Có một hiện tượng mang
tính chu kỳ khi quan sát vị thế trên chính trường của các cánh tả - hữu
của các đảng xã hội dân chủ châu Âu là, cứ vài thập niên hoặc ngắn hơn
một chút, chính trường nơi đây lại đổi khuynh hướng: hoặc tả hơn hoặc
hữu hơn. Bị giới hạn trong lý luận về một sự phát triển trong khuôn khổ
tư bản và bó hẹp trong những biện pháp cải lương nên tiến bộ chính trị -
xã hội cũng bị hạn chế trong đường lối hoặc tả, hoặc hữu. Quyền lực
trên chính trường như con lắc dao động giữa hai cực tả - hữu. Trong thập
niên đầu của thế kỷ XXI (2000 - 2010), chính trường châu Âu có vẻ “hữu
khuynh” hơn. Lực lượng cánh tả châu Âu bị thất bại trong nhiều cuộc bầu
cử. “Cỗ xe tam mã” của cánh tả châu Âu: Đảng Xã hội Pháp, Đảng Xã hội
dân chủ Đức và Công đảng Anh đã lần lượt trở thành các đảng đối lập.
Nhiều nước khác cũng trong tình trạng tương tự.
Tuy
nhiên, vào những năm đầu thập niên thứ hai của thế kỷ này, dường như
bắt đầu có sự thay đổi trên chính trường châu Âu. Sau cuộc bầu cử tổng
thống Pháp vòng 2 diễn ra ngày 6-5-2012, ông Francoise Hollande đã chiến
thắng Tổng thống đương nhiệm Nicolas Sarkozy, trở thành vị Tổng thống
thứ 23 của nước Pháp và là tổng thống cánh tả đầu tiên ở đất nước này
trong gần 2 thập niên qua. Ở Nam Âu, tại Hy Lạp, cũng vào ngày này, đã
diễn cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn với hy vọng sẽ thành lập được 1
chính phủ mới có khả năng đưa đất nước thoát khỏi những khó khăn, bế tắc
kinh tế hiện nay. Mặc dù sau cuộc tổng tuyển cử này, một chính phủ mới
chưa được thành lập do các đảng không thỏa thuận để thành lập 1 chính
phủ liên minh, nhưng kết quả bầu cử cho thấy, 3 đảng có số phiếu cao
nhất lần lượt là: Đảng Dân chủ mới (ND) theo đường lối trung hữu, Liên
minh các lực lượng cực tả (Syriza) và Đảng Xã hội (PASOK). Và, theo điều
tra dư luận, có nhiều khả năng, Syriza sẽ đứng ở vị trí số 1 sau cuộc
tổng tuyển cử lần thứ hai sẽ diễn ra vào tháng 6 tới.
Ở
Mỹ Latin, làn sóng cánh tả lại “bùng nổ” từ những năm cuối thập niên
trước. Tính từ năm 1999 cho đến nay, có 12 nước thuộc khu vực này, các
đảng cánh tả nắm được chính quyền và tiến hành nhiều cải cách. Đó là các
nước: Venezuela (1999), Chile (2000), Brazil (2000), Argentina (2003),
Panama (2004), Uruguay (2004), Bolivia (2005), Ecuador (2006), Nicaragoa
và Guatemala (2007), Paraguay (2008) và gần nhất là El Salvador
(3-2009). Bốn nước trong số đó (Venezuela, Bolivia, Ecuador và Nicaragoa
đã thực hiện nhiều cải cách tích cực và tuyên bố đi theo mô hình “Chủ
nghĩa xã hội ở thế kỷ XXI”.
