THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM (Tài liệu tham khảo đặc biệt)
Thứ Năm, ngày 21/2/2013
TTXVN (Hồng Công 15/2)
Từ lâu nay, nhiều nước vẫn tỏ ra lo ngại về một Trung Quốc
đang trỗi dậy. Trong bối cảnh ấy, giới lãnh đạo Trung Quốc cũng ngày
càng nhắc nhiều đến cái gọi là “giấc mơ Trung Quốc” và “sự phục hưng
Trung Quốc. ” Báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (Hồng Công) số ra ngày 6/2 vừa đăng bài viết “Giấc mơ phục hưng Trung Quốc của Tập Cận Bình là gì? ” của tác giả Cary Huang, trong đó phần nào giải mã “giấc mơ Trung Quốc ” cũng như “sự phục hưng Trung Quốc. Dưới đây là nội dung bài viết:
Mỗi nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc đều có một
cụm từ ưa thích đi kèm. Những cụm từ này thường được coi là thứ xác định
sự cai trị và những nỗ lực của họ nhằm để lại một “chương vẻ vang”
trong lịch sử.
Cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân đã có
“Thuyết ba đại diện” và “xã hội tương đối hài hòa”; Chủ tịch Hồ Cẩm Đào
có “xã hội hài hòa” và “khái niệm phát triển khoa học”; và Chủ tịch
tương lai Tập Cận Bình, chỉ ít tuần sau khi được bầu làm Tổng Bí thư Ban
Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã đưa ra “giấc mơ Trung
Quốc”, và “phục hưng Trung Quốc”.
Trong chuyến thăm đến một cuộc triển lãm ở thủ đô
Bắc Kinh ngày 29/11/2012, tân Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã lần đầu tiến
đưa ra tầm nhìn của nhà lãnh đạo này trong những thập kỷ tới bằng cách
nói rằng “thực hiện được việc phục hưng đất nước Trung Quốc là giấc mơ
lớn nhất của dân tộc Trung Quốc trong lịch sử hiện đại”.
Kể từ khi đó, ông Tập Cận Bình đã vài lần nói về
giấc mơ Trung Quốc và sự phục hưng Trung Quốc. Những cụm từ này đã đọng
lại trong đầu các quan chức, giới truyền thông và hàng triệu người sử
dụng Internet. Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã nói rằng Trung Quốc “đang
tiến gần hơn đến mục tiêu thực hiện được việc trẻ hóa hơn nữa đất nước
Trung Quốc”. Tuy nhiên, điều chưa được rõ ràng lắm là Tổng Bí thư Tập
Cận Bình xác định giấc mơ Trung Quốc và sự phục hưng Trung Quốc như thế
nào.
Ngay cả trước Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung
Quốc, rất nhiều người kỳ vọng rằng ông Tập Cận Bình – con trai của nhà
lãnh đạo cách mạng lão thành Trung Quốc, cố Phó Thủ tướng Tập Trọng
Huân, một người đã giúp giám sát việc chuyển đổi kinh tế thời kỳ hậu Mao
Trạch Đông ở Trung Quốc – có thể đem đến những thay đổi cho đất nước
Trung Quốc, một đất nước hiện đang đối mặt với những thách thức chưa
từng thấy, trong việc thực hiện giấc mơ hiện đại hóa của nước này.
Nhiều người tin rằng nhà lãnh đạo mới của Đảng
Cộng sản và đất nước Trung Quốc đang tìm cách huy động sự ủng hộ trong
nước đối với chương trình nghị sự tiếp tục cải cách và mở cửa của ông
bằng cách truyền cảm hứng cho nhân dân về một “Giấc mơ Trung Quốc” –
nhan đề một vở kịch năm 1987 nói về giấc mơ thành công ở Mỹ của một cặp
vợ chồng người Trung Quốc.
