Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2013

8. Đã đến lúc OBAMA phải hành động

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM (Tài liệu tham khảo đặc biệt)
Thứ Tư, ngày 10/4/2013
(Tạp chí “The Economist”, s 19/1/2013)
Sự thận trọng trong nhiệm kỳ đầu tiên của Barack Obama là điều có th hiu được, nhưng giờ đây ông phải thể hiện quyết tâm lớn hơn nữa.
Có nhiều điều để thích thú liên quan đến các chính sách đối ngoại mà Tổng thống Barack Obama theo đuổi trong những năm đầu tiên cầm quyền. Có lý trí và hợp lý, chúng pha trộn sự lạc quan chiến lược với sự thận trọng chiến thuật, và hòa dịu những tầm nhìn lớn lao bằng một sự cân nhắc cẩn thận về chi phí. Chỉ một thiếu sót duy nhất đã phản bội những kế hoạch chu đáo của ông Obama. Nhiều lần, chúng đã không thực sự phát huy tác dụng.
Đối với những người ủng hộ ông, đây hoàn toàn không phải lỗi của tổng thống. Ở nơi ông Obama đã mạo hiểm với lợi ích không rõ ràng – chẳng hạn, dù mở rộng vòng tay với Iran và Nga, không chú ý đến Bắc Triều Tiên, hay tìm cách hàn gắn Trung Đông bằng cách chìa tay ra với thế giới Hồi giáo – những người ủng hộ đổ lỗi cho sự không khoan nhượng của những bên tham gia khác. Ở nơi ông đã thận trọng và chậm trễ hành động – vào buổi bình minh đầu tiên của Mùa Xuân Arập hai năm về trước, tại Xyri ngày hôm nay – các phụ tá chỉ ra những bài học về các giới hạn của sức mạnh Mỹ tiếp thu được trong hơn một thập kỷ chiến tranh. Các quan chức, các chuyên gia chính sách và các nhà ngoại giao đang còn đương chức và đã nghỉ hưu từ các chính phủ thân thiện- thể hiện sự hiểu biết về kết quả nghèo nàn của nền ngoại giao trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Obama. Ho thấy được tính lôgích của việc giảm bớt tham vọng và tập trung mạnh mẽ vào những điều có thể đạt được. Họ thông cảm với sự thận trọng của ông liên quan đến việc đương đầu với các nhóm vận động hành lang và các nhóm lợi ích đặc biệt khi ông tìm cách tái cử. Nhưng nếu tổng thống vẫn lạnh lùng tính toán và miễn cưỡng can dự trong nhiệm kỳ thứ hai của mình, ngay cả những bạn bè bền vừng cũng sẽ thấy khó tha thứ.
Những tháng cầm quyền đầu tiên của ông Obama là một khoảng thời gian tràn đầy tham vọng. Có những hy vọng ông có thể hàn gắn thế giới như ông dường như đã hàn gắn những chia rẽ về chủng tộc và đảng phái ở trong nước. Chúng đã nhanh chóng tiêu tan. Kể từ đó, một sắc thái hững hờ lạnh nhạt đã là dấu hiệu chính sách đối ngoại của ông. Từ chỗ là “quốc gia không thể thiếu”, nước Mỹ của ông Obama tìm cách trở thành một chất xúc tác không thể thiếu: hiện diện, nhưng không can dự sâu.
Buổi tối đen tối nhất
Theo cách đó, Mỹ đã tìm cách tạo điều kiện cho sự thành công – như tại những điểm nóng như Libi – trong khi kiên quyết tránh vướng mắc sâu hơn. Anne-Marie Slaughter, giám đốc hoạch định chính sách thuộc Bộ Ngoại giao trong hai năm đầu cầm quyền của ông Obama, nói về một trật tự toàn cầu mà trong đó Mỹ đem lại “tình yêu cứng rắn” trong khi thúc ép các cường quốc đang lên chia sẻ gánh nặng.
Phản ứng trước cuộc đổ máu do những kẻ cai trị Xyri gây ra với người dân của mình cho thấy những khó khăn của đường hướng này; nếu người ta không thể tìm thấy một kết quả mong muốn để đem lại chất xúc tác, người ta sẽ làm gì? Phản ứng bằng cách không làm gì khiến nhóm có thế lực trong chính quyền khốn khổ. Ông Obama đã nghe thấy những yêu cầu khẩn khoản đòi vũ trang cho các nhóm nổi dậy, đòi áp đặt một vùng cấm bay tại Xyri hoặc xóa sổ lực lượng không quân của kẻ bạo chúa trên thực địa. Phản ứng của ông là yêu cầu có bằng chứng cho thấy rằng những can thiệp như vậy sẽ làm cho mọi thứ tốt đẹp hơn, thay vì đáp ứng các yêu cầu “làm một điều gì đó” với nguy cơ leo thang của cuộc xung đột. Phản ứng thứ hai của ông là yêu cầu có “thẻ ghi giá tiền”: không có vấn đề nhỏ đối với một quốc gia đã mệt mỏi vì chiến tranh. Những lập luận bên trong nội bộ vô cùng sôi nổi. Những người chủ trương hòa bình trong chính quyền hỏi những tuýp người diều hâu hơn: các ngài muốn chúng ta đánh bom ai, những tay súng bắn tỉa ở các thành phố? Họ yêu cầu được biết sẽ cần chừng nào sức mạnh Mỹ để mang lại hòa bình? Xét cho cùng, gần 150.000 lính Mỹ vẫn ở đất nước Irắc đang vào đỉnh điểm của các vụ tàn sát giáo phái của nước này. Do vậy nước Mỹ được để mặc tập hợp sự hỗ trợ cho việc hình thành của một phe đối lập có tính bao hàm và chuẩn bị cho cái ngày sau khi chế độ Assad sụp đổ. Một người chứng kiến cuộc tranh luận này cho biết việc miễn cưỡng hành động là điều có thể hiểu được. Ông nói thêm đây cũng là một “sự xấu hổ đối với tất cả chúng ta”.
Cả những người chỉ trích ông Obama lẫn nhiều người ngưỡng mộ ông đều muốn thấy sự can dự và quyết tâm lớn hơn khắp ba lĩnh vực nỗ lực rộng lớn. Đầu tiên là các cuộc khủng hoảng bùng lên thất thường không thể phớt lờ, từ Trung Đông đến Bắc Triều Tiên. Có những công việc từ nhiệm kỳ đầu tiên – nổi bật là rút quân khỏi Ápganixtan – có thể bổ sung vào sự điểm danh đáng buồn đó nếu hành động vụng về. Thứ hai, có những cơ hội quan trọng đến mức không thể lảng tránh, từ làm sâu sắc thêm thương mại tự do với châu Âu cho đến nhiệm vụ quyết định thế kỷ là thuyết phục Trung Quốc rằng lợi ích của bản thân nước này nằm trong một trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc. Và cuối cùng, có những nhiệm vụ, thường nảy sinh từ những hứa hẹn mà ông Obama đưa ra khi ông nắm quyền lần đầu tiên, cho đến nay vẫn bị né tránh. Những nhiệm vụ đó bao gồm cắt giảm kho vũ khí hạt nhân và soạn thảo những quy tắc chiến tranh trong thế kỷ 21 xứng đáng với nước Mỹ, một quốc gia được xây dựng trên uy thế của pháp luật.
