ biển dài với dân cư sinh sống phụ thuộc vào biển, tiếp cận/sử dụng biển Đông thực sự là một lợi ích quốc gia sống còn. Tiềm năng đóng góp của tài nguyên cho nền kinh tế của Việt Nam là to lớn. Không giống như TQ, Việt Nam không có cả ngàn tỉ đô la ngoại hối và không có tầm với ra toàn cầu mà TQ đang nhanh chóng phát triển. Thậm chí cơ bản hơn, tài nguyên thiên nhiên của biển Đông Nam Á là rất quan trọng đối với sinh kế của hàng triệu người Việt. Hành vi gần đây của TQ, bao gồm cả việc bắt giữ bất hợp pháp tàu Việt Nam, là đặc biệt đáng tiếc. Cảnh một siêu cường đòi tiền chuộc từ kẻ nghèo quả thực không đẹp chút nào. TQ cũng có những lợi ích trong nước quan trọng. Trong số những lợi ích quan trọng nhất này là tiếp cận/ khai thác các nguyên liệu, bao gồm hải sản và các loại nhiên liệu hóa thạch. Sự thèm khát vô độ của TQ đối với nguyên liệu thô là mối quan ngại toàn cầu và khuyến khích TQ đi đầu trong những nỗ lực phát triển năng lượng thay thế. Trong khi đó, TQ không được phép gây sức ép lên các nước nhỏ. Một khía cạnh di sản Đông Á có nhiều vấn đề liên quan đến thể diện. Bắc Kinh không muốn bị mất mặt bằng cách thừa nhận rằng các tuyên bố chủ quyền của họ là quá đáng.
Cũng quan trọng là việc nhận ra các sắc thái chính trị trong nước và quốc tế của Việt Nam. Trong một bài viết gần đây, đồng nghiệp và cũng là bạn của chúng tôi, Joseph Cheng, khẳng định rằng Hà Nội đã dung túng hay khuyến khích các cuộc biểu tình để làm người dân quên đi sự yếu kém của nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên điều này rõ ràng là không đúng, và phản ánh sự thiếu thông thạo của giáo sư Cheng với chính trị tại Việt Nam. Sau khi tham dự một trong những cuộc biểu tình tại Hà Nội gần đây, một trong những tác giả hiện nay có thể tự tin để nói rằng những người phản đối các hành động của TQ là những người bình thường. Có chăng, chính quyền Việt Nam đã muộn màng nhận ra rằng tính chính đáng pháp của chính họ đang có vấn đề nếu họ không chịu đương đầu với TQ. Các cuộc nói chuyện với nhiều người Việt Nam lứa tuổi trung niên mang lại một cảm giác chung: sợ hãi trước viễn cảnh chiến tranh trở lại, nhưng cương quyết đối mặt với chủ nghĩa đế quốc TQ. Công thức cũ mà mọi người Việt Nam đều biết. Nếu Việt Nam cúi đầu trước TQ thì đơn giản là sẽ không có một Việt Nam. Có một ít điều về chính trị có thể liên kết người Việt trên toàn cầu với nhau nhưng chắc chắn việc tranh chấp biển với TQ nằm trong số đó. Có lẽ khía cạnh quốc tế quan trọng nhất của cuộc xung đột đã nẩy sinh để đáp ứng với cách tiếp cận vụng về và hung hăng của Bắc Kinh là: Hoa Kỳ đã tuyên bố rằng việc bảo vệ hoạt động tự do trong khu vực là một lợi ích an ninh quốc gia.
Giải pháp?
