THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM (Tài liệu tham khảo đặc biệt)
Thứ Năm, ngày 21/2/2013
TTXVN (Bắc Kinh 17/2)
Vào dịp năm mới trong tình hình mới, tờ “Quốc tế tiên khu đạo báo”,
ấn phẩm của Tân Hoa xã, mới đây đăng ý kiến bàn luận của các chuyên gia
Trung Quốc về vấn đề tranh chấp biển đảo của Trung Quốc với các nước
khác trong 10 năm tới.
I- Ngô Sĩ Tồn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Nam Hải Trung Quốc: Cần phải đốì phó tranh chấp Nam Hải một cách thỏa đáng
Năm 2012 là năm có nhiều sự việc xảy ra ở Nam Hải
(Biển Đông), trong 10 năm tới đây xu hướng “năm nhiều chuyện, biển đảo
nhiều chuyện” như vậy có thể sẽ còn tiếp diễn. Nhìn chung tỉnh hình Nam
Hải hiện nay thể hiện 5 đặc điểm rõ rệt:
Thứ nhất, tranh chấp Nam Hải đang chuyển biến
trạng thái từ tranh chấp ngẫu nhiên xảy ra sang tranh chấp dễ xảy ra,
nhiều tranh chấp xảy ra và tranh chấp thường xuyên xảy ra.
Thứ hai, tình hình Nam Hải diễn biến từ chỗ có
thể kiểm soát trên tổng thể sang có giới hạn, đặc biệt là biển số trong
tình hình Nam Hải gia tăng rõ rệt, đã có biểu hiện ban đầu chuyển từ
trạng thái có trật tự sang không có trật tự theo đà tiếp tục gia tăng
các nhân tố Mỹ và nhân tố ASEAN trong vấn đề này.
Thứ ba, mỗi nước tranh chấp có một chủ kiến
riêng, xu hướng lấy “ý nguyện riêng” thay thế “ý nguyện chung” dần dần
tăng lên, phương thức kiểm soát khủng hoảng Nam Hải bắt đầu phát triển
theo hướng đơn phương thiếu lành mạnh rất rõ.
Thứ tư, cạnh tranh địa chính trị và chạy đua vũ
trang ở Nam Hải tăng lên, cuộc chơi chiến lược nước lớn và chiến thuật
nước nhỏ đan xen, ảnh hưởng lẫn nhau, mâu thuẫn lợi ích cũng chằng chéo
nhau phức tạp khiến lo ngại về nguy cơ xảy ra va chạm, xung đột ở khu
vực Nam Hải tăng lên.
Thứ năm, thảo luận về chiến tranh liên quan đến
các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, pháp lý trong vấn đề Nam Hải trở nên
thường xuyên hơn, không gian để Trung Quốc xử lý ổn thỏa vấn đề tranh
chấp Nam Hải hẹp hơn, tính chất phức tạp và mức độ khó khăn của Trung
Quốc tiếp tục tăng lên.
Cùng với việc Mỹ củng cố chiến lược châu Á-Thái
Bình Dương cũng như ảnh hưởng tác động lẫn nhau giữa các yếu tố liên
quan đến các nước tranh chấp trong khu vực và những nước không tranh
chấp ngoài khu vực, trong thời gian tới, vấn đề Nam Hải sẽ diễn biến
theo chiều hướng nào? Để tìm ra câu trả lời, có thể nhận định về 5 xu
hướng cụ thể liên quan đến các khả năng như sau:
Xu hướng thứ nhất: Hình thức biểu hiện tranh chấp
diễn biến từ chủ trương sang quản lý trên thực tế. Vấn đề tranh chấp
Nam Hải đã chuyển biến từ đấu tranh ngoại giao đơn thuần sang đấu sức
toàn diện liên quan đến các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, pháp lý, tài
nguyên, quân sự….