Giáo sư Tiến sĩ Lưu Khang, Giám đốc Trung tâm
Nghiên cứu Trung Quốc thuộc Đại học Duke (Mỹ) nhận định rằng “điều đó là
nhằm phục vụ cho mục tiêu kích động sự ủng hộ của người dân và tập hợp
công chúng xung quanh chương trình nghị sự kinh tế và chính trị của
chính quyền mới .
Trong khi đó, ông Trịnh Tất Kiên, một chuyên gia
lý luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc và là cựu Phó Hiệu trưởng trường
Đảng Trung ương Trung Quốc nói rằng “giấc mơ Trung Quốc nói về việc giải
quyết các vấn đề của Trung Quốc”.
Ông Kerry Brown, một Giáo sư chuyên về chính trị
Trung Quốc, người hiện đang giữ chức Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung
Quốc tại Đại học Xítni (ốxtrâylia) cho biết, ông thấy rằng sự phục hưng
Trung Quốc “chủ yếu là trong bối cảnh một sự trỗi dậy hòa bình, và
Trung Quốc trở lại địa vị mà nước này đã từng có trước khi bắt đầu thời
kỳ hiện đại”.
Một số người đã diễn giải kế hoạch thực hiện giấc
mơ Trung Quốc là một lời kêu gọi thực hiện một chương trình đầy tham
vọng được Đại hội 18 đặt ra, để thực hiện các mục tiêu “hoàn thành việc
xây dựng một xã hội tương đối thịnh vượng khi Đảng Cộng sản Trung Quốc
kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 vào năm 2012, và việc xây dựng một đất
nước xã hội chủ nghĩa thịnh vượng, hùng mạnh, dân chủ, văn minh tiến bộ,
hài hòa và hiện đại khi Trung Quốc kỷ niệm 100 năm thành lập nước CHND
Trung Hoa vào năm 2049”.
Ông Steve Tsang, Giám đốc Viện Nghiên cứu Chính
sách Trung Quốc của trường Đại học Nottingham (Anh), thì nói rằng hiện
vẫn chưa rõ giấc mơ Trung Quốc của ông Tập Cận Bình “được tái tạo” như
thế nào trong việc phục hưng Trung Quốc.
Ngay sau khi Tổng Bí thư Tập Cận Bình đưa ra
những phát biểu về giấc mơ Trung Quốc và sự phục hưng Trung Quốc, nhiều
người sử dụng Internet đã bắt đầu so sánh giấc mơ Trung Quốc với giấc mơ
Mỹ – bao gồm một loạt ý tưởng, trong đó có cơ hội làm giàu và thành
công, cùng một sự chuyển đổi xã hội theo hướng tiến bộ đạt được thông
qua làm việc chăm chỉ. Giống như giấc mơ Mỹ, sự lớn mạnh của nền kinh tế
Trung Quốc trong 3 thập kỷ vừa qua cho phép một tầng lớp trung lưu mới
mơ về những biểu tượng của sự thành công và sung túc là mua sắm quần áo,
nhà cửa, đồ gia dụng, ô tô, máy vi tính và điện thoại di động.
Tuy nhiên, đối với những người đầu tiên di cư đến
Mỹ trên con tàu mang tên “Hoa tháng 5” vào năm 1620, giấc mơ Mỹ được
bắt đầu bằng cuộc hành trình kéo dài tới một thế giới mới dọc theo đại
dương, nơi họ có thể thoát khỏi sự ngược đãi tôn giáo. Tinh thần này đã
được chính thức hóa trong Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ khoảng 1,5 thế kỷ
sau đó, một văn kiện tuyên bố rằng tất cả mọi người đều bình đẳng và có
những quyền lợi không thể thay đổi được.