Đối với Việt Nam và TQ để đạt được một giải pháp hòa bình, có ba rào cản cần phải vượt qua. Đầu tiên, điều cần thiết là cả hai bên nên trình ra một đánh giá khách quan về tuyên bố chủ quyền lịch sử do mỗi bên đưa ra. Tuy nhiên, Bắc Kinh khó có thể chấp nhận. Thứ hai, có một nhu cầu TQ dừng và từ bỏ các hành vi bất hợp pháp của họ trên vùng biển công (quốc tế). Nhưng điều này cũng khó có thể xảy ra. Thứ ba, do tầm quan trọng của biển Đông Nam Á đối với thương mại khu vực và thế giới, có một nhu cầu các cường quốc khu vực và trên thế giới – và không chỉ TQ – đạt được một thỏa thuận đa phương có tính ràng buộc đối với khu vực. Luật Biển của LHQ (UNCLOS) có thể đóng một vai trò ở đó. Nó quy định rằng tất cả các cấu trúc trên biển trong trạng thái tự nhiên của chúng, nếu là đảo nhỏ và bãi cát trên biển Đông không thể duy trì sự sống của con người thì không đáng được hưởng vùng đặc quyền kinh tế, ngoại trừ 12 hải lý lãnh hải. Cách giải thích đó nếu được chấp nhận sẽ tách riêng ra được một mảng lớn của khu vực này hiện đang có các tranh chấp lôi thôi và nguy hiểm giữa các nước và đặt chúng vào loại biển công quốc tế. Tòa án quốc tế về UNCLOS phải ở trong vị thế để cho ra ý kiến. TQ cũng có thể phản đối điều này. Họ chỉ muốn đàm phán song phương về một vấn đề đa phương để họ có thể gây sức ép lên các nước nhỏ hơn và yếu hơn. TQ đã nhiều lần thả nổi đề xuất chia sẻ cùng với họ một số tài nguyên dầu khí nào đó và kiểm soát thủy sản cho tới khi nào mà những nước khác chấp nhận chủ quyền của họ đối với biển Đông Nam Á. Điều này là lố bịch. Nó trông giống như một tên khổng lồ côn đồ đến nhà người khác đòi lấy hết của cải và đe dọa giết họ nếu họ không đồng ý với một ít mẫu xương thừa mà anh ta đã rộng rãi ban cho. Đối với chúng tôi, dường như giải pháp duy nhất hợp lý để chia sẻ tài nguyên trên các vùng biển là phần phân chia thực (net) từ khai thác tài nguyên tỉ lệ với chiều dài bờ biển liên quan của các quốc gia xung quanh vùng biển, bỏ qua tất cả các cấu trúc quốc gia trong vùng biển. Các quốc gia này gồm có TQ, Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam.
Nhìn trên bề mặt, ba điều kiện đặt ra ở trên có vẻ như khá phải chăng. Tại sao không đưa vụ việc ra trọng tài? Tại sao không dừng lại việc giam giữ bất hợp pháp tàu Việt Nam. Và tại sao không tìm kiếm một giải pháp đa phương thừa nhận tầm quan trọng quốc tế của biển Đông Nam Á. Để thấy lí do tại sao không đòi hỏi thẩm tra kỹ hơn các yêu sách và tham vọng của Bắc Kinh trong khu vực, chúng là đế quốc chủ nghĩa trong bản chất. Giáo sư Amitav đã đúng khi cho rằng TQ hiện nay đang tìm cách để mở rộng học thuyết Monroe phiên bản TQ.
Có một nhu cầu thừa nhận rằng môi trường chính sách đối ngoại của Bắc Kinh là một căn phòng phản âm trong đó tiếng vọng lặp lại các tuyên bố mờ ảo được coi như là thật. Dù sự trỗi dậy của TQ ấn tượng ra sao, không thể trông mong thế giới sẽ chấp nhận phiên bản Sự thật của Bắc Kinh, vì phiên bản này thường là tự thoả mản mình (self-serving). Có một nhu cầu cho các bên liên quan, trong đó có Mỹ, bảo đảm rằng TQ ngưng và từ bỏ hành vi đáng khiển trách và thật ra là phạm tội của họ, đặc biệt khi nó liên quan đến sinh kế của ngư dân Việt Nam và sức khỏe thân thể bị đe dọa. Tất nhiên, làm thế nào để có thể đạt được điều này thì chưa thật rõ ràng. Lạc quan nhất, tuyên bố của Bắc Kinh dựa trên sự kết hợp của lịch sử hư ảo, bằng chứng mong manh, và các phát biểu sai sự thật, như được minh họa ở trên. Mục tiêu của Bắc Kinh rõ ràng nhiều hơn là việc sở hữu một vài đảo nhỏ và bãi cát. Họ muốn kiểm soát cả biển Đông Nam Á và buộc các nước khác chịu sự kiểm soát, hoặc ít nhất nằm vào phạm vi ảnh hưởng của họ trong khi chiếm hữu dầu khí và nguồn lợi thủy sản ở biển Đông Nam Á.