Xu hướng thứ hai: Sự đa nguyên hóa, quốc tế hóa
và phức tạp hóa trong vấn đề Nam Hải tiếp tục thể hiện rõ, áp lực giải
quyết theo cơ chế đa phương đối với Trung Quốc ngày càng lớn. Một số
nước ở Đông Nam Á là bên tham gia tranh chấp mưu tìm kiếm phương pháp
“liên kết đối phó với Trung Quốc” và “lôi kéo Mỹ kiềm chế Trung Quốc”,
Mỹ từ chỗ “can thiệp có giới hạn” chuyển sang “lớn tiếng can thiệp”, một
số nước lớn ngoài khu vực như Nhật Bản, Ấn Độ đi theo Mỹ hoặc tán thành
việc điều chỉnh chiến lược châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ, thêm vào đó,
các công ty dầu khí xuyên quốc gia theo đuổi các hoạt động khai thác dầu
khí ở Nam Hải đã trở thành nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến xu hướng
quốc tế hóa vấn đề Nam Hải.
Xu hướng thứ ba: Vấn đề Nam Hải sẽ trở thành điểm
nóng mới trong đấu tranh ngoại giao pháp lý đa phương của Trung Quốc.
Thế bị động của Trung Quốc trước dư luận quốc tế trong vấn đề Nam Hải về
cơ bản khó có thể xoay chuyển trong thời gian ngắn. Hiện nay trong cộng
đồng quốc tế đã hình thành cách nói như một dạng thức cố định, đó là
“cứ nói về châu Á- Thái Bình Dương thì phải nói đến Trung Quốc, bàn về
an ninh phải đề cập đến Nam Hải”. Trong điều kiện quốc tế “kéo lệch giá
đỡ” như vậy, Trung Quốc thường trở thành đối tượng chỉ trích và bị công
kích.
Xu hướng thứ tư: Trong khi Mỹ tăng cường bố trí
quân sự ở địa thế tiền duyên của khu vực Nam Hải và chạy đua vũ trang ở
Nam Hải tăng lên, mục đích của Trung Quốc hy vọng bảo vệ hòa bình ổn
định khu vực Nam Hải thông qua tự kiềm chế sẽ ngày càng khó có thể thực
hiện được.
Xu hướng thứ năm: Địa vị của vấn đề Nam Hải trong
ngoại giao tổng thể của Trung Quốc không ngừng tăng lên, đó là vấn đề
ngoại giao lớn mà Trung Quốc tới đây sẽ phải đối phó lâu dài.
Để giữ được thời cơ chiến lược quan trọng trong
quá trình phát triển, bảo vệ ổn định khu vực xung quanh và bảo vệ lợi
ích của Trung Quốc ở Nam Hải một cách tối đa, trong 10 năm tới Trung
Quốc sẽ ở vào thời kỳ then chốt có thể làm được nhiều việc, đồng thời
phải xử lý tốt bốn mâu thuẫn dưới đây:
Thứ nhất, mâu thuẫn giữa việc Mỹ thực thi chiến
lược “tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương” và việc Trung Quốc tranh thủ
quyền lợi trên biên hướng xuống phía Nam. Bản chất tranh giành giữa
Trung Quốc và Mỹ ở Nam Hải là “tranh chấp quyền lợi trên biển”, trong
khi đó quyền lợi trên biển tiềm tàng chuỵển hóa thành quyền lợi trên
biển thực sự, là kiểm soát tuyến đường vận chuyển thương mại trên biển,
đây sẽ là chiến trường chính trong cuộc đấu tranh chiến lược giữa Trung
Quốc và Mỹ trong thời gian tới.
Thứ hai, mâu thuẫn trong xử lý quan hệ nước lớn
và quan hệ với nước xung quanh trong vấn đề Nam Hải. Đối với ngoại giao
tổng thể của Trung Quốc, nước lớn là mấu chốt, láng giềng là quan trọng
hàng đầu. Quan hệ Trung-Mỹ là mối quan hệ song phương quan trọng nhất,
trong khi quan hệ Trung Quốc-ASEAN là quan hệ láng giềng quan trọng nhất
của Trung Quốc. Trung Quốc sẽ phải điều hòa quan hệ thế nào trong vấn
đề Nam Hải, xử lý thỏa đáng giữa quan hệ với các nước xung quanh và quan
hệ nước lớn, đó là cặp mâu thuẫn rất bức xúc và cũng rất vướng mắc.
