Thứ Hai, 18 tháng 6, 2012

17. Pháp và châu Âu

LTS. Trong bối cảnh Châu Âu đang hứng chịu tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng nợ công, việc nước Pháp có tân Tổng thống ảnh hưởng không nhỏ tới lục địa già, một phần bởi vị thế của nước Pháp đối với châu Âu, phần vì quan điểm về vấn đề nợ châu Âu của vị chủ nhân mới ở điện Elysée, vốn rất khác biệt so với người tiền nhiệm.

“Ngày hôm nay, người dân trên khắp châu Âu đang hướng về phía chúng ta với nhiều kỳ vọng. Để vượt qua khủng hoảng, châu Âu cần có các kế hoạch. Cần sự đoàn kết. Cần sự tăng trưởng. Và tôi sẽ đề xuất với các đối tác của chúng ta một hiệp ước mới kết hợp giữa các biện pháp cấp thiết để giảm nợ công với những phương cách cần thiết nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế…” Tân Tổng thống Pháp Francois Hollande đã khẳng khái phát biểu như vậy trong buổi lễ nhậm chức hôm 15/5 tại Paris. Không có gì là quá đáng khi ông Hollande nói rằng cả châu Âu đang hướng về nước Pháp bởi trong cơn khủng hoảng nợ công chưa có lối thoát, châu lục này cần lắm những quyết sách và hướng đi mới của một quốc gia vốn từ lâu được xem là trụ cột của Cựu lục địa. Nhưng những kỳ vọng trên có cơ sở hay không? Và ông Hollande có thể làm được gì trong bối cảnh bất đồng gia tăng ngay trong nội khối châu Âu về phương cách thoát khỏi khủng hoảng ?
Đường hướng mới, bất đồng mới
Tuy cương lĩnh tranh cử của ông Hollande đề cập đến nhiều vấn đề nhưng mọi người vẫn chú ý hơn cả đến phương cách giúp nước Pháp và rộng hơn là cả châu Âu thoát khỏi khủng hoảng nợ công và thâm hụt ngân sách trầm trọng của vị tân Tổng thống. Theo những gì đã cam kết thì ông Hollande sẽ đảo ngược tiến trình kinh tế mà chính quyền Sarkozy đã thực hiện bằng việc thực thi các biện pháp tăng chi tiêu chính phủ, giảm thời gian tuần làm việc, giảm tuổi về hưu, tăng lương tối thiểu, đánh thuế đến 75% đối với những người có thu nhập trên 1 triệu euro/năm và nhất là thúc đẩy việc đàm phán lại Hiệp ước về ngân sách đã được 25/27 nước thành viên EU nhất trí vào ngày 02/3 vừa qua. Đây chính là một trong những điểm có khả năng gây bất đồng lớn nhất giữa tân chính quyền Pháp với các nước EU còn lại, đặc biệt là Đức.
Quay trở lại thời điểm cách đây vài tháng, sau một thời gian dài thảo luận, ngày 2/3/2012, 25 trên tổng số 27 nước hội viên Liên minh châu Âu (trừ Anh và Cộng hòa Séc) đã ký một hiệp ước về ổn định và quản lý tài chính nhằm siết chặt kỷ luật ngân sách, cho phép đối phó với nguy cơ khủng hoảng nợ công có thể xảy ra trong tương lai. Theo đó, các quốc gia phải tuân thủ nghiêm các quy định về quản lý ngân sách, một quốc gia có mức thâm hụt ngân sách vượt ngưỡng 3% GDP sẽ tự động bị trừng phạt 0,1% GDP và số tiền này sẽ được chuyển vào quỹ ổn định tài chính châu Âu. Việc thực thi Hiệp ước trên rõ ràng là sẽ khiến cho các nước châu Âu phải quản lý Hệ thống tài chính của mình theo đường hướng khắc khổ. Điều đáng nói là Đức chính là nước ủng hộ và vận động thực thi Hiệp ước trên nhiệt tình nhất bởi theo Thủ tướng Đức Angela Merkel, cuộc khủng hoảng hiện nay chỉ có thể được giải quyết thông qua chính sách thắt lưng buộc bụng. Đức cũng đưa việc thông qua hiệp ước trên như một điều kiện để nước này tiếp tục tung tiền ra hỗ trợ các nước châu Âu đang gặp khó khăn về tài chính. Khi ký kết hiệp ước, Đức nhận được sự ủng hộ của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và một số nước châu Âu, kể cả Pháp (dưới thời Sarkozy).
