THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM (Tài liệu tham khảo đặc biệt)
Thứ Tư, ngày 8/5/2013
TTXVN (Niu Yoóc 7/5)
Phản ánh những động thái điều chỉnh chiến lược để
củng cố vị thế và ảnh hưởng của Trung Quốc tại Mianma kể từ khi nước
này mở cửa năm 2011 đến nay, viện nghiên cứu Trung Quốc “Jamestown Foundation”
của Mỹ cho biết khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hội đàm với người
đồng cấp Mianma U. Thein Sein tại Tam Á của Trung Quốc ngày 5/4, không
khí thân mật thông thường nhằm thúc đẩy mối quan hệ “hợp tác toàn diện”
giữa hai bên trở nên tẻ nhạt khi ông Tập Cận Bình nhắc đến mối đe dọa từ
việc phương Tây xâm nhập Mianma và các công ty Trung Quốc hiện đang đối
mặt với nhiều khó khăn trong việc kinh doanh ở nước này.
Việc Trung Quốc tỏ ra khó chịu với một trong
những mối quan hệ song phương quan trọng nhất không có gì ngạc nhiên. Kể
từ khi Chính phủ Mianma bắt đầu thực hiện tiến trình cải cách và mở cửa
năm 2011, Bắc Kinh nhận thấy sự thống trị truyền thống ở nước này đang
có nguy cơ biến mất. Đồng thời Bắc Kinh cũng cảm thấy các lợi ích của
Trung Quốc sẽ bị đe dọa khi các nước phương Tây nhảy vào cạnh tranh và
dân chúng Mianma ngày càng lên tiếng phản đối Trung Quốc. Hiện nay, một
số quan chức Trung Quốc công khai thừa nhận rằng Bắc Kinh đánh giá thấp
tiến trình thay đổi dân chủ ở Mianma và đánh giá quá cao ảnh hưởng của
Trung Quốc ở nước này. Trước tình hình đó, mấy tháng qua Bắc Kinh bắt
đầu triển khai chiến dịch điều chỉnh chiến lược tại Mianma. Bằng cách
thay đổi cách tiếp cận ngoại giao, tăng cường can dự vào các cuộc xung
đột sắc tộc và điều chỉnh hoạt động phù hợp môi trường kinh doanh đang
thay đổi, Bắc Kinh đang tìm cách sử dụng các nguồn lực và ảnh hưởng để
đáp ứng các nhu cầu của một đất nước Mianma cải cách nhanh nhằm bảo vệ
các lợi ích quan trọng của Trung Quốc ở đó trong những năm tới. Từ trước
đến nay, Trung Quốc và Mianma vẫn thường coi mối quan hệ của họ là anh
em. Mianma là nước không theo chủ nghĩa xã hội đầu tiên thiết lập quan
hệ với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1949, sau đó Thủ tướng Trung Quốc
Chu Ân Lai và người đồng cấp Mianma U Nu có mối quan hệ thân thiện.
Trong thập kỷ 1960, quan hệ hai nước trở nên căng thẳng do Bắc Kinh ủng
hộ những người Cộng sản ở Mianma, nhưng quan hệ giữa hai nước được cải
thiện nhanh chóng sau khi quân đội Minama nắm quyền lãnh đạo đất nước
năm 1988. Đối mặt với các biện pháp cấm vận của Mỹ và phương Tây, đất
nước Mianma nghèo khổ ngày càng hướng tới Trung Quốc để tìm kiếm sự ủng
hộ và Bắc Kinh không ngần ngại giúp đỡ khi thương mại biên giới giữa hai
nước chính thức khai thông năm 1988 và Trung Quốc bắt đầu viện trợ quân
sự cho Mianma năm 1989. Trong vài thập kỷ qua, Trung Quốc trở thành nhà
đầu tư nước ngoài và đối tác thương mại lớn nhất ở Mianma và năm 2011
hai bên ký thỏa thuận quan hệ đối tác chiến lược toàn diện trong thời
gian diễn ra cuộc hội đàm đầu tiên giữa Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Tổng
thống Thein Sein. Hiện nay Trung Quốc có một số lợi ích quan trọng ở
Mianma.
