VỤ BẠC HY LAI
2012
1. BBC (9-2-2012): Số phận cựu giám đốc công an TQ.
2. BBC (15-3-2012): Bí thư Trùng Khánh bị cách chức.
3. BBC (14-3-2012): Trung Quốc cần ‘cải cách khẩn cấp’.
4. BBC (16-3-2012): Tập Cận Bình kêu gọi đoàn kết.
5. RFI (16-3-2012): Những mưu toan ngay trong lòng quyền lực Trung Quốc.
- RFI (16-3-2012): Tập Cận Bình: Đảng Cộng sản Trung Quốc là nơi tập trung mọi thối nát.
- BBC (17-3-2012): Bạc Hy Lai vuột mất giấc mơ lãnh tụ.
- RFI (17-3-2012): Bạc Hy Lai bị thất sủng vì chống mafia ?
- BBC (20-3-2012): Bạc Hy Lai 'cản trở điều tra tham nhũng'.
- RFI (22-3-2012): Đại biến động trong trung tâm quyền lực Trung Quốc.
- BBC (23-3-2012): Bắc Kinh dồn dập tin đồn.
- ĐT (27-3-2012): Thái tử đỏ Bạc Hy Lai của Trung Quốc bị thất sủng thế nào?
- RFI (28-3-2012): Một tình tiết mới trong vụ án Bạc Hy Lai tại Trung Quốc.
- RFI (6-4-2012): Tỷ phú Trung Quốc thân Bạc Hy Lai bị điều tra.
- BBC (10-4-2012): Bạc Hy Lai bị loại khỏi Trung ương Đảng.
- BBC (11-4-2012): Phu nhân cựu bí thư Trùng Khánh.
- RFA (12-4-2012): Bạc Hy-lai: ngôi sao vụt tắt. Vì đâu?
- SGTT (13-4-2012): Tại sao là bà Bạc Cốc Khai Lai?
- BBC (15-4-2012): 'Người Anh xấu số' ở Trùng Khánh.
- BBC (15-4-2012): Quân khu Thành Đô 'bị điều tra'.
- VNE (18-4-2012): Doanh nhân Anh bị nghi giúp Bạc Hy Lai rửa tiền.
- NV (18-4-2012): Hàng chục người bị bắt trong vụ Bạc Hy Lai.
- BVN (20-4-2012): Nhà báo Trung Quốc: Bạc Hy Lai có quá khứ đầy dẫy hối lộ.
19. DCV (21-4-2012): Ba câu hỏi dành cho Bắc Kinh.
20. RFI (22-4-2012): Vụ Bạc Hy Lai : Giới lãnh đạo Trung Quốc đứng trên pháp luật.
21. VNN (23-4-2012): TQ điều tra tài sản gia đình họ Bạc ở Hong Kong.
- SGTT (25-4-2012): Vụ Bạc Hy Lai: Những vùng tối.
- BBC (26-4-2012): Chủ tịch TQ bị ông Bạc Hy Lai "nghe lén".
- RFI (26-4-2012): Đảng Cộng sản Trung Quốc đang thanh trừng nội bộ.
- VNE (27-4-2012): Bạc Qua Qua lái xe Porsche.
- RFI (30-4-2012): Bí thư tỉnh ủy Quảng Đông : Ngôi sao đang lên của đảng Cộng sản Trung Quốc.
- RFI (1-5-2012): Tình tiết mới trong cuộc điều tra về vợ ông Bạc Hy Lai.
- SGTT (4-5-2012): Bạc Hy Lai và ba phương án giết Vương Lập Quân.
- ĐT (5-5-2012): Cuộc đấu đá ở Trung Quốc và bản chất của chế độ.
- ĐCV (14-5-2012): Quan chức vượt khỏi vòng kiểm soát.
- BBC (17-5-2012): Kêu gọi cách chức ông Chu Vĩnh Khang.
*****
Số phận cựu giám đốc công an TQ
BBC
- Thứ năm, 9 tháng 2, 2012
Càng có nhiều bí ẩn về một trong những quan
chức công an hàng đầu Trung Quốc sau khi chính phủ Mỹ xác nhận ông đã đến tòa
Tổng lãnh sự của họ.
Một số người nghi ngờ ông Vương Lập Quân
xin tị nạn, mặc dù bộ ngoại giao Mỹ từ chối bình luận.
Ông Vương được cả nước biết đến sau khi
đứng đầu cuộc diệt trừ tội phạm có tổ chức ở Trùng Khánh. Nhưng
ông đã mất chức và nay nghỉ phép vì "stress".
Một thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Thôi
Thiên Khải nói đây chỉ là một "vụ riêng lẻ". Ông
nói vấn đề "được giải quyết thật suôn sẻ", mặc dù không đi vào chi
tiết là đã có chuyện gì xảy ra cho ông Vương.
Vụ việc có thể có tác động mạnh cho sếp của
ông Vương, Bí thư thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai, người có vẻ sửa soạn trở
thành một trong các lãnh đạo Trung Quốc cuối năm nay. Ông
Bạc là một trong những chính khách nổi danh nhất Trung Quốc gần đây, khi mở
chiến dịch ca tụng quá khứ cộng sản của đất nước, và triệt hạ tội phạm.
'Tự nguyện'
Nhiều ngày qua, người ta đồn đoán về số
phận của Vương Lập Quân sau lộn xộn bên ngoài Tổng lãnh sự Mỹ ở Thành Đô đầu
tuần này. Thành Đô chỉ cách Trùng Khánh, nơi ông
Vương là Phó Thị trưởng, vài giờ ô tô. Người ta nói nhìn thấy
rất đông công an lập rào chắn bên ngoài tòa tổng lãnh sự.
Bình luận trên các trang blog, một số nói
một chiếc xe có biển số Trung Khánh bị cảnh sát đưa đi.
Phát biểu ở Washington, phát ngôn viên
ngoại giao Victoria Nuland nói: "Ông Vương Lập Quân đề nghị có một cuộc gặp
gỡ tại Tổng Lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô đầu tuần này." Trong
bình luận thận trọng, bà nói: "Ông có thăm tổng lãnh sự và sau đó ra đi tự
nguyện." Bà Nuland nói bộ ngoại giao không bàn về
các vấn đề liên quan những người xin tị nạn.
Ông Vương mất chức Giám đốc Công an Trùng
Khánh tuần rồi và được giao nhiệm vụ khác. Sang
hôm thứ Tư, Văn phòng Thông tin chính quyền nhân dân Trùng Khánh nói ông đã
nghỉ phép.
Ông Vương Lập Quân, 52 tuổi, đứng đầu cuộc
thanh trừng tội phạm có tổ chức ở Trùng Khánh khiến hàng trăm người bị bắt, có
cả người từng đứng đầu ngành tư pháp thành phố. Ông
là một võ sư và những chiến tích chống tội phạm của ông từng là cảm hứng cho
một sêri phim truyền hình.
*****
Bí thư Trùng Khánh bị cách chức
BBC
- Thứ năm, 15 tháng 3, 2012
Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cách
chức Bí thư Thành ủy Trùng Khánh của ông Bạc Hy Lai, Tân Hoa Xã đưa
tin.
Ông
Bạc, 62 tuổi, từng là một trong các ứng viên hàng đầu dự kiến sẽ
được cất nhắc vào các vị trí cao nhất trong kỳ Đại hội Đảng vào
cuối năm nay.
Tuy
nhiên, vừa qua ông lại dính vào một vụ tai tiếng khi cựu giám đốc công
an Trùng Khánh của ông đã tỵ nạn tại tòa lãnh sự Hoa Kỳ hồi tháng
2.
Phó
Thủ tướng Trương Đức Giang sẽ thay thế vị trí của ông Bạc, Tân Hoa Xã
cho biết.
Động
thái này xảy ra chỉ một ngày sau phiên bế mạc kỳ họp Quốc hội
thường niên của Trung Quốc khi mà sự vắng mặt của ông Bạc đã gây ra
những đồn đoán về tương lai chính trị của ông này.
Sau
một thời gian im lặng, hồi tuần trước ông Bạc đã lên tiếng về vụ
việc của cựu giám đốc công an Trùng Khánh Vương Lập Quân khi ông trả
lời câu hỏi của các nhà báo trong một cuộc họp bên lề Quốc hội. Ông nói ông không thể tưởng tượng ông Vương sẽ bỏ chạy. Nó xảy ra
quá đột ngột, ông Bạc nói.
“Tôi
có cảm giác như là tôi đã đặt niềm tin vào lầm người,” ông Bồ phân
trần trong một cuộc họp của đoàn đại biểu Quốc hội Trùng Khánh.
Việc
ông Vương đến Tòa lãnh sự Mỹ ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, đã làm dậy
lên những tin đồn rằng ông này đang muốn đào tẩu. Truyền thông Nhà
nước Trung Quốc đưa tin ông Vương đang đi nghỉ để hồi phục khi ông đang
gặp nhiều sức ép trong công việc.
Ông
Vương từng là người đứng đầu chiến dịch trấn áp tội phạm có tổ
chức ở Trùng Khánh – một thành tích đã đưa ông và sếp của ông là
ông Bạc lên đỉnh cao chính trị. Ông này sau đó đã
bị cơ quan công an điều tra về vụ đào tẩu. Tân
Hoa Xã hôm nay cũng đưa tin ông Vương đã mất chức phó thị trưởng Trùng Khánh.
Trong
cuộc họp báo hôm thứ Tư 14/3 sau phiên bế mạc kỳ họp Quốc hội, Thủ
tướng Ôn Gia Bảo cho biết cuộc điều tra đã đạt được một số ‘tiến
triển’ nhưng không tiết lộ chi tiết.
Ông
nói rằng giới chức địa phương phải nghiêm túc nhìn lại và rút ra
bài học từ vụ việc và rằng Bắc Kinh đánh giá vụ việc này ‘hết
sức nghiêm trọng’.
*****
Trung Quốc cần ‘cải cách khẩn cấp’
BBC
- Thứ tư, 14 tháng 3, 2012
Thủ
tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã đưa ra lời cảnh báo về việc cấp thiết
phải cải cách đất nước vì nếu không, ông nói, những thảm họa như
Cách mạng văn hóa có thể sẽ lại xảy ra.
Phát biểu tại buổi họp báo sau
phiên bế mạc của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc, tức Quốc hội
Trung Quốc, Thủ tướng Ôn cho biết rằng quyết định cắt giảm mục tiêu
tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm 2012 xuống còn 7.5% là cần
thiết để duy trì tăng trưởng.
Ông cũng đề cập đến mối quan
hệ thương mại Mỹ – Trung, quan hệ với Đài Loan và cho biết nước ông
sẽ đẩy nhanh quá trình cải cách tiền tệ. Ông nhấn mạnh
rằng Trung Quốc cần thúc đẩy các cải cách kinh tế và chính trị. Các cải cách
này, theo ông, cần phải được thực hiện ‘dần dần và có trật tự’ và
cần thiết cho nền kinh tế của đất nước.
Đây là kỳ họp Quốc hội cuối
cùng của Trung Quốc trước khi diễn ra quá trình chuyển giao quyền lực
vào cuối năm nay.
Trong diễn văn khai mạc kỳ họp
hồi tuần trước, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã đề cập cắt giảm tăng trưởng
kinh tế và giải quyết các vấn đề đất đai và quân sự.
Quá trình chuyển giao quyền lực
ở Trung Quốc, vốn xảy ra một lần mỗi 10 năm, sẽ bắt đầu vào tháng
10. Người ta cho rằng Phó Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tiếp quản quyền
lãnh đạo Đảng cộng sản từ Chủ tịch Hồ Cẩm Đào trong khi phó Thủ
tướng Lý Khắc Cường sẽ thay thế Thủ tướng Ôn Gia Bảo.
‘Tôi xin lỗi’
Trả lời câu hỏi của một phóng
viên tại buổi họp báo, ông nói khao khát dân chủ của người dân khu
vực Trung Đông phải được ‘tôn trọng và đáp ứng’.
"Tôi
tin rằng xu thế tiến đến dân chủ (ở Trung Đông) không thể bị bất cứ
thế lực nào đẩy lùi."
Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo
“Tôi tin rằng xu thế tiến đến
dân chủ không thể bị bất cứ thế lực nào đẩy lùi,” ông nói. Nhưng khi được
hỏi về các vụ tự thiêu liên tiếp ở Tây Tạng, Ôn Gia Bảo cho rằng
‘quá cực đoan’.
Các nhà hoạt động nhân quyền cho biết ít nhất 19 người đã chết,
trong đó có các nhà sư và phần lớn ở khu vực Tây Tạng, sau khi họ
tự châm lửa vào người để phản đối sự cai trị của Trung Quốc đối
với Tây Tạng.
Sự xúc động hiện rõ trên mặt
ông khi bắt đầu cuộc họp báo. Ông nói rằng ông ‘xin lỗi’ vì những
vấn đề kinh tế và xã hội trong thập niên vừa qua.
Là lãnh đạo của đất nước, ông
nói ông nên ‘lãnh trách nhiệm’ đối với những vấn đề của đất nước
trong suốt thời gian ông tại nhiệm.
“Có chỗ vẫn có thể làm tốt
hơn trong công việc của tôi,” ông nói.
Về thương mại Trung – Mỹ, ông
nói ông muốn tăng cường nhập khẩu từ Mỹ và gia tăng đầu tư hai chiều.
Về quan hệ giữa hai bờ eo biển
Đài Loan, ông nói ông hài lòng với các tiến triển và mong muốn quan
hệ kinh tế mạnh mẽ hơn giữa hai bên, bao gồm khuyến khích các ngân
hàng hai bờ eo biển đầu tư lẫn nhau.
Cho quyền bắt giữ?
Trước đó, trong phiên bế mạc kỳ
họp, các đại biểu Quốc hội Trung Quốc đã biểu quyết thông qua báo
cáo điều hành của chính phủ. Các đại biểu cũng phê chuẩn những sửa
đổi trong Luật tố tụng hình sự quy định quyền hành của công an trong
việc bắt giữ những người bất đồng chính kiến.
Tân Hoa Xã đưa tin Quốc hội nước
này đã thông qua kế hoạch phát triển kinh tế xã hội cũng như ngân
sách cho năm 2012.
Những sửa đổi trong Luật tố
tụng hình sự được thông qua với đại đa số trong tổng số gần 3.000
đại biểu bỏ phiếu thuận.
Những người chỉ trích cho rằng những sửa đổi này có thể hợp
pháp hóa các vụ bắt giữ bí mật, trong khi cũng có ý kiến cho rằng
những quy định mới này sẽ hạn chế quyền lực của công an.
Bộ luật này được sửa đổi sau
một loạt các vụ bắt giữ nhiều nhân vật bất đồng chính kiến nổi
bật hồi năm ngoái.
*****
Tập Cận Bình kêu gọi đoàn kết
BBC
- Thứ sáu, 16 tháng 3, 2012
Người được xem sẽ là lãnh đạo kế tiếp của Trung Quốc kêu gọi Đảng đoàn kết
trong một diễn văn công bố hôm nay - một ngày sau vụ cách chức Bí thư Trùng
Khánh.
Phó Chủ
tịch nước, Tập Cận Bình, cũng nói uy quyền của Đảng bị suy yếu vì "tình
trạng thiếu kỷ luật" trong một số đảng viên.
Bài viết
trên tạp chí Cầu Thị - tờ báo lý luận chính của Đảng Cộng sản Trung Quốc - dựa
trên một diễn văn mà ông Tập đọc ở Trường Đảng Trung ương Trung Quốc hôm 1/3.
Nhưng
giới phân tích nói việc cho đăng báo hôm nay là dấu hiệu giới chóp bu muốn ngăn
ngừa hậu quả nguy hiểm của việc đấu đá nội bộ.
Ông Tập
Cận Bình được cho là sẽ kế nhiệm ông Hồ Cẩm Đào ở chức Tổng Bí thư năm nay
trước khi trở thành Chủ tịch Trung Quốc năm 2013.
Bài báo
của ông viết: "Gìn giữ sự trong sạch tư tưởng cũng là bảo vệ đoàn kết của
Đảng."
"Mọi
quyết định lớn đều phải nghiêm khắc tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ của
Đảng. Chúng không thể được quyết định bởi một cá nhân hay một nhóm người."
"Mọi quyết định lớn đều phải nghiêm khắc tuân thủ nguyên tắc tập trung dân
chủ của Đảng. Chúng không thể được quyết định bởi một cá nhân hay một nhóm
người."
Tập Cận Bình
Ông Tập
Cận Bình không hề nhắc tên ông Bạc Hy Lai, nhưng đoạn sau đây có thể được diễn
dịch như sự chỉ trích vị cựu Bí thư quen thuộc với giới truyền thông.
"Nếu
anh muốn khoe khoang, lừa phỉnh quần chúng, tìm kiếm vật chất và quyền chức,
nếu anh không hướng tới những mục tiêu cao hơn, thì không chỉ khó mà tiến hành
công tác của Đảng và nhân dân, mà còn hủy hoại hình ảnh của Đảng, làm nhân dân
thất vọng, và mất lòng tin."
Nhiều
phân tích gia cho rằng ông Bạc Hy Lai sa cơ vì ông công khai vận động cho ghế
vào Thường vụ Bộ Chính trị, và phong cách của ông - người cho là xông xáo, kẻ
cho là mị dân - đã đe dọa hệ thống lãnh đạo tập thể.
Trái ngược
với ông là sự kín đáo của ông Tập Cận Bình - nhiều người thừa nhận họ không thể
biết ông sẽ là một lãnh tụ thế nào.
Ông Bạc
Hy Lai, người nắm chức bí thư của Trùng Khánh từ năm 2007, bị cách chức vì liên
quan vụ Vương Lập Quân, cựu giám đốc công an thành phố, người đã tìm cách lánh
nạn trong Lãnh sự quán Mỹ trước khi bị bắt.
Chương
trình tin tức của truyền hình Trùng Khánh ngày 15/3 đưa tin ông Lý Nguyên
Triều, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, đã chủ trì hội nghị cán bộ lãnh đạo tại
Trùng Khánh.
Ông Lý
được dẫn lời: "Sự điều chỉnh chức vụ lãnh đạo là do tác động chính trị
nghiêm trọng từ vụ Vương Lập Quân."
Tuy vậy,
một số nhà phân tích ở đại lục cho rằng ông Bạc Hy Lai sẽ không phải chịu những
trừng phạt nặng nề như vụ bí thư Thượng Hải Trần Lương Vũ trước đây.
Dẫu sao
ông vẫn là con của Bạc Nhất Ba, một trong những công thần số một của Đảng.
*****
Những mưu toan ngay trong lòng quyền lực Trung Quốc
RFI - Thứ sáu 16 Tháng Ba 2012
Minh Anh
Cuối cùng mọi người ai cũng biết được số phận của ông Bạc Hy Lai, Bí thư Thành ủy Trùng Khánh. Hôm qua, thứ năm 15/03/2012, Tân Hoa Xã loan báo Ban Tổ chức Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ra quyết định cách chức ông Bạc Hy Lai. Sự kiện này đã được các báo Pháp hôm nay đặc biệt quan tâm đến. Theo nhận định của các báo Pháp, ông Bạc Hy Lai là nạn nhân của một cuộc “đấu đá nội bộ”.
“Đấu đá bè phái dậy sóng ngay trong lòng Đảng Cộng sản Trung Quốc” là nhận xét của nhật báo công giáo La Croix. Tờ báo cho rằng “việc loan báo chính thức cách chức ông Bạc Hy Lai hôm qua “đã gây ra nhiều tác động”, “làm dậy sóng những lời đồn thổi về một một sự tăng cường đấu đá nội bộ
trong lòng đảng Cộng Sản”. Nhận định về sự kiện này, tờ báo cho rằng có hai luồng ý kiến khác nhau.
Một số nhà quan sát thì cho rằng đấy chính là thành quả của những người ủng hộ
cải cách, mong muốn chống lại trường phái “cánh tả bảo thủ mới” mà ông Bạc Hy Lai là một trong những người đại diện rõ nét. Còn đối với
một số khác, thì lại nghĩ rằng đó chẳng qua chỉ là sự trả thù từ những quan
chức bị vạ lây do cuộc chiến chống tham nhũng của người đàn ông đầy quyền lực
nhất tại Trùng Khánh.
Sự kiện này cũng lộ rõ là “Hệ thống chính trị Trung Quốc là một
trong những hệ thống mập mờ nhất trên thế giới sau Bắc Triều Tiên. Một điều
chắc chắn là sự kiện này chứng tỏ rằng vấn đề kế thừa vẫn chưa được giải quyết
xong và tình thế bên trong vẫn chưa ổn định”.
Theo nhật báo kinh tế Les Echos, sự kiện này cũng giúp cho giới quan sát
hiểu rõ phần nào lời kêu gọi cải cách chính trị của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia
Bảo đưa ra hôm thứ Tư 14/3 vừa qua. Ông cảnh báo về nguy cơ « thảm kịch lịch sử
giống như thời Cách mạng Văn hóa » có thể quay trở lại. Les Echos cho rằng sai
lầm của Bạc Hy Lai là đã khiến cho giới truyền thông chú ý đến mình một cách
quá lộ liễu qua việc định tìm cách quay về những giá trị cơ bản của chủ nghĩa
xã hội và tìm cách đề cao những giá trị thời Mao Trạch Đông.
Nhận định này cũng được báo Le Monde đồng chia sẻ. Dưới danh nghĩa khám phá
lại “những giá trị của chủ nghĩa xã hội”, ông Bạc Hy Lai nuôi
dưỡng một kiểu “chủ nghĩa Mao ngoại lai” : làm sống lại nhiều vở kịch lớn
thời cách mạng huy hoàng và cho hát lại bài hát “Đông phương hồng” tại Trùng Khánh. Tên tuổi của ông xuất hiện hầu như khắp nơi trong làng
báo chí đến mức thêu dệt thành một huyền thoại. Ông chính là người đã đáp trả
được một số căn bệnh trầm kha tại Trung Quốc ngày nay: bất công ngày càng tăng,
thiếu một Nhà nước pháp quyền và trống vắng về tinh thần. Nói tóm lại, một mô
hình phát triển kinh tế - chính trị - xã hội công bằng nhưng dưới sự bảo hộ của
nhà nước, một kiểu Nhà nước bảo hộ. Tuy nhiên, mô hình của Bạc Hy Lai lại đối
lập với mô hình “tự do” về kinh tế và chính trị của ông Uông Dương tại Quảng Đông, thành phố biển
phía Nam của Trung Quốc, một trong những thành phố giàu có nhất và đông dân
nhất.
Cũng liên quan đến quan điểm này, Le Figaro có cái nhìn sâu sắc hơn. Nhà
bình luận Arnaud De La Grange, trong bài viết đề tựa “Những mưu toan ngay trong lòng quyền lực Trung Quốc”, cho rằng bối cảnh của những vụ chạm trán đang diễn ra có thể được diễn
giải theo hai khía cạnh chính: tranh giành quyền lực giữa hai phe và quan điểm
nhìn về mô hình phát triển kinh tế-chính trị.
Thứ nhất là tính tập đoàn quyền lực, mà trung tâm chính là Ban Thường vụ Bộ
Chính trị, gồm chín thành viên, thường được mệnh danh là “chín vị hoàng đế”. Vị trí này thường được thông qua bằng một thỏa thuận. Tác giả cho rằng,
nền chính trị của Trung Quốc không hoàn toàn là một khối nguyên vẹn, mà bao gồm
một bên là phe bảo thủ nhất và bên kia là phe cải tiến.
Cứ liệu thứ hai chính là vị chủ tịch sắp mãn nhiệm nhất thiết phải bảo vệ
cho bằng được những vây cánh quyền lực, khi nhận thức được rằng thế hệ lãnh đạo
thứ năm của Trung Quốc sẽ phải lãnh đạo đất nước cho một thời hạn là mười năm,
tức là đến tận năm 2022. Giống như ông Giang Trạch Dân, ông Hồ Cẩm Đào cũng
phải sắp đặt càng nhiều người của mình vào ngay trong vòng quyền lực cao nhất
để có thể giữ được tầm ảnh hưởng.
Theo Arnaud De La Grange, vụ ông Bạc Hy Lai có thể được hiểu theo nhiều
cách. Đấy vừa là một cuộc chiến giữa hai phe, một bên là Đoàn Thanh niên Cộng Sản và bên kia là “những ông hoàng”. Hay cũng có thể được hiểu là một cuộc chiến giữa “mô hình Trùng Khánh”, thuộc phe bảo thủ và “mô hình Ô Khảm” của những người ủng hộ cải cách.
Như vậy, trong trường hợp đầu tiên, đấy sẽ là một cuộc đọ sức của con người
vì quyền lực. Trường hợp thứ hai, chính là sự đối đầu giữa hai tầm nhìn về một
Trung Quốc cho tương lai.
Đấu đá nội bộ, chính là cú sốc của giới viên chức chống lại phe những ông
hoàng. Nghĩa là, một bên là Đoàn Thanh niên Cộng Sản, mà lãnh tụ chính là ông
Hồ Cẩm Đào. Đấy chính là những người xuất thân từ thành phần trung lưu và được
thăng tiến nhờ vào tài năng. Còn phía bên kia là “những ông hoàng” trong đó có ông Tập Cận Bình, là con cháu của những quý tộc đỏ, những
người có công lao to lớn trong công cuộc xây dựng đất nước Trung Hoa.
Một học giả uyên thâm về Trung Quốc nhận xét, việc ông Bạc Hy Lai bị gạt ra
khỏi cuộc chiến đặt ra vấn đề xem xét lại thỏa thuận đạt được hồi năm rồi, vốn
được dựa trên nguyên tắc “quyền lực chia ba” : tức là, ba ghế cho Đoàn Thanh niên Cộng sản, ba ghế cho phe “ông hoàng” trong đó có Bạc Hy Lai và ba ghế cho các nhóm khác. Như vậy, vấn đề còn
lại là thỏa thuận để tìm một tên khác để thay thế ông Bạc Hy Lai.
Về mặt cơ bản, đấy chính là sự đối lập giữa hai mô hình phát triển kinh
tế-chính trị-xã hội giữa một bên là thành phố Trùng Khánh do Bạc Hy Lai làm đại diện và bên kia là tỉnh Quảng Đông của
ông Uông Dương.