Thứ ba, mâu thuẫn giữa việc bảo vệ quyền và lợi
ích ở Nam Hải với việc giữ gìn ổn định quan hệ song phương với nước có
tranh chấp với Trung Quốc ở Nam Hải. Hiện nay ý thức bảo vệ chủ quyền
của Trung Quốc ở Nam Hải đã mạnh hơn, biện pháp bảo vệ chủ quyền ngày
càng đổi mới, khả năng bảo vệ chủ quyền cũng không ngừng tăng lên, nhưng
việc bảo vệ quyền lợi ở Nam Hải tất yếu sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định
trong quan hệ song phương với nước tranh chấp. Làm thế nào để có thể xử
lý tốt và thỏa đáng cặp mâu thuẫn này, việc đó sẽ liên quan đến tình
hình ổn định và thịnh trị lâu bền của Trung Quốc ở khu vực Nam Hải.
Thứ tư, mâu thuẫn giữa chủ nghĩa dân tộc ở trong
nước đang ngày càng có khuynh hướng mạnh lên với chủ trương tiếp tục giữ
phương châm chiến lược “giấu mình chờ thời”. Cùng với ảnh hưởng của các
nhân tố như thực lực tổng hợp của Trung Quốc tăng lên nhanh chóng,
tranh chấp chủ quyền biển gay gắt hơn…, chủ nghĩa dân tộc ở trong nước
cũng có khuynh hướng ngày càng mạnh lên, không gian để chính phủ lựa
chọn quyết sách và hoạch định sách lược bị thu hẹp hơn. Đồng thời Trung
Quốc đang trong thời kỳ phát triển đặc biệt “sẽ mạnh nhưng chưa mạnh”,
sự hoài nghi của các nước trong và ngoài khu vực về chiến lược của Trung
Quốc tăng lên. Trong bối cảnh đó, việc giữ được tự kiềm chế một cách
tất yếu và có lý trí trong vấn đề lãnh thổ ngoài biên cương sẽ phù hợp
với đòi hỏi lợi ích chiến lược của quốc gia. Làm thế nào để giữ được
trạng thái cân bằng chiến lược, đó sẽ là một trong những vấn đề quan
trọng mà thế hệ lãnh đạo mới ở Trung Quốc phải đối mặt.
Nói tóm lại, cơ hội phát triển hòa bình của Trung
Quốc vẫn còn hy vọng. Vấn đề mấu chốt ở chỗ tình hình láng giềng không
được loạn, nếu không thì Trung Quốc sẽ khó lòng duy trì. Trung Quốc phải
xử lý thỏa đáng bốn cặp quan hệ lớn với các nước xung quanh như Trung –
Nga, Trung Quốc – ASEAN, Trung – Nhật, Trung – Ấn, đồng thời phải kiểm
soát tốt những xung đột tiềm tàng và tranh chấp hiện thực ở bốn hướng
trên biển là Hoàng Hải, Đông Hải (Hoa Đông), Eo biển Đài Loan và Nam Hải
(Biển Đông)
.
II- Diệp Hải Lâm, Chủ nhiệm Ban biên
tập “Nghiên cứu Nam Á”, Viện chiến lược châu Á-Thái Bình Dương và toàn
cầu, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc: Bảo vệ quyền và lợi ích biển,
quyết tâm quan trọng hơn biện pháp
Năm 2012 nếu không có vấn đề đảo Hoàng Nham và
đảo Điếu Ngư thì có lẽ chúng ta đã không quan tâm cao độ đến vấn đề biển
đảo như vậy. Đó đều là nhũng vấn đề đã tồn tại từ rất nhiều năm trước
đây, nay trở lại gay gắt rõ rệt.
Theo suy nghĩ của cá nhân tác giả, chúng ta không
những tranh đảo mà còn tranh cả vị thế. Vấn đề chúng ta phải xem xét
là, trong quá trình xử lý tranh chấp ở cá biệt các đảo, chúng ta phải
tạo ra được cơ sở, đem lại điều kiện phát triển biển, thậm chí cho tình
hình an ninh của cả khu vực Tây Thái Bình Dương trong tương lai.
