Thứ Hai, 18 tháng 6, 2012

14. Hướng tới cấu trúc an ninh vì hòa bình và ổn định trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương

TCCSĐT (4/6/2012) - Từ ngày 1 đến ngày 3-6-2012, Đối thoại Shangri-la lần thứ 11 do Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) tổ chức đã diễn ra thành công ở Singapore. Là diễn đàn không chính thức, với tinh thần trao đổi thẳng thắn, cởi mở, không né tránh về nhiều vấn đề quốc phòng - an ninh, trong đó có cả các vấn đề nhạy cảm, Đối thoại Shangri-la 11 nhằm hướng tới xây dựng cấu trúc an ninh chung vì hòa bình và ổn định trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong thế kỷ XXI.


Diễn đàn thu hút sự quan tâm của dư luận trong khu vực và quốc tế

Đối thoại Shangri-la các năm nói chung và năm 2012 nói riêng là sự kiện thu hút sự quan tâm của dư luận trong khu vực và quốc tế bởi đây là diễn đàn bàn thảo về các vấn đề quốc phòng - an ninh tại một khu vực địa kinh tế và địa chính trị quan trọng của thế giới, nơi có các nền kinh tế phát triển năng động nhất thế giới và là động lực cho sự tăng trưởng nền kinh tế toàn cầu.

Vì thế, tham gia Đối thoại Shangri-la năm 2012 có các bộ trưởng quốc phòng, các quan chức quân sự cấp cao và các chuyên gia nhà phân tích chính trị - quân sự đến từ 28 nước. Đây là diễn đàn để giới chức quốc phòng cấp cao trong khu vực đối thoại đa phương và song phương nhằm tìm kiếm giải pháp cho hàng loạt vấn đề quốc phòng - an ninh đang được quan tâm nhất hiện nay như việc Mỹ chuyển trọng tâm chiến lược toàn cầu của Mỹ sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương; sự thay đổi tương quan lực lượng giữa các nước trong khu vực; “điểm nóng” trên Biển Đông; quá trình hiện đại hóa quân sự của các nước châu Á; sự ổn định cấu trúc an ninh khu vực; các mối đe dọa xuyên quốc gia như khủng bố, cướp biển, biến đổi khí hậu, thảm họa thiên nhiên, an ninh mạng thông tin.



Nếu Đối thoại Shangri-la 10 năm 2011 diễn ra sau các sự kiện Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lãnh hải của Việt Nam, thì Đối thoại Shangri-la 11 năm 2012 lại diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc và Philippines đang tiếp tục các hành động tranh chấp căng thẳng về chủ quyền đối với bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham. Hiện hai nước vẫn chưa có dấu hiệu nhượng bộ. Ngay trước thềm Đối thoại Shangri-La 2012, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho rằng, các tuyên bố về chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông đã vượt ra khỏi khuôn khổ pháp lý của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982). Đáp lại, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói rằng, Mỹ không phải là một bên trong các tranh chấp tại Biển Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt đã không tham gia Đối thoại Shangri-la năm 2012, thay vào đó, Bắc Kinh chỉ cử Trung tướng Nhậm Hải Tuyền - Phó Viện trưởng Viện khoa học quân sự Trung Quốc, làm trưởng đoàn. Trong khi đó, Mỹ đã cử một phái đoàn đông đảo, gồm nhiều thành phần, do Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta dẫn đầu, trong đó có Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Martin Dempsey; Thứ trưởng Bộ ngoại giao Dill Burns; Tư lệnh Thái Bình Dương, Đô đốc Samuel Locklear và Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách các vấn đề châu Á - Thái Bình Dương Mark Lippert; phái đoàn Quốc hội Mỹ đang có mặt tại Singapore bao gồm thành viên Ủy ban quân lực Thượng viện John McCain, Thượng nghị sĩ Joe Lieberman và Hạ nghị sĩ Eni Faleomavaega, thành viên Ủy ban đối ngoại Hạ viện.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono nhấn định rằng, diện mạo địa chính trị ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã thay đổi rất nhiều so với hàng chục năm trước, quan hệ giữa các nước và khu vực ngày càng được tăng cường, con đường hợp tác đối với mỗi quốc gia đều rộng mở, song vẫn còn tồn tại những thách thức và các vấn đề về an ninh trong khu vực. Do đó, các nước châu Á cần nắm bắt các cơ hội chiến lược để xây dựng một cấu trúc hòa bình bền vững thông qua các nỗ lực nhằm đạt được nhận thức chung và tìm cơ hội hợp tác để mở ra cục diện địa chính trị mới. Quan điểm này của Tổng thống Indonesia đã được nhiều đại biểu tham dự Diễn đàn tán đồng.