Mô hình Trùng Khánh khêu gợi lại những giá trị chủ nghĩa Mao, xác lập một
chủ nghĩa quân bình và mở cửa kinh tế dưới sự kiểm soát của chính phủ. Trong
khi đó, ông Uông Dương, Bí thư tỉnh Quảng Đông, người đã quản lý thành công các
cuộc khủng hoảng vừa qua, nhất là vụ “Ô Khảm” lại chủ trương cần phải mạnh dạn cải cách khi cho rằng nên giảm bớt vai
trò của Đảng và nới lỏng hơn xã hội dân sự.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, thì vụ án Bạc Hy Lai chứng minh cho
thấy “mô hình Trùng Khánh” đã bị phá sản và đã bị gạt ra ngoài cuộc chơi, nó “hé
mở một hướng cải cách mới hiện đại hơn mà không quá rẽ
sang trái”. Như vậy, “các nhà lãnh đạo Trung Quốc mới sẽ có nhiều quyền tự do hơn để tìm kiếm một
sự đồng thuận và thúc đẩy nhanh các biện pháp cải cách”.
*****
Tập Cận Bình: Đảng Cộng sản Trung Quốc là nơi tập trung mọi thối nát
Phó
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhận định là nhân dân Trung Quốc gần như mất
hết tin tưởng vào đảng Cộng sản. Lời tuyên bố này mới được công bố hôm nay
16/03/2012 trong bối cảnh tranh giành quyền lực ở cấp thượng tầng cùng lúc với
lời cảnh báo của Thủ tướng Ôn Gia Bảo về nguy cơ xảy ra một vụ « Cách mạng văn
hóa » như trong thập niên 60.
Phó chủ tịch Trung Quốc Tập
Cận Bình đang chờ đợi lễ bế mạc kỳ họp Quốc hội tại Đại sảnh đường Nhân dân ở
Bắc Kinh ngày 14/03/2012 - REUTERS/Jason Lee
Theo
tuyên bố của Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thì đảng Cộng Sản mà ông sắp
lên lãnh đạo vào vào tháng tới đây chỉ là nơi tập trung thành phần giá áo túi
cơm cần phải được “trong sạch hóa”.
Những
tệ nạn trong đảng cầm quyền suốt hơn 63 năm tại Trung Quốc là “thiếu lý tưởng,
sa đọa, vô nguyên tắc và vô trách nhiệm đã xâm nhập mọi cấp đảng viên” với
những mức độ khác nhau và làm mất uy tín trong dân chúng.
Bài
phát biểu của lãnh đạo tương lai Trung Quốc được trình bày tại Trường Đảng hồi
đầu tháng Ba và mới được công bố hôm nay trên báo đảng Cầu Thị, một ngày sau
khi xảy ra vụ thanh trừng cách chức Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai, thế
hệ “hoàng tử đỏ”.
Theo
AFP, vào lúc tất cả những chức vụ quan trọng tại Trung Quốc, từ cấp thấp nhất
đến cấp lãnh đạo, từ trong chính quyền đến lãnh vực kinh tế, xí nghiệp, đều nằm
trong tay đảng viên, ông Tập Cận Bình lo ngại rằng đảng Cộng Sản đã biến thành
nơi chia chác đỉnh chung. Vào đảng là để có cơ hội vinh thân phì gia, chứ không
phải vì lý tưởng hay mục đích cao đẹp phụng sự đất nước và nhân dân.
Lãnh
đạo tương lai của Trung Quốc nhận định: "Nhiều người gia nhập Đảng không
phải vì chủ nghĩa Mác hay để nỗ lực xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa theo màu
sắc Trung Hoa, hoặc là để chiến đấu cho đến giọt máu cuối cùng cho chính nghĩa
Cộng Sản, mà họ vào Đảng vì được hưởng đặc quyền đặc lợi cá nhân".
Nhân
vật sắp lên thay Hồ Cẩm Đào nhấn mạnh đến yếu tố mà ông gọi là “ý thức hệ trong
sang” để duy trì “tinh thần sáng tạo và tính chiến đấu”. Sở dĩ đảng viên đảng
Cộng Sản Trung Quốc bị mất tín nhiệm, bị sa đọa là do « tư tưởng không trong
sáng ».
Câu
hỏi đặt ra là làm cách nào để kiến tạo “sự trong sáng” nơi người Cộng Sản Trung
Quốc ? Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh đến giải pháp “củng cố tổ chức, kiểm soát
việc kết nạp đảng viên , tăng cường giáo dục và thanh tra”. Sau cùng là “thanh
lọc hàng ngũ một cách kiên quyết, khai trừ những phần tử thoái hóa nghiêm trọng
không thế cứu vãn”.
Một
ngày sau khi thanh trừng Bạc Hy Lai, lãnh đạo đảng Cộng Sản tại Trùng Khánh,
những lời tuyên bố đao to búa lớn này được giới quan sát xem là dấu hiệu của
những xung khắc gay gắt trong nội bộ đảng Cộng sản Trung Quốc.
Theo
giáo sư Willy Lam, đại học Hồng Kông, thì Bạc Hy Lai là nạn nhân của cuộc tranh
giành quyền lực giữa phe xuất thân từ Đoàn Thanh niên Cộng Sản do Hồ Cẩm Đào
thống lĩnh và phe “con ông cháu cha” được gọi là giới hoàng tử đỏ như Bạc Hy
Lai.
Phải
ngăn chận được “phe bảo thủ” thì phe tạm gọi là “cải cách” mới có thể hy vọng
kéo dài đặc quyền sau khi thế hệ Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo ra đi. Thực chất thì
cả hai phe đều thi hành chính sách áp bức với dân từ hơn 60 năm qua.
Thủ
tướng Ôn Gia Bảo có vẻ không yên tâm cho tương lai của chế độ. Thứ Tư vừa qua,
ám chỉ cuộc nổi dậy của dân oan làng Ô Khảm chống bất công và tham nhũng, Ôn
Gia Bảo tuyên bố không loại trừ Trung Quốc sẽ gặp biến động mà ông gọi là “một
bi kịch” như cuộc cách mạng văn hóa thời Mao nếu không “cải cách” kịp lúc. Tuy
nhiên, cũng như những lần kêu gọi trước, Thủ tướng Trung Quốc không nói rõ là
“cải cách gì và cụ thể ra sao”.
Chuyên
gia Jean-Philippe Beja thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp dự báo sẽ còn nhiều
“diễn biến” bất ngờ trong thời gian tới.
*****
Bạc Hy Lai vuột mất giấc mơ lãnh tụ
BBC
- Thứ bảy, 17 tháng 3, 2012
Vụ cách chức Bí thư Thành ủy Trùng Khánh là "quả bom chính trị"
kinh thiên động địa nhất tại Trung Quốc từ mấy năm gần đây.
Nhân vật chính, Bạc Hy Lai, được nhiều người xem là chính khách cao cấp duy
nhất bộc lộ cá tính mạnh kể từ ngày Đặng Tiểu Bình qua đời năm 1997. Mặc dù còn rất nhiều bí ẩn xung quanh sự thất thế của ông, đa số giới phân
tích hiện cho rằng chính phong cách của họ Bạc rốt cuộc đã là viên đạn bắn
ngược vào chủ.
Tuổi thơ sóng gió
Điều trớ trêu là mặc dù Bạc Hy Lai bị xem cổ súy chủ nghĩa Mao, gia đình
ông hứng chịu bi kịch ngay trong những năm Cách mạng Văn hóa. Cha của ông, Bạc Nhất Ba, là bộ trưởng tài chính đầu tiên của Trung Quốc
nhưng khi Cách mạng Văn hóa nổ ra, đã bị thanh trừng. Bạc Hy Lai bị tống vào
trại lao động, còn mẹ ông bị đánh chết.
Nhưng sau cái chết của Mao, Đặng Tiểu Bình trở lại nắm quyền và phục chức
cho Bạc Nhất Ba, đưa ông này trở thành một trong những người quyền lực nhất.
Bạc Nhất Ba được liệt vào nhóm 'Bát đại nguyên lão' - những người định hình
chính trị Trung Quốc giai đoạn cải cách.
Mơ làm phóng viên
Jaime FlorCruz, từng là phóng viên và sau này là trưởng văn phòng tạp chí
Time ở Bắc Kinh (1982-2000), quen ông Bạc khi cả hai cùng học ở khoa lịch sử
Đại học Bắc Kinh cuối thập niên 1970.
Viết trên CNN, ông cho hay: "Chúng tôi thường nói về các sự kiện thời
sự và tranh luận lịch sử, chính trị."
Ông dẫn lời một người bạn thân của ông Bạc: "Khát vọng hàng đầu của
ông ta thời đó là trở thành phóng viên thường trú ở nước ngoài." Sau khi tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh, ông Bạc theo học cao học về báo chí
tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội. Nhưng học xong, ông từ bỏ khát vọng nghề báo
mà dần đi lên trong bộ máy chính quyền.
Ông có 17 năm ở Đại Liên, miền đông bắc Trung Quốc, nơi ông trở thành thị
trưởng năm 1993, biến nơi này thành địa điểm du lịch và đầu tư được ưa chuộng.
Năm 1999, tưởng chừng ông sẽ về Bắc Kinh nhưng sau đó lại không được bầu
vào Ban Chấp hành Trung ương. Rốt cuộc ông cũng được bầu vào ủy ban vào
năm 2004, và trở thành bộ trưởng thương mại.
Cây bút Jaime FlorCruz chứng kiến ông Bạc gây ấn tượng cho các vị khách
nước ngoài bằng cả sức hút cá nhân và khôn khéo chính trị. Ví dụ, ông thường
phát biểu "chay" chứ không nhờ đến diễn văn viết sẵn.
Tại một nước như Hoa Kỳ, người dân có thể biết cả tên con chó của tổng
thống, biết Đệ nhất phu nhân đi mua sắm ở đâu. Ngược lại ở Trung Quốc, các chi
tiết cá nhân của lãnh đạo hiếm khi được công bố.
Trong môi trường đấy, trường hợp Bạc Hy Lai trở nên hấp dẫn - và cũng khó
hiểu. Ông thể hiện mình hơn bất cứ lãnh đạo nào khác trong thời gian gần đây.
Dường như với họ Bạc, tính cách của ông chính là vũ khí.
Wenfang Tang, một giáo sư ở Đại học Iowa và cũng là bạn học của ông Bạc ở
Đại học Bắc Kinh, nói: "Nếu Trung Quốc có bầu cử trực tiếp, ông ta có cơ
hội trở thành lãnh tụ."
"Nhưng ông bộc lộ quá nhiều cá tính và sức hút trong một nền văn hóa
chính trị hậu Mao vốn nhấn mạnh lãnh đạo tập thể."
Cách mạng Văn hóa
Khi
mở chiến dịch chống tham nhũng và tội phạm ở Trùng Khánh, ông Bạc được ca ngợi
nhưng cũng bị tố cáo là bỏ qua luật pháp, bắt giữ hàng ngàn người và có nhiều
vụ tử hình. Chiến dịch hát Nhạc Đỏ, tăng cường sự đầu
tư của nhà nước và những dự án vì dân như nhà ở xã hội, tất cả đã tạo nên cái
gọi là "mô hình Trùng Khánh".
Tại
Trùng Khánh, ông trở thành biểu tượng của "tả phái", với khẩu hiệu
xây dựng một xã hội quân bình hơn như dưới thời Mao Trạch Đông.
Hôm
14/3, phát biểu sau phiên bế mạc của Quốc hội Trung Quốc, Thủ tướng
Ôn Gia Bảo cảnh báo về việc cấp thiết phải cải cách đất nước vì nếu
không, ông nói, những thảm họa như Cách mạng Văn hóa có thể sẽ lại
xảy ra. Theo Steve Tsang, giáo sư ở Đại học
Nottingham, cụm từ Cách mạng Văn hóa chính là ngầm cảnh báo nội bộ Đảng rằng
thảm họa sẽ xảy ra nếu Bạc Hy Lai được ở lại.
"Chỉ
có một nhân vật quyền lực như ông mới có thể khơi dậy một biến cố như Cách mạng
Văn hóa, sử dụng và huy động quần chúng để giành quyền lực từ Đảng Cộng
sản," giáo sư Steve Tsang viết.
Ông
dự đoán ông Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo không thể tước bỏ mọi quyền hành từ ông
Bạc vì sẽ phá vỡ cân bằng giữa các phe nhóm. Việc
đưa Trương Đức Giang (Phó Thủ tướng) sang kiêm nhiệm Bí thư Trùng Khánh là nhằm
giữ sự cân bằng này, vì ông Trương cũng thuộc "Thái tử đảng" như ông
Bạc.
Giấc
mơ Thường vụ Bộ Chính trị của Bạc Hy Lai xem như đã hết, nhưng còn phải chờ
thêm thời gian mới biết Đảng sẽ đưa ông sang vị trí nào.
Trước
khi xảy ra biến cố này, giới quan sát cho rằng cuộc chuyển giao quyền hành ở
Trung Quốc năm nay sẽ diễn ra êm thắm. Nhưng vụ Bạc Hy Lai
cho thấy cuộc đấu đá đằng sau bức tường Trung Nam Hải vẫn khốc liệt đến thế
nào.
*****
Bạc Hy Lai bị thất sủng vì chống Mafia ?
RFI - Thứ bảy 17 Tháng Ba 2012
Sự kiện ông Bạc Hy Lai, bí thư thành ủy Trùng Khánh, bị
cách chức tiếp tục thu hút sự chú ý của báo giới Pháp. Nhật báo Libération tiếp
tục mổ xẻ sự kiện này với bài viết: “Bộ chính trị Trung Quốc không còn chịu đựng nổi họ Bạc”.
Lệnh cách chức ông Bạc Hy Lai được Tân Hoa Xã thông báo ngắn gọn ngày 15/03/2012 mà không hề nêu ra một lí do nào. Tuy nhiên cách chức một nhân vật có nhiều khả năng vào thường vụ bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc không phải là chuyện đơn giản.
Libération nhấn mạnh: “Trong một đất nước mà ổn định và
đoàn kết trong đảng là nguyên tắc tối cao, thì sự thanh trừng này quả là một
cơn địa chấn”.
Đi vào nguyên nhân vụ việc, tờ báo cho rằng, đó là do sách lược đi lên của
ông Bạc Hy Lai phạm nhiều sai lầm. Trước tiên, ông này đã sử dụng một đường lối
quản lý kết hợp sự ca ngợi thời đại Mao Trạch Đông, chính sách xã hội, chủ
nghĩa dân túy và sự trấn áp tội phạm.
Trên cương vị bí thư thành ủy Trùng Khánh, ông Bạc Hy Lai đã cho triển khai
phong trào hát những bài cách mạng ca ngợi thời đại cách mạng văn hóa do Mao
Trạch Đông khởi xướng (1966-1976), trong khi đó ông lại quên rằng giai đoạn này
có nhiều quan chức, ngay cả một số ủy viên bộ chính trị đã bị loại trừ.
Sự “thờ ơ” này của ông Bạc đương nhiên gây mất lòng nhiều quan chức thuộc dòng chính
kiến khác, và sự mất lòng đó có thể được thấy qua lời phát biểu của thủ tướng
sắp mãn nhiệm Ôn Giả Bảo: “Toàn thể nhân dân Trung Quốc đã hiểu
được rằng
… cần phải rút ra những bài học từ
trong lịch sử”.
Một sai lầm khác nghiêm trọng hơn đó chính là ông Bạc Hy Lai đã chủ xướng
chiến dịch thanh trừng mafia tại Trùng Khánh. Trong chiến dịch này có đến 9,000 người đã bị điều tra, trong đó có rất nhiều cán bộ cao cấp, quan chức
công an và tòa án, 13 người đã bị tuyên án tử hình. Các cuộc điều tra này bị
cho là đã lạm dụng việc tra tấn ép cung.
Thế là, chiến dịch của ông Bạc dù làm vui lòng dân chúng, nhưng tai hại cho
ông là nó gây mất lòng chóp bu của đảng, bởi chiến dịch đã vén lên một bức màn
khá nhạy cảm: hiện tượng quan chức cấp cao cấu kết với mafia, tức gây mất lòng
tin của đảng. Hơn nữa, chiến dịch cũng đặt nghi ngờ là hai bí thư tiền nhiệm
của ông Bạc chính họ cũng liên can. Trong khi đó cả hai người này đều là người
dưới trướng của ông Hồ Cẩm Đào : một người là ông Uông Dương, hiện là bí thư
tỉnh ủy Quảng Đông; người kia là ông Hạ Quốc Cường, hiện là bí thư ủy ban kiểm
tra trung ương kiêm trưởng ban tổ chức trung ương đảng cộng sản Trung Quốc.
Theo Libération, chính trị Trung Quốc càng ngày càng mập mờ, bởi thế trong
một sự việc động trời như vậy thật khó lòng mà hiểu hết chân tơ kẽ tóc. Thế nhưng,
tờ báo cho hay, theo một vài thông tin rò rỉ, kịch bản thanh trừng Bạc Hy Lai
đã được dàn dựng có bài bản: ông Hạ Quốc Cường đã cho điều tra tham nhũng đối
với ông Vương Lập Quân, cánh tay phải của họ Bạc.
“Chiêu thức này” rất hiểm, vì theo một nhà báo tại Trùng Khánh, ở Trung Quốc, chính quyền
tham nhũng ở mọi cấp đều có tham nhũng ít nhiều, bởi vậy hể điều tra thì tất có
tham nhũng, do đó tham những chính là cái cớ để các nhà chính trị nước này
thanh trừng lẫn nhau. Mục tiêu điều tra ông Vương là để làm mất uy tín họ Bạc
và buộc họ Bạc phải tình nguyện về hưu non. Trong bối cảnh đó, họ Vương mất
định hướng, đã bất chợt chạy đến trú ẩn tại lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Thành Đô và
đã ở đó suốt 24 tiếng đồng hồ.
Họ Vương đã tiết lộ gì với Hoa Kỳ để đến mức mà chủ tịch Hồ Cẩm Đào cho
rằng ông này “phản bội” đất nước. Sự việc đến hiện tại vẫn còn mờ mịt. Thế nhưng, có một chuyện đã
có vẻ rõ ràng, đó là ông Bạc Hy Lai đã phạm sai lầm khi toan đi lên bằng một
sách lược gây hại đến những “đồng liêu” có quyền lực hơn mình, vì vậy ông Bạc đã phải lãnh hậu quả đó là: lối vào
ban thường vụ bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc của ông đã khép lại.
*****
Bạc Hy Lai 'cản trở điều tra tham nhũng'
BBC
- Cập nhật:
04:24 GMT - thứ ba, 20 tháng 3, 2012
Xuất hiện cáo buộc ông Bạc Hy Lai ngăn trở
một cuộc điều tra tham nhũng trước khi bị cách chức Bí thư Trùng Khánh.
Cũng
theo tin này, ông Bạc đã chuyển công tác của giám đốc công an thành phố, Vương
Lập Quân, hồi tháng Giêng sau khi ông Vương cho hay đang điều tra một người
thân của ông Bạc.
Đây
được nói là thông tin từ cuộc điều tra ban đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Theo
đó, ông Bạc Hy Lai, giận dữ khi nghe về vụ điều tra, đã chuyển vị giám đốc công
an sang phụ trách giáo dục, khoa học, mà không báo cáo trước cho Bộ Công an.
Theo
báo cáo, được tung lên mạng từ cuối tuần trước, ông Vương Lập Quân, vì lo sợ
cho an toàn cá nhân, đã lái xe đến Thành Đô và trú qua đêm ở Tòa Lãnh sự Mỹ. Ông này sau đó đã bị đưa về Bắc Kinh và người ta hiện chưa rõ số phận của
ông.
Theo
một số trang mạng tiếng Hoa, các chi tiết này được ghi lại từ cuộc nói chuyện
của ông Lý Nguyên Triều, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, tại hội nghị cán bộ
lãnh đạo tại Trùng Khánh. Ông Lý Nguyên Triều tuần rồi đã thông báo
cho cán bộ Trùng Khánh về vụ cách chức ông Bạc Hy Lai và giải thích về cuộc
điều tra.
Bản
tin này không giải thích vì sao ông Vương lại muốn tự điều tra chống lại sếp
của mình ở Trùng Khánh. Cũng có nhiều tin đồn chưa được kiểm chứng
rằng ông Vương đã trao cho phía Mỹ bằng chứng tham nhũng của ông Bạc Hy Lai, và
rằng thậm chí còn giấu thêm tài liệu ở nước ngoài đề phòng trường hợp mình gặp
nạn
Mặc
dù các chi tiết chỉ được các trang tiếng Hoa hải ngoại công bố, việc tuồn tin
ra ngoài cho thấy dường như đang bắt đầu chiến dịch làm mất uy tín của Bạc Hy
Lai.
Theo ông Cheng Li, một học giả ở Viện Brookings tại
Washington, nỗ lực triệt hạ thế lực của Bạc Hy Lai là việc “vô cùng nguy hiểm”
cho lãnh đạo Đảng.
“Nếu
sự quy tội quá nhẹ, một số lãnh đạo cao cấp và trí thức tự do sẽ không tán
thành.”
“Nhưng
nếu chỉ quy cho ông ta tội tham nhũng, nhiều người sẽ xem ông ta là anh hùng vì
dư luận chung cho rằng tham nhũng là phổ biến – thế tại sao lại chỉ nêu tên ông
ta?” ông Cheng Li nói.
*****
Đại biến động trong trung tâm quyền lực Trung Quốc
RFI - Thứ năm 22 Tháng Ba 2012
Đức Tâm
Trung Quốc đang trong quá trình chuẩn bị thế hệ lãnh đạo thứ 5. Vậy, việc ông Bạc Hy Lai bị cách chức ngày 15/03/2012 đánh dấu sự thắng thế của “mô hình Ô Khảm” đối với “mô hình Trùng Khánh” ? Phe Đoàn Thanh niên cộng sản lấn lướt được phe “Hoàng tử đỏ” ? RFI dịch và giới thiệu bài “Đại biến động trong trung tâm quyền lực Trung Quốc” của Arnaud de la Grange, thông tín viên báo Le Figaro tại Bắc Kinh. Bài đăng ngày 16/03/2012.
Tất cả đã bắt đầu từ buổi tối mùa đông giá lạnh, trong một bầu không khí có
hương vị chiến tranh lạnh. Thế nhưng, nếu kịch bản câu chuyện giống như một bộ
phim Hollywood, thì các diễn viên lại hoàn toàn có thật, và đó là các nhân vật
chính yếu của một nước Trung Quốc, cường quốc kinh tế đứng hàng thứ hai trên
thế giới. Ngày 06 tháng Hai vừa qua (2012), ông Vương Lập Quân đến, hay đúng
hơn là đến tỵ nạn, tại lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên. Ông
Vương là phó thị trưởng Trùng Khánh, siêu đô thị với 30 triệu dân, cách Thành
Đô khoảng ba giờ đường bộ. Ông chịu trách nhiệm về an ninh và chính viên “siêu cảnh sát” này, với phương cách
hành xử “cơ bắp”, đã tiến hành cuộc chiến chống lại các “hắc đảng”, những thế lực mafia ở địa phương. Với vị trí này, ông là thuộc hạ thân
tín của lãnh đạo Đảng ở Trùng Khánh, ông Bạc Hy Lai, một gương mặt quan trọng
trong bộ máy lãnh đạo chính trị Trung Quốc, một trong những nhân vật đang khao
khát có chân trong Thường vụ Bộ Chính trị trong dịp thay đổi thành phần vào mùa
thu tới. Nhưng bước đường hướng tới tầm cỡ lãnh đạo quốc gia của ông Bạc Hy Lai
chắc chắn đã dừng lại hôm thứ Năm vừa qua (15/03) với việc ông bị cách chức.
Tại Thành Đô, vào tối tháng Hai đó, các sự kiện nhanh chóng mang dáng dấp
thảm kịch. Trên Vi Bác, mạng xã hội Twitter Trung Quốc, các cư dân mạng nói là
có hàng chục xe của lực lượng cảnh sát và bán vũ trang được triển khai xung
quanh cơ quan đại diện Mỹ. Ông Vương Lập Quân đã ở trong lãnh sứ quán khoảng 24
giờ. Điều gì đã xẩy ra trong suốt những giờ phút dài đằng đẵng đó. Vẫn hoàn
toàn bí ẩn. Ngưòi ta nói rằng quan chức cao cấp này dường như xin tỵ nạn chính
trị tại Mỹ. Vô ích. Các nhà ngoại giao Mỹ đã khẳng định, đúng là ông Vương đã
tới Thành Đô, nhưng ông đã “tự nguyện” rời khỏi lãnh sự quán và họ không tiết lộ gì thêm nữa.
Người ta tưởng tượng đến bầu không khí sôi sục giữa hai cường quốc lớn,
những cú điện thoại của các quan chức Trung Quốc cảnh báo những mối nguy hiểm
về một cuộc phiêu lưu như vậy … Trong một cuộc nói
chuyện với đài truyền hình Phượng Hoàng Hồng Kông, vào tuần trước, thị trưởng
Trùng Khánh Hoàng Kỳ Phàm (Huang Qifan) đã nhả ra một vài thông tin. Ông thổ lộ
là đã bỏ ra 2-3 tiếng đồng hồ để dỗ dành, thuyết phục ông Vương Lập Quân ra
khỏi lãnh sự quán Mỹ. Do vậy, ông cho là đã tránh được một cuộc “khủng hoảng ngoại giao” nghiêm trọng. Trên thực tế, tối
07/02, ông Vương ra khỏi nơi tỵ nạn tạm thời. Các nhân viên an ninh quốc gia
đón ông. Ngay hôm sau, 08/02, ông Vương được đưa lên Bắc Kinh bằng máy bay, từ
đó, ông bị thẩm vấn trong những điều kiện được giữ bí mật. Cũng trong ngày hôm
đó, một thông cáo cho biết ông Vương nghỉ phép vì “làm việc quá sức”
… Câu chuyện “Thanh tra Eliot
Ness Trùng Khánh” có cảm hứng từ bộ phim truyền hình nhiều tập nổi tiếng (*). Ông Vương giờ
đây đã khoác bộ trang phục mầu ghi xám của “kẻ phản bội”, bị nghi ngờ tham nhũng và có những phương cách làm việc phạm luật.
Khi chấp nhận rủi ro “được ăn cả, ngã về không” này, phải chăng tính mạng ông Vương
bị đe dọa ? Ông đã mang theo những hồ sơ gì khi vào lãnh sự quán Mỹ ? Báo chí
Hồng Kông nói rằng ông có một số thông tin bất lợi cho ông Bạc Hy Lai, rằng
nhiều ngày trước khi xẩy ra sự cố, ông Vương đã viết một bức thư gửi cơ quan
đáng gờm là Ban Thanh tra Kỷ luật Trung ương Đảng, cấp báo về một số việc bất
hợp lệ của thủ trưởng ông ta. Cũng không quan trọng lắm. Điều cơ bản là vụ việc
đã làm dấy lên một cơn bão chính trị dữ dội nhất mà Trung Quốc chưa hề thấy từ
rất lâu nay và làm lộ rõ những biến động trong việc chuyển giao quyền lực chính
trị năm 2012, một sự kiện mà mỗi thập niên chỉ xẩy ra một lần tại đây. Ở Trung
Quốc cũng vậy, “chiến dịch vận động tranh cử” - theo kiểu chủ nghĩa
xã hội thị trưòng – đã thực sự được khởi động. Và dao nhọn đã được rút ra trong
cuộc đấu đá giữa các phe phái khác nhau, giữa các đường lối khác nhau.