Sau hơn nửa năm diễn ra cuộc đấu tranh, về cơ bản chúngta
có thể khái quát đôi chút về cái gọi là mô hình đảo Hoàng Nham: Trung
Quốc lợi dụng, thậm chí còn thúc đẩy để gây ra tranh chấp trên biển mang
tính ngẫu nhiên, mượn thời cơ đó để mở rộng xung đột, chủ yếu thông qua
áp lực kinh tế, kèm theo nữa là răn đe quân sự, từng bước tạo nên tình
thế có lợi cho Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp, mở rộng sự hiện diện
tương ứng của lực lượng trên biển của Trung Quốc, cho đến khi kiểm soát
được vùng biển tranh chấp trên thực tế. Về khuôn mẫu ở đảo Hoàng Nham
như thế, nếu nói đó là cách tự Trung Quốc nghĩ ra thì nên để cho các
nước khác tổng kết, như vậy sẽ tốt hơn.
Sự việc ở đây đã làm phát sinh hai vấn đề. Vấn đề
thứ nhất, cho đến nay, trong vấn đề đảo Hoàng Nham và đảo Điếu Ngư,
chúng ta cuối cùng là bị buộc phải đối phó như vậy hay là chủ tâm gây
sự? Cách lý giải ở trong và ngoài nước hoàn toàn khác nhau. Chúng ta ở
trong nước trước sau vẫn nhấn mạnh với dân chúng là chúng ta bị bắt buộc
phải làm như vậy, chúng ta hy vọng giữ hòa bình và ổn định. Nhưng khi
đi ra khỏi đất nước mình, sẽ thấy mọi nhà quan sát và phân tích hoàn
toàn không nghĩ như vậy. Cái gọi là “nước nhỏ ức hiếp nước lớn”, quan
điểm như vậy ở trong nước mọi người đều chấp nhận được, nhưng ở nước
ngoài rất khó để có thể làm cho nước khác chấp nhận được rằng Philippin
là nước ăn hiếp Trung Quốc. Xét theo nhận thức thông thường thì nước nhỏ
không thể ăn hiếp được nước lớn. Vậy do đâu lại nảy sinh vấn đề?
Trong 10 năm qua hành vi của Trung Quốc đã đi
ngược lại với nhận thức thông thường, nghĩa là Trung Quốc có sức mạnh
nhưng không sử dụng đến, gây cho nước khác cách hiểu rằng Trung Quốc
không có hành động phải sử dụng đến sức mạnh. Cuối cùng, nếu Trung Quốc
sử dụng đến sức mạnh sẽ bị coi là “Trung Quốc phản ứng quá mức”.
Vấn đề thứ hai là phản úng quá mức hay chưa đủ?
Xét theo cách nhìn nhận của các nước ngoài Trung Quốc thì hành vi của
Trung Quốc ở Đông Hải và Nam Hải (Biển Hoa Đông và Biển Đông) là quá
mức. Nếu xét theo cách nhìn nhận ở trong nước thì Trung Quốc làm như vậy
là vẫn chưa đủ so với mục đích. Xét trên góc độ quốc tế thì Chính phủ
Trung Quốc có thể nghĩ rằng chúng ta phải quản lý khủng hoảng, còn với
cách nhìn nhận ở trong nước thì mục tiêu đề ra vẫn chưa thể nào bàn đến
được quản lý khủng hoảng. Dân chúng trong nước đòi hỏi phải quản lý được
75% vấn đề này, trên thực tế Chính phủ đã làm được 50%, nhưng 50% đã bị
nước ngoài coi là quá mức, họ chỉ mong muốn Trung Quốc làm đến 25%.
Giữa hai cách nghĩ như vậy về cơ bản chưa có biện pháp nào để thiết lập
một trạng thái thỏa hiệp. Tình hình như vậy là hết sức hạn chế và bị
trói buộc, gây rất nhiều khó khăn cho Trung Quốc trong việc thực thi
chiến lược biển trong tương lai. Từ đảo Hoàng Nham đến đảo Điếu Ngư,
tình hình như vậy đã gây ảnh hưởng to lớn đối với hành vi và tâm lý của
các nước cạnh Nam Hải cũng như các nước láng giềng Trung Quốc. Có thể
khái quát thành một câu là: Tính chất không xác định từ các nước đó đối
với Trung Quốc đang ngày càng tăng lên rõ rệt, họ nghi ngờ hành vi của
‘”Trung Quốc hơn. Đó là vấn đề mà Trung Quốc cần phải xem xét. Chúng ta
không thể xây dựng được một phương pháp dự báo tâm lý nào thật chuẩn
xác.