Những đất nước và khu vực quan trọng rõ ràng vắng mặt trong danh sách “những việc phải làm” lưu hành chính thức tại Oasinhtơn và các nhóm tư vấn chiến lược có ảnh hưởng hơn của nước này. Điều này phản ánh cả một ý thức thực tế về những hạn chế về thời hạn và sự chú ý của tổng thống lẫn những đánh giá tàn bạo về hoạt động chính trị trong nước của Mỹ. Một cuốn sách chỉ dẫn cho Tổng thống của Viện Brookings có quan hệ rộng không bao gồm một sự thúc đẩy nghiêm túc đối với biến đổi khí hậu (một mong muốn chủ chốt của châu Âu) trong danh sách của nó về những “Đánh cược lớn” cho hành động trong nhiệm kỳ thứ hai. Nó thúc giục nới lỏng cấm vận Cuba, nhưng các cường quốc mới nổi như Braxin, Inđônêxia, Mêhicô, Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ chủ yếu là nguồn gốc gây lo ngại, cùng với việc ông Obama nhấn mạnh tiếp tục giữ cho những nước này theo một trật tự thế giới tự do, dân chủ.
Việc ông Obama lựa chọn các cựu chiến binh Việt Nam luôn thận trọng với chiến tranh để dẫn đầu ê-kíp chính sách đối ngoại của mình, với John Kerry được bổ nhiệm điều hành Bộ Ngoại giao và Chuck Hagel, còn dễ gây tranh cãi hơn, điều hành Lầu Năm góc, cho thấy các tín hiệu về một ý định theo đuổi những giải pháp ngoại giao đối với các cuộc khủng hoảng an ninh, và hoàn thành việc kết thúc các chiến dịch quân sự của George w. Bush. Ông Hagel, một cựu thượng nghị sỹ thuộc đảng Cộng hòa đã trở nên hoài nghi cuộc chiến tranh Irắc, phải làm việc tích cực để có được sự chấp thuận của Thượng viện: những người bảo thủ cho rằng ông ủng hộ Ixraen chưa đủ.
Tuy nhiên, mối lo ngại chiến tranh trong cử tri đã khiến những người Cộng hòa phải vật lộn để tìm cách tấn công các chính sách đối ngoại của ông Obama. Một cáo buộc thường trực rằng ông Obama cảm thấy cần phải xin lỗi vì sự cao thượng của nước Mỹ và một cuộc tranh cãi phức tạp về vụ sát hại đại sứ Mỹ ở Libi đều có cảm giác hơi gượng ép. Một người đứng đầu nhóm tư vấn chiến lược than thở rằng hầu hết những người bảo thủ thích nói về “các lá phiếu của người gốc Latinh, các lá phiếu của phụ nữ và linh hồn của đảng Cộng hòa” hơn là chính sách đối ngoại.
Đối với việc xử lý khủng hoảng, ông Obama đã định ra một số “ngòi nổ” cụ thể cho các hành động quân sự trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình. Ông đã tuyên bố rằng việc sử dụng vũ khí hóa học sẽ là một ranh giới đỏ mà chế độ Xyri không thể vượt qua. Mặc dù một số người thuộc cánh hữu tỏ ra hoài nghi, một số nguồn tin nói rằng ông đã tự mình cam kết một cách không thể lay chuyển được rằng sẽ ngăn không cho Iran có được vũ khí hạt nhân, đáng chú ý là trong một buổi diễn thuyết trước các nhà hoạt động ủng hộ Ixraen vào tháng 3/2012.
Chặng đường dài phía trước
Iran cho tới nay đã là ví dụ hoàn hảo về một nơi mà chính sách của ông Obama điềm đạm, thực tế và khó mà chê trách được, nhưng lại mang đến những kết quả nghèo nàn. Một thành quả khá ảm đạm nổi bật lên. Karim Sadjadpour, một chuyên gia về Iran thuộc Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, một tổ chức tư vấn chiến lược, nói rằng trong nhiệm kỳ tổng thống của ông George w. Bush, châu Âu, Trung Quốc và Nga đều cho rằng Gasinhtơn có lỗi trong quan hệ tồi tệ Iran – Mỹ. Khi đề nghị quan hệ hữu nghị của ông Obama bị từ chối thẳng thừng, ít nhất ông đã thể hiện được rằng sự không khoan nhượng của Iran mới là nguyên nhân – và chống lại nước Mỹ là một trong những cách duy nhất để chế độ Iran đảm bảo tính hợp pháp trong mắt những người ủng hộ mình. Phát hiện này cho phép Mỹ tập hợp được sự ủng hộ của quốc tế đối với các biện pháp trừng phạt về kinh tế chưa từng có tiền lệ, nhưng cũng cho thấy cuộc khủng hoảng này khó giải quyết tới mức nào.
Về dài hạn, All Khamenei, lãnh tụ tối cao của Iran, phải đối mặt với hai sự lựa chọn mang tính lôgích. Ông ta có thể đưa ra một thỏa thuận theo đó Iran duy trì một khả năng làm giàu hạt nhân ở mức giữ thể diện, chấp nhận các cuộc thanh sát mang tính áp đặt của quốc tế: ông ta có thể liều lĩnh chạy nước rút để “trở thành Pakixtan” với vũ khí hạt nhân như sự đã rồi. Lựa chọn thứ nhất không hấp dẫn, còn lựa chọn thứ hai lại mạo hiểm, cho ông ta lý do để kéo dài thời gian. Trong những tháng qua, Iran đã đánh tín hiệu về một sự sẵn sàng kéo dài thời gian bằng cách chuyển một phần trong kho dự trữ urani đã làm giàu 20% của nước này thành nhiên liệu cho một lò phản ứng nhỏ dùng cho nghiên cứu ở Têhêran trước đây đã từng sản xuất các chất đồng vị cho y tế. Với tình hình như vậy, thêm vào các cuộc thanh sát quốc tế, cùng với nhũng sự kìm hãm đối với các hoạt động làm giàu urani khác, những người lạc quan nghĩ rằng một thỏa thuận tạm thời không hoàn hảo có thể định hình, có khả năng trì hoãn một tình trạng bế tắc lớn hơn về vấn đề hạt nhân. Các nguồn tin của Mỹ ít hoan hỉ hơn, nói rằng cuộc khủng hoảng vẫn mắc kẹt trong một nguyên trạng tăm tối.