Trong những trận chiến trong bóng tối này, chỉ thỉnh thoảng người ta mới
trông thấy ánh phản quang của dao. Theo thông lệ, đấu đá chỉ diễn ra trong bóng
tối. Giống như thời cổ xưa của Liên Xô và của kiểu nghiên cứu “Kremlin học”, người ta chỉ có thể phỏng đoán, tìm kiếm những điểm khác biệt tinh tế
trong những lời phát biểu lạnh lùng, bài bản theo kiểu “lưỡi gỗ”, dò xem kỹ lưỡng những bức ảnh chính thức để đếm kẻ vắng mặt, người hiện
diện, đánh giá về thứ hạng của các nhân vật trong bộ máy quyền lực tùy theo vị
trí của họ
…Đúng vậy, trong những ngày vừa qua, kỳ họp thường niên
của Quốc hội là dịp để quan sát, phỏng đoán. Hôm thứ Năm, các nhà quan sát bình
luận nhiều về sự vắng mặt của ông Bạc Hy Lai trong một cuộc họp quan trọng của
Bộ Chính trị. Ông đã cho biết là bị “cúm nhẹ”. Hôm sau, ông tham gia vào một cuộc gặp với báo chí của đoàn đại biểu
Trùng Khánh. Vào dịp đó, ông thừa nhận “khuyết điểm không
giám sát”.
“Chín Hoàng đế”
Có hai dữ kiện xác định khuôn khổ các cuộc đối đầu đang diễn ra. Dữ kiện
đầu tiên là tính lãnh đạo tập thể tại Trung Quốc mà trung tâm quyền lực là Ban
Thường vụ Bộ Chính trị, với chín thành viên, được gọi là “Chín Hoàng đế”. Chính từ đây mà những thoả hiệp được hình thành, những đồng thuận chung
được đưa ra. Cần phải biết là tầng lớp cao cấp trong giới lãnh đạo cộng sản
không hề là một khối thống nhất. Có những thiên hướng bảo thủ hơn, có những
thiên hướng cải cách hơn và nhất là tầng lớp này lại chia thành vài phe phái
lớn với những liên minh đôi khi đan chéo nhau. Dữ kiện lớn thứ hai, đó là sự
cần thiết đối với vị chủ tịch mãn nhiệm giữ được các phương tiện chi phối quyền
lực, vì nên biết rằng thế hệ thứ 5 các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ cầm cương
điều khiển đất nước trong 10 năm trời, tới tận năm 2022. Như ông Giang Trạch
Dân đã làm cách nay 10 năm, chủ tịch Hồ Cẩm Đào phải xếp đặt càng nhiều người
của ông càng tốt vào trong bộ máy quyền lực cao nhất, để giữ được khả năng tác
động, chi phối.
Do đó, vụ ông Bạc Hy Lai, có thể được diễn giải nhiều cách khác nhau. “Tất cả các diễn giải này vừa đúng vừa sai”, như lời một nhà ngoại giao. Đó là cuộc chiến giữa hai phái, phái Đoàn
Thanh niên Cộng sản và phái “con các hoàng tử” hoặc đó là cuộc chiến giữa “mô hình Trùng
Khánh”, bảo thủ hơn và “mô hình Ô Khảm”, cải cách hơn. Trong trường hợp thứ nhất, có lẽ trước hết là cuộc đấu đá
giữa các nhân vật vì quyền lực. Trong trường hợp thứ hai, đó là một sự đối chọi
giữa hai tầm nhìn về một nước Trung Hoa trong tương lai.
Cuộc chiến giữa hai phái gần như là một sự đối đầu của “giới quan chức chống lại các hoàng tử”. Thực vậy, một bên là
Đoàn Thanh niên mà thủ lĩnh là chủ tịch Trung Quốc hiện nay, ông Hồ Cẩm Đào.
Trong nhiều trường hợp, đó là những người xuất thân từ giới bình dân và nhờ
công trạng mà lên cao trong bộ máy chính quyền. Như vậy, họ không có “máu xanh – có dòng dõi quý tộc”. Bên kia chiến hào là
phe “con các hoàng tử” trong đó có ông Tập Cận Bình, mà ai cũng cho rằng ông sẽ là chủ tịch tương
lai của Trung Quốc. Họ là thành viên của tầng lớp quý tộc đỏ, hậu duệ của những
anh hùng lập ra nền Cộng hòa Nhân dân. Đối với ông Lâm Hoà Lập (William Lam),
người am hiểu những điều bí mật trong bộ máy quyền lực Trung Quốc, giờ đây,
người ta đang chứng kiến việc xem xét lại một thỏa hiệp đã đạt được hồi năm
ngoái, dựa trên việc chia ba số ghế trong cơ cấu quyền lực “Chín Hoàng đế”: Ba ghế cho phái Đoàn Thanh niên, ba ghế cho phe các hoàng tử, trong đó có
ông Tập Cận Bình và ba ghế cho các phe phái khác. Trong một bài viết của
Jamestown Foundation, ông Lâm Hòa Lập cho rằng ông Hồ Cẩm Đào và các thuộc hạ
của ông đã chỉ đạo “sự bất trắc” Trùng Khánh, thúc đẩy nhanh sự sụp đổ của ông Bạc Hy Lai. Chỉ còn cần đồng
thuận với nhau về người thay thế ông Bạc Hy Lai …
“Sự phá sản của mô hình Trùng Khánh”
Về thực chất, dường như cũng có sự đối đầu giữa hai mô hình. Mô hình Trùng
Khánh mà ông Bạc Hy Lai muốn thấy toàn Trung Quốc áp dụng. Đó là một dạng thỏa
hiệp kết hợp giữa việc quay trở lại tư tưởng bình đẳng kiểu Mao và một sự mở
cửa về kinh tế dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước. Mô hình kia, mà một số
người, từ nay coi đó là “mô hình Ô Khảm”, ý muốn nói tới khu làng nổi dậy ở miền nam Trung Quốc vừa mới thực hiện
cuộc bỏ phiếu cấp địa phương tự do đầu tiên. Ngưòi đã giải quyết cuộc khủng
hoảng này là vị đứng đầu tỉnh Quảng Đông, ông Uông Dương (Wang Yang). Đây là
người được chủ tịch Hồ Cẩm Đào che chở, cũng có thể sẽ tham gia vào nhóm Chín
Hoàng đế và là đối thủ chính của ông Bạc Hy Lai. Được coi là người rất ủng hộ
tự do kinh tế, ông chủ trương phải mạnh dạn hơn nữa trong cải cách, qua việc
giảm vai trò của Đảng, nới lỏng hơn sự kiềm chế đối với xã hội dân sự. Một nhân
vật chủ chốt trong phe tân tả theo tư tưởng Mao, ông Dương Phàm (Yang Fan), tác
giả một cuốn sách ca ngợi ông Bạc Hy Lai, tựa đề « Mô hình Trùng Khánh », vừa thừa nhận là cần
có thêm một cái nhìn khác về trường hợp Ô Khảm…
Đối với ông Trương Minh (Zhang Ming), giáo sư ở đại học Nhân dân, việc cách
chức ông Bạc Hy Lai báo hiệu sự “phá sản của mô
hình Trùng Khánh và bật tín hiệu cho đường lối cải cách hiện đại hơn, nhưng
không quá thiên tả”. Nhà nghiên cứu Trịnh Vĩnh Niên (Zheng Yongnian), thuộc Viện Đông Nam Á,
đại học Quốc gia Singapore, nhận định, “cho đến nay, có
một sự đối địch, tranh đua liên tục giữa hai đưòng lối này. Giờ đây, đường lối
Trùng Khánh bị gạt bỏ, các lãnh đạo mới của Trung Quốc có thể tự do hơn nhằm
tìm được đồng thuận chung và thúc đẩy cải cách. Điều này cũng phụ thuộc rất
nhiều vào họ”.
Do đó, một số người tự hỏi phải chăng có một sự trùng hợp giữa vụ nổ chính
trị và việc đăng trên các phương tiện truyền thông chính thống những bài viết
có giọng điệu “cải cách” hơn là bình thường, kể cả về mặt xã hội và chính trị. Người ta tấn công
các “nhóm lợi ích”, nhất là những người đứng đầu các doanh nghiệp Nhà nước, dường như đã ngăn
chặn cải cách. Từ đó mà suy luận rằng thời của những đại cải cách đã đến, là
viển vông, vì vẫn còn một khoảng cách rộng bằng nước Trung Hoa. Vả lại, việc
trấn áp những tiếng nói bất đồng không hề giảm. Và các giai đoạn quá độ vẫn chỉ
đưa đến nguyên trạng. Chuyên gia Lâm Hòa Lập cũng lưu ý là các nhà lãnh đạo
cộng sản có “truyền thống lâu đời sử dụng những nhân vật cải cách triệt để và những
ngưòi có tư tưởng tự do về kinh tế như những con tốt trong các thủ đoạn chính
trị, để rồi sau đó gạt bỏ chúng đi khi trận chiến giành quyền lực kết thúc”.
(*) : Eliot Ness (1903 – 1957) là thanh tra cảnh sát nổi tiếng chống băng
đảng tội phạm trong thời kỳ nước Mỹ cấm buôn bán rượu 1920 – 1930
(Probibition). Đây là đề tài của bộ phim truyền hình nhiều tập “The Untouchables”, chiếu trên đài ABC từ 1959 đến 1963 tại Mỹ.
Tags: Châu Á - Chuyên Mục Trên Mạng - Trung Quốc
*****
Bắc Kinh dồn dập tin đồn
BBC
- Thứ sáu, 23 tháng 3, 2012
Các cụm từ tìm kiếm về "đảo
chính" và "Bạc Hy Lai" đang bị kiểm duyệt trên mạng internet
Trung Quốc trong lúc lan truyền tin đồn về sinh mệnh chính trị của trùm an ninh
nước này.
Vụ
cách chức Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai được xem là cuộc thanh trừng
lớn nhất từ mấy năm qua và đã bộc lộ những rạn nứt trong Đảng Cộng sản Trung
Quốc. Những ngày gần đây, xuất hiện nhiều đồn đoán về số phận ông Bạc, và thậm
chí có tin mà sau đó chứng tỏ vô căn cứ về việc xe tăng tiến vào Bắc Kinh làm
đảo chính.
Đặc
biệt, nhiều nhà phân tích Trung Quốc cho rằng ông Chu Vĩnh Khang, Ủy viên
Thường vụ Bộ Chính trị phụ trách ngành an ninh, cũng sẽ bị loại bỏ vì là người
ủng hộ Bạc Hy Lai.
Trùm
an ninh
Từ
đầu tuần này, thủ đô Bắc Kinh bất an sau khi các mạng xã hội loan tin ông Chu
Vĩnh Khang, Bí thư Ủy ban Chính pháp Trung ương Đảng Cộng sản Trung
Quốc, đã tiến hành đảo chính. Đây chỉ là tin thất thiệt, nhưng các công
dân mạng, giới phân tích Trung Quốc và nước ngoài đổ dồn chú ý vào sinh mệnh
chính trị của nhân vật kiểm soát toàn bộ ngành an ninh.
Báo
Financial Times dẫn lời một người có quan hệ với bộ máy công an nói rằng ông
Chu không được phép xuất hiện trước công chúng và "cũng đã chịu một phần
kiểm soát".
Người
này còn nói bản thân ông Bạc Hy Lai, vẫn còn ngồi trong Bộ Chính trị tuy đã mất
chức Bí thư Trùng Khánh, đã bị giam lỏng còn vợ ông thì bị tạm giữ để điều tra
tham nhũng - một tội thường dành cho các quan chức đã thất thế.
Trên
báo Los Angeles Times, Jin Zhong, một nhà phân tích ở Hong Kong, bác bỏ những
tin đồn quá sức tưởng tượng nhưng thừa nhận có căng thẳng giữa phe được gọi là
cải cách và phe theo chủ nghĩa Mao.
"Nó
chưa đi đến mức nghe thấy tiếng súng. Không giống như khi Trung Quốc bắt Bè lũ
Bốn Tên năm 1976, nhưng xung đột rất dữ đang xảy ra."
Ông
Chu Vĩnh Khang từng ủng hộ mạnh mẽ chiến dịch diệt trừ tội phạm của Bạc Hy Lai
ở Trùng Khánh - khi hàng ngàn người bị bắt còn người già về hưu thì ra công
viên hát "Nhạc Đỏ".
Nay,
theo báo Los Angeles Times, công viên thành phố ra thông báo việc hát hò đã bị
cấm vì gây mất trật tự cho dân cư địa phương.
Có
trang tin như Mingjing News, đặt ở Mỹ, lại bảo ông Bạc và ông Chu bàn tính với
nhau để ngăn không cho ông Tập Cận Bình lên thay Chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Trang này
còn nói ông Bạc đã mua 5,000 khẩu súng và 50,000 viên đạn, khiến
người dân Bắc Kinh lo âu.
Ở
tuổi 70, ông Chu Vĩnh Khang sẽ về hưu tại Đại hội Đảng 18 vào tháng 10, và cho
đến gần đây, nhiều người nghĩ rằng Bạc Hy Lai sẽ thay vào ghế Thường vụ Bộ
Chính trị của ông này. Nhà phân tích Jin Zhong cho rằng ông Chu sẽ
không bị đá khỏi Ban Thường vụ ngay, vì đằng nào ông cũng sẽ ra đi.
"Họ
sẽ không đụng đến những người ngồi trong Ban Thường vụ trước kỳ đại hội. Nguy
hiểm quá. Họ đã cố gắng vẽ ra bức tranh ổn định," ông Jin nói.
Vì
sao dồn dập tin đồn?
Phần
lớn những tin đồn những ngày qua không thể xác minh và phần lớn bị cho là tin
thất thiệt. Nhưng giới phân tích nhận định tin đồn rộ
lên cũng là vì bản chất kém minh bạch của Đảng Cộng sản.
Phóng
viên BBC Damian Grammaticas, thường trú ở Bắc Kinh, viết trên blog: "Không
có phát ngôn viên nói công khai, không có nguồn thông báo riêng cho báo chí. Nó
có xảy ra không? Chẳng ai biết. Thế là tin đồn cuốn đi."
Anh
viết tiếp: "Đảng Cộng sản vẫn cố kiểm soát và chia chác quyền lực theo
cách thức bí mật như suốt nhiều năm. Còn xã hội Trung Quốc đang thay đổi nhanh
quanh đảng. Thành công lớn của đảng về quản lý kinh tế đồng nghĩa là đất nước
hôm nay không còn là xã hội nông nghiệp nghèo khó như thời Chủ tịch Mao."
"Hàng
trăm triệu người nay sống ở thành thị, được học hành, nắm tin tức, có tri thức
và rất cứng đầu. Nhiều người thông thạo internet để tìm và trao đổi thông tin.
Họ biết có tranh đấu quyền lực và bị hấp dẫn bởi những gì có thể đang xảy ra
đằng sau cánh cửa."
Sự
nghi ngờ báo chí chính thống khiến nhiều người không tin vào cơ quan ngôn luận
của đảng ngay cả nếu tin chính xác. Ngược lại, họ tin những câu chuyện nửa sự
thật hay thậm chí bịa đặt trên mạng.
Trong
khi đó, Đảng vẫn tiếp tục kiểm duyệt mạng. Các cụm từ tìm kiếm như "nổ
súng", "xe tăng", "Bạc Hy Lai", "Vương Lập
Quân" bị xóa bỏ, khiến dân mạng nghĩ ra một số cách sáng tạo để
"lừa" kiểm duyệt.
Ví
dụ, ông Chu Vĩnh Khang được đặt biệt danh theo một nhãn hiệu mì ăn liền nổi
tiếng, và thế là trên mạng có tin nói "mì đã bị lấy xuống khỏi giá".
*****
Thái tử đỏ Bạc Hy Lai của Trung Quốc bị thất sủng thế nào?
Tác giả: Chris Buckley -Người dịch: Trần Văn Minh - 23-03-2012
Reuters/ National Post - Posted byBasamnews on 27/03/2012
BẮC
KINH – Bạc Hy Lai đã nhận được tín hiệu về một cơn bão sẽ đánh đổ ông và làm
rung chuyển đảng Cộng sản Trung Quốc dưới hình thức cảnh báo ngầm về thời tiết.
Họ Bạc từ Trùng Khánh, địa phương quyền lực của ông ở vùng Tây Nam, bay lên Bắc Kinh để tham dự hội nghị thường niên của quốc hội. Ông cố gắng giảm thiểu sự xôn xao về việc giám đốc công an của ông đã xin tỵ nạn ở lãnh sự quán Hoa Kỳ một ngày trước đây.
Nổi
bật và đầy tự tin trong giới chính trị cấp cao giữa tập thể đông đảo những
người hòa đồng trong thận trọng, Bạc Hy Lai đã là người gây tranh cãi về việc
ông đẩy mạnh Trùng Khánh “đỏ” như là một mô hình táo bạo cho Trung Quốc.
Trò
hề đầy kinh ngạc của người thân cận lâu năm, Phó Thị trưởng Vương Lập Quân, đe
dọa làm hư hỏng bộ mặt thống nhất của quốc hội và nỗ lực chạy đua của Bạc vào
trung tâm quyền lực của đảng.
Còi
báo động xảy ra vào ngày 3 tháng 3 từ một nhà lãnh đạo trung ương lão thành đã
khuyên Bạc và những viên chức khác của Trùng Khánh cẩn thận khi tham dự hội nghị
quốc hội ở Bắc Kinh. Vị viên chức kia, mà nhiều nguồn tin cho Reuters biết là
Hà Quốc Cường, người đứng đầu Đảng về giữ kỷ luật và chống tham nhũng, nói: “Khí hậu Bắc Kinh rất khác với khí hậu
Trùng Khánh. Vì thế tôi hy vọng mọi người sẽ ráng chống cơn lạnh, giữ mình ấm
áp, và bảo trọng”.
Không
phải tai nạn riêng lẻ
Luồng gió chính trị Bắc Kinh thực sự đã hướng tới Bạc một cách tàn nhẫn. Việc cách chức ông khỏi chức vị bí thư Trùng Khánh được loan báo tuần trước, chỉ dấu sự bất thường về tiến trình trao quyền vào cuối năm cho một thế hệ lãnh đạo mới trong Quốc Hội thứ 18 của đảng Cộng Sản.
Một sự tái lập của những biến cố dẫn đến cuộc trốn chạy của Vương Lập Quân và sự mất chức của Bạc tỏ rõ sự vận hành của Trung Quốc bao trùm xa khỏi căn cứ chính trị của hai ông ở Trùng Khánh, một tỉnh với 30 triệu dân bên bờ sông Hoàng Hà.
Cuộc trốn chạy của Vương Lập Quân vào lãnh sự quán Hoa Kỳ ở thành phố Thành Đô (thuộc tỉnh Tứ Xuyên) không phải là tai nạn riêng lẻ như viên chức Trung Quốc diễn giải. Trong những cuộc phỏng vấn ở Bắc Kinh và Trùng Khánh, viên chức nhà nước, cán bộ về hưu, phóng viên và những nguồn tin khác thân cận nhà nước đã gọi đây là sự bùng phát từ những căng thẳng âm ỷ cả năm qua và dính líu tới giới lãnh đạo cao cấp Trung Quốc.
Câu chuyện bao gồm những tố cáo về tham nhũng và lạm dụng quyền hành của gia đình họ Bạc, ghi âm lén những lãnh đạo kỳ cựu, và sự bất đồng giữa Bạc và Vương.
Trên tất cả, sự lên xuống của Bạc, được coi là người hùng của phe tả, bộc lộ sự rạn nứt tư tưởng đe dọa xé toạc sự thống nhất trong đảng nếu giới lãnh đạo giải quyết sơ suất sự ra đi của ông.
Li Weidong, chủ bút và bình luận gia ở Bắc Kinh, người từng theo dõi sát cuộc biến động nói rằng, “Việc mất Bạc Hy Lai hàm nghĩa sự cân bằng của Quốc Hội thứ 18 tiếp nối đã bị xáo trộn. Việc tìm kiếm sự cân bằng đúng đắn sẽ khó khăn hơn”.
Vì
hệ thống chính trị bí mật của Trung Quốc làm dân chúng không dám nói ra một
cách thành thật về những tin tức nhạy cảm, đa số những người được phỏng vấn
trong bài viết này đòi hỏi được dấu tên.
Giáng
chức và hăm dọa
Cuộc
trốn chạy của Vương Lập Quân vào lãnh sự quán Hoa Kỳ ngày 6 tháng 2 đã không
được kiểm chứng cho tới khi chính quyền Trung Quốc và Hoa Kỳ xác nhận. Nhưng
hàng rào an ninh nghiêm ngặt chung quanh lãnh sự quán khơi động làn sóng suy
diễn trên mạng đã làm cho lãnh đạo đảng không thể bưng bít biến cố này.
Li,
nhà bình luận ở Bắc Kinh, nói rằng: “Việc
này giống như chính trị ở cung đình. Chính trị đàng sau bức màn thì rất bí mật
cho tới lúc cơn khủng hoảng xảy ra phô bày mọi nhân vật”.
Chỉ
chừng vài ngày trước, Bạc cách chức Vương khỏi chức vụ giám đốc công an và bổ
nhiệm ông làm phó thị trưởng về giáo dục, khoa học và văn hóa. Đây là một sự
giáng chức đột ngột cho một sĩ quan cảnh sát chuyên ngành đã từng nỗ lực chống
băng đảng tội phạm ở Trùng Khánh và đem lại cho ông và Bạc sự khen tặng trên
toàn quốc năm 2009.
Sự
bất đồng giữa hai người gia tăng dần, theo lời một cựu viên chức đã từng hay
gặp Bạc và gia đình ông: “Mối
liên hệ giữa Bạc và Vương thực sự bắt đầu suy thoái từ tháng 1, nhưng càng ngày
càng trở nên trầm trọng”. Vị cựu viên chức nói thêm, Bạc “đã bắt ép Vương rời khỏi chức vụ càng
làm cho ông rơi sâu hơn trong thất vọng và hoảng hốt về tương lai. Ít nhất,
điều này có vẻ độc tài và có chủ ý, làm mối quan hệ đã xấu càng xấu thêm”.
Hai
cựu viên chức khác cho biết, những ngày trước việc giáng chức, Vương đã đối đầu
với Bạc về cuộc điều tra liên quan đến gia đình của Bạc, bao gồm vợ ông là Cốc
Khai Lai, và một ủy ban chuyên môn đã được thành lập để điều tra vụ này.
Vị
cựu viên chức đầu tiên nói, “chính bởi nhóm đặc biệt này mà quan hệ cuối cùng
đã bị gẫy đổ”.
Một
viên chức thành phố cho biết, dư luận loan truyền giữa các viên chức Trùng
Khánh về sự tranh cãi nẩy lửa giữa Bạc [Hy Lai] và Vương [Lập Quân], và ngay cả
việc Bạc bạt tai người đồng hành lâu đời của mình. Một chủ bút ở Bắc Kinh nghe
được câu chuyện từ viên chức chính quyền trung ương nói: “Bạc cảm thấy Vương Lập Quân đang dùng
vụ điều tra để bắt chẹt ông. Ông nổi giận và sau đó quyết định thay đổi chức vị
của Vương để tự bảo vệ mình”.
Phá
luật
Tự bảo vệ và tự phong chức đến với Bạc Hy Lai một cách dễ dàng. Sự giáo dục như một “thái tử”, con của lãnh tụ cách mạng Bạc Nhất Ba, được xưng tụng là một trong “Bát Tiên”, đã cấy cho ông lòng tham vọng, tự tin và đôi khi sự thiếu kiên nhẫn bộc lộ với cấp dưới và ngay cả cấp trên, nhiều người giao tiếp với ông nói vậy.
Một cựu viên chức Trùng Khánh hiện đang là thương gia nói: “Thế hệ đỏ thứ hai cảm thấy rằng, họ hẳn nhiên xứng đáng ở trên đỉnh, và những nhà lãnh đạo hiện tại thì quá yếu đuối”.
Sau khi tới Trùng Khánh năm 2007, Bạc đã biến thành phố thành pháo đài của văn hóa cộng sản đỏ và sự phát triển bình đẳng, được sự chú ý toàn quốc về việc dẹp tan những tổ chức tội phạm bằng cách bỏ tù hoặc ngay cả tử hình những viên chức bị buộc tội bảo vệ những đầu sỏ tội ác.
Đây
là một sự trở lại công khai của một chính trị gia chải chuốt mà sự bổ nhiệm về
Trùng Khánh được xem là một cuộc đi đầy sau khi nắm giữ chức bộ trưởng thương
mại từ năm 2003.
Cuộc
vận động chống nạn tham nhũng đang lan rộng không thể đem một trong hai người
tiền nhiệm ra ánh sáng là Uông Dương, hiện là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông và là
ứng viên cho một vị trí hấp dẫn trong Ban Thường vụ Bộ Chính Trị; và Hạ Quốc
Cường, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng.
Cuộc
cải cách kinh tế và xã hội quần chúng của Bạc và làm sạch tội phạm đã được
nhiều người ủng hộ với hy vọng, ông có thể áp dụng chính sách này trên toàn
quốc khi trở thành lãnh đạo trung ương của thế hệ kế tiếp của Đảng Cộng sản sẽ
xuất hiện vào cuối năm 2012.
Tính
tự cao không che đậy của ông và sự phục hồi tư tưởng Mao, vì thế, đã làm giới
cấp tiến thiên thị trường khó chịu, cũng như việc ông lôi kéo giới trí thức
cánh tả, là những người hoan hô “mô hình Trùng Khánh”.
Zhu
Zhiyong, một cựu thương gia ở Trùng Khánh đã từng chỉ trích Bạc nói: “Bạc đã đánh một ván cờ lớn tại Trùng
Khánh. Ông chơi một lá cờ có thể đặt ra hướng đi mới cho toàn quốc. Điều này đã
phá vỡ luật chính trị”.
Nhắm
vào Vương
Nhiều
nguồn tin thân cận với giới chức lãnh đạo Trùng Khánh tiết lộ, cuộc tranh luận
về Bạc có thể đoạt một ghế trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị, cốt lõi quyền lực
gồm chín thành viên, gia tăng hơn năm trước, và gây thêm căng thẳng, đã làm Bạc
và Vương kình chống nhau.
