Thứ Hai, 18 tháng 6, 2012

18. Những cơ sở tư tưởng và triết học của công giáo

Trước khi Kitô giáo trở thành tôn giáo độc thần, cư dân ở các thành bang La Mã có những vị thần riêng của họ để tôn thờ và cầu xin. Những vị thần của La Mã chịu nhiều ảnh hưởng của hệ thống thần linh Hy Lạp. Thần Giupitê (Jupiter) của La Mã là hình ảnh thần Dớt (Zeus) của Hy Lạp[1]; thần Vênuyt (Venus - nữ thần sắc đẹp) của La Mã là hình ảnh thần Aphrôđit (Aphrodite) của Hy Lạp; thần Neptunơ (Neptune) của La Mã là hình ảnh thần Pôdêiđôn (Poseidon) của Hy Lạp.
Ngoài ra, cư dân La Mã còn thờ các nữ thần về hôn nhân, sinh sản, về mùa màng, thần chiến thắng Mácxơ, nữ thần hộ mệnh Vétta, nữ thần nông thôn Ruginô…
Nhằm đề cao quyền lực của vua chúa, giai cấp thống trị đôi khi cũng tôn xưng các hoàng đế như một đấng thần linh. Viện Nguyên lão Rôma suy tôn hoàng đế Ôctavianut (Octavianus; 63 trước Công nguyên - 14) là Auguxtut(Augustus) nghĩa là đấng cao cả vĩ đại, mọi người phải sùng bái như một vị thần. Nêrô bạo chúa (L.D.T.C. Nero; 37 - 68) phá bỏ tượng thần Giupitê thay tượng mình vào đó. Điôclêtianut (C.A.V.D. Diocletianus; 245 - 313) xưng là Đấng vĩnh hằng.
Khi đế chế La Mã lớn mạnh, chế độ độc tài cá nhân ra đời, hoàng đế La Mã thấy cần phải xác định quyền lực tối cao của mình đã tước bỏ dần chế độ dân chủ chủ nô. Việc thống nhất đế chế rộng lớn cũng cần có điểm hội tụ về tâm thức, điểm hội tụ ấy không gì hơn là nhất thần giáo, dẹp bỏ các vị thần linh thành bang, các vị thần bộ lạc thuộc La Mã thống trị.
Mặt khác, các nước mà đế quốc La Mã xâm chiếm, nhất là các nước ở phía đông đã có những vị thần tôn thờ chung theo khuynh hướng nhất thần hóa, như thần Nithơra ở Iran, thần Isic và Osiris được thờ ở nhiều nơi. Những vị thần này đã tự nguyện hy sinh bản thân mình cứu giúp dân tộc (cũng có nghĩa là loài người) để rồi sống lại trong vinh quang và chiến thắng. Khuynh hướng nhất thần giáo, hình ảnh các vị thần trên ở các nước phía Đông đã du nhập vào La Mã, tác động đến một tôn giáo đang hình thành.
Về phía những người nô lệ ở tại La Mã cũng như các thuộc địa của La Mã, các vị thần đang hiện diện đã tỏ ra hết thiêng vì không đáp ứng được khát vọng tâm linh, không giải phóng được họ khỏi nỗi khổ ải nên họ vẫn mong chờ một vị thần mới đóng vai trò “cứu thế” với một tôn giáo mới, mà tôn giáo đó lấy việc thờ đấng cứu thế để cầu xin. Riêng những người nô lệ ở các thuộc địa của La Mã còn mong tìm thấy nơi Đấng cứu thế một anh hùng giải phóng dân tộc.