Trước hết, Trung Quốc mong muốn tình hình ổn định
trên tuyến biên giới dài 2.200 km với Mianma – nơi hai nước thường
xuyên gặp rắc rối do các cuộc xung đột sắc tộc, buôn bán ma túy và
HIV/AIDS, nhưng trao đổi thương mại qua biên giới đạt nhiều tỷ USD hàng
năm và điều đó rất quan trọng cho tỉnh Vân Nam cũng như hơn 2 triệu Hoa
kiều sinh sống tại Mianma.
Thứ hai, Bắc Kinh muốn bảo vệ các khoản đầu tư
sinh lợi khổng lồ của họ ở Mianma. Trung Quốc đóng góp gần 1/2 trong
tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài và hơn 1/4 thương mại của Mianma, trong
đó các công ty Trung Quốc chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực khai khoáng và
thủy điện vì các lĩnh vực này quan trọng cho phát triển kinh tế của
Trung Quốc.
Thứ ba, Trung Quốc nhận thấy Mianma có vị trí địa
chính trị rất quan trọng, bởi vì nước này là cửa ngõ vào Ấn Độ Dương,
do đó giúp Bắc Kinh giảm bớt sự lệ thuộc vào eo biển Malacca. Chính vì
vậy, Trung Quốc đã bỏ 2,5 tỷ USD để đầu tư xây dựng một đường ống dẫn
dầu dài 800 km từ bờ biển phía Tây của Mianma đến Trung Quốc và dự kiến
ngày 31/5 sẽ bắt đầu đưa vào sử dụng. Đường ống dẫn dầu này sẽ giúp
Trung Quốc giảm 1/3 sự phụ thuộc eo biển Malacca và giảm bớt 1.200 km
đường biển đi qua các eo biển, Biển Đông và đến các bến cảng Trung Quốc;
cuối cùng Mianma cũng là một đối tác quan trọng của Trung Quốc trong
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Bắc Kinh nhận thấy điều đó
khi tìm kiếm sự ủng hộ về các vấn đề khu vực như tranh chấp lãnh hải
Biển Đông và tuần tra chung dọc sông Mê Công. Nhưng bốn lợi ích quan
trọng đó của Trung Quốc đã và đang trực tiếp bị đe dọa sau khi Mianma
bắt đầu công cuộc cải cách năm 2011.
Các dự án cơ sở hạ tầng trị giá hàng tỷ USD của
Bắc Kinh tại Mianma như đập thủy điện Myitsone và mỏ đồng Letpadaung
buộc phải đình chỉ do tình cảm chống Trung Quốc ngày càng tăng trong các
đảng đối lập và trong công chúng, từ đó làm cho một số công ty Trung
Quốc hoảng sợ và các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc ở
Mianma giảm gần 90% trong năm 2012. Trong khi đó các mối quan hệ
Mỹ-Mianma lại mạnh lên, chẳng hạn Mỹ đang dần xóa bỏ các biện pháp cấm
vận và Mianma đã tham gia các cuộc diễn tập quân sự hàng năm mang tên
“Hổ Mang Vàng 2013” của Mỹ và Thái Lan, từ đó làm tăng nỗi lo ngại ở Bắc
Kinh về ý đồ của Oasinhtơn bao vây ngăn chặn Trung Quốc. Bên cạnh đó,
các cuộc xung đột bùng phát ở Kachin, miền Bắc Mianma đầu năm nay khiến
Bắc Kinh càng lo ngại tình hình an ninh mất ổn định trên biên giới, đặc
biệt sau khi một số đạn pháo rơi vào sâu trong lãnh thổ Trung Quốc và Bộ
Ngoại giao đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ. Do các sự kiện đang tác động
đến lợi ích chiến lược, mấy tháng qua Bắc kinh đã và đang điều chỉnh
chiến lược tại Mianma như sau.
Thứ nhất, Bắc Kinh mới đây ra một số tuyên bố
mang tính chất cá nhân mập mờ nhưng quan trọng về Mianma và điều đó cho
thấy Bắc Kinh đang thay đổi cách tiếp cận ngoại giao đối với Mianma.