1. Cánh tả châu Âu và cánh tả Mỹ Latin khác biệt nhau những gì?
Hoàn cảnh khác nhau - mục tiêu trước mắt không giống nhau
Với
những người dân chủ xã hội châu Âu, việc “giành phiếu” và “tranh ghế”
trong nghị viện là mục tiêu trực tiếp để giành thắng lợi trong quy trình
“từ đối lập đến cầm quyền”. Tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm hoạt
động trong một môi trường chính trị khắc nghiệt, cánh tả châu Âu đang cố
gắng thích nghi với hoàn cảnh để tồn tại, trở nên thực dụng hơn. Để đạt
tới quyền lực, họ có thể tạm rời bỏ lập trường của đảng mình để “từ tả
sang hữu”, liên danh hoặc liên minh với những phe phái có thể chấp nhận
được. “Vấn đề ý thức hệ” giữa tả và hữu, ở trường hợp này, tỏ ra khá mờ
nhạt bởi quan điểm: cử tri là tất cả, giành được đa số ghế trong nghị
viện là quan trọng nhất. Thực chất, cái gọi là “ý thức hệ” ở đây nhiều
khi chỉ là sự khác nhau trong cách nhìn nhận các vấn đề cụ thể nhưng
không vượt khỏi phạm vi của những quan điểm dân chủ tư sản. Cũng vì thế
nên có nhiều vấn đề xã hội như môi trường, nhập cư, nạo phá thai, nữ
quyền…lại trở thành nội dung của cương lĩnh tranh cử của nhiều đảng.
Theo cách nói của C.Mác, cái “mũi nhọn đấu tranh giai cấp” của chính trị
đã bị cắt đi và thay vào đó là những vấn đề xã hội mang màu sắc đảng
phái.
Còn cánh tả
Mỹ Latin gắn bó quá trình giành quyền lực của mình với một mục tiêu rộng
lớn hơn: bảo vệ chủ quyền dân tộc, chống sự can thiệp và chi phối của
các nước đế quốc và các công ty xuyên quốc gia; giải quyết những bế tắc
trong phát triển xã hội do “chủ nghĩa tự do mới” gây ra… Quyền lực thuộc
về cánh tả được coi là tiền đề để giải quyết tất cả những vấn đề đó, là
phương tiện để đạt mục tiêu chính trị.
Sự khác nhau trong cách thức kết hợp giữa các đảng phái chính trị
Ở
châu Âu gần đây, cánh tả không chỉ hữu khuynh mà ngay cả một số đảng
cộng sản cũng trở thành cánh tả (trường hợp Thụy Điển). Thậm chí có cả
sự liên danh: Đảng Cộng sản Bồ Đào Nha kêu gọi các lực lượng dân chủ,
tiến bộ trong nước (hàm ý về cánh tả) ủng hộ và cùng phối hợp hành động,
làm thất bại các chính sách thiên hữu, nhằm bảo vệ lợi ích người lao
động và đất nước, phấn đấu vì một giải pháp cánh tả hướng tới chủ nghĩa
xã hội…(1)
Trên bề
mặt của hiện tượng, thời cánh tả và cánh hữu đối đầu nhau về “ý thức hệ”
ở châu Âu dường như đã lắng dịu, hai cánh này sẵn sàng liên minh với
nhau để cùng cầm quyền mỗi khi cần đối tác để thành lập chính phủ liên
hiệp. Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ, có thể thấy khá nhiều vấn đề. Khi các
đảng cánh tả mất đi sự ủng hộ quan trọng của Liên Xô và Đông Âu, họ phải
đi tìm hậu thuẫn mới. Các chính phủ cánh hữu cũng sẵn sàng từ bỏ quan
điểm về tư hữu hóa là nền tảng của xã hội tư bản, sẵn sàng “vi phạm”
nguyên tắc cơ bản “chính phủ không can thiệp thị trường” để cứu vãn nền
kinh tế, cứu lấy chính những giá trị tư bản trong khủng hoảng tài chính.
Những người thuộc nhiều quan điểm khác nhau, thậm chí, vẫn có thể chung
sống khá êm thấm. Không quá đề cao “vấn đề ý thức hệ” giữa tả và hữu đã
được cắt nghĩa là một nguyên nhân thành công của các đảng trung hữu của
cựu Tổng thống Pháp N. Sarcozy và cựu Thủ tướng Italia S. Berlusconi.
