Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2013

9. Mỹ lợi dụng vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên để đạt mục tiêu trở lại châu Á - Thái bình Dương

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM (Tài liệu tham khảo đặc biệt)
Thứ Năm, ngày 11/4/2013
TTXVN (Niu Yoóc 10/4)
Theo “Tạp chí Á-Âu” ngày 1/4, Chính phủ Mỹ mô tả Bắc Triều Tiên như một kẻ khiêu khích và xâm lược làm tăng các mối đe dọa và hành động quân sự trên bán đảo Triều Tiên và tất nhiên họ sử dụng các tuyên bố của Bình Nhưỡng như một bằng chứng về ý đồ phát động chiến tranh.
Nhưng các sự kiện diễn ra hiện nay cũng có thể được coi là sự tiếp tục của chiến lược “trở lại châu Á” của Chính quyền Obama, được mở đầu bằng chuyến thăm Mianma, Thái Lan và Campuchia của Tổng thống tháng 11/2012 – nơi ông cố gắng thiết lập sự hiện diện lớn hơn của quân đội Mỹ xung quanh các nước ở khu vực Biển Đông nhưng không thành công.
Kể từ sau vụ phóng tên lửa 3 tầng tháng 12/2012 và thử nghiệm hạt nhân dưới lòng đất tháng 2/2013 của Bắc Triều Tiên, các mối đe dọa, tuyên bố và hành động khiêu khích quân sự đang leo thang nhanh chóng trên bán đảo Triều Tiên. Đầu tháng 3/2013, Liên hợp quốc thông qua các biện pháp cấm vận mới chống Bắc Triều Tiên, sau đó Bình Nhưỡng tuyên bố có quyền phát động một đòn tấn công phủ đầu nhằm vào lãnh thổ Mỹ. Nhưng Bắc Triều Tiên không phải là nước duy nhất đưa ra những tuyên bố cứng rắn, tân Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye cũng quả quyết Xơun sẽ tấn công mạnh mẽ và trực tiếp đội ngũ lãnh đạo Bắc Triều Tiên nếu bị khiêu khích. Sau đó vài ngày, lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ bắt đầu cuộc diễn tập quân sự với Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản ở Hokkaido. Bình Nhưỡng nhanh chóng triển khai lực lượng pháo binh tầm xa và các bệ phóng tên lửa nhiều tầng từ các căn cứ ở đảo Baengnyeon – nơi đã xảy ra nhiều cuộc xung đột trước đây và yêu cầu người dân Hàn Quốc trong khu vực sơ tán. Tổng thống Park quyết định nới lỏng các quy tắc can dự ở vùng biển phía Tây. Sau đó vài ngày, 10.000 binh sĩ Hàn Quốc và hơn 3.000 lính Mỹ bắt đầu cuộc.tập trận chung hàng năm Mỹ-Hàn Quốc mang tên Đại bàng Non trên bán đảo. Các phương tiện truyền thông phương Tây cho biết Bắc Triều Tiên lên án mạnh mẽ và coi cuộc tập trận quân sự này là bất ngờ, nhưng thực tế Bắc Triều Tiên phản đối cuộc diễn tập là hành động khiêu khích không cần thiết mỗi năm. Chỉ vài ngày sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tuyên bố Lầu Năm Góc tăng cường triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở Alaska để chống lại bất cứ mối đe dọa tên lửa nào từ Bắc Triều Tiên. Hơn 10 ngày qua, tình hình leo thang đáng kể do các cuộc diễn tập hải quân của Mỹ và Hàn Quốc ở các vủng biển xung quanh bán đảo Triều Tiên, kể cả các máy bay B-52 của Không quân Mỹ hoạt động trên không phận Hàn Quốc để thực hành huấn luyện đánh bom và ngày 28/3, hai máy bay ném bom chiến lược B-52, loại máy bay tàng hình chở bom hạt nhân hiện đại nhất trong kho vũ khí của Mỹ, tiến hành 2 vụ đánh bom chính xác các mục tiêu chỉ định trong các cuộc diễn tập quân sự.