Việt Nam: Con đường thứ ba?
Một đặc điểm thú vị của tình trạng khó khăn của Việt Nam đã được lưu hành trong một thời gian. Đặc tính này được cho là tiêu biểu cho các quan tâm cơ bản của các nhà lãnh đạo Việt Nam mà nguồn gốc chính xác từ đâu chúng ta không biết, nói theo lời truyền miệng sau: “Theo Mỹ thì mất chế độ, theo TQ thì mất nước”. Câu châm biếm này, dù hài hước trong nhiều khía cạnh, nói lên một tình thế nan giải sâu sắc mà ban lãnh đạo Việt Nam đang đối mặt, tiến thoái lưỡng nan, dù không phải là mới nhưng có một sự thích đáng mới, và đòi hỏi một cách tiếp cận mới. Trước hết, chúng ta hãy mổ xẻ nan đề này, cả điều kiện tổng quát lẫn đối với biển Đông Nam Á. Sau đó chúng ta có thể quan sát các tác động đối với Việt Nam. Điều này đưa chúng tôi đến việc đề xuất một con đường thứ ba có liên quan đến việc không mất nước mà cũng không nhấn Việt Nam chìm vào hỗn loạn.
Đối phó với một TQ bành trướng hay – nói một cách xây dựng hơn – thiết lập quan hệ đối tác với một TQ đang trỗi dậy, có thể là một vấn đề “mới” cho phần lớn các nước trên thế giới. Đối với Việt Nam đang và luôn luôn là một thực tế sống còn. Đối với ĐCSVN, TQ luôn luôn đặt ra những cơ hội và các đe dọa. Một mặt, ĐCSTQ đã từng viện trợ Việt Nam về vật chất và phi vật chất tại nhiều thời điểm quan trọng trong cuộc đấu tranh giành độc lập của Việt Nam. Mặt khác, ĐCSTQ đã tìm cách thao túng, làm suy yếu, và thách thức nền độc lập của Việt Nam. Đây cũng là trường hợp mà các mối quan hệ lịch sử của ĐCSVN với ĐCSTQ là một điểm nhức nhối trong chính trị nội bộ của Việt Nam. Một phần là do việc áp dụng tai hại cải cách ruộng đất theo gợi ý của ĐCSTQ và chính sách văn hóa từ thập niên 1950 đến thập niên1970 và một phần là do vào một số thời điểm nhất định, chẳng hạn như năm 1951 và năm 1974, có thể ĐCSVN đã đặt tin tưởng quá nhiều vào tình đồng chí của Bắc Kinh, thể hiện qua những nỗ lực vô bổ và tự chuốc lấy thảm hại để vun bồi sự ủng hộ của Bắc Kinh vì một mối quan hệ hòa bình và thân thiện được xây dựng trên sự tôn trọng lẫn nhau. Chỉ là phản bội. TQ nói chung và đặc biệt là ĐCSTQ luôn luôn là một con dao hai lưỡi đối với Việt Nam và ĐCSVN. Liên quan đến biển Đông Nam Á, ĐCSVN đối mặt với bề bén của con dao và vẫn chưa tỏ ý muốn thoát ra khỏi vị trí này, tiết kiệm việc mua các rào chắn quân sự (chẳng hạn như tàu ngầm, máy bay chiến đấu, công nghệ tên lửa, tàu tuần tra và máy bay). Điều này, tự nó, là cách tiếp cận sai.
