THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM (Tài liệu tham khảo đặc biệt)
Thứ Sáu, ngày 3/5/2013
TTXVN (Bắc Kinh 2/5)
(Nguồn: Tân Hoa xã, Nhân dân nhật báo)
Ngày 16/4/2013 Chính phủ Trung Quốc đã công bố Sách Trắng quốc phòng có tên gọi “ Vận
dụng đa dạng hóa lực lượng vũ trang Trung Quốc”. Theo “Nhân dân nhật
báo”, đây là bộ Sách Trắng quốc phòng thứ 8 của Trung Quốc kể từ năm 1998 đến nay, cũng là bộ Sách Trắng loại chuyên đề đầu tiên, trong đó những nội dung bí ẩn về tổng
số binh lực của lục quân, hải quân, không quân và trạng thái chiến lược
đã được công khai thể hiện. Dưới đây là toàn văn nội dung Sách Trắng nói trên:
MỤC LỤC
Lời nói đầu
I- Tình hình mới, thách thức mới, sứ mệnh mới
II- Xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang
III- Bảo vệ chủ quyền, an ninh, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia
IV- Đảm bảo phát triển kinh tế xã hội quốc gia
V- Bảo vệ hòa binh thể giới và ồn định khu vực Lời kết
Phụ lục
———————————————————————
LỜI NÓI ĐẦU
Trong thời đại ngày nay, hòa bình và phát triển
đứng trước cơ hội mới và thách thức mới. Nắm chắc cơ hội, cùng đối phó
thách thức, hợp tác bảo vệ an ninh, cùng phát triển là sứ mệnh lịch sử
mà thời đại giao phó cho nhân dân các nước.
Đi theo con đường phát triển hòa bình là ý chí và
sự lựa chọn chiến lược bất di bất dịch của quốc gia. Trung Quốc trước
sau như một thực hiện chính sách ngoại giao hòa bình độc lập tự chủ và
chính sách quốc phòng mang tính phòng ngự, phản đối chủ nghĩa bá quyền
và chính trị cường quyền dưới bất cứ hình thức nào, không can thiệp vào
công việc nội bộ của nước khác, vĩnh viễn không tranh bá, không xưng bá,
không bao giờ bành trướng quân sự. Trung Quốc đề xướng quan điểm an
ninh mới tin cậy lẫn nhau, cùng có lợi, bình đẳng, hợp tác, tìm kiếm và
thực hiện an ninh tổng hợp, an ninh chung, an ninh hợp tác.
Xây dựng, củng cố quốc phòng và tăng cường quân
đội tương xứng với địa vị quốc tế của Trung Quốc, phù hợp với an ninh và
lợi ích phát triển của quốc gia là nhiệm vụ chiến lược về xây dựng hiện
đại hóa Trung Quốc, cũng là đảm bảo vững chắc để Trung Quốc thực hiện
phát triển hòa bình. Lực lượng vũ trang Trung Quốc phù hợp với vêu cầu
mới về chiến lược phát triển và chiến lược an ninh của quốc gia, kiên
trì tư tưởng chỉ đạo theo Quan điểm phát triển khoa học, đẩy nhanh
chuyển đổi phương thức hình thành sức chiến đấu, xây dựng hệ thống lực
lượng quân đội hiện đại đặc sắc Trung Quốc, tiến cùng thời đại, tăng
cường chỉ đạo chiến lược quân sự, mở rộng phương thức vận dụng lực lượng
vũ trang, đem lại đảm bảo an ninh và điểm tựa chiến lược để phát triển
quốc gia, góp phần xứng đáng trong bảo vệ hòa bình thế giới và ổn định
khu vực.
I-TÌNH HÌNH MỚI, THÁCH THỨC MỚI, SỨ MỆNH MỚI
Từ khi bước sang thế kỷ mới, thế giới đã có sự
thay đổi phức tạp, sâu sắc, hòa bình và phát triển vẫn là chủ đề của
thời đại. Kinh tế toàn cầu hóa, thế giới đa cực hóa phát triển theo
chiều sâu, văn hóa đa dạng hóa, xã hội thông tin hóa tiếp tục được đẩy
mạnh, so sánh lực lượng thế giới phát triển theo hướng có lợi cho việc
giữ gìn hòa bình thế giới, tình hình quốc tế giữ ở trạng thái hòa bình
ổn định trên tổng thể, đồng thời thế giới vẫn rất không yên ổn, chủ
nghĩa bá quyền, chính trị cường quyền và chủ nghĩa can thiệp mới có phần
tăng lên, rối ren cục bộ xảy ra nhiều, các vấn đề điểm nóng nổi lên
liên tục, thách thức giữa an ninh truyền thống và an ninh phi truyền
thống đan xen tác động lẫn nhau, chạy đua trong lĩnh vực quân sự quốc tế
có xu hướng quyết liệt hơn, tính bột phát, tính liên quan và tính tổng
hợp trong vấn đề an ninh quốc tế mạnh lên rõ rệt. Khu vực châu Á-Thái
Bình Dương ngày càng trở thành vũ đài quan trọng trong phát triển kinh
tế thế giới và trong cuộc chơi chiến lược giữa các nước lớn, Mỹ điều
chỉnh lại chiến lược an ninh châu Á-Thái Bình Dương, tình hình kết cấu
khu vực có sự điều chỉnh sâu sắc.
Trung Quốc nắm chắc và vận dụng tốt thời cơ chiến
lược quan trọng để phát triển, thành tựu xây dựng hiện đại hóa được thế
giới biết đến, sức mạnh tổng hợp quốc gia tăng mạnh, đời sống nhân dân
được cải thiện rõ rệt, đại cục xã hội giữ được ổn định, quan hệ hai bờ
tiếp tục thể hiện xu hướng phát triển hòa bình, ảnh hưởng quốc tế và sức
cạnh tranh quốc tế không ngừng được nâng cao. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn
đứng trước mối đe dọa và thách thức an ninh phức tạp và đa dạng, vấn đề
an ninh sinh tồn và an ninh phát triển, đe dọa về an ninh truyền thống
và an ninh phi truyền thống đan xen lẫn nhau, nhiệm vụ giữ gìn quốc gia
thống nhất, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ lợi ích phát triển khó khăn
nặng nề. Có nước củng cố đưa liên minh quân sự ở châu Á-Thái Bình Dương
đi vào chiều sâu, mở rộng hiện diện quân sự, luôn tạo ra tình hình căng
thẳng ở khu vực. Cá biệt nước láng giềng lân cận có việc làm khiến cho
vấn đề liên quan đến chủ quyền lãnh thổ và lợi ích biển của Trung Quốc
mở rộng và phức tạp hóa, Nhật Bản gây chuyện rắc rối trong vấn đề đảo
Điếu Ngư. Mối đe dọa của “ba thế lực” là chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa
ly khai, chủ nghĩa cực đoan tăng lên. Thế lực ly khai “Đài Loan độc lập”
và các hoạt động ly khai của chúng vẫn là mối đe dọa lớn nhất trong
phát triển hòa bình quan hệ hai bờ. Các vụ thiên tai lớn, sự cố về an
ninh và sự kiện về y tế cộng đồng xảy ra nhiều, các nhân tố ảnh hưởng
đến xã hội ổn định hài hoà tăng lên, rủi ro về an ninh lợi ích quốc gia ở
nước ngoài gia tăng. Hình thái chiến tranh cơ khí diễn biến nhanh hơn
đến hình thái chiến tranh thông tin hóa, nước chủ chốt ra sức phát triển
khoa học kỹ thuật quân sự cao, chiến lược cạnh tranh quốc tế hòng chiếm
đoạt trước không gian vũ trụ và không gian mạng lên đến đỉnh cao.
Đứng trước môi trường an ninh thay đổi phức tạp,
quân giải phóng nhân dân kiên quyết thực thi sứ mệnh lịch sử trong giai
đoạn mới, mở rộng tầm nhìn về chiến lược an ninh quốc gia và chiến lược
quân sự của quốc gia, đánh thắng cuộc chiến tranh cục bộ trong điều kiện
thông tin hóa, tích cực hoạch định chiến lược và sứ dụng lực lượng vũ
trang thời bình, đối phó hữu hiệu với nhiều hình thức đe dọa về an ninh,
hoàn thành nhiệm vụ quân sự đa dạng hóa.
Trung Quốc vận dụng đa dạng hóa lực lượng vũ trang, kiên trì chính sách và các nguyên tắc cơ bản sau đây:
- Bảo vệ chủ quyền, an ninh, toàn vẹn lãnh thổ
quốc gia, đảm bảo cho đất nước phát triển hòa bình. Đây là mục đích tăng
cường xây dựng quốc phòng của Trung Quốc, cũng là chức trách thiêng
liêng mà hiến pháp và pháp luật giao phó, Kiên quyết thi hành chiến lược
quân sự phòng ngự tích cực, phòng bị và chống xâm lược, ngăn chặn thế
lực ly khai, bảo vệ an ninh biên phòng, an ninh bờ biển và an ninh trên
không, giữ gìn lợi ích biên, lợi ích an ninh vũ trụ và không gian mạng
của quốc gia. Kiên trì thực hiện “người không đụng đến ta, ta không đụng
đến người, nếu người đụng đến ta, ta ắt đụng đến người”, kiên quyết áp
dụng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ
của quốc gia.
- Đánh thắng cuộc chiến tranh cục bộ trong điều
kiện thông tin hóa, mở rộng và chuẩn bị kỹ càng hơn cho đấu tranh quân
sự. Đặt trọng tâm vào nhiệm vụ đánh thắng cuộc chiến tranh cục bộ trong
điều kiện thông tin hóa, thúc đẩy toàn diện chuẩn bị cho đấu tranh quân
sự theo các phương hướng chiến lược, tăng cường vận dụng hỗn hợp lực
lượng của các quân, binh chủng, nâng cao khả năng tác chiến trên cơ sở
hệ thống thông tin. Phát triển sáng tạo chiến lược, chiến thuật về chiến
tranh nhân dân, đẩy mạnh phát triển theo phương thức kết hợp quân-dân,
nâng cao chất lượng động viên quốc phòng và chất lượng xây dựng lực
lượng dự bị. Nâng cao toàn diện trình độ sẵn sàng chiến đấu hàng ngày,
tăng cường diễn tập huấn luyện sẵn sàng chiến đấu có mục tiêu rõ rệt, tổ
chức tuần tra và thi hành nhiệm vụ chi tiết về sẵn sàng chiến đấu ở
biên giới, ven biển và trên không, đối phó ổn thỏa các hình thức khủng
hoảng và các sự kiện bất ngờ xảy ra.
- Xây dựng quan niệm an ninh tổng hợp, thi hành
nhiệm vụ trong hành động quân sự phi chiến tranh một cách hữu hiệu.
Thích ứng với những thay đổi mới về đe dọa an ninh, coi trọng vận dụng
lực lượng vũ trang thời kỳ hòa bình. Tích cực tham gia và chi viện cho
xây dựng kinh tế, xã hội của quốc gia, kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ
khẩn cấp nặng nề như cứu trợ thiên tai. Thực hiện chức năng bảo vệ an
ninh và ổn định quốc gia theo quy định của luật pháp, kiên quyết tấn
công các hoạt động phá hoại, lật đổ của thế lực thù địch, tấn công các
hoạt động khủng bố bạo lực, thi hành thuận lợi nhiệm vụ cảnh giới, bảo
vệ an ninh. Tăng cường xây dựng khả năng hành động ở nước ngoài như cứu
viện khẩn cấp, hộ tống tàu thuyền trên biển, sơ tán di dời công dân ở
nước ngoài, đảm bảo an ninh đáng tin cậy cho việc bảo vệ lợi ích quốc
gia ở nước ngoài.