Với dân tộc Do Thái, nhất là một bộ phận đông đảo cư dân lưu vong, đói khổ, vị thần mới và người anh hùng giải phóng dân tộc phải mang được hình ảnh vua Đavít, là dòng dõi của người anh hùng từng đánh thắng tên khổng lồ Gôliát để bảo tồn nền độc lập và sự cường thịnh của dân tộc.
Về tư tưởng, Kitô giáo ngoài việc tiếp thu, khái quát những tư tưởng chung của thời đại đương thời còn đặc biệt khái quát, hệ thống hóa những tư tưởng triết học đương thời mà tiêu biểu là các triết thuyết của Xênêca ở La Mã (L.A. Seneca; khoảng 2 trước Công nguyên - 65) và Philông ở Ai Cập (Philon; khoảng 20 trước Công nguyên - 50). Đó là những con người đại diện cho trường phái triết học khắc kỷ và triết học duy tâm.
Xênêca cho rằng cõi nhân gian là giả dối, thân xác con người là một gánh nặng của linh hồn. Ông khuyên mọi người hãy từ bỏ những lạc thú ở đời, sống thanh đạm, đạo đức. Ông yêu cầu mọi người, nhất là những người thông thái phải làm việc có ích cho đời. Song ông lại khuyên họ tin vào sự an bài của Thượng đế, sống phục tùng số mệnh.
Về thế giới quan, Xênêca quan niệm có hai nước. Một nước chung cho cả con người và thần thánh. Quốc gia (thế giới) này không biên giới nên không nên nghĩ đến dân tộc, quốc gia nhỏ bé riêng biệt của mình. Ông không quan tâm đến quốc gia cụ thể, không cảm tình với phong trào giải phóng dân tộc của các quốc gia bị đế quốc La Mã đô hộ.
Quốc gia (thế giới) thứ hai mà Xênêca quan tâm nhiều hơn là thế giới cao cả, nơi sinh quán của con người. Ông khuyên con người sống cho nó, hết lòng phục vụ nó. Nước cao cả ấy chỉ những con người qua chọn lọc mới được đến ở. Từ quan niệm trên, Xênêca sinh ra mơ hồ trong ý tưởng về sự bình đẳng giữa các dân tộc. Sau này, người ta thấy tư tưởng trên ảnh hưởng trong thư của thánh Phaolô.
Sống và xây dựng triết thuyết của mình vào khoảng cuối thế kỷ I trước Công nguyên đến năm 65 sau Công nguyên, Xênêca với việc lên án con người là tội lỗi, nguyên nhân của mọi sự đau khổ, kêu gọi mọi người đi tìm sự giải thoát, lẽ công bằng và vĩnh hằng ở thế giới bên kia, đã tạo nên một thế giới quan làm cơ sở cho sự xuất hiện một tôn giáo mới - Kitô giáo.
Nhà triết học thứ hai đại diện cho trường phái triết học duy tâm được Kitô giáo tiếp thu là Philông. Ông sống vào khoảng từ năm 20 trước Công nguyên đến năm 50 sau Công nguyên. Philông là người gốc Do Thái lai Hy Lạp. Nhà triết học này quy mọi nguyên nhân suy đốn cùng những tệ nạn của xã hội vào cho con người, xem con người là nguyên nhân của tội lỗi. Do vậy, ông chủ trương, một mặt con người phải nhẫn nhục chịu đựng, không ngừng sám hối, mặt khác phải trông đợi ở một Đấng cứu thế sẽ xuất hiện.

