Xung đột và
toan tính đối với các nguồn năng lượng quý giá đã trở thành những đặc
điểm của bức tranh quốc tế. Các cuộc chiến tranh lớn xung quanh dầu lửa
đã diễn ra ở mọi thập kỷ. Một vài đợt bùng phát của năm 2012 sẽ chỉ là
một phần bình thường của bức tranh chung.
Điều
mà chúng ta đang chứng kiến là cả một chùm các cuộc xung đột liên quan
đến dầu lửa trên khắp toàn cầu, với sự tham gia của khoảng mười quốc
gia. Hãy coi những điểm bùng phát này là tín hiệu cho thấy chúng ta đang
tiến vào một kỷ nguyên xung đột căng thẳng vì năng lượng.
Từ
Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương, Áchentina đến Philippin, có sáu khu
vực xung đột – tất cả đều liên quan đến các nguồn dầu lửa – đã trở thành
tin tức trong những tháng đầu của năm 2012:
1.
Một cuộc chiến đang âm ỉ hình thành giữa Xuđăng và Nam Xuđăng: Ngày
10/4, các lực lượng từ nhà nước mới độc lập Nam Xuđăng chiếm trung tâm
dầu lửa Heglig, một thị trấn được trao cho Xuđăng theo thỏa thuận hòa
bình đã cho phép những người miền Nam ly khai năm 2011. Những người miền
Bắc có căn cứ tại Khartoum đã huy động lực lượng riêng của mình và đẩy
người Nam Xuđăng khỏi Heglig. Từ đó, giao tranh đã nổ ra dọc theo biên
giới tranh chấp giữa hai nước, kéo theo các cuộc không kích vào các thị
trấn tại Nam Xuđăng. Mặc dù giao tranh chưa đến mức độ chiến tranh tổng
lực, nhưng các nỗ lực quốc tế để thương lượng một lệnh ngừng bắn và giải
pháp hòa bình cho cuộc tranh chấp vẫn chưa thành công.
Cuộc
xung đột này bị kích thích bởi nhiều yếu tố, trong đó có sự chênh lệch
về kinh tế giữa hai nước Xuđăng và sự thù địch dai dẳng giữa người miền
Nam (hầu hết là người châu Phi da đen và người Kitô giáo) và người miền
Bắc (chủ yếu là người Arập và Hồi giáo). Nhưng dầu lửa – và thu nhập mà
dầu mang lại – là tâm điểm của vấn đề. Khi Xuđăng bị chia cắt năm 2011,
các mỏ dầu tốt nhất nằm ở phía Nam, trong khi đường ống dẫn dâu có khả
năng vận chuyển dầu từ miền Nam tới các thị trường quốc tế (và vì thế
mang lại nguồn thu) lại nằm trong tay người miền Bắc. Họ đã đòi hỏi “chi
phí quá cảnh” đặc biệt cao – 32 đến 36 USD/thùng dầu so với giá thông
thường là 1 USD/thùng – cho việc đưa dầu từ miền Nam tới thị trường. Khi
những người miền Nam từ chối chấp nhận giá này, người miền Bắc tịch thu
số tiền mà họ đã thu được từ xuất khẩu dầu của miền Nam nguồn thu quan
trọng duy nhất của họ. Đáp lại, người miền Nam ngưng sản xuất dầu và có
hành động quân sự chống phía Bắc. Tình hình hiện vẫn đầy khả năng bùng
nổ.
2.
Va chạm hải quân ở Biển Đông: Ngày 7/4, một tàu chiến của hải quân
Philíppin, chiếc Gregorio del Pillar dài 378 fit đến bãi đá ngầm
Scarborough ở Biển Đông và bắt giữ tám tàu đánh cá Trung Quốc đang hạ
neo ở đó, buộc tội các tàu này có hoạt động đánh bắt trái phép trong
vùng biển chủ quyền của Philíppin. Trung Quốc ngay lập tức cử hai tàu
hải quân đến khu vực, tuyên bố rằng tàu Gregorio del Pillar đã sách
nhiễu các tàu Trung Quốc ở các vùng biển của Trung Quốc chứ không phải
của Philippin. Các tàu đánh cá cuối cùng được phép đi khỏi mà không xảy
ra sự cố nào thêm, và căng thẳng đã phần nào giảm bớt. Tuy nhiên, cả hai
bên đều không có biểu hiện nào sẽ từ bỏ tuyên bố chủ quyền với bãi đá
ngầm này, và cả hai tiếp tục triển khai tàu chiến ra khu vực tranh chấp.