Nhà sử học James Truslow Adams đã truyền bá cụm
từ “giấc mơ Mỹ” trong cuốn sách xuất bản năm 1931 của ông, cuốn sách với
nhan đề “Thiên sử thi Mỹ” (The Epic of America). Trong cuốn sách này,
James Truslow Adams viết: “Đó không chỉ là giấc, mơ về những chiếc xe ô
tô và những khoản lương cao, mà là một giấc mơ về một trật tự xã hội mà ở
đó mỗi người đàn ông và phụ nữ sẽ có thể được những người khác công
nhận họ là gì, cho dù họ được sinh ra ở đâu và có vị trí như thế nào.
Mục sư Martin Luther King Junior đã đưa những gì
mà James Traslow Adams viết vào phong trào vận động các quyền dân sự
thông qua bài phát biểu nổi tiếng “Tôi có một giấc mơ” của ông, trong đó
người mục sư này coi việc đề cao nhân cách của một con người là ý tưởng
tối cao về giấc mơ Mỹ.
Giấc mơ Trung Quốc như nó hiện đang được thảo
luận, là một tầm nhìn xa hơn nữa về vị trí mà nền văn minh tồn tại lâu
nhất trên thế giới có được trong thế giới hiện nay, cũng như trong việc
theo đuổi một phiên bản Trung Quốc đặc biệt, một Trung Quốc sẽ đưa đất
nước và người dân nước họ thực hiện vận mệnh chung.
Giáo sư Kerry Brown nói rằng giấc mơ Trung Quốc
là sự bắt chước giấc mơ Mỹ, trong đó giấc mơ Trung Quốc được thực hiện
như một đối trọng của các loại hình văn hóa. Tuy nhiên, Giáo sư Brown
nói rằng tầm nhìn này bị ảnh hưởng bởi một cảm giác rằng một ban lãnh
đạo chính trị mới của Trung Quốc thiếu sự ủng hộ của công chúng, có ít
biện pháp để giành được lòng dân ngoài việc đưa ra những lời kêu gọi
mang tính dân tộc chủ nghĩa và làm cho họ giàu có hơn. Giáo sư Brown
nhấn mạnh: “Đối với những trái tim và khối óc bị nhồi nhét, Đảng Cộng
sản Trung Quốc vẫn khiến cho người dân lạnh nhạt với họ”.
Trong khi đó, chuyên gia Steve Tsang cho rằng
“giấc mơ Trung Quốc không phải là giấc mơ mà người dân Trung Quốc được
tự do nói đến, mà nó là giấc mơ Trung Quốc được Tập Cận Bình và Đảng
Cộng sản Trung Quốc nói đến, với tư cách đại diện cho họ”.
Ở Trung Quốc Đại lục, ý tưởng về một sự phục hưng
và cái mà nó sẽ đại diện cũng đã được thảo luận rộng rãi trên mạng
Internet, với nhiều đề xuất trên nhiều khía cạnh, từ “sự công bằng xã
hội,” “xã hội tư pháp”, “ít tham nhũng” và “một cuộc sống tốt hơn” đến
“tự do và dân chủ”.
Các chuyên gia lịch sử chỉ ra nhiều giai đoạn họ
cho là đã đại diện cho một sự phục hưng Trung Quốc, như đời nhà Tống
(960-1279), cùng với đời nhà Đường (618-907) và đời nhà Hán (206 trước
công nguyên – 220 sau Công nguyên). Tất cả đều là những giai đoạn tăng
trưởng kinh tế, đạt được nhiều thành tựu nghệ thuật và có những tiến bộ
khoa học lớn.
Ý tưởng về một sự phục hưng Trung Quốc hiện đại
đã được truyền bá bởi các nhà lãnh đạo chính trị và trí thức trong suốt
thế kỷ trước. Một nhóm giáo sư thuộc trường Đại học Bắc Kinh thậm chí
cũng đã đặt cái tên “Phục hưng” cho một tạp chí.