Một
cựu viên chức thường gặp Bạc và những lãnh đạo lão thành khác nói: “Một nhóm lãnh đạo trung ương đã quyết
liệt chống lại sự gia nhập của Bạc, bởi vì ông bị xem là một người kẻ gây rối
không tôn trọng luật lệ”.
“Rất có khả năng là những nhân vật cao
cấp không muốn Bạc vươn lên, nên họ nhắm vào Vương”.
Một cựu viên chức và nhiều nguồn tin khác nói, vị lãnh đạo trung ương giữ vai trò then chốt trong việc tiến hành việc kết tội Bạc và Vương là Hạ Quốc Cường.
Từ 1999 tới 2002, Hạ là Bí thư Đảng ủy ở Trùng Khánh, chứng kiến cảnh thuộc cấp của mình trong chính quyền bị gạt ra ngoài dưới sự vận động của Bạc. Khi giữ chức Trưởng ban Điều tra Kỷ luật Trung ương, ông hỗ trợ những cuộc điều tra tham nhũng có thể gây tổn hại cho Bạc. Năm trước, Hạ đã thấy đủ, và bắt đầu gây ra rạn nứt giữa Vương và Bạc.
Một
viên chức Trùng Khánh cho biết, “Hạ
Quốc Cường hỗ trợ cuộc điều tra về Vương Lập Quân để nhắm vào Bạc Hy Lạc”.
Theo
nguồn tin này, bước đầu của ông tiến hành một cách hoàn hảo. Sự ngờ vực giữa
hai liên minh vỡ ra “và sau
đó Vương Lập Quân bắt đầu quay sang hăm dọa để bảo vệ lấy mình”,
một viên chức Trùng Khánh nói.
Sự
khen tặng từ Kissinger
Vào
cuối tháng 1, Bạc vẫn còn chú tâm vào việc chiếm được một chỗ trong hàng lãnh
đạo trung ương của Đảng Cộng sản. Chức vụ cao nhất, kế thừa Hồ Cẩm Đào, hầu như
chắc chắn dành cho Phó Chủ tịch Tập Cận Bình. Bạc đã dẫn đầu nhóm những chủ
tịch tỉnh với danh tiếng, tuổi tác và mối liên hệ có khả năng tranh những chức
chung quanh Tập Cận Bình.
Ngày
9 tháng 1, Nhân dân Nhật báo, tờ báo chính của Đảng, đã dành hàng tít đầu để
nồng nàn khen ngợi những thành quả của Trùng Khánh. Những nhà ngoại giao lão
luyện, bao gồm cựu Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, Henry Kissinger, đã bay qua
Trùng Khánh để gặp Bạc và cảm phục những tòa nhà thép và kiếng mọc lên dọc theo
bờ dốc của sông Hoàng Hà. Trùng Khánh tự nhận đã đạt được mức phát triển nhanh
nhất Trung Quốc so với bất cứ vùng cấp tỉnh nào, 16.4%.
Thình
lình, sự trốn chạy bất ngờ của Vương vào lãnh sự quán của địch thủ chính của
Trung Quốc. Ông tiều tụy và run sợ và đã trải qua “cuộc điều trị kiểu nghỉ hè”,
thành phố đã giải thích lúc khởi đầu.
Khi
quốc hội nhóm họp, chính quyền trung ương cũng cố gắng che đậy sự kiện này,
bằng cách khiển trách những cơ quan truyền thông dám thắc mắc về vấn đề này và
khen ngợi những thành quả của Trùng Khánh.
Một
viên chức trước kia của Trùng Khánh nói: “Đầu
tiên, lãnh đạo trung ương muốn làm lắng dịu mọi chuyện trong lúc quốc hội nhóm
họp, nhưng thất bại”.
Hiện
thời, Vương bị giam giữ, nêu lên khả năng rằng những tin tức gây hại về Bạc có
thể lộ ra. Có hai nguồn tin nói, trong nội bộ nhà nước đã loan tin rằng, Bạc và
Vương bị tình nghi nghe lén địch thủ và ngay cả lãnh đạo trung ương.
Bạc đã nắm lấy cơ hội để tự giải thích vào buổi họp báo ngày 9 tháng 3 ở quốc hội, và ứng xử theo kiểu nghênh ngang cố hữu của ông.
Bạc đã nắm lấy cơ hội để tự giải thích vào buổi họp báo ngày 9 tháng 3 ở quốc hội, và ứng xử theo kiểu nghênh ngang cố hữu của ông.
Bạc
phủ nhận những tường thuật “vô nghĩa”, loan tải trên mạng Trung Quốc và được sự
ủng hộ của những trang nhà của các nhà ngoại giao, rằng con của ông, Bạc Qua
Qua, phóng
vòng quanh Bắc Kinh với chiếc xe Ferrari màu đỏ, và học bổng nhà nước trả tiền
cho học vấn ở Oxford và Harvard.
Bạc
nói với những kẻ phê phán ông: “Những
người này là những nhóm tội phạm có quan hệ xã hội rộng lớn và khả năng định
hướng dư luận. Thí dụ, có người đã đổ rác rưởi lên Trùng Khánh, lên tôi và gia
đình tôi”.
Lãnh
đạo trung ương thấy đã đủ. Họ bị chọc tức bởi hành động khinh bỉ như kẻ thù của
Bạc, thay vì chứng tỏ sự hối lỗi. Họ đặc biệt khó chịu bởi câu nói của ông tin
tưởng Hồ Cẩm Đào sẽ viếng thăm Trùng Khánh, ngầm ý chứng tỏ sự tin tưởng vào
Chủ tịch Trung Quốc.
Trò
chơi chấm dứt
Nhiều
tiên đoán khác nhau về thời điểm lãnh đạo đảng sẽ quyết định cho Bạc ra đi,
nhưng hầu hết nguồn tin cho rằng bức màn sẽ rơi trong vòng 72 tiếng sau cuộc
họp báo hiếu chiến của ông.
Vào
một buổi họp báo năm ngày sau cuộc họp báo của Bạc, Thủ tướng Ôn Gia Bảo gợi ý
Bạc có lỗi không những về sự trốn chạy của Vương mà còn khơi dậy sự luyến tiếc
không đúng cách về thời đại Mao. Trung Quốc cần đổi mới chính trị, nếu không có
thì “những thảm kịch lịch sử như Cách mạng Văn Hóa có thể lại xảy ra”, theo lời
Ôn.
Một
cựu viên chức Trùng Khánh cho biết: “Lời
nói của Ôn biểu lộ sự rạn nứt. Điều này trở thành cuộc đấu tranh chấn chỉnh”.
Ngày
hôm sau, chính quyền loan báo Bạc bị cách chức Bí thư Thành ủy Trùng Khánh.
Những
lãnh tụ Trung Quốc bây giờ dường như không biết làm sao giải quyết cuộc suy
thoái của một chính trị gia được lòng dân. Wang Wen, một ký giả Bắc Kinh đã
từng gặp Bạc, nói: “Kết quả
của Quốc Hội thứ 18 chưa được ổn định, và sự việc này gây thêm khó khăn, bởi vì
Bạc Hy Lạc tiêu biểu cho nhiều tiếng nói tả khuynh ở Trung Quốc”.
Một
tuần sau khi mất chức, Bạc trở nên vắng bóng, với sự phỏng đoán, ông vẫn còn ở
Bắc Kinh và sẵn sàng trả lời câu hỏi. Sự ra đi đột ngột của ông đã nhen nhúm
những tin đồn, bao gồm sẽ có cuộc đảo chánh trong tuần.
Cựu
viên chức quen thuộc với Bạc nói: “Cuộc
chơi chưa chấm dứt. Vẫn chưa thấy sự việc này chấm dứt hoàn toàn”.
Chú
thích ảnh: Bạc
Hy Lại, Bí thư Thành ủy Trùng Khánh, chụp hôm 14 tháng 3 năm 2012 trong dịp lễ
bế mạc Đại Hội Quốc Hội Nhân Dân tại Đại Sảnh đường Nhân Dân ở Bắc Kinh, là một
vị lãnh đạo đảng có sức lôi cuốn nhưng gây nhiều tranh cãi, đã bị cách chức.
Nguồn: Reuters/ National Post
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012
Bản tiếng Việt © Trần Văn Minh
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012
Bản tiếng Việt © Trần Văn Minh
*****
Một tình tiết mới trong vụ án Bạc Hy Lai tại Trung Quốc
RFI - Thứ tư 28 Tháng Ba 2012
Bạc Hy
Lai và Neil Heywood - DR
Minh Anh
Đề tài trên trang nhất các báo Pháp hôm nay khá đa dạng : tranh cử tổng thống Pháp (báo Liberation, Le Figaro) ; chuyến công du của Đức Giáo Hoàng Benedicto 16 tại Cuba (La Croix), áp lực trong việc làm (l’Humanité) hay đề tài sức khỏe (Le Monde). Liên quan đến thời sự quốc tế, nhân vật số một tỉnh Trùng Khánh, ông Bạc Hy Lai, lại một lần nữa gây sự chú ý cho hai tờ báo Pháp Le Monde và Le Figaro với một tình tiết mới vừa xuất hiện.
Cả hai tờ báo cùng cho biết, vừa qua Luân Đôn yêu cầu chính quyền Bắc Kinh
phải điều tra về cái chết của một nhà tư vấn người Anh, ông Neil Heywood, một
nhân vật thân cận của ông Bạc Hy Lai.
Với bài viết đề tựa “Cái chết kỳ lạ của một công dân người Anh tại Trùng Khánh”, Le Figaro nhận định rằng “tại Trung Quốc cũng như
tại phương Tây, sự thất sủng của một người nào đó có kéo theo hàng loạt tiết lộ
và cáo buộc”.
Trong khi đó, báo Le Monde lại cho rằng “đây là tình tiết
sau cùng của tập truyện nhiều kỳ Bạc Hy Lai”. Một tình tiết hiện đang lôi cuốn các cư dân mạng Trung Quốc về sự thất
sủng của ông Bạc Hy Lai.
Theo thuật lại của hai tờ báo, vừa qua, chính phủ Luân Đôn đã yêu cầu Bắc
Kinh phải cho điều tra về cái chết của một công dân Anh, tên Neil Heywood. Ông
này đã được phát hiện chết trong phòng khách sạn của ông ta tại Trùng Khánh.
Các quan chức địa phương giải thích rằng Neil Heywood chết do dùng quá nhiều
rượu.
Theo cả hai tờ báo, điều đáng nói là lời giải thích đã gây ngạc nhiên cho
gia đình nạn nhân, vì họ khẳng định rằng ông Heywood không biết uống rượu. Sau
đó, thi thể nạn nhân đã được nhanh chóng đem đi thiêu mà không hề được giảo
nghiệm.
Le Monde và Le Figaro cho biết Neil Heywood là người am tường tiếng Hoa và
kết hôn với một phụ nữ Trung Quốc tại vùng Đại Liên, cứ địa cũ của Bạc Hy Lai.
Ông ta từng là nhà tư vấn về thị trường Trung Quốc cho các doanh nghiệp lớn của
nước ngoài. Chính ông này đã đóng vai trò môi giới giúp cho Bạc Qua Qua, con
trai của Bạc Hy Lai ghi danh được vào hai trường đại học nổi tiếng của Anh
quốc.
Theo hai tờ báo, các nguồn tin đang lưu hành trên Internet hiện nay cho rằng
có lẽ ông Neil Heywood đã bị đầu độc. Và ông này đang có tranh chấp về tài
chính với bà Cốc Khai Lai, vợ của Bạc Hy Lai. Như vậy, đây có lẽ chính là thông
tin mà ông Vương Lập Quân, cánh tay phải của Bạc Hy Lai đã cung cấp cho lãnh sự
quán Mỹ tại Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên.
Le Figaro cho rằng, từ nhiều ngày qua tại Trung Quốc có tin đồn cho rằng
ông Vương Lập Quân chạy trốn vì ông ta cảm thấy bị đe dọa. Trước đó, Vương Lập
Quân đã báo cho Bạc Hy Lai biết những người thân cận của ông ta đang bị điều tra
về cái chết bí ẩn của Neil Heywood do nghi ngờ là bị đầu độc và khuyên ông ta
không nên can dự vào trường hợp nhạy cảm này.
Báo Le Monde còn liên hệ vụ án Bạc Hy Lai với một nhân vật đầy quyền lực
khác trong Ban thường vụ Bộ chính trị là ông Chu Vĩnh Khang, người phụ trách về
vấn đề an ninh. Có lẽ ông Chu đã hoài công vô ích nhằm ngăn chặn sự sụp đổ của
Bạc Hy Lai.
Nhận xét về vụ tai tiếng chính trị lần này tại Bắc Kinh, một giáo sư khoa
học chính trị thuộc một trường đại học tại Bắc Kinh cho rằng “Trung tâm quyền lực bây giờ là Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo”.
Ngay trước khi kết thúc phiên họp thường niên của Quốc hội, ông Hồ Cẩm Đào
đã đưa ra lời kêu gọi tuân thủ kỷ luật trước quân đội, báo hiệu cho thấy việc
nắm lại quyền lực của nhóm cai trị trước sự kháng cự của ông Bạc Hy Lai và các
đồng minh của ông ta.
*****
Tỷ phú Trung Quốc thân Bạc Hy Lai bị điều tra
RFI - Thứ sáu 06 Tháng Tư 2012
Ông Từ
Minh, chủ tịch tập đoàn hoá chất Thật Đức - DR
Minh Anh
Theo Tân Hoa Xã hôm nay, 06/04/2012, ông Từ Minh, một trong những doanh nhân giàu có nhất của Trung Quốc và nổi tiếng là một nhân vật thân cận của Bạc Hy Lai đang bị giam giữ. Ông bị điều tra về mối liên can đến một vụ mua đất đai đáng ngờ và các trận đấu bóng gian lận.
Ông Từ Minh, là chủ tịch tập đoàn hóa chất Thật Đức ở Đại Liên, đã bị bắt
giữ từ hôm 15/03, cùng ngày với việc chính quyền thông báo cách chức ông Bạc Hy
Lai, bí thư tỉnh ủy tỉnh Trùng Khánh, trong khuôn khổ một cuộc điều tra của Ủy
ban chuyên trách chống tham nhũng trực thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc.
AFP trích dẫn một nguồn tin đăng trên tờ Business Herald Thế kỷ 21 cho
rằng, điều tra sẽ tập trung chủ yếu vào việc ông Từ Minh cùng với một công ty
khác ở Trùng Khánh mua được một mảnh đất vào năm 2009 tại thành phố Cáp Nhĩ Tân
(thuộc vùng Đông Bắc) trong những điều kiện khá mập mờ. Ngoài ra, ông Từ Minh
còn bị điều tra do bị nghi ngờ có dính dáng đến một vụ tai tiếng gian lận trong
bóng đá.
AFP cho biết, cách đây hai năm, chính quyền Trung Quốc đã phát hiện ra một
vụ cá cược bóng đá lớn và các trận đấu gian lận. Trong vụ tai tiếng này, hàng
chục người đã bị bắt giữ.
Tập đoàn Thật Đức và câu lạc bộ bóng đá của ông Từ Minh có trụ sở chính tại
thành phố Đại Liên. Khi đó, ông Bạc Hy Lai còn là chủ tịch và Bí thư của thành
phố. Và đây cũng là nơi mà Bạc Hy Lai bắt đầu thăng tiến trên con đường chính
trị.
Hiện tại, tập đoàn Thật Đức vẫn chưa đưa ra bình luận gì
về vụ việc. Và cho đến hôm nay, vẫn không thể nào bắt liên lạc được với tập
đoàn.
Theo báo chí Hồng Kông, Từ Minh và Bạc Hy Lai từng là bạn với nhau. Nhiều
tin đồn cho rằng có lẽ chính Từ Minh đã tài trợ một phần kinh phí cho Bạc Qua
Qua, con trai của Bạc Hy Lai theo học tại hai trường đại học danh tiếng nhất
Oxford và Harrow tại Anh quốc.
Việc thanh trừng “ngôi sao đang lên” Bạc Hy Lai – nổi tiếng qua một chiến
dịch chống tham nhũng dữ dội - trước thềm đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã
làm dấy lên nhiều tin đồn “giật gân” nhất trên các trang mạng. Hậu quả là chính quyền Bắc Kinh buộc phải cho khóa phần bình luận trên hai
trang mạng xã hội chính là Vi Bác và QQ để chống tin đồn.
Tags: Châu Á - Trung Quốc - Xã Hội
*****
Bạc Hy Lai bị loại khỏi Trung ương Đảng
BBC
- Thứ ba, 10 tháng 4, 2012
Cựu Bí thư Trùng Khánh, ông Bạc Hy Lai
đã bị khai trừ khỏi Ban Chấp hành Trung ương của Đảng Cộng sản Trung
Quốc, theo Reuters trích các nguồn tin từ nước này.
Bản
tin của hãng thông tấn Anh hôm 10/4/2012 nói có tới bốn nguồn tin nội
bộ ẩn danh cho họ biết rằng ông Bạc Hy Lai đã bị đuổi khỏi cơ quan
quyền lực của Đảng cầm quyền, và mất chức ủy viên Bộ Chính trị.
Lý
do nêu ra, theo Reuters, là vụ bê bối liên quan đến người phó của ông
tại Trùng Khánh, cựu phó thị trưởng kiêm giám đốc công an, ông Vương
Lập Quân.
Vụ
ông Vương đã chạy vào trú ẩn ở lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô làm
bùng ra vụ mâu thuẫn nội bộ tại Trùng Khánh, phá tan hình ảnh ‘đoàn
kết trong Đảng’ ở cấp cao nhất tại Trung Quốc.
Cuối
ngày, hãng tin Tân Hoa Xã của Trung Quốc đã xác nhận tin này và nói
chính quyền sẽ điều tra cả mối liên hệ giữa vợ ông Bạc Hy Lai và tin
tức về cái chết của một doanh nhân Anh.
Chấm
dứt sự nghiệp
Quyết
định khai trừ ông Bạc khỏi Trung ương Đảng và Bộ Chính trị coi như
chấm dứt sự nghiệp chính trị của ông.
Ông
Bạc xuất hiện công khai lần cuối vào dịp họp Quốc hội Trung Quốc
cuối tháng Ba năm nay, rồi bị mất chức bí thư Trùng Khánh.
Nhưng
kể từ đó, tiếp tục xuất hiện ngày một nhiều các câu chuyện gây tổn hại uy
tín của ông Bạc.
Đầu
tuần này, chính phủ Anh đã yêu cầu Trung Quốc mở lại điều tra về cái chết của
doanh nhân người Anh Neil Heywood, một người bạn thân của ông Bạc Hy Lai và
vợ ông, bà Cố Khai Lai.
Các
tin chưa được xác nhận nói vị cảnh sát trưởng, ông Vương Lập Quân của ông Bạc
đã có thông tin về cái chết của ông Heywood.
Hồi
giữa tháng trước, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã Bấm cách chức Bí
thư Thành ủy Trùng Khánh của ông Bạc Hy Lai.
Động
thái này xảy ra chỉ một ngày sau phiên bế mạc kỳ họp Quốc hội
thường niên của Trung Quốc khi mà sự vắng mặt của ông Bạc đã gây ra
những đồn đoán về tương lai chính trị của ông này.
Ông
Bạc, 62 tuổi, từng là một trong các ứng viên hàng đầu dự kiến sẽ
được cất nhắc vào các vị trí cao nhất trong kỳ Đại hội Đảng vào
cuối năm nay.
Cảnh
sát Trung Quốc hồi cuối tháng Ba đã bắt sáu người và đóng 16 trang web sau khi
phát tán tin đồn về đảo chính và có xe quân sự hiện diện trên đường phố Bắc
Kinh.
Các
thông điệp đăng trên mạng đã được phương tiện truyền thông trên khắp thế giới
trích dẫn, xảy ra trong bối cảnh bất an kể từ sự kiện cách chức Bí thư Thành ủy
Trùng Khánh, ông Bạc Hy Lai.
*****
Phu nhân cựu bí thư Trùng Khánh
Michael Bristow - BBC News, Bắc
Kinh - Thứ tư, 11 tháng 4, 2012
Vợ
ông Bạc Hy Lai, người bị bắt vì cáo buộc liên quan vụ sát hại một doanh
nhân người Anh, từng được ví như một 'Jackie Kennedy của Trung Quốc'.
Ed Byrne, một luật
sư người Mỹ từng làm việc với bà Cốc Khai Lai vài năm về trước nói
với BBC rằng bà là một người xinh đẹp, lôi cuốn và hài hước. Ông Byrne, người ở Denver bang Colorado, cho biết ông “bị sốc” khi hay
tin bà bị dính líu đến một cuộc điều tra tội giết người.
Thực tế, đã có
một vụ giết người thật.
Bà Cốc vừa được
“chuyển sang cho cơ quan pháp luật” bởi vì bà là nghi phạm hàng đầu
trong vụ sát hại doanh nhân người Anh, Neil Heywood.
Vụ này cũng là
nguyên nhân dẫn đến sự xuống dốc của chồng bà, ông Bạc Hy Lai, người
mới đây còn được cho là một trong những chính trị gia ảnh hưởng nhất
Trung Quốc.
Bà Cốc là người
vợ thứ hai của ông Bạc. Bà từng học luật tại Đại học Bắc Kinh danh
tiếng trước khi thành lập công ty luật của riêng mình.
Ông Byrne gặp bà
Cốc lần đầu tiên ở thành phố Đại Liên, nơi ông Bạc Hy Lai từng làm
thị trưởng. Ông cùng một khách hàng đã gặp bà
Cốc để bàn việc làm ăn.
“Bà ấy gây ấn
tượng mạnh cho tôi. Bà Cốc Khai Lai vừa xinh đẹp, vừa lôi cuốn và hài
hước.”
"Bà
ấy gây ấn tượng mạnh cho tôi. Bà Cốc Khai Lai vừa xinh đẹp, vừa lôi
cuốn và hài hước."
Luật sư Mỹ Ed Byrne
Sau đó, bà Cốc đã
tự liên lạc với ông Byrne và đề nghị ông làm đại diện cho một số
công ty ở Đại Liên trong một vụ kiện ở Mobile, Alabama. Lúc đó là năm
1997.
Vốn thông thạo tiếng Anh, bà Cốc Khai Lai đóng vai
trò quan trọng trong vụ đó, giúp các công ty của Trung Quốc thắng
kiện.
Bà đã viết một
cuốn sách về kinh nghiệm tranh tụng của mình, mang tựa đề “Thắng
kiện trên đất Mỹ”.
Ông Byrne sau đó đã
hợp tác cùng với bà Cốc, tên tiếng Anh là Horus Kai, trong một số vụ
khác. Ông gặp bà nhiều lần ở cả Mỹ và Đại Liên. Luật
sư này cũng từng gặp chồng bà và được mời tham dự nhiều cuộc tiệc
tùng.
“Người ta ví vợ
chồng bà như 'vợ chồng Tổng thống Kennedy' của Trung Quốc. Họ được
cho là những người hiện đại và cởi mở.”
'Xung đột quyền lợi'
Một nguồn thân cận
với gia đình ông Bạc cũng nói về bà Cốc Khai Lai, 52 tuổi, với những
lời lẽ vô cùng tốt đẹp.
Nguồn tin này cho
biết bà đã đóng cửa công ty luật của mình khi ông Bạc trở thành Bí
thư Thành ủy Trùng Khánh để tránh bị nói rằng bà nhờ vả công danh
của chồng.
“Bà ấy đã đóng
cửa công ty luật đúng lúc nó đang phát triển mạnh và hoạt động hết
sức thuận lợi ,” nguồn tin này nói.
Người này nói
những năm gần đây bà Cốc Khai Lai không được khỏe và hầu như không ra
khỏi nhà ở Trùng Khánh.
“Bà ấy ở nhà đọc
sách,” ông kể về bà Cốc, người cũng có xuất thân giống chồng mình,
nghĩa là con của quan chức cấp cao.
Cha bà là Tướng
Cốc Cảnh Sinh, một nhà cách mạng nổi tiếng thời kỳ trước khi Đảng
Cộng sản Trung Quốc lên cầm quyền. Vị tướng này đã
giữ một số chức vụ trong chính quyền cộng sản, nhưng cũng giống như
nhiều người khác, ông đã bị bỏ tù trong thời kỳ Cách mạng Văn hoá,
khi nền chính trị lâm vào hỗn loạn.
Bà Cốc chỉ là một
cô bé thích chơi đàn tỳ bà khi cuộc Cách mạng Văn hóa bắt đầu, nhưng
cũng phải chịu hậu quả. Bà bị buộc phải làm việc ở cửa hàng thịt
và nhà máy dệt.
Tuy nhiên, việc học
hành của bà không bị ảnh hưởng. Bà có bằng cử nhân luật và sau đó
là bằng thạc sĩ về chính trị quốc tế ở Đại học Bắc Kinh. Bà được cấp thẻ luật sư vào năm 1988 và sau đó lập công ty luật
Khai Lai tại Bắc Kinh.
Bà Cốc Khai Lai gặp
ông Bạc Hy Lai lần đầu vào năm 1984 trong một chuyến dã ngoại ở tỉnh
Liêu Ninh. Ông Bạc lúc đó là bí thư huyện ủy.
Hai ông bà có một
người con trai, tên là Bạc Qua Qua, người từng học ở trường tư Harrow
nổi tiếng trước khi theo học Đại học Oxford ở Anh. Nay
Bạc Qua Qua đang học tại Đại học Harvard, Hoa Kỳ.
Vẫn theo nguồn thân
quen với gia đình ông Bạc, bà Cốc Khai Lai, người thành đạt và thông
minh, đã rút lui khỏi các hoạt động xã hội và kinh doanh sau khi
chồng bà nhận chức Bí thư Trùng Khánh năm 2007.
Tuy nhiên, dường như
sai lầm nếu nói bà đã hoàn toàn tách khỏi công việc làm ăn. Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc, Tân Hoa Xã, nói rằng bà có
quan hệ về kinh tế với ông Heywood. Hãng này cho biết,
đã có xung đột về quyền lợi giữa hai bên, và xung đột này ngày càng
sâu thêm.
Bà Cốc Khai Lai
hiện đang là nghi phạm trong một vụ giết người.
*****
Bạc Hy-lai: ngôi sao vụt tắt. Vì đâu?
Việt-Long, RFA - 12-04-2012
Quả bom chính trị bùng nổ ở Trung Quốc khi Uỷ
viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Bí thư Thành uỷ và Thị trưởng Trùng Khánh
Bạc Hy-Lai bị cách chức. Sau đó phu nhân của ông, bà Cốc Khai-Lai, bị câu lưu
để điều tra, tình nghi có liên can đến cái chết của doanh gia người Anh Neil
Heywood. Đây là một vụ án hình sự hay cuộc đấu tranh quyền lực ở cấp lãnh đạo
đảng Cộng sản Trung Quốc?
