Tham dự Hội nghị Thượng đỉnh SCO lần thứ 12 có
nguyên thủ 6 nước thành viên là Nga, Trung Quốc, Kazakhstan, Kyrgyzstan,
Tajikistan và Uzbekistan; đại diện các nước có quy chế quan sát viên
gồm Ấn Độ, Iran, Pakistan và Mông Cổ; đại diện các nước đối tác đối
thoại của SCO là Belarus và Sri Lanka. Ngoài ra, Tổng thống Afghanistan
Hamid Karzai và Tổng thống Turkmenistan Gurbanguly Berdimuhammedow tham
dự Hội nghị với tư cách quan sát viên.
Ký kết các văn kiện định hướng phát triển SCO trong thập kỷ tới
Sau 2 ngày làm việc, nguyên thủ của các nước thành viên SCO ký kết 10 văn kiện, trong đó có các văn kiện quan trọng như Tuyên bố của nguyên thủ các quốc gia SCO về việc xây dựng khu vực hòa bình lâu dài và cùng thịnh vượng; Quyết định của Hội đồng nguyên thủ quốc gia về việc khẳng định những định hướng chính của Chiến lược phát triển SCO trong trung hạn; Quyết định về tình trạng các biện pháp chính trị - ngoại giao, cơ chế phản ứng của SCO đối với tình hình đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định tại khu vực; Quyết định khẳng định Chương trình hợp tác trong đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa ly khai và cực đoan trong giai đoạn 2013-2015; Quyết định khẳng định Báo cáo của Tổng Thư ký SCO về hoạt động SCO trong thời gian qua; Quyết định khẳng định Báo cáo của Hội đồng cơ cấu chống khủng bố khu vực về những hoạt động của Hội đồng này trong năm 2011.
Hội nghị còn thông qua các văn kiện quan trọng khác, gồm Tuyên bố chung; Quyết định trao cho Afghanistan quy chế quan sát viên của SCO và trao cho Thổ Nhĩ Kỳ quy chế đối tác đối thoại; quyết định bổ nhiệm ông Dmitri Mezentsev, cựu Tỉnh trưởng tỉnh Irkut của Nga, làm Tổng Thư ký SCO và bổ nhiệm ông Chan Xin-phen (Trung Quốc) làm Giám đốc điều hành Hội đồng cơ cấu chống khủng bố của SCO.
Tuyên bố chung của Hội nghị Thượng đỉnh SCO lần thứ 12 phản đối việc can thiệp quân sự vào công việc nội bộ của các nước Trung Đông và Bắc Phi, kêu gọi cộng đồng quốc tế tôn trọng những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và tiêu chuẩn của luật pháp quốc tế, tôn trọng quyền tự lựa chọn của các quốc gia và dân tộc trong khu vực này, cùng phối hợp để hóa giải tình hình căng thẳng tại khu vực. Tuyên bố chung cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải chấm dứt bất kỳ hình thức bạo lực nào trên lãnh thổ Syria, cho dù chúng xuất phát từ đâu; phải tôn trọng đối thoại toàn dân tộc rộng rãi dựa trên sự độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của quốc gia này. Tuyên bố chung cũng đề cập đến vấn đề hệ thống phòng thủ chống tên lửa và nhấn mạnh rằng, việc đơn phương triển khai hệ thống này sẽ đe dọa an ninh thế giới, do đó cần giải quyết vấn đề thông qua các nỗ lực chính trị và ngoại giao của tất cả các quốc gia có liên quan.
Trung Quốc thể hiện vai trò của quốc gia sáng lập SCO
Tại Hội nghị Thượng đỉnh SCO lần này, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào cho biết, Trung Quốc quyết định chi một khoản tín dụng trị giá 10 tỉ USD để hỗ trợ sự phát triển của các thành viên SCO. Theo quyết định này, Trung Quốc sẽ giúp đào tạo 1.500 chuyên gia đến từ các nước thành viên SCO trong vòng 3 năm tới; cung cấp 30.000 học bổng và mời 10.000 giảng viên và sinh viên tại Học viện Khổng Tử tới Trung Quốc để học tập và nghiên cứu trong thập kỷ tới. Tại Hội nghị Thượng đỉnh SCO năm 2009, Trung Quốc tuyên bố dành cho các quốc gia Trung Á 10 tỉ USD tín dụng để ngăn chặn khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào kêu gọi các nước thành viên SCO đẩy mạnh xây dựng các hệ thống kết cấu hạ tầng như đường sắt, đường bộ, hàng không, truyền thông và hệ thống đường xây điện. Chủ tịch nước chủ nhà cũng hối thúc các nước thành viên thành lập Ngân hàng phát triển của SCO, xây dựng cơ chế hợp tác an ninh lương thực, cải thiện cơ chế phục vụ hoạt động thương mại và đầu tư nhằm tăng cường tính cạnh tranh của nền kinh tế các nước thành viên, thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực công nghệ, văn hóa, giáo dục và y tế”.