Nhưng giờ đây, khi Điện Elysee có ông chủ mới, quan điểm giữa Berlin và Paris đã có sự khác biệt. Ngay từ lúc khởi đầu chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống Pháp, ông Francois Hollande đã luôn bác bỏ một giải pháp thuần khắc khổ, chỉ giảm chi ngân sách mà không chú ý đến tăng trưởng. Ông chủ trương thương thuyết lại hiệp ước ngân sách châu Âu để đưa thêm vào đó một số điều khoản liên quan đến kích thích tăng trưởng, muốn các nước châu Âu chú trọng nhiều hơn đến tăng trưởng kinh tế vì thất nghiệp quá cao và sản lượng quá thấp không thể nâng mức thu thuế để dần dần cân bằng lại ngân sách. Khi tranh cử, ông Hollande đề nghị tăng thuế để trang trải 40% số bội chi ngân sách và sẽ giảm chi tuy chậm hơn, để thanh toán 60% khiếm hụt còn lại. Cho dù phía Đức đã công khai bác bỏ đòi hỏi đó, cử tri Pháp lại hoan nghênh quan điểm của ông Hollande khi bỏ phiếu tín nhiệm ông trong cương vị Tổng thống. Không chỉ tại Pháp, các nước như Hy Lạp, Italia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và thậm chí ở Anh hay Ireland, dư luận cũng càng lúc càng phản đối hiệp ước khắc khổ do Đức áp đặt. Như vậy, có thể nói ông Hollande đang dẫn đầu phong trào chống lại các biện pháp thắt lưng buộc bụng do Đức đề xướng tại châu Âu.
Tuy nhiên, với vai trò là hai đầu tàu của kinh tế châu Âu, việc để xảy ra bất đồng sâu sắc giữa Pháp và Đức là điều tối kị, nhất là trong lúc châu Âu đang cần đoàn kết để thoát khỏi khủng hoảng. Ngay trong ngày nhậm chức Tổng thống Pháp, ông Hollande đã lên đường sang Berlin để gặp Thủ tướng Đức Merkel nhằm tìm tiếng nói chung trong việc giải quyết khủng hoảng. Sau cuộc gặp, dù cùng biểu thị thái độ đoàn kết trong việc giúp đỡ Hy Lạp, tránh để nước này bị loại khỏi khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vì nợ công, nhưng hai nhà lãnh đạo cũng không hề che dấu những bất đồng trong chính sách tạo tăng trưởng cho châu Âu. Rõ ràng, những biện pháp cải cách do ông Hollande đề xuất tuy được lòng nhiều người châu Âu nhưng chắc chắn sẽ vấp phải những trở lực không hề nhỏ từ các nước láng giềng và cả giới đầu tư từ các khu vực khác trên thế giới.
Phản ứng của thế giới
Có thể nói việc ông Hollande đắc cử Tổng thống Pháp đã gây ra những phản ứng trái chiều trên thế giới. Tại châu Âu, việc ông Hollande lên nắm quyền đã đi ngược lại mong muốn của nhiều chính quyền như: Đức, Anh, Tây Ban Nha… , các nước đang thực thi nghiêm ngặt chính sách thắt lưng buộc bụng; tuy vậy, ông Hollande lại có một đồng minh là Thủ tướng Italia Mario Monti, ngoài ra, nhiều chính khách trong giới cầm quyền của các châu Âu cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với ông Hollande. Nhiều thành viên thuộc đảng Nhân dân của Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đã nhận xét rằng thắng lợi của ông Hollande là nhân tố tích cực đối với Tây Ban Nha; cựu Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi thì phát biểu: “Tôi không ủng hộ Hollande, nhưng ông ta có thể mang tới một làn gió mới cho châu Âu, chẳng hạn với việc từ chối Hiệp ước ngân sách”.