Bất chấp tình trạng mập mờ này, các khuôn khổ cơ bản trong đường hướng của ông Obama là đủ rõ ràng, ông sẽ không khoan dung đối với vũ khí hạt nhân của Iran, không chỉ bởi vì sự vận động hành lang từ Ixraen, mà còn là một phần trong cam kết của ông về việc chống phổ biến vũ khí hạt nhân (một điều bất biến trong thế giới quan của ông). Nhưng ông sẽ không phát động chiến tranh chỉ vì Iran có một chương trình hạt nhân.
Trong năm 2012, các tướng lĩnh có công trạng của Mỹ cho rằng Ixraen không có khả năng một mình tấn công Iran, thiếu những vũ khí mạnh mẽ và chính xác nhất để xuyên thủng các boong-ke của Iran; nhưng một số người trong chính phủ của ông Obama thừa nhận rằng Ixraen có một sự lựa chọn về quân sự, dù cho nó không tốt được như của Mỹ. Ixraen hiện đang hiệu quả trong việc tạo ra sức ép lên Mỹ, thông qua Quốc hội. Nhưng cả Quốc hội lẫn Thủ tướng Ixraen, Benjamin Netanyahu, đều không thể buộc ông Obama phát động một cuộc chiến tranh mà ông không muốn. Các nguồn tin cho biết việc đề cử Thượng nghị sỹ Kerry đã nhấn mạnh lòng tin của ông Obama rằng nước Mỹ phải theo đuổi giải pháp ngoại giao cho đến cùng, và người ta đã thấy nước Mỹ làm như vậy. Họ nói thêm với một sự chân thật đầy u ám rằng điều đó không có nghĩa là nó sẽ có hiệu quả.
Tình thế ở Trung Đông rộng lớn hơn hầu như không làm cho tâm trạng của họ sáng sủa hơn. Ông Obama nhậm chức với hy vọng rằng bằng cách kết hợp sự hợp tác về an ninh chưa từng có tiền lệ với Ixraen và sự tiếp cận công khai với thế giới Hồi giáo, ông có thể chuẩn bị nền móng cho một giải pháp hai nhà nước đối với cuộc xung đột Ixraen – Palextin. Ông đã sai lầm. Ông Obama đã đánh mất công luận của Ixraen, thất bại trong việc tạo được lòng tin của người Hồi giáo, và đã bị bẽ mặt bởi sự thách thức công khai của một vị thủ tướng Ixraen. Trong một động thái đã không được nhắc tới vào thời điểm đó, các nguồn tin cho biết Ngoại trưởng Hillary Clinton hai năm trước đây đã hối thúc ông Obama vượt mặt các lãnh đạo của khu vực này và định hình một thỏa thuận hòa bình hai nhà nước cho người dân Ixraen và Palextin. Nhà Trắng đã từ chối; theo những lời lẽ đầy thất vọng của một nguồn tin, họ vẫn chưa sẵn sàng để “nắm lấy lịch sử”.
Tối tăm và sâu thẳm
Hình ảnh của ông Obama ở Ixraen đáng ra đã có thể được cải thiện. Không hài lòng với việc ông đã không đến thăm đất nước của họ với tư cách tổng thống, người Ixraen đã thực lòng biết ơn vì ông đã ủng hộ về mặt chính trị cho quyền tự vệ của họ, và vì sự giúp đỡ với hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm sắt, khi các quả rốckét bắn từ dải Gada đã rơi xuống như mưa hồi cuối năm ngoái. Tuy nhiên, những người ủng hộ tổng thống thận trọng hơn chế giễu các sự gợi ý rằng một bài phát biểu của Obama có thể truyền cảm hứng cho người dân Ixraen để họ yêu cầu một thỏa thuận hòa bình mà chính phủ được bầu lên của họ không muốn. Phe thận trọng này thừa nhận rằng hầu hết các cử tri Ixraen nói rằng họ ủng hộ một giải pháp hai nhà nước, nhưng chỉ ra các dự đoán rằng một nhà nước Ixraen khác, cực kỳ bảo thủ sẽ được bầu vào ngày 22/1. Những người theo chủ nghĩa hoài nghi nói rằng, trong sâu thẳm, người dân Ixraen nghi ngờ việc các nhà lãnh đạo Palextin có thể mang lại hòa bình.
Tuy vậy, ông Kerry ủng hộ những sáng kiến mới mẻ. Và những người trong cuộc nói về ba sự thay đổi có thể đem lại cho nước Mỹ lực đòn bẩy lớn hơn. Một là sự cô lập về ngoại giao ngày càng lớn của Ixraen. Trong cuộc bỏ phiếu gần đây của Liên hợp quốc về tư cách của Palextin, Cộng hòa Séc là đồng minh châu Âu duy nhất của ông Netanyahu. Sự thay đổi thứ hai sẽ là cuộc khủng hoảng Iran kết thúc với một cuộc tấn công của Mỹ. Để được lòng dư luận Hồi giáo, ông Obama sẽ cần phải có những sự nhượng bộ lớn của Ixraen về những vấn đề như xây dựng khu định cư, và phải có khả năng yêu cầu có những nhượng bộ này. Sự thay đổi thứ ba sẽ được châm ngòi bởi sự sụp đổ của Chính quyền Palextin và một cuộc nổi dậy ở khu Bờ Tây.
Trung Đông không phải là nơi duy nhất để chứng kiến các tham vọng bị thu hẹp lại. Khi Tổng thống Ápganixtan, Hamid Karzai, ở Oasinhtơn vào ngày 11/1/2013, ông Obama đã phác thảo các kế hoạch cho một “sứ mệnh rất có giới hạn” đối với các lực lượng của Mỹ ở đất nước này sau năm 2014. Người ta nói rằng một số phụ tá ở Nhà Trắng đang thúc đẩy một đơn vị đồn trú với chỉ khoảng 2.500 quân, ít hơn nhiều so với số lượng được bàn bạc chỉ một năm trước. Ông Obama khẳng định rằng Mỹ đã đạt được mục tiêu trung tâm của mình: phá vỡ al-Qaeda và ngăn không cho Ápganixtan được sử dụng như một bệ phóng cho CMC cuộc tấn công nhằm vào nước Mỹ trong tương lai. Ông đã hỏi một câu hỏi mang tính hùng biện: Liệu nhiều năm trời ở Ápganixtan có đạt được mọi điều mà một số người đã tưởng tượng là khả thi? Có thể là không, đây là câu trả lời điềm tĩnh của ông. Nhưng trong các hoạt động của con người, “bạn biết đấy, bạn khó có thể đạt được sự hoàn hảo”. Nước Mỹ tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái tại Pakixtan. Nhưng chiến trường lớn nhất của “cuộc chiến chống khủng bố”, Irắc, hiện nay lại được nhắc đến phần lớn trong bối cảnh nước Mỹ thiếu tầm ảnh hưởng ở đó. Vào tháng 12/2012, các quan chức Mỹ đã công khai bày tỏ sự giận dữ của họ đối với việc Iran vận chuyển vũ khí tới Xyri qua không phận Irắc. Irắc chối bỏ cáo buộc này, và công luận Mỹ phản ứng chỉ với một cái nhún vai chung.