- Đưa hợp tác đi vào chiều sâu, thi hành nghĩa vụ
quốc tế. Lực lượng vũ trang Trung Quốc là người đề xướng, người thúc
đẩy và người tham gia hợp tác an ninh quốc tế. Kiên trì 5 nguyên tắc
chung sống hòa bình, triển khai toàn diện giao lưu quân sự, phát triển
quan hệ hợp tác quân sự theo nguyên tắc không liên minh, không đối đầu,
không nhằm vào nước thứ ba, thúc đẩy thành lập cơ chế an ninh tập thể
công bằng hữu hiệu và cơ chế quân sự tin cậy lẫn nhau. Kiên trì ý tưởng
cởi mở, thực tế, hợp tác, đưa việc giao lưu và hợp tác với quân đội các
nước đi vào chiều sâu, tăng cường hợp tác xây dựng biện pháp tin cậy ở
khu vực biên giới, thúc đẩy đối thoại và hợp tác an ninh trên biển, tham
gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, hợp tác chống
khủng bố quốc tế, hộ tống tàu thuyền và cứu hộ cứu nạn quốc tế, tổ chức
huấn luyện, diễn tập chung giữa Trung Quốc với nước ngoài. Nghiêm túc
thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế cần thiết, phát huy vai trò
tích cực trong việc bảo vệ hòa bình, an ninh, ổn định của thế giới.
Hành động nghiêm túc theo pháp luật, giữ nghiêm
kỷ luật chính sách. Lực lượng vũ trang Trung Quốc tuân thủ hiến pháp và
pháp luật, tuân thủ tôn chỉ và nguyên tắc của “Hiến chương Liên Hợp
Quốc”, kiên trì sử dụng quân đội theo luật, hành động theo luật. Nghiêm
túc chấp hành các quy định của pháp luật và quy định trong chính sách,
giữ nghiêm kỷ luật quần chúng, hoàn thành các nhiệm vụ cứu hộ khẩn cấp,
giữ gìn ổn định, giải quyết các sự kiện xảy ra bất ngờ và về trật tự trị
an theo luật. Lấy “Hiến chương Liên Hợp Quốc” và các nguyên tắc quan hệ
quốc tế được công nhận làm căn cứ, kiên trì hành động trong khuôn khổ
pháp luật của các hiệp ước song phương và đa phương, đảm bảo tính hợp
pháp trong các hoạt động quân sự liên quan với bên ngoài. Xây dựng và
hoàn thiện các quy định pháp luật và chế độ chính sách, nghiêm túc quản
lý bộ đội theo điều lệnh điều lệ, đem lại sự đảm bảo về mặt pháp luật
trong vận dụng đa dạng hóa lực lượng vũ trang.
II-XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN LỰC LƯỢNG VŨ TRANG
Lực lượng vũ trang Trung Quốc bao gồm quân giải
phóng nhân dân, lực lượng cảnh sát vũ trang nhân dân và dân quân, có địa
vị và vai trò quan trọng trong toàn cục an ninh và phát triển chiến
lược của quốc gia, đảm nhận sứ mạng vinh quang và chức trách thiêng
liêng về bảo vệ chủ quyền, an ninh và phát triển lợi ích của quốc gia.
Những năm gần đây quân giải phóng nhân dân tích
cực cải cách quân đội một cách ổn thỏa theo nhiệm vụ thi hành sứ mệnh và
theo yêu cầu xây dựng thông tin hóa. Tăng cường chức năng quản lý chiến
lược của quân uỷ, thành lập Ban quy hoạch chiến lược quân giải phóng
nhân dân, Ban thông tin của Bộ tổng tham mưu đổi tên thành Ban thông tin
hóa, lại Ban huấn luyện và công tác binh chủng thuộc Bộ tổng tham mưu
đổi tên thành Ban huấn luyện; thúc đẩy xây dựng lực lượng tác chiến theo
mô hình mới, điều chỉnh tối ưu hóa kết cấu quy mô các quân binh chủng,
cải cách mô hình biên chế tổ chức quân đội, thúc đẩy lực lượng tác chiến
phát triển theo hướng tinh gọn, liên kết, đa năng và hiệu quả cao; hoàn
thiện hệ thống bồi dưỡng nhân tài quân đội theo mô hình mới, đưa việc
điều chỉnh, cải cách nguồn nhân lực quân sự và chính sách chế độ hậu cần
đi vào chiều sâu, tăng cường xây dựng trang thiết bị vũ khí kỹ thuật
cao, nỗ lực xây dựng hệ thống lực lượng quân sự hiện đại đặc sắc Trung
Quốc. Lục quân chủ yếu đảm nhận nhiệm vụ tác chiến trên đất liền, bao
gồm bộ đội tác chiến cơ động, bộ đội biên giới và ven biển, bộ đội cảnh
vệ. Căn cứ theo yêu cầu chiến lược về tác chiến cơ động, tấn công phòng
thủ nhiều tầng, lục quân tích cực thúc đẩy chuyển đổi từ mô hình phòng
vệ khu vực sang cơ động toàn khu vực, đẩy nhanh phát triển bộ đội hàng
không của lục quân, bộ đội cơ giới hóa tinh gọn và bộ đội tác chiến đặc
chủng, tăng cường xây dựng bộ đội số hóa, từng bước thực hiện biên chế
bộ đội gọn nhẹ hóa, công đoạn hóa, đa năng hóa, nâng cao khả năng tác
chiến liên kết trên không và trên bộ, cơ động tầm xa, đột kích nhanh và
tác chiến đặc biệt. Bộ đội tác chiến cơ động của lục quân gồm có 18 tập
đoàn quân và bộ phận sư đoàn (lữ đoàn) tác chiến độc lập, hiện có
850.000 người. Tập đoàn quân được biên chế từ các sư đoàn, lữ đoàn, lần
lượt thuộc 7 quân đoàn. Quân khu Thẩm Dương gồm các tập đoàn quân số 16,
39, 40; Quân khu Bắc Kinh gồm các tập đoàn quân 27, 38, 65; Quân khu
Lan Châu có các tập đoàn quân số 21, 47; Quân khu Tế Nam gồm các tập
đoàn quân số 20, 26, 54; Quân khu Nam Kinh có các tập đoàn quân số 1,
12, 31; Quân khu Quảng Châu có các tập đoàn quần số 41, 42; Quân khu
Thành Đô gồm các tập đoàn quân số 13, 14.
Hải quân là lực lượng chủ thể tác chiến trên
biển, đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ an ninh theo phương hướng trên biển, chủ
quyền lãnh hải và bảo vệ lợi ích biển của quốc gia, chủ yếu được biên
chế từ bộ đội tàu ngầm, tàu mặt nước, lực lượng hàng không, bộ đội chiến
đấu trên bộ, bộ đội phòng vệ bờ biển. Theo yêu cầu chiến lược phòng ngự
biển gần, hải quân chú trọng nâng cao trình độ hiện đại hóa lực lượng
tác chiến tổng hợp, phát triển các loại trang thiết bị tiên tiến như tàu
ngầm, tàu khu trục, tàu hộ vệ, hoàn thiện hệ thống thông tin điện tử
tổng hợp, hệ thống trang bị tổng hợp, nâng cao năng lực tác chiến cơ
động biển xa, hợp tác biển xa và đối phó với những đe dọa an ninh phi
truyền thống, tăng cường khả năng răn đe và phản kích chiến lược. Hải
quân hiện có 235.000 người, gồm ba hạm đội là Bắc Hải, Đông Hải và Nam
Hải, dưới hạm đội là bộ đội thuộc binh lực hàng không, căn cứ, chi đội,
khu cảnh bị mặt nước, sư đoàn hàng không và lữ đoàn tác chiến mặt đất.
Tháng 9/2012, chiếc tàu sân bay đầu tiên, tàu “Liêu Ninh” đã được bàn
giao đưa vào lực lượng thường trực. Việc Trung Quốc phát triển tàu sân
bay có ý nghĩa sâu sắc trong việc xây dựng hải quân lớn mạnh và bảo vệ
an ninh trên biển.
Không quân là lực lượng chủ thể tác chiến trên
không, có nhiệm vụ bảo vệ an ninh không phận quốc gia, duy trì ổn định
phòng thủ trên không của cả nước. Không quân chủ yếu do các binh lực
hàng không, phòng không mặt đất, rađa, nhảy dù, tác chiến điện tử hợp
thành. Theo yêu cầu chiến lược tấn công và phòng thủ, không quân tăng
cường xây dựng hệ thống lực lượng tác chiến lấy trinh sát, cảnh báo, tấn
công trên không, chống tên lửa phòng không, điều chuyển chiến lược làm
trọng tâm, phát triển các loại vũ khí trang bị tiên tiến như máy bay tác
chiến thế hệ mới, tên lửa đất đối không loại mới và rađa kiểu mới, hoàn
thiện mạng lưới dự báo, chỉ huy và thông tin, nâng cao khả năng dự báo,
răn đe chiến lược và tấn công trên không tầm trung và tầm xa. Không
quân hiện có 398.000 người, gồm có 7 quân đoàn ở các quân khu Thẩm
Dương, Bắc Kinh, Lan Châu, Tế Nam, Nam Kinh, Quảng châu, Thành Đô và một
quân đoàn nhảy dù. Dưới quân khu là các căn cứ không quân, sư đoàn (lữ
đoàn) bộ đội hàng không, sư đoàn (lữ đoàn) tên lửa đất đối không, lữ
đoàn rađa.
Pháo binh 2 (bộ đội tên lửa chiến lược) là lực
lượng hạt nhân răn đe chiến lược của Trung Quốc, nhiệm vụ chủ yếu là
ngăn chặn nước khác sử dụng vũ khí hạt nhân đối với Trung Quốc, phản
kích hạt nhân và tấn công chính xác bằng tên lửa thông thường. Lực lượng
pháo binh 2 gồm có bộ đội tên lửa hạt nhân, bộ đội tên lửa thông thường
và bộ đội đảm bảo tác chiến hợp thành. Theo nguyên tắc gọn nhẹ hữu
hiệu, pháo binh 2 đẩy nhanh chuyển đổi mô hình theo hướng thông tin hóa,
dựa theo tiến bộ khoa học công nghệ đẩy mạnh tự chủ sáng tạo vũ khí
trang thiết bị, tận dụng tiến bộ khoa học công nghệ đã có đủ điều kiện
cho phép đề cải tiến trang thiết bị hiện có một cách có trọng điểm và có
lựa chọn, nâng cao độ an toàn, độ tin cậy và tính hữu hiệu của vũ khí
tên lửa, hoàn thiện hệ thống sức mạnh kiêm cả hạt nhân và thông thường,
tăng cường khả năng phản ứng nhanh, phòng vệ đột kích hữu hiệu, tấn công
chính xác, hủy diệt lẫn phòng thủ để tồn tại, khả năng răn đe chiến
lược và phản kích hạt nhân, khả năng tấn công bằng vũ khí thông thường
chính xác được nâng cao một cách chắc chắn. Pháo binh 2 gồm có các căn
cứ tên lửa, căn cứ huấn luyện, bộ đội chuyên nghiệp, các trường, học
viện và cơ quan nghiên cứu khoa học, hiện nay được trang bị hệ thống tên
lửa Đông Phong và tên lửa hành trình “Long Sword”.
Lực lượng cảnh sát vũ trang nhân dân có nhiệm vụ
chủ yếu là xử lý các sự kiện bất ngờ xảy ra, chống khủng bố, tham gia và
chi viện xây dựng kinh tế quốc gia, thời chiến phối hợp với giải phóng
quân tác chiến phòng vệ. Lực lượng cảnh sát vũ trang dựa vào cơ sở hạ
tầng thông tin để xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin tổng hợp ba
cấp từ tổng cục đến cơ sở, phát triển vũ khí trang thiết bị theo yêu cầu
thi hành nhiệm vụ, triển khai huấn luyện, nâng cao khả năng xử lý các
sự kiện bất ngờ xảy ra, chống khủng bố. Cảnh sát vũ trang được hợp thành
từ các lực lượng bảo vệ nội bộ và cảnh sát theo các loại hình, bảo vệ
nội bộ bao gồm tỉnh đội (khu tự trị, thành phố trực thuộc trung ương) và
sư đoàn cơ động, gồm có các loại hình cảnh sát như cảnh sát bảo vệ mỏ
vàng, cảnh sát bảo vệ rừng, cảnh sát thủy điện, cảnh sát giao thông,
công an biên phòng, cứu hỏa, cảnh vệ.