Ngày 11/3, Bắc Kinh bổ nhiệm cựu Thứ trưởng Ngoại giao Vương Anh Phàm,
71 tuổi, làm đặc phái viên đầu tiên phụ trách các vấn đề châu Á, có
nhiệm vụ hết sức chú trọng và ưu tiên cao quan hệ với Mianma bởi vì “có
quá nhiều vấn đề xảy ra gần đây” ở nước này. Sau đó ông Vương Anh Phàm
đã gặp gỡ các nhà hoạt động chính trị đối lập và các nhóm xã hội dân sự
cũng như phát biểu thẳng thắn về việc Bắc Kinh cần cải thiện hình ảnh
tại Mianma như một phần nỗ lực lớn hơn để đa dạng hóa các mối quan hệ
của Trung Quốc tại Mianma. Bắc Kinh cũng quyết định thay Đại sứ tại
Mianma Lý Quân Hoa bằng tân Đại sứ Dương Hậu Lan, một quan chức ngoại
giao dày dạn kinh nghiệm và hiểu biết sâu sắc tình hình Đông Nam Á. Ông
Dương đã trình quốc thư lên Tổng thống Thein Sein ngày 29/3 tại thủ đô
Nâypiđô. Các nhà phân tích cho rằng việc Bắc Kinh chỉ định Đại sứ Dương
tại Minama nhằm phát ra tín hiệu Trung Quốc đang theo đuổi một chiến
lược mới nhằm can dự vào các cải cách tại Mianma sau nhiều năm thất bại
của Đại sứ tiền nhiệm Lý.
Thứ hai, Trung Quốc sẽ áp dụng phương pháp tiếp
cận mạnh mẽ hơn nhằm đối phó với các nhóm sắc tộc gây bạo loạn chống
Chính quyền Nâypiđô để nâng cao vị thế của Trung Quốc hơn nữa so với các
nước khác tại Mianma. Một mặt, sau khi tránh né vai trò như vậy trong
nhiều năm qua, Bắc Kinh đang đóng vai trò chưa từng thấy trong việc thúc
đẩy các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nâypiđô và Tổ chức Độc lập Kachin
(KIO) vào tháng 2/2013, một phần để ngăn chặn các nỗ lực can dự của Mỹ
và phương Tây. Vì vậy Trung Quốc đứng ra tổ chức 2 vòng đàm phán và cử
các quan chức cấp cao tham dự đồng thời đóng vai trò quan trọng trong
hai vòng đàm phán đó. Nhưng một số tin tức cho biết vòng đàm phán thứ ba
đã bị hoãn hồi đầu tháng 4/2013, do Trung Quốc dựa vào các phiến quân
Kachin để không tổ chức cuộc gặp, vì lo sợ Liên hợp quốc, Anh và Mỹ sẽ
can dự và Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng vai trò lớn hơn trong các cuộc đàm
phán tay ba để dễ dàng can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Minama. Song
song với chính sách “cây gậy và củ cà rốt kinh tế” để lôi kéo Chính phủ
Mianma, Bắc Kinh cũng ủng hộ một số nhóm phiến quân sắc tộc thiểu số để
thúc đẩy hơn nữa các lợi ích an ninh. Ví dụ, mặc dù Bắc Kinh thường lớn
tiếng phủ nhận, nhưng các nhà quan sát khẳng định Trung Quốc đã bí mật
tăng cường viện trợ quân sự cho Quân đội bang Wa thống nhất (UWSA) – một
nhóm phiến quân lớn nhất tại Mianma. Trong khi các nhà phân tích lâu
nay vẫn nghi ngờ Trung Quốc đã và đang bí mật cung cấp vũ khí cho UWSA,
“Tạp chí Tình báo Jane” tháng 12/2012 cho biết Trung Quốc đã hoàn thành
nhiều đợt chuyển giao vũ khí, trang thiết bị quân sự cho các phiến quân,
kể cả tên lửa đất đối không và lần đầu tiên 12 xe bọc thép, nhằm ngăn
chặn Chính quyền Nâypiđô phát động một cuộc tấn công quân sự toàn diện
chống nhóm phiến quân UWSA.