Yếu tố quyết định trong nền ngoại giao của tổng thống đã và đang là “chuyển hướng” sang châu Á. Thách thức là chèo lái một sự nghiệp giữa can dự với một Trung Quốc đang nổi lên và những yêu cầu từ các nước láng giềng của Trung Quốc muốn Mỹ phải đóng một vai trò làm cân bằng trong khu vực. Điều này đã bị làm cho rối rắm thêm bởi chứng tâm thần phân liệt đang chất gánh nặng lên quan hệ của Mỹ với Trung Quốc.
Một nước Trung Quốc thực dụng, đang hiện đại hóa một cách hợp lý hầu như đang sẵn sàng bàn luận về các vấn đề toàn cầu, từ các luật lệ về thương mại rồi hành động về biến đổi khí hậu đến giúp đỡ ngoại giao với Iran hay Mùa Xuân Arập. Đề nghị của Mỹ là thẳng thắn: tuân thủ các luật lệ toàn cầu, thể hiện sự kiềm chế ở khu vực láng giềng và chúng tôi sẽ không ngăn anh trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, ở những nơi mà các vấn đề khu vực, như các cuộc tranh cãi về lãnh thổ ở các vùng biển ngoài khơi mà Trung Quốc có liên quan, một nước Trung Quốc già dặn hơn, dễ nổi giận hơn chiếm ưu thế, tin rằng nước Mỹ có xu hướng kìm nén sự trỗi dậy của mình cả trực tiếp lẫn bằng cách khuấy động các nước láng giềng nhỏ hơn và các nước lớn trong khu vực.
Điều đặc biệt rắc rối là các tham vọng hạt nhân của Bắc Triều Tiên, vấn đề mà nước Mỹ xem như một vấn đề về an ninh toàn cầu, đối với Trung Quốc trở thành các mối quan tâm nhạy cảm, gần như mang tính trong nước loại hai. Mỹ nói với Trung Quốc rằng Bắc Triều Tiên vẫn còn là một mối đe dọa càng lâu, thì nước Mỹ sẽ phải duy trì các lực lượng quân sự mạnh mẽ ở sân sau của Trung Quốc càng lâu. Nhưng những lo sợ của Trung Quốc về một sự sụp đổ của Bắc Triều Tiên còn sâu sắc hơn, khiến cho nước này không sẵn lòng ép buộc chế độ đó quá mạnh mẽ.
Việc bầu ra một chính phủ Nhật Bản sẵn sàng đầu tư nhiều hơn cho quốc phòng đáp ứng một mong ước đã có từ lâu của Mỹ, nhưng khuấy động lên những mối quan ngại mới rằng các hòn đảo và các phần lãnh thổ nhỏ có thể kích động những cuộc đụng độ trong khu vực. Quan hệ của Mỹ với Ấn Độ đã trở nên đặc biệt sâu sắc trong những năm gần đây. Nhưng với việc thiếu vắng những sáng kiến mới mẻ, hoặc những kết quả hữu hình từ các sáng kiến cũ, các chuyên gia nói về “Sự mệt nhọc Ấn Độ” ở Oasinhtơn.
Ngay cả những người ủng hộ một chính sách châu Á cân bằng cũng băn khoăn rằng trong mối quan hệ cần phải thể hiện sự tăng cường về phía Trung Quốc, thúc giục ông Obama can dự nhanh chóng và chặt chẽ với nhà lãnh đạo mới, Tập Cận Bình, và làm việc, về các mối quan hệ nhàm chán đầy nguy hiểm giữa các lực lượng vũ trang hai nước.
Các mối quan hệ kinh tế mang lại nhiều hứa hẹn hơn. Ông Obama đã cố ngăn các tranh cãi thương mại rõ rệt có thể đe dọa thị trường, thay vì thúc đẩy ê-kíp của mình tìm cách trả đũa những hành vi xấu của Trung Quốc như ăn cắp hoặc ép buộc chuyển giao công nghệ phương Tây, hay các khoản trợ giá làm méo mó thị trường. Cùng với những cây gậy này, nước Mỹ cũng có những củ cà rốt. Trung Quốc ngày càng hăng hái hơn đầu tư ra nước ngoài, điều mang lại lý do mới để nước này phải tuân thủ các luật lệ quốc tế. Các cuộc đàm phán xung quanh Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương, một hiệp định đang không bao gồm Trung Quốc, cũng có thể đem lại những sự khích lệ.
Những lời hứa phải giữ
Đối với phương Tây, các đồng minh châu Âu, đáng chú ý là Anh, đang kêu gào đòi có một hiệp định thương mại tự do giữa Mỹ và Liên minh châu Âu, vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ. Một hiệp định như vậy sẽ đẩy mạnh tăng trưởng và củng cố thêm sự kiểm soát của phương Tây trong nhũng giao dịch với Trung Quốc. Những người ủng hộ nói thời điểm đã chín muồi. Ngay cả các chính phủ châu Âu ưa thích chủ nghĩa bảo hộ cũng bị hấp dẫn bởi một kế hoạch khuyến khích kinh tế mà không làm tốn kém tiền công quỹ. Bộ Ngoại giao Mỹ rất thiết tha và Nhà Trắng thì gần đây đã được thuyết phục. Nhưng không ai có thể đảm bảo rằng Châu Âu thực sự nghiêm túc, và sẽ chịu tiêu dùng những sản phẩm xuất khẩu của Mỹ như thịt bò đã được xử lý hoóc-môn. Với kết quả không chắc chắn, những lời thì thầm phải thận trọng, thì tại sao ông Obama lại cần chấp nhận rủi ro?