Hiện tượng này làm nảy sinh thêm một khái niệm là “tân hữu” để chỉ sự
kết hợp ấy. Những thành viên “tân hữu” dường như đang cố tránh bất kỳ
thứ “chủ nghĩa” nào, vì họ cho đó là yếu tố kìm hãm sự linh hoạt về tư
tưởng từng gây khó khăn cho cả những người bảo thủ cũng như bản thân
cánh tả.
Ở Mỹ Latin, sự kết hợp giữa các đảng phái chính trị lại diễn ra theo một cách khác với hai biểu hiện cơ bản là, thứ nhất,
kết hợp đảng phái để tạo lực lượng và tích cực hóa cải cách. Hiện tượng
rất đáng chú ý là những quan hệ khá mật thiết, và, cao hơn nữa là sự
hợp tác giữa các đảng cánh tả và các đảng cộng sản tại các quốc gia này.
Quá trình xích lại gần nhau về tổ chức và cương lĩnh đang diễn ra giữa
các đảng xã hội dân chủ cánh tả cầm quyền với các đảng cộng sản tại một
số nước. Trường hợp điển hình là sự thành lập Đảng PSUV (Partido
Socialista Unido de Venezuela - Đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất
Venezuela). Sức mạnh quyền lực thuộc về các đảng cánh tả, nhưng lí tưởng
xã hội chủ nghĩa, tác động của công bằng, dân chủ trên cơ sở mới và sự
ủng hộ, liên minh giữa các đảng dân chủ xã hội với đảng cộng sản, đang
tạo nên sắc thái rất riêng của bầu không khí chính trị các quốc gia này.
Thứ hai, kết hợp các quan niệm tả khác nhau. Ở Mỹ Latin đang có
xu hướng kết hợp các chính phủ theo đường lối cánh tả cấp tiến với các
chính phủ theo đường lối cánh tả ôn hòa để tạo nên các liên minh khu vực
như Khối “Sự lựa chọn Bolivar của Mỹ Latin” (ALBA), “Cộng đồng các quốc
gia Nam Mỹ” (CSN)... Chất lượng mới của kiểu hợp tác này là lấy liên
kết thay thế cho cạnh tranh, lấy hội nhập bình đẳng thay cho kiểu bóc
lột tinh vi và tàn bạo của “chủ nghĩa tự do mới”; lấy tương trợ bổ sung
cho nguyên tắc ngang giá của kinh tế thị trường… Nhiều liên kết khác
cũng được thiết lập trong khu vực và có vai trò như những đối trọng với
các nước lớn.
Khác nhau trong cách xác định đối tượng quan tâm
Ở
châu Âu, khối trung lưu là đối tượng quan tâm của cả cánh tả và hữu,
bởi đây là khối cử tri đông đảo nhất và có tiếng nói đại diện khá trọng
lượng trong các tổ chức xã hội dân sự - những tổ chức hoạt động vì xã
hội, môi trường đang khá mạnh ở Pháp, Thụy Điển, Phần Lan, Anh, Đức, Hy
Lạp, Bỉ, Italia và làm nên “lực lượng thứ ba” đối trọng với hai cánh tả
và hữu. Lực lượng này là hệ quả của một quá trình khi cánh hữu và chủ
nghĩa tư bản lâm vào khủng hoảng kinh tế, khi cánh tả với các quan điểm
mác xít và dân chủ xã hội khủng hoảng về đường lối… Thực tế ấy khiến các
cử tri tìm đến với “lực lượng thứ ba”. Nhóm xã hội trung lưu của châu
Âu lại có những nhu cầu cao hơn về dân chủ, dân sinh và để thỏa mãn điều
đó không hề dễ dàng trong thế giới đầy bất trắc hiện nay. Khi cánh hữu
lên cầm quyền, sẽ rất khó vừa bảo vệ chủ nghĩa tư bản lại vừa thỏa mãn
các nhu cầu dân sinh, dân chủ của khối trung lưu. Một tương lai đầy khó
khăn của nhiệm kỳ mới đang chờ cánh hữu châu Âu.