Phong trào Ngũ Tứ (4/5), cuộc khởi nghĩa năm 1919
thể hiện chủ nghĩa dân tộc và lòng tự tôn văn hóa của người Trung Quốc,
cũng được nhà tri thức nổi tiếng Hồ Thích mô tả là sự phục hưng Trung
Quốc do phong trào này có những nét tương đồng với Thời kỳ Khai sáng của
châu Âu (phong trào văn hóa của các tri thức ở các thế kỷ 17 và 18) –
một thời kỳ cũng được mô tả trong tiếng Trung Quốc là một sự phục hưng.
Phong trào Ngũ Tứ hoạt động dựa trên những tư
tưởng của phương Tây về dân chủ và khoa học, trong khi Thời kỳ Khai Sáng
thúc đẩy khái niệm “chủ nghĩa đổi mới được đặt trong trung tâm của chủ
nghĩa cá nhân, các quyền lợi và khoa học, một di sản phương Tây độc nhất
vô nhị”.
Gần như toàn bộ các nền văn minh phi phương Tây,
trong đó có Trung Quốc, đã nỗ lực “nhập khẩu” nhũng giá trị đổi mới
chính trị, xã hội và kinh tế để xây dựng lại những nền văn hóa riêng của
họ nhằm đạt được sự hiện đại hóa. Tuy nhiên, trong khi các chuyên gia
lịch sử nhất trí rằng nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau của Trung Quốc
xứng đáng được gọi là “sự phục hưng”, họ cũng nói rằng tất cả các giai
đoạn này đều có chung một nhược điểm, đó là sự thiếu vắng ý thức công
nhận sứ mệnh lịch sử của chúng.
Cuộc cách mạng của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng
nhằm đạt được “sự phục hưng Trung Quốc”, hứa hẹn “một nước Trung Quốc
mới thịnh vượng, tự do và dân chủ”.
Trong khi sự thịnh vượng cuối cùng cũng đến sau
các cuộc cải cách kinh tế của Đặng Tiểu Bình, dân chủ và tự do thì vẫn
chưa thấy đâu. Nhiều nhà quan sát cảm thấy Tổng Bí thư Tập Cận Bình đang
bám sâu vào nguồn cảm hứng dân tộc chủ nghĩa hơn so với những người
tiền nhiệm gần đây, có lẽ do nhận thức rằng tư tưởng truyền thống cộng
sản sẽ không còn nhiều hấp dẫn được lâu nữa.
Orville Schell, một chuyên gia phân tích chính
trị kỳ cựu có nhiều năm theo dõi chính trường Trung Quốc đồng thời là
đồng tác giả một cuốn sách về cuộc tìm kiếm sự giàu có và sức mạnh của
nước Trung Quốc hiện đại, nhận xét: “Khi ban lãnh đạo mới của Trung Quốc
bắt đầu viết kịch bản cho hành động tiếp theo của cuộc cải cách đất
nước họ, nó có vẻ cứ như thế là Tập Cận Bình thấy chủ nghĩa dân tộc ỉà
một thành phần không thể thiếu trong nỗ lực của ông nhằm khích động
người dân Trung Quốc”,
Các nhà lãnh đạo biết rằng chủ nghĩa dân tộc nhằm
vào các cường quốc bên ngoài là một khuynh hướng ngầm mạnh mẽ trong xã
hội Trung Quốc. Chỉ ít tuần trước khi ông Tập Cận Bình lên làm Tổng Bí
thư, các cuộc biểu tình chống Nhật Bản đã nổ ra mạnh mẽ tại nhiều thành
phố của Trung Quốc xung quanh cuộc tranh chấp lãnh hải giữa hai nước ở
quần đảo Điếu Ngư/Senkaku trên biển Hoa Đông.