Trước hết hai trường hợp này liên quan chặt
chẽ với nhau và cùng liên quan đến một nhân vật thứ ba, là Cục trưởng cục tư
pháp và Giám đốc sở cảnh sát Trùng Khánh Vương Lập-Quân. Ông này từng là cánh
tay mặt của Ông Bạc Hy-Lai trong chiến dịch gọi là “xướng hồng đả hắc”, trong
đó ông Bạc đề cao tư tưởng Mao Trạch Đông, tấn công tiêu diệt xã hội đen cùng
những hành động tiêu cực cả trong xã hội cũng như trong chính quyền địa phương.
Ông Vương Lập-Quân hồi tháng trước đã bị mất
chức sau khi hồi tháng 2 ông nói với ông Bạc về những nghi vấn quanh bà vợ của
ông. Ông Vương, bị đưa về chức vụ thấp kém hơn và không có lực lượng an ninh
trong tay, đã sợ hãi và phải chạy sang Tứ Xuyên, trốn vào toà lãnh sự Hoa Kỳ
tại Thành Đô, đem theo hồ sơ tố cáo vợ chồng ông Bạc Hy-Lai.
Sáng hôm sau ông trở ra và lập tức bị vòng
vây công an bắt giữ, sau cùng bị giải về Bắc Kinh.
Vụ án hình sự hay chính trị?
Quốc hội Trung Quốc nhóm họp, tháng 3-2012- AFP
video screenshot
Lý do trực tiếp là cái chết của doanh nhân
người Anh Heywood, khi cơ quan điều tra nói là bà Cố Khai-Lai bị nghi ngờ rất
nặng nề về tội đầu độc người này. Nhưng ở bề trong, giới thông thạo về Trung
Quốc nhận định rằng đó cũng là dịp để những nhà lãnh đạo ở Trung Ương loại trừ
một nhân vật rất nổi tiếng và được lòng quần chúng, cũng được sự ủng hộ của
không ít Uỷ Viên trung ương Đảng và nhiều đảng bộ quân đội, tức là có triển
vọng chiếm được nhiều phiếu ủng hộ trong dịp thay đổi nhân sự lãnh đạo mười năm
một lần trong đại hội đảng thứ 18 sắp tới.
Một ngôi sao nhiều tham vọng
Ông Bạc Hy-Lai là người có phong cách hấp dẫn
quần chúng và giới ngoại giao nước ngoài. Ông công khai hoạt động để làm nổi
bật cá nhân, khác với các cấp lãnh đạo Trung ương của đảng Cộng Sản thường tỏ
ra khiêm tốn, tỏ ra mình chỉ là người tuân hành chỉ đạo của tập thể. Có ý kiến
cho rằng ông Bạc cũng không dấu ý định leo cao hơn nữa trong bộ chính trị vào
kỳ đại hội 18 này.
Trước đây ông họ Bạc Hy-Lai đã giữ chức vụ
thị trưởng thành phố cảng Đại Liên thuộc tỉnh Liêu Ninh ở vùng đông bắc từ năm
1993. Ông cải biến nơi này thành một địa điểm du lịch và đầu tư nổi tiếng của
Trung Quốc.
Qua 2007, sang Trùng Khánh, một thành phố lớn
dông dân nhất của Trung Quốc với dân số cả ngoại thành 31 triệu người, nằm sâu
trong phía tây nội địa, cạnh Tứ Xuyên, gần Tây Tạng, ông lại làm sạch nơi này,
tăng cường đầu tư của nhà nước và thực hiện những dự án dân sinh như làm khu cư
trú tập thể cho người nghèo, người già, cùng nhiều dự án khác có tính cách “đem
của người giàu chia cho người nghèo”, đưa kinh tế nơi này lên một mức phát
triển mới. Lãnh đạo ở Bắc Kinh từng khen ngợi ông và đến thăm Trùng Khánh. Báo
chí nhà nước có lúc đã coi đó là mô hình phát triển cho miền Tây. Như thế vì
sao ông lại có thể bị Trung ương loại trừ?
“Cờ Hồng” rách nát!
Lý do chính là “lá cờ hồng Mao Trạch Đông”
trong mọi hoạt động của ông Bạc Hy Lai do chính ông dựng lên, đầu tiên là trong
chiến dịch tấn công xã hội đen và tiêu cực. Ông thực hiện sách lược độc đoán và
cứng rắn như thời Mao trong chiến dịch này, từng bị nước ngoài lên án xâm phạm
nhân quyền, bắt giữ và tra tấn hằng ngàn người, cao điểm là vụ đưa nguyên cục
trưởng tư pháp Văn Cường của Trùng Khánh ra pháp trường.
Ưu điểm về phong cách cá nhân và sự hấp dẫn
quần chúng cũng như giới đầu tư nước ngoài của ông cũng khiến ông trở thành một
biểu tượng lãnh đạo mới có thể vượt cao hơn thành phần trong bộ chính trị hiện
tại, là những người được coi là dẫn đạo trào lưu đổi mới, trái ngược với chủ
trương của thời cách mạng văn hóa khi xưa.
Điều gì chứng minh việc đó?
Trước khi họ Bạc bị cách chức, sau khoá họp
quốc hội vừa rồi, hôm 14 tháng 3 Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã lên tiếng cảnh báo
trực tiếp rằng nguy cơ cách mạng văn hóa sống lại là có thật. Lúc đó có thể là
lúc Trung ương đã nghiên cứu hồ sơ tố giác của Vương Lập-Quân và có quyết định
về ông Bạc Hy-Lai, nhưng còn phải tiếp tục nghiên cứu trường hợp bà vợ là Cố
Khai Lai. Ngày hôm sau, 15 tháng 3, ông họ Bạc bay chức Bí thư Thành uỷ và Thị
trưởng Trùng Khánh. 1 tháng sau ông mất luôn ghế Uỷ Viên Bộ chính trị Trung
ương Dảng.
Ông Bạc Hy Lai cũng thuộc thành phần gọi là
“thái tử Đảng” như các cấp lãnh đạo ở Trung ương, vì thân phụ của ông là công
thần cách mạng Trung Quốc Bạc Nhất Ba, bộ trưởng tài chính đầu tiên của Trung
Quốc, sau bị đày ải vì cách mạng văn hóa nhưng lại được trở lại quyền lãnh đạo
trong thời Đặng Tiểu Bình.
Họp quốc hội, ông Bạc
Hy-Lai phía sau chủ tịch Hồ Cẩm-Đào và Thủ tướng Ôn Gia-Bảo, 9 tháng 3, 2012 -
AFP photo
Một chi tiết
nữa, sau khi ông Bạc Hy-Lai rời khỏi chức vụ thì người được tạm thay là phó Thủ
tướng Trương Đức Giang, cũng là một “thái tử Đảng”, để cân bằng quyền lực trong
giới lãnh đạo trung ương. Các khẩu hiệu phát động phong trào trong thời họ Bạc
đều bị gỡ sạch. Phong trào phổ biến nhạc đỏ cũng bị dẹp tan. Như vậy nghĩa là
trung ương cương quyết xoá mọi dấu vết của thời kỳ đã bị ngầm lên án là tái
phát động cách mạng văn hóa.
Cuối cùng, tương lai ông Bạc Hy Lai ra sao?
Ông họ Bạc được nhiều người ủng hộ, nên có ý
kiến cho rằng ông cũng có thể trở lại quyền lực giống như thời kỳ ông Đâng Tiểu
Bình lật ngược thế cờ và đưa thân phụ ông là ông Bạc Nhất Ba trở lại chính
trường. Tuy nhiên điều đó chỉ có thể xảy ra ở thời hậu cách mạng văn hóa cách
nay đã mấy mươi năm. Trong thời đại ngày nay ở Trung Quốc khó lòng có sự “lật
ngược thế cờ” như vậy.
Tại sao
là bà Bạc Cốc Khai Lai?
SGTT.VN – 13-4-2012
Những tình tiết mới về cái chết của doanh nhân người Anh Neil
Heywood trong vụ bê bối Bạc Hy Lai, mới được Wall Street Journal tiết lộ, đang
dần hé mở bức màn bí mật đằng sau chính trường Trung Quốc.
Ông bà Bạc Hy Lai và người con trai - Ảnh: TL
Wall Street Journal hôm 12-4 dẫn lời một người bạn của Neil
Heywood, cho biết ông này bị triệu tập tới một cuộc họp ngắn ngày ở Trùng Khánh
vào đầu tháng 11-2011 để gặp đại diện gia đình Bạc Hy Lai.
Trước khi bay đến Trùng Khánh, ông nói mình “đang gặp rắc rối” đã
chuẩn bị các bước “tự vệ” bằng cách để luật sư của mình ở Anh lưu giữ tài liệu
chi tiết về các khoản đầu tư nước ngoài của gia đình ông Bạc, như một “chính
sách bảo hiểm” trong trường hợp xảy ra bất trắc.
Theo lời kể, ông Heywood cảm thấy lo ngại cho sự an toàn của mình
sau vụ đụng độ với bà Cốc Khai Lai. Ông Heywood còn tiết lộ với bạn bè rằng bà
Cốc lúc đó đang lo lắng vì đã bị người trong “nhóm thân cận của gia đình” phản
bội.
Những chi tiết mới về chuyến đi của ông Heywood đến Trùng Khánh,
việc ông đã làm thời gian cuối đời và tuyên bố sở hữu tài liệu về lợi ích đầu
tư nước ngoài của nhà họ Bạc, đang làm sáng tỏ cái chết bí ẩn của ông trong
khách sạn vào tháng 11-2011. Chính quyền Trung Quốc hôm thứ ba 10-4 đã xác định
đây là vụ “cố ý giết người”.
Cũng vào hôm thứ ba 10-4, bà Cốc đã bị bắt giữ với cáo buộc liên
quan đến cái chết bí ẩn của ông Heywood. Một điều lạ là trong các văn bản của
Đảng, bà Cốc được gọi tên là Bạc Cốc Khai Lai – vốn không phải là truyền thống
của phụ nữ nước này. Theo một số người, đây là dấu hiệu cho thấy cơ quan chức
năng muốn “kết tội” cả hai vợ chồng Bạc Hy Lai vào tội mưu sát.
T. Hạnh (WSJ)
*****
'Người Anh xấu số' ở Trùng Khánh
BBC
- Chủ nhật, 15 tháng 4,
2012
Cái tên Bạc Hy Lai, người vừa bị đá khỏi Bộ
Chính trị Trung Quốc, đã trở thành quen thuộc với truyền thông nước Anh những
ngày này, một phần vì liên hệ phức tạp với một doanh nhân người Anh quá cố.
Cái
chết của ông Neil Heywood tại Trung Quốc tháng 11 năm ngoái ban đầu được cho là
vì "uống rượu quá độ". Nhưng từ sau khi ông Bạc Hy Lai bị cách
chức Bí thư Trùng Khánh, vợ của ông đã bị điều tra vì tình nghi giết ông
Heywood.
Vẫn
còn nhiều ẩn số quanh doanh nhân người Anh này, nhưng ít nhất người ta biết
rằng ông ta đến Trung Quốc đầu thập niên 1990 và nói được tiếng Trung.
Từ
London, báo The Independent số ra hôm nay cho biết khi mới bắt đầu đến Trung
Quốc làm ăn, Neil Heywood viết thư cho một loạt các chính khách đang lên. Bạc Hy Lai trả lời thư, và doanh nhân người Anh kia đã dần dần thiết lập
quan hệ với ông Bạc, người vợ thứ hai Cốc Khai Lai và đứa con trai Bạc Qua Qua.
Khi
đó, ông Bạc còn là thị trưởng Đại Liên, là thành phố mà Heywood gặp và kết hôn
với một phụ nữ người Hoa, Vương Lộ Lộ. Đến lúc ông Bạc được
điều về cai quản thành phố Trùng Khánh, ông Heywood cũng duy trì quan hệ tuy
sống ở Bắc Kinh.
Ông
ta đã giúp gia đình họ Bạc trong các vụ đầu tư, giới thiệu các công ty nước
ngoài đến đây kinh doanh, và được cho là giúp con trai Bạc Qua Qua đi học ở
trường tư Harrow (Heywood từng học ở đó) và sau này là Balliol College của Đại
học Oxford.
Theo
The Independent, ông Neil Heywood tạo cho mình ấn tượng bí hiểm như thể ông có
quan hệ nào đó với giới tình báo. Và quả thực, có lúc ông đã làm cho Hakluyt&Company,
một hãng tư vấn được một viên chức MI6 đồng sáng lập.
Nhưng
đến năm ngoái, quan hệ của Heywood với bà Cốc Khai Lai xấu đi. Có tin nói bà mắc chứng trầm cảm và có những đề nghị quái dị như bắt các
nhân vật thân cận, gồm cả Heywood, phải ly dị và thề trung thành. Dĩ nhiên ông
Heywood từ chối.
Và
rồi đến một ngày định mệnh tháng 11 năm ngoái, ông Heywood được gọi đến Trùng
Khánh.
Ông vào ở một khách sạn, đến nay chưa rõ tên, và xác ông
sau đó được tìm thấy ở đây.
Phía
Trung Quốc nói với Sứ quán Anh rằng ông uống rượu nhiều quá, nhưng lại nói với
gia đình ông rằng ông bị đau tim. Dù gì đi nữa, hình như chẳng ai nghi ngờ về
cái chết đột ngột của một người 41 tuổi, và thi thể của ông được hỏa táng.
Ở
Anh tuần này, một số người đã chất vấn vì sao Sứ quán Anh khi đó dễ dàng để vụ
việc trôi đi.
Vai
trò Vương Lập Quân
Trong
phần kế tiếp, người ta được biết giám đốc công an Trùng Khánh, Vương Lập Quân,
đã gặp Bạc Hy Lai tháng Hai năm nay.
Theo
thông tin công bố, ông Vương nói cấp dưới đã báo cáo rằng cái chết của Heywood
là vụ giết người và bà Cốc Khai Lai thuộc diện tình nghi. Vị
Bí thư Thành ủy lập tức giáng chức ông Vương, khiến ông này lo cho tính mạng.
Ngày
6/2, ông Vương liên lạc với Lãnh sự quán Anh hẹn gặp nhưng lại không đến. Ông
ta lái xe suốt 170 dặm để đến Lãnh sự Mỹ ở Thành Đô. Theo
các tin đồn, ông Vương khai báo đủ chuyện với người Mỹ, giao nộp nhiều tài
liệu. Phía Mỹ nhận tài liệu nhưng từ chối bảo vệ và một ngày sau, giới chức
Trung Quốc kéo vào để áp giải họ Vương.
Ông
Vương đã bị bắt giam và không ai biết ông đang ở đâu.
Những
diễn biến sau đó đã được công khai. Bạc Hy Lai mất chức Bí thư Trùng Khánh, bị
hất khỏi Bộ Chính trị và vợ ông bị tạm giữ để điều tra vụ giết Heywood. Nhưng nếu quả thật đây là vụ sát nhân, thì vì lý do gì? Vì sao Cốc Khai Lai
phải giết một công dân nước ngoài chỉ vì "tranh chấp kinh tế"?
Truyền
thông tiếng Anh phỏng đoán nếu quả thật bà đã giết Heywood, có thể là vì
Heywood biết quá nhiều về cách thức kiếm tiền của gia đình họ Bạc. Đã có lời đồn rằng trước khi chết, ông Heywood đã trao hồ sơ cho một luật
sư như một cách "bảo hiểm tính mạng". Vẫn
không rõ tên người luật sư này cũng như nội dung tập tài liệu.
Cáo
buộc tham nhũng
Nhiều
năm qua đã có không ít cáo buộc tham nhũng với Bạc Hy Lai và gia đình. Thời
gian ông làm thị trưởng Đại Liên cũng đã có lời đồn không hay, nhưng một phóng
viên tố cáo đã bị cầm tù và đã sống lưu vong ở Canada từ 2009.
Người dân Trung Quốc cũng tranh cãi làm thế
nào ông có tiền cho con trai đi học trung học và đại học ở nước ngoài.
Ông
Bạc luôn khẳng định Bạc Qua Qua được học bổng, nhưng học lực anh này không có
vẻ gì đặc biệt. Tại Oxford, anh ta có tiếng hay chơi bời và được yêu cầu phải
dành thêm thời gian cho thi cử. Dẫu vậy, chàng trai trẻ cũng đã được Trường
Quản lý Nhà nước John F. Kennedy của Đại học Harvard (học phí 70,000 đôla) nhận
vào học. Tại đây, Bạc Qua Qua thuê căn hộ với giá 3,700 đôla/tháng và lái một
chiếc Porsche.
Dù
học lực của Bạc Qua Qua không xuất sắc, nhưng dường như tài quan hệ của anh này
là có thực, theo báo Anh The Telegraph.
Khui
ra quan hệ của gia đình Bạc Hy Lai với tầng lớp thượng lưu của Anh, báo này cho
hay khi học ở Anh, Bạc Qua Qua đã kịp thiết lập quan hệ với không ít nhân vật
quan trọng.
Một
người được nói là đóng vai trò như "người thầy" là Lord Powell, từng
là thư ký riêng của Thủ tướng Margaret Thatcher và John Major. Lord Powell thừa nhận: "Tôi biết cậu ta thông qua ông bố và thỉnh
thoảng có gặp khi cậu ta học ở Oxford."
Tháng
Sáu năm ngoái, Bạc Hy Lai mở nhiều buổi tiệc thết đãi ở Trùng Khánh. Trong số
khách tham dự có Lord Powell, và Lord Mandelson (từng là một trong vài chính
khách quan trọng nhất khi Tony Blair làm thủ tướng Anh).
Khi
sang Harvard, Bạc Qua Qua năm ngoái cũng tổ chức kỳ du ngoạn Trung Quốc cho các
bạn học: đưa họ về Trùng Khánh gặp giới quan chức.
*****
Quân khu Thành Đô 'bị điều tra'
BBC
- Chủ nhật, 15 tháng 4,
2012
Quân khu Thành Đô
Năm nhóm điều tra của Quân ủy Trung ương
Trung Quốc đến Trùng Khánh để xem xét liên hệ giữa các sĩ quan cao cấp với ông
Bạc Hy Lai, theo báo South China Morning Post.
Ông
Bạc Hy Lai, từng là Bí thư Trùng Khánh, đã bị loại khỏi Bộ Chính trị và vợ ông
bị bắt với cáo buộc dính líu cái chết bí hiểm của một doanh nhân người Anh.
Tờ
báo đặt ở Hong Kong dẫn lời một nguồn giấu tên: "Năm nhóm đã được gửi tới
Quân khu Thành Đô để điều tra có hay không, và đến mức nào, việc các sĩ quan
cao cấp và quân đội dính líu trường hợp họ Bạc."
Nguồn
này không nói rõ ai đang bị điều tra, nhưng có đồn đoán rằng nhiều viên tướng ở
đây là bạn thân của ông Bạc Hy Lai.
Quân
khu Thành Đô cai quản khu vực tây nam, gồm có thành phố Trùng Khánh, các tỉnh
Tứ Xuyên, Vân Nam, Quý Châu và cả Khu Tự trị Tây Tạng. Cũng
nguồn tin này nói với South China Morning Post rằng đang có tin đồn Quân đoàn
14 đặt ở Côn Minh (thủ phủ Vân Nam) bị điều tra. Cha
của ông Bạc Hy Lai, Bạc Nhất Ba, đã thành lập Quân đoàn 14.
Cuộc
điều tra Quân khu Thành Đô có thể xem là thêm nỗ lực triệt hạ vây cánh của ông
Bạc Hy Lai, người có mối quan hệ gần gũi với lực lượng quân đội khi còn nắm
quyền ở Trùng Khánh. Các phóng viên ở Trùng Khánh nói ông Bạc đã
từng trú trong doanh trại quân đội khi mới bắt đầu đánh phá tội phạm có tổ chức
hai năm trước.
Trong
khi đó, hôm thứ Bảy, một tờ báo ở Trùng Khánh - Nhật báo Trùng Khánh - có bài
nói ông Bạc Hy Lai và cựu cảnh sát trưởng thành phố, Vương Lập Quân, đã vi phạm
pháp luật. Việc cựu giám đốc công an Vương Lập Quân
chạy vào Lãnh sự Mỹ ở Thành Đô hồi tháng Hai đã mở màn cho tấn kịch liên quan
ông Bạc.
Nhật
báo Trùng Khánh viết: "Những người như Bạc Hy Lai và Vương Lập Quân đã vi
phạm pháp luật và kỷ luật Đảng ... và hủy hoại nghiêm
trọng hình ảnh đất nước và Đảng."
Đây
được xem là ám chỉ đầu tiên về khả năng ông Bạc có thể bị truy cứu tội hình sự.
*****
Doanh nhân Anh bị nghi giúp Bạc Hy Lai rửa tiền
VnExpress - 18/04/2012
Một
nguồn tin giấu tên từ Trùng Khánh tiết lộ mối quan hệ làm ăn của Neil Heywood
với gia đình bí thư mất chức Bạc Hy Lai, cũng như nguyên nhân dẫn đến cái chết
của doanh nhân này.
Heywood (trái) được cho là
giúp gia đình cựu quan chức cấp cao Trung Quốc, Bạc Hy Lai, thực hiện các phi
vụ chuyển tiền ra nước ngoài - Ảnh: Telegraph
Kể
từ sau khi ông Bạc Hy Lai mất chức bí thư đảng ủy thành phố Trùng Khánh và sau
đó là ghế ủy viên Bộ Chính trị và Ủy viên trung ước, thông tin về những nghi
vấn xung quanh việc làm ăn của gia đình ông, đặc biệt là người vợ Cốc Khai Lai,
dần xuất hiện trên báo Trung Quốc và nước ngoài.
Tờ
New York Times hôm nay dẫn lời một nguồn tin thân cận với cơ quan điều tra vụ
án về cái chết của doanh nhân Anh cho biết Neil Heywood là người trung gian,
giúp chuyển khối tài sản của gia đình ông Bạc Hy Lai ra nước ngoài.
Tuy
nhiên Heywood đã làm mất lòng tin của bà Cốc Khai Lai khi yêu cầu khoản thù lao
cao hơn số tiền mà bà Cốc dự kiến. Sau khi bà Cốc không chấp nhận, Heywood lại
mắc sai lầm nghiêm trọng hơn là đe dọa rằng mình có đủ khả năng để tố cáo và
hủy hoại gia đình bà. Do đó, bà Cốc được cho là đã ra lệnh đầu độc Heywood bằng
chất độc cyanide.
Đây
là lần đầu tiên nguyên nhân tử vong của Heywood được tiết lộ. Tuy nhiên nhiều
người dân Trùng Khánh, thậm chí cả những kẻ thù của ông Bạc cũng tỏ ra nghi ngờ
về tính xác thực của thông tin trên.
Trước
đó, một văn bản của chính phủ Trung Quốc chỉ nói bà Cốc và một người "tâm
phúc" là nghi can trong cái chết của doanh nhân người Anh vì một số
"mâu thuẫn trong vấn đề tài chính".
Hiện
không rõ số tiền mà bà Cốc cố gắng để chuyển ra nước ngoài là bao nhiêu và vì
sao bà giao phó cho Heywood trong khi có nhiều phương thức chuyển tiền tinh vi
khác thường được sử dụng trong các vụ rửa tiền. Mối bất hòa giữa hai bên cũng
không rõ có từ lúc nào vì bạn bè của Heywood cho biết ông đã không còn qua lại
với gia đình ông Bạc ít nhất một năm trước khi chết.
Trước
khi mâu thuẫn xảy ra, Heywood là "bạn bè thân thiết" của gia đình ông
Bạc và nguồn tin cũng cho biết thường xuyên nhìn thấy doanh nhân này xuất hiện
ở công ty của bà Cốc Khai Lai.
Heywood
đặc biệt gần gũi với bà Cốc, mẹ đỡ đầu của một trong hai đứa con của ông. Một
số người thậm chí còn cho rằng có mối quan hệ tình cảm giữa hai người. Tuy
nhiên, nguồn tin nói trên phủ nhận điều này.
Doanh
nhân Heywood, 41 tuổi, được phát hiện chết trong phòng khách sạn tại Trùng
Khánh tháng 11 năm ngoái. Ban đầu, cảnh sát kết luận Heywood tử vong vì uống
rượu quá mức và thi thể đã được hỏa táng. Tuy nhiên, bạn bè của người này cho
biết ông ấy không uống nhiều đến vậy.
Đầu
năm nay, Trung Quốc đình chỉ mọi chức vụ của Bạc Hy Lai trong đảng và chính
quyền vì "vi phạm kỷ luật nghiêm trọng". Còn vợ của ông bị tình nghi
chủ ý giết hại doanh nhân người Anh. Bê bối chính trị nghiêm trọng này khởi đầu
từ việc cựu giám đốc công an Trùng Khánh đồng thời là cánh tay phải trong chiến
dịch trấn áp tội phạm của ông Bạc - ông Vương Lập Quân - vào lãnh sự quán Mỹ ở
Tứ Xuyên. Vương được cho là đã tiết lộ về các mối nghi ngờ quanh cái chết của
Heywood. Hiện ông Vương đang bị giới chức Trung Quốc tạm giam.
Nguyên
nhân cái chết của Heywood cũng như các sai phạm khác của gia đình cựu chính trị
gia, sự việc được coi là vụ bê bối chính trị lớn nhất Trung Quốc trong nhiều
năm, vẫn đang được điều tra và chưa có kết luận chính thức.
Vũ Hà
*****
Hàng
chục người bị bắt trong vụ Bạc Hy Lai
Người Việt - Wednesday, April 18, 2012
TRÙNG KHÁNH - Trung Quốc bắt giữ hàng chục người bị coi là có dính líu đến vụ Bạc Hy Lai, vào lúc mà đảng Cộng Sản cam đoan sẽ “điều tra ông thật tường tận” và vai trò của vợ ông về cái chết của một thương gia người Anh tên Neil Heywood.
Báo Telegraph tường thuật 39 người được cho đã bị bắt ở
thành phố duyên hải Bắc Ðái Hà (Beidaihe), vốn là nơi nghỉ mát ưa chuộng của
các lãnh tụ đảng.
Wang Kang, một học giả độc lập và nhân vật tiếng tăm ở
Trùng Khánh, cũng là một trong số ít người biết rõ thông tin nội bộ về việc ông
Bạc bị tước mất quyền bính, nói rằng: “Trong số người bị bắt có Xu Ming, người
có quan hệ rất đặc biệt với ông Bạc, và những người khác làm việc gần gũi ông,
phần lớn đều từ thành phố Ðại Liên (Dalian) và những nơi khác chứ không xuất
thân từ Trùng Khánh.”