Hoạt động của quân đội Mỹ được tăng cường trên bán đảo Triều Tiên sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Hagel tuyên bố Mỹ rất lo ngại trước những hành động khiêu khích của Bắc Triều Tiên. Để trả đũa, Bắc Triều Tiên cắt đứt các đường dây quân sự nóng với Hàn Quốc và tuyên bố Bắc Triều Tiên trong tình trạng chiến tranh với Hàn Quốc bằng cách hủy bỏ Hiệp định đình chiến. Hai bên cũng cho biết họ là nạn nhân của các cuộc tấn công mạng, từ đó tăng thêm những căng thẳng hiện nay. Theo quan điểm của Bắc Triều Tiên, tình trạng leo thang hiện nay trên bán đảo Triều Tiên bắt nguồn từ Mỹ – nước đã đánh bom Bắc Triều Tiên trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên năm 1950. Hơn 5 triệu người thiệt mạng trong cuộc xung đột này và cuộc chiến tranh năm 1950 cũng được bắt đầu dưới chiêu bài các cuộc diễn tập quân sự giống các cuộc chiến tranh xảy ra gần đây. Có lý do để tin rằng Bắc Triều Tiên coi hành động xâm lược bằng quân sự và các đợt di chuyển lực lượng là mối đe dọa thực sự đối với an ninh của nước này. Nếu ngồi ở Bình Nhưỡng, người ta có thể dễ dàng nhầm lẫn những hành động khiêu khích hiện nay ở Bình Nhưỡng nhằm chuẩn bị cho một cuộc tấn công. Lịch sử và các kịch bản của quân đội Bắc Triều Tiên có xu hướng ủng hộ nhận thức này. Kịch bản “trò chơi” diễn ra trên bán đảo Triều Tiên thông qua những hành động leo thang đang gia tăng rủi ro cho cả hai bên. Vấn đề sẽ làm cho kịch bản này thậm chí rủi ro hơn là các đối thủ của cả hai bên không hiểu nhau do không có mối quan hệ cá nhân nào. Hai bên cũng không có các diễn đàn để tổ chức các cuộc hội đàm nhằm giảm bớt căng thẳng. Nga và Trung Quốc đang kêu gọi hai bên kiềm chế. Thời gian này một số nhà bình luận chính trị Trung Quốc cho rằng Mỹ phải chịu trách nhiệm trước những hành động khiêu khích Bắc Triều Tiên. Tất nhiên nhiều người cũng cảm thấy khó hiểu về những hành động hiện nay của Mỹ. Bởi vì tình hình tiếp tục leo thang hơn nữa có thể gây nên những phản ứng sai lầm và dẫn đến một cuộc xung đột quân sự trên bán đảo Triều Tiên hoặc toàn khu vực.
Trước đây, Chính quyền Clinton đã thể hiện sự thông minh và kiềm chế khi quyết định hoãn các cuộc diễn tập quân sự để xoa dịu mối lo ngại của Bình Nhưỡng. Nhưng Chính phủ Mỹ hiện nay không thể hiện sự thông minh như vậy để chấm dứt cuộc khủng hoảng. Vì vậy câu hỏi tiếp theo là liệu kế hoạch diễn tập của Mỹ được dựa trên cơ sở hiểu sai về những hậu quả hay là chủ ý? Nếu xét các sự kiện đang xảy ra trên bán đảo Triều Tiên và triển vọng khu vực, mối lo ngại thực sự của Mỹ có thể là Trung Quốc. Sự leo thang của người Triều Tiên là một cái cớ thích hợp cho Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự ở Đông Á, tại thời điểm khi các chương trình cắt giảm ngân sách của Quốc hội đang hạn chế việc triển khai và hoạt động của các thiết bị quân sự trong khu vực và một số chính phủ như Nhật Bản thậm chí không muốn sự hiện diện của quân đội Mỹ trên lãnh thổ của họ. Tình hình leo thang hiện nay sẽ khích lệ Hàn Quốc tiếp tục quân sự hóa và không có gì ngạc nhiên nếu Nhật Bản được yêu cầu đóng vai trò quân sự lớn hơn nhiều trong khu vực, từ đó tăng sức ép đòi chính phủ sửa đổi hiến pháp. Tình hình leo thang trên bán đảo Triều Tiên sẽ cho phép các thiết bị quân sự của Mỹ được triển khai gần hơn với Trung Quốc và tạo lý do chính đáng cho Chính quyền Obama ngừng cắt