Về mặt lịch sử, mối quan hệ của ĐCSVN với Hoa Kỳ có thể được mô tả hợp lý là thảm hại, ít nhất là cho đến gần đây. Tất nhiên, lý do chính, là việc Hoa Kỳ không công nhận ĐCSVN cùng những nỗ lực phá hoại, đánh bại, và tiêu diệt ĐCSVN bằng quân sự sau đó. Can thiệp quân sự của Hoa Kỳ tại Việt Nam, ban đầu dựa trên nguỵ tạo (ví dụ như “Sự cố Vịnh Bắc Bộ”), đã diễn biến xấu đi thành một cuộc xung đột giáng thiệt hại thảm khốc lên Việt Nam và nhân dân Việt Nam. Chúng tôi không muốn chăm chú vào cuộc chiến tranh bất hợp pháp của Chính quyền Johnson và Nixon và nhiều hành vi phạm tội được những người như McNamara và Kissinger giám sát, nhưng chúng tôi không thể không nắm bắt về sự trớ trêu mà sự chiếm giữ bất hợp pháp Hoàng Sa của Bắc Kinh vào năm 1974 là kết quả trực tiếp của việc cò kè của cả ĐCSVN lẫn của chính quyền Nixon trong việc vun quén mối quan hệ tốt hơn với ĐCSTQ, một chiến lược ngắn hạn đã được chứng tỏ là gây tổn hại về lâu dài, không những vì ĐCSVN đứng nhìn TQ chiếm quần đảo Hoàng Sa mà còn vì họ đã cho TQ một chỗ đứng trong biển Đông Nam Á mà TQ liên tục tìm cách mở rộng. Đối với Mỹ, động lực của Nixon-TQ là được hưởng lợi trong việc tăng sức ép lên Liên Xô và xây dựng một mối quan hệ có tính xây dựng với một quốc gia sẽ sớm thách thức vị trí bá chủ của chính Hoa Kỳ, kể cả ở Đông Á. Sự miễn cưỡng của ĐCSVN vun bồi các quan hệ quân sự chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ được sinh ra từ hai lý do cơ bản: một mặt, sợ làm ĐCSTQ nổi giận và mặt khác sợ cho phép ‘diễn biến hòa bình’ mà cuối cùng sẽ dẫn đến sự sụp đổ của ĐCSVN. Nhưng cả hai lý do cơ bản là không có giá trị.
Liên quan đến Bắc Kinh, quả thực có một nhu cầu thiết lập một mối quan hệ mang tính xây dựng và dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau. Không rõ là Bắc Kinh tôn trọng Hà Nội vượt trên mối quan hệ Anh – Em đã liên tục mang lại tổn hại cho Việt Nam. Chúng tôi không có ảo tưởng, khi đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và khi cường quốc quân sự tầm cỡ thế giới ngay bên cạnh, Việt Nam phải duy trì một mối quan hệ tích cực và xây dựng với TQ. Mặt khác, ngồi im tổ chức một vài hội nghị mà chúng hầu như không thu hút sự chú ý của quốc tế, là một con đường chắc chắn để nhượng mất biển Đông Nam Á. Việt Nam là một nước có chủ quyền không phải là một nước chư hầu và Việt Nam có lợi ích chiến lược riêng của mình độc lập và, tất yếu, khác với TQ. Mối quan hệ của ĐCSVN với ĐCSTQ và các mối quan hệ của Việt Nam với TQ phải dựa trên nguyên tắc hợp tác và không gia trưởng.
Đối với Washington, ĐCSVN có quyền hoài nghi. Tất cả các nước và các quốc gia cần hoài nghi về sự nhất định phá sản về trí tuệ của Hoa Kỳ phụ thuộc vào thế giới theo các nguyên tắc thị trường. Ngoài ra, ĐCSVN nên thận trọng về sự phân chia có mặc cả khu vực ảnh hưởng giữa các cường quốc lớn, ở đó quyền lợi của đất nước bị giày xéo. Mặt khác, có rất nhiều thứ thu lượm được về kinh tế và về các lĩnh vực khác thông qua sự can dự tích cực và năng động hơn với Mỹ. Vun bồi một mối quan hệ chặt chẽ hơn với Mỹ cũng không nhất thiết kéo theo một trò chơi tổng bằng không đối với Bắc Kinh, như chúng tôi sẽ nhấn mạnh hơn, dưới đây. Than ôi, quan hệ đối tác của ĐCSVN với Mỹ, và thực sự chỗ đứng của Việt Nam trong các vấn đề quốc tế, hiện nay bị giới hạn do ĐCSVN một mực muốn duy trì một hệ thống chính trị áp bức. Điều này đưa chúng ta thẳng tới lý do rằng nếu ĐCSVN vun quén mối quan hệ sâu xa hơn với Washington, Washington sẽ đòi hỏi giảm bớt các trói buộc lên các quyền tự do cơ bản (ngôn luận, lập hội, vv…), thì sự cai trị độc đảng sẽ bị đặt trong tình trạng nguy hiểm. Một cái nhìn như vậy là sai lầm, tuy nhiên, trong chừng mực giả định rằng ĐCSVN không có khả năng tự cải cách.