Dân quân là tổ chức vũ trang quần chúng không
thoát ly sản xuất, là trợ thủ và là lực lượng dự bị của giải phóng quân.
Dân quân có nhiệm vụ tham gia xây dựng hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa,
thi hành nhiệm vụ chuẩn bị chiến tranh, tham gia tác chiến phòng vệ,
hiệp đồng, hỗ trợ bảo vệ trật tự xã hội và tham gia cứu hộ cứu nạn. Xây
dựng dân quân chú trọng điều chỉnh cơ cấu quy mô, cải thiện trang bị vũ
khí, thúc đẩy cải cách huấn luyện, nâng cao khả năng hoàn thành nhiệm vụ
quân sự theo hướng xác định khả năng chi viện, đảm bảo đánh thắng chiến
tranh cục bộ trong điều kiện thông tin hóa làm trung tâm. Về tổ chức,
dân quân được phân thành tổ chức dân quân cốt cán cơ sở và tổ chức dân
quân thông thường. Tổ chức dân quân cốt cán cơ sở được biên chế thành
đội ngũ ứng phó với tình huống khẩn cấp, đội ngũ chi viện bao gồm phòng
vệ hỗn hợp, trinh sát tình báo, đảm bảo thông tin, sửa chữa công trình,
giao thông vận tải, duy tu trang thiết bị vũ khí và đội ngũ dự bị đảm
bảo tác chiến, đảm bảo hậu cần, đảm bảo trang thiết bị.
III-BẢO VỆ CHỦ QUYỀN, AN NINH, TOÀN VẸN LÃNH THỔ QUỐC GIA
Nhiệm vụ căn bản của lực lượng vũ trang Trung
Quốc là củng cố quốc phòng, chống xâm lược, bảo vệ tổ quốc. Vận dụng đa
dạng hóa lực lượng vũ trang Trung Quốc, kiên trì định hướng theo yêu cầu
về an ninh trung tâm của quốc gia, chú trọng bảo vệ hòa bình, ngăn chặn
khủng hoảng và đánh thắng trong các cuộc chiến tranh, bảo vệ an ninh
biên phòng, phòng vệ trên biển và trên không, tăng cường công tác chuẩn
bị sẵn sàng chiến đấu và thực chiến hóa công tác diễn tập huấn luyện,
sẵn sàng đối phó và kiên quyết ngăn chặn mọi hành vi khiêu khích gây
nguy hại đến chủ quyền, an ninh, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, kiên quyết
bảo vệ lợi ích cốt lõi của quốc gia.
Bảo vệ an ninh phòng ngự biên giới trên đất liền và trên biển
Trung Quốc có hơn 22.000 km biên giới đất liền và
hơn 18.000 km đường bờ biển, là một trong những nước tiếp giáp với
nhiều quốc gia nhất thế giới và đường biên giới trên bộ dài nhất thế
giới. Trung Quốc có hơn 6.500 đảo có diện tích 500 m2 trở
lên, đường bờ biển ở các hải đảo tổng cộng dài hơn 14.000 km. Lực lượng
vũ trang Trung Quốc thực thi phòng vệ ở biên giới đất liền và ngoài
khơi, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ an ninh ngoài khơi và đất liền phức tạp
và nặng nề.
Bộ đội phòng vệ biên giới trên biển và trên bộ
trấn giữ biên giới, khu vực ven biển và các hải đảo, đảm nhận nhiệm vụ
phòng vệ và quản lý biên giới, bờ biển và các hải đảo của quốc gia,
chống và phòng ngừa kẻ địch xâm nhập, lấn chiếm và khiêu khích từ bên
ngoài, phối hợp hỗ trợ tấn công khủng bố phá hoại và tội phạm xuyên biên
giới. Bộ đội biên phòng và phòng ngự ven biển kiên trì lấy việc chuẩn
bị chiến tranh làm trung tâm, tăng cường phòng vệ cảnh giới ở các hướng,
các đoạn đường nhạy cảm, các dòng chảy và vùng biển ở khu vực biên giới
trên bộ và ven biển, phòng ngừa, chặn đứng các hoạt động xâm nhập, xâm
lấn và đột nhập phá hoại qua biên giới, kịp thời ngăn chặn các hành vi
vi phạm chính sách, pháp luật và làm thay đổi hiện trạng đường biên
giới, triển khai kịp thời công tác quan lý, kiểm soát hỗn hợp giữa bộ
đội và địa phương, xử lý ứng phó với các sự kiện bất ngờ xảy ra, bảo vệ
hữu hiệu an ninh và ổn định ở khu vực biên giới và ven biển. Trung Quốc
đã ký Hiệp định hợp tác biên phòng với 7 nước lân cận, thiết lập cơ chế
gặp gỡ, hội đàm biên giới với 12 quốc gia khác. Bộ đội biên phòng Quân
giải phóng nhân dân đã triển khai các hoạt động hợp tác hữu nghị như
tuần tra hỗn hợp, kiểm soát huấn luyện hỗn hợp với ngành biên phòng của
các nước như Nga, Cadacxtan, Mông Cổ, Việt Nam; hàng năm tổ chức các
hoạt động thị sát lẫn nhau, giám sát và xác minh tình hình thực thi biện
pháp xây dựng lòng tin ở khu vực biên giới của nhau với các nước
Cadắcxtan, Cưrơgưxtan, Nga và Tátgikixtan.
Hải quân tăng cường kiểm soát và quản lý, xây
dựng, hoàn thiện cơ chế tuần tra theo hướng hệ thống hóa, nắm vững một
cách hữu hiệu tình hình khu vực biển ở xung quanh, phòng ngừa nghiêm
ngặt các hoạt động quấy rối và đột nhập phá hoại, kịp thời xử lý tình
hình khu vực biển xung quanh và các sự kiện bất ngờ. Đẩy mạnh hợp tác an
ninh trên biển, bảo vệ hòa bình và ổn định hải dương, tự do và an toàn
hàng hải. Trong khuôn khổ của cơ chế hiệp thương an ninh quân sự trên
biển giữa Trung Quốc và Mỹ, triển khai định kỳ trao đổi thông tin trên
biển, tránh xảy ra các sự kiện ngoài ý muốn liên quan đến biển. Căn cứ
theo Hiệp định tuần tra chung vùng biển Vịnh Bắc Bộ đã được ký kết giữa
Trung Quốc và Việt Nam, từ năm 2006 hải quân hai nước hàng năm đã tổ
chức hai lần tuần tra chung.
Công an biên phòng là lực lượng chấp pháp vũ
trang của nhà nước được bố trí tại khu vực biên giới ven biển và các cửa
khẩu mở cửa đối ngoại, đảm nhận chức trách quan trọng về bảo vệ chủ
quyền, duy trì an ninh ổn định ở khu vực biên giới ven biển và trên
biển, giữ gìn trật tự xuất nhập cảnh ở các cửa khẩu của quốc gia, thi
hành nhiệm vụ đa dạng hóa về giữ gìn ổn định, tấn công tội phạm trên
biên giới của quốc gia, cứu viện khẩn cấp, đảm bảo an ninh biên phòng.
Công an biên phòng hoạch định khu vực quản lý biên phòng ở toàn tuyến
biên giới, hoạch định khu vực công tác phòng vệ vùng ven biển, hoạch
định khu cảnh giới biên phòng có chiều sâu 20 đến 50 mét ở cả khu vực
biên giới đất liền và ven biển giáp ranh với Hồng Công, Ma Cao, thành
lập trạm kiểm tra biên phòng ở các cửa khẩu mở cửa đối ngoại của quốc
gia, bố trí lực lượng cảnh sát biển ở khu vực ven biển. Những năm gần
đây, công an biên phòng luôn thực hiện việc kiểm tra nghiêm ngặt, quản
lý nghiêm ngặt và kiểm soát nghiêm ngặt đối với khu vực biên giới và các
cửa khẩu ở biên giới, phòng ngừa và tấn công “ba thế lực” (thế lực
khủng bố, thế lực dân tộc ly khai và thế lực tôn giáo cực đoan), các
phần tử thù địch phá hoại và các hoạt động khủng bố bạo lực. Tập trung
chấn chỉnh các hoạt động đánh bắt vượt qua biên giới trên biển, tăng
cường tuần tra chấp pháp về trật tự trị an trên biển, nghiêm khắc tấn
công các hoạt động phạm tội, vi phạm luật pháp trên biển. Từ năm 2011
đến nay tổng cộng phá được 47.445 vụ án các loại, thu giữ 12.357 kg ma
túy các loại, 125.115 khẩu súng, kiểm tra bắt giữ 5.607 lượt người vượt
biên trái phép.
Dân quân tích cực tham gia công việc như trực ban
sẵn sàng chiến đấu, phòng thủ liên ngành giữa quân đội, cảnh sát và
nhân dân ở khu vực ven biển, làm nhiệm vụ ở tuyến đầu và bảo vệ, kiểm
soát biên giới, tuần trực chiến thường xuyên trên tuyến ven biển.
Bảo vệ an ninh phòng vệ trên không
Không quân là lực lượng chủ thể bảo vệ an ninh,
phòng vệ không phận của quốc gia, lục quân, hải quân và cảnh sát vũ
trang đảm trách một phần nhiệm vụ phòng vệ trên không theo chỉ thị của
Quân ủy trung ương. Trong thời bình, phòng vệ trên không của quốc gia
thực hiện thể chế chỉ huy bộ đội không quân – không quân của quân khu –
phòng không, không quân căn cứ theo ý đồ của Quân ủy trung ương thực
hiện chỉ huy thống nhất đối với các lực lượng phòng không đảm trách
nhiệm vụ phòng vệ trên không. Hệ thống phòng vệ trên không của Trung
Quốc được hợp thành thống nhất từ 6 hệ thống lớn là trinh sáí theo dõi,
chỉ huy khống chế, phòng ngự không trung, phòng không mặt đất, đảm bảo
tổng hợp và phòng không nhân dân. Trung Quốc đã xây dựng được hệ thống
lực lượng phòng vệ trên không nhất thể hóa, bao gồm trinh sát cảnh báo,
đánh trả, phản kích và phòng vệ; có phương pháp thu nhận thông tin về
tình hình không phận, lấy rađa thám trắc đối không các loại và máy bay
cảnh báo sớm làm chủ thể, lấy trinh sát kỹ thuật, trinh sát tác chiến
điện tử để bổ sung; có phương pháp đánh trả trong đó máy bay tiêm kích,
tiêm kích ném bom, tên lửa đất đối không, bộ đội pháo cao xạ là chủ thể,
lấy lực lượng phòng không của lục quân, lực lượng phòng không là dân
quân dự bị và lực lượng phòng không nhân dân để bổ sung; có phương pháp
phòng vệ tổng hợp với chủ thể là các loại công trình phòng vệ và lực
lượng phòng vệ, được bổ sung bằng lực lượng phòng vệ kỹ thuật chuyên
nghiệp.
Hoạt động phòng không cơ bản hàng ngày của không
quân chủ yếu là tổ chức lực lượng trinh sát cảnh báo sớm, theo dõi không
phận quốc gia và những động thái trên không ở khu vực xung quanh, sẵn
sàng nắm bắt được những mối đe dọa an ninh trên không; tổ chức cơ cấu
chỉ huy các cấp, duy trì chế độ trực ban chiến đấu thường ngày, trong đó
lấy thủ đô làm trung tâm, xác định trọng điểm là tuyến biên giới ven
biển, sẵn sàng chỉ huy các hành động của lực lượng phòng không; tổ chức
thành phần binh lực trực ban phòng không chiến đấu hàng ngày, tiến hành
công tác cảnh vệ tuần tra ở không phận trên biển, chống trinh sát biên
giới và kiểm chứng, xử lý những tình huống khác thường chưa rõ trong nội
địa; tổ chức hệ thống quản lý kiểm soát hàng không, kiểm soát các hoạt
động bay, bảo vệ trật tự trên không, đảm bảo an ninh bay.