giảm chi tiêu quân sự để đối phó với “kẻ thù mới” của Mỹ. Do Mỹ đang chuyển chính sách nội địa sang chủ nghĩa khủng bố trong nước, mối đe dọa quốc tế mới là cần thiết. Và nhà lãnh đạo Kim Châng Un hoàn toàn phù hợp với ý đồ này. Đừng lo ngại Bắc Triều Tiên không có khả năng thực hiện một đòn tấn công đầu tiên vào Mỹ. Cũng như trước đây tại Irắc, các chi tiết có thể bị bưng bít. Nhãn hiệu “đế chế ma quỷ” do Reagan tạo ra, được Bush tiếp tục và sẵn sàng được Chính quyền Obama sử dụng. Tình hình leo thang đang tạo thuận lợi cho Chính quyền Obama, bởi vì ông có thể yêu cầu nhiều ngân sách hơn nữa để tăng cường khả năng quân sự trong thời gian xuất hiện mối đe dọa đối với Mỹ. Nếu được cấp ngân sách, điều này sẽ cho phép phân bổ các nguồn cần thiết để nâng cao hiệu quả của chiến lược trở lại châu Á của Obama. Một trong những điều mỉa mai về chiến lược trở lại châu Á của Obama là chiến lược đang sử dụng các công cụ cũ tương tự của các chính quyền trước đây. Obama, người tự coi mình là nhà kiến tạo hòa bình vĩ đại trong chiến dịch tranh cử năm 2008, đã trở thành kẻ nói khoác.
Tất cả các cam kết và kiềm chế và thậm chí đối thoại với “các kẻ thù” của Mỹ đã bị quên từ lâu. Obama tán thành việc trở thành người theo chủ nghĩa tự do vĩ đại, nhưng những hành động của ông không phù hợp với lời nói và ông không làm được gì trong chính sách đối ngoại ngoài việc tiếp tục học thuyết hành động quân sự mạnh mẽ của bộ đôi Bush-Cheney. Nếu ai có thể
nhận thấy những gì Chính quyền Obama phải đạt được qua tình hình leo thang này, rất khó tìm ra lý do để giải thích. Trò chơi này rất quan trọng cho các mục tiêu chính sách đối ngoại rộng lớn của Chính quyền Obama, đặc biệt khi Tổng thống không tạo được bất cứ sự hiện diện lớn hơn nào của Mỹ trong khu vực ASEAN trong chuyến thăm khu vực của ông vào tháng 11/2012. Chắc chắn Tổng thống Obama sẽ có nhiều người ủng hộ trong ngành công nghiệp quân sự ở Mỹ. Một trong những người hiếu chiến nhất trong số các tướng lĩnh và các tổng thống Mỹ, Dwight D. Eisenhower, đã cảnh báo người dân Mỹ về ảnh hưởng nguy hiểm của nhóm này trong bài diễn văn chia tay. Chiến lược này của Mỹ có thể thực sự phản tác dụng trong việc đem lại cơ hội hòa bình cho bán đảo Triều Tiên. Sự leo thang quân sự đang làm tăng uy tín của nhà lãnh đạo mới của Bắc Triều Tiên và rõ ràng sẽ gia tăng sức mạnh quân sự và chính trị của ông. Ngoài ra, sự khiêu khích của Mỹ có thể thúc đẩy quyết tâm của một số đồng minh kiên quyết ủng hộ Bắc Triều Tiên và thậm chí còn giành được sự thông cảm từ những nước khác. Thực tế ông Kim Châng Un cũng là một nhà lãnh đạo rất trẻ trên thế giới, một trong những hậu quả tiềm tàng của sự leo thang này là các tổng thống trong tương lai sẽ gặp khó khăn trong việc tham gia các cuộc thảo luận trực tiếp với nhà lãnh đạo Bình Nhưỡng, một vấn đề rất cần thiết cho bất kỳ nền hòa bình lâu dài nào trên bán đảo Triều Tiên. Các sự kiện trong vài tuần qua trên bán đảo Triều Tiên có thể nói lên phong cách và các mục tiêu của Chính quyền Obama trong nhiệm kỳ hai này. Trò chơi hiện nay của Mỹ thực sự đầy rủi ro và không chắc chắn. Bắc Triều Tiên đang lên tiếng đe dọa trả đũa để cảnh báo Mỹ về các hậu quả của trò chơi nguy hiểm này. Hãy xem Chính quyền Obama sẽ đạt được bao nhiêu mục tiêu ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương qua “chiến lược trò chơi” này.