Làm thế nào mà một bài viết về tuyên bố chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông Nam Á lại dẫn chúng ta đến một cuộc thảo luận về chính ĐCSVN? Điều này có thể được nêu ra bằng những ngôn từ rất đơn giản. Chính quan điểm của chúng tôi là an ninh quốc gia của Việt Nam và lợi ích quốc gia, về kinh tế và những mặt khác, sẽ được hưởng lợi to lớn từ việc cải thiện tầm vóc quốc tế của Việt Nam. Tuy nhiên, cải thiện tầm vóc quốc tế của Việt Nam sẽ chỉ đi kèm với cải cách thể chế cơ bản, trong đó có cải cách chính trị và kinh tế mà Việt Nam rõ ràng rất cần. Có rất, rất nhiều người Việt Nam, kể cả hàng tá người có nhiều liên hệ lâu dài với ĐCSVN nhận ra rằng Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ một chính phủ có năng lực và có trách nhiệm hơn và một hệ thống chính trị và nền dân chủ cởi mở hơn, hệ thống đó hoàn thành nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam và nguyện vọng của mọi người Việt Nam. Thực hiện cải cách cơ bản không nhất thiết có nghĩa là sự cáo chung của ĐCSVN. Có rất nhiều người thông minh và có tài nhưng đã phải đứng bên lề một cách không cần thiết do sự bảo thủ chính trị và chính trị của các nhóm lợi ích. Ngược lại, chúng tôi tin rằng Việt Nam sẽ được hưởng lợi to tát từ những cải cách cơ bản. Và rằng những cải cách như vậy sẽ không những mở đường cho một nền kinh tế sôi động hơn mà cũng đưa Việt Nam ngang tầm với phần lớn các nước trên thế giới có cùng khát vọng về tự do, dân chủ, bình đẳng, công bằng và các giá trị con người khác, qua đó củng cố vị thế quốc tế của Việt Nam và cuối cùng tăng cường vị trí của Việt Nam trong các vấn đề khu vực và thế giới. Khi đó – và chỉ khi đó – Việt Nam và TQ sẽ có thể đứng ngang nhau.

Ghi chú:
[i] Ts. Jonathan D. London là giáo sư ĐH thành phố Hong Kong. Ts. Vũ Quang Việt là một nhà phân tích độc lập và là cựu chuyên viên phân tích thống kê LHQ.
[iii] Hành động này của vua Gia Long đã được hai người nước ngoài ghi nhận.
Giám mục Pháp Jean Louis Taberd viết rằng vua Gia Long đã cắm cờ Việt Nam ở Hoàng Sa năm 1816 trong Note on the Geography of Cochin China, xuất bản bằng tiếng Anh trong Journal of the Asiatic Society of Bengal, Issue 69, 1837, page 745. Taberd viết: “The Pracel or Parocels, is a labyrinth of small islands, rocks and sand-banks, which appears to extend up to the 11th degree of north latitude, in the 107th parallel of longitude from Paris. Some navigators have traversed part of these shoals with a boldness more fortunate than prudent, but others have suffered in the attempt. The Cochin Chinese called them Cón uáng [Cát Vàng – or Hoang Sa in Vietnamese which refers to the Paracels]. Although this kind of archipelago presents nothing but rocks and great depths which promises more inconveniences than advantages, the king GIA LONG thought he had increased his dominions by this sorry addition. In 1816, he went with solemnity to plant his flag and take formal possession of these rocks, which it is not likely any body will dispute with him.” [Quần đảo Pracel hoặc Parocels, là một mê cung các đảo nhỏ, đá và bãi cát, nằm trãi rộng tới 11 độ vĩ bắc, ở kinh tuyến 107 so với Paris. Một số nhà hàng hải đã dạn dĩ đi qua được một phần những bãi cát ngầm này nhờ may mắn hơn là thận trọng, nhưng những người khác đã nỗ lực nhưng bị trả giá. Người Nam Kì (Cochin Chinese) gọi chúng là con uang [Cát Vàng - hay Hoàng Sa theo tiếng Việt khi nói tới quần đảo này]. Mặc dù loại quần đảo này không có gì khác ngoài các đảo đá và các độ sâu lớn hứa hẹn bất nhiều bất tiện hơn là thuận lợi, vua Gia Long nghĩ rằng ông làm tăng lãnh địa của mình lên bằng cách thêm vào các đảo cằn này. Năm 1816, ông đã long trọng cắm lá cờ của mình và thực hiện việc chiếm hữu chính thức các đảo đá này, mà ít có khả năng bất kỳ ai khác sẽ tranh chấp chúng với ông].
