THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM (Tài liệu tham khảo đặc biệt)
Thứ Sáu, ngày 1/3/2013
TTXVN (Angiê 28/2)
Theo ông Kevin Rudd, cựu Thủ tướng và cựu Ngoại
trưởng Ôxtrâylia, tình hình ở Đông Á lúc này là không bình thường. Trong
khi xung đột lãnh thổ làm gia tăng căng thẳng ở các biển Hoa Đông và
Nam Trung Hoa (Biển Đông), vùng này ngày càng khiến người ta nghĩ đến
khu vực Bancăng cách đây 100 năm, nhưng là phiên bản biển.
Lý giải điều này trên tạp chí “Statafrik“,
ông Kevin Rudd gọi đó là “thùng thuốc súng trên mặt nước”. Tâm lý dân
tộc chủ nghĩa đang thiêu đốt các vùng lãnh thổ ở đây, đồng thời khiến
không gian chính trị nội tại thu hẹp lại. Mối quan hệ giữa Trung Quốc và
Nhật Bản đang ở mức thấp nhất kể từ khi hai nước bình thường hóa vào
năm 1972. Đầu tư và thương mại song phương giảm đáng kể và chính quyền
các nước trong vùng đang mong mỏi bất kỳ một sự phát triển nào, dù là
nhỏ. Mối quan hệ giữa một bên là Trung Quốc và bên kia là Việt Nam và
Philippin cũng xấu đi đáng kể và tình hình này làm nảy sinh căng thẳng
trong các tổ chức khu vực như Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN). Về
an ninh, khu vực này chưa bao giờ lâm vào tình trạng mong manh kể từ khi
Sài Gòn thất thủ năm 1975.
Tại Bắc Kinh, các vấn đề hiện nay với Tôkyô, Hà
Nội và Manilla cũng rất được quan tâm, đồng thời là chủ đề chính trên
các phương tiện truyền thông chính thức và các mạng xã hội, với lời lẽ
thực sự hiếu chiến. Các vấn đề đó cũng bao trùm các cuộc tranh luận giữa
lãnh đạo Trung Quốc và các vị khách đến từ nước ngoài. Mối quan hệ với
Nhật Bản đặc biệt trở thành trọng tâm của gần như tất cả các cuộc thảo
luận chính thức vì giới chức Trung Quốc tìm cách kiểm nghiệm sự thay đổi
sâu sắc mà họ nghĩ là đã xác định được trong chính sách đối nội của
Nhật Bản và về vị trí của Trung Quốc trong cuộc tranh luận tại Nhật Bản.
Bắc Kinh không muốn các cuộc tranh cãi lãnh thô dẫn đến xung đột vũ
trang, nhưng thể hiện rõ ràng rằng có một ranh giới đỏ không được vượt
qua vì những lý do nội tại, và Trung Quốc sẵn sàng đề phòng mọi bất trắc
xảy ra.
Giống như vùng Bancăng cách đây một thế kỷ, môi
trường chiến lược ở Đông Á là phức tạp do vùng này bị chia rẽ bởi các
liên minh, các mối quan hệ lâu đời và những thù hận chồng chất. Ít nhất
có sáu nước hay thực thể chính trị có tranh cãi về lãnh thổ với Bắc
Kinh. Ba trong số các nước đó là các đối tác chiến lược quan trọng của
Mỹ. Đây là chưa nói đến nhiều tổ chức có chân rết ở mỗi nước trong số
đó. Liên quan đến Trung Quốc chẳng hạn, Nhóm khủng hoảng quốc tế xác
định chỉ riêng ở biển Nam Trung Hoa có tới 8 tổ chức như vậy.
Yêu sách lãnh thổ lại rất nhiều, giống như cái
được mất về tài nguyên khoáng sản, biển và năng lượng. Mỹ nhìn chung vẫn
tỏ thái độ trung lập, nhưng có nhiều đan xen giữa lợi ích cục bộ của
các nước có liên quan và sự cạnh tranh chiến lược tổng thể giữa Mỹ và
Trung Quốc và những đan xen đó là hoàn toàn không dễ kiểm soát. Như để
làm cho sự việc phức tạp thêm, vùng Đông Á bị giằng xé mãnh liệt giữa
hai trào lưu đối lập nhau. Một bên là các lực lượng toàn cầu hóa đang
xích lại gần dân chúng, các nền kinh tế và các Nhà nước ở các nước này,
còn gần hơn cả trong lịch sử. Bằng chứng là sự phát triển thương mại
trong vùng hiện chiếm tới gần 60% lượng trao đổi hàng hóa trong các vùng
lãnh thổ này. Bên kia là các lực lượng dân tộc chủ nghĩa nguyên thủy,
thậm chí mang tính di truyền, vẫn luôn đe dọa làm tan nát vùng này.