TTXVN (Cairô 9/4)
Trong một bài viết đăng trên mạng tin “Toàn cầu hóa“, tác giả Symonds Peter cho rằng Mỹ tăng cường hệ thống chống tên lửa đạn đạo ở châu Á-Thái Bình Dương nhằm đe dọa Trung Quốc, Nga và Bắc Triều Tiên. Tác giả viết: Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã thông báo rằng Lầu Năm Góc sẽ tăng thêm số lượng trong hệ thống tên lửa đánh chặn đạn đạo, được triển khai trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương vào khoảng 50% đến năm 2017. Thêm vào đó là 14 tên lửa đánh chặn sẽ được lắp đặt tại Fort Greely ở bang Alaska trong tổng số 26 tên lửa hiện có. Ba tên lửa khác đã được lắp đặt tại bang California.
Hagel đã sử dụng việc thử nghiệm hạt nhân của Bắc Triều Tiên tháng trước và vụ phóng vệ tinh của nước này trong tháng 12/2012 như một lý do cho việc mở rộng các hệ thống tên lửa chống đạn đạo. Ông nói: “Bắc Triều Tiên, đặc biệt gần đây, đã đạt được những tiến bộ trong khả năng của mình và tham gia một loạt các hành động khiêu khích vô trách nhiệm và thiếu thận trọng”. Bình luận này hoàn toàn đáng ngờ. Chính quyền của Tổng thống Obama đang khai thác hạn chế khả năng hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên để biện minh cho việc xây dựng các hệ thống chống tên lửa tinh vi trên toàn khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhằm mục đích chủ yếu chống lại kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc. Phản ứng trước các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hồi đầu tháng 3, Bắc Triều Tiên tuyên bố rằng nước này có quyền tự bảo vệ mình, kể cả “một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu nhằm vào tổng hành dinh của kẻ thù xâm lược”. Tuy nhiên, Chính quyền Obama chỉ cần bác bỏ mối đe dọa. Hagel và không một quan chức nào khác của Lầu Năm Góc gợi ý rằng Bình Nhưỡng thực sự có khả năng để thực hiện một cuộc tấn công vào Oasinhtơn. Ngoài ra, Lầu Năm Góc có kế hoạch mở rộng số lượng tên lửa đánh chặn trước và trong khi khởi động tên lửa của Bắc Triều Tiên và thử nghiệm hạt nhân. Một quan chức quốc phòng Mỹ nói với tờ “Washington Post” rằng việc mở rộng “đã có kế hoạch trong khoảng 6 tháng”. Nói cách khác, Bắc Triều Tiên chỉ đơn giản là một lý do thuận tiện cho việc thông báo. Hagel cũng thông báo rằng Mỹ sẽ triển khai thêm một hệ thống cảnh báo sớm tại Nhật Bản – một hệ thống rađa X-band tinh vi có khả năng theo dõi các tên lửa đạn đạo. Mỹ đã có một hệ thống được cài đặt ở miền Bắc Nhật Bản và đang có kế hoạch lắp đặt hệ thống thứ hai ở phía Nam của nước này. Tháng 8/2012, Lầu Năm Góc đã làm rò rỉ thông tin chi tiết kế hoạch phòng thủ tên lửa đạn đạo của mình với tờ “Wall Street Journal.  Theo báo này, Mỹ cũng đang tìm cách để xây dựng một trạm rađa X-band thứ ba ở Đông Nam Á, có thể ở Philippin. Mỗi hệ thống cảnh báo sớm được bổ sung tăng cường đáng kể khả năng của quân đội Mỹ theo dõi quỹ đạo của tên lửa đạn đạo để tiêu diệt chúng bằng các tên lửa đánh chặn.