Giống
như ở Xuđăng, có nhiều nguyên nhân cho cuộc va chạm này, nhưng năng
lượng là động cơ chủ đạo. Biển Đông được cho là nơi có trữ lượng lớn dầu
và khí đốt, và tất cả các quốc gia xung quanh, trong đó có Trung Quốc
và Philíppin, muốn khai thác các mỏ dầu này. Manila tuyên bố 200 hải lý
vùng đặc quyền kinh tế tại Biển Đông tính từ bờ biển phía Tây cua mình,
nơi mà Philíppin gọi là Biển Tây Philíppin. Các công ty Philíppin nói
rằng họ đã tìm thấy các vùng có trữ lượng khí đốt lớn tại khu vực này và
đã thông báo kế hoạch bắt đầu khai thác. Với tuyên bố rằng nhiều hòn
đảo nhỏ nằm rải rác trên Biển Đông (trong đó có bãi đá ngầm Scarborough)
là của mình, Bắc Kinh đã khẳng định chủ quyền với toàn bộ khu vực,
trong đó có các vùng biển mà Manila có tuyên bố chủ quyền. Bắc Kinh cũng
thông báo kế hoạch khoan dầu ở khu vực này. Sau nhiều năm thương lượng,
chưa có một giải pháp nào được đưa ra giúp giải quyết cuộc tranh chấp
và nhiều khả năng sẽ có đụng độ tiếp.
3.
Ai Cập cắt dòng khí tự nhiên tới Ixraen: Ngày 22/4, Tổng công ty dầu
lửa Ai Cập và Công ty khí đốt Ai Cập thông báo cho các quan chức năng
lượng của Ixraen rằng họ sẽ “chấm dứt các hợp đồng khí đốt” theo đó Ai
Cập cung cấp khí đốt cho Ixraen. Việc này xảy ra sau nhiều tháng biểu
tình của thanh niên ở Cairô đã thành công trong việc lật đổ nhà độc tài
Hosni Mubarak và hiện đang tìm kiếm một chính sách đối ngoại độc lập hơn
cho Ai Cập nghĩa là ít chịu ảnh hưởng của Mỹ và Ixraen hơn. Điều này
cũng diễn ra sau khi có hàng loạt cuộc tấn công vào các đường ống dẫn
khí qua Sa mạc Negev tới Ixraen, điều mà quân đội Ai Cập dường như bất
lực, không thể ngăn chặn.
Bề
ngoài, có vẻ như quyết định này được đưa ra nhằm phản ứng trước tranh
chấp liên quan đến việc thanh toán khí đốt mà Ixraen trả cho Ai Cập,
nhưng tất cả các bên liên quan đều hiểu rằng đây một phần có động cơ từ
việc chính phủ mới của Ai Cập muốn thể hiện sự thoát ly khỏi chế độ
Mubarak đã bị lật đổ và chính sách hợp tác với Ixraen của ông ta. Mối
quan hệ khí đốt giữa Ai Cập và Ixraen là một trong những kết quả quan
trọng nhất của hiệp ước hòa bình năm 1979 giữa hai nước, và sự chấm dứt
nó là tín hiệu rõ ràng về một thời kỳ bất hòa hơn; nó có thể gây ra
thiếu hụt năng lượng tại Ixraen, đặc biệt là trong thời kỳ đỉnh điểm về
nhu cầu của mùa Hè. Ở phạm vi lớn hơn, nó phản ánh xu hướng sử dụng năng
lượng như một con bài chính trị.
4.
Áchentina chiếm đoạt công ty dầu mỏ YPF: Ngày 16/4, Tổng thống
Áchentina Cristina Fernández de Kirchner thông báo rằng chính phủ của bà
sẽ tịch thu phần lớn cổ phần trong YPF, công ty dầu lửa lớn nhất của
nước này. Theo kế hoạch của tổng thống, chính phủ sẽ chiếm 51% cổ phần
kiểm soát trong YPF, hiện do công ty năng lượng lớn nhất của Tây Ban Nha
Repsol YPF nắm giữ. Việc này được Mađrít và các nước châu Âu khác coi
như một mối đe dọa lớn phải đối phó. Bộ trưởng Ngoại giao Tây Ban Nha
Jose Manuel Garcia Margallo cho rằng hành động của Kirchner “phá vỡ bầu
không khí đầm ấm và thân thiện từng có trong quan hệ giữa Tây Ban Nha và
Áchentina”. Nhiều ngày sau, trong hành động được cho là bước đi trả đũa
đầu tiên, Tây Ban Nha thông báo sẽ ngửng nhập khẩu nhiên liệu sinh học
từ Áchentina, nước cung cấp chính của mình – khoản thương mại trị giá 1
tỉ USD mỗi năm cho người Áchentina.