Kêt quả là ở vùng này, ý nghĩ về một cuộc xung
đột vũ trang – cho dù dường như trái ngược với lợi ích dân tộc hợp lý
của các nước này vốn đang hưởng sự năng động kinh tế chưa từng thấy –
trở thành chủ đề tranh luận gây lo ngại nhưng thông thường, do các cuộc
xung đột lãnh thổ mới đây cũng như tâm lý thù hận văn hóa và lịch sử ăn
sâu bén rễ trong tiềm thức con người. Hai thế giới hoàn toàn khác biệt
cùng tồn tại ở vùng Đông Á đương đại này.
Rạn nứt đáng lo ngại nhất nảy sinh giữa Trung
Quốc và Nhật Bản cũng như giữa Trung Quốc và Việt Nam. Tháng 9/2012,
Chính phủ Nhật Bản mua lại của một chủ sở hữu tư nhân ba hòn đảo thuộc
Senkaku, một quần đảo nhỏ mà cả hai nước đòi chủ quyền (người Trung Quốc
gọi là Điếu Ngư), về vấn đề này, Trung Quốc kết luận rằng Nhật Bản,
nước trên thực tế kiểm soát các hòn đảo này về phương diện hành chính
trong quãng thời gian dài nhất trong thế kỷ qua, dự tính tăng cường chủ
quyền của mình ở đây.
Đáp lại, Bắc Kinh tung ra cái mà họ gọi là “kết
hợp các cú đánh”: trả đũa về kinh tế, đưa tàu tuần tra biển vào các vùng
tranh chấp, tập trận chung giữa các binh chủng quân đội và biểu tình
rầm rộ, đôi khi đi liền với bạo lực, trước các tòa nhà ngoại giao hạy
thương mại của Nhật Bản ở trong nước. Xuất khẩu của Nhật Bản sang Trung
Quốc đột ngột giảm mạnh trong quý IV/2012. Bỏi lẽ Trung Quốc trở thành
đối tác thương mại hàng đầu của Nhật Bản, nên xuất khẩu suy sụp có thể
sẽ tác động mạnh vào việc giảm tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản trong
cùng thời kỳ đó.
Vào trung tuần tháng 12/2012, Nhật Bản khẳng định
lần đầu tiên kể từ năm 1958 đến nay, máy bay Trung Quốc xâm phạm không
phận Nhật Bản trên các hòn đảo tranh chấp. Sau một sự cố khác, Tôkyô đưa
8 máy bay chiến đấu F-15 đến các hòn đảo này. Hai bên chắc chắn đều
không triển khai tàu chiến, nhưng mối lo ngại trước việc quân sự hóa gia
tăng do khả năng quân sự được chuyển sang tàu kiểu hải giám.
Trong khi giới quân sự Nhật Bản ngày càng chủ
trương không nhân nhượng, Thủ tướng Shinzo Abe, người lên nắm quyền từ
trung tuần tháng 12/2012, tìm cách làm dịu những tuyên bố của mình trước
công luận về Trung Quốc, có thể để cho nước này thấy ông muốn tìm kiếm
một mối quan hệ ổn định. Ngoài ra còn có lá thư hòa giải của Nhật Bản
được ông chuyển tới Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tập Cận Bình,
ngày 25/1 trong chuyến thăm Trung Quốc của lãnh đạo Công Minh Mới, đảng
thành viên liên minh cầm quyền cùng với Đảng dân chủ tự do.
Đây là một bước đi được Bắc Kinh hoan nghênh, về
công khai cũng như trong các cuộc tiếp xúc cá nhân, như tuyên bố của Tập
Cận Bình ngay ngày hôm sau, đã cho thấy rõ. Trung Quốc đề nghị Nhật Bản
chính thức thừa nhận có xung đột lãnh thổ để tăng cường vị thế chính
trị và tư pháp của mình đối với tương lai của các hòn đảo này. Nhưng
Trung Quốc cũng muốn bất đồng hiện nay không đe dọa an ninh trong vùng,
để giữ gìn sự ổn định cần thiết cho mục tiêu hàng đầu của mình là cải
cách kinh tế và tăng trưởng.