Ở
khu vực Mỹ Latin, nhân dân là đông đảo quần chúng nghèo khổ đang khát
khao quyền dân sinh, dân chủ gồm công nhân, nông dân, dân nghèo thành
thị và thổ dân bản địa. Nhu cầu sống của họ gắn liền với tiền đề chính
trị là độc lập và chủ quyền quốc gia - dân tộc để thoát khỏi nghèo đói,
bất bình đẳng. Không chấp nhận sự sắp đặt chính trị và khống chế kinh tế
của Mỹ, chống những thế lực thân Mỹ trong các chính phủ cánh hữu là tâm
lý xã hội chung của nhân dân - khối cử tri quan trọng nhất. Cánh tả Mỹ
Latin đã thấy được điều đó.
2. Đột phá của cánh tả Mỹ Latin và một vài bình luận
Xu hướng cải cách thiên tả đã đưa nhiều đảng cánh tả Mỹ Latin lên vị trí cầm quyền
Cánh
tả ở Mỹ Latin cũng là một thuật ngữ định danh nhiều hơn là định tính.
Lúc ban đầu, cánh tả Mỹ Latin mới chỉ là một tập hợp lực lượng và chưa
có chủ thuyết chính trị rõ ràng. Mục tiêu dân chủ hóa và nguyên tắc dân
chủ trong tổ chức vận hành cũng có nhiều sắc thái, như ôn hòa, cực đoan,
dân túy... Việc tổ chức lực lượng còn thiếu chặt chẽ, thành phần đa
dạng; hình thức liên kết chủ yếu là mặt trận hoặc các ủy ban phối hợp,
các hình thức gặp gỡ diễn đàn... Thêm vào đó, sự chi phối của các thiết
chế tài chính như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB);
vai trò của Mỹ và các thế lực hữu thân Mỹ..., nên nhiều chính phủ cánh
tả trước đây đã phải trải qua sóng gió, thậm chí chịu rủi ro ở mức cao -
bị đảo chính, lật đổ.
Cải
cách của cánh tả ở khu vực này đa dạng cả về bước đi, cách đấu tranh,
thậm chí, thứ hạng ưu tiên trong mục tiêu đấu tranh cũng khác nhau (từ
dân chủ, dân sinh đến bình đẳng, công bằng, tôn trọng sự khác biệt...).
Họ đề cao xã hội dân sự - vốn là chỗ dựa trong thời kỳ đấu tranh chống
độc tài trước đây; kết hợp vai trò quản lý của nhà nước với thị trường ở
những liều lượng khác nhau; tiến hành cải cách chủ yếu theo hệ thống
pháp luật cũ xen lẫn với một số yếu tố pháp luật mới... Cải cách của họ
vừa có xu hướng vượt thoát khuôn khổ dân chủ tư sản, vừa mang màu sắc
chủ nghĩa dân túy. Họ muốn giải quyết bất công, đem lại ruộng đất, nhà
cửa, việc làm và công lý cho người dân, nhưng giải pháp kinh tế lại chưa
rõ ràng.