Mỹ đang phát triển và xây dựng các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo được phối hợp chặt chẽ với các đồng minh chính ở châu Á, đặc biệt là Nhật Bản. Về dài hạn, ngoài hệ thống tên lửa đánh chặn trên đất liền tại Bắc Mỹ, Mỹ và Nhật Bản còn có hệ thống chống tên lửa trên tàu và đang tìm cách tăng cường năng lực của các tên lửa này. Hải quân Mỹ gần đây đã tăng số lượng tàu khu trục lớp Arleigh Burke trang bị hệ thống phóng tên lửa tại các vùng biển ngoài khơi bán đảo Triều Tiên, trong khuôn khổ các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc. Quân đội Mỹ cũng có bệ phóng tên lửa Patriot tại Hàn Quốc. Việc nói rằng Mỹ chi hàng chục tỷ USD cho phòng thủ tên lửa đạn đạo để chống lại các mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên và hệ thống phòng thủ tên lửa đang được xây dựng ở châu Âu để chống lại các mối đe dọa từ Iran là vô lý. Những hệ thống này chủ yếu nhằm vào Trung Quốc và Nga, những nước có khả năng tấn công Mỹ với vũ khí hạt nhân. Phát biểu với tờ “Wall Street Journal” tháng 8/2012, một quan chức Mỹ giấu tên thừa nhận rằng bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo nào nhằm vào Bắc Triều Tiên cũng nhằm vào Trung Quốc, do vị trí địa lý. Quan chức này nói: “Bạn có thể ngăn chặn Bắc Triều Tiên và Trung Quốc, hoặc bạn không thể ngăn chặn một trong hai nước”.
Tuyên bố rằng các hệ thống này hoàn toàn là phòng thủ cũng là lời nói dối. Bất kỳ cuộc tấn công hạt nhân trên quy mô lớn nào của Nga hay Trung Quốc sẽ áp đảo số lượng tên lửa đánh chặn hạn chế của Mỹ. Trái lại, sự phát triển khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo là một thành tố của sự hiếu chiến để bảo vệ cái gọi là “tính ưu việt hạt nhân”, có nghĩa là khả năng khởi động một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu có thể hủy diệt kẻ thù và khiến đối phương không thể trả đũa. Hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của Mỹ ở châu Á và châu Âu được thiết kế chủ yếu để vô hiệu hóa một loạt đạn tên lửa hạn chế, được bắn bởi một kẻ thù đã bị thiệt hại nặng do một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu của Mỹ. Đó là lý do tại sao cả Nga và Trung Quốc kịch liệt phản đối việc triển khai các hệ thống chống tên lửa. Tại Bắc Kinh, thông báo của Hagel chỉ làm tăng thêm các cuộc tranh luận trong giới cầm quyền về Bắc Triều Tiên. Một số cơ quan của bộ máy quan liêu của Trung Quốc công khai cho rằng đồng minh của mình, Bình Nhưỡng, đã trở thành một thứ thụ động cần được cắt rời.”
Các nhà phê bình Trung Quốc nhấn mạnh rằng chương trình vũ khí của Bắc Triều Tiên không chỉ cung cấp cho Mỹ và các đồng minh một cái cớ cho việc lắp đặt các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo ở châu Á mà còn có thể tạo ra cho Nhật Bản và Hàn Quốc một lý do để xây dựng vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, Bắc Kinh lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu chế độ Bắc Triều Tiên, phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc về kinh tế, bị sụp đổ, kết quả có thể là một làn sóng tị nạn vào miền Bắc Trung Quốc và có khả năng xuất hiện của một chế độ thân Mỹ trên biên giới phía Bắc của Trung Quốc. Ở giai đoạn này, không có quyết định nào được đưa ra, nhưng việc tăng cường áp lực từ Oashinhtơn làm cho vấn đề cấp bách hơn và bùng nổ.