Giống
như trong các cuộc xung đột khác, vụ va chạm này có nhiều nguyên nhân,
trong đó có chủ nghĩa dân tộc bắt nguồn từ thời Peron, cùng với ý muốn
của Kirchner muốn tăng cường vị trí của mình trong bầu cử. Tuy nhiên,
điều không kém phần quan trọng là việc Áchentina muốn có lợi ích kinh tế
và chính trị lớn hơn từ các nguồn năng lượng của mình, trong đó có trữ
lượng khí hóa thạch lớn thứ ba thế giới. Trong khi đối thủ lâu dài là
Braxin đang giành được quyền lực và uy tín lớn từ việc khai thác các mỏ
dầu ngoài khơi, Áchentina lại chứng kiến sản lượng dầu của mình giảm đi.
Repsol có thể không bị đổ lỗi về điều này, nhưng nhiều người Áchentina
tin chắc rằng với việc YPF đặt dưới sự kiểm soát của chính phủ, nay sẽ
có thể thúc đẩy việc khai thác nguồn năng lượng của đất nước, có thể có
sự hợp tác với các đối tác nước ngoài năng nổ hơn như BP hay ExxonMobil.
5.
Áchentina tái châm ngòi cuộc khủng hoảng Falklands: Tại cuộc họp thượng
đỉnh các nước châu Mỹ ngày 15, 16/4 vừa qua tại Cartagena, Côlômbia,
Áchentina tìm kiếm một lời lên án mới của các nước cùng bán cầu đối với
việc Anh tiếp tục chiếm đóng đảo Falkland (còn gọi là Malvinas).
Áchentina có được sự ủng hộ mạnh mẽ từ tất cả các nước từ Canada và Mỹ.
Với tuyên bố chủ quyền trên đảo, Áchentina đã liên tục đưa vấn đề ra kể
từ khi thất bại trong cuộc chiến tranh giành đảo Falkland năm 1982,
nhưng gần đây đã đẩy mạnh chiến dịch trên nhiều mặt trận – lên án Luân
Đôn ở nhiều diễn đàn quốc tế và ngăn cản các du thuyền của Anh thăm đảo
Falkland neo đậu tại các hải cảng của Áchentina. Anh đã phản ứng bằng
việc gia tăng lực lượng quân sự của mình tại khu vực và cảnh báo
Áchentina không nên có bất cứ manh động nào.
Khi
Áchentina và Anh tiến hành chiến tranh nhằm tranh giành quần đảo
Falkland, không có gì nhiều để tranh chấp ngoài thể diện quốc gia và thể
diện của các nhà lãnh đạo hai bên (Thủ tướng Margaret Thatcher với một
nhà độc tài quân sự) và một vài hòn đảo dân cư thưa thớt. Kể từ đó, giá
trị của quần đảo đã tăng đáng kể do các cuộc thăm dò địa chấn gần đây ở
các vùng biển xung quanh hòn đảo cho thấy có trữ lượng lớn dầu lửa và
khí đốt. Nhiều công ty năng lượng có trụ sở ở Anh, trong đó có Desire
Petroleum và Rockhốpper Exploration, đã bắt đầu khoan thăm dò tại khu
vực và báo cáo là phát hiện trữ lượng hứa hẹn. Khao khát có được thành
công như Braxin trong việc khai thác dầu khí ngoài khơi, Áchentina tuyên
bố rằng các khu vực mới phát hiện nằm trong lãnh thổ của mình và việc
nước khác đên thăm dò tại đó là bất hợp pháp. Tất nhiên, Anh khẳng định
đây là lãnh thổ của mình. Không ai biết liệu cuộc khủng hoảng tiềm tàng
âm ỉ này sẽ nổ ra như thế nào, nhưng việc lặp lại cuộc chiến năm 1982 –
lần này là vì năng lượng – khó có thể không bị đặt ra.
6.
