Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2013

18. Quan hệ Trung Quoocs - Mianma đối diện với nhiều thách thức

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM (Tài liệu tham khảo đặc biệt)
Thứ Năm, ngày 14/2/2013
TTXVN (Hồng Công 8/2)
Trong bài viết trên tờ “Đại Công báo” (Hồng Công), Liễu Phàm, nhà nghiên cứu ngoại giao Trung Quốc, cho rằng sau chuyến thăm mang tính lịch sử của Tổng thống Mỹ Obama tới Mianma, dư luận báo chí phương Tây dồn dập đưa ra dự báo rằng quan hệ Mỹ-Mianma cải thiện sẽ dẫn tới “quan hệ Trung Quốc – Mianma thụt lùi”, thậm chí còn lo ngại rằng “quan hệ Trung Quốc-Mianma đang đối mặt với sự chuyển ngoặt”. Mianma hiện nay đã trở thành một chiếc “bánh thơm” của các nước phương Tây. Mỹ, Nhật Bản và thậm chí cả Ấn Độ đều đang ra sức lôi kéo nước này, một số người Mianma cũng muốn dựa vào phương Tây. Trước thực tế này, có thể nói rằng quan hệ Trung Quốc-Mianma đối diện với thách thức, song mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước vẫn chưa có sự đảo ngược.
Thứ nhất, quan hệ Trung Quốc-Mianma có cơ sở lâu bền. Làng bản hai nước Trung Quốc và Mianma nhìn sang nhau, có chung cội nguồn dân tộc, cư dân hai nước sang sinh sống ở bên kia biên giới, văn hóa tương đồng, tập tục gần gũi, nhân dân hai nước từ lâu đã chung sống hòa thuận, Mianma là nước đầu tiên ngoài các nước XHCN công nhận nước Trung Quốc mới. Nhiều năm trở lại đây, Trung Quốc kiên trì phương châm ngoại giao láng giềng “thân thiện với láng giềng, lấy láng giềng làm đối tác” và chính sách ngoại giao láng giềng “hòa thuận láng giềng, yên ổn láng giềng, làm giàu láng giềng”, ủng hộ Mianma thúc đẩy dân chủ pháp trị, phát triển kinh tế quốc dân, cải thiện đời sống nhân dân, bảo vệ thống nhất đất nước. Lãnh đạo cấp cao hai nước luôn duy trì các chuyến viếng thăm lẫn nhau. Trong chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng 5/2011, Tổng thống Mianma Thein Sein đã có cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào trong việc làm sâu sắc hơn nữa tình hữu nghị giữa hai nước, hai bên đã đạt được một loạt nhận thức chung trong các vấn đề duy trì giao lưu lãnh đạo cấp cao, tăng cường lòng tin chiến lược, nâng cấp hợp tác kinh tế thương mại…, lãnh đạo hai nước quyết định xây dựng mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện. Mới đây, trong buổi tiếp Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Phó Oánh và Phó Tổng Tham mưu trưởng quân Giải phóng Thích Kiến Quốc tới thăm Mianma, Tổng thống Thein Sein đã nhất trí bảo vệ hòa bình ổn định tại khu vực biên giới giữa hai nước. Thích Kiến Quốc bày tỏ Trung Quốc xưa nay không can thiệp vào công việc nội bộ của Mianma, hy vọng phía Mianma chú trọng vào công tác hòa giải dân tộc trong nước, vì hòa bình của khu vực phía Bắc và an ninh biên giới Trung Quốc-Mianma, áp dụng các biện pháp hữu hiệu để thực hiện sự ổn địnhcủa khu vực biên giới. Cuộc hội đàm này được tiến hành chưa đầy 24 giờ sau khi nhà chức trách Mianma đưa ra tuyên bố ngừng bắn tại bang Kachin, điều này cho thấy phía Trung Quốc hết sức coi trọng việc duy trì quan hệ với Mianma. Đồng thời với đó, hợp tác kinh tế thương mại song phương cũng không ngừng phát triển. Trong 11 tháng đầu năm 2012, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương đã vượt mức 6,1 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến cuối năm 2011, Trung Quốc đã đầu tư hơn 20,2 tỷ tại Mianma, đúng vị trí hàng đầu về cả thương mại đối ngoại và đầu tư nước ngoài của Mianma. Bên cạnh đó, tuyến đường dẫn khí đốt nối Mianma với Trung Quốc đến tháng 5 này sẽ hoàn tất và chính thức được đưa vào sử dụng. Hiện nay, hợp tác kinh tế và đầu tư song phương Trung Quốc-Mianma đã hình thành bố cục hợp tác đa tầng cấp, đa lĩnh vực, đa hình thức.