Những tính toán chính trị giúp giải thích một loạt các lời hứa lớn lao đã được đưa ra và sau đó bị lảng tránh trong nhiệm kỳ thứ nhất của ông Obama. Nhiệm kỳ thứ hai có thể chứng kiến nhiều sự tiến bộ hơn về giải trừ hạt nhân, bao gồm cả việc thúc đẩy những cuộc đàm phán mới với Nga, mặc dù quan hệ với Vladimir Putin đang trong trạng thái rất tồi tệ. Cuộc khủng hoảng Xyri cho thấy những bằng chứng mới về mối quan hệ kinh khủng. Những nỗ lực đầy nhiệt huyết của Mỹ nhằm thuyết phục ông Putin rằng những lợi ích bản thân lạnh lùng hắn sẽ dẫn ông ta tới việc rũ bỏ chế độ Assad hiện nay vẫn chưa đi tới đâu. Một nhân vật cao cấp hoài nghi về sự hiểu biết thông thường rằng nước Nga đang bảo vệ một đồng minh Trung Đông, cho rằng Nga thực ra quan tâm đến việc phủ nhận vai trò lãnh đạo của Mỹ trong một trật tự thế giới mới liên quan đến những sự can thiệp nhân đạo. Ông Putin thà chứng kiến Xyri chìm vào một “tình trạng tàn sát hỗn loạn” còn hơn là chứng kiến Mỹ đạt được điều mình muốn.
Tổng thống Nga được cho là sẽ kết nối bất kỳ nỗ lực thảo luận vấn đề giải trừ quân bị nào với các kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Âu của Mỹ, mà hiện đang nhắm vào Iran nhưng lại được các tướng lĩnh của Nga mô tả như một nỗ lực nhằm vô hiệu hóa các vũ khí hạt nhân của họ. Nếu nước Nga không đàm phán, ông Obama có thể xem xét việc cắt giảm kho vũ khí của Mỹ một cách đơn phương.
Về vấn đề biến đổi khí hậu – một niềm say mê của ông Kerry – Mỹ đặt rất ít hy vọng vào tiến trình ngổn ngang của Liên hợp quốc. Những thỏa thuận song phương và đa phương với các quốc gia phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính lớn khác có thể là khả thi, không chỉ liên quan đến vấn đề thải cácbon mà còn cả về các chất gây ô nhiễm với những tác động làm ấm trong ngắn hạn hơn. Nhưng hoạt động chính trị trong nước sẽ phải thay đổi để ông Obama có thể đưa ra những đề nghị lớn lao với chẳng hạn như Trung Quốc.
Sự thất bại của chính phủ trong việc phác thảo nên một nền tảng pháp lý phù hợp cho các cuộc xung đột trong thế kỷ 21 là trầm trọng. Nhũng rủi ro pháp lý nghiêm trọng đang chồng chất lên bởi việc sử dụng liên tục các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái, thường là dựa trên thông tin tình báo từ các cơ quan nước ngoài. Các cuộc chuyển giao những người bị tình nghi là khủng bố đến những nước cho phép tra tấn vẫn tiếp diễn; cũng giống như các tòa án quân sự bên ngoài các tòa án thông thường. Các buồng giam ở Vịnh Guantanamo vẫn chưa trống. Các luật sư thuộc Bộ Ngoại giao muốn có các quy chế để thay thế cho những khẳng định vội vàng từ thời kỳ Bush về quyền hành động chống khủng bố trên toàn thế giới. John Brennan, nhân vật lãnh đạo chống khủng bố của Nhà Trắng mà ông Obama đề cử vào vị trí giám đốc C1A, chia sẻ quan điểm này. Ở những thủ đô thân thiện, những nhân vật nghiêm túc mong mỏi được thấy khoảng trống pháp lý được lấp đầy, cũng như tiến bộ trong những vấn đề như cấm sử dụng mìn mặt đất.
Ông Obama đã luôn lên kế hoạch cho một nhiệm kỳ tổng thống 8 năm. Nửa đầu tiên là dành cho việc đặt nền móng, không phải là để gặt hái kết quả. Nhưng, có thể những lý do như vậy sẽ không bào chữa được cho bốn năm nữa.
***
(Tạp chí Foreign Policy, số tháng 1-2/2013)
Trong hầu hết năm 2012 đã thịnh hành việc mô tả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ như là một trong những sự kiện nổi bật nhất thời gian gần đây. Chắc chắn là, nếu tình cờ sống ở Florida, Ohio hoặc một bang “chiến trường” khác, bạn bị bao vây bởi những tờ quảng cáo tuyên bố rằng lựa chọn ứng cử viên này hay ứng cử yiên khác sẽ dẫn đến ngày tận thế. Giữa một chiến dịch tranh cử quyết liệt và thường cay đắng, các ứng cử viên tống thống đã gắng hết sức mình để làm nổi bật lên sự khác biệt của họ, bằng cách phóng đại không chỉ những điều tốt đẹp mà mỗi người có thể mang tới nếu đắc cử mà còn cả những điều tồi tệ mà đối phương sẽ áp đặt.
Giờ đây đã đến lúc Tổng thống tái đắc cử Barack Obama phải cầm quyền. Mặc dù vậy, đầu tiên, một sự thật không thể chối cãi được là: Khi nghĩ tới nhiệm kỳ tổng thống mới của mình, Obama sẽ sớm nhận ra rằng cho dù tinh thần có sẵn sàng, ông cũng sẽ không thể hoàn thành được nhiều cam kết của mình khi tranh cử. Không có cách thức nhanh chóng nào để đảo ngược tình trạng xuống dốc nhiều năm của tầng lớp trung lưu Mỹ và không có biện pháp tức thì nào để vực dậy người nghèo, những người đã lọt qua tấm lưới an toàn xã hội được căng ra của đất nước này. Thực tế phiền phức này cần được tiếp thu nhanh chóng.
Hoàn cảnh kinh tế và tài chính của Mỹ đem lại cho Obama một mức độ tự do hạn chế, và một môi trường toàn cầu kém thuận lợi làm tăng thêm những hạn chế này. Kết hợp điều này với thực tế Quốc hội bị chia rẽ – nơi quá nhiều quan chức được bầu lên đã đưa ra cam kết cá nhân là sẽ phản đối bất kỳ và tất cả các khoản thuế, một lời thề mâu thuẫn với hoàn cảnh hiện tại của đất nước – và điều diễn ra là một khả năng cao không hề dễ chịu về tranh cãi, sự do dự và tình trạng bế tắc liên tục.
Vì vậy thay vì tiến lên với những sáng kiến mới đưọc hứa hẹn, Chính quyền Obama sắp tới có nguy cơ lâm vào tình trạng tê liệt chính trị tương tự từng thống trị Oasinhtơn vài năm trước. Hãy tưởng tượng về một thế giới mà trong đó việc mở rộng của nền kinh tế Mỹ vẫn ì ạch, thất nghiệp duy trì ở mức cao (đặc biệt ở thanh niên và những người thất nghiệp dài hạn), sự bất bình đẳng về thu nhập và của cải tiếp tục trở nên tồi tệ hơn, thâm hụt và nợ tiếp tục tăng. Tình trạng phân cực và chia rẽ chính trị hơn nữa trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Obama sẽ làm giảm khả năng đạt được bất kỳ chính sách tốt đẹp nào từ Oasinhtơn, làm nổi bật lên thứ đã trở thành một chu trình quen thuộc đáng buồn và ngày càng luẩn quẩn.