Duy trì thường xuyên trạng thái sẵn sàng chiến đấu
Chuẩn bị chiến đấu là hoạt động chuẩn bị và phòng
bị mà quân đội tiến hành để thực hiện nhiệm vụ tác chiến và hành động
quân sự phi chiến tranh, là công tác mang tính chất toàn cục, tổng hợp,
thường xuyên của quân đội. Việc nâng cao trình độ chuẩn bị sẵn sàng
chiến đấu, duy trì trạng thái sẵn sàng chiến đấu thường xuyên là đảm bảo
quan trọng để đối phó hữu hiệu với nhiều mối đe dọa an ninh, hoàn thành
nhiệm vụ quân sự đa dạng. Quân giải phóng nhân dân xây dựng trình tự
chuẩn bị chiến tranh chính quy, tăng cường xây dựng mang tính chất cơ
sở, làm tốt công tác huấn luyện diễn tập sẵn sàng chiến đấu mang tính
mục tiêu, tổ chức chặt chẽ trực ban sẵn sàng chiến đấu và thi hành nhiệm
vụ tuần tra phòng vệ trên biên giới, trên biển và trên không, chuẩn bị
sẵn sàng thi hành nhiệm vụ tác chiến và hành động quân sự phi chiến
tranh. Bộ đội căn cứ theo yêu cầu thực hiện nhiệm vụ, bước vào trạng
thái sẵn sàng chiến đấu từ thấp đến cao được chia thành ba cấp, cấp 1,
cấp 2 và cấp 3.
Công tác sẵn sàng chiến đấu thường xuyên của lực
lượng lục quân lấy bảo vệ trật tự thường ngày ở biên giới và củng cố
thành quả xây dựng đất nước làm trọng tâm, dựa vào bộ máy chỉ huy tác
chiến và hệ thống thông tin chỉ huy, tăng cường trực ban sẵn sàng chiến
đấu, nghiên cứu phương thức trực ban liên ngành khu vực tác chiến, quản
lý tổng hợp hệ thống trực ban sẵn sàng chiến đấu của lực lượng tác chiến
cấp trung đoàn trở lên, thể chế, cơ chế vận hành thường xuyên, để đảm
bảo thực hiện nhiệm vụ chiến đấu, hình thành tổ chức hệ thống lực lượng
sẵn sàng chiến đấu, gắn kết các hướng chiến lược, phối hợp nhiều quân
binh chủng, đảm bảo tác chiến đồng bộ, luôn giữ trạng thái năng động,
kịp thời và đối phó hữu hiệu.
Công tác sẵn sàng chiến đấu thường xuyên của lực
lượng hải quân, lấy bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lợi ích biển của quốc
gia làm trọng điểm, tổ chức và thực hiện công tác tuần tra sẵn sàng
chiến đấu thường xuyên theo nguyên tắc dùng binh hiệu quả cao, tuần tra
có hệ thống, theo dõi giám sát toàn khu vực, duy trì hiện diện quân sự ở
vùng biển hữu quan. Các hạm đội duy trì số lượng tàu chiến cần thiết,
các hạm đội hàng năm đảm bảo số lượng tàu chiến cần thiết tuần tra trong
khu vực quản lý, tăng cường tuần tra trinh sát trên biển và trên không,
căn cứ theo nhu cầu, tổ chức lực lượng cơ động tuần tra cảnh giới ở khu
vực biển liên quan.
Công tác sẵn sàng chiến đấu thường xuyên của lực
lượng không quân với trọng tâm là phòng vệ trên không phận lãnh thổ,
kiên trì nguyên tắc thống nhất giữa thời bình và thời chiến, từ phản ứng
toàn khu vực đến phản ứng toàn thế biên cương bờ cõi, duy trì trạng
thái sẵn sàng chiến đấu linh hoạt, nhạy cảm, hiệu quả cao. Tổ chức tuần
tra cảnh giới trên không phận ở trạng thái thông thường, kịp thời điều
tra kiểm chứng tình hình khác thường, chưa rõ ràng. Hệ thống chỉ huy
trực ban cảnh giới không quân xác định trung tâm là sở chỉ huy không
quân, sở chỉ huy lực lượng là cơ sở, chỗ dựa là lực lượng trực ban chiến
đấu của không quân và lực lượng phòng không mặt đất.
Pháo binh 2 trong thời bình duy trì trạng thái
cảnh giới thích hợp, căn cứ theo nguyên tắc kết hợp giữa thời bình và
thời chiến, luôn luôn sẵn sàng chiến đấu bất cứ lúc nào, tăng cường xây
dựng đồng bộ sẵn sàng chiến đấu; xây dựng hệ thống trực ban tác chiến
gồm các yếu tố tổng hợp, chức năng hoàn chỉnh, nhanh nhạy hiệu quả cao,
bảo đảm lực lượng phản ứng nhanh, đối phó hữu hiệu với các mối đe dọa
chiến tranh và sự kiện xảy ra bất ngờ. Khi đất nước bị đe dọa hạt nhân,
lực lượng tên lửa hạt nhân căn cứ mệnh lệnh của Quân ủy trung ương, nâng
cấp trạng thái cảnh giới, chuẩn bị tốt cho phản kích hạt nhân, răn đe
ngăn chặn kẻ địch sử dụng vũ khí hạt nhân đối với Trung Quốc; khi đất
nước bị tấn công hạt nhân, sử dụng vũ khí hạt nhân như tên lửa, độc lập
hoặc phối hợp với lực lượng hạt nhân của các quân chủng khác, kiên quyết
giáng trả kẻ địch. Lực lượng tên lửa thông thường có thể nhanh chóng
hoàn thành chuyển đổi trạng thái từ thời bình sang thời chiến, thực hiện
nhiệm vụ tấn công chính xác tầm trung và tầm xa bằng vũ khí thông
thường.
Tăng cường diễn tập, huấn luyện sát với thực tế chiến đấu
Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc coi việc diễn
tập, huấn luyện sát với thực tế chiến đấu là công tác trọng điểm, thúc
đẩy chuyển biến huấn luyện, nâng cao năng lực tác chiến thực tế của bộ
đội, chú trọng đưa ý tưởng tác chiến trong điều kiện thông tin hóa như
chế áp thông tin, đối kháng hệ thống, tác chiến chính xác, dung hòa hỗn
hợp, chiến thắng tổng thể vào thực tiễn huấn luyện rộng rãi. Tổ chức
diễn tập theo biên chế thời chiến và trình tự tác chiến thời chiến, huấn
luyện chỉ huy đối kháng đột xuất, huấn luyện đối kháng thực binh tự chủ
và huấn luyện trong môi trường chiến trường phức tạp, nâng cao toàn
diện năng lực tác chiến hệ thống của bộ đội dựa trên cơ sở hệ thống
thông tin theo yêu cầu thực tế chiến đấu.
Triển khai huấn luyện xuyên khu vực. Để nâng cao
năng lực phản ứng nhanh và khả năng tác chiến hỗn hợp của bộ đội trong
môi trường lạ và điều kiện phức tạp, dựa trên cơ sở huấn luyện chiến
thuật hợp đồng, tổ chức bộ đội thành các sư đoàn, lữ đoàn có nhiệm vụ
gần giống nhau, loại hình giống nhau và môi trường tác chiến trong tương
lai tương tự nhau, triển khai đồng loạt các cuộc diễn tập, huấn luyện
cơ động xuyên khu vực bằng phương thức diễn tập mang tính kiểm nghiệm
binh lính trong thực tế. Năm 2009 đã tổ chức cho các quân khu Thẩm
Dương, Lan Châu, Tế Nam, Quảng Châu, mỗi quân khu một sư đoàn để diễn
tập cơ động và mang tính đối kháng tầm xa. Bắt đầu từ năm 2010, tổ chức
hàng loạt cuộc diễn tập huấn luyện cơ động cấp chiến dịch xuyên khu vực
mang tên “Sứ mệnh hành động”. Trong đó, năm 2010 tổ chức cho ba quân khu
là các quân khu Bắc Kinh, Lan Châu, Thành Đô, mỗi quân khu cử một tập
đoàn quân, cơ quan đầu não của mỗi tập đoàn quân đó đem một sư đoàn (lữ
đoàn) và một bộ phận lực lượng không quân tham gia diễn tập; năm 2011 tổ
chức cho các quân khu Thành Đô, Tế Nam đem theo lực lượng của quân khu
mình đến diễn tập huấn luyện ở khu vực cao nguyên; năm 2012 tổ chức cho
các quân khu Thành Đô, Tế Nam, Lan Châu và lực lượng không quân hữu quan
đến diễn tập tại khu vực Tây Nam.
Làm nổi rõ huấn luyện đối kháng. Các quân binh
chủng tăng cường huấn luyện diễn tập mang tính chất đối kháng và tính
chất kiểm nghiệm, tổ chức diễn tập đối kháng sát với thực tế chiến đấu,
đối kháng trên mạng và đối kháng mô phỏng trên máy tính, nâng cao tính
mục đích và tính hiệu quả thực tế trong huấn luyện. Không quân dựa vào
căn cứ huấn luyện tạo dựng môi trường chiến trường phức tạp, tổ chức
diễn tập đối kháng hệ thống “quân đỏ quân xanh” giữa không quân của quân
khu với nhau, giữa không quân quân khu với bộ đội “quân xanh” hợp
thành, triển khai trong điều kiện thông tin hóa. Pháo binh 2 triển khai
huấn luyện đối kháng giữa trinh sát và chống trinh sát, giữa gây nhiễu
và chống gây nhiễu, giữa tấn công chính xác và phòng vệ phản công trong
môi trường chiến trường phức tạp, tăng cường huấn luyện bảo vệ an ninh
và kỹ năng thao tác trong điều kiện bị đe dọa bằng các loại vũ khí hạt
nhân, sinh học và hóa học, hàng năm tổ chức cho bộ đội tên lửa thuộc các
loại hình thực thi nhiệm vụ bắn đạn thật.
Mở rộng huấn luyện biển xa. Hải quân tìm kiếm mô
hình tổ chức huấn luyện theo nhiệm vụ tác chiến biển xa, tổ chức huấn
luyện nhóm biên đội tác chiến biển xa được biên chế hỗn hợp từ các tàu
khu trục hộ tống kiểu mới, tàu tiếp tế viễn dương tổng hợp và trực thăng
được chở trên tàu, đi sâu nghiên cứu diễn tập chủ đề sứ mệnh trong môi
trường chiến trường phức tạp, làm nổi rõ các nội dung huấn luyện trọng
điểm như cảnh báo sớm tầm xa và khống chế tổng hợp, đánh chặn biển xa,
tập kích bất ngờ, chống tàu ngầm, hộ tống viễn dương. Thông qua tổ chức
huấn luyện biển xa để lôi kéo các lực lượng bộ đội hữu quan vùng duyên
hải tiến hành huấn luyện thực binh mang tính đối kháng như huấn luyện
phòng không, chống tàu ngầm, chống thuỷ lôi, chống khủng bố, chống cưóp
biển, phòng vệ gần bờ, công phá đảo. Từ năm 2007 đến nay, tại Tây Thái
Bình Dương tổng cộng đã tổ chức cho gần 20 tốp tàu với hơn 90 lượt tàu
huấn luyện biển xa. Trong huấn luyện áp dụng biện pháp hữu hiệu ứng phó
với hoạt động trinh sát áp sát và quấy nhiễu phi pháp của máy bay, tàu
chiến quân dụng một số nước. Từ tháng 4-9/2012, tàu huấn luyện “Trịnh
Hòa” đã thực hiện hành trình huấn luyện vòng quanh thế giới, lần lượt
thăm và dừng tại 14 quốc gia và khu vực.