Vai trò của Mỹ trong tái cân bằng cán cân quân sự ở châu Á - Thái Bình Dương

Trong bối cảnh châu Á - Thái Bình Dương chưa có một cấu trúc an ninh chung trong điều kiện các quốc gia trong khu vực đang có những động thái mâu thuẫn và tranh chấp đáng lo ngại, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố chuyển trọng tâm chiến lược toàn cầu sang khu vực này nhằm nhiều mục đích, trong đó trước hết là nhằm tái cân bằng cán cân quân sự ở châu Á - Thái Bình Dương. Do đó, Đối thoại Shangri-la năm 2012 là nơi Mỹ công bố những chi tiết của sự dịch chuyển chiến lược này, trong đó có kế hoạch tái bố trí hạm đội hải quân với số tàu chiến Mỹ hoạt động tại Thái Bình Dương lên tới 60% tổng quân số trong những năm tới.

Trong bài phát biểu tại phiên họp toàn thể đầu tiên của Đối thoại Shangri-la 11 với tựa đề "Sự tái cân bằng của Mỹ hướng tới châu Á - Thái Bình Dương", Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Leon Panetta tuyên bố, phương pháp để hiện thực hóa mục tiêu dài hạn của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương là cam kết thực hiện các nguyên tắc chung nhằm mục đích tăng cường hòa bình và an ninh ở khu vực. Theo đó, từ nay đến năm 2020, lực lượng hải quân Mỹ sẽ được tái bố trí từ tỷ lệ phân bổ lực lượng 50-50 cho Thái Bình Dương và Đại Tây Dương sang mức 60-40, giành ưu tiên cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ông Leon Panetta khẳng định, tuy trong những năm tới Mỹ sẽ cắt giảm ngân sách quốc phòng nhưng việc cắt giảm đó không ảnh hưởng đến chiến lược tăng cường sự hiện diện quân sự tại khu vực này.

Hiện hải quân Mỹ đang sở hữu tổng cộng 282 tàu chiến các loại và sẽ tăng lên tới 300 tàu vào năm 2030. Mỹ sẽ triển khai thêm máy bay chiến đấu tàng hình, máy bay ném bom tầm xa, các hệ thống phòng thủ tên lửa và thiết bị chiến tranh điện tử đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương, các loại vũ khí có khả năng ngăn chặn mọi sự cản trở đối với lực lượng của Mỹ tiếp cận các vùng biển quan trọng ở khu vực này.

Ngoài ra, để tái cân bằng cán cân quân sự ở châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ tăng cường quan hệ liên minh quân sự với các đồng minh truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Philippines và Thái Lan, trong đó, liên minh Mỹ - Nhật là cốt lõi của cả hệ thống an ninh trong khu vực của Mỹ. Theo hướng này, Mỹ tiến hành bố trí lại lực lượng ở Nhật Bản và quyết định mở thêm một căn cứ quân sự ở Australia. Đồng thời, Mỹ tăng cường các cuộc diễn tập quân sự phối hợp song phương hoặc đa phương với các đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực. Năm 2011 vừa qua, Mỹ đã thực hiện khoảng 172 cuộc tập trận trên biển và trên bộ tại châu Á.