Đó là tin xấu. Tin tốt là nó không nhất thiết phải như thế. Trong 100 ngày đầu cầm quyền tiên lần thứ hai của mình, Obama có một cơ hội chưa từng có để chỉnh đốn lại nền kinh tế toàn cầu mong manh và thay đổi cách người Mỹ – và thế giới – nghĩ về Oasinhtơn.
Các bước được chia thành hai phạm trù chính: một là, hạn chế và, nếu có thể, loại bỏ những luồng gió ngược làm xói mòn thành công về kinh tế (nói cách khác, không làm tổn hại); và hai là, gia tăng những luồng gió xuôi (hoàn toàn làm lợi).
Đối với nhũng luồng gió ngược, điều đầu tiên Obama cần làm là loại bỏ mối đe dọa “vách đá tài chính” của những khoản tăng thuế và cắt giảm chi tiêu tự động. Có lẽ ông sẽ làm như vậy khi chuyên mục này ra mắt. Chúng ta chắc chắn nên hy vọng như vậy; nền kinh tế không thể tiếp nhận một sự thắt chặt tài chính bừa bãi ở mức khoảng 4% GDP mà không rơi vào một sự suy thoái khác. Vượt qua vách đá tài chính sẽ làm tăng tình trạng thất nghiệp và xóa bỏ một vài món lời to khó kiếm trong bảng quyết toán của những năm gần đây. Tuy nhiên, bằng cách lợi dụng nền tảng chính trị chung với các đối thủ đảng Cộng hòa của ông, tổng thống có thể hạn chế việc thắt chặt tài chính xuống khoảng 1,5% GDP, một mức vẫn có thể giúp thiết lập các cải cách tài chính dài hạn hơn.
Thứ hai, câu chuyện chính thức đối với Trung Quốc cần chuyển trọng tâm từ việc công kích trong mùa bầu cử sang đối thoại có tính xây dựng. Thách thức cơ bản là tạo điều kiện cho các cuộc thảo luận nhằm giảm xuống mức thấp nhất căng thẳng cố hữu giữa một cường quốc đã được hình thành và một cường quốc đang nổi lên – và theo một cách thức củng cố thêm tính ổn định khu vực. Để đạt được mục tiêu này, Obama sẽ cần tiếp cận ban lãnh đạo mới của Trung Quốc, quay trở lại đối thoại từ một vấn đề tâm điểm (tỷ giá ngoại hối) đến các vấn đề quản lý kinh tế rộng hơn.
Thứ ba, chính quyền mới cần làm nhiều hơn để giúp giải quyết cuộc khủng hoảng nợ của châu Âu. Một vài chuyến thuyết giảng trước công chúng khác sẽ chỉ khiến các nhà hoạch định chính sách tức giận thêm. Điều cần thiết là một tiến bộ có ý nghĩa trong việc làm hài hòa hơn những khác biệt về quy chế. Trong nỗ lực này, trên hết Obama cần làm việc với châu Âu trong việc trao cho các thị trường mới nổi tiếng nói có trọng lượng hơn trong các hoạt động của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới.
Thứ tư, và quan trọng nhất, chính quyền mới phải hết sức thành thật với người dân Mỹ về bản chất nhiều năm và đa chiều của những thách thức kinh tế và tài chính Mỹ. Sau tất cả những lời hứa trong chu kỳ bầu cử, người Mỹ cần hiểu rõ hơn quy mô vả phạm vi của vấn đề. Obama cần phải phát biểu trực tiếp với người dân và sau đó chỉ định một người phát ngôn đặc biệt để đảm bảo rằng các công dân và thị trường hiểu được tầm nhìn kinh tế của tổng thống và việc thực thi nó.
Một khi hệ thống giao tiếp tốt hơn đi vào nề nếp, đã đến lúc tăng cường vài luồng gió xuôi. Obama cần khởi xướng một nỗ lực cải cách đụng chạm đến 4 lĩnh vực chủ chốt – và làm điều đó sao cho 1+1+l+l ra kết quả lớn hơn 4. Và điều đó là có thể.
Ông nên bắt đầu bằng việc bổ nhiệm một “ông hoàng công ăn việc làm” (tức Chủ tịch Hội đồng Việc làm và Cạnh tranh của Tổng thống). Nếu có bao giờ một thách thức kinh tế quốc gia đòi hỏi một người được tổng thống trao quyền để phá vỡ tình trạng bị vây hãm bên trong các cơ quan thì đó là cuộc khủng hoảng việc làm của Mỹ. Đối phó với thị trường lao động trục trặc là một trong những ưu tiên hoàn toàn hàng đầu. Một tỷ lệ thất nghiệp cao ngất ngưởng – và tác động mạnh đến thanh niên và những người thất nghiệp dài hạn một cách không tương xứng – đã biến một vấn đề về thiếu hụt cầu trở thành một vấn đề ngày càng mang tính cơ cấu. Mỹ cũng cần tái trang bị lao động và các chương trình tái đào tạo hăng hái trong khi làm cho giáo dục trở nên thiết thực hơn với thế giới đang thay đổi nhanh chóng ngày nay.
Thứ hai, Obama cần nhanh chóng khởi động lại đối thoại về cải cách tài chính trung hạn. Những câu chuyện bầu cử cho thấy rằng một đường hướng từng phần là khả thi bằng cách tập trung trước hết vào chỉ một khía cạnh này hoặc khía cạnh kia của ngân sách. Đừng tin vào điều đó. Tính toán chỉ ra rằng không có cải cách bền vững – một cải cách kết hợp tính bền vững nợ dài hạn, chỉnh đốn thúc đẩy tăng trưởng, và chia sẻ gánh nặng công bằng hơn – mà không tính đến cả lợi nhuận lẫn chi tiêu. Và điều đó bắt đầu bằng việc khôi phục kế hoạch giảm nợ Simpson-Bowles để đem lại khuôn khổ phân tích ban đầu cho một thỏa hiệp chính trị.
Thứ ba, không có cách nào thoát khỏi thực tế là cho vay sẽ tiếp tục bị kiềm chế khi sự điều tiết và áp lực thị trường buộc hệ thống ngân hàng phải giảm lực đòn bẩy hơn nữa. Nhưng việc cấp vốn cho doanh nghiệp nhỏ mà Obama bảo vệ trong chiến dịch tranh cử không nên bị giữ làm con tin đối với hành vi tránh rủi ro của các ngân hàng. Thay vào đó, Obama cần khởi xướng và dẫn đầu một quá trình xây dựng những dòng tín dụng thay thế, một số được cấp vốnbởi khu vực tư nhân, ví dụ, vốn lưu động, trong khi những thứ khác như cơ sở hạ tầng có thể được cấp vốn với mối quan hệ đối tác công-tư.