Ông Wang cho biết thêm, ông Xu nằm trong số những người
giàu nhất ở Trung Quốc và là một tỉ phú đứng đầu tổ hợp kỹ nghệ Dalian Shide.
Theo ông Wang, từ giữa Tháng Ba đến giờ người đàn ông 41 tuổi này bị biệt tích
đâu mất.
Một người đang bị giam là Xia Deling, cựu bí thư đảng
huyện Nam An thuộc Trùng Khánh, nơi xác của ông Heywood được phát giác vào hôm
15 tháng 11, tại khách sạn Nanshan Lijing Holiday Hotel.
Có tin đồn ông Xia đã cung cấp cyanide, là chất độc khiến
ông Heywood bị thiệt mạng.
Hôm Thứ Ba, Ủy Ban Trung Ương Ðảng Cộng Sản TQ nói rằng,
họ đã thi hành một quyết định cứng rắn nhằm điều tra cặn kẽ mạng lưới liên hệ
chung quanh gia đình Bạc Hy Lai. Ủy ban này nói thêm, việc ông Vương Lập Quân,
cảnh sát trưởng Trùng Khánh âm mưu trốn sang Mỹ, là một “biến cố chính trị
nghiêm trọng tạo nên ảnh hưởng xấu cả trong nước lẫn ở hải ngoại,” trong khi
cái chết của ông Heywood là một “vụ án hình sự nghiêm trọng liên hệ đến thân
thuộc và phụ tá của một lãnh đạo đảng lẫn nhà nước.” Cá nhân ông Bạc đã “vi
phạm trầm trọng kỷ luật đảng.” (TP)
*****
Nhà báo Trung Quốc: Bạc Hy Lai có quá khứ đầy dẫy hối lộ
Louisa Lim - Nguyễn Khoa Thái Anh dịch từ npr.org
Bauxite Việt Nam - 20/04/2012
Trung Quốc đang xôn xao vì một vụ
án đầy tình tiết có cả án mạng, trốn chạy, phản bội và âm mưu gay cấn đe dọa sự
ổn định của cả nước. Căn gốc của nó là cái chết của một doanh nhân người Anh 41
tuổi trong một phòng khách sạn ở thành phố Trùng Khánh vào mùa thu năm ngoái.
Chuyện tai tiếng này đã đánh rớt đài một chính trị gia quyền uy cao cấp của
Trung Quốc, Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai, và vợ của ông, trong khi các cơ quan
thông tin của Trung Quốc gián tiếp ám chỉ vụ mua chuộc, hối lộ, tham nhũng và
lạm dụng quyền lực của họ.
Cái chết của một người Anh ở ngoại
quốc hiếm khi gây một âm vang như vậy. Quốc hội Anh hôm thứ Ba, Ngoại trưởng
William Hague đề cập đến cái chết của Neil Heywood, tuyên bố: "Chúng tôi
đang theo đuổi vụ án này một cách cực kỳ thận trọng, nhưng thật quyết
liệt."
"Để
đảm bảo nấc thang quyền lực mình được thăng tiến, Bạc Hy Lai đã sử dụng tất cả
các quyền hạn như thị trưởng thành phố Đại Liên để hối lộ các hoàng tử
khác."
Mỹ cũng đã nhập cuộc. Xì-căng-đan
đã đổ bể khi Vương Lập Quần, Giám đốc Công an của họ Bạc, xin tỵ nạn tại lãnh
sự quán Mỹ ở Thành Đô, cách Trùng Khánh khoảng 100 dặm, vào đầu tháng Hai. Ông
Hague xác nhận rằng Vương Lập Quần đã mang thông tin chi tiết về cái chết đáng
ngờ của Heywood trong tháng mười một. Ông Wang đã bị từ chối không cho tị nạn,
và hiện giờ đang bị Trung Quốc giam giữ.
Sau đó, vào tuần trước, Bắc Kinh
lại tung ra một tin ngoạn mục, chính thức loan báo trên đài truyền hình nhà
nước. Họ cho biết Heywood đã bị sát hại, và các nghi phạm chính là người phụ nữ
được mệnh danh là Jackie Kennedy của Trung Quốc: Cốc Khai Lai, vợ của Bạc Hy
Lai. Bà là người thân cận với Heywood, nhưng "họ có đụng chạm về quyền lợi
kinh tế, ngày càng gia tăng," theo lời thông báo chính thức.
Cốc Khai Lai bị các cơ quan tư
pháp bắt giam vì tình nghi giết người.
Vậy thì Neil Heywood là ai? Hơn
một thập niên trước, Heywood dọn đến Trung Quốc, ban đầu sống ở phía Bắc thành
phố Đại Liên, lúc đó họ Bạc là thị trưởng ở đây. Heywood đã làm một số công
việc cho Hakluyt, một cơ quan tình báo Anh. Ông cũng kết nối quan hệ với gia
đình Bạc Hy Lai, giúp đỡ sắp xếp việc giáo dục của con trai của gia đình họ
Bạc, Bạc Qua Qua, đang theo học tại hai trường nội trú ưu tú của Anh quốc,
Papplewick và Harrow.
Kerry Brown, một chuyên gia về
Trung Quốc, cố vấn cho think tank Chatham House tại London, nói rằng ông đã gặp
Heywood nhiều lần hơn trong vòng 10 năm qua.
"Tôi nhớ anh ấy có nhắc đến
ông Bạc Hy Lai, nhưng không nói chi tiết," ông Brown cho biết Heywood là
một mẫu người tư vấn đã đắc lực bán những mối giao hảo cho gia đình họ Bạc.
"Anh ấy làm việc với các đường dây cá biệt, kinh doanh tự thân riêng lẻ,
và tôi cho rằng hiện giờ khi như câu chuyện đã vở lỡ ra, rất ít người đã biết
nhiều về những gì anh ta đã làm."
Heywood đã bị ám sát vì dọa sẽ
tiết lộ kế hoạch chuyển tiền ra nước ngoài, theo một tin được Reuters rò rỉ từ
cuộc điều tra chính thức của Trung Quốc. Những tin đồn mờ ám về những đồ uống
bị pha chất độc cyanure được đồn thổi trên mạng Internet của Trung Quốc. Nhưng
đối với nhà báo Trung Quốc Jiang Weiping chẳng có cáo buộc nào – ngay cả các
cáo buộc giật gân nhất – là chuyện phải ngạc nhiên. Ông làm việc cho các phương
tiện truyền thông nhà nước tại Hồng Kông, nhưng đã trải qua năm năm tù giam và
thêm ba năm quản thúc tại gia sau khi sử dụng một bút hiệu để báo cáo về tham
nhũng của gia đình họ Bạc. Ông hiện đang sống ở Canada.
Trong một cuộc phỏng vấn qua điện
thoại với NPR (National Public Radio/ Đài Phát Thanh Mỹ (tư nhân), ông Jiang đã
mô tả ông Bạc Hy Lai và vợ của ông đã hoạt động như thế nào vào những năm cuối
của thâp niên 80. Họ Bạc cai quản văn phòng tuyên truyền ở thành phố Đại Liên,
coi sóc các vấn đề về văn hóa. Vợ ông, cũng là một luật sư, khởi xướng Viện
Nghiên cứu Văn hóa về Phong tục Dân gian.
"Những nhân vật đứng đầu các
Hiệp hội Nhà văn và Hiệp hội Nghệ sĩ, v.v., đều do người vợ của ông Bạc Hy Lai
lựa chọn", ông Jiang nói. "Phải có quà cáp trước khi được thăng tiến.
Cô ta nhận được bạc triệu từ những doanh nhân tài trợ cho viện của cô. Nhưng
thực tế cô ta chỉ lo hốt tiền vào. Cô dùng tiền này để tổ chức các buổi tiệc
đình đám, ban bố ân huệ và lót túi của mình."
Trong lúc chồng leo thang quyền
chức, bà Cốc Khai Lai thiết lập một công ty pháp lý, Jiang tin rằng công ty này
thực thi các nhiệm vụ tương tự. Ông Jiang cho rằng cặp vợ chồng này tẩu tán
tiền tài của họ qua tên tuổi các thành viên trong gia đình. Theo cơ quan thông
tấn Bloomberg chị em bà Cốc Khai Lai làm chủ các công ty trị giá 126 triệu USD.
Và theo tin báo, anh trai của Bạc Hy Lai, phó chủ tịch của một công ty quốc
doanh, bằng cách sử dụng biệt danh, được thụ hưởng nhiều cổ phiếu trị giá 25
triệu USD.
Ông Jiang cho biết ông Bạc sử
dụng bất động sản để mua hậu thuẫn của con cháu các quan chức cao cấp, được gọi
là các 'hoàng tử'. "Để ăn chắc rằng mình sẽ được quyền chức, Bạc Hy Lai sử
dụng tất cả quyền hạn thị trưởng thành phố Đại Liên của ông để hối lộ các hoàng
tử khác", Jiang nói. "Ông ấy đã tặng cho họ những giao dịch đất đai,
các dự án tài chính và các cơ hội thương mại ở nước ngoài để gầy dựng mối quen
biết, để họ sẽ giúp ông ta được thăng tiến và làm giàu."
Thật vậy, thậm chí còn có một vụ nói về những
người tay chân của họ Bạc đã "điều phối các lợi ích bất động sản của ông
như thế nào" trong một bức điện ngoại
giao Mỹ bị rò rỉ từ năm 2009. Bức điện này mô tả làm thế nào mọi người gần
ông Bạc "khuynh loát một số tài sản sản đất đai lớn tại Đại Liên."
Với tầm nhìn khuynh tả và hệ
thống phe phái hỗ trợ cao, ông Bạc đã trở thành siêu minh tinh của chính trị
Trung Quốc, một người có nhiều triển vọng lên đến đỉnh cao trong guồng máy lãnh
đạo cao nhất. Và báo chí của Trung Quốc nhấn mạnh rằng sự sụp đổ ngoạn mục của
ông đã không chạm vào bất kỳ một sự bất ổn chính trị nào. "Vụ án này không
nói lên một cuộc đấu tranh chính trị trong nội bộ đảng", một bài xã luận
được công bố trên tờ China Daily nói.
Nhưng rất ít người Trung Quốc tin
điều đó, nhất là trong chiều hướng các bản tin báo đảng viên và quân đội đã
tuyên thệ trung thành với lãnh đạo hiện hành của Trung Quốc. "Chỉ có một
cách để giải thích cho lời thề trung thành của quân đội", ông Zhang Ming,
một chuyên gia về khoa học chính trị tại Đại học Nhân dân của Trung Quốc. Bạc
Hy Lai đã cố gắng huy động quân đội, trong xu hướng giống như một cuộc nổi
loạn. Ông ta đã đi quá đà. "
Chính phủ đã nhất định chối bỏ
bất kỳ tin đồn có âm mưu đảo chính nào, họ bắt giữ sáu người đã loan tin đồn
như vậy. Bạc Hy Lai hiện đang bị điều tra vì "vi phạm nghiêm trọng kỷ
luật," và đã có đồn đoán rằng ông có thể sẽ phải đối đầu với bản án tử hình.
Tuy nhiên, bất kỳ một nỗ lực nào nhằm làm sáng tỏ đường giây mối nhợ về chuyện
hối lộ của ông sẽ có khả năng lôi kéo nhiều người khác ở nhiều tầng lớp trong
nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ông Jiang dự báo nhiều chi tiết
của lối sống cuồng vội của ông Bạc sẽ được đưa ra ánh sáng, kể cả cả những lăng
nhăng tình ái của ông. "Tôi nghĩ nếu nói rằng ông đã có 100 tình nhân thì
đó là một phỏng đoán cực kỳ khiêm tốn. Uy quyền của ông ta rất khủng khiếp. Ông
có nhiều tình nhân, và ông sử dụng phụ nữ như một món quà để tặng cho các quan
chức khác."
Chuyện hiển nhiên là Bạc Hy Lai
là một sản phẩm của hệ thống chính trị của Trung Quốc. Là con trai của một vị
anh hùng cộng sản, ông đã sử dụng dòng máu cách mạng của mình một cách vô kể để
tích lũy sự giàu có và đặc quyền. Vụ án này sẽ mở ra một cửa sổ cho thấy nhân
dạng vương hầu của chủ nghĩa cộng sản, quá rời xa với nguyên thủy chủ nghĩa
Cộng sản mà người ta có thể được tưởng tượng. Tính chính thống của Đảng Cộng
sản Trung Quốc có thể bi lung lay.
Những ai lạc quan thì hy vọng
scandal này sẽ dẫn đến cải tổ chính trị. Chọn lựa khác, họ nói, là không thể
mường tượng nổi.
L. L. - Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN.
*****
Ba câu hỏi dành cho Bắc Kinh
Tác giả: Minxin Pei - Người dịch: Dương Lệ Chi
Đàn Chim
Việt –
15-04-2012
Hệ thống
hiện hành ưu đãi các chính trị gia với những người đỡ đầu có thế lực, kém cỏi
và thiếu thận trọng
Trung Quốc đang cố xử lý sự việc gây chấn
động của ông Bạc Hy Lai như một vở kịch đạo đức chính trị. Khi Đảng Cộng sản
Trung Quốc chính thức cách chức ủy viên Bộ Chính trị của cựu quan chức đứng đầu
Trùng Khánh hồi tuần trước, hầu hết các quan sát viên ở trong và ngoài nước đều
cho rằng vị “thái tử đảng” đầy tham vọng đáng bị như vậy. Các phương tiện
truyền thông nhà nước nói rằng sự sụp đổ của ông ta đã chứng minh rằng hệ thống
chính trị của quốc gia này được thực thi.
Vấn đề liên quan đến quan điểm của các sự
kiện này đó là, ông Bạc gần như đã thành công trong việc leo lên vị trí lãnh
đạo cao cấp. Cho đến khi cảnh sát trưởng của ông ta là Vương Lập Quân đã cố
chạy trốn vào lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô hồi đầu tháng 2, thì chiếc ghế của ông
Bạc trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan quyền lực cao nhất nước, đã bị
vuột mất.
Sự bất ổn trong hàng ngũ lãnh đạo sẽ phải trả
giá đắt không chỉ cho chính người Trung Quốc mà còn ảnh hưởng đến các nước trên
thế giới, cả về chính trị lẫn kinh tế. Vì vậy, đây cũng là lúc để mở rộng phạm
vi đối thoại cho những người ở Trung Quốc, từ các nhà ngoại giao cho đến các
học giả và giới báo chí, đặt ra một số câu hỏi cứng rắn cho Bắc Kinh.
Thứ nhất, làm thế nào mà một cá nhân có nhiều
sai lầm như vậy lại được giao cho quá nhiều quyền lực với rất ít ràng buộc? Sự
thăng tiến của ông Bạc cũng kỳ lạ giống như sự sụp đổ của ông. Cho đến khi ông
được thăng chức ủy viên Bộ Chính trị kiêm Bí thư Thành ủy Trùng Khánh, ông Bạc
cũng chỉ là thống đốc bình thường ở tỉnh Liêu Ninh và bộ trưởng Bộ Thương mại.
Các mối quan hệ tài chính đầy nghi vấn của gia đình ông, bây giờ đã lộ ra,
không thể thoát khỏi sự chú ý của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, cơ quan
chống tham nhũng của đảng.
Đáng lo ngại nhất là sau khi trở thành Bí Thư
thành ủy Trùng Khánh, ông Bạc đã lạm dụng quyền lực của mình bằng cách bắt giữ
và giam cầm hàng ngàn người trong chiến dịch được gọi là “đả hắc”, trong đó rất
ít vụ được cho là hợp pháp. Ông đã thao túng dư luận một cách khó hiểu bằng
cách sử dụng những những biểu tượng cai trị cực đoan của người theo chủ nghĩa
cộng sản Mao Trạch Đông, phô trương một hệ tư tưởng chính trị đại diện cho sự
thay thế các chính sách hiện hành của đảng.
Tuy nhiên, thay vì kiềm chế ông Bạc, Bắc Kinh
đã không làm gì cả. Tệ hơn nữa, họ còn để cho các phương tiện truyền thông đánh
bóng tên tuổi ông. Sáu trong số chín ủy viên Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị tỏ
lòng tôn sùng Trùng Khánh, ngầm ủng hộ một “Mô hình Trùng Khánh” hiện đã bị mất
uy tín.
Giờ đây ông Bạc đã bị thất sủng, dường như
đảng đang tự vỗ về mình ở phía sau hậu trường qua việc loại bỏ ông vừa đúng
lúc. Nhưng sự thật thì đã rõ: quá trình chọn những người lãnh đạo của đảng là
vô cùng thiếu sót. Thay vì chọn những người có đủ năng lực và liêm khiết nhất,
thì hệ thống hiện hành lại chọn những người có lý lịch theo kiểu con ông cháu
cha nhưng lại kém cỏi và thiếu thận trọng.
Câu hỏi thứ hai mà đảng phải trả lời là, làm
thế nào để có thể có được sự cạnh tranh quyền lực tốt hơn ở hàng lãnh đạo cao
nhất trong thời gian chuyển giao quyền lực? Không còn nghi ngờ gì nữa, vụ ông
Bạc đã gây rạn nứt nghiêm trọng nhất trong số các nhà lãnh đạo cấp cao kể từ
sau sự kiện vụ Thiên An Môn. Bản chất của sự phân hóa không phải do ý thức hệ,
mà do quyền lực. Kẻ thù của ông Bạc muốn ông ta bị loại ra vì lo sợ rằng, một
khi ở vị trí cao nhất ông ta có thể đe dọa sự an toàn và lợi ích của họ. Còn
những người ủng hộ ông Bạc đã cổ vũ cho ông ta vì nghĩ rằng ông ta sẽ bao che
họ.
Mới đây, dường như đảng đã xây dựng một hệ
thống hữu hiệu trong việc quản lý chuyện tranh đấu khi chuyển giao quyền lực.
Không có biến cố xảy ra khi chuyển giao quyền lực từ Đặng Tiểu Bình cho Giang
Trạch Dân, và từ Giang Trạch Dân cho Hồ Cẩm Đào. Vụ bê bối của ông Bạc hôm nay
tiết lộ, việc chuyển giao quyền lực chính trị hiện nay ở Trung Nam Hải vẫn còn
đầy rẫy âm mưu, không thể tiên đoán được và vô cùng khắc nghiệt. Vào lúc này,
có lẽ đòi hỏi hơi nhiều khi yêu cầu đảng cho phép mở cửa và tiến hành các cuộc
bầu cử có tranh đua vào các vị trí lãnh đạo hàng đầu ở Trung Quốc. Tuy nhiên
quá trình chuyển giao quyền lực hiện có, ẩn chứa những bí mật và sự thao túng
của một nhóm đầu sỏ chính trị, không chỉ tạo nên các nhà lãnh đạo không đủ năng
lực, mà còn gây bất ổn cho sự cầm quyền của đảng.
Câu hỏi cuối cùng dành cho đảng là, làm thế
nào họ có thể quản lý tốt hơn cuộc khủng hoảng chính trị trong thời đại
internet và sự có mặt của các tiểu blog? Từ đầu tháng 2, khi Vương Lập Quân cố
đào thoát, phản ứng của Bắc Kinh là vô lý và tự hủy hoại uy tín của mình. Bắc
Kinh cho rằng ông Vương bị “kiệt sức do làm việc quá sức” và đã cho vị cựu cảnh
sát trưởng này nghỉ “dưỡng sức” dưới sự giám sát của Bộ an ninh Quốc gia Trung
Quốc. Thay vì sa thải ông Bạc ngay, đảng đã cho phép vụ bê bối chính trị này
kéo dài hơn một tháng, làm tăng thêm những tin đồn và mối nghi ngại về quyền
hành của đảng.
Ngay khi ông Bạc bị đình chỉ thôi chức Ủy
viên Bộ Chính trị, đảng cũng vẫn loan tin theo kiểu như đã làm cách đây 40 năm
sau người kế nhiệm do ông Mao chỉ định, ông Lâm Bưu, đã thất bại trong việc có
ý định đào tẩu tới Liên Xô. Trước tiên là đảng thông báo đến các cán bộ cấp cao
rồi đến cấp thấp, mặc dù sự sụp đổ chính trị của ông Bạc đã được mọi người biết
qua mạng di động ở Trung Quốc.
Bị tổn thương do sai lầm trong sự kiện của
Bạc và muốn đặt sự chuyển giao quyền lực gần như thất bại trở lại đúng hướng,
có lẽ đảng chẳng có hứng thú gì để trả lời những câu hỏi như thế. Điều này sẽ
chỉ phát sinh thêm vấn đề cơ bản nhất, rằng một đảng cầm quyền liệu có phù hợp
cho xã hội hoàn toàn thay đổi qua ba thập niên hiện đại hóa và toàn cầu hóa hay
không.
Tác giả: Ông
Minxin Pei là giáo sư môn chính phủ học ở trường Claremont McKenna.
Nguồn: Wall Street Journal
*****
Vụ Bạc Hy Lai : Giới lãnh đạo Trung Quốc đứng trên pháp
luật
RFI - Chủ nhật 22 Tháng Tư 2012
Cựu bí
thư thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai trong kỳ họp Quốc hội Trung Quốc tại Bắc
Kinh ngày 9/03/ 2012 - REUTERS/David Gray/
Đức Tâm
“Truyện dài nhiều tập” Bạc Hy Lai, vụ bê bối chính trị ở mức độ hiếm thấy tại Trung Quốc trong nhiều năm qua, đã làm lộ rõ một thực tế phũ phàng: Giới lãnh đạo Trung Quốc đứng trên pháp luật, ít khi bị trừng phạt. Đồng thời, sự kiện này cũng gióng hồi chuông báo động khẩn cấp cho Bắc Kinh là cần phải có những thay đổi sâu sắc.
Việc cựu bí thư thành ủy Trùng Khánh bị cách chức và cuộc
điều tra nhắm vào vợ của ông Bạc Hy Lai, bị nghi ngờ trong vụ giết hại một công
dân Anh, là đề tài được thảo luận sôi nổi trong dân chúng, mặc dù chính quyền
Bắc Kinh đã tìm mọi cách kiểm duyệt, ngăn chặn.
Các phương tiện truyền thông của Nhà nước Trung Quốc ít
đăng tải các tuyên bố chính thức về vụ này, nhưng các cáo buộc và tin đồn về
việc ông Bạc Hy Lai và gia đình ông tham nhũng ồ ạt, lạm dụng chức quyền nghiêm
trọng, vẫn xuất hiện trên internet, vào lúc đại đa số người dân Trung Quốc cảm
thấy bất bình cao độ về những hành vi tham ô, cửa quyền của giới lãnh đạo các
cấp, từ trung ương đến địa phương.
Ông Sidney Rittenberg, một người Mỹ sống và làm việc lâu
năm tại Trung Quốc, nói với AFP: “Vụ Bạc Hy Lai cho
thấy nạn tham nhũng của một số lãnh đạo cấp cao nhất thật đáng sợ. Chỉ có một
thiểu số các lãnh đạo Trung Quốc thực sự muốn đấu tranh chống tham nhũng, kể cả
đối với những người ở chóp bu quyền lực”. “Từ khi xóa bỏ cơ chế lãnh đạo tập trung về kinh tế, các quan chức địa
phương gần như tự do hành động theo ý họ tại các nơi mà họ lãnh đạo”.
Ông Bạc Hy Lai bị mất chức bí thư thành ủy Trùng Khánh,
và từ giữa tháng Tư, thì bị đình chỉ chức ủy viên Bộ Chính trị, do bị nghi ngờ “có những vi phạm kỷ luật nghiêm trọng” của đảng Cộng sản, cụm từ thường được dùng để chỉ các vụ tham nhũng. Bà
Cốc Khai Lai, vợ ông Bạc Hy Lai, là đối tượng một cuộc điều tra vì bà bị nghi
ngờ ra lệnh sát hại một doanh nhân Anh, người truớc kia thân cận với gia đình
quan chức cao cấp này.
Nhiều nhà quan sát ví von vụ Bạc Hy Lai như một bộ phim
dài nhiều tập, với các tình tiết gay cấn, nghẹt thở, giống như kiểu phim nói về
mafia của Hollywood.
Ông Khương Duy Bình (Jian Weiping), nhà báo từng ngồi tù
5 năm vì đã đăng các bài viết phê phán vợ chồng ông Bạc Hy Lai, cho biết là
ngay từ đầu những năm 1990, đã có những thông tin nói về việc ông Bạc Hy Lai tham
nhũng, khi quan chức này phụ trách công tác tuyên truyền, tư tưởng ở thành phố
Đại Liên, phía bắc Trung Quốc. Còn bà Cốc Khai Lai thì huy động vốn một cách
bất hợp pháp, thông qua các viện nghiên cứu hoặc các công ty do bà lập ra, với
danh nghĩa tạo thuận lợi cho đầu tư ngoại quốc.
Nhà báo Khương Duy Bình, hiện đang sống tại Canada, nhấn
mạnh với AFP là ông Bạc Hy Lai, con một vị cán bộ cấp cao, lão thành cách mạng
Trung Quốc, đã leo lên các bậc thang quyền lực, bằng cách biếu đất, tiền bạc
cho những quan chức cao cấp hơn.
Ngay sau khi tới Trùng Khánh, ông Bạc Hy Lai đã mở tiến
hành cuộc chiến chống tham nhũng, với hàng ngàn vụ bắt giữ thô bạo và các vụ
xét xử nổi tiếng nhắm vào các băng đảng mafia, xã hội đen. Chiến dịch “bàn tay sạch” này đã bị các tổ chức bảo vệ nhân quyền chỉ trích mạnh mẽ là vi phạm pháp
luật, tùy tiện, độc đoán. Nhà báo Khương Duy Bình nhận định: “Ông Bạc Hy Lai có hai khuôn mặt. Ông tỏ ra là một chính trị gia tài năng,
hấp dẫn. Mặt khác, đó là một nhân vật mưu phản, thủ đoạn. Ông ta biết ăn nói,
lừa phỉnh. và có tài đánh bóng tên tuổi mình”.
Vụ Bạc Hy Lai được coi là một bê bối chính trị nghiêm
trọng tại Trung Quốc, thế nhưng, giới quan sát nhắc lại rằng, trước đây, đã có
nhiều vụ khác, gây ầm ĩ hơn. Ví dụ, nguyên bí thư thành ủy Thượng Hải Trần
Lương Vũ, năm 2008, bị kết án 18 năm tù do tham nhũng; hoặc nguyên thị trưởng
Bắc Kinh Trần Huy Đồng, bị cách chức năm 1995 và sau đó, bị kết án 16 năm tù,
cũng về tội tham nhũng.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhấn mạnh là tình hình kinh tế
- xã hội Trung Quốc năm 2012 rất khác với bối cảnh cách nay vài năm và đối với
giới lãnh đạo ở Bắc Kinh, thì vụ Bạc Hy Lai cho thấy sự cấp thiết phải cải cách
mạnh mẽ và sâu rộng.