Theo các chuyên gia phân tích, chính sách đổi mới
của ông Tập Cận Bình có thể pha trộn những chính sách kinh tế táo bạo
với các chiến dịch chống tham nhũng, cùng một chiến lược xây dựng quân
sự hùng mạnh và chính sách ngoại giao “cơ bắp.” Sự kết hợp này gợi nhớ
lại Phong trào Tự Cường của Trung Quốc cuối thế kỷ 19, khi một số nhà
lãnh đạo chính trị và tri thức theo đường lối cải cách tìm kiếm các cuộc
cải cách để khôi phục một nhà Thanh (1644-1911) đang suy yếu và liên
tục bị quấy rối bởi các cường quốc phương Tây và Nhật Bản.
Tuy nhiên, ông Gregory Kulacki, Giám đốc quản lý
dự án Trung Quốc đồng thời là một chuyên gia phân tích cao cấp của Liên
đoàn Các nhà Khoa học, cho biết ông không tin rằng những phát biểu của
Tổng Bí thư Tập Cận Bình về giấc mơ Trung Quốc và sự phục hưng Trung
Quốc thể hiện một sự thay đổi mạnh mẽ so với thực tiễn trước đây. Ông
Gregory Kulacki, một người đã sống và làm việc tại Trung Quốc trong hơn
hai thập kỷ, nhấn mạnh: “Những người lo ngại về những từ ngữ được ông
Tập Cận Bình lựa chọn nên xem bộ phim tài liệu gồm 6 tập của Đài Truyền
hình Trung ương Trung Quốc (CCTV). Bộ phim tài liệu này nói về lịch sử
quen thuộc của một nền văn minh cổ xưa, đổ vỡ vì sự tan rã của văn hóa
truyền thống và bị những kẻ theo chủ nghĩa đế quốc phương Tây lợi dụng,
và nền văn minh này hiện đang trong quá trình khôi phục dưới sự lãnh đạo
của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Bác bỏ những cảnh báo cho rằng phát biểu của Tổng
Bí thư Tập Cận Bình về giấc mơ Trung Quốc và sự phục hưng Trung Quốc là
nhằm mục đích đưa nước CHND Trung Hoa sang một thời kỳ phiên bản của Đế
chế thứ Ba của Đức ở thế kỷ 21 hoặc thời kỳ Minh Trị trước đây ở Nhật
Bản, chuyên gia Kulacki cho rằng những mục đích của sự phục hưng Trung
Quốc là vừa phải.
Trong khi đó, Giáo sư Kerry Brown cảnh báo những
phát biểu nói trên của ông Tập Cận Bình có nguy cơ đưa chủ nghĩa lý
tưởng phi thực tế vào những biện pháp mà “khái niệm phát triển khoa học”
và xã hội hài hòa” của Chủ tịch Hồ cẩm Đào không bao giờ thực hiện.
Chuyên gia Steve Tsang thì nói rằng quá trình
phục hưng Trung Quốc có nhiều điều cần làm với việc thúc đẩy vị thế của
Trung Quốc trên thế giới hơn là bất kỳ ý tưởng nào về giải phóng tư
tưởng của người dân. Ông Steve Tsang cho rằng sự phục hưng của Trung
Quốc là việc thúc đẩy sự tái xuất của Trung Quốc, một đất nước có một
nền văn minh lớn và khả năng giành được sự kính trọng khác với những
cách mà đến nay Mỹ đã làm. Ông Steve Tsang nhấn mạnh: “Không có gì sai
trái trong việc mong muốn Trung Quốc trở nên vĩ đại hơn. Tuy nhiên, phần
còn lại của thế giới phải không cảm thấy bất lợi, đặc biệt là đối với
các nước láng giềng của Trung Quốc, trong việc chứng kiến một tân Tổng
Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, người muốn được lưu danh,, là nhà lãnh
đạo lấy lại sự huy hoàng của Trung Quốc trong quá khứ, dù cho sự khoa
trương của Trung Quốc chủ yếu là kết quả của việc củng cố quyền lãnh
đạo. Nói tóm lại là chúng ta sẽ phải quen với một Trung Quốc ngày càng
quyết liệt hơn dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình”.