Bảo vệ tự do hàng hải trên Biển Đông

Bảo đảm tự do hàng hải trên biển là chủ đề tại phiên họp toàn thể thứ 2 tại Đối thoại Shangri-la năm 2012. Trong đó, vấn đề Biển Đông trở thành chủ đề “nóng” khi Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Leon Panetta trình bày chi tiết về sự dịch chuyển trong tâm chiến lược toàn cầu của Mỹ sang châu Á - Thái Bình Dương. Trong các bài tham luận của quan chức quốc phòng các nước Ấn Độ, Nhật và Indonesia nhấn mạnh vấn đề bảo vệ an ninh hàng hải trên Biển Đông.

Trong tham luận của mình, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Leon Panetta khẳng định: “Mỹ phản đối bất kỳ hành động đơn phương nào của Trung Quốc nhằm đòi chủ quyền trên Biển Đông. Mọi tranh chấp phải được giải quyết thông qua cơ chế đồng thuận giữa các quốc gia và dựa trên luật pháp quốc tế”. Do đó, Mỹ sẽ “đặc biệt chú ý” đến tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines tại bãi cạn Scarborough trên Biển Đông.

Sự tranh chấp giữa Trung Quốc với các nước trong khu vực đang đe dọa hoạt động tự do hàng hải trên Biển Đông. Do đó, trong bài tham luận tại Diễn đàn, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K.Antony khẳng định: “Tự do hàng hải không phải là đặc quyền dành riêng cho một số quốc gia. Chúng ta phải tìm sự cân bằng giữa quyền lợi quốc gia và quyền tự do của cộng đồng thế giới”. Báo “Hindustan Times” của Ấn Độ nhận xét, khẳng định của ông A.K.Antony là thông điệp nhằm cảnh báo hành động của Trung Quốc liên tục gây hấn trên Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K.Antony cho rằng, Trung Quốc phải đàm phán với ASEAN, chứ không phải với từng quốc gia riêng rẽ trong khu vực, về tranh chấp trên Biển Đông.

Thứ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Shu Watanabe cũng nhấn mạnh, tự do và an ninh hàng hải là “nguyên tắc bất khả xâm phạm”, trong đó vai trò của Công ước luật biển Liên hợp quốc (UNCLOS) là “không thể tranh cãi”. Ông S.Watanabe cảnh báo cộng đồng quốc tế sẽ không chấp nhận bất kỳ hành vi nào đe dọa tự do hàng hải ở châu Á - Thái Bình Dương. Ông S.Watanabe cũng cho rằng, các hành vi vi phạm tự do hàng hải ở khu vực này là “mối quan ngại chung” không chỉ của các quốc gia có liên quan trực tiếp, mà của cả cộng đồng quốc tế. Do đó, các bên tránh những hành động thiếu cân nhắc và Nhật Bản ủng hộ nỗ lực đàm phán để xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Đồng quan điểm với Thứ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Shu Watanabe, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Purnomo Yusgiantoro cho rằng, các nước đòi chủ quyền trên Biển Đông cần nhanh chóng thông qua COC.

Về vấn đề giải quyết tranh chấp trên Biển Đông, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nêu rõ thêm, trong khi tuyên bố tuân thủ luật pháp quốc tế, tất cả các nước phải có cách hiểu và luận giải giống nhau, không nên để xảy ra hiện tượng “tiêu chuẩn kép”, theo đó các bên hiểu và luận giải không giống nhau về luật pháp quốc tế. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định, quyền chủ quyền của các quốc gia ven biển đối với Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý cần phải được tôn trọng triệt để. Ông cho rằng, không được sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực là điều tiên quyết song các nước cũng không được sử dụng,  hay đe dọa sử dụng sức mạnh “mềm” như cô lập kinh tế trong việc giải quyết các tranh chấp trên biển. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh, tranh chấp chủ quyền trên biển cần phải được giải quyết trực tiếp giữa các bên liên quan và công khai minh bạch trong môi trường quốc tế.