Tại Mỹ, những ngày gần đây, Tổng thống Obama liên tục đưa ra những lời tuyên bố thuận lợi cho quan điểm của Pháp và Italia trong nỗ lực mưu tìm kế sách thoát khủng hoảng nợ, bằng biện pháp đặt công ăn việc làm và kích thích tăng trưởng lên hàng ưu tiên thay vì chỉ tập trung giảm chi ngân sách. Thời gian qua, tình trạng trì trệ ở châu Âu đã làm cho các biện pháp kinh tế của chính quyền Obama không mang lại kết quả như mong đợi. Vì vậy, ông Obama sẽ thể hiện lập trường ủng hộ các cải cách do ông Hollande đề xướng, qua đó, giúp kinh tế châu Âu và kinh tế Mỹ đi lên, tạo thuận lợi cho Obama trong cuộc bầu cử sắp tới.
Còn các thị trường chứng khoán châu Á lại giảm điểm sau khi ông Hollande đắc cử với lo ngại rằng khu vực đồng Euro sẽ nới lỏng các biện pháp thắt lưng buộc bụng vốn được cho là tối cần thiết để giúp châu Âu vượt qua cuộc khủng hoảng nợ. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 2,7%. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc sụt 1,8% trong khi chỉ số Hang Seng của Hong Kong cũng mất 2,4% số điểm. Các nhà phân tích cho rằng với cách nhìn hoàn toàn khác biệt giữa lãnh đạo Pháp – Đức như hiện nay thì việc các thành viên khu vực đồng Euro đạt được đồng thuận về các biện pháp bổ sung để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ là rất khó khăn. Lo lắng trên đã kích thích tâm lý bất an của các nhà đầu tư quốc tế.
Giải cứu ra sao?
Hội nghị G8 ngày 19/5 vừa qua chính là cơ hội tốt để tân Tổng thống Pháp Francois Hollande thuyết phục các nhà lãnh đạo của khối 8 quốc gia có nền công nghiệp hùng mạnh nhất thế giới chuyển hướng chính sách kinh tế ưu tiên cho tăng trưởng, hơn là thắt lưng buộc bụng theo quan điểm của thủ tướng Đức Angela Merkel. Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo sau hội nghị cho thấy hội nghị đã phần nào nhất trí hướng tới nỗ lực cân bằng giữa chính sách thắt lưng buộc bụng ở châu Âu - cách tiếp cận được Thủ tướng Đức Angela Merkel thúc đẩy lâu nay - và một liều kích thích kinh tế mới theo kiểu Mỹ đang được tân Tổng thống Pháp Francois Hollande và đông đảo người dân châu Âu ủng hộ. “Tất cả đều muốn Hy Lạp ở lại khối dù đang mắc nợ lớn. Tất cả đều đồng ý rằng cần phải củng cố chính sách tài khóa tùy theo hoàn cảnh của từng nước, nhưng đồng thời cũng cần chú trọng tăng trưởng kinh tế”, ông Mike Froman, một trong những cố vấn kinh tế hàng đầu của Tổng thống Mỹ Barack Obama, cho biết sau cuộc họp. Cũng theo ông Froman, mặc dù cùng nhất trí như vậy song giữa các nước không phải không có những quan điểm vênh nhau trong cách tiếp cận giải quyết vấn đề, nhất là giữa hai đầu tàu Pháp, Đức.
Cũng nằm trong các nỗ lực vận động cho thúc đẩy tăng trưởng châu Âu, ông Hollande và đội ngũ của ông đang tập trung soạn thảo một văn bản về việc định hướng lại châu Âu. Tài liệu này dự kiến sẽ được Chính phủ mới tại Pháp thông qua vào nửa cuối tháng 5 trước khi chuyển cho các đối tác châu Âu để Hội đồng châu Âu (EC) có thể nhóm họp vào tháng 6 tới để bàn thảo. Một cố vấn tranh cử của ông Hollande nhận định rằng: “Bầu không khí đã thay đổi so với đầu năm, khi Hiệp ước đang được đàm phán”, đã có nhiều lãnh đạo châu Âu tỏ ý ủng hộ chủ trương tái định hướng châu Âu như đề nghị của Hollande.
Dự kiến thứ hai mà ông Hollande muốn thực hiện nhằm giải cứu châu Âu là đẩy mạnh tài trợ cho Ngân hàng Đầu tư châu Âu (ECB) để cấp vốn cho những dự án hạ tầng lớn và "trái phiếu dự án" của châu lục. Đề xuất này nhiều khả năng sẽ được các nước ủng hộ khi mà lo ngại về chính sách thắt lưng buộc bụng làm kìm hãm nền kinh tế. Bên cạnh đó, ông Hollande còn đưa ra gợi ý rằng vai trò của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nên “được định hướng lại để phát triển tăng trưởng và giảm thất nghiệp”. Đây là lời tái khẳng định quan điểm của Pháp với ECB, bởi Tổng thống Sarkozy trước đây cũng đã từng phát biểu tương tự. Ngoài ra, ông Hollande còn muốn nâng trạng thái của Cơ chế Ổn định châu Âu, gói cứu trợ dành cho Khu vực Đồng tiền chung châu Âu, sẽ đi vào thực hiện tháng Bảy này.
Tuy những cam kết của tân Tổng thống Pháp vẫn còn phải đợi thời gian kiểm nghiệm kết quả nhưng việc cử tri Pháp lựa chọn Hollande đã cho thấy dân Pháp, và rộng hơn là cả một bộ phận không nhỏ người dân châu Âu, đang mong muốn chứng kiến những thay đổi trong đường hướng chính sách của chính quyền, họ không muốn chịu đựng những hạn chế khắc khổ hơn nữa. Các cuộc biểu tình của dân chúng châu Âu dẫn đến sự sụp đổ của nhiều chính quyền thời gian qua đã cho thấy điều đó. Với những kết quả không mấy khả quan của chính sách thắt lưng buộc bụng thời gian qua, việc ông Hollande trở thành Tổng thống Pháp được nhiều người kỳ vọng sẽ trở thành một bước ngoặt quan trọng trong cuộc khủng hoảng ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu hiện nay.
Trung Nguyên
http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/BAICHU/2012/5/8519CA625FDF4AFB/


Hy Lạp có rời khỏi khu vực đồng euro?
Thất nghiệp trên diện rộng, lạm phát lên mức 50%, suy thoái nặng nề và người dân đổ xô ra biên giới – đó là viễn cảnh mà một số nhà kinh tế đưa ra khi nói về khả năng Hy Lạp sẽ rời eurozone trong vài tháng tới.
Xét về mặt kinh tế, Hy Lạp là quốc gia nhỏ, chỉ đóng góp 2,2% GDP của Eurozone. Tuy nhiên, việc rút khỏi Eurozone sẽ tạo ra sự hỗn loạn ở đất nước này và tác động nghiêm trọng tới các quốc gia thành viên khác. Điều này sẽ tạo ra một tiền lệ, và eurozone có thể nhanh chóng vỡ ra nếu các thành viên dễ bị tổn thương khác như Tây Ban Nha và Italia đi theo “vết xe đổ” này. Hiện không khó để nhìn thấy trước một loạt các sự kiện sẽ diễn ra trong vài tháng tới khiến Hy Lạp không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải rời eurozone.
Thứ nhất là sự tê liệt bầu cử. Trong cuộc bầu cử đầu tháng này tại Hy Lạp, hai đảng thống lĩnh chủ đạo thất bại nặng nề. Cả hai đảng kết hợp lại chỉ được 149 ghế tại Quốc hội, không đủ đa số và không thể đứng ra lãnh đạo. Sự tê liệt về chính trị đã khiến nhiều lãnh đạo châu Âu phải nhiều lần cảnh báo Hy Lạp sẽ phải ra khỏi eurozone nếu không tuân thủ những cắt giảm chi tiêu cũng như cải cách kinh tế để đổi lấy gói cứu trợ. Nếu Hy Lạp không thể hình thành được chính phủ - và đa số cử tri ủng hộ các đảng phái chống lại việc tuân thủ các điều kiện của gói cứu trợ đã nhận - bất ổn chính trị sẽ phát triển trên đường phố và các nước láng giềng sẽ càng hoảng sợ hơn. Vòng bầu cử thứ hai vào giữa tháng 6 có thể sẽ là một cuộc bỏ phiếu chống chính sách thắt lưng buộc bụng thậm chí còn quyết liệt hơn.