IV-BẢO ĐẢM PHÁT TRIỂN KINH TẾ-XÃ HỘI QUỐC GIA
Bảo vệ lao động hòa bình của nhân dân, tham gia
sự nghiệp xây dựng đất nước, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân là nhiệm
vụ quan trọng mà Hiến pháp và pháp luật giao phó cho lực lượng vũ trang
Trung Quốc. Lực lượng vũ trang Trung Quốc phục tùng và phục vụ đại cục
cải cách phát triển đất nước, tích cực tham gia xây dựng đất nước và cứu
hộ cứu nạn, bảo vệ xã hội ổn định hài hoà theo pháp luật, nỗ lực bảo
đảm lợi ích phát triển của quốc gia.
Tham gia xây dựng đất nước
Trên cơ sở hoàn thành các nhiệm vụ đào tạo huấn
luyện, thực hiện sứ mệnh chuẩn bị đấu tranh quân sự, nghiên cứu thí
nghiệm khoa học, xoay quanh quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của quốc
gia và của địa phương, quân đội và cảnh sát vũ trang kiên trì kết hợp
nhu cầu của địa phương, kỳ vọng của quần chúng và khả năng của quân đội,
sử dụng triệt đế các nguồn lực và ưu thế trong các lĩnh vực nhân tài,
trang bị, kỹ thuật, cơ sở hạ tầng, tích cực chi viện xây dựng các công
trình trọng điểm về cơ sở hạ tầng, môi trường sinh thái ở địa phương và
xây dựng nông thôn mới xã hội chủ nghĩa, làm tốt công tác giúp đỡ người
nghèo, trợ học để chấn hưng giáo giục, giúp đỡ khám chữa bệnh, góp phần
quan trọng vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội hài hoà, cải
thiện dân sinh ở địa phương.
Giúp đỡ xây dựng các công trình trọng điểm về cơ
sở hạ tầng. Phát huy ưu thế của bộ đội chuyên nghiệp trong các ngành
thuỷ điện, giao thông, công trình, đo vẽ bản đồ, chi viện xây dựng cơ sở
hạ tầng liên quan đến quốc kế dân sinh của nhà nước và các địa phương
như giao thông, thuỷ lợi, năng lượng, thông tin. Từ năm 2011 đến nay,
tổng cộng đã đầu tư hơn 15 triệu ngày công lao động, sử dụng hơn 1,2
triệu lượt xe cơ giới, giúp đỡ xây dựng 350 công trình trọng điểm từ cấp
tỉnh trở lên như sân bay, đường quốc lộ, đường sắt, đầu mối thủy lợi.
Cảnh sát vũ trang ngành thuỷ điện đã lần lượt tham gia xây dựng 115 hạng
mục công trình thuỷ lợi, thuỷ điện, đường sắt, đường ống dẫn khí đốt tự
nhiên như trạm thuỷ điện Nọa Trát Độ ở tỉnh Vân Nam, Cẩm Bính tỉnh Tứ
Xuyên, Bàng Đa thuộc Khu tự trị Tây Tạng. Cảnh sát vũ trang giao thông
xây dựng 172 dự án như đường quốc lộ Thiên Sơn ở Tân Cương, cầu hai tầng
đặc biệt lớn bắc qua sông Lạc Đường tỉnh Cam Túc, đường hầm Ca Long La
chạy qua đường quốc lộ Mạc Thoát, khu tự trị Tây Tạng, với chiều dài
tổng cộng là 3.250 km.
Tham gia xây dựng sinh thái và bảo vệ môi trường.
Bộ đội trong biên chế, dân quân và bộ đội dự bị tham gia công tác phủ
xanh đất trống đồi trọc, phòng chống sa mạc hóa, bảo vệ sinh thái vùng
ngập nước, hỗ trợ xây dựng các khu sinh thái và công trình sinh thái
trọng điểm quốc gia như xử lý nguồn gió cát tại Bắc Kinh, Thiên Tân,
xanh hóa sa mạc Hoàn Đáp Khắc La Mã Can (Tân Cương), bảo vệ sinh thái
trung và thượng nguồn các sông Trường Giang, Hoàng Hà, xử lý ba dòng
sông ở Tây Tạng. Hai năm trở lại đây, tổng cộng đã trồng được hơn 14
triệu cây xanh, trồng rừng theo vùng, gieo hạt bằng máy bay và phủ xanh
hơn 3 triệu mẫu đất trống đồi trọc. Bộ đội kỹ thuật như đo vẽ bản đồ,
khí tượng, cấp nước còn cung cấp dịch vụ thăm dò trắc địa, dự báo khí
tượng thuỷ văn, thăm dò nguồn nước cho địa phương.
Giúp nghèo vượt khó và hỗ trợ xây dựng nông thôn
mới. Các lực lượng bộ đội đã xây dựng quan hệ giúp nghèo vượt khó với 63
huyện nghèo, 547 xã, thị trấn khó khăn, tổng cộng thành lập 26.000 điểm
liên hệ giúp nghèo vượt khó, giúp đỡ xây dựng hơn 20.000 công trình quy
mô nhỏ như thuỷ lợi ruộng đồng, đường nông thôn, xử lý lưu vực sông
nhỏ…, giúp đỡ phát triển hơn 1.000 ngành công nghiệp có ưu thế đặc sắc,
giúp hơn 400.000 quần chúng khó khăn thoát nghèo làm giàu. Quân khu Bắc
Kinh đã lần lượt cử đoàn công trình cấp nước giúp các địa phương tại Vân
Nam, Quảng Tây, Sơn Đông, Hà Bắc, Nội Mông, Quý Châu tìm nước đào
giếng, tổng cộng đào 358 giếng, đã giải quyết vấn đề nước dùng sinh hoạt
của 960.000 dân và nước tưới tiêu cho 85.000 mẫu ruộng. Quân khu Lan
Châu đã cử đoàn công trình cấp nước thực hiện công trình “trăm giếng
giúp nông dân làm giàu”, tìm nước đào 192 giếng tại khu vực hạn hán ở
Trung Nam Ninh Hạ, đã giải quyết vấn đề nước sinh hoạt cho 390.000 dân,
570.000 gia súc và nước tưới tiêu cho 37.000 mẫu ruộng.
Giúp đỡ sự nghiệp khoa học kỹ thuật, giáo dục,
văn hóa, y tế. Từ năm 2011-2012, bộ đội thuộc các trường, học viện, các
đơn vị nghiên cứu khoa học và lực lượng kỹ thuật chuyên nghiệp đã đảm
nhận hơn 200 đề tài nghiên cứu khoa học như các dự án chuyên ngành lớn
của quốc gia, kế hoạch trợ giúp khoa học kỹ thuật, tham gia 220 dự án
khoa học công nghệ có nhiều khó khăn, chuyển giao thành công 180 dự án
khoa học kỹ thuật. 108 bệnh viện của quân đội và cảnh sát vũ trang cùng
giúp đỡ 130 bệnh viện cấp huyện ở khu vực khó khăn của miền Tây, các đơn
vị y tế chữa bệnh cấp quân đoàn trở xuống cùng giúp đỡ 1.283 trạm y tế
xã, thị trấn. Từ năm 2009-2012, tập trung giúp đỡ xây dựng 57 “trường
học Bát nhất yêu dân”, đã giải quyết vấn đề đi học của hơn 30.000 học
sinh.
Tham gia cứu hộ cứu nạn
Trung Quốc là một trong những quốc gia gặp nhiều
thiên tai nghiêm trọng nhất trên thế giới, chủng loại thiên tai nhiều,
khu vực phân bố rộng, tần suất xảy ra cao, đem đến mối nguy hại nghiêm
trọng cho xây dựng kinh tế của đất nước và an toàn tính mạng, tài sản
của quần chúng nhân dân. Lực lượng vũ trang Trung Quốc luôn là lực lượng
xung kích cứu hộ cứu nạn, đảm nhận nhiệm vụ cứu viện khẩn cấp nhất, khó
khăn nhất, nguy hiểm nhất. Căn cứ theo “Điều lệ quân đội tham gia cứu
hộ cứu nạn” ban hành năm 2005, quân đội và cảnh sát vũ trang chủ yếu đảm
nhận trách nhiệm cấp cứu giải nguy chuyên nghiệp như giải cứu, di dời
và sơ tán những người gặp khó khăn, bảo vệ an toàn các mục tiêu quan
trọng, cấp cứu, vận chuyển vật tư quan trọng, tham gia sửa chữa gấp
đường giao thông (cầu công, đường hầm), tìm kiếm cứu nạn trên biển, cứu
viện hạt nhân, sinh học, hóa học, kiểm soát dịch bệnh, cứu hộ điều trị,
loại bỏ hoặc kiểm soát các tình huống hiểm nghèo khác, hỗ trợ chính
quyền nhân dân địa phương triển khai nhiệm vụ tái thiết sau thảm họa.
Quân đội và cảnh sát vũ trang cùng với chính
quyền nhân dân các cấp xây dựng hoàn thiện cơ chế liên kết phối hợp giữa
quân đội và địa phương ứng phó với các thảm hoạ thiên tai, xây dựng mặt
bằng chỉ huy ứng phó di dời cấp chiến lược, dự trữ các dụng cụ vật tư
cần thiết cho cứu hộ cứu nạn khân cấp tại những khu vực trọng điểm, lên
kế hoạch chỉnh lý đề án ứng phó khẩn cấp cứu hộ cứu nạn của bộ đội từ
cấp trung đoàn trở lên, tổ chức diễn tập hỗn hợp cứu hộ cứu nạn giữa
quân đội và địa phương, nâng cao toàn diện năng lực cứu hộ cứu nạn. Hiện
nay, đã thành lập 9 lực lượng ứng cứu chuyên nghiệp cấp quốc gia với
50.000 người, gồm có đội ứng phó chống lũ lụt, đội cứu hộ khẩn cấp thảm
hoạ động đất, đội cứu hộ khẩn cấp hạt nhân, sinh học và hóa học, đội
phục vụ vận tải khẩn cấp trên không, đội cứu nạn khẩn cấp giao thông
điện lực, đội cứu nạn khẩn cấp trên biển, đội bảo đảm thông tin cơ động
khẩn cấp, đội cứu hộ y tế phòng dịch, đội ứng phó khẩn cấp bảo đảm khí
tượng chuyên nghiệp. Các quân khu sẽ cùng với các tỉnh (khu tự trị,
thành phố trực thuộc trung ương) hữu quan, dựa vào lực lượng bộ đội tại
ngũ và dự bị thành lập lực lượng ứng phó khẩn cấp chuyên nghiệp cấp tỉnh
với số lượng 45.000 người.
Lực lượng vũ trang Trung Quốc trong các lần cứu
hộ cứu nạn quan trọng đều đã phát huy vai trò là quân chủ lực và đội
xung kích. Năm 2008, điều động 1,26 triệu sĩ quan, chiến sỹ, dân quân và
quân nhân dự bị chống chọi thảm hoạ nhiệt độ thấp, tuyết rơi, đóng băng
nghiêm trọng tại phía Nam và 221.000 người tham gia cứu hộ cứu nạn
trong trận động đất đặc biệt nghiêm trọng ở Vấn Xuyên, Tứ Xuyên. Năm
2010, điều động 21.000 người tham gia cứu hộ cứu nạn trong trận động đất
mạnh tại Ngọc Thụ, Thanh Hải, 12.000 người tham gia cứu hộ cứu nạn
thiên tai trong thảm hoạ sạt lở đất do lũ lụt tại Châu Khúc thuộc tỉnh
Cam Túc. Từ năm 2011 đến nay, quân đội và cảnh sát vũ trang tổng cộng đã
điều động 370.000 binh sĩ, 197.000 lượt xe cơ giới các loại, 225 lượt
máy bay và máy bay trực thăng, tổ chức cho 870.000 dân quân và quân nhân
dự bị tham gia các hoạt động cứu hộ cứu nạn như chống lũ lụt, chống
động đất, chống hạn, chống băng tuyết, chống bão và chữa cháy, cấp cứu
di dời 2,45 triệu dân, cứu hộ vận chuyển 160.000 tấn dụng cụ vật tư. Máy
bay trực thăng của lực lượng không quân của lục quân mỗi năm điều động
hàng trăm lượt máy bay đảm nhận nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy rừng và
thảo nguyên, đồng thời thực hiện nhiệm vụ nói trên như công việc thường
xuyên.