Thứ hai, chính sách đối với Trung Quốc của Mianma sẽ không có thay đổi mang tính căn bản. Mianma đã nhận thức được rằng củng cố và phát triển quan hệ với Trung Quốc là duy trì độc lập dân tộc của Mianma, thực hiện hòa giải dân tộc, thúc đẩy nhu cầu phát triển toàn diện, phù hợp với lợi ích căn bản của Mianma. Gần nửa thế kỷ qua, sự viện trợ và ủng hộ của Trung Quốc luôn có vai trò vô cùng quan trọng đối với việc duy trì ổn định chính trị, bảo vệ an ninh quốc gia và giải quyết khó khăn kinh tế của Mianma. Từ lâu, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc đã dành cho Mianma sự ủng hộ về chính trị và giúp đỡ về kinh tế, chính phủ và nhân dân Mianma sẽ không quên điều này. Trong chuyến thăm Mianma hồi năm ngoái của ủy viên trưởng Ngô Bang Quốc, Tổng thống Thein Sein đã bày tỏ phía Mianma mong muốn tiếp tục cùng Trung Quốc phối hợp chặt chẽ, duy trì trao đổi giao lưu cấp cao, tăng cường hợp tác thiết thực trên các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, nông nghiệp và năng lượng…, thúc đẩy hợp tác đầu tư và mậu dịch biên giới, nâng cao lòng tin hợp tác của các doanh nghiệp. Phía Mianma hoan nghênh cấc doanh nghiệp Trung Quốc đến Mianma đầu tư, phát triển ngành nghề tập trung nhiều lao động và ngành gia công mật hàng nông sản và sẽ tạo thuận lợi cho sự đầu tư của các doanh nghiệp Trung Quốc. Tổng thống Mianma nhắe lại rằng Mianma sẽ tiếp tục kiên định chính sách một nước Trung Quốc kiên định ủng hộ lập trường và chủ trương của Trung Quốc trong việc bảo vệ lợi ích cốt lỗi. Điều không thểphủ nhận là trong mấy năm gần đây, quan hệ Trung Quốc-Mianma có một số vấn đề không có tiếng nói chung chưa giải quyết được, đặc biệt là chính phủ mới của Mianma đột nhiên tuyên bố ngừng xây dựng đập thủy điện Myitsone, một công trình hợp tác giữa hai nước; mỏ khai thác đồng với tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD cũng bị đình chỉ do phản đối của người dân địa phương… Những sự kiện này rõ ràng đã ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ Trung Quốc-Mianma. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng cho dù Chính phủ Mianma sau này có biến động, các thế lực trong nước Mianma đối lập như thế nào, phe phái nào lên nắm quyền cũng khó có thể thay đổi quan hệ hữu nghị với Trung Quốc. Bà Aung San Suu Kyi từng nhiều lần nhấn mạnh “một Mianma dân chủ không nhằm vào Trung Quốc”, bà hy vọng Mianma có thể tìm kiếm sự hợp tác mật thiết hơn với Mỹ, song vẫn duy trì được “quan hệ hữu nghị” với Trung Quốc.