Thứ hai, khả năng hết tiền. Điều gì sẽ xảy ra nếu Hy Lạp không thành lập được chính phủ hay nếu chính phủ được thành lập nhưng lại không tuân thủ các điều kiện khắt khe của gói cứu trợ? “Cỗ xe tam mã” (bao gồm Liên minh châu Âu, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB)) có thể sẽ "khóa vòi" nguồn tiền cứu trợ vào quốc gia nợ nần chồng chất này. Đồng thời, các ngân hàng Hy Lạp có thể sẽ bị cắt nguồn thanh khoản mà ECB cung cấp. Theo chuyên gia Jens Nordvig, người đứng đầu về chiến lược tiền tệ của Tập đoàn tài chính Nomura, điều này đồng nghĩa với việc lượng euro mà các ngân hàng Hy Lạp đang nắm giữ sẽ bị tách khỏi lượng tiền euro ở các nước khác thuộc Eurozone và sẽ được chuyển dần thành một đồng tiền riêng biệt.Nhà kinh tế cao cấp Christian Schultz thuộc Ngân hàng Berenberg (Đức) cho rằng khoản chi trả 4,2 tỷ euro tuần trước có thể là khoản tiền cứu trợ cuối cùng và sau đó các ngân hàng sẽ phải tự lo liệu. Ông Schultz nhận định: "Nếu Hy Lạp tiếp tục mua lại trái phiếu và trả lãi suất, nước này có thể lâm vào tình trạng hết tiền vào tháng 7 tới. Sau đó, chính phủ Hy Lạp sẽ không thể chi trả đầy đủ bằng đồng euro cho các lao động trong ngành công và những người nhận lương hưu, và có thể thay bằng giấy ký nợ - tạo ra hạt nhân của một đồng tiền mới. Các ngân hàng sẽ đối mặt với tình trạng rút tiền hàng loạt".
Thứ ba, đồng tiền mới, các ngân hàng mới. Để chống lại tình trạng rút tiền ồ ạt từ các ngân hàng sau khi vỡ nợ, Hy Lạp sẽ phải đóng băng các tài khoản ngân hàng và thực thi các biện pháp kiểm soát vốn để ngăn chặn công dân nước này chuyển tiền ra nước ngoài. Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích tại Công ty tư vấn kinh tế và tài chính Fathom Consulting (Anh), người dân Hy Lạp nhiều khả năng sẽ kết luận rằng "nhét tiền dưới tấm đệm" an toàn hơn là gửi tiền ở ngân hàng, dẫn đến nhiều ngân hàng cạn tiền. Khả năng thanh khoản của ngân hàng Hy Lạp hiện hoàn toàn phụ thuộc vào ECB, do đó các ngân hàng này sẽ cạn kiệt tiền ngay sau khi nguồn tiền này bị ngừng lại. Hy Lạp sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thành lập các ngân hàng mới với sự can dự đáng kể của chính phủ.
Thứ tư, người dân Hy Lạp đổ xô tới biên giới. Việc Hy Lạp vỡ nợ sẽ có những tác động xã hội và kinh tế thảm khốc, ít nhất là trong ngắn hạn. Quốc gia này sẽ bị cô lập. Với việc cho vay dừng lại và các tài khoản bị đóng băng, các doanh nghiệp nhỏ sẽ phá sản, xuất khẩu tụt giảm và đất nước chìm sâu hơn vào suy thoái. Việc định giá thấp đồng tiền mới sẽ khiến hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn và làm gia tăng lạm phát. Thất nghiệp diện rộng nhiều khả năng xảy ra, và hệ quả là một cuộc di cư của các lao động trẻ có kỹ năng.