Bởi vì, trong những năm gần đây, tính chính đáng của đảng
Cộng sản Trung Quốc trong vai trò lãnh đạo đất nước dựa rất nhiều vào sự phát
triển kinh tế, với tốc độ tăng trưởng cao, liên tục, đưa một phận dân chúng ra
khỏi cảnh nghèo khó. Giờ đây, tăng trưởng đã giảm, mô hình kinh tế bắt đầu hụt
hơi, làm nẩy sinh nhiều mâu thuẫn, chênh lệch giầu nghèo, khác biệt về phát
triển giữa thành thị và nông thôn. Căng thẳng xã hội gia tăng, đặc biệt là các
vụ biểu tình của dân chúng ở nông thôn, vì không trông cậy được vào sự bảo vệ
của luật pháp, đã bạo động phản đối chính sách trưng dụng đầt đai do những kẻ
có thế lực, lãnh đạo ở địa phương tiến hành.
Ông Lý Thành (Li Cheng), chuyên gia nghiên cứu về giới
lãnh đạo Trung Quốc, tại học viện Brookings, cho rằng đảng Cộng sản Trung Quốc
phải thực hiện “các thay đổi sâu sắc” nếu muốn “lấy lại lòng tin của người dân và tiếp tục nắm quyền lãnh đạo”. Theo ông, “cuộc khủng hoảng Bạc Hy Lai có thể là một điềm rủi hoặc điềm may cho đảng
Cộng sản Trung Quốc. Là điềm rủi nếu Đảng cho rằng có thể vẫn tiếp tục như đã
làm cho đến nay và là một điềm may nếu Đảng quyết định thay đổi”.
Tags: Châu Á - Chính Trị - Phân Tích - Tham Nhũng - Trung Quốc
*****
TQ điều tra tài sản gia đình họ Bạc ở Hong Kong
Vietnam Net - 23/04/2012
Chính
phủ Trung Quốc đã cử một tổ công tác tới Hong Kong để điều tra các lợi ích kinh
doanh của Bạc Hy Lai và gia đình ông.
Cựu Bí thư thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai. Ảnh: guardian
Ông Bạc Hy Lai
đã bị sa thải khỏi ghế Bí thư Thành ủy Trùng Khánh hồi tháng trước và sau đó là
ra khỏi Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc vì "vi phạm kỷ luật nghiêm
trọng". Một cách diễnđạt khá phổ thông ở Trung Quốc khi nói về hành vi
tham nhũng.
Vợ ông Bạc, bà
Cốc Khai Lai đang bị điều tra vì tình nghi giết một doanh nhân Anh. Theo giới
phân tích, vụ bê bối này là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong hàng ngũ
lãnh đạo Trung Quốc kểtừ năm 1989.
"Nhóm công
tác đang điều tra các vấn đề liên quan tới Bạc đã tới Hong Kong", tờ Bưu
điện Hoa Nam buổi sáng trích một nguồn tin cho biết. Tổ điều tra sẽ xem xét
"những khối lượng tài sản lớn được cho là đang nằm trong tay gia đình Bạc
Hy Lai tại Hong Kong" cũng như mối quan hệ của họ với Chu Vĩnh Khang (ủy
viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ủy ban Chính pháp Trung Quốc), tờ báo nhấn
mạnh.
Văn phòng liên
lạc Trung Quốc tại Hong Kong từ chối bình luận về thông tin nói trên. Trong khi
đó, một quan chức phụ trách các vấn đề Đại lục nói rằng, chính quyền thành phố
"không ở vị trí có thể bình luận".
Theo báo Bưu
điện Hoa Nam, anh trai ông Bạc Hy Lai là Bạc Hy Dũng được cho là nắm giữ vị trí
giám đốc cấp cao tại China Everbright International đã niêm yết ở Hong Kong
dưới cái tên giả là Lý Huệ Minh.
Trong khi đó,
chị gái bà Cốc Khai Lai là Cốc Vọng Giang lại nắm giữ vị trí quan trọng tại
ngân hàng địa phương với vai trò "cầu nối" giữa các công ty nước
ngoài muốn làm ăn tại Trung Quốc. Theo một hồ sơ trên sàn chứng khoán Thâm
Quyến, bà Vọng Giang là người hộ khẩu Hong Kong và sở hữu 114 triệu USD cổ phiếu
trong một công ty in ấn ở miền đông Trung Quốc.
Một bình luận
trên Tân hoa xã tuần trước cho biết, cái chết của doanh nhân người Anh Neil
Heywood tại Trùng Khánh hồi tháng 11 là "một trường hợp phạm tội nghiêm
trọng liên quan đến người thân và trợ tá của một lãnh đạo đảng và nhà
nước".
Theo báo chí
Trung Quốc, ông Bạc Hy Lai là một trong những ứng cử viên sáng giá vào vị trí
lãnh đạo cấp cao của thế hệ lãnh đạo thứ năm, sau khi đại hội đảng 18 của Trung
Quốc kết thúc. Ông Bạc 63 tuổi, đã được bầu làm Thị trưởng thành phố Đại Liên,
tỉnh Liêu Ninh năm 1993. Những năm sau, ông đã làm Chủ tịch tỉnh Liêu Ninh và
Bộtrưởng Bộ Thương mại trước khi được bổ nhiệm làm Bí thư Thành ủy Trùng Khánh
năm 2007.
Ông là con trai
của Bạc Nhất Ba, Bộ trưởng Tài chính đầu tiên của Trung Quốc, từng bị trù dập
trong cách mạng văn hóa, nhưng sau đó được Ðặng Tiểu Bình trọng dụng và đóng
vai trò quan trọng trong việc cải cách mở cửa của Trung Quốc. Bạc Hy Lai được
coi là người được ưu ái nhất của phái "Thái tử" và được cựu chủ tịch
Trung Quốc Giang Trạch Dân ủng hộ. Năm 2009, ông được Nhân dân Nhật báo chọn là
"Nhân vật của năm".
Ông Bạc được
biết đến như kiến trúc sư cho sự thay đổi ngoạn mục của Trùng Khánh, thành phố
ngang cấp tỉnh của Trung Quốc có số dân đông nhất trong những thành phố trực thuộc
trung ương, với khoảng 31.5 triệu dân. Dưới thời ông Bạc Hy Lai, Trùng Khánh đã
trở thành một cực tăng trưởng kinh tế đáng kể của Trung Quốc.
Ngày 15/3, Ban
chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc đã cách chức Bí thư Thành ủy
Trùng Khánh của ông Bạc Hy Lai. Sau đó, ngày 10/4, Tân Hoa xã đưa tin, ông đã
bị đình chỉ chức vụ trong Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Thái An (theo channelnewsasia)
*****
Vụ Bạc
Hy Lai: Những vùng tối
SGTT.VN – 25-4-2012
Bí
thư thành uỷ Trùng Khánh Bạc Hy Lai rơi đài chính trị đang trở thành dịp cho
báo chí phơi bày sự thật về những khoản nợ hàng tỉ USD chất chồng của thành phố
mệnh danh là "Chicago" của Trung Quốc. Hơn thế nữa, những người từng
bị bỏ tù trong đợt càn quét tội phạm tham nhũng do ông Bạc phát động cũng tận
dụng cơ hội này nộp đơn lên chính quyền đòi "giải oan".
Chúa
chổm đằng sau mác “mô hình tăng trưởng”
Bí
thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai rơi đài chính trị đang trở thành dịp cho
báo chí phơi bày sự thật về những khoản nợ hàng tỉ USD chất chồng của thành phố
mệnh danh là "Chicago" của Trung Quốc
Wall
Street Journal hôm 23.4, đưa ra bản phân tích báo cáo xếp hạng doanh nghiệp
Trung Quốc cho thấy 10 quỹ đầu tư chính ở Trùng Khánh, những cỗ máy từng cung
cấp nhiên liệu cho quá trình tăng trưởng bùng nổ của thành phố, nợ đến hơn 346
tỉ NDT (54 tỉ USD). Trong năm 2007, khi ông Bạc lên nắm quyền, các cỗ máy này
nợ tổng cộng 162 tỉ NDT (25.6 tỉ USD), đổ vào việc tái cấp vốn ngân hàng, xây
cầu, đường cao tốc và các dự án khác nhằm thu hút đầu tư nước ngoài.
Theo
trung tâm cung cấp dữ liệu CEIC Trung Quốc, từ năm 2007 đến cuối năm 2010, các
ngân hàng thành phố tăng gấp đôi vốn lên 1,000 tỉ NDT (158.5 tỉ USD), giữa năm
2004 - 2010 xây dựng thêm 52,000 km đường giao thông, gấp ba lần tổng chiều dài
trước đó và tăng hai lần đường sắt. Tiền của cũng đổ vào một dự án nhà ở xã hội
đầy tham vọng của Bạc Hy Lai trị giá 100 tỉ NDT. Các quan chức địa phương tính
toán nợ ngân hàng và trái phiếu phát hành sẽ chi trả khoảng 70% dự án này, còn
lại sẽ do chính quyền trung ương và địa phương bơm vào.
Thế
nhưng một số nhà phân tích cho rằng đây mới chỉ là một phần trong khoản nợ công
thực sự, vì chưa tính đến nợ doanh nghiệp quốc doanh và các nhà phát triển bất
động sản. Chuyên gia nghiên cứu về nợ chính quyền Trung Quốc ở Đại học
Northwestern, ông Victor Shih, cho biết: " Cuối năm 2011, chính quyền
thành phố nợ khoảng 1,000 tỉ NDT ". Con số ước tính trên của ông Shih cho
thấy các quỹ tiền tệ Trùng Khánh sẽ sớm đẩy nợ công cán mức 100% GDP thành phố,
so với mức 22% trên cả nước, theo số liệu từ văn phòng kiểm toán quốc gia Trung
Quốc.
Kết
quả, một siêu đô thị 29.2 triệu dân, gồm lõi đô thị 16.1 dân, được bao quanh
bởi một khu vực nông nghiệp 13.1 triệu dân đạt mức tăng trưởng đáng tự hào 16.5%
năm 2011, cao hơn 7% so với cả nước. Trùng Khánh nổi tiếng với một mạng lưới
giao thông, cơ sở hạ tầng năng lượng mạnh mẽ và nguồn nhân công giá rẻ.
Trùng
Khánh không phải là thành phố duy nhất vung tiền “khủng” đầu tư vào đường sá và
cơ sở hạ tầng. Quỹ đầu tư địa phương trên cả nước đã tăng bạo hơn sau khủng
hoảng tài chính 2008, với số nợ ước tính lên đến 10.7 nghìn tỉ NDT (1.7 nghìn
tỉ USD). Một số nhà phân tích, thậm chí giới lãnh đạo Trung Quốc, cảnh báo rằng
truyền thống dựa dẫm vào chi tiêu công sẽ khiến nền kinh tế quốc gia mất cân
bằng và gia tăng tham nhũng. Bắc Kinh đang tìm cách tăng tiêu dùng trong nước
để hạn chế phụ thuộc vào đầu tư và xuất khẩu.
Làn sóng
“kêu oan”
Trong
vòng hai tuần qua đã có ít nhất một tỉ phú và 10 người khác ở Trùng Khánh gửi
đơn xin tái thẩm lên toà án thành phố. Họ là các quan chức và luật sư đã từng
bị bỏ tù "không công bằng" trong cuộc đàn áp tổ chức tội phạm do Bạc
Hy Lai phát động. Hàng chục ngàn người đã bị bắt trong chiến dịch đó và có một
số trường hợp đã bị xử lý "vội vàng", theo Financial Times hôm 23.4.
Luật
sư Liu Yang, hồi tuần rồi đã cùng 26 luật sư độc lập khác đòi chính quyền mở
lại toà án tái thẩm, cho biết nhà chức trách đã buộc ông phải đình chỉ yêu cầu
trên trong vài ngày. Financial Times cũng tiết lộ bản kháng cáo của ông trùm
bất động sản Trùng Khánh Peng Zhimin, bị kết án tù chung thân hồi cuối tháng
10.2011 về tội cho vay nặng lãi, hối lộ ... Vợ ông cho rằng phán quyết dựa trên
các bằng chứng bịa đặt, mâu thuẫn và vi phạm thủ tục.
"Kháng
cáo quá nhiều tại thời điểm này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình chuyển
đổi tại Trùng Khánh", ông Liu cho biết .
Tuyết Hạnh (Theo FT,
WSJ)
*****
Chủ tịch TQ bị ông Bạc Hy Lai "nghe lén"
BBC
- Thứ năm, 26 tháng 4, 2012
Ông Bạc Hy Lai điều hành một hệ thống
nghe lén tới tận cả Chủ tịch Trung Quốc, tờ New York Times của Hoa Kỳ
đưa tin.
Trích
dẫn "gần một chục người có các mối liên hệ với đảng", tờ
báo viết ông Bạc Hy Lai, người vừa thất sủng, điều hành một hệ
thống nghe lén khắp Trùng Khánh, nơi ông từng là Bí thư tỉnh.
Các
viên chức của ông thậm chí còn nghe lén một cú điện thoại của ông
Hồ Cẩm Đào, tờ báo viết.
Giới
chức trách Trung Quốc không đả động gì tới việc nghe lén này trong
các báo cáo về ông Bạc Hy Lai. Hiện vợ ông, bà Cốc Khai Lai đang bị
điều tra về cái chết của một người Anh.
Bắc
Kinh cũng đang điều tra ông Bạc Hy Lai về "những vi phạm kỷ luật
nghiêm trọng", trong khi bà Cốc đã bị bắt vì là nghi phạm trong vụ doanh
gia người Anh Neil Heywood đột tử ở Trùng Khánh hồi tháng Mười Một năm 2011. Chính quyền Trung Quốc nói họ tin rằng ông Heywood bị sát hại.
Ông
Bạc Hy Lai đã không xuất hiện trước công chúng kể từ khi ông bị mất chức bí thư
Trùng Khánh và ghế ủy viên Bộ Chính trị.
Thách
thức trực tiếp
Chiến
dịch nghe lén của ông Bạc bắt đầu cách đây vài năm khi ông có đợt trấn áp tội
phạm quy mô lớn ở Trùng Khánh, theo New York Times. Người
đứng đầu chiến dịch là Vương Lập Quân, cảnh sát trưởng Trùng Khánh. Báo New York Times nói trong các vụ nghe lén điện thoại bị phát hiện có
cuộc nghe lén trao đổi giữa Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và một bộ trưởng. Ngoài ra cũng có vụ nghe trộm điện đàm giữa văn phòng Chủ tịch Hồ Cẩm Đào
với người tiền nhiệm của ông Vương. Chính quyền Bắc Kinh
đã phát hiện và điều tra vụ này khiến quan hệ của ông Bạc và ông Vương bị rạn
nứt.
New York Times dẫn lời một nguồn tin nói vụ nghe lén điện
thoại "được xem như thách thức trực diện chính quyền trung ương."
'Ám
ảnh an ninh'
Ông
Vương đã chạy vào lãnh sự quán Hoa Kỳ hồi tháng Hai và kéo theo sự ngã ngựa của
ông Bạc, người ông Vương lo sợ sẽ trừng phạt ông.
Phóng
viên BBC ở Trùng Khánh, Martin Patience, nói ông Bạc và ông Vương bị ám ảnh về
an ninh. Báo
Anh dẫn lời một nguồn tin nói rằng ông Vương thường xuyên
kiểm tra an ninh bốn khách sạn mà ông Bạc và các cộng sự hay lui tới, bao gồm
cả khách sạn mà ở đó người ta thấy xác doanh gia người Anh Neil Heywood. Ông Vương cũng thử đồ ăn để đảm bảo không có chất độc trong đó trước khi
ăn.
Các
nguồn tin cũng nói ông Bạc đã cho xây lại khu nhà của chính quyền địa phương
sau khi lên chức bí thư Trùng Khánh hồi năm 2007 và cho xây cả đường hầm tới
văn phòng làm việc của ông.
Những
tiết lộ mới nhất về nghe lén điện thoại cho thấy sự chia rẽ và nghi kỵ ở cấp cao nhất trong Đảng Cộng sản Trung Quốc, theo
phóng viên BBC Damian Grammaticas từ Bắc Kinh. Phóng viên Damian Grammaticas
cũng nói ông Bạc được xem là nhân vật mị dân gây chia rẽ và không đáng tin cậy
để cất nhắc lên những vị trí cao nhất trong đảng.
Vụ
thất sủng của ông Bạc diễn ra khi Trung Quốc đang chuẩn bị có sự thay đổi nhân
sự cao cấp vào tháng Mười năm nay.
*****
Đảng Cộng sản Trung Quốc đang thanh trừng nội bộ
RFI - Thứ năm 26 Tháng Tư 2012
Cựu Bí
thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai, chính khách đầy tham vọng - REUTERS/David
Gray/Files
Thụy My
Nhật báo cánh tả Libération hôm nay có bài viết của thông tín viên tại Bắc Kinh mang tựa đề “Tại Trung Quốc, Đảng Cộng sản đang mạnh tay thanh trừng”. Tờ báo cho biết, sau khi loại Bạc Hy Lai, đến lượt người lãnh đạo tình báo Chu Vĩnh Khang đang nằm trong tầm ngắm.
Bức màn vẫn chưa sụp xuống trong trận chiến dữ dội để giành quyền lực, đang
diễn ra trong bóng tối của thượng đỉnh quyền lực Bắc Kinh. Sau khi kỷ luật ông
Bạc Hy Lai, thành viên Bộ Chính trị hôm 15/3, nay đến lượt người đồng minh có
chức vụ cao hơn ông Bạc là Chu Vĩnh Khang cũng có nguy cơ mất chức. Báo chí
Hồng Kông dẫn “các nguồn tin nội bộ” đã cho biết như trên.
Là người đứng đầu ngành tình báo, Bí thư Ủy ban các vấn đề luật pháp và
chính trị, cựu Bộ trưởng Công an lãnh đạo việc đàn áp các nhà ly khai, ông Chu
Vĩnh Khang, 69 tuổi, là một trong chín ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan
quyền lực tối thượng của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Cơ quan này vào mùa thu năm
nay sẽ phải thay thế 7 thành viên và chỉ định tân Tổng bí thư kiêm Chủ tịch
nước thay cho ông Hồ Cẩm Đào.
Nhưng vào tháng Ba, “sự chuyển giao quyền lực nhẹ nhàng” đã biến thành một cuộc
đấu đá : Bạc Hy Lai, ứng viên đầy hy vọng được đẩy lên Thường vụ Bộ Chính trị,
đã bị cách chức vì “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”. Vợ ông là bà Cốc Khai
Lai thì bị báo chí chính thức lên án là thủ phạm đã sát hại doanh nhân người
Anh Neil Heywood – người giúp gia đình họ Bạc rửa tiền, vào tháng 11 năm ngoái.
Một ủy ban điều tra của đảng đã được gởi đến Hồng Kông để đánh giá gia sản bất
hợp pháp của Bạc Hy Lai. Tuy nhiên theo tờ South China Morning Post thì không
chỉ có thế: cuộc điều tra còn nhắm đến số tiền bẩn của ông Chu Vĩnh Khang và
gia đình.
Tài sản ngầm của các ông hoàng đỏ
Vị quan chức lớn đã làm việc trong ngành dầu khí trước khi thành thủ lãnh
tình báo trong Bộ Chính trị, rất có thể đã tích lũy được một gia sản rất lớn.
Tham nhũng tuy về mặt chính thức thì bị trừng phạt nhưng trên thực tế vẫn ngầm
được chấp nhận nếu kín đáo, theo một nhà báo ở Bắc Kinh “thực ra tham nhũng không phải là sai phạm bị quy cho Chu Vĩnh Khang hay Bạc
Hy Lai”. Ông Chu bị trừng phạt vì là người duy nhất trong số chín
ủy viên thường vụ bênh vực cho Bạc Hy Lai, trong cuộc họp mật đầu tháng Ba để
quyết định số phận ông này.
Quá vội vã khi muốn thăng tiến, Bạc Hy Lai đã bôi xấu nhiều nhân vật được
Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo tiến cử, nên hai nhà lãnh đạo này từ lâu đã muốn loại
trừ ông Bạc. Cũng nguồn tin trên cho biết: “Chu Vĩnh Khang phạm sai lầm là phản đối lại chủ trương đã được đưa ra”.
Theo trang web thông tin Boxun tức mạng Bác Tấn Tân Văn, thì Chu Vĩnh Khang
đã nói với Bạc Hy Lai nhận định về người được chỉ định làm nhân vật số một
tương lai - ông Tập Cận Bình, là “một người kém cỏi, không có khả năng lãnh đạo một nước Trung Quốc hùng
cường”. Trang web đặt tại Mỹ vốn rất thông thạo về cuộc khủng hoảng thượng đỉnh
quyền lực ở Bắc Kinh, hôm thứ Sáu tuần rồi đã là mục tiêu tấn công dữ dội của
các tin tặc bí ẩn
… mà theo Bác Tấn, thì chính là tình
báo Trung Quốc.
Là đồng minh lâu đời của Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang đã đề nghị ông Bạc kế
nhiệm chiếc ghế của mình trong đại hội đảng lần thứ 18 vào mùa thu, để rồi sau
đó nhắm đến chức vụ Tổng bí thư Đảng. Đây là một bàn đạp thuận lợi, vì nhờ kiểm
soát ngành tình báo, ông ta dễ dàng lập ra hồ sơ về các kẻ thù.
Cuộc đấu tranh giành quyền lực ở Trung Quốc hiện đang nhắm vào “gia sản đen” của các nhà lãnh đạo. Bỗng chốc các vụ gian lận tài chính, nhận hối lộ,
lạm dụng chức vụ để ban phát chức quyền cho người thân được phơi bày ra ánh
sáng. Theo mạng Bác Tấn, thì cuộc điều tra chống tham nhũng do Ủy ban Kiểm tra
Trung ương Đảng điều hành, hiện đang nhắm vào con trai của Chu Vĩnh Khang là
Chu Bân, bị nghi là đã tham nhũng hàng chục triệu euro. Chu Bân sở hữu 18 cơ
ngơi ở Bắc Kinh, trong đó có một dinh cơ được ước tính trị giá 25 triệu euro,
và vô số tài khoản ở ngoại quốc.
Là Bí thư Thành ủy Trùng Khánh, Bạc Hy Lai có lương chính thức là 10,000 nhân dân tệ, tương đương 1,200 euro. Nhưng theo
điều tra của Bloomberg, thì gia tài của gia đình họ Bạc tối thiểu phải là 105
triệu euro. Bloomberg cho biết thêm, qua việc “sử dụng các tên đi mượn để gây khó khăn cho việc lần ra dấu vết”, bốn người chị em vợ của Bạc Hy Lai, con trai đầu Bạc Vọng Tri và người
anh Bạc Hy Vĩnh, đã lập ra nhiều công ty ở nước ngoài. Bạc Hy Vĩnh kiểm soát
nhiều công ty ở quần đảo Caraïbes, và sở hữu các hộ chiếu mang các tên Li
Xueming, Brendan Li và Li Xiaobai …
Libération kết luận, việc phanh phui này khiến chính quyền Bắc Kinh đang ở
thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu tiếp tục thanh trừng, thì Bộ Chính trị vốn được
xem là “đại diện cho nhân dân Trung Quốc” sẽ lộ rõ là một câu lạc
bộ các nhà triệu phú quý tộc. Nhiều nhà quan sát cho rằng một ngày nào đó, các
bằng chứng này sẽ được công khai. Do vậy, để giữ thể diện một ban lãnh đạo đảng
“đồng thuận”, có thể ông Chu Vĩnh Khang sẽ thoát nạn, được hạ cánh an toàn trong đại
hội mùa thu này.
*****
Bạc Qua Qua lái xe Porsche
VNE – 27-4-2012
Báo chí Mỹ đưa tin con trai ông Bạc Hy Lai, chính trị gia mới bị cách chức của Trung Quốc, phải nhận ba giấy phạt vì vi phạm luật lệ giao thông khi lái chiếc xe thể thao đắt tiền Porsche tại Mỹ.
Bạc Qua Qua từng gây
ấn tượng với bạn bè khi mời được diễn viên nổi tiếng Thành Long đến trường học.
Ảnh: Chariweb
Thông tin này được tờ Wall Street Journal của Mỹ công bố hôm nay, chỉ vài ngày sau khi Bạc Qua Qua lên tiếng phủ nhận việc mình sở hữu xe ô tô đắt tiền Ferrari.
Tờ báo trên trích biên bản của cảnh
sát cho biết Bạc Qua Qua lái chiếc xe Porsche màu đen vượt đèn đỏ vào 2h20 sáng
một ngày tháng 12/2010 và chạy quá tốc độ vào một ngày trong tháng 5/2011.
Ô tô của Bạc được xác định là chiếc
Porsche Panamera 2011, do một người có địa chỉ ở Cambridge, Massachusetts đứng
tên. Chiếc xe có trị giá khoảng 80,000 USD.
Cho đến gần đây, Bạc vẫn sống ở khu
căn hộ cao cấp ở Cambridge được bảo vệ 24/24 với sân tắm nắng. Thường một căn
hộ như thế này được thuê với giá 2,950 USD/tháng.
Bạc Qua Qua không bị buộc tội gì,
nhưng đã trở thành tâm điểm của sự chú ý sau khi bố của anh bị cách chức còn mẹ
của anh, bà Cốc Khai Lai, bị bắt vì bị nghi giết người, tạo nên cơn địa chấn
chính trị ở Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua.
Chuyện tiệc tùng và lối sống được cho
là phung phí của Bạc Qua Qua đã bị chỉ trích khắp nơi trên đất nước mà phân hóa
giàu nghèo đang là vấn đề gây chú ý. Sự xa hoa của Bạc Qua Qua cũng làm dấy lên
sự tức giận trước nạn tham nhũng và cửa quyền của một số quan chức và con cái
họ.
Trong một văn bản gửi đến tờ báo của
trường Harvard đầu tuần này, Bạc Qua Qua đã lần đầu phá vỡ im lặng, phủ nhận
những lời đồn đại rằng mình sở hữu siêu xe Ferrari và trả lời câu hỏi về nguồn
gốc tiền trang trải cho chi phí du học nhiều năm của mình.
"Học phí và các chi phí sinh hoạt
của tôi tại trường phổ thông Harrow, trường đại học Oxford và đại học Harvard
có được từ hai nguồn. Một là học bổng tôi tự giành được và hai là từ tiền mà mẹ
tôi tích lũy được sau nhiều năm hành nghề luật sư và viết sách", Bạc viết.