Như vậy, bầu không khí có thể dịu đi giữa Trung
Quốc và Nhật Bản về ngắn hạn, nhưng thực tế ngoại giao và chiến lược về
cơ bản vẫn không thay đổi. Cuộc tiến công ngoại giao chưa từng thấy của
cả Thủ tướng Shinzo Abe lẫn Ngoại trưởng Nhật Bản, Fumio Kishida – cả
hai đi thăm 7 nước Đông Á – cho thấy căng thẳng vẫn còn cao giữa hai
nước. Thông báo hồi cuối tháng 1/2013 về việc thành lập lực lượng bảo vệ
bờ biển đặc hiệt của Nhật Bản, bao gồm 12 tàu mới và 600 lính có nhiệm
vụ chuyên trách bảo vệ quần đảo Senkaku, cho thấy vụ việc này con lâu
mới được giải quyết.
Mối lo ngại hiện nay là không một nước nào có thể
tự cho phép mình lùi bước trước dư luận ở trong nước. Trung Quốc cho
rằng Nhật Bản đã xóa bỏ nguyên trạng, còn Nhật Bản nghĩ không liên quan
đến phải nhân nhượng vì mình không có vấn đề gì liên quan đến chủ quyền.
Như vậy, cả hai nước tiếp tục rình rập mọi hoạt động trên không và
ngoài khơi và chỉ cần một sự cố nhỏ cũng có thể nhanh chóng làm cho tình
hình xấu đi.
Để tránh xảy ra điều đó, cả hai nước có thể sẽ
phải kiên trì lập trường của mình trước công luận vì lý do đối nội, đồng
thời lùi từng bước và cùng một lúc trong việc triển khai lực lượng trên
biển và trên không. Mọi thứ sẽ phải tuân theo một kế hoạch được thương
lượng thông qua một bên thứ ba hay mạng lưới ngoại giao của chính hai
nước, trong hậu trường. Nếu thương lượng bí mật như vậy vẫn chưa diễn ra
(và dường như đúng là như vậy), cần phát động tiến trình đó vì lợi ích
của cả hai nước.
Nhật Bản không nên lắp đặt bất kỳ một trang thiết
bị nào, thiết lập bất kỳ một căn cứ nào cũng như không đưa bất kỳ người
lính nào đến các hòn đảo này – vốn là những kế hoạch có lúc được Tôkyô
dự tính – vì điều đó có thể sẽ khiến Bắc Kinh áp dụng biện pháp trả đũa,
từ đó làm cho cuộc khủng hoảng trầm trọng thêm. Nếu các bước đi này có
thể được thực hiện và tình hình ổn định trở lại, lúc đó cần tính đến
việc về lâu dài, mỗi một thể chế môi trường quốc tế chuyên nghiệp quản
lý các hòn đảo này và các vùng phụ cận, đồng thời thống nhất để tàu của
hai nước không vào gần quần đảo này nữa.
Yêu sách lãnh thổ ở biển Nam Trung Hoa còn phức
tạp hơn. Theo một số cơ quan của Mỹ, các nhà lãnh đạo Trung Quốc khẳng
định vùng biển này có trữ lượng tới 213 tỷ thùng dầu mỏ (gấp 10 lần trữ
lượng của Mỹ, nhưng các nhà khoa học Mỹ không tin điều này) và 25.000 tỷ
mét khối khí đốt (nhìn chung bằng trữ lượng đã được khẳng định của
Cata). Biển Nam Trung Hoa cũng chiếm tới 10% lượng cá đánh bắt được hàng
năm trên thế giới. Vùng này hiện là nơi diễn ra các cuộc thăm dò gây
tranh cãi về nguồn tài nguyên năng lượng ở vùng biển sâu. Hoạt động đánh
bắt cá cũng gây ra nhiều vụ đối đầu giữa các tàu. Hơn nữa, không giống
như ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nhiều hòn đảo ở biển Nam Trung Hoa đã
có lính đóng doanh trại và căn cứ hải quân. Sáu bên, trong đó có Đài
Loan, có yêu sách lãnh thổ đối với vùng này. Trung Quốc và Việt Nam là
hai nước xung đột nghiêm trọng nhất. Hai nước đã đụng độ nhau về vấn đề
này vào các năm 1974 và 1988 và đã tiến hành chiến tranh ở biên giới.
Tháng 5/2011 một quan chức cấp cao của Hà Nội tóm lược rất rõ ràng mối
quan hệ Việt Nam-Trung Quốc rằng: “Hai nước là bạn cũ và kẻ thù cũ của
nhau”.
Hiện nay, Trung Quốc rõ ràng có lợi thế hơn Việt
Nam về phương diện kinh tế, đến mức một quan chức Việt Nam mới đây nhấn
mạnh không úp mở rằng Trung Quốc có thể đơn giản đánh sập nền kinh tế
Việt Nam nếu họ muốn. Nhưng không nên từ đó suy ra rằng, xét về tâm lý
thù hận lịch sử, sự phụ thuộc về kinh tế đó có thể có khả năng ngăn chặn
mọi hành động ngoại giao hay quân sự của Việt Nam trong vấn đề biển Nam
Trung Hoa.
Mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc xấu đi kể
từ khi tàu đánh cá Trung Quốc cắt cáp thăm dò địa chấn của tàu Việt Nam
vào tháng 5/2011, rồi tháng 12 cùng năm đó. Theo hãng Reuters, Việt Nam
sau đó tuyên bố bắt đầu từ tháng 1/2013 sẽ triển khai tàu dân sự được
cảnh sát biển hộ tống để ngăn chặn tàu nước ngoài thâm nhập vùng lãnh
hải của mình. Ấn Độ, đối tác của Việt Nam trong một số dự án thăm dò,
cũng nói sẽ tính đến việc đưa tàu đến biển Nam Trung Hoa để bảo vệ lợi
ích của mình.
Cùng lúc đó, tỉnh Hải Nam của Trung Quốc cảnh báo
từ năm 2013, tàu bảo vệ bờ biển của địa phương này bắt đầu chặn, khám
xét và xua đuổi tàu nước ngoài xâm phạm vùng lãnh hải của Trung Quốc, kể
cả trong các vùng biển tranh chấp. Những thông báo không giống nhau này
về phương thức khám xét tàu thuyền nước ngoài, vốn mâu thuẫn nhau, cho
thấy năm 2013 sẽ còn xảy ra xung đột lớn. Việt Nam và Trung Quốc đang
rình rập nhau và những người theo dõi chặt chẽ tiến triển mối quan hệ
này lo ngại sẽ lại xảy ra xung đột vũ trang.
Để tránh leo thang, đã đến lúc Bắc Kinh và Hà Nội
phải nhượng bộ nhau. Hai nước trước hết cần thống nhất với nhau để xác
định vấn đề cần ưu tiên là soạn thảo bộ quy tắc ứng xử rất được mong đợi
giữa ASEAN và Trung Quôc ở biến Nam Trung Hoa, một văn bản phải bao gồm
cả các dự án khai thác nguồn năng lượng chung trên một vùng lãnh thổ mà
hai nước tranh chấp, Chính phủ hai nước cần xác định một dự án chung
duy nhất và bắt đầu thương
lượng cụ thể phương thức thực hiện. Nếu điều đó
là quá khó, hai nước cần tham khảo nhau để hoạch định một dự án đánh bắt
cá chung trong một vùng duy nhất được xác định rõ ràng. Điều sẽ cho
phép quên đi những vấn đề chủ quyền nhạy cảm hơn là vấn đề khai thác tài
nguyên.
Nói cách khác, bắt đầu xây dựng lòng tin bằng
cách hợp tác trong một dự án thực sự hay hơn là chờ đợi cuộc thương
lượng qua con đường ngoại giao vốn phức tạp của bộ quy tắc ứng xử kết
thúc. Nếu cách tiếp cận này mang lại kểt quả, một số dự án phát triển
chung giữa hai nước có thể được thực hiện với một số nước khác nếu họ
muốn.
Nhưng tất cả điều đó cũng có thể không thực hiện
được. Chủ nghĩa dân tộc có thể sẽ thắng thế. Các nhà hoạch định chính
sách có thể bằng lòng để cho sự việc tự diễn biến như họ đã làm cách đây
một thế kỷ. Trong cuốn sách mới nhất của mình có tựa đề “The
Sleepwalkers: How Europe Went to War in 1914″, nhà sử học Christopher
Clark thuật lại chủ nghĩa dân tộc nhỏ nhen ở khu vực Bancăng kết hợp với
trò chơi chính trị của các cường quốc và sự thiếu khéo léo ngoại giao
của các nhà lãnh đạo lúc đó, đã dẫn đến vụ thảm sát trên quy mô lớn
trong Chiến tranh thế giới thứ Nhất.
Vào thời kỳ đó, toàn cầu hóa kinh tế còn sâu rộng
hơn hiện nay và chính phủ các nước châu Âu, cho đến năm 1914, cho rằng
một cuộc chiến tranh trên toàn châu Âu là không thích hợp và như vậy là
không thể nổ ra. Theo cựu Thủ tướng Kevin Rudd, có lẽ chiến tranh sẽ
không nổ ra trên toàn châu Á. Nhưng đối với người dân trong vùng đang
phải đối mặt với căng thăng leo thang ở các biển Hoa Đông và Nam Trung
Hoa, lịch sử châu Âu là một lời cảnh báo đáng được suy ngẫm.