Mỹ tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo nằm trong khuôn khổ mở rộng “trục đến châu Á” của chính quyền Obama liên quan đến nỗ lực ngoại giao toàn diện khắp khu vực để làm suy yếu ảnh hưởng của Trung Quốc và củng cố một hệ thống các liên minh quân sự nhằm bao vây Trung Quốc. Điều này được kết hợp với chiến lược “tái cân bằng” lực lượng quân sự của Mỹ tại châu Á cũng như trong khu vực để đảm bảo Mỹ có một loạt lựa chọn từ một cuộc phong tỏa hải quân Trung Quốc đến một cuộc chiến tranh hạt nhân trên quy mô lớn.
Bắc Kinh buộc phải trả lời. Trong tháng 1/2013, Tân Hoa Xã, hãng thông tấn chính thức của Trung Quốc, thông báo rằng quân đội nước này đã thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo đánh chặn trên mặt đất. Tuy nhiên, chuyên gia lực lượng không quân Fu Qianshao nói với các phương tiện truyền thông rằng hệ thống của Trung Quốc vẫn còn ơ trong giai đoạn trứng nước và tụt hậu so với Mỹ. Trong lĩnh vực công nghệ quân sự, cũng như một số lĩnh vực khác, chính quyền của Tổng thống Obama đang kích động một cuộc chạy đua vũ trang nguy hiểm làm gia tăng nguy cơ của chiến tranh.
***
TTXVN (Angiê 9/4)
Một số cơ quan tình báo cho rằng những hành động khoa chân múa tay của Bắc Triều Tiên chỉ nhằm mục đích biện minh cho sự có mặt của Mỹ ở châu Á không có lợi cho Trung Quốc.
Lý giải vấn đề này trên tạp chí “Địa chính trị“, ông Alexandre del Valle, nhà địa chính trị học nổi tiếng, cho rằng từ cuối tháng 3/2013, khi nhà độc tài “vĩnh cửu” ở Bình Nhưỡng, Kim Châng Un, đe dọa sẽ đánh đòn hạt nhân vào Hàn Quốc và Mỹ, người ta không loại trừ kịch bản một cuộc “chiến tranh thế giới thứ ba” hay một com chấn động khu vực, cho dù những hành động có tính chất đe dọa, thường là không thể lường trước được, của chế độ Bình Nhưỡng chủ yếu là để nhận được lợi lộc (xóa bỏ các biện pháp trừng phạt, viện trợ lương thực và tài chính của quốc tế…).
Nhưng trong vô vàn những luận thuyết sâu xa lan truyền trên mạng và trong một số cơ quan tình báo, đằng sau tính phi lý bề ngoài của chế độ Bình Nhưỡng là một “liên minh khách quan” giữa một bên là Bắc Triều Tiên độc tài và bên kia là Mỹ và Hàn Quốc.
Theo luận thuyết trên, mối đe dọa nảy sinh từ chế độ Bình Nhưỡng, nước được Trung Quốc hỗ trợ từ năm 1948, có thể được dùng để biện minh cho sự có mặt về quân sự của Mỹ trong khu vực và có thể không mang tính thù địch như người ta tưởng đối với lợi ích của Hàn Quốc, và các căn cứ quân sự của Mỹ cho phép chế độ Xơun hạn chế chi phí quân sự tốn kém của mình. Quả thực người ta không thể phủ nhận rằng Hàn Quốc rất muốn chế độ cộng sản ở miền Bắc sụp đổ, nhưng Hàn Quốc cũng có thể bị tổn thất về kinh tế nếu điều đó xảy ra. Bởi lẽ chi phí để có được sự sụp đổ của chế độ Bình Nhưỡng – và quá trình thống nhất chắc chắn phải được Hàn Quốc chi trả – có thể dao động trong khoảng 500 và 3.000 tỷ USD, đồng thời có thể kìm hãm thực sự tăng trưởng kinh tế của “con rồng” Hàn Quốc, từ đó làm giảm tính cạnh tranh của các doanh nghiệp nước này.