Thứ ba, bất chấp những thất bại gần đây, các công
ty Trung Quốc đang thể hiện khả năng thích ứng với bầu không khí chính
trị thay đổi ở Mianma. Các công ty lớn của Trung Quốc như Tập đoàn Dầu
khí Quốc gia Trung Quốc, chịu trách nhiệm xây dựng các tuyến đường ống
dẫn khí đốt và dầu lửa của Bắc Kinh, đang nỗ lực đầu tư nhiều hơn nữa để
giúp đỡ các cộng đồng địa phương xây dựng nhiều bệnh viện, trường học
và các cơ sở khác. Các công ty cũng đang tiến hành chiến dịch mở rộng
quan hệ với dân chúng Mianma để cải thiện hình ảnh của họ. Sau vụ tranh
cãi về mỏ đồng Letpadaung gần khu vực Monywa thuộc miền Trung Mianma,
công ty trách nhiệm hữu hạn Wanbao Mining Ltd của Trung Quốc bắt đầu
triển khai kế hoạch vận động hành lang mạnh mẽ ở Mianma để giành được
các dự án béo bở. Chiến lược đấu thầu của các công ty cũng được thay đổi
như một hãng điện thoại di động của Trung Quốc đã tăng cường hợp tác
với hãng điện thoại di động Vodafone để giành được giấy phép thực hiện
các dự án viễn thông của Mianma. Rõ ràng Bắc Kinh đang khích lệ các công
ty Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động ở Mianma. Tân đặc phái viên phụ trách
các vấn đề châu Á Vương Anh Phàm đang cố gắng giúp ngăn chặn tình trạng
bất mãn ở các địa phương của Mianma bằng cách thường xuyên thừa nhận các
công ty Trung Quốc cần cải thiện các mối quan hệ công chúng yếu kém của
họ và nỗi lo ngại của Chính quyền Nâypiđô về các dự án cơ sở hạ tầng là
có cơ sở. Cùng lúc đó, ngày 1/3 Bộ Thương mại và Bộ Bảo vệ Môi trường
của Chính phủ Trung Quốc đã ban hành các tài liệu hướng dẫn mới để giúp
các công ty Trung Quốc nêu cao trách nhiệm xã hội ở các thị trường nước
ngoài, đặc biệt tại Mianma – nơi Bắc Kinh ngày càng bị chỉ trích về vấn
đề phá hủy môi trường.
Bắc Kinh hy vọng sự điều chỉnh chiến lược tại
Mianma sẽ tạo nên sức mạnh bảo vệ các lợi ích sống còn của Trung Quốc và
chuẩn bị tham gia cạnh tranh hơn nữa ở đó. Nhưng nỗ lực cũng có giới
hạn. Can dự ngoại giao và cải thiện hơn nữa trách nhiệm xã hội không thể
đảo ngược tình cảm chống Trung Quốc mạnh mẽ của dân chúng Mianma do các
dự án cơ sở hạ tầng và vai trò của Bắc Kinh gây nên. Trung Quốc cũng
hết sức lo ngại phương Tây tăng cường can dự vào Mianma và việc xem xét
chính sách của Bắc Kinh cũng có thể dẫn đến những căng thẳng nghiêm
trọng trong quan hệ song phương, từ đó đấy Mianma gần gũi hơn với các
nước khác, kể cả Mỹ. Hơn nữa vai trò tích cực hơn của Bắc Kinh đối với
các vấn đề nhạy cảm ở Mianma có thể khiến Bắc Kinh đánh mất nhiều ảnh
hưởng hơn ở Nâypiđô, bởi vì Trung Quốc đang bị coi là một đối tác ngày
càng không đáng tin cậy và can thiệp các công việc nội bộ của Mianma. Do
đó vẫn còn quá sớm để đánh giá triển vọng điều chỉnh chiến lược của
Trung Quốc tại Mianma, nhưng rõ ràng sau một số sai lầm ban đầu, Bắc
Kinh đã và đang nỗ lực giành lại vị thế và duy trì ảnh hưởng ở Mianma.