Thứ Hai, 18 tháng 6, 2012

13. NATO đối mặt với các thách thức lớn

TCCSĐT (15/6/2012)- Mặc dù đã ra được tuyên bố chung về lộ trình rút quân khỏi Afghanistan, thống nhất lập trường quan hệ với Nga và khởi động xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa, song NATO vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức lớn.


Hội nghị Thượng đỉnh NATO lần thứ 25 diễn ra tại Chicago (Mỹ) vào cuối tháng 5 vừa qua là cuộc gặp có quy mô bề thế và hoành tráng nhất trong suốt 63 năm tồn tại của liên minh quân sự lớn nhất hành tinh này - các nguyên thủ 28 nước thành viên và hơn 20 quốc gia được mời đã tham dự cuộc gặp. Hội nghị có tầm quan trọng đặc biệt, bởi nó phải quyết định những vấn đề nền tảng cơ bản nhất, vốn được xem là rất phức tạp và khó có giải pháp trọn vẹn.

Đối với Mỹ, cuộc gặp này càng có ý nghĩa quan trọng, bởi nó được tổ chức sau 13 năm, kể từ Hội nghị Thượng đỉnh lần trước - lần thứ 16, được tổ chức ở Washington vào tháng 4-1999. Hơn nữa, cuộc gặp lại diễn ra ngay tại thành phố Chicago - quê hương của đương kim Tổng thống Mỹ Barack Obama. Chỉ còn 6 tháng nữa là đến ngày bầu cử Tổng thống nhiệm kỳ thứ 45 của nước Mỹ, trong đó ông B. Obama tái ứng cử nhiệm kỳ thứ hai, đây sẽ là cơ hội để ông chủ đương nhiệm Nhà trắng khẳng định vai trò là nhà lãnh đạo “cường quốc số một thế giới”. Giới phân tích nhận định rằng, Hội nghị Thượng đỉnh NATO tại Chicago là cơ hội để chính quyền Obama tạo sức ép, buộc các nước thành viên liên minh thông qua những vấn đề nền tảng cơ bản theo ý đồ của Washington. Đồng thời, đây cũng là dịp để các nhà lãnh đạo liên minh thể hiện tình đoàn kết và thực hiện các cam kết.

Hệ lụy rút quân khỏi Afghanistan

Hội nghị Thượng đỉnh NATO Chicago đã hoạch định một lộ trình rút toàn bộ quân đội của họ khỏi Afghanistan vào cuối năm 2014. Theo kế hoạch đó, vào giữa năm 2013 sẽ chuyển giao quyền kiểm soát Afghanistan cho các lực lượng an ninh của chính quyền Tổng thống Hamid Karzai. Để thực hiện lộ trình này, các nước NATO phải gấp rút huấn luyện và trang bị cho các lực lượng an ninh và quân đội Afghanistan đủ sức bảo vệ nền độc lập và chính quyền Kabul. Trong suốt quá trình rút quân phải bảo đảm an toàn cho binh lính các nước liên minh, cũng như cho nhân dân sở tại, đồng thời phải chuyển tải được thông điệp rằng sứ mạng của NATO ở Afghanistan suốt hơn mười năm qua đã thành công, dù phải chịu nhiều tổn thất nặng nề và không được lòng dân. 

Thông báo về lịch trình rút quân, Tổng Thư ký NATO A. Rasmussen đã mô tả, cuộc chiến ở Afghanistan là “một điển hình cho sự gắn kết của NATO”. Theo ông, đây là một chiến trường mà các nước liên minh đã “cùng đến và cùng đi”, họ đã cùng nhau chia sẻ những gánh nặng về ngân sách, những khó khăn và mất mát. Ông còn khẳng định, lịch trình rút quân khỏi Afghanistan là “không thể đảo ngược”, nghĩa là sau năm 2014, tại xứ sở Nam Á này sẽ không còn căn cứ quân sự của NATO, nếu có chăng chỉ còn những nhóm nhỏ cố vấn quân sự.