Cuối cùng, Obama cần xác định các vấn đề dai dẳng về nhà ở, một lĩnh vực có tính quyết định đối với hạnh phúc của người dân, tính lưu động của lao động và tích lũy của cải ổn định. Tin tốt là thị trường này đang trở nên ổn định; tin xấu là sự phục hồi hoàn toàn sẽ không xảy ra nếu thiếu sự miễn nợ có ý nghĩa quan trọng và những quyết định khó khăn về việc phân phối tổn thất.
Đây dường như là một bản danh sách những việc cần làm đầy tham vọng. Nhưng có một khối lượng công việc đầy tham vọng cần được hoàn thành để sửa chữa những năm đòn bẩy tài chính quá mức, đầu tư nghèo nàn, tâm lý phúc lợi trở nên điên rồ, và văn hóa mạo hiểm không kiểm soát được. Obama có lẽ không thể khẳng định một sứ mệnh bầu cử áp đảo, nhưng một chính quyền chủ động với chương trình nghị sự rõ ràng có thể dẫn dắt một Quốc hội chia rẽ, mất uy tín hướng tới sự cộng tác lớn hơn. Thiếu bất cứ điều gì trong đó sẽ khiến thế hệ con cái chúng ta trở nên nghèo khổ hơn thế hệ của chính chúng ta.
* * *
(Tạp chí The Economist, ngày 19/’1/2013)
Nếu Barack Obama mun được nhớ tới như một vị tng thống vĩ đại, ông nên tập trung vào 3 vấn đề dài hạn
Barack Obama đã lần thứ hai tuyên thệ nhậm chức với tư cách là Tổng thống được bầu lên của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ – một vinh dự chỉ dành cho 16 người trước ông. Khi quay trở lại Phòng Bầu dục ông lại phát hiện ra một chuỗi các vấn đề, từ các cuộc đấu tranh trong nước xung quanh mức trần nợ và kiểm soát súng đạn của Mỹ cho tới các cuộc xung đột đẫm máu hơn ở Mali và Xyri. Nhưng hơn bao giờ hết, giờ đây ông sẽ phải sáng suốt hơn để xem xét về dài hạn. Ông Obama sẽ không ứng cử chức tổng thống một lần nữa. Lịch sử sẽ nhìn nhận ông như thế nào?
Chúng ta hy vọng sẽ thuận lợi hơn nếu đánh giá ông tại thời điểm đúng 4 năm trước. Đó không phải là phủ nhận những thành tựu trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông. Hầu như không một tổng thống nào đã phải nhậm chức trong bối cảnh ảm đạm đến như vậy, với nền kinh tế thu hẹp ở mức 5% một năm, công ăn việc làm đang giảm đi với tốc độ 800.000 một tháng và Mỹ đã sa lầy vào hai cuộc chiến tranh không đi đến đâu. Ông Obama đã làm một việc đáng khen ngợi là đưa một bệnh nhân lâm trọng bệnh trở lại hồi phục. Thành tựu lập pháp chính của ông – cải cách chăm sóc y tế – có lẽ chưa giúp được hàng triệu người Mỹ, mặc dù nhận định về điều đó phải chờ cho đến khi nó được thực thi đầy đủ. Tất cả điều này, cùng với một đối thủ không có sức thuyết phục, đã thuyết phục đủ số người Mỹ (và tạp chí The Economist) ủng hộ ông vào tháng 11/2012. Nhưng nhiệm kỳ đầu tiên của ông còn lâu mới đủ thành công để ông Obama giành được ánh hào quang vĩ đại – hoặc bảo vệ ông khỏi khả năng một nhiệm kỳ thứ hai đầy thảm họa quét sạch tất cả những thứ khác.
Di sản của Obama sẽ được xác định một phần bởi các sự kiện. Khi George W.Bush ngồi đọc sách cho những học sinh ở Florida vào ngày 11/9/2001, “cuộc chiến chống khủng bố” không phải là một phần trong vốn từ của ông. Ông Obama có lẽ bị ám ảnh bởi thứ gì đó hoàn toàn bất ngờ tương tự. Nhưng ông Bush cũng thường được miêu tả là một người đã mở rộng chính phủ hơn bất kỳ tổng thống nào từ thời Lyndon Johnson; đó là một di sản đáng ra ông đã có thể tránh được. Thêm vào danh tiếng của ông, ông Bush cũng sẽ được nhớ tới vì đã tăng thêm và cải thiện đáng kể viện trợ cho châu Phi.
Vốn chính trị, giống như thời gian và năng lượng của một nhà lãnh đạo, là một nguồn lực khan hiếm, và danh sách những lĩnh vực mà ông Obama có thể sử dụng chúng một cách có ích là một bản danh sách dài. Cải cách nhập cư sẽ là một món quà to lớn để lại cho nước Mỹ; việc xây dựng khu vực thương mại tự do EU-Mỹ sẽ giúp ích cho phương Tây. Nhưng, 3 vấn đề lớn nổi bật không những có thể đem lại những lợi ích lớn nếu được giải quyết, mà còn có khả năng gây ra tổn thất rất lớn cho di sản của Obama nếu bị xao lãng.
Thứ nhất, cân bằng ngân sách
Cơ bản nhất là Mỹ phải giải quyết vấn đề tài chính của chính mình. Đô đốc Mike Mullen, khi còn là Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, đã không phóng đại khi ông nói vào năm 2010 rằng nợ của Mỹ là mối đe dọa chiến lược lớn nhất mà đất nước này phải đối mặt. Kể từ đó, 3 nghìn tỷ USD đựợc thêm vào, đẩy số nợ chồng chất lên trên 16 nghìn tỷ USD. Phần lớn số đó do tình trạng suy thoái và các tác nhân kích thích để chiến đấu chống lại nó gây ra; nhưng vào cuối thập kỷ này, với ngày càng nhiều người ở thế hệ bùng nổ dân số nghỉ hưu hơn bao giờ hết, thâm hụt có khả năng tăng lên không ngừng. Nếu ông Obama chuyển giao lại một đất nước đang hướng tới vỡ nợ vào tháng 1/2017, ông có thể quên đi bất kỳ ý tưởng nào về việc được nhớ đến như là một vị cứu tinh về kinh tế.