Giữ gìn ổn định xã hội
Lực lượng vũ trang Trung Quốc tham gia các hoạt
động bảo vệ trật tự xã hội, phòng ngừa và tấn công khủng bố theo quy
định của pháp luật. Cảnh sát vũ trang là lực lượng cốt cán và xung kích
của quốc gia để xử lý các sự kiện công cộng xảy ra bất ngờ, giữ gìn ổn
định xã hội. “Luật Cảnh sát vũ trang nhân dân nước CHND Trung Hoa” công
bố thực hiện vào tháng 8/2009 đã xác định rõ phạm vi, biện pháp và
phương pháp bảo đảm thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh của cảnh sát vũ
trang. Cảnh sát vũ trang xây dựng hệ thống lực lượng xử lý sự kiện xảy
ra bất ngờ, duy trì ổn định xã hội, trong đó lấy lực lượng cơ động làm
chủ thể, rút lực lượng từ thành phần đang thực hiện nhiệm vụ khác để bổ
sung, lấy quân số từ các loại hình cảnh sát và từ các trường, học viện
để hỗ trợ, hoàn thiện hệ thống lực lượng chống khủng bố 4 cấp với chủ
thể là đội chống khủng bố cấp quốc gia, trung đội thực hiện nhiệm vụ đặc
biệt cấp tỉnh, trung đội làm nhiệm vụ đặc biệt cấp thành phố, tiểu đội
ứng phó cấp huyện. Làm tốt công tác bảo vệ an ninh cho các hoạt động
lớn, chấp hành nghiêm ngặt các nhiệm vụ như cảnh giới bảo vệ hiện
trường, kiểm tra an ninh con người, canh phòng bảo vệ các mục tiêu quan
trọng, làm thẻ kiểm soát trên các tuyến đường xung yếu và tuần tra vũ
trang đô thị. Từ năm 2011-2012, ứng phó và xử lý một cách hữu hiệu các
sự kiện xảy ra đột xuất dưới mọi hình thức, phối hợp với các cơ quan
công an xử lý thành công nhiều sự kiện khủng bố tấn công bạo lực, tham
gia xử lý 68 vụ bạo lực nghiêm trọng như bắt cóc con tin, giải cứu 62
con tin. Lần lượt hoàn thành các nhiệm vụ bảo đảm an ninh cho các hoạt
động lớn như Đại hội thể dục thể thao sinh viên thế giới mùa Hè lần thứ
26, Hội chợ triển lãm Trung Quốc-Á Âu, Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức
Hợp tác Thượng Hải tại Bắc Kinh, tổng cộng điều động hơn 1,6 triệu lượt
người.
Quân giải phóng nhân dân cử lực lượng hỗ trợ công
an, cảnh sát vũ trang hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ an ninh trong các hoạt
động lớn. Lục quân chủ yếu gánh vác nhiệm vụ phòng chống khủng bố, kiểm
tra phát hiện chất nổ hạt nhân, sinh học, hóa học, cứu hộ y tế; hải
quân chủ yếu chịu trách nhiệm loại bỏ các hiểm họa an ninh tiềm ẩn ở
vùng nước, đề phòng khủng bố tấn công từ biển; không quân chủ yếu chịu
trách nhiệm bảo vệ bầu trời ở địa điểm tổ chức các hoạt động quan trọng
và an ninh khu vực xung quanh địa điểm đó. Những năm gần đây, Quân giải
phóng nhân dân Trung Quốc đã tham gia hoạt động bảo đảm an ninh cho các
sự kiện lớn như Olympic Bắc Kinh, lễ kỷ niệm 60 năm quốc khánh, Hội chợ
triển lãm thế giới Thượng Hải, Á vận hội Quảng Châu, tổng cộng đã điều
động 145.000 người, 365 lượt máy bay chiến đấu và trực thăng, 148 tàu
thuyền, 554 bộ rađa.
Dân quân là một lực lượng quan trọng giữ gìn ổn
định xã hội, phối hợp hỗ trợ duy trì trật tự xã hội theo quy định của
pháp luật, được triển khai thống nhất theo kế hoạch giữa đảng uỷ, chính
quyền và dưới sự chỉ đạo của cơ quan quân sự địa phương, tham gia các
hoạt động phối hợp bảo vệ trị an, xử lý tổng hợp trong công tác quản lý
xã hội, bảo đảm an ninh các hoạt động lớn. Mỗi năm có hơn 90.000 người
thực hiện nhiệm vụ bảo vệ cầu cống, đường hầm và các tuyến đường sắt.
Lực lượng đóng tại Hồng Công, Ma Cao là lực lượng
do Chính phủ nhân dân trung ương phái đến đóng tại các Đặc khu hành
chính Hồng Công, Ma Cao, thực hiện chức năng phòng vệ theo pháp luật.
Luật đóng quân tại Hồng Công, Ma Cao quy định, Chính quyền Đặc khu khi
cần thiết có thể đề nghị Chính phủ nhân dân Trung ương cho quân đội đóng
tại các đặc khu này hỗ trợ duy trì trật tự trị an xã hội và cứu hộ cứu
nạn. Vào lúc thích hợp lực lượng đóng tại Hồng Công, Ma Cao tổ chức tuần
tra chung trên biển, trên không và huấn luyện, tập trận chung hàng năm,
tham gia diễn tập hỗn hợp cứu hộ tai nạn máy bay trên biển do Chính
quyền Đặc khu tổ chức, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho khu
vực thi đấu Olympic Bắc Kinh tại Hồng Công và các hoạt động chào mừng
Hồng Công, Ma Cao trở về với Trung Quốc đại lục.
Bảo vệ quyền và lợi ích biển
Trung Quốc là nước lớn trên đất liền và trên
biển, biển là không gian quan trọng và bảo đảm tài nguyên để Trung Quốc
thực hiện phát triển bền vững, liên quan đến hạnh phúc của nhân dân và
tương lai của đất nước. Việc khai thác, sử dụng, bảo vệ biển và xây dựng
cường quốc biển là chiến lược phát triển quan trọng của quốc gia. Kiên
quyết bảo vệ quyền lợi và lợi ích biển của quốc gia là chức trách quan
trọng của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc.
Hải quân kết hợp chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu
thường xuyên, bảo đảm an toàn cho các hoạt động chấp pháp trên biển, sản
xuất ngư nghiệp và khai thác dầu khí của quốc gia, xây dựng cơ chế phối
hợp với các ngành chấp pháp như hải giám, ngư chính, xây dựng hoàn
thiện cơ chế liên kết phối hợp phòng ngự giữa quân đội, cảnh sát và nhân
dân. Hiệp đồng với các cơ quan hữu quan địa phương triển khai trắc đạc
đo vẽ bản đồ và điều tra khoa học biển, xây dựng hệ thống giám sát khí
tượng hải dương, dẫn đường qua vệ tinh, dẫn đường vô tuyến điện và cột
mốc hỗ trợ hàng hải, kịp thời công bố thông tin liên quan về khí tượng
và hành trình của tàu thuyền, xây dựng và hoàn thiện hệ thống bảo đảm an
toàn hàng hải trong vùng biển quản lý.
Các ngành hải quân, hải giám, ngư chính nhiều lần
liên kết tổ chức diễn tập huấn luyện chấp pháp bảo vệ chủ quyền liên
hợp trên biển, không ngừng nâng cao năng lực hiệp đồng chỉ huy và xử lý
ứng phó với tình trạng khẩn cấp giữa quân đội và địa phương trong việc
liên kết đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên biển. Tháng 10/2012 đã tổ chức
tập trận chung bảo vệ chủ quyền trên biển mang tên “Hiệp tác Đông
Hải-2012” tại vùng biển Hoa Đông, tổng cộng có 11 tàu và 8 máy bay tham
gia.
Cảnh sát biên phòng là lực lượng vũ trang chấp
pháp trọng yếu trên biển, thực hiện quyền kiểm soát đối với các hành vi
vi phạm hoặc nghi can tội phạm trái với pháp luật, pháp quy, quy tắc
quản lý hành chính của công an xảy ra tại vùng nội thuỷ, lãnh hải, vùng
giáp ranh, khu đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Trung Quốc. Những
năm gần đây, cảnh sát biên phòng ra sức triển khai xây dựng vùng biển
bình an, tăng cường tuần tra giám sát biên giới trên biển thuộc Vịnh Bắc
Bộ và vùng biển Tây Sa (Hoàng Sa), đã bảo vệ hữu hiệu ổn định trị an
trên biển.
Bảo vệ lợi ích ở nước ngoài
Cùng với kinh tế Trung Quốc từng bước hội nhập
vào hệ thống kinh tế thế giới, lợi ích ở nước ngoài đã trở thành bộ phận
cấu thành quan trọng của lợi ích quốc gia Trung Quốc, vấn đề an ninh
nguồn năng lượng ở nước ngoài, đường giao thông chiến lược trên biển và
công dân, pháp nhân ở nước ngoài ngày càng nổi rõ. Triển khai các hoạt
động ở nước ngoài như hộ tống tàu thuyền trên biển, sơ tán công dân ở
nước ngoài, ứng phó khẩn cấp, cứu viện… đã trở thành phương thức quan
trọng trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia và thực hiện nghĩa vụ quốc tế
của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc.
Căn cứ nghị quyết hữu quan của Hội đồng Bảo an
Liên Hợp Quốc và được sự đồng ý của Chính phủ liên bang quá độ Xômali,
từ ngày 26/12/2008, Chính phủ Trung Quốc đã điều động biên đội tàu chiến
hải quân đến vịnh Aden, vùng biển Xômali thực hiện hộ tống tàu thuyền
với nhiệm vụ chủ yếu là bảo vệ an toàn nhân viên, tàu thuyền Trung Quốc
đi qua vùng biển này, cũng như bảo vệ an toàn cho tàu thuyền chuyên chở
vật tư nhân đạo của các tổ chức quốc tế như Chương trình Lương thực thế
giới, đông thời cố gắng hỗ trợ an ninh cho các tàu thuyền nước ngoài đi
qua vùng biển này. Tính đến tháng 12/2012, tổng cộng đã cử 13 đợt với 34
lượt tàu, 28 lượt máy bay trực thăng, 910 đội viên đội đặc nhiệm, hoàn
thành nhiệm vụ hộ tống cho 532 tốp với 4.984 tàu thuyền trong và ngoài
nước, trong đó có 1.510 tàu của Trung Quốc đại lục, 940 tàu của Hồng
Công, 74 tàu của Đài Loan và 1 tàu của Ma Cao; tìm cách ứng cứu 2 tàu
Trung Quốc bị hải tặc đột kích lên tàu, giải cứu 22 tàu thuyền Trung
Quốc bị hải tặc truy đuổi.
Tháng 2/2011, tình hình Libi biến động mạnh, các
tổ chức tài chính, doanh nghiệp và người Trung Quốc đầu tư ở Libi đứng
trước sự đe dọa lớn về an ninh. Chính phủ Trung Quốc đã tổ chức rút công
dân ở nước ngoài với quy mô lớn nhất kể từ khi nước Trung Quốc thành
lập đến nay với số người được sơ tán lên tới 35.860 người. Quân Giải
phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã đưa tàu và máy bay hỗ trợ đưa người
làm việc ở Libi về nước. Tàu hộ tống mang tên lửa “Từ Châu” của hải quân
đang làm nhiệm vụ hộ tống tàu ở vùng biển Xômali và vịnh Aden đã đến
vùng biển gần Libi chi viện và hộ tống các tàu đưa người Trung Quốc gặp
khó khăn về nước. Không quân Trung Quốc khẩn cấp điều động 4 máy bay,
thực hiện tổng cộng 40 lượt chuyến bay hỗ trợ 1.655 người đang gặp khó
khăn (bao gồm cả 240 người Nêpan) từ Libi dời sang Xu đăng, đón 287
người từ Xuđăng về nước.