Thứ ba, sự cải thiện quan hệ Mỹ-Mianma khó có thể xóa bỏ triệt để sức ảnh hưởng của Trung Quốc. Những năm gần đây, Mỹ tập trung điều chỉnh chính sách đối với Mianma với ba mục tiêu: Một là Obama viết thêm một thành tích ngoại giao trong việc mở rộng dân chủ kiểu Mỹ trên thế giới. Hai là mượn việc cải thiện quan hệ với Mianma để phối phợp với mục tiêu chính sách “trở lại” Đông Nam Á của Mỹ. Mianma có tài nguyên thiên nhiên phong phú và vị trí chiến lược rất quan trọng. Lấy việc Obama tham dự Hội nghị Cấp cao Đông Á làm tiêu chí, có thể thấy chiến lược “trở lại” Đông Nam Á của Mỹ rõ ràng đang được thực thi. Ba là nâng cao quan hệ Mỹ-ASEAN, tăng cường sức ảnh hưởng của Mỹ đối với ASEAN, cân bằng sức ảnh hưởng của Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản tại khu vực này, để cho Mỹ có được quyền chủ động nhiều hơn trong bố cục lực lượng tại Đông Á. Trong chuyến thăm Mianma hồi cuối năm ngoái, Obama đã hứa sẽ cung cấp viện trợ trị giá 170 triệu USD cho Mianma trong vòng 2 năm, song con số này không thể so sánh nổi với những lợi ích kinh tế to lớn mà Trung Quốc mang lại cho Mianma trong nhiều năm qua. Trung Quốc là nguồn vốn nước ngoài chủ yếu của Mianma, đồng thời cũng có ưu thế địa lý khi là nước láng giềng có đường biên giới chung dài với Mianma, quan chức Mỹ từng thừa nhận rằng Bắc Kinh đầu tư vào Mianma hàng tỷ USD, phía Mỹ không thể sánh được với Trung Quốc trong lĩnh vực này. Do đó, các quan chức Mianma chỉ hy vọng duy trì được sự cân bằng giữa Mỹ vàTrung Quốc, sẽ không mạo hiểm trở thành công cụ của phương Tây mà mất đi lợi ích kinh tế to lớn từ Trung Quốc. Một cựu quan chức cấp cao Mỹ nói rằng “họ (Mianma) biết rằng bản thân cần phải tốt với cả Mỹ và Trung Quốc”.
Nói tóm lại, sự thay đổi và phát triển tình hình chính trị, kinh tế và ngoại giao của Mianma đã và đang có ảnh hưởng sâu sắc đối với Chính phủ và nhân dân Mianma, đối với Đông Nam Á và cả Trung Quốc. Đối với quan hệ Trung Quốc-Mianma, mặc dù Trung Quốc là láng giềng quan trọng của Mianma, hai bên có điểm chung về lợi ích chiến lược, song cũng cần tỉnh táo nhận thức rằng Mianma ngày nay đã trở thành một trong những chiến trường chính của cuộc đọ sức giữa các nước lớn. Tình hình chính trị Mianma thay đổi, xung đột sắc tộc leo thang, các vụ tấn công vào đầu tư của Trung Quốc xảy ra liên tục, nhất là sự điều chỉnh quan hệ với Mianma của Mỹ, chắc chắn sẽ làm gia tăng tính phức tạp và không xác định của Mianma, những điều này tạo ra thách thức đối với quan hệ Trung Quốc-Mianma. Cùng với sự trở lại của Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ, ưu thế truyền thống của Trung Quốc tại Mianma đang ngày càng giảm đi, nếu không tích cực hành động, Trung Quốc có thể bị gạt ra ngoài lề. Chỉ có làm tốt khâu chuẩn bị, có phương án dự phòng với các tình huống phức tạp mới, có thể ngăn ngừa hữu hiệu rủi ro và thiệt hại có thể xảy ra.