Về việc kết nạp các thành viên mới của SCO
Sau khi các thành viên SCO chính thức ký Điều lệ tiếp nhận thành viên mới năm 2010, các nước thành viên của tổ chức này vẫn chưa thể đạt được nhất trí về việc tiếp nhận thành viên mới. Trong một cuộc phỏng vấn do Hãng thông tấn Tân Hoa xã thực hiện trước chuyến công du của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Trung Quốc, tham dự Hội nghị thượng đỉnh SCO, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov cho rằng, trong bối cảnh này, phía Nga nhận thấy cần mở rộng SCO - một tổ chức đang không ngừng thu hút quan tâm của các nước trong và ngoài khu vực. Theo ông S.Lavrov, việc kết nạp Ấn Độ và Pakistan, các quốc gia hiện đang là quan sát viên của tổ chức, sẽ nâng cao đáng kể tiềm năng và uy tín quốc tế của SCO. Do đó, các nước SCO đang nghiên cứu nhiều vấn đề phức tạp có liên quan đến việc mở rộng số lượng thành viên SCO. Hiện nay, số lượng quan sát viên và đối tác đối thoại của SCO đang ngày một tăng. Với tôn chỉ mục đích có sức thu hút của SCO, dự báo trong những năm tới sẽ có nhiều quốc gia chính thức trỏ thành thành viên của tổ chức này.
Triển vọng phát triển của SCO trong thập kỷ tới
Theo Tạp chí “Nghiên cứu các vấn đề quốc tế” (Trung Quốc), SCO là tổ chức có trên 1,5 tỉ dân, tổng diện tích lãnh thổ các nước thành viên chiếm gần 60% của lục địa Âu-Á, chứa đựng ít nhất 25% dầu mỏ, 30% khí đốt cũng như 50% urani đã thăm dò của thế giới. Tuy SCO đang đứng trước một số vấn đề và thách thức cần giải quyết nhưng do xu thế phát triển tổng thể của tình hình quốc tế có lợi cho SCO nên trong thập kỷ tới, SCO vẫn có nhiều cơ hội phát triển.
Một là, trong bối cảnh mô hình chính trị phương Tây bộc lộ nhiều khiếm khuyết thì mô hình của SCO càng tạo thêm sức thu hút với nhiều nước trên thế giới.
Hai là, các nền kinh tế phát triển cao như Mỹ và các nước EU hiện đang lâm vào suy thoái, trong khi nền kinh tế nhiều nước SCO lại là động lực cho sự tăng trưởng nền kinh tế toàn cầu, cũng tạo thời cơ phát triển mới cho SCO.
Ba là, SCO là chỗ dựa chiến lược không thể thiếu để các nước thành viên bảo vệ lợi ích của mình.
Bốn là, tuy không phải là một liên minh quân sự như NATO nhưng SCO vẫn là lá chắn an ninh quan trọng để các nước thành viên đối phó với mối đe dọa phi truyền thống trong những thập kỷ tới.
Năm là, SCO là “sân chơi” quan trọng để các nước thành viên phát triển kinh tế trong tương lai.
Với thực lực của các nước thành viên SCO chiếm 2 trong số 5 ghế Ủy viên thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Nga và Trung Quốc, còn nước quan sát viên của SCO là Ấn Độ cũng là thành viên của Nhóm các nước có nền kinh tế mới nổi (BRICS), SCO đang tạo cho mình những ưu thế lớn hơn so với các tổ chức khác không chỉ về mặt diện tích lãnh thổ, dân số, dự trữ tài nguyên mà cả về chính trị, quân sự và tiềm lực kinh tế. Do đó, có nhiều cơ sở để dự báo rằng, trong thập kỷ tới, SCO sẽ tiếp tục phát triển, góp phần xây dựng trật tự quốc tế mới hòa bình, ổn định, công bằng, hợp lý, vì lợi ích của các nước trong và ngoài phạm vi của khu vực./.