Giới nghiên cứu thường phân cánh tả Mỹ Latin thành hai xu hướng:
Cánh tả ôn hòa: gồm các đảng cánh tả thay đổi để
thích nghi với bối cảnh mới. Họ chủ trương đi theo đường lối thực dụng,
đề cao tự do, dân chủ tiếp tục duy trì thể chế dân chủ tư sản, ưu tiên
phát triển kinh tế, giải quyết một số vấn đề xã hội bức xúc, tiếp tục
duy trì quan hệ khu vực, quan hệ với Mỹ và châu Âu. Các đảng ở những
quốc gia hiện theo đường lối này là Đảng Lao động Brazil; Liên minh
Thống nhất vì dân chủ Chile; Đảng Công lý Argentina; Đảng Cách mạng dân
chủ Panama, Đảng Liên minh nhân dân cách mạng châu Mỹ tại Peru…
Cánh tả cấp tiến: gồm
các đảng cánh tả ở các nước đang theo mô hình "Chủ nghĩa xã hội ở thế
kỷ XXI” như Venezuela, Bolivia, Ecuador, Nicaragoa. Các đảng cánh tả ở
đây thực hiện đường lối dựa vào sức mạnh của nhân dân lao động, thông
qua lá phiếu cử tri tiến hành cuộc cách mạng dân chủ, bảo vệ độc lập, tự
do, chủ quyền dân tộc, giành quyền làm chủ nguồn tài nguyên thiên
nhiên, chủ trương phân chia của cải xã hội công bằng hơn, xây dựng xã
hội mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa, có quan hệ đồng minh chiến
lược với Cuba, công khai phản đối chính sách đơn phương cường quyền, sử
dụng dầu lửa làm liên kết khu vực và vũ khí răn đe với Mỹ, lập những
liên minh khu vực mới như Liên minh Boliva cho châu Mỹ (ALBA)…
Sự khởi sắc của cánh tả với mô hình "Chủ nghĩa xã hội ở thế kỷ XXI”
Quá
trình cải cách chính trị theo mô hình “Chủ nghĩa xã hội ở thế kỷ XXI”
hiện đang diễn ra ở 4 nước của khu vực Mỹ Latin. Nét chung của các quốc
gia này là chính quyền mới được chuyển giao quyền lực thông qua bầu cử
dân chủ: “giành chính quyền bằng biện pháp hoà bình”. Mặc dù cơ
chế dân chủ tư sản đã tạo cơ hội để cánh tả giành được quyền lực và ở
vào vị trí cầm quyền, tuy nhiên cũng không phải là quá khó để quyền lực
lại bị mất hoặc bị chuyển giao. Nếu cải cách vượt khỏi vòng kiểm soát,
nếu cử tri thất vọng với sự lựa chọn của mình thì lá phiếu sẽ lại “đổi
chiều”. Có một thực tế là, trong khoảng 10 năm (1997-2007), nhiều chính
phủ lên cầm quyền trong khu vực đã tỏ ra bất lực và bị sụp đổ khá nhanh
chóng, 12 tổng thống ở khu vực Mỹ Latin đã phải rời bỏ chức vụ trước khi
kết thúc nhiệm kỳ. Chính vì vậy, muốn cải cách thành công thì phải liên
tục đạt được thành tựu. Đây là một yêu cầu rất khó có thể thực hiện tốt
trong một vài nhiệm kỳ cầm quyền.
Trong
bối cảnh như vậy, việc tìm và phát huy được những xung lực mới từ mô
hình phát triển mới không chỉ là sự đáp ứng nhu cầu cần được thay đổi
của cử tri mà còn là một cách làm có thể được xem là phù hợp. Mô hình
“Chủ nghĩa xã hội ở thế kỷ XXI” do Tổng thống H. Chavez khởi xướng thực
hiện ở Venezuela và sau đó là nhiều nước khác đã đi theo, tuy chưa hoàn
chỉnh về cơ sở lý luận, nhưng một số đặc trưng của mô hình này và hiện
thực của nó đã thể hiện khá rõ nhiều tính chất xã hội chủ nghĩa. Mặc dù
sẽ là quá sớm để khẳng định chắc chắn rằng, mô hình “Chủ nghĩa xã hội
thế kỷ XXI” mà một số nước Mỹ Latin đang xây dựng là sự thể hiện cho chủ
nghĩa xã hội hiện thực đã hồi sinh, nhưng không ai có thể phủ nhận
rằng, xu thế này đang mở ra một triển vọng mới cho cuộc đấu tranh vì dân
sinh, dân chủ, công bằng và chủ nghĩa xã hội trong thời đại ngày nay./.