Taberd cũng vẽ ra một bản đồ An Nam (tên Việt Nam lúc đó) rất chuyên nghiệp – Annam Đại Quốc Họa Đồ – Tabula Geographica Imperii Ananmitici bao gồm quần đảo Hoàng Sa. Bản đồ này được in trong quyển tự điển của Ông tên Latin Vietnamese Dictionary.J. L Taberd, Dictionarium Anamitico Latinum, xuất bản năm 1838, bởi J. Marshnam, in Serampore (Bengale) và được in lại photocopy bởi NXB Văn Hóa và Trung Tâm Nghiên cứu Quốc học, 2004, Vietnam.
Jean Baptiste Chaigneau (1769-1825), là một lính hải quân và nhà thám hiểm Pháp, viết trong quyển Memoire sur la Cochinchine (Hồi ức về xứ Nam Kì) về sự kiện xảy ra vào một lúc nào đó trước khi ông chết vào năm 1825; quyển sách được xuất bản năm 1925 sau khi ông mất trong Bulletin Des Amis du Vieux Hue, số. 2, 4, và 6.
[iv] Hành động của vua Minh Mạng được ghi chép trong lịch sử chính thức Ðại Nam Thực Lục Chính Biên (大南寔) (q. 104, 122, 154, 165). Hành động của vua Thiệu Trị được ghi chép trong các Châu Bản thờiThiệu Trị (q. 42 tr. 83, và q. 51 tr. 125)—dù không được ghi chép trong lịch sử chính thức.
[v] Sức ép lực của quan chức địa phương đã được phản ánh trong các thư do Khâm Sứ An Nam, Huế, gửi Thống đốc Đông Dương vào ngày 22 tháng 1 năm 1929, lập luận sự kiện là quần đảo Hoàng Sa thuộc về Việt Nam, kê ra các hành động của vua Gia Long đã được Giám mục Taberd khẳng định, và Bộ trưởng Bộ An Nam Thân Trọng Huề trước khi qua đời. Bức thư nói rằng Pháp nên phản ứng tuyên bố chủ quyền vào năm 1909 của Tổng đốc tỉnh Quảng Đông. (Xem Monique Chemillier-Gendreau, Sovereignty over the Paracel and Spratly Islands, Kluwer Law International, 2000, Annex 8, p.180-182.) Xem thêm thảo luận về lịch sử quần đảo Hoàng Sa như một phần của sức ép liên tục của Lacombe (Alexix Elijah), L’histore moderne des l’iles Paracels, L’Eveil de l’Indochine, Hanoi, Vietnam, No. 788, 22 Mai 1932.
[vi] Monique Chemillier-Gendreau, ibid., p. 37.
[vii] French Ministry of Foreign Affairs, French Journal Official, July 26, 1933 (page 7837).
[viii] Sự có mặt của người Nhật và Hoa ở Trường Sa được tường thuật trong Economie de L’Indochine 19 Mai 1929, (http://hoangsa.org/forum/downloads/63868-N5561322_PDF_1_-1EM.pdf) published in Hanoi. Bài báo có một ảnh chụp hồi tháng 7/1926 cho thấy một bến cảng dài 300m do người Nhật xây để vận chuyển phosphate xuống tàu. Xem thêm Marwyn Samuels, Contest for the South China Sea, New York/London, 1982, p. 55-60.