V-BẢO VỆ HÒA BÌNH THẾ GIỚI VÀ ỔN ĐỊNH KHU VỰC
An ninh và phát triển của Trung Quốc liên quan
chặt chẽ với hòa bình và phồn vinh của thế giới. Lực lượng vũ trang
Trung Quốc trước sau luôn là lực lượng kiên định bảo vệ hòa bình thế
giới và ổn định khu vực, ra sức tăng cường hợp tác quân sự với các nước,
nâng cao sự tin cậy lẫn nhau về quân sự, tham gia các hoạt động an ninh
quốc tế và khu vực, phát huy vai trò tích cực trong lĩnh vực chính trị
và an ninh quốc tế.
Tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc (LHQ)
Trung Quốc nghiêm túc thực hiện trách nhiệm và
nghĩa vụ quốc tế, ủng hộ và tích cực tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình
của LHQ. Theo nghị quyết của LHQ và thỏa thuận đạt được giữa Chính phủ
Trung Quốc và LHQ, Trung Quốc cử lực lượng gìn giữ hòa bình và nhân viên
quân sự chuyên nghiệp đến các nước và khu vực được chỉ định, tổ chức
thực hiện các hoạt động gìn giữ hòa bình dưới sự chủ đạo của LHQ, chủ
yếu đảm nhận nhiệm vụ giám sát ngừng bắn, cách li xung đột, đảm bảo an
toàn cho các công trình, vận tải, điều trị y tế, tham gia tái thiết xã
hội cũng như viện trợ nhân đạo.
Năm 1990, PLA đã cử 5 quan sát viên quân sự đến
khu vực gìn giữ hòa bình của LHQ ở Trung Đông, lần đầu tiên tham gia
hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ. Năm 1992, cử đại đội lính công binh
400 người đến khu vực làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của LHQ ở Campuchia,
lần đầu tiên cử bộ đội đi theo cơ chế biên chế chính quy. Từ đó đến
nay, PLA tổng cộng đã cử 22.000 lượt nhân viên quân sự gìn giữ hòa bình,
tham gia 23 hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ. Toàn bộ những sĩ quan
binh sĩ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Trung Quốc đều được nhận
Huân chương hòa bình LHQ, có 3 sĩ quan và 6 binh sĩ hy sinh trong khi
làm nhiệm vụ, được nhận huân chương Hammarskjld của LHQ. Trung Quốc hiện
là nước cử nhiều nhân viên quân sự gìn giữ hòa bình nhất trong 5 nước
thành viên thường trực Hội đồng bảo an LHQ, là nước cử các phân đội thi
hành nhiệm vụ đảm bảo về công binh, vận tải và y tế nhiều nhất trong số
115 nước đưa quân tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình, là nước đang phát
triển có đóng góp tài chính nhiều nhất cho hoạt động gìn giữ hòa bình
của LHQ.
Tính đến tháng 12/2012, PLA đã có 1.842 sĩ quan
binh sĩ làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình ở 9 khu vực thực hiện nhiệm vụ này
của LHQ, trong đó có 78 người là quan sát viên quân sự và sĩ quan tham
mưu, phân đội công binh và y tế trong lực lượng đặc biệt đến giữ ổn định
tình hình ở Cộng hòa dân chủ Cônggô (Kinsasa) tổng cộng 218 người, phân
đội công binh, vận tải và y tế trong lực lượng đặc biệt của LHQ đến
Libi có 558 người, phân đội công binh, y tế trong lực lượng lâm thời của
LHQ ở Libăng là 335 người, phân đội công binh và y tế trong lực lượng
đặc biệt của LHQ ở Nam Xuđăng là 338 người, phân đội công binh trong lực
lượng đặc biệt của LHQ/Liên minh châu Phi ở Darfur có 315 người.
Lực lượng gìn giữ hòa bình của Trung Quốc phát
huy phẩm chất tốt đẹp đặc biệt có thể chịu khổ, có thể chiến đấu và hy
sinh, biết cống hiến, hoàn thành mọi nhiệm vụ được đặt ra với yêu cầu
cao. Trong 22 năm qua, lực lượng này tổng cộng đã xây mới, sửa chữa hơn
10.000 km đường, 284 cây cầu, phá hơn 9.000 quả bom mìn và vũ khí chưa
nổ các loại, vận chuyển 1.000.000 tấn vật tư với tổng đường vận chuyển
hơn 11.000.000 km, nhận khám chữa bệnh cho 120.000 lượt bệnh nhân. Các
sĩ quan tham mưu và quan sát viên quân sự làm việc tại Bộ Tư lệnh và
thực hiện các nhiệm vụ tuần tra, giám sát ngừng bắn, liên lạc, đàm phán…
đều thể hiện tinh thần trách nhiệm cao.
Phân đội công binh đến Cônggô (Kinsasa) liên tục
hăng hái chiến đấu suốt nhiều ngày đêm, san bằng bãi nham thạch núi lửa
rộng 16.000 m2. Phạm vi bảo đảm của phân đội vận tải đến Libi bao trùm
toàn bộ lãnh thổ Libi, trở thành trung tâm đảm bảo vận tải của gần 50
nhóm lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ ở Libi. Lực lượng gìn giữ hòa
bình của Trung Quốc còn rải đường làm cầu, sửa chữa xe cộ, vận chuyển
cung cấp vật tư cho người dân địa phương, đưa họ đến bệnh viện, tặng
thuốc men và phổ biến kỹ thuật trồng trọt trong nông nghiệp. Phân đội
công binh đến Libăng còn tự sáng tạo ra phương pháp gỡ mìn “định vị hình
chữ thập nghiêng đan chéo nhau”, nâng cao dần tiến độ và hệ số gỡ mìn
an toàn, diện tích tháo gỡ bom mìn trung bình mỗi ngày trên 500m2; trong
thời gian xung đột ở Libăng đã loại bỏ được hơn 3.500 quả bom, đạn chưa
nổ. Phân đội công binh ở Darfur, Xuđăng đã đào được 13 giếng nước ở
những nơi được cho là không thể đào giếng. Phân đội công binh đến Nam
Xuđăng đã xây dựng được trung tâm quá độ huấn luyện giải giáp vũ khí,
phục viên, thu xếp lại cuộc sống đầu tiên với tiêu chuẩn cao, đóng góp
tích cực cho tiến trình hòa bình ở khu vực này.
Sĩ quan chiến sĩ tham gia hoạt động gìn giữ hòa
bình của Trung Quốc đã nghiêm chỉnh chấp hành các quy tắc hành vi của
nhân viên gìn giữ hòa bình LHQ, quy tắc giao chiến của LHQ và các quy
định pháp luật của nước sở tại, tôn trọng tín ngưỡng tôn giáo và phong
tục tập quán của địa phương, nghiêm chỉnh chấp hành các quy định trong
khu vực làm nhiệm vụ và chế độ quy định của bộ đội gìn giữ hòa bình
Trung Quốc, giành được sự tín nhiệm của người dân địa phương.
Cứu hộ thiên tai và viện trợ nhân đạo quốc tế
Lực lượng vũ trang Trung Quốc tích cực tham gia
hoạt động cứu hộ cứu nạn và viện trợ nhân đạo quốc tế do Chính phủ tổ
chức, viện trợ vật tư và hỗ trợ y tế cho nước bị thiên tai, cử đội cứu
viện chuyên nghiệp đến nước bị thiên tai, chi viện giảm nhẹ hậu quả
thiên tai, trợ giúp gỡ mìn và triển khai giao lưu quốc tế về cứu hộ giảm
nhẹ hậu quả thiên tai.
Từ năm 2002 đến nay, PLA đã 36 lần thực hiện
nhiệm vụ viện trợ nhân đạo khẩn cấp của quốc tế, gửi đến 27 nước bị
thiên tai khối lượng vật tư cứu trợ giá trị tổng cộng trên 1,25 tỷ nhân
dân tệ (NDT). Từ năm 2001 đến nay, Đội cứu viện quốc tế của Trung Quốc
do các sĩ quan binh sĩ Đoàn công binh của Quân khu Bắc Kinh, các bác sĩ y
tá bệnh viện trung ương của lực lượng cảnh sát vũ trang cùng các chuyên
gia của Cục địa chấn Trung Quốc hợp thành đã tham gia 8 đợt cứu hộ
thiên tai quốc tế. Từ năm 2010 trở lại đây, Đội cứu viện y tế của PLA đã
3 lần đến thực hiện nhiệm vụ cứu trợ y tế nhân đạo quốc tế ở Haiti và
Pakixtan, Đội cứu hộ máy bay trực thăng của lực lượng không quân của lục
quân đã đến hỗ trợ chống lũ lụt ở Pakixtan.
Tháng 3/2011, Nhật Bản xảy ra động đất mạnh dẫn
đến sóng thần, Đội cứu viện quốc tế của Trung Quốc lập tức đến Nhật Bản
tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn. Tháng 7/2011, tại Thái Lan xảy ra lũ
lụt nghiêm trọng, không quân của PLA đã điều 4 máy bay chở hơn 90 tấn
vật tư chống lũ lụt cứu nạn của Bộ Quốc phòng Trung Quốc đến Băngcốc
viện trợ cho lực lượng vũ trang Thái Lan. Tháng 9/2011, Pakixtan xảy ra
đợt lũ lụt khủng khiếp, không quân PLA đã điều 5 máy bay chở 7.000 chiếc
lều bạt đến Karachi, Quân khu Lan Châu cử Đội cứu hộ phòng dịch y tế
đến khu vực bị thiên tai nặng nề Kunray triển khai công tác hỗ trợ y tế,
vệ sinh phòng dịch.
Lực lượng vũ trang Trung Quốc tích cực mở rộng
hoạt động viện trợ và dịch vụ y tế cho các nước đang phát triển, tham
gia giao lưu và hợp tác y tế quốc tế, đã tăng cường tình hữu nghị và tin
tưởng lẫn nhau với các nước. Trong năm 2010-2011, con tàu bệnh viện
mang tên “Tàu Noah hòa bình” (theo Kinh thánh ông Noah đã đóng chiếc tàu
lớn lánh nạn hồng thủy-ND) đã đến 5 nước châu Á, châu Phi và 4 nước Mỹ
Latinh, thực hiện nhiệm vụ dịch vụ y tế nhân đạo mang tên “Sứ mệnh hài
hòa” trong thời gian 193 ngày, với tổng hành trình 42.000 hải lý, cung
cấp dịch vụ y tế cho gần 50.000 người. Những năm gần đây, Đội y tế của
PLA còn kết hợp tham gia diễn tập liên hợp y tế nhân đạo, tích cực cung
cấp dịch vụ chữa trị cho người dân các nước Gabông, Pêru, Inđônêxia.
Chính phủ Trung Quốc rất coi trọng vấn đề nhân
đạo do bom mìn gây ra, tích cực ủng hộ và tham gia hoạt động hỗ trợ rà
phá bom mìn quốc tế. Từ năm 1999 đến nay, PLA đã thông qua các phương
thức như mở lớp huấn luyện kỹ thuật rà mìn, chuyên gia chỉ đạo tại hiện
trường, viện trợ trang thiết bị gỡ mìn, phối hợp với các ngành có liên
quan của nhà nước hỗ trợ rà phá bom mìn cho gần 40 nước ở châu Á, châu
Phi và Mỹ Latinh, đào tạo hơn 400 nhân viên kỹ thuật gỡ mìn cho các nước
khác, chỉ đạo rà phá bãi bom mìn rộng hơn 200.000 m2, quyên tặng số
lượng trang thiết bị khí tài rà phá bom mìn trị giá khoảng 60 triệu NDT.