Phớt lờ những khuyến nghị của ủy ban giải quyết thâm hụt ngân sách mà bản thân ông đã thiết lập, ông Obama chưa bao giờ đưa ra bất kỳ dấu hiệu nào, ngoài lối nói hoa mỹ, tỏ ra hoàn toàn nghiêm túc về việc cắt giảm “phúc lợi”: chính các khoản tiền trợ cấp và kế hoạch chăm sóc sức khỏe của chính phủ dành cho người nghèo và người già sẽ áp đảo ngân sách vì độ tuổi dân số và các chi phí y tế tiếp tục tăng không kiểm soát được. Còn lâu mới cải cách được các chương trình phúc lợi, ông Obama còn bổ sung thêm vào một chương trình mới đầy tốn kém trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình: bảo hiểm y tế được trợ cấp dành cho những người lao động thu nhập thấp hơn. Và tổng thống vừa mới tránh đưa ra bất kỳ sự cắt giảm nào trong thỏa thuận đạt được vào ngày 1/1/2013 để ngăn nước Mỹ va vào vách đá tài chính, bất chấp việc ép buộc các đảng viên đảng Cộng hòa trong Quốc hội phải chấp nhận các khoản tăng thuế đối với người giàu.
Một nước Mỹ không thể giải quyết được các vấn đề tài chính của mình ngoài việc né tránh các cuộc khủng hoảng lặp đi lặp lại mà theo sau đó là những sự trì hoãn vụng về, cuối cùng sẽ đi đến tan vỡ. Và khả năng nước này đem lại sự lãnh đạo cho thế giới bị giảm sút một cách đáng kể. Tại sao các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh, Braxilia, Bôgôta hay kể cả Béclin lại thấy được điều gì đó để cạnh tranh ở Oasinhtơn? Nếu ông Obama sửa chữa được điều này, ông sẽ được nhìn nhận như là một nhân vật mang đến sự thay đổi. Nếu không, các thế hệ tương lai sẽ nhìn lại “những năm Bush- Obama” như một thời kỳ mà hai vị tổng thống đã gây ra một thảm họa có thể lường trước được.
Tiếp theo, nhập cuộc
Do những vấn đề của Mỹ, một số người nhấn mạnh việc “xây dựng quốc gia ở trong nước”, như ông Obama thích gọi như vậy, là không thể tránh được. Nhưng một thế giới mà trong đó nước Mỹ hướng nội sẽ là một thế giới ít có thể dự đoán được và ít an toàn hơn nhiều. Ông Obama cũng có nhiều công việc chưa hoàn thành ở nước ngoài từ nhiệm kỳ đầu tiên của mình. Bất chấp tất cả cuộc thảo luận quan trọng về tái thiết lập và những sự thấu hiểu mới, Iran vẫn là một cường quốc hạt nhân đến ngưỡng, nước Nga thù địch, châu Âu bị xao lãng và Trung Đông vẫn luôn căng thẳng. Các cuộc chiến tranh tại Irắc và Ápganixtan đã lắng xuống chẳng để lại chiến thắng cũng như sự ổn định sau khi họ rời đi.
Khối lượng công việc đó là quá sức với bất kỳ người nào, nhưng nổi bật lên hai lĩnh vực mà tổng thống phải thúc đẩy thực sự và trực tiếp trong nhiệm kỳ thứ hai của ông. Một trong số đó là Trung Quốc. Tới tháng 1/2017 nền kinh tế của nước này có lẽ sẽ lớn hơn nền kinh tế của Mỹ. Giờ đây không có mối quan hệ song phương nào trên thế giới quan trọng hơn. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Obama đã tránh bất kỳ thảm họa lớn nào. Giờ đây xung đột tăng lên. Về phương diện tiêu cực, một Trung Quôc dân tộc chủ nghĩa quá khích có thể trở thành một nước tương đương như nước Phổ một thế kỷ trước đây: viễn cảnh xung đột giữa Trung Quốc và đồng minh của Mỹ, Nhật Bản, về vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là có thật. Nhưng ông cũng có cơ hội để biến mối quan hệ đáng ngờ thành một thứ gì đó hữu ích hơn nhiều. Chẳng hạn như, hãy hình dung xem một thỏa thuận về biến đổi khí hậu “G2” sẽ làm được gì cho môi trường.
Hiện nay Tập Cận Bình đã là nhà lãnh đạo của Trung Quốc, nhưng ông Obama chưa nắm được cơ hội để gặp gỡ ông này (năm 2012 ở châu Âu, tân Tổng thống Pháp đã vội vàng tới thăm Thủ tướng Đức vào đúng ngày nhậm chức của ông). Ông Tập sẽ còn nổi bật trong những năm còn lại của thời đại ông Obama và trong 6 năm nữa sau khi ông rời nhiệm sở, vì vậy những hội nghị thượng đỉnh thường xuyên và nhiều cuộc gặp song phương hơn nữa ở tất cả các cấp là cần thiết. “Hợp tác giữa quân đội hai nước” đã suy giảm và phải được cải thiện. Quay trở lại mối quan hệ cá nhân mật thiết từng tồn tại giữa Bill Clinton và Giang Trạch Dân vào những năm 1990 có lẽ là quá nhiều để hy vọng, nhưng ông Obama lạnh lùng cần phấn đấu theo hướng đó. Ông nên dành ít thời gian chơi gôn và dành nhiều thời gian hơn cho Trung Nam Hải.
Lĩnh vực cuối cùng mà ông Obama sẽ bị đánh giá – và nơi ông có thể tạo ra một sự khác biệt to lớn – là thế giới Arập. Một di sản Obama mờ nhạt, tai hại có thể là sự chấm dứt của giải pháp hai nhà nước cho tình trạng hỗn loạn Ixraen-Palextin. Đối với mùa Xuân Arập rộng lớn hơn, ông có lẽ không thể kiểm soát nó, nhưng ông có thể giúp định hướng nó, theo cách giống như Tổng thống Bush (cha) giám sát sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh. Xyri nằm ngoài tầm kiểm soát. Những nước như Ai Cập và Tuynidi bị những người Hồi giáo cai trị, nhưng giờ đây họ là những nền dân chủ và hết sức cần sự giúp đỡ về tài chính. Nếu ông Obama để lại đằng sau một khu vực gồm nhiều Thổ Nhĩ Kỳ thu nhỏ, đó sẽ là một thành tựu đáng chú ý. Trong nhiệm kỳ thứ hai của mình, ông không thể xuất hiện mà không có sự khác biệt, hoặc đầy lo sợ thất bại, đối với một khu vực nguy hiểm đến thế như đã làm trong nhiệm kỳ đầu tiên.
Phán quyết của lịch sử luôn luôn khó đoán. Nhưng nếu ông Obama không vật lộn với 3 vấn đề này – ngân sách, Trung Quốc và Trung Đông – ông chắc chắn sẽ bị nhìn nhận một cách khắt khe. Mỗi một vấn đề đòi hỏi lòng dũng cảm và quyết tâm, và ngay lúc này ông Obama cần bắt đầu giải quyết chúng. Tất cả chúng ta sẽ cầu chúc cho ông gặp điều tốt lành.