Tuy nhiên, như Tổng thống Mỹ B. Obama và hầu hết các đồng nghiệp của ông trong liên minh đều phải thừa nhận rằng, kế hoạch này chứa đựng đầy rủi ro và không một ai có thể trả lời cho câu hỏi “Làm thế nào để ngăn chặn khả năng Afghanistan rơi vào tình trạng hỗn loạn và sự trỗi dậy của các lực lượng Taliban, khi binh lính NATO rút khỏi xứ sở này?”.

Đây chính là một trong những thách thức lớn đối với NATO. Hầu hết các chuyên gia quân sự và ngay cả những chính khách lạc quan nhất cũng đều tỏ ra hoài nghi sức mạnh của quân đội và các lực lượng an ninh Kabul. Làm sao họ có đủ khả năng chiến đấu chống lại Taliban - những lực lượng nổi dậy mà phương Tây đã phải huy động tới 130 nghìn quân, đổ vào cuộc chiến này hàng nghìn tỉ USD, trong suốt 11 năm chiến đấu gay go và quyết liệt, số tử trận đã lên tới hơn 3.000 binh sĩ, mà vẫn không thể đánh bại!? 

Cả thế giới đều biết rằng “lực lượng nổi dậy ở Afghanistan” chính là các thế lực Taliban mà lâu nay có mối quan hệ mật thiết với các lực lượng khủng bố quốc tế. Sở dĩ chúng có “sức sống dẻo dai” và “kiên cường chiến đấu” chống trả liên quân NATO suốt hơn thập kỷ qua, trước hết là vì họ là con em các bộ lạc Afghanistan, được huy động ra chiến trường là để “bảo vệ quê hương, chống giặc ngoại xâm”. Hơn nữa, họ cũng được một số bộ lạc Pakistan cưu mang, che chở. 

Mặc dù trong quan hệ Mỹ - Pakistan đã có sự “tan băng” nhờ quyết định của Islamabad mở lại các tuyến tiếp vận cho lực lượng liên quân NATO tại Afghanistan và việc NATO mời Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari tham dự Hội nghị Thượng đỉnh NATO tại Chicago, song những mâu thuẫn về lợi ích giữa Mỹ và Pakistan tại Afghanistan vẫn chưa được giải quyết cơ bản.

Sau hơn chục năm trải nghiệm, đến nay Washington đã ngộ ra rằng họ khó có thể đánh bại hoàn toàn Taliban. Thay vào đó, họ tin rằng một hình thức hòa hợp chính trị nào đó với Taliban là điều quan trọng đối với một nước Afghanistan ổn định. Hội nghị Thượng đỉnh NATO được coi là thời cơ tái khẳng định những lợi ích quốc tế của việc tìm kiếm một thỏa thuận với Taliban. Bởi vậy, Tổng thống Mỹ B. Obama đã từ bỏ những mục tiêu đầy tham vọng trước đây là đánh bại lực lượng nổi dậy và xây dựng một nhà nước hiện đại tại Afghanistan. Trong bối cảnh sự ủng hộ của dân chúng Mỹ và phương Tây đối với cuộc chiến tranh kéo dài tại Afghanistan ngày càng suy giảm, chính quyền của ông B. Obama đề ra các mục tiêu khiêm tốn hơn, bao gồm bảo đảm an ninh thích hợp tại Afghanistan, ngăn chặn al-Qaeda tái tập hợp lực lượng, giúp các lực lượng vũ trang Afghanistan tự bảo vệ an ninh đất nước và tạo điều kiện cho xứ sở này liên kết kinh tế khu vực. 

Trò chuyện với báo giới, Tổng thống Mỹ B. Obama cũng phải thừa nhận rằng Taliban vẫn là một “kẻ thù mạnh” và những thành tựu đạt được của NATO trên chiến trường vẫn rất mong manh. Ông nói: “Hoàn toàn vẫn còn những mối nguy hiểm liên quan đến lực lượng nổi dậy”. Một quan chức cấp cao của Anh thì thổ lộ, “Sẽ không phải là thực tế nếu cho rằng Afghanistan sẽ được an toàn và các mối đe dọa khủng bố sẽ không xuất hiện trở lại”. 