Các lực lượng Mỹ huy động chiến tranh với Iran: Suốt mùa Đông và đầu
mùa Xuân vừa rồi, dường như một cuộc xung đột vũ trang giữa Iran với
Ixraen và hoặc Mỹ gần như không thể tránh khỏi. Không bên nào sẵn sàng
lùi bước trước các yêu cầu then chốt, đặc biệt là về chương trình hạt
nhân của Iran, và bất cứ ý kiến nào về một giải pháp nhượng bộ đều được
cho là không thực tế. Tuy nhiên, hiện khả năng xảy ra chiến tranh đã
giảm đi phần nào – ít nhất cho đến hết năm bầu cử ở Mỹ – khi mà các cuộc
thương lượng cuối cùng đã diễn ra giữa hai cường quốc với Iran, và cả
hai bên đã có lập trường thỏa hiệp hơn. Bên cạnh đó, các quan chức Mỹ đã
giảm bớt lời lẽ chiến tranh và các nhân vật trong cộng đồng quân sự và
tình báo Ixraen đã có tuyên bố loại bỏ khả năng hành động quân sự vội
vàng. Tuy nhiên, Iran tiếp tục làm giàu urani, và các nhà lãnh đạo tất
cả các bên nói rằng họ chuẩn bị đầy đủ để sử dụng vũ lực nếu đàm phán đổ
vỡ.
Đối
với người Iran, điều này có nghĩa là chặn Eo biển Hormuz, eo biển hẹp
nơi một phần ba lượng dầu buôn bán của thế giới đi qua mỗi ngày, về phần
mình, Mỹ khẳng định sẽ giữ cho eo biển này thông suốt và nếu cần thiết
sẽ loại bỏ khả năng hạt nhân của Iran. Cho dù là để dọa Iran, chuẩn bị
cho hành động thực, hay có thể là cả hai, Mỹ đã và đang tăng cường lực
lượng quân sự ở Vịnh Pécxích, triển khai hai tổ hợp chiến đấu tàu sân
bay ở khu vực lân cận đồng thời với việc phối hợp các lực lượng trên
không và lực lượng tấn công đổ bộ.
Ai
đó có thể tranh cãi về mức độ tác động của dầu lửa trong mối căng thẳng
giữa Mỹ với Iran, nhưng không nghi ngờ gì việc cuộc khủng hoảng hiện
nay có can hệ rất lớn đến triển vọng nguồn cung dầu toàn cầu, thông qua
các mối đe dọa của Iran sẽ đóng cửa Eo biển Hormuz để trả đũa các lệnh
cấm vận xuất khẩu dầu của Iran, và khả năng bất cứ cuộc không kích nào
nhằm vào các căn cứ hạt nhân của Iran sẽ dẫn đến kết quả tương tự. Dù là
cách nào, quân đội Mỹ chắc chắn sẽ đóng vai trò đi đầu trong việc hủy
diệt lực lượng quân sự của Iran và tái lập sự thông suốt cho Eo biển
Hormuz. Đây là cuộc khủng hoảng do năng lượng gây ra.
Và
đây chỉ là một số trong các quốc gia có liên quan đến các xung đột về
năng lượng. Bất cứ cuộc xung đột nào với Iran – bất kể với động cơ nào –
đều chắc chắn sẽ ảnh hưởng xấu đến nguồn cung dầu lửa của tất cả các
nước nhập khẩu dầu, gây ra một cuộc khủng hoảng quốc tế lớn với những
hậu quả khó lường. Quyết tâm của Trung Quốc muốn kiểm soát các nguồn dầu
lửa ngoài khơi đã đẩy nước này vào xung đột với các nước khác có tuyên
bố chủ quyền ở Biển Đông, và vào một tranh chấp tương tự với Nhật Bản ở
Biển Hoa Đông. Các tranh chấp liên quan đến năng lượng kiểu này có thể
thấy ơ Biển Caxpi và tại các khu vực Bắc Cực ngày càng ít băng.
Mầm
mống xung đột và chiến tranh năng lượng xuất hiện cùng lúc ở nhiều nơi
như vậy cho thấy chúng ta đang bước vào một thời kỳ mới trong đó các
nhân tố nhà nước chính yếu sẽ có xu hướng dựa vào sử dụng vũ lực – hoặc
đe dọa dùng vũ lực – để giành quyền kiểm soát các nguồn, dầu khí quý
giá. Nói cách khác, chúng ta hiện đang sống trên một hành tinh sắp tăng
tốc vì năng lượng./.
Tác giả Michael Klare là giáo sư nghiên cứu về hòa bình và an ninh thế giới, Đại học Hampshire.
Theo Huffingtonpost
Mỹ Anh (gt)