Bà Cốc Khai Lai đang bị nhà chức trách
Trung Quốc điều tra do nghi ngờ sát hại doanh nhân người Anh, Neil Heywood.
Heywood từng được cho là người lo liệu để Bạc Qua Qua vào học tại trường phổ
thông Harrow danh tiếng của Anh.
Trong khi đó, Bạc Hy Lai bị cách chức
bí thư thành ủy thành phố trực thuộc trung ương Trùng Khánh và bị đình chỉ các
chức vụ trong Bộ Chính trị và Ủy ban trung ương của Trung Quốc vì "vi phạm
kỷ luật nghiêm trọng".
Vũ Hà
*****
Bí thư tỉnh ủy Quảng Đông : Ngôi sao đang lên của đảng Cộng sản Trung Quốc
RFI
- Thứ hai 30 Tháng Tư 2012
Ông Bạc Hy Lai (T) và Bí thư tỉnh ủy Quảng Đông, Uông Dương trong buổi lễ
khai mạc khóa họp Quốc Hội ở Đại Sảnh Đường Nhân dân, Bắc Kinh, ngày 05/03/2012 - REUTERS/Jason
Lee
Thanh Hà
Trong bài “Uông Dương, ngôi sao đang lên của đảng Cộng sản Trung Quốc”, nhật báo Le Monde đã phác họa chân dung bí thư tỉnh ủy Quảng Đông. Theo thông tín viên Brice Pedroletti, việc ông Bạc Hy Lai đột ngột bị thất sủng đang “mở ra cả một con đường rộng thênh thang để ông Uông Dương tiến vào ban thường vụ bộ chính trị”.
Trên nguyên tắc, bí thư tỉnh ủy
Quảng Đông sẽ giành được một trong số 9 ghế của bộ chính trị vào tháng 10 tới
đây. Ông Uông Dương, 57 tuổi, từng là chủ tịch Ủy ban nhân dân Trùng Khánh
trước khi nhường lại chiếc ghế này cho ông Bạc Hy Lai, để nhận lấy chức vụ bí
thư tỉnh ủy Quảng Đông. Quảng Đông là tỉnh giàu có nhất Trung Quốc với 100
triệu dân.
Hai ông Bạc Hy Lai và Uông Dương tuy
cùng là thành viên ban chấp hành trung ương, nhưng bản chất hai người rất khác
với nhau, từ về tư tưởng đến thân thế. Họ Bạc chủ trương đặt các hoạt động kinh
tế trong tay nhà nước trong khi đó ông Uông Dương có khuynh hướng thu hẹp vai
trò của nhà nước để nhường chỗ cho các hoạt động của tư nhân. Trái hẳn với Bạc
Hy Lai, bí thư tỉnh ủy Quảng Đông không thuộc thành phần “các hoàng tử đỏ”.
Một người thì có vẻ hào nhoáng bên
ngoài, thoải mái với lối sống của phương Tây. Còn người kia thì tỏ ra kín đáo,
thậm chí là vụng về, cứng nhắc khi phải tiếp cận với thế giới bên ngoài. Thế
nhưng, thực tế cho thấy chính ông Uông Dương lại là người cởi mở hơn cả và cái
bề ngoài kín đáo đó không cấm cản ông đi theo con đường cải tổ.
Vài tháng trước Đại hội Đảng, Bạc Hy
Lai bị cách chức, con đường thăng tiến của ông này càng thêm bế tắc khi vợ ông
bị nghi ngờ có dính líu đến vụ ám sát một kiều dân người Anh.
Nhìn về phía Uông Dương, cuộc nổi
dậy ở Ô Khảm được giải quyết một cách êm thắm được coi là thành tích của bí thư
tỉnh ủy Quảng Đông. Ở chức vụ này, ông này đã có kế hoạch cải tổ đặc khu kinh
tế Thâm Quyến. Cũng chính tại Thâm Quyến, vào năm 2010 thủ tướng Ôn Gia Bảo lần
đầu tiên đã đề cập đến nhu cầu cải tổ guồng máy chính trị của Trung Quốc.
Le Monde không quên nhắc lại là cả
thủ tướng Ôn Gia Bảo lẫn chủ tịch Hồ Cẩm Đào rất thường xuống thăm tỉnh Quảng
Đông, cho dù cả hai đã cố ý tránh né Trùng Khánh. Ông Uông Dương được coi là
một trong những nhân vật được chủ tịch Trung Quốc mãn nhiệm Hồ Cẩm Đào “che chở”.
*****
Tình tiết mới trong cuộc điều tra về vợ ông Bạc Hy Lai
RFI
- Thứ ba 01 Tháng Năm 2012
Ông Bạc Hy Lai và vợ, bà Cốc Khai Lai, trong đám tang ông Bạc Nhất Ba, Bắc
Kinh, 17/01/2007 - REUTERS
Thụy My
Vợ ông Bạc Hy Lai là bà Cốc Khai Lai đã mặc quân phục cấp tướng để nói chuyện với các viên chức công an cao cấp, sau cái chết của doanh nhân Anh Neil Heywood. Hãng tin Reuters hôm nay 01/05/2102 cho biết tình tiết mới này cho thấy bà Cốc Khai Lai có các dấu hiệu bất thường.
Cuộc điều tra cho biết,
bà Cốc Khai Lai ngày càng giận dữ và nghi hoặc trước ông Neil Heywood, một
người bạn thân của gia đình họ Bạc, vì ông này đòi hoa hồng đến 10% để giúp bà
Cốc chuyển một số tiền lớn ra nước ngoài. Theo quy định thì công dân Trung Quốc
chỉ có quyền chuyển ra ngoại quốc tối đa 50,000 đô la một năm.
Ông Neil Heywood được
phát hiện đã chết tại Trùng Khánh ngày 15/11/2011. Theo các nguồn tin thân cận
với các nhà điều tra, thì vài ngày sau đó, bà Cốc Khai Lai đã mặc bộ quân phục
cấp tướng màu xanh, xuất hiện trong một hội nghị của ngành công an. Bà tuyên bố
với các viên chức là đang làm nhiệm vụ bảo vệ cho giám đốc công an Trùng Khánh,
ông Vương Lập Quân, cánh tay phải của ông Bạc Hy Lai.
Nguồn tin cho biết: “Bà ta nói rằng bà hoạt động theo chỉ thị mật của Bộ Công an, để đảm bảo
hiệu quả cho an ninh cá nhân của đồng chí Vương Lập Quân tại Trùng Khánh”. Cử tọa đều kinh ngạc trước bài diễn văn “thiếu nhất quán” của bà Cốc Khai Lai, và nguồn tin trên nói thêm: “Tôi kết luận là bà ta có vấn đề”. Sự kiện xảy ra vào
khoảng ngày 20/11/2011 đã làm cho các viên chức và sĩ quan công an tham dự hội
nghị phải đặt nghi vấn về tình trạng sức khỏe tâm thần của vợ ông Bạc Hy Lai.
Bà Cốc Khai Lai không hề
mang cấp bậc sĩ quan và bộ quân phục cấp tướng mà bà mặc có thể là đã được tặng
để “tỏ lòng tôn kính với người cha” của bà, tướng Cốc Cảnh
Sinh đã từng chiến đấu chống quân Nhật trong những năm 30 và 40.
Vào thời điểm đó, gia
đình ông Neil Heywood được chính quyền Trung Quốc thông báo là nạn nhân chết vì
ngưng tim do uống rượu quá nhiều. Sau đó Vương Lập Quân bắt tay vào việc điều
tra, đã nghi ngờ ông Heywood bị đầu độc và xác định bà Cốc Khai Lai là nghi can
hàng đầu.
Vương Lập Quân đã báo
cáo nghi vấn này cho ông Bạc Hy Lai, trong một hội nghị đầy sóng gió vào tháng
Giêng. Đến tháng Hai, giám đốc công an Trùng Khánh đã đến xin trú ẩn tại lãnh
sự quán Mỹ trong vòng 24 giờ, sau đó được giao lại cho chính quyền trung ương
Bắc Kinh. Xì-căng-đan này khởi đầu cho việc kết thúc sự nghiệp chính trị của
ông Bạc Hy Lai.
Gia đình ông Neil
Heywood không muốn bình luận về vụ này, còn chính quyền Bắc Kinh cũng từ chối
mọi tuyên bố chính thức. Cả ông Bạc Hy Lai lẫn bà Cốc Khai Lai đều không được
phép trả lời công khai.
Sự kiện Bí thư Thành ủy
Trùng Khánh, nhân vật đầy tham vọng muốn trở thành một trong chín ủy viên
thường vụ của cơ quan quyền lực cao nhất Trung Quốc, đã bị loại khỏi Bộ Chính
trị vào tháng trước, là cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất kể từ sau vụ thảm sát
Thiên An Môn năm 1989.
Tags: Trung Quốc - Tư Pháp
*****
Bạc Hy
Lai và ba phương án giết Vương Lập Quân
SGTT.VN – 4-5-2012
Cựu
bí thư thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai bị cho là từng lập kế hoạch ám sát đồng
sự một thời là cựu giám đốc Công an Vương Lập Quân.
Đến
nay vẫn chưa có thông tin chính thức về số phận của ông Bạc kể từ khi mất ghế
bí thư và bị đình chỉ chức vụ uỷ viên bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc.
Trong khi đó xuất hiện hàng loạt tin không được xác nhận về các hành vi sai
trái của ông này cùng gia đình. Mới đây nhất, tạp chí Duy Tân tại Hồng Kông
ngày 1.5 dẫn nguồn giấu tên loan tin cựu bí thư Bạc cùng đồng sự lên những kịch
bản rất tinh vi để ám sát Vương Lập Quân.
3 phương án
giết người
Vương
Lập Quân chính là ngòi nổ cho một trong những vụ bê bối lớn nhất của chính
trường Trung Quốc những năm gần đây. Hồi tháng 2, cựu giám đốc Công an Trùng
Khánh chạy vào Lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô, Tứ Xuyên vì lo ngại bị diệt khẩu.
Khi đó, ông Vương được cho là đang điều tra nghi án vợ Bạc Hy Lai là bà Cốc
Khai Lai sát hại doanh nhân người Anh Neil Heywood cũng như những “tội ác” khác
của nhà họ Bạc.
Theo
nguồn tin của tờ Duy Tân, sự lo sợ của Vương hoàn toàn có cơ sở khi ông Bạc đã
bí mật lập ra 3 phương ám sát.
Phương
án thứ nhất là giết chết ông Vương và dựng hiện trường giả của một vụ trả thù
vì trước đó ông này nổi tiếng với thành tích chống tham nhũng và tội phạm ở
Trùng Khánh. Như vậy nhìn bề ngoài, ông Vương “hy sinh vì nhiệm vụ” và sẽ được
phong danh hiệu anh hùng. Tuy nhiên, kế hoạch này có một lỗ hổng là không dễ gì
xã hội đen tiếp cận được một giám đốc công an kiêm phó thị trưởng như Vương Lập
Quân. Chưa kể, ông này cảnh giác cao độ nên việc lập hiện trường giả càng khó
khăn hơn.
Phương
án thứ hai là ám sát Vương Lập Quân và dàn dựng hiện trường thành vụ tự sát do
bị phát hiện ăn hối lộ và lạm quyền trong chiến dịch triệt phá tội phạm. Tuy
nhiên, cách này lại có thể ảnh hưởng sự nghiệp của chính ông Bạc khi để cấp
dưới dính bê bối. Đó là chưa kể “cặp bài trùng” Bạc - Vương từng nổi tiếng khắp
Trung Quốc về những chiến công chống tham nhũng và tội phạm. Nếu ông Vương tự
sát vì “dính chàm” thì toàn bộ chiến dịch khi xưa sẽ bị xem xét lại.
Vì
vậy khả thi nhất là phương án 3 tức cũng là tự sát nhưng do tinh thần bất ổn.
Theo Duy Tân, ông Bạc đã cho lập một loạt bệnh án chứng minh ông Vương rối loạn
thần kinh mãn tính, trầm cảm nặng và dễ bị kích động. Trong đó, một tờ bệnh án
bị tiết lộ lên mạng sau khi ông Vương chạy tới Lãnh sự quán Mỹ ghi rằng: “Bệnh
nhân suy nghĩ chậm chạp, có vấn đề trong tư duy và bày tỏ ngôn ngữ, thường
xuyên xuất hiện trạng thái vui buồn bất thường, từng có ý định tự sát, từ chối
trị liệu ...”. Sau khi thống nhất phương án, ông Bạc tới tỉnh Vân Nam nghỉ mát
để tạo chứng cứ ngoại phạm và chờ tin vui.
Tuy
nhiên, sau nhiều năm cộng tác, Vương Lập Quân hiểu rõ ý đồ của cấp trên nên
quyết định hành động trước để tránh họa sát thân. Đến nay, vẫn chưa có xác nhận
gì về các thông tin trên cũng như số phận của ông Vương.
Hãm
hại con ruột ?
Mới
nhất còn có việc con trai cả của ông Bạc oán thán cha “hủy hoại đời mình”. Bạc
Vọng Tri, con duy nhất của ông Bạc với vợ đầu là bà Lý Đan Vũ, đã được mẹ đổi
tên thành Lý Vọng Tri sau khi 2 người ly dị.
Tờ
Minh Kính (Hồng Kông) dẫn lời một bạn học cũ của Lý Vọng Tri cho biết “cậu cả”
nhà họ Bạc nhập học đại học Columbia của Mỹ từ năm 2001. Trong giai đoạn này,
con trai ông Bạc gặp phải một số rắc rối do ủng hộ cải cách tại Trung Quốc.
Sau
khi tốt nghiệp, Lý quay về Trung Quốc và lập văn phòng luật sư nhưng đến tháng
11.2011 thì bị bắt giam với cáo buộc gian lận trong một vụ án kinh tế. Tờ Apple
Daily và Minh Kính cùng đặt ra nghi ngờ rằng Lý Vọng Tri bị chính các thuộc hạ
của cha gài bẫy. Lý do là ông Bạc lo ngại những việc làm khi ở Mỹ của con trai
có thể ảnh hưởng đường hoạn lộ của mình cũng như muốn gây áp lực buộc vợ cũ
chấm dứt việc gửi đơn kiện tụng ông.
Trả
lời phỏng vấn của Bloomberg mới đây, Lý Vọng Tri cho biết anh đang sống tự do
tại đại lục nhưng không có việc làm từ tháng 2.2012. Người này khẳng định không
hề lợi dụng tên tuổi và chức vụ của cha để mưu cầu lợi ích. “Tôi không thể
khống chế suy nghĩ của người khác nhưng tôi không hề sống dưới ánh hào quang
của bố tôi. Sự thật rõ ràng là tôi không mang họ Bạc”, Lý khẳng định. Anh này
còn nói thêm sự sa cơ của ông Bạc liên lụy cả dòng tộc khi nhiều người thân đều
bị điều tra. Mới đây nhất, anh trai ông Bạc là Lý Học Minh vừa từ chức phó chủ
tịch HĐQT và giám đốc điều hành tập đoàn Quang Đại (China Everbright
International ) vì sức ép dư luận, theo CNN. Người này vốn tên Bạc Hy Vĩnh nhưng
từ lâu đã dùng tên Lý Học Minh nhằm tránh điều tiếng.
Bạc
Hy Lai “suy sụp”
Trang
tin Worldjournal.com dẫn các nguồn giấu tên loan tin ông Bạc Hy Lai sa sút
tinh thần nghiêm trọng tới mức nhiều lần tuyệt thực và thậm chí tính tự sát
nhưng không thành.
|
Theo Thanh Niên
*****
Cuộc đấu đá ở Trung Quốc và bản chất của chế độ
Nguyễn
Hưng Quốc
VOA - Thứ Bảy, 05 tháng 5 2012
Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia
Bảo của Trung Quốc đi qua sau lưng ông Bạc Hy Lai tại sảnh đường Nhân dân ở Bắc
Kinh - Hình: REUTERS
Chung quanh vụ án ở Trung Khánh liên quan
đến Bạc Hy Lai (Bo Xilai), bí thư thành ủy và Vương Lập Quân (Wang Lijun), cựu
giám đốc Công an và phó thị trưởng, càng ngày người ta càng khám phá ra nhiều
chi tiết ly kỳ và thú vị. Bài trước, chúng ta đã bàn về nạn tham nhũng và tiền
bạc. Bài này, xin nói về việc tranh giành quyền lực. Có thể nói nguyên nhân ngã
ngựa của Bạc Hy Lai không phải chỉ vì tham nhũng, thậm chí, không phải vì
chuyện để cho vợ giết người (Nei Heywood). Đó chỉ là những lý do phụ. Lý do
chính là những mâu thuẫn trong nội bộ thành phần lãnh đạo của đảng Cộng sản
Trung Quốc.
Báo The New York Times tiết lộ,
theo nhiều nguồn tin đáng tin cậy ở Trung Quốc, lâu nay Bạc Hy Lai và Vương Lập
Quân có thói quen nghe lén tin tức của mọi người trong địa phương, đặc biệt
những người họ thấy có thể gây nguy hiểm cho họ, từ các luật sư đến các nhà đấu
tranh cho dân chủ, từ những doanh nhân đến các cán bộ không cùng phe cánh, v.v.
Tất cả đều bị theo dõi chặt chẽ. Biện pháp theo dõi phổ biến nhất là nghe lén
điện thoại. Người ta kể nhiều người có chút máu mặt ở Trùng Khánh không bao giờ
dám dùng điện thoại nhà hay điện thoại văn phòng để nói chuyện với nhau. Với
những vấn đề tương đối “nhạy cảm” chút xíu, người ta đều dung các thẻ điện
thoại dưới tên người khác, những người hoàn toàn vô danh. Ngay cả như vậy, nói
chuyện với nhau, cũng không ai dám nhắc đến tên của Bạc Hy Lai hay Vương Lập
Quân. Nhắc, chỉ nhắc đến tên thôi, cũng có thể gây chú ý ngay tức khắc.
Tất cả những chuyện ấy đều được biết từ
lâu. Ai cũng biết. Nhưng không ai dám làm gì cả. Họ sợ. Chính quyền Trùng Khánh
chủ trương như thế. Và chính quyền Trung Quốc cũng chủ trương như thế. Tất cả
đều nhân danh nhu cầu chống phá tội phạm và duy trì sự ổn định chính trị ở địa
phương. Chi phí của các hoạt động nghe lén ấy được chính phủ đài thọ. Những
người nghe lén là những nhân viên nhà nước. Họ lãnh lương và bỏ toàn bộ thời
gian trong ngày với những kỹ thuật hiện đại nhất chỉ để làm một việc duy nhất
là nghe lén điện thoại của người khác.
Có điều là, cái tội của Bạc Hy Lai và
Vương Lập Quân là đã vượt quá giới hạn mà đảng Cộng sản cho phép: Họ nghe lén
(và thu băng) cả điện thoại của giới lãnh đạo cao cấp thuộc chính quyền trung
ương, trong đó có cả Hồ Cẩm Đào, chủ tịch Đảng và chủ tịch nhà nước. Chính các
nhân viên an ninh kỹ thuật của Hồ Cẩm Đào đã phát hiện ra vụ thu băng và nghe lén này. Nhiều nhà bình luận chính trị cho đó mới là nguyên nhân thực sự dẫn đến sự sụp
đổ con đường danh vọng ngỡ như đang thênh thang rộng mở của viên bí thư thành
ủy Trùng Khánh.
Nhưng tại sao Bạc Hy Lai lại nghe lén Hồ
Cẩm Đào? Chỉ có một cách giải thích duy nhất: tranh giành quyền lực. Chưa chắc
Bạc Hy Lai đã chống lại Hồ Cẩm Đào, một người sắp mãn nhiệm kỳ. Có lẽ Bạc Hy
Lai chỉ muốn biết Hồ Cẩm Đào đang tính toán chuyện gì trong vấn đề chuyển giao
quyền lực cho kỳ Đại hội Đảng sắp tới mà thôi. Biết để đối phó.
Nhưng như vậy cũng đủ cho thấy: Họ không
tin nhau.
Lâu nay đảng Cộng sản Trung Quốc lúc nào
cũng tô vẽ hình ảnh của họ như một khối thống nhất: Mọi người tập trung chung
quanh Trung ương đảng; Trung ương đảng tập trung chung quanh Bộ chính trị. Bộ
chính trị thì là một: có cùng một lý tưởng chung; khi một chính sách đã được
quyết định, mọi người răm rắp tuân theo.
Sự thực, đó chỉ là một huyền thoại.
Mà huyền thoại ấy cũng chẳng đáng ngạc nhiên chút nào cả. Từ lâu người ta đã biết điều đó. Cả thế giới đếu biết những tranh chấp kinh hồn ở Liên Xô, từ thời Lenin và Stalin trở đi, cũng như ở Trung Quốc dưới thời Mao Trạch Đông về sau.
Thật ra, đó cũng chính là một trong những khác biệt quan trọng nhất giữa một chế độ dân chủ và một chế độ độc tài.
Chế độ dân chủ, với những mức độ khác nhau, được xây dựng trên niềm tin và sự đồng thuận. Không phải người ta không tranh chấp nhau. Có. Gay gắt và quyết liệt nữa là khác. Nhưng, thứ nhất, bao giờ người ta cũng cố gắng thương thảo để cuối cùng, tìm cách thỏa hiệp với nhau để đi đến một quyết định cuối cùng. Trong quá trình thương thảo cũng như trong việc thực hiện quyết định cuối cùng ấy, người ta thường tin nhau.
Mà không phải chỉ trong guồng máy chính trị. Trong đời sống xã hội cũng thế. Mọi quan hệ đều được xây dựng trên niềm tin. Ở Úc, tôi đã từng chứng kiến nhiều lần cảnh một người nào đó (có khi là chính tôi) bước ra khỏi thư viện hay siêu thị, còi báo động ở cửa ra vào hú lên inh ỏi. Nguyên nhân, nếu ở thư viện, đó là do có một hoặc một số cuốn sách chưa làm thủ tục mượn; nếu ở siêu thị, có một món hàng nào đó chưa được trả tiền. Bình thường, người ta dễ nghĩ ngay đến chuyện trộm cắp. Nhưng quan sát thái độ của các nhân viên thư viện hoặc nhân viên bán hàng, tôi thấy rõ một điều: hầu như người ta loại trừ khả năng ấy. Do đó, có khi người ta vẫy tay bảo đi luôn; hoặc nếu đến kiểm tra, người ta cũng kiểm tra với thái độ nhẹ nhàng, xem chuyện còi báo động nổi lên, trước hết, là một lỗi kỹ thuật. Chính vì vậy, người bị kiểm tra không hề thấy bị xúc phạm. Họ thấy họ được tin cậy.
Dưới các chế độ độc tài thì khác. Trên bình diện chính trị, người ta xây dựng sự thống nhất bằng cách chia rẽ: làm cho không người nào tin người nào cả. Không tin nhau nên người ta không thể kết hợp lại với nhau thành một lực lượng đủ sức để làm đối trọng của giới cầm quyền. Biện pháp ấy, trước, chủ nghĩa thực dân đã thực hiện; sau, chủ nghĩa cộng sản cũng như tất cả các chế độ độc tài đều bắt chước. Và càng ngày càng tinh vi dần.
Ngay trên bình diện xã hội, người ta cũng tìm cách chia rẽ để không ai tin ai cả. Có thời, ở mọi chế độ cộng sản, kể cả cộng sản Việt Nam, người ta khuyến khích mọi người tố cáo lẫn nhau. Hàng xóm tố cáo nhau. Bạn bè tố cáo nhau. Anh em tố cáo nhau. Thậm chí, cả vợ chồng và bố mẹ/con cái cũng tố cáo nhau. Không ai chừa ai cả. Bởi vậy không ai dám nói thực với ai điều gì. Lúc nào cũng giấu giếm nhau. Như cái chuyện có lẽ ai cũng biết: có thời, ở miền Bắc, làm thịt gà ăn, người ta phải đào hố chôn lông để hàng xóm khỏi thấy. Thấy là đi tố. Tố là bị mang tội… “tiểu tư sản”.
Trên bình diện chính trị cũng như xã hội, sự nghi ngờ dẫn đến sự thù hận. Không tin nhau, ai cũng nghĩ người khác là kẻ thù lúc nào cũng sẵn sàng rình rập để tố giác và hãm hại mình.
Về phương diện xã hội, cả ở Trung Quốc lẫn Việt Nam hiện nay có lẽ đã khá hơn nhiều. Người ta không cần tố giác nhau như ngày trước nữa. Nhưng về phương diện chính trị, chắc chắn hiện tượng nghi ngờ, rình rập và chơi xấu nhau vẫn còn rất phổ biến.
Chỉ có hai vấn đề là: Một, khi nào những chuyện ấy được phơi bày; và hai, liệu người ta có thể xây dựng một chế độ thực sự mạnh mẽ trên nền tảng sự nghi ngờ như thế?
Mà huyền thoại ấy cũng chẳng đáng ngạc nhiên chút nào cả. Từ lâu người ta đã biết điều đó. Cả thế giới đếu biết những tranh chấp kinh hồn ở Liên Xô, từ thời Lenin và Stalin trở đi, cũng như ở Trung Quốc dưới thời Mao Trạch Đông về sau.
Thật ra, đó cũng chính là một trong những khác biệt quan trọng nhất giữa một chế độ dân chủ và một chế độ độc tài.
Chế độ dân chủ, với những mức độ khác nhau, được xây dựng trên niềm tin và sự đồng thuận. Không phải người ta không tranh chấp nhau. Có. Gay gắt và quyết liệt nữa là khác. Nhưng, thứ nhất, bao giờ người ta cũng cố gắng thương thảo để cuối cùng, tìm cách thỏa hiệp với nhau để đi đến một quyết định cuối cùng. Trong quá trình thương thảo cũng như trong việc thực hiện quyết định cuối cùng ấy, người ta thường tin nhau.
Mà không phải chỉ trong guồng máy chính trị. Trong đời sống xã hội cũng thế. Mọi quan hệ đều được xây dựng trên niềm tin. Ở Úc, tôi đã từng chứng kiến nhiều lần cảnh một người nào đó (có khi là chính tôi) bước ra khỏi thư viện hay siêu thị, còi báo động ở cửa ra vào hú lên inh ỏi. Nguyên nhân, nếu ở thư viện, đó là do có một hoặc một số cuốn sách chưa làm thủ tục mượn; nếu ở siêu thị, có một món hàng nào đó chưa được trả tiền. Bình thường, người ta dễ nghĩ ngay đến chuyện trộm cắp. Nhưng quan sát thái độ của các nhân viên thư viện hoặc nhân viên bán hàng, tôi thấy rõ một điều: hầu như người ta loại trừ khả năng ấy. Do đó, có khi người ta vẫy tay bảo đi luôn; hoặc nếu đến kiểