Nhân
chuyến thăm Thái Lan của Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ
Martin Dempsey, Tổng biên tập tờ "Dân tộc" Suthichai Yoon đã có cuộc phỏng vấn
ông này vấn đề nhạy cảm là mối quan tâm của Mỹ đối với căn cứ quân sự
U-tapao và sự cân bằng quyền lực tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Suthichai: Ông đã thông báo
ông sẽ bố trí lại hải quân Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tới
năm 2020 ông sẽ bố trí 60% tàu chiến Mỹ tại khu vực này. Ông có lo ngại
Trung Quốc không?
Dempsey: Không, chúng tôi
đang tái cân bằng. Với ý nghĩa này, chúng tôi đang thực hiện ba vấn đề:
tập trung chú ý hơn tới châu Á-Thái Bình Dương. Bởi vì trong cuộc chiến
tranh 10 năm tại Irắc và Ápganixtan, chúng tôi đã tập trung mối quan tâm
về phía đó. Giờ đây, chúng tôi sẽ chú ý nhiều hơn tới lợi ích lâu dài
của mình tại Thái Bình Dương và các đồng minh của chúng tôi ở đó. Như
ông đã biết, Thái Lan là đồng minh lâu nhất của chúng tôi trong khu vực
này, với khoảng 180 năm quan hệ. Do vậy, lợi ích của chúng tôi là can dự
nhiều hơn và có chất lượng hơn. Tất cả những trang thiết bị tốt nhất
của chúng tôi như tàu chiến tốt nhất, tàu sân bay tốt nhất, đều sẽ đưa
vào Thái Bình Dương. Là một sinh viên lịch sử và kinh tế, tôi gợi ý rằng
cường quốc kinh tế thế giới, cường quốc quân sự thế giới và các vấn đề
liên quan tới dân số nên quan tâm tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Chúng tôi muốn đảm bảo rằng chúng tôi sẽ giải quyết các thách thức trong
tương lai, sẽ tiếp tục chú ý tới những thách thức mới nảy sinh từ ngày
hôm nay.
Suthichai: Nhưng Trung Quốc có thể sẽ cho rằng điều đó gây nguy hại cho nước này.
Dempsey: Tôi đã có những
cuộc nói chuyện với các đối tác Trung Quốc, với các học giả Trung Quốc,
với nhiều người trong khu vực. Vấn đề đó thường xuyên được đặt ra. Câu
trả lời của tôi rất rõ là việc tái cân bằng Thái Bình Dương không có ý
nghĩa là kiềm chế Trung Quốc. Tôi muốn gợi ý rằng chúng ta không nên đặt
ra các điều kiện cho những nhận thức và tính toán sai lầm. Tôi sẽ đưa
ra một ví dụ. Tôi đang ở Thái Lan, với các đối tác Thái Lan của tôi; tất
cả chúng ta đều có mối quan hệ với Trung Quốc, nhưng chúng là các mối
quan hệ khác nhau. Chúng tôi đang hoạt động ở một khoảng cách xa, trong
khi ông đang ở bên cạnh. Tôi khuyến khích mọi người hợp tác song phương
và đa phương để đạt được sự hiểu biết rõ hơn. Chúng ta có quá nhiều lợi
ích chung - cứu trợ thảm họa và nhân đạo, chống chủ nghĩa khủng bố và
chống vi phạm bản quyền. Đây là những vấn đề cần hợp tác.
Suthichai: Nhưng vấn đề thời
điểm là rất đáng quan tâm. Trung Quốc đang có nhiều vấn đề với các láng
giềng của họ tại Biển Đông và Hải quân Mỹ cũng đang tiến lại gần hơn.
Oasinhtơn từng cảnh báo Trung Quốc không nên tạo ra vấn đề với các láng
giềng, do vậy, sự hiện diện của Mỹ có thể cân bằng sức mạnh của Trung
Quốc.
Dempsey: Hãy để tôi đưa ra
một vài ví dụ về Biển Đông. Tôi mới trở về từ Philíppin. Trước tiên,
vấn đề này không mới. Nó là vấn đề của 80 năm trước, nhưng tại sao ngày
nay nó lại trở nên quan trọng. Đó là vì công nghệ đã khai thác được dưới
biển sâu và thềm lục địa. Thứ hai, chúng tôi nói về Biển Đông là rất rõ
ràng - đó là chúng tôi có lợi ích rõ ràng trong việc duy trì quyền đi
lại và tự do hàng hải, và chúng tôi khuyến khích tất cả các nước thực
hiện trong khuôn khổ Công ước Liên hợp quốc về luật biển và các luật
pháp quốc tế khác. Chúng tôi không muốn can dự vào các tranh chấp lãnh
thổ. Cuối cùng, điều quan trọng chúng tôi muốn nói với tất cả các bên là
chúng tôi tin chắc rằng vấn đề này không thể giải quyết thông qua đối
đầu mà nên thông qua các diễn đàn quốc tế.
Suthichai: Nhưng sự có mặt của các ông tại đây có thể ngăn cản được Trung Quốc không thực hiện những hành động của họ.
Dempsey: Nhưng đó không
phải là mục tiêu của chúng tôi ở đây. Điều mà chúng tôi muốn làm là khôi
phục quan hệ với các đồng minh hiện nay của chúng tôi. Như ông đã biết,
Thái Lan và Philíppin là những đồng minh của chúng tôi tại Đông Nam Á.
Chúng tôi đang thiết lập các quan hệ mới khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đi
thăm Việt Nam và Ấn Độ. Chúng tôi muốn hiểu rõ đối tác của chúng tôi
muốn có mối quan hệ như thế nào với chúng tôi. Giờ đây, chúng tôi có
thời gian và khả năng tái đầu tư vào Thái Bình Dương. Về chính trị,
chúng ta phải xác định tình thế hiện nay nghiêng về chúng ta và thuộc về
các đối tác của chúng ta.
Suthichai: Ông có lo ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc và những dấu hiệu rõ ràng gần đây về việc mở rộng quân sự của nước này không?
Dempsey: Nói chung tôi
không có mối quan ngại nào về sự trỗi dậy của Trung Quốc bởi vì tôi nghĩ
họ có sức mạnh kinh tế, họ có nguồn nhân lực dồi dào và đang cố gắng
làm hết sức của mình. Còn liệu điều này có dẫn tới đối đầu quân sự hay
không, thì câu trả lời là hoàn toàn không. Trên thực tế, việc tái đầu tư
của chúng tôi vào Thái Bình Dương là chỉ nhằm tránh đối đầu quân sự
thôi.
Suthichai: Ông không lo ngại về việc Trung Quốc tăng ngân sách quân sự chứ?
Dempsey: Một câu hỏi hay,
là một sinh viên lịch sử, tôi cho rằng sức mạnh quốc gia luôn được dành
cho sức mạnh ngoại giao, sức mạnh kinh tế và sức mạnh quân sự. Trong
lịch sử các dân tộc, họ đầu tư vào ba lĩnh vực này. Tôi không ngạc nhiên
trước việc Trung Quốc đầu tư vào sức mạnh quân sự, nhưng tôi không nghĩ
nó được dùng để ngăn cản chúng tôi, giống như cách chúng tôi đầu tư
không nhằm để ngăn chặn những người khác.
Suthichai: Đã bao giờ ông hỏi các đối tác Trung Quốc rằng tại sao họ lại tăng ngân sách quân sự chưa?
Dempsey: Chưa, chúng tôi
không hỏi những câu hỏi cụ thể như vậy. Thỉnh thoảng chúng tôi nói
chuyện với nhau về chiến lược, về việc chúng ta sẽ như thế nào trong năm
2020. Chúng tôi biết hiện nay chúng tôi đang ở đâu. Chúng tôi biết
những thách thức hiện nay, nhưng chúng ta mong muốn điều gì vào năm
2020? Tôi cho rằng chúng ta có thể tìm ra lợi ích chung và sẽ trở nên rõ
ràng hơn với từng bên. Chúng tôi đang cố gắng tránh những nhận thức và
tính toán sai lầm.
Suthichai: Trung Quốc vừa hạ thủy chiếc tàu sân bay đầu tiên của họ. Nó quan trọng như thế nào trong lĩnh vực hải quân?
Dempsey: Tàu sân bay là
một biểu tượng sức mạnh quốc gia. Điều mà các quốc gia làm khi họ có
nguồn lực và khả năng là thể hiện sức mạnh trong một số trường hợp. Nó
là sự thể hiện khả năng của quốc gia. Đối với nước Mỹ, chúng tôi phải
mất khoảng 50 năm để hiểu hết việc làm thế nào để sử dụng các tàu sân
bay, luân chuyển chúng như thế nào, làm thế nào để tổ chức các hoạt động
của nó. Tàu sân bay không chỉ đơn giản là một công cụ của chiến tranh.
Gần đây, chúng tôi có cơ hội giúp đỡ Nhật Bản sau thảm họa sóng thần, và
tại Haiti sau động đất ở đó. Chúng tôi cử tàu sân bay tới bởi chúng có
khả năng tạo ra năng lượng, cung cấp nguồn lực ngoài việc cứu trợ thảm
họa và trợ giúp nhân đạo. Do vậy, nếu Trung Quốc đầu tư vào công nghệ
tàu sân bay, thì rõ ràng họ biết sử dụng tàu sân bay trong nhiều vai
trò. Nó là công cụ có thể sử dụng được nhiều cách.
Suthichai: Phải mất bao nhiêu năm Trung Quốc mới đuổi kịp được Mỹ?
Dempsey: Câu hỏi này nên
dành cho các học giả. Thực sự, tôi không dám chắc tôi biết câu trả lời,
nhưng tôi biết rằng khả năng của Mỹ là không nhằm vào bất kỳ một quốc
gia cụ thể nào. Chúng tôi biết lợi ích của nước Mỹ cũng là lợi ích toàn
cầu và vì thế chúng tôi xây dựng lực lượng phải có khả năng duy trì và
củng cố những lợi ích đó chống lại bất kỳ ai có thể gây thách thức với
nó. Chúng tôi không xây dựng khả năng của chúng tôi nhằm vào Trung Quốc,
nếu ông hỏi như vậy. Nhưng chúng tôi luôn mong muốn là một đội quân tốt
nhất trên thế giới này.
Suthichai: Nhưng khi ông
nhìn lại sau xem ai là người đứng thứ hai và ông thấy Trung Quốc đang
bắt kịp một cách nhanh chóng, ông phải tính toán xem chừng nào Trung
Quốc sẽ tới sát cạnh chứ?
Dempsey: Trung Quốc đang
đầu tư tập trung vào công nghệ. Họ không đầu tư mở rộng như chúng tôi.
Mỗi chúng tôi có thể tính toán điều gì có nghĩa trong tương lai. Một lần
nữa, tôi là người ủng hộ việc can dự. Tôi ủng hộ việc có mặt tại đây.
Tôi là một người ủng hộ các mối quan hệ song phương và đa phương.
Suthichai: Ông đã bao giờ hỏi Thái Lan về việc sử dụng căn cứ U-tapao cho các mục đích quân sự chưa?
Dempsey: Chưa, chưa từng
bao giờ. Chúng tôi có thể có mục tiêu đó. Chúng tôi đang thảo luận về
nó. Hãy để tôi giải thích: U-tapao đã từng hỗ trợ chúng tôi một vài lần.
Chúng tôi có một lịch sử khá dài với U-tapao.
Suthichai: Đúng, tôi đã nhiều lần viết về U-tapao trong Chiến tranh Việt Nam , nhìn thấy B52 cất cánh và hạ cánh ở đó.
Dempsey: Nhưng giờ đây
chúng tôi sẽ không làm như vậy. Chúng tôi sẽ tổ chức diễn tập như tập
trận Hổ mang vàng. U-tapao đang ngày càng trở nên quan trọng như một
trung tâm hậu cần cho hoạt động diễn tập đó. Về kết quả của tập trận Hổ
mang vàng, Tướng Tanasak Patimapragorn, Tư lệnh tối cao của Thái Lan, và
tôi đã thảo luận về khả năng ở một số điểm nếu chúng tôi có thể nhất
trí về việc sử dụng U-tapao. Nó sẽ trở thành trung tâm hoạt động cứu trợ
thảm họa và trợ giúp nhân đạo. Nó là một địa điểm lý tưởng cho điều đó.
Nếu chúng tôi quyết định về việc hợp tác đó, nếu có thể đặt ra thời
gian biểu và từng gian đoạn, chúng tôi sẽ tiến tới thực hiện. Nhưng
trước khi làm điều đó, chúng ta sẽ phải thăm dò các khả năng.
Suthichai: Liệu cuối cùng nó
có được sử dụng là căn cứ hải quân, giống như Clark ở Philíppin và vịnh
Cam Ranh tại Việt Nam hay không? Nhìn vào bản đồ, với U-tapao, Clark và
Cam Ranh, đó sẽ là một chiến lược tam giác hoàn hảo cho Hải quân Mỹ.
Ông không nghĩ như thế chứ?
Dempsey: Tôi có nghĩ như
vậy không à? U-tapao sẽ không phải là một căn cứ hải quân. Tôi có thể
đảm bảo với ông như vậy. Tôi không mang theo lá cờ nước Mỹ trong người
và vạch ra nơi nào chúng tôi muốn tới. Hoàn toàn không phải như vậy.
Chúng tôi trở lại Thái Lan với 179 năm quan hệ tốt đẹp ở phía sau. Chúng
tôi không muốn mối quan hệ đó bị ngừng trệ. Điều gì tiếp sau việc cung
cấp cứu trợ thảm họa và trợ giúp nhân đạo. Nó có thể là một điểm, nơi
các tàu chiến của chúng tôi luân chuyển với các tàu đa chức năng tại
Xinhgapo. Các tàu chiến của chúng tôi có thể đóng tại Xinhgapo và quản
lý khu vực bên ngoài Xinhgapo và một điểm dừng có thể là U-tapao và một
có thể là Băngcốc. Đó là quyết định mà chúng tôi muốn thảo luận và đồng
thời chúng tôi cũng sẽ tạo cơ hội để đối tác của chúng tôi lựa chọn.
Suthichai: Có thông tin rằng
NASA cũng muốn sử dụng U-tapao cho các mục đích khoa học. Làm thế nào
để điều đó và hoạt động hải quân kết hợp được với nhau?
Dempsey: NASA hoàn toàn
không liên quan gì với Bộ Quốc phòng. Tôi đã đọc một câu chuyện tương
tự, tôi đã làm bài tập và đặt câu hỏi tại sao NASA lại quan tâm tới
U-tapao như một địa điểm tiềm năng. Đó là bởi vì nó có một số khả năng
lôgíc cụ thể. Nó có thể làm tốt hơn công việc trợ giúp dự báo các sự
kiện thiên nhiên và diễn biến thời tiết. Nó không phải là một phần của
NASA, nhưng tôi có thể nói với ông tại sao họ có thể muốn chỗ đó. Nhưng
nó hoàn toàn không nằm trong bất kỳ một cuộc thảo luận nào về quân sự.
Theo The Nation
Trần Quang (gt)