Trong thời gian tới, vấn đề chủ yếu trong việc
bảo vệ quyền lợi và lợi ích của Trung Quốc ở Nam Hải và Đông Hải không
phải là đề xuất một chính sách mới, mà phải giữ cho cách làm có hiệu quả
tiếp tục được duy trì. Trong vấn đề này, so với quyết tâm thì biện pháp
chỉ là thứ yếu, quyết tâm là rất quan trọng, phải chịu đựng được giá
phải trả.
Cuộc đấu bảo vệ quyền và lợi ích trên biển có thể gặp một số rủi ro
1/ Rủi ro trong kiểm soát mục tiêu và biện pháp:
Trung Quốc phải bảo vệ quyền và lợi ích trên biển như thế nào để khỏi
gây cho nước khác ấn tượng rằng Trung Quốc tham lam vô độ, được đảo này
lại muốn đảo khác. Như vậy không có nghĩa là nói Trung Quốc cái gì cũng
muốn, bản thân mục tiêu như vậy đã không chấp nhận được, huống hồ trong
điều kiện Trung Quốc chưa thể đạt được thì không nên bàn quá nhiều đến
việc này. Trung Quốc phải tránh rủi ro này, đó là rủi ro liên quan đến
một vấn đề lớn của Trung Quốc trong tương lai, bị người ta xem như là
một mối đe dọa hay cơ hội trong toàn bộ kết cục quan hệ quốc tế ở khu
vực Đông Bắc Á.
2/ Rủi ro về thói quen tư duy: Chúng ta có một
thói quen tư duy là bất kể vấn đề do ai gây ra, thì luôn vì đại cục mà
phải giải quyết. Trong quan hệ quốc tế, trừ phi anh có ý định sử dụng vũ
lực, nếu không thì người giải quyết sẽ phải gánh chịu, phải trả giá lớn
hơn, điều đó không có gì phải nghi ngờ. Vì thế Trung Quốc cũng đứng
trước quá trình chuyển đổi phương thức tư duy, không phải cứ đóng mãi
vai trò của người phụ trách giải quyết vấn đề.
3/ Rủi ro về hành động “phi lý tính” của nước bên
cạnh: Đối thủ trong cuộc đấu của chúng ta không phải hoàn toàn là có lý
tính. Đối với vấn đề biển trong tương lai, chúng ta phải nghĩ đến hậu
quả mà Trung Quốc đã tính đến không nhất thiết phải xảy ra, vì đối thủ
của Trung Quốc không xem xét vấn đề giống như Trung Quốc. Chúng ta không
được lúc nào cũng xem xét vấn đề xuất phát từ lôgích của mình. Tuy
nhiên tính chất phi lý tính của đối thủ cũng có thể bị chúng ta lợi
dụng. Một ví dụ như Nhật Bản đã huy động 8 máy bay F15 để đối phó với
một máy bay hải giám của Trung Quốc, đó hoàn toàn là hành vi phi lý
tính, nhưng hành vi như vậy không nhất thiết là có hại đối với Trung
Quốc.
4/ Rủi ro chính trị trong nước: Đối với Trung
Quốc, vấn đề biển là một vấn đề thuộc công việc nội bộ trong nước, liên
quan đến vấn đề mang tính hợp pháp của chính phủ. Trong tương lai, vấn
đề then chốt là phải xem xét ý dân, mặc dù không phù hợp với kết cục
ngoại giao cơ bản của Trung Quốc hiện nay, nhưng chúng ta vẫn phải tôn
trọng ý dân như vậy.
Nói cho cùng, vấn đề biển là rất quan trọng nhưng
không phải đánh thắng một trận là có thể kết thúc, mà phải không ngừng
biến những thắng lợi nhỏ thành một thắng lợi lớn, cuối cùng tích lũy
được một tình thế có lợi. Nếu không làm được như vậy mà chỉ tranh thủ
được một chút lợi ích trên một đảo thì như vậy là chưa thể đủ được.