Thêm vào đó là sự cạnh tranh giữa Nhật Bản và Hàn Quốc. Theo ông Alexandre del Valle, cũng là nhà nghiên cứu thuộc Viện Choiseul, Nhật Bản lo sợ kẻ thù Bắc Triều Tiên, thường đe dọa họ về phương diện quân sự, nhưng cũng rất sợ hai miền Triều Tiên thống nhất vì như vậy địch thủ kinh tế chính của mình là Hàn Quốc có thể sẽ nhân đôi sức mạnh địa chính trị của họ. Hơn nữa, sản phẩm của Hàn Quốc, vốn rẻ hơn hàng hóa của Nhật Bản, có thể có được sức cạnh tranh mạnh hơn nữa nhờ nhân công rất rẻ là người Bắc Triều Tiên nghèo khổ. Trong kịch bản đó, Goldman Sachs xếp Hàn Quốc đứng hàng thứ 8 thế giới về kinh tế vào năm 2050, trước cả Đức và Nhật Bản. Hơn nữa, hai miền Triều Tiên thống nhất, với vũ khí nguyên tử, có thể sẽ buộc Nhật Bản phải trang bị vũ khí hạt nhân. Điều này có thể sẽ rất tốn kém đối với Nhật Bản, nước vốn không muốn như vậy do khủng hoảng kinh tế cũng như do phải từ bỏ dần hạt nhân dân sự (kể từ khi xảy ra thảm họa môi trường Fukushima).
Về phần mình, có thể Mỹ chơi trò hai mặt chăng? Một số chuyên gia không loại trừ khả năng Mỹ để mặc Bắc Triều Tiên trong nhiều năm, thậm chí còn giúp nước này có được ngành công nghiệp hạt nhân, đến mức chế độ Bình Nhưỡng không cần Mỹ can thiệp (trái ngược với Irắc…) mà vẫn có được vũ khí nguyên tử. Ông Alexandre del Valle, giảng dạy môn quan hệ quốc tế tại trường Đại học Metz, giải thích vì trên thực tế, Bắc Triều Tiên nằm trong số các “kẻ thù hữu ích” vốn là mối đe dọa có thể được dùng làm cái cớ để Mỹ có mặt về quân sự ở phía Nam Trung Quốc… “Vành đai châu Á hay Vùng ven” – đối mặt với “Vùng trung tâm” mới của Trung Quốc, có thể đóng vai trò không những kiềm chế mối đe dọa Bắc Triều Tiên – vừa là mối nguy hiểm thực sự vừa là cái cớ giúp Mỹ duy trì căn cứ quân sự của mình, mà còn bao vây kẻ thù địa chính trị thực sự của Mỹ: đó là Trung Quốc, đồng minh của Nga trong Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO), liên minh của các cường quốc thuộc Liên Xô trước đây và Trung Quốc, đối trọng với sự bá quyền Mỹ.
Từ đó, trong một số giới mới có ý tưởng điên rồ rằng nhà độc tài trẻ tuổi ở Bắc Triều Tiên, người được nuôi dưỡng trong một thời gian dài tại Thụy Sĩ và được các cơ quan tình báo Mỹ để mắt đến, có thể bị điều khiển từ xa bởi kẻ thù của chính chế độ Bình Nhưỡng… Chắc chắn là luận thuyết này không phù hợp với mục tiêu chủ chốt hiện nay của Oasinhtơn và các đồng minh trong khu vực là thuyết phục Bắc Kinh gây áp lực với Bình Nhưỡng để chế độ độc tài này từ bỏ chiến lược hạt nhân của “kẻ điên rồ”. Một cách chính thức, Oasinhtơn ôm mộng thay thế chế độ Bình Nhưỡng bằng một chế độ khôn ngoan hơn, tuy bắt buộc phải thân Trung Quốc và độc tài, nhưng có thể từ bỏ tham vọng hạt nhân để đổi lấy viện trợ kinh tế và xóa bỏ các biện pháp trừng phạt của quốc tế.