Tất nhiên, dù thực tế có cay nghiệt như thế nào chăng nữa, thì lãnh đạo các nước thành viên NATO cũng không thể mãi nhắm mắt lao vào “hố tử thần”, mà không nghĩ đến tương lai dân tộc mình và thanh danh của chính họ. Không phải chỉ riêng Tổng thống Mỹ B. Obama, mà tất cả các nhà lãnh đạo các nước thành viên NATO đều cố gắng tìm mọi cách để thể hiện với cử tri nước họ rằng, họ sẽ sớm tiến hành rút quân khỏi Afghanistan, bởi cuộc chiến ở đó đã phải hy sinh nhiều xương máu, gây gánh nặng cho ngân sách quốc gia. Hơn nữa, tình trạng an ninh bất ổn và sự quản lý đất nước kém cỏi của chính quyền Kabul đã vượt quá lòng kiên nhẫn của phương Tây. Thế nhưng, họ vẫn phải tỏ vẻ như đã hoàn thành “sứ mạng cao cả” trong sự nghiệp ngăn chặn và tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố quốc tế, đồng thời cũng phải ra sức trấn an người dân Afghanistan rằng, NATO sẽ không “bỏ rơi” họ. 

Trong cảnh thiếu hụt ngân sách

Bình luận về Hội nghị Thượng đỉnh NATO lần thứ 25, hãng tin Anh Reuters viết: “NATO đã phô diễn sự dũng cảm tại Hội nghị ở Chicago, song trên thực tế liên minh này đang bị suy yếu do cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực đồng euro. Câu hỏi lớn cho Hội nghị Thượng đỉnh lần này là NATO - được thành lập từ thời kỳ chiến tranh lạnh - sẽ thích nghi với thế giới như thế nào sau năm 2014?”. Đây là một thách thức lớn mà NATO sẽ phải đối mặt lâu dài, khó vượt qua hơn cả vấn đề Afghanistan.

Từ việc đã “cùng đến, cùng đi” khỏi Afghanistan, ông A. Rasmussen cho rằng đấy là biểu hiện “sự đoàn kết, gắn bó của NATO”. Trên thực tế, tại Hội nghị Thượng đỉnh lần này đã xuất hiện dấu hiệu rạn nứt nội khối. Giáo sư Clara O’ Donnell thuộc Học viện Brookings của Mỹ cho rằng, sự gắn kết nội bộ NATO đã suy giảm rõ rệt và chưa rõ liệu NATO có tiếp tục can dự vào những nơi khác trên thế giới hay không. Khó khăn lớn nhất của NATO hiện nay là nhiều nước châu Âu cắt giảm mạnh ngân sách quốc phòng, khiến cho khoảng cách về năng lực quân sự giữa Mỹ và các thành viên khác của NATO ngày càng lớn. 

Mỹ thường chỉ trích các thành viên châu Âu không đóng góp công bằng cho các hoạt động của NATO. Ngay trong nội bộ châu Âu, một số nước thành viên của khối cũng không đáp ứng lời kêu gọi cùng gánh vác trách nhiệm và hợp sức chiến đấu, mà điển hình nhất là trong cuộc khủng hoảng tại Libya năm 2011. Khi ấy, Đức và Ba Lan đã từ chối tham gia; một số thành viên NATO khác thì hưởng ứng hờ hững. Tất nhiên, ai cũng hiểu việc chia sẻ lợi ích, chia sẻ trách nhiệm và chia sẻ nguy cơ rủi ro giữa các nước thành viên trong một tổ chức có sự chênh lệch lớn về tiềm lực kinh tế và quân sự, đòi hỏi sự công bằng là điều rất khó khăn, nhất là trong bối cảnh các nước thành viên châu Âu đã và đang bước vào giai đoạn cắt giảm ngân sách quốc phòng. Trớ trêu thay, lối tư duy thiệt hơn này chắc chắn sẽ gây nguy hại lớn cho các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. 

Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ công của các nước châu Âu, việc chi tiêu của chính phủ vào những việc phiêu lưu vô nghĩa, không trực tiếp phục vụ lợi ích của những người đóng thuế, những cuộc chiến không được lòng dân như tại Afghanistan sẽ bị quốc hội các nước thành viên NATO hạn chế tới mức tối đa. Tổng thống Mỹ B. Obama đã phải trầy trật lắm mới có được những cam kết cuối cùng từ các nước đồng minh về khoản tiền trị giá 4,1 tỉ USD mỗi năm để hỗ trợ các lực lượng an ninh Afghanistan. 

Trước đây, người ta cho rằng khoản viện trợ dăm ba tỉ mỗi năm sẽ có thể giúp củng cố khả năng của Kabul trong việc chống lại Taliban và được coi là một điều kiện cần thiết để quá trình rút quân NATO diễn ra suôn sẻ. Hội nghị Thượng đỉnh Chicago cho thấy, không phải nước thành viên NATO nào cũng tán thành, chấp nhận ý kiến như vậy, bởi mọi người đều biết rõ rằng, với ngần ấy tiền hoặc hơn thế nhiều lần, thì cũng không thể cải thiện được tình hình. 

Hội nghị Thượng đỉnh NATO tại Chicago không thể không tính toán tới sự đóng góp tài chính và nguồn lực quân sự của các thành viên châu Âu. Tình trạng nợ công từ hàng năm nay đang đè nặng trên vai không chỉ mấy quốc gia Hy Lạp, Irland, Italy, Bồ Đào Nha, hay Tây Ban Nha, mà tất cả các nước thành viên NATO khác ở châu Âu cũng đều phải ghé vai gánh vác. Chính sách thắt chặt tài chính, giảm chi tiêu công, giảm ngân sách quốc phòng làm cho các nhà lãnh đạo NATO, trước hết là Mỹ hết sức lo lắng. Nếu trước đây, vào những năm 80 và 90 của thế kỷ trước, các thành viên châu Âu đóng góp tới 34% chi tiêu của NATO, thì hiện nay con số đó chỉ còn 21%. Ngoài Mỹ, chỉ còn 4 trong tổng số 28 nước thành viên của khối là Anh, Pháp, Hy Lạp và Anbani đạt tỷ lệ chi tiêu quốc phòng 2% GDP.

Như vậy, trên thực tế, NATO đành phải bằng lòng với việc thực thi ít nhiệm vụ hơn do nguồn lực hạn chế hơn. Giấc mơ về một “NATO phổ biến hóa toàn cầu”, nghĩa là có thể kết nạp thành viên trên toàn thế giới và can thiệp bất cứ nơi nào, chắc chắn sẽ tan thành mây khói. Sau Afghanistan, NATO chỉ còn con đường quay trở lại cội nguồn mang tính khu vực của mình. 

Đối đầu quân sự với Nga

Tại cuộc gặp Chicago, các nhà lãnh đạo NATO đã quyết định khởi động hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu, một vấn đề gây tranh cãi trong nhiều năm nay giữa một bên là Mỹ cùng các nước NATO và một bên là Nga. Thậm chí, quan điểm giữa các thành viên NATO cũng không hoàn toàn thống nhất. Thực chất, đây là vấn đề đối nghịch giữa hai cường quốc quân sự Mỹ và Nga, những nước sở hữu các kho tên lửa và vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới. Bởi vậy, nếu không có những biện pháp chính trị - ngoại giao nhằm giữ vững thế ổn định hạt nhân và cắt giảm dần dần số lượng vũ khí hạt nhân trên hành tinh chúng ta, thì đây vẫn là mối đe dọa nguy hiểm nhất đối với cả loài người. Chính vì vậy, một khi Mỹ và NATO phớt lờ đề nghị và nguyện vọng của phía Nga, thì đó sẽ là một thách thức vô cùng lớn đối với NATO.