[ix] Monique Chemillier-Gendreau, ibid., Annex 10, pages -184-196: Note of 29 September 1932 from the Legation of the Chinese Republic in France to the Ministry of Foreign Affairs, Paris.
[x] James William Morley, The Soviet-Japanese Peace Declaration, Political Science Quarterly, Summer 1957
[xii] Treaty of Peace between the Republic of China and Japan. http://www.taiwandocuments.org/taipei01.htm
[xiii] The Issue of South China Sea, Ministry of Foreign Affairs People’s Republic of China June 2000. Posted on the website of Federation of American Scientist: http://www.fas.org/news/china/2000/china-000600.htm.
[xiv] B.Raman, Re-visiting the South China Sea, 3 April 2001. http://www.southasiaanalysis.org/%5Cpapers3%5Cpaper222.htm
[xv] China’s Ministry of Foreign Affairs. http://www.fmprc.gov.cn/eng/topics/3754/t19231.htm
[xvi] Xuất bản bởi Sở hồ sơ lịch sử Trung Quốc số 1 thành phố Quảng Châu, Chính quyền quậnViệt Tú thành phố Quảng Châu People’s Government Archives (广州市档案馆 中国第一历史档案馆 广州市越秀区人民政府), 2003.
[xvii] Lịch sử của bản đồ này được mô tả trong Cordell D.K. Yee, Chapter 7, Traditional Chinese Cartoghraphy and the Myth of Westernization trong The History of Cartography, Volume 2, Book 2, the University of Chicago Press, 1994.
[xviii] Ref. K.top. 116.15, 15a. 15b.2 (K.Top là cách viết tắt của King’s Topographical collection)
[xix] Monique Chemillier-Gendreau, Sovereignty over the Paracel and Spratly Islands, Kluwer Law International, 2000, page 130.
[xx] “Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam ra tuyên cáo như sau: “Vấn đề chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là vấn đề thiêng liêng đối với mỗi dân tộc. Trong vấn đề biên giới lãnh thổ, các nước láng giềng thường có sự tranh chấp do lịch sử để lại, có khi rất phức tạp, cần được nghiên cứu. Trước sự phức tạp của vấn đề, các nước có liên quan cần xem xét vấn đề này theo tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, hữu nghị và láng giềng tốt, và giải quyết bằng thương lượng.” Tuyên bố của CPCMLT Miền Nam VN.
[xxi] Peter Kien-Hong Yu, “The Chinese (Broken) U-shaped line in the South China Sea: Points, Lines and Zones”, Current Southeast Asia, vol. 25, no. 3, 2003. p. 407. Về việc vẽ ra tuỳ tiện đường chữ U 11 vạch do Bạch Mi Sơ, một viên chức của THDQ tưởng ra vào năm 1947, Yu viết: “It is quite probable, however, that he was prompted by a primordial possessive instinct (that as the adage goes, views possession as nine-tenths of the law.) Indeed, Bai notes the French occupation (from July 1933) of six islands in the Nansha (or Spratly) island group the South China Sea (SCS) and states that or arguably felt that Chinese sovereignty must somehow be protected.” [Tuy nhiên, có nhiều khả năng là ông đã được thúc đẩy bởi bản năng sở hữu sơ khai (mà như câu ngạn ngữ nêu, xem sở hữu như chín phần mười của pháp luật.) Thật vậy, Bạch Mi Sơ lưu ý Pháp chiếm đóng (từ tháng 7 năm 1933) sáu hòn đảo trong nhóm đảo Nam Sa (hay Trường Sa) ở biển Nam Trung Hoa (biển Đông) và nói rằng hay cảm thấy rằng chủ quyền của Trung Quốc phải được bảo vệ bằng cách nào đó ]. Sau đó năm 1947 bản đồ này được THDQ phát hành (xem Li Jinming and Li Dexia, The Dotted Line on the Chinese Map of the South China Sea: A Note, Ocean Development & International Law, 34:287–295, 2003).