Nhưng một cách không chính thức, các chiến lược gia Mỹ biết Trung Quốc có thể thấy trong đó có hai cái lợi: tránh được một cuộc chiến tranh thế giới giữa Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và Mỹ mà trục Trung Quốc – Bắc Triều Tiên chắc chắn sẽ thua, rồi xóa bỏ việc biện minh cho sự có mặt về quân sự của Mỹ trong khu vực về phương diện tinh thần và chiến lược… Kịch bản xoa dịu đó – mà một số nhà lãnh đạo và chiến lược gia Trung Quốc không loại trừ – trên thực tế không thuyết phục được hoàn toàn hay không hề thuyết phục được cả chế độ Bình Nhưỡng – đang ngày càng thoát khỏi sự kiểm soát của Trung Quốc và điều này cũng là hiển nhiên – lẫn Mỹ, nước có thể mất đi tính hợp pháp và cái cớ để biện minh cho việc mình có mặt về quân sự trên bán đảo Triều Tiên.
Trong khi đó, ông Alexandre del Valle, tác giả nhiều cuốn sách về sự yếu kém của các nền dân chủ, vùng Bancăng, Thổ Nhĩ Kỳ và khủng bố Hồi giáo, cho đây có thể là một cuộc chơi hợp lý hơn người ta tưởng của Trung Quốc. Một mặt, Trung Quốc có lợi ích khi bảo vệ đồng minh Bắc Triều Tiên phụ thuộc mà mình có thể gây áp lực, vì chế độ Bình Nhưỡng không thể sống được nếu không có hàng trao đổi và viện trợ của Trung Quốc. Nước này quả thực nhận thấy Bắc Triều Tiên là một con tốt chiến lược và giả bộ không ủng hộ đối tác gây phiền toái này, nhưng luôn phản đối việc thực hiện các biện pháp trừng phạt quốc tế thực sự cứng rắn và có thể khiến chế độ Bình Nhường sụp đổ. Trung Quốc chưa bao giờ muốn, cũng không bao giờ có lợi ích, nếu cắt đứt với Bắc Triều Tiên, nước cho Trung Quốc quản lý một số cơ sở cảng biển của mình và từ đó giúp Trung Quốc có lợi thế thương mại đối với các đối thủ cạnh tranh Nhật Bản và Hàn Quốc. Đối với Trung Quốc, về phương diện chiến lược, Bắc Triều Tiên là một tiền đồn thân Trung Quốc trên đường biên giới Đông-Nam, trước các đồng minh quân sự của Mỹ là Hàn Quốc (nơi có 30.000 lính Mỹ) và Nhật Bản láng giềng. Đồng minh quân sự Bắc Triều Tiên hơn nữa cho phép Trung Quốc “đưa xuống hàng thứ yếu” việc cảnh giới về quân sự đối với phía Đông khu vực Nam Á đế tập trung nhiều hơn vào Đài Loan, một hòn đá tảng khác giữa Mỹ và Trung Quốc.
Nhưng mặt khác, Bắc Kinh hiểu rằng chế độ Bắc Triều Tiên càng đe dọa các đồng minh của Oasinhtơn thì Mỹ càng có cớ để có mặt về quân sự và càng làm gia tăng năng lực quân sự của Nhật Bản và Hàn Quốc. Điều này làm phương hại tới mục tiêu của Trung Quốc là làm sao để đẩy lực lượng của Mỹ ra khỏi châu Á. Do đó, chế độ Bắc Kinh đặc biệt có lợi nếu xóa bỏ được tính chính đáng của sự có mặt của Mỹ do chính người đồng minh Bắc Triều Tiên không thể kiểm soát được của mình tạo ra cho Mỹ… Điều này khiến nhiều người cho rằng nguyên trạng kéo dài từ nhiều năm nay ở khu vực dễ bùng nổ ở vùng Đông Á này, chắc chắn không phải không được tất cả các nước mong muốn, thậm chí có thể còn thuận cho lợi ích của Mỹ trong khu vực… Nhưng chắc chắn là mối đe dọa Bắc Triều Tiên chỉ là “khoa chân múa tay”, không giống như lời đe dọa quân sự hạt nhân của Iran đối với Ixraen vốn là cái cớ để Mỹ thiết lập và duy trì các căn cứ quân sự của mình ở vùng Vịnh Arập-Pécxích… Nhưng làm sao chắc chắn được điều đó? Toàn bộ vấn đề là ở chỗ đó.