Nhìn chung, trong các bài tham luận tại Đối thoại Shangri-la 11, tuy tiếp cận từ nhiều góc độ khác nhau nhưng các diễn giả đều có chung quan điểm là bảo vệ tự do hàng hải nói riêng và bảo đảm an ninh biển nói chung nhất thiết không được sử dụng sức mạnh quân sự và phải giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS và các điều ước khu vực.

Quá trình tăng cường hiện đại hóa quân đội các nước trong khu vực

Một nội dung mới được đề cập tại Đối thoại Shangri-la năm 2012 là lần đầu tiên trong lịch sử, chi phí quốc phòng tại các nước châu Á đã vượt châu Âu. Theo Báo cáo năm 2012 về sự cân bằng quân sự (Military Balance 2012) do Viện nghiên cứu Chiến lược quốc tế công bố trước thềm Đối thoại Shangri-la năm 2012, chi phí quốc phòng của các nước châu Á năm 2011 tăng 3,15% trong khi chi phí quân sự của 16 trong số 28 nước thành viên NATO giảm trên 10%. Ồng John Chipman, Tổng Giám đốc Viện nghiên cứu Chiến lược quốc tế nhấn mạnh: “Tại châu Á hiện nay, lần đầu tiên chi tiêu quân sự vượt tổng mức chi tại châu Âu. Đây là vấn đề cần được thảo luận. Việc hiểu được môi trường an ninh châu Á - Thái Bình Dương với nhiều sắc thái mới là một ưu tiên cấp bách lúc này”.

Tuy nhiên, mục đích tăng chi phí quốc phòng của các nước trong khu vực có khác nhau. Các nước là liên minh quân sự với Mỹ tăng chi phí quốc phòng nhằm hiện đại hoá quân đội để bắt kịp với những yêu cầu hợp tác với Mỹ trong điều kiện Washington tăng cường sự hiện diện quân sự tại khu vực này. Nhiều nước khác tăng chi phí quân sự để hiện đại hoá quân đội nhằm thích ứng với các yêu cầu của cuộc cách mạng trong quân sự đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu, đồng thời đối phó với những nguy cơ và thách thức xuất phát từ những tranh chấp chưa được giải quyết với các nước khác trong khu vực.

Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Quốc phòng Nhật Bản bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc thiếu minh bạch trong chi tiêu quốc phòng và nhấn mạnh: “Việc Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng, gia tăng sức mạnh quân sự nhằm mục tiêu không rõ ràng đang là một mối đe dọa”. Bên lề Diễn đàn, Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain kêu gọi Bắc Kinh cần minh bạch hơn trong chi tiêu quốc phòng.

Chiến tranh thông tin

Chiến tranh thông tin cũng là một chủ đề được bàn thảo tại Đối thoại Shangri-la 11. Tham luận của các đại biểu nhận định, thế giới đang sống trong một kỷ nguyên mà mọi lĩnh vực đều không thể thiếu vai trò của thông tin. Các tiến bộ đột phá trong công nghệ đang làm thay đổi diện mạo của chiến tranh hiện đại và bây giờ chính là lúc thế giới phải chuẩn bị cho cuộc chiến mới ấy. Để nắm bắt các cơ hội chiến lược nhằm xây dựng một cấu trúc an ninh hướng tới hòa bình và phát triển ổn định ở châu Á - Thái Bình Dương, các quốc gia trong khu vực không thể không hợp tác trong việc cảnh bảo, ngăn chặn và hóa giải các hành động tiến công mạng thông tin - công cụ đóng vai trò cốt yếu trong quản lý và điều hành nhiều hoạt động quan trọng trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, chính trị và an ninh - quốc phòng./.
Hương Ly