Philông chủ trương đưa tôn giáo đến độc thần, dạy con người tin vào sự bất tử của linh hồn. Ông kết hợp tư tưởng tôn giáo của mình với những điểm chính yếu của triết học Do Thái. Những tư tưởng căn bản của Philông là:
- Một Đấng thượng đế, một ông chúa duy nhất, ông chúa ấy quan hệ với loài người qua một sự trung gian mà ông gọi là lôgôt (logos) - lời Chúa.
- Lôgôt là nguồn gốc mọi hành động.
- Tội tổ tông cũng như ý tưởng về sự cứu chuộc là điều mà các triết gia theo phái Oocphê (Orphée - thần âm nhạc) đã truyền bá rộng rãi.
Về ảnh hưởng của Philông đối với Kitô giáo, Ăngghen nhận xét: “Và trong thực tế chỉ bằng hy vọng vào sự đền đáp ở thế giới bên kia mới có thể nâng từ sự từ bỏ thế giới theo thuyết khắc kỷ của Philông là chủ nghĩa cấm dục lên thành những nguyên tắc đạo đức cơ bản của tôn giáo thế giới mới có khả năng cuốn hút quần chúng nhân dân bị áp bức”[2].
Lôgôt vốn nghĩa là sự truyền tụng, về sau được Kitô giáo nhân hình hóa thành một con người cụ thể là Giêsu - Ngôi Hai Thiên Chúa - Đấng cứu chuộc loài người khỏi mọi tội lỗi và khổ đau.
Ăngghen viết: “Như chúng ta thấy, chỉ còn thiếu tảng đá cuối cùng nữa thôi là toàn bộ đạo Cơ Đốc, về những đặc điểm của nó, đã được chuẩn bị xong; thiếu sự thể hiện cái lôgôt đã trở thành con người trong một cá nhân nhất định và sự hy sinh chuộc tội của nó trên Thánh giá để cứu loài người tội lỗi nữa thôi.
Bằng cách nào mà tảng đá cuối cùng đó về mặt lịch sử được đưa vào trong học thuyết Philông khắc kỷ; về việc này chúng ta không có những nguồn tài liệu thực sự đáng tin cậy. Nhưng có một điều không còn nghi ngờ gì nữa là nó không phải do những nhà triết học, những môn đồ của Philông hay những người theo phái chủ nghĩa khắc kỷ đưa vào… Và như vậy là, người ta đã chuẩn bị xong miếng đất mà đứng trên đó người Do Thái cải biến những quan niệm tầm thường đến nhường ấy của Philông, để có thể tạo thành đạo Cơ Đốc, nhưng khi nó đã được tạo ra rồi thì đạo Cơ Đốc đã có thể được người Hy Lạp và người La Mã tiếp nhận trở lại”[3].
Cuối cùng, Ăngghen có nhận xét rất xác đáng về vai trò của Philông và Xênêca đối với Kitô giáo: “Bauơ đã nghiên cứu điều này cho đến tận cuối đời mình. Kết luận rút ra được từ trong công trình nghiên cứu của ông là người Do Thái Philông ở Alêchxanđri, người vẫn còn sống cho đến năm 40 của niên đại này, nhưng già lắm rồi, đã là người cha thực sự của Cơ Đốc, còn Xênêca, một người theo phái chủ nghĩa khắc kỷ ở La Mã mà người ta có thể nói là chú của đạo Cơ Đốc”[4].
Do Thái giáo - nền tảng của thần học Kitô giáo
Có thể nói, Kitô giáo ra đời và phát triển trên nền tảng thần học Do Thái giáo. Người ta tìm thấy rất nhiều điểm tương đồng về thần học, nghi lễ của hai tôn giáo này:
 Cả hai đều lấy việc kính thờ Thiên Chúa ba ngôi (Cha, Con, Thánh thần) làm tôn chỉ, lấy sự linh hồn được cứu vớt, vui hưởng thanh nhàn đời đời ở nước Thiên Đàng đời sau làm mục đích.
Nghi lễ Vượt qua của cư dân Do Thái được biến thánh lễ Vượt qua của Kitô giáo. Đó là bữa ăn Vượt qua cuối cùng của Chúa Giêsu để lập bí tích Thánh thể và chức tư tế Tân ước.
Vào khoảng đầu thiên niên kỷ I trước Công nguyên, người Hêbrơ (người Do Thái) ở ven biển Địa Trung Hải giữa Ai Cập và Xyri đã lập ra quốc gia của họ: Vương quốc Hêbrơ. Về sau, vương quốc Hêbrơ được phân chia thành hai nước nhỏ: Nước Ixraen ở miền Bắc, nước Giuđê (hay Do Thái) ở phía Nam. Năm 722 trước Công nguyên, nước Ixraen bị đế quốc Atxyri (Assyrie) thôn tính, vương quốc Giuđêa bị người Canđê xâm chiếm năm 586 trước Công nguyên. Kể từ đó, vương quốc của người Do Thái liên tục bị suy vong. Mỗi lần mất nước là mỗi lần người Do Thái bị lưu tán, bị bắt làm nô lệ hoặc phải lánh nạn ra nước ngoài.
Với thân phận bị lưu đày, người Do Thái luôn hoài niệm về Tổ quốc, về lịch sử dân tộc vốn vang bóng một thời. Do vậy, họ bỏ công viết lịch sử dân tộc cùng với những giá trị truyền thống, văn hóa, tập tục. Cuốn sách ấy được xem là SÁCH THÁNH của dân tộc. Đó là cuốn Kinh Thánh của Do Thái giáo, sau này được Kitô giáo sử dụng với tên gọi mới: Cựu ước để phân biệt với cuốn sách do các môn đệ của Chúa Giêsu ghi lại những lời rao giảng của thầy mình, được gọi là Tân ước.
Giêsu Kitô đấng sáng lập đạo được xem là hiện thân của Đấng cứu chuộc nhân loại mà các tiên tri trong Cựu ước nói tới.
Nhiều tín lý cơ bản của Kitô giáo đã giữ nguyên hoặc phát triển từ những tín lý sẵn có trong Cựu ước như: tín lý về tội nguyên tổ; về màu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi; về lịch sử sáng thế; về Ngôi Hai con Thiên Chúa xuống thế làm người cứu chuộc loài người; về 10 điều răn; về địa ngục và ma quỷ…



[1]. Một số nhà nghiên cứu chủ trương hình ảnh Chúa Giêsu là mô phỏng theo hình ảnh thần Dớt.
[2].  Bộ môn khoa học về tín ngưỡng tôn giáo, Trích tác phẩm kinh điển của Chủ nghĩa Mác – Lênin về tôn giáo. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.15.
[3]. Trích tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác- Lênin về tôn giáo, sđd, tr.17-19.
[4]. Trích tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác- Lênin về tôn giáo, sđd, tr.253-254.



Nguồn: Công giáo thế giới - Tri thức cơ bản. Nxb TĐBK, 2012, tr 18 - 28.