Bảo vệ an ninh đường biển quốc tế
Hải quân Trung Quốc thực hiện nghĩa vụ quốc tế,
triển khai hoạt động bảo vệ tàu thuyền thường nhật ở vịnh Aden và vùng
biển Xômali, tiến hành giao lưu hợp tác với lực lượng bảo vệ tàu thuyền
của các nước, cùng bảo vệ an ninh đường biển quốc tế. Tính đến tháng
12/2012, biên đội tàu hộ tống của hải quân Trung Quốc tổng cộng đã hộ
tống cho 4 tàu của tổ chức Chương trình lương thực thế giới (WFP), 2.455
tàu nước ngoài, chiếm 49% tổng số tàu thuyền được hộ tống; cứu hộ 4 tàu
nước ngoài, đón nhận hộ tống 4 tàu nước ngoài được hải tặc phóng thích,
giải cứu 20 tàu nước ngoài bị hải tặc truy đuổi.
Biên đội tàu hộ tống của hải quân Trung Quốc đã
cùng với hải quân nhiều nước thành lập cơ chế trao đổi trên các phương
diện hợp tác hộ tống tàu thuyền, chia sẻ thông tin, phối hợp liên lạc;
cùng với Nga triển khai hoạt động hộ tống tàu hỗn hợp, cùng với tàu của
hải quân Hàn Quốc, Pakixtan, Mỹ triển khai diễn tập chung chống hải tặc,
phối hợp với Liên minh châu Âu (EU) tiến hành hộ tống cho cho tàu của
WFP; cùng với các tàu hộ tống của EU, NATO, lực lượng trên biển đa quốc
gia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Xinhgapo tổ chức các sĩ quan chỉ huy lên tàu
thăm viếng lẫn nhau; cùng với Hà Lan cử sĩ quan lên tàu và lưu lại khảo
sát lẫn nhau; tích cực tham gia các cơ chế quốc tế như Hội nghị nhóm
liên lạc vấn đề hải tặc Xômali và Hội nghị quốc tế hộ tống tàu thuyền
“chia sẻ thông tin và ngăn chặn xung đột”.
Bắt đầu từ tháng 1/2012, các nước hộ tống độc lập
như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản đã tăng cường phối hợp hành động, lấy
đơn vị thời gian mỗi quý làm một chu kỳ phối hợp các chuyến đi hộ tống
của mỗi nước, trù tính nguồn xuất phát các chuyến hộ tống, nâng cao hiệu
quả hộ tống. Trung Quốc là nước áp dụng phối hợp chuyến hộ tống đầu
tiên, đã kịp thời công bố chuyến hộ tống quý 1 năm 2012, Ấn Độ, Nhật Bản
căn cứ theo đó để điều chỉnh kế hoạch về thời gian chuyến hộ tống của
nước mình, đã hình thành lịch trình các chuyến hộ tống vừa thống nhất
vừa có trình tự giãn cách. Bắt đầu từ quý 4 Hàn Quốc đã tham gia cơ chế
phối hợp các chuyến hộ tống của nước hộ tống độc lập.
Quân đội Trung Quốc và nước ngoài diễn tập và huấn luyện chung
PLA kiên trì phương châm không liên minh, không
đối kháng, không nhằm vào bên thứ ba và tuân thủ nguyên tắc chiến lược
cùng có lợi, tham gia bình đẳng, thực hiện đối đẳng, cùng với quân đội
nước khác triển khai diễn tập chung, huấn luyện chung song phương và đa
phương theo nhiều cấp độ, nhiều lĩnh vực, nhiều quân binh chủng. Từ năm
2002 trở lại đây, căn cứ theo các hiệp định hoặc thoả thuận, PLA đã cùng
tổ chức 28 lần diễn tập chung, 34 lần huấn luyện chung với 31 quốc gia,
đã phát huy vai trò tích cực trong việc thúc đẩy nâng cao sự tin cậy
lẫn nhau về chính trị, quân sự, bảo vệ an ninh ổn định khu vực và tăng
cường xây dựng hiện đại hóa quân đội.
Diễn tập quân sự hỗn hợp chống khủng bố phát
triển theo hướng cơ chế hoá trong khuôn khổ của Tổ chức Hợp tác Thượng
Hải (SCO). Trung Quốc và các nước thành viên trong tổ chức này đã 9 lần
tổ chức diễn tập quân sự hỗn hợp song phương và đa phương. Bắt đầu từ
năm 2005, tổ chức hàng loạt cuộc diễn tập quân sự hỗn hợp mang tên “Sứ
mệnh hoà bình” có ảnh hưởng chiến lược và có quy mô tương đối lớn cấp
chiến dịch, bao gồm Diễn tập quân sự hỗn hợp “Sứ mệnh hòa bình – 2005”
Trung – Nga; Diễn tập quân sự hỗn hợp chống khủng bố “Sứ mệnh hòa bình –
2007” của lực lượng vũ trang SCO; Diễn tập quân sự hỗn hợp chống khủng
bố “Sứ mệnh hoà bình – 2009” Trung – Nga; Diễn tập quân sự hỗn hợp chống
khủng bố “Sứ mệnh hoà bình – 2010” của lực lượng vũ trang SCO; Diễn tập
quân sự hỗn hợp chống khủng bố “Sứ mệnh hoà bình – 2012” của lực lượng
vũ trang SCO. Diễn tập đã có sức răn đe và trấn áp đối với các thế lực
khủng bố, ly khai và cực đoan, nâng cao khả năng đối phó chung với những
thách thức mới và đe dọa mới của các nước thành viên SCO.
Diễn tập chung, huấn luyện chung trên biển không
ngừng được mở rộng. Những năm gần đây, hải quân Trung Quốc liên tục tham
gia các cuộc diễn tập hỗn hợp đa quốc gia trên biển mang tên “Hòa bình –
07”, “Hoà bình – 09”, “Hòa bình -11” do Pakixtan tổ chức tại biển Arập.
Hải quân hai nước Trung Quốc, Nga tổ chức diễn tập quân sự “Liên hợp
trên biển – 2012” trên vùng biển Hoàng Hải thuộc Trung Quốc với chủ đề
tác chiến cùng bảo vệ giao thông trên biển. Đội thủy quân lục chiến của
Trung Quốc và Thái Lan đã tổ chức huấn luyện chung mang tên “Đột kích
xanh – 2010”, và “Đột kích xanh – 2012”. Hải quân Trung Quốc kết hợp các
hoạt động như tàu thăm viếng lẫn nhau, tổ chức diễn tập huấn luyện song
phương và đa phương trên biển với hải quân các nước Ấn Độ, Pháp, Anh,
Ôxtrâylia, Thái Lan, Mỹ, Nga, Nhật Bản, Niu Dilân, Việt Nam theo các nội
dung thông tin liên lạc, vận động biên đội, tiếp tế trên biển, trực
thăng đổ bộ xuống tàu của nhau, pháo kích biển đổi biển, hộ tống hỗn
hợp, tuần tiễu kiểm tra, tìm kiếm cứu nạn, lặn nước.
Lục quân huấn luyện hỗn hợp từng bước đi vào
chiều sâu. Từ năm 2007 đến nay, lục quân Trung Quốc nhiều lần tổ chức
huấn luyện chung với lục quân nước ngoài. Tổ chức huấn luyện chung chống
khủng bố “Tay nắm tay – 2007”, “Tay nắm tay – 2008” với lục quân Ấn Độ;
Huấn luyện chung gìn giữ hoà bình mang tên “Sứ mệnh gìn giữ hoà bình –
2009” với lục quân Mông cổ; Huấn luyện chung bảo vệ an ninh “Hợp tác –
2009”, “Hợp tác 2010” với Xinhgapo; Tổ chức huấn luyện chung bộ đội miền
núi mang tên “Hành động hữu nghị – 2009”, “Hành động hữu nghị – 2010”
với lục quân Rumani; Huấn luyện chung phân đội đột kích lục quân với Thổ
Nhĩ Kỳ. Bộ đội đặc chung của lục quân Trung Quốc tổ chức các đợt huấn
luyện chung “Đột kích – 2007”. “Đột kích – 2008” và “Đột kích – 2010” về
chống khủng bố với lực lượng đặc nhiệm lục quân Thái Lan; Tổ chức các
đợt huấn luyện chung chống khung bố “Kiếm sắc – 2011”, “Kiếm sắc – 2012”
với lực lượng đặc nhiệm Inđônêxia; tiến hành huấn luyện chung chống
khủng bố “Hữu nghị – 2010”, “Hữu nghị – 2011” với lực lượng đặc nhiệm
Pakixtan; Huấn luyện chung chống khủng bố mang tên “Hợp tác – 2012” với
lực lượng tác chiến đặc nhiệm Colombia. Tháng 11/2012, tổ chức huấn
luyện chung chống khủng bố với lực lượng đặc nhiệm Gioócđani, tập dượt
phân tích cứu hộ cứu nạn nhân đạo với lục quân Mỹ.
Không quân huấn luyện chung có được tiến triển.
Tháng 3/2011, phân đội huấn luyện hỗn hợp của không quân Trung Quốc tổ
chức huấn luyện không chiến chung mang tên “Chim ưng-1 ” với không quân
Pakixtan. Tháng 10, Trung Quốc tổ chức huấn luyện chung chống khủng bố ở
thành phố mang tên “Hợp tác – 2011” với lính đổ bộ đường không
Vênêxuêla. Tháng 7/2011 và 11/2012, Trung Quốc cùng với lính đổ bộ đường
không Bêlarút lần lượt tổ chức các đợt huấn luyện chung “Ưng thần
-2011”, “Ưng thần-2012”.
Huấn luyện chung y tế hậu cần từng bước mở rộng.
Từ 2009-2011, Đội y tế điều trị của PLA đã đến Gabông và Pêru tổ chức
các hoạt động cứu hộ y tế nhân đạo hỗn hợp mang tên “Thiên sứ hòa bình”,
đến Inđônêxia tham gia diễn tập huấn luyện cứu nạn trong khuôn khổ Diễn
đàn khu vực ASEAN. Tháng 10/2012, Phân đội hậu cần PLA cùng với
Ôxtrâylia, Niu Dilân diễn tập huấn luyện chung cứu hộ nhân đạo giảm nhẹ
thiên tai mang tên “Tinh thần hợp tác – 2012”.
LỜI KẾT
Trong giai đoạn mới của thế kỷ mới, lực lượng vũ
trang Trung Quốc đã thực hiện có hiệu quả sứ mệnh lịch sử mới, không
ngừng nâng cao khả năng hoàn thành nhiệm vụ quân sự đa dạng hoá, trong
đó trung tâm được xác định là khả năng đánh thắng chiến tranh cục bộ
trong điều kiện thông tin hoá, kiên quyết bảo vệ chủ quyền, an ninh và
toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia, đảm bảo vững chắc cho kinh tế xã hội của
đất nước phát triển, nhân dân an cư lạc nghiệp, hoàn thành xuất sắc
hàng loạt nhiệm vụ khó khăn nặng nề cũng như hoàn thành xuất sắc các
hoạt động diễn tập, huấn luyện quan trọng chuấn bị cho chiến tranh, được
nhân dân tín nhiệm và hết lòng ca ngợi.
Từ khởi điểm lịch sử mới, sứ mệnh của lực lượng
vũ trang Trung Quốc cao cả và thiêng liêng, trách nhiệm to lớn và quang
vinh. Lực lượng vũ trang Trung Quốc sẽ luôn đặt nhiệm vụ giữ gìn chủ
quyền, an ninh của quốc gia, bảo vệ lợi ích của nhân dân lên trên hết,
luôn coi việc bảo vệ hòa bình thế giới và thúc đẩy cùng phát triển là
nhiệm vụ quan trọng, ra sức đẩy nhanh hiện đại hoá quốc phòng và quân
đội, tích cực tham gia hợp tác an ninh quốc tế, nỗ lực cùng với lực
lượng vũ trang các nước tạo dựng môi trường an ninh quốc tế hoà bình ổn
định, bình đẳng, tin cậy lẫn nhau, hợp tác cùng thắng./.