Thứ năm, cú sốc lan rộng. Những người nắm giữ nợ của Chính phủ Hy Lạp sẽ gánh chịu thiệt hại, tài sản của họ sẽ bị định giá lại với giá trị thấp theo đồng tiền mới của Hy Lạp. Việc trở lại đồng tiền quốc gia của Hy Lạp có thể tạo ra một số thách thức pháp lý đối với các hợp đồng chính phủ và hợp đồng doanh nghiệp. Các công ty Hy Lạp vẫn chi trả bằng đồng euro sẽ đối mặt với tình trạng chi phí và lãi suất đối với các khoản vay bằng đồng euro tăng gấp đôi.Dĩ nhiên sau đó sẽ là chi phí để cứu các nước dễ bị tổn thương khác như Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, mà Viện Tài chính Toàn cầu mới đây tính toán là có thể lên đến 1 nghìn tỉ euro. Gánh nặng này sau đó sẽ rơi lên vai những người đóng thuế của 16 nước thành viên còn lại trong eurozone. Một khi đã có tiền lệ một quốc gia rời bỏ Eurozone, sự ổn định và niềm tin của các nước còn lại trong khối đồng tiền chung sẽ xuống thấp và đưa cả khối này trở lại suy thoái. Công ty tư vấn Fathom nhận định: "Quan điểm lâu nay của chúng tôi là sau sự ra đi của một nước thành viên, sự sụp đổ của cả khối sẽ rất có khả năng xảy ra". Ông Richard Ward, Giám đốc điều hành của công ty bảo hiểm London Lloyd, thì đưa ra cảnh báo rằng sự sụp đổ của Eurozone có thể dẫn tới một “quá trình suy thoái thảm khốc đối với toàn cầu”.
Bảo Trâm (theo The Guardian/The Obersever)



Ý kiến
Tôi càng tin vào cặp Pháp-Đức bao nhiêu, thì càng phản đối ý tưởng về một thế hai cực bấy nhiêu. Việc xây dựng châu Âu cần dựa trên mối quan hệ Pháp-Đức cân bằng và tôn trọng. Các cặp lãnh đạo hai nước như Schmidt-Giscard, Kohl-Mitterrand, và ngay cả Chirac-Schroder đã chứng tỏ rằng những khác biệt chính trị không thể ngăn cản công việc chung. Francois Hollande, Tổng thống Pháp
Cuộc khủng hoảng trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu làm thay đổi tầm cỡ lẫn vai trò của cặp Pháp-Đức. Tại sao? Người ta nhận thấy rằng cặp Pháp-Đức là không thể bỏ qua. Nếu không có Pháp hay không có Đức, sẽ không ai làm được gì cả. Nhưng cặp Pháp-Đức bây giờ không còn là yếu tố đủ để đưa châu Âu tiến lên và giải quyết cuộc khủng hoảng ở châu Âu nữa. Cặp đôi này có vai trò thiết yếu đối với châu Âu, nhưng không được và không thể độc chiếm châu Âu. Jacques-Pierre Gougeon, Giám đốc nghiên cứu thuộc Viện quan hệ quốc tế và chiến lược Pháp (IRIS)
Châu Âu chẳng có lý do gì phải e ngại khi ông Hollande trở thành Tổng thống Pháp. Ông ấy là một nhà kiến thiết bẩm sinh. Dễ đoán trước được các chính sách của Hollande hơn là Sarkozy, người luôn theo ý mình. Thomas Klau, Chuyên gia quan hệ đối ngoại của Ủy ban Châu Âu
Điều chỉnh lại, tái tạo lại châu Âu sẽ cần khoảng thời gian dài hơn 5 năm, có thể là 10 hoặc 15 năm. Như vậy, cần có rất nhiều thời gian. Tân Tổng thống Pháp, đến một lúc nào đó, sẽ nhận ra rằng hệ thống đang tê liệt và châu Âu đang ở trong ngõ cụt. Nếu là Tổng thống, tôi sẽ là người không may mắn. Đến một lúc nào đó, sự việc sẽ sụp đổ. Một khi đã sụp đổ thì sẽ không thể tiếp tục như cũ được mà mọi thứ sẽ phải làm lại từ đầu. Marc Ferro, Nhà sử học Pháp
Ông Hollande có thể thay đổi diện mạo của Liên minh châu Âu bởi châu Âu cần nhiều thứ khác hơn là kỷ luật tài chính để cứu đồng euro. Hugo Brady, Chuyên gia thuộc Trung tâm cải tổ châu Âu (CER)
Việc ông Hollande thúc đẩy tăng cường chi tiêu trên toàn châu Âu nhằm kích thích kinh tế là một điều đáng mừng. Châu Âu sắp rơi vào một tình thế thực sự tồi tệ và nghiêm trọng. Ông Hollande sẽ trở thành tiếng nói đại diện cho những quốc gia muốn làm điều gì đó nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Jeffrey Bergstrand, Giáo sư tài chính tại Đại học Notre Dame