Phát biểu tại Hội nghị Chicago, Tổng Thư ký A. Rasmussen khẳng định: “Đây là bước đầu tiên hướng tới mục tiêu của NATO nhằm bảo vệ toàn bộ dân số, lãnh thổ và lực lượng của NATO. Hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO sẽ kết nối toàn bộ hệ thống phòng thủ tên lửa từ các nước đồng minh, các vệ tinh, tàu chiến, rada và các phương tiện đánh chặn dưới sự chỉ huy và kiểm soát của NATO. Hệ thống này sẽ cho phép chúng ta phòng thủ chống lại các mối đe dọa bên ngoài khu vực châu Âu - Đại Tây Dương”. Tuy nhiên, ông A. Rasmussen cũng nói vớt vát rằng “Hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO sẽ không chống lại và không phá hủy khả năng răn đe chiến lược của Nga”, mà chỉ nhằm “để chống lại các cuộc tiến công tên lửa từ Iran và Bắc Triều Tiên”.

Trong khi đó, Mátxcơva khẳng định rằng, lá chắn tên lửa đang được xây dựng ở châu Âu là nhằm làm giảm ưu thế chiến lược của Nga trong tương lai, là phá vỡ thế cân bằng quân sự chiến lược giữa Nga và Mỹ. Bởi thế, phía Nga đã phản ứng rất quyết liệt. Tướng N. Makarov, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Nga tuyên bố: “Nga có thể phát động đòn tiến công phủ đầu phá hủy các trận địa phòng thủ tên lửa của NATO tại Trung Âu, nếu Nga nhận thấy khả năng răn đe hạt nhân chiến lược của mình bị đe dọa”.

Cuộc tranh cãi về phòng thủ tên lửa giữa Mỹ và NATO với Nga đã làm cho tình hình ngày càng xấu đi. Các nhà lãnh đạo phương Tây đã không giải quyết được mối lo ngại có cơ sở của giới lãnh đạo quân sự Nga. Không cần phải là các chuyên gia quân sự, mà ngay cả người dân thường cũng thừa hiểu rằng, việc Mỹ và NATO biện bạch cho kế hoạch xây dựng lá chắn tên lửa ở châu Âu “chỉ nhằm ngăn chặn các tên lửa từ Iran và Bắc Triều Tiên” là hoàn toàn dối trá, là sự che đậy hết sức vụng về và ngây thơ đối với những mục tiêu thực sự của họ nhằm vào nước Nga.

Một số nhà quan sát nhận định rằng, việc xây dựng lá chắn tên lửa của Mỹ và NATO có thể sẽ thôi thúc Nga theo đuổi chính sách đối ngoại xích lại gần với Trung Quốc và hướng về phía Đông. Việc Tổng thống Nga V. Putin từ chối tham dự cuộc gặp G-8 tại Trại David và Hội nghị Thượng đỉnh NATO tại Chicago là một dấu hiệu rõ ràng của chính sách này. Ông Karaganov, Chủ tịch Hội đồng Chính sách Đối ngoại và Quốc phòng của Nga cho biết, Mátxcơva và Bắc Kinh đều đang theo sát những phát triển của lá chắn tên lửa của Mỹ và NATO tại châu Âu. Ông nói: “Chúng tôi thường xuyên trao đổi với các đồng nghiệp Trung Quốc về vấn đề lá chắn tên lửa của NATO và họ có quan điểm tương tự chúng tôi”. 

NATO ra đời năm 1949, trong bối cảnh bắt đầu cuộc “Chiến tranh lạnh”, nhằm tập hợp các nước phương Tây đối phó với hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa đang phát triển và lớn mạnh. Ngày nay, thế giới đã không còn hai phe đối đầu. Tuy nhiên, Mỹ vẫn ôm mộng “chỉ huy toàn thế giới”, bởi thế Washington vẫn ra sức giành lấy phần hơn trong tương quan lực lượng quân sự. Trong bối cảnh đó, Nga và các nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây mong muốn củng cố Tổ chức Hiệp ước Hợp tác an ninh tập thể (CSTO), cũng như việc Nga, Trung Quốc và các nước Trung Á mong muốn tăng cường đoàn kết, mở rộng hợp tác của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) là điều hoàn toàn hợp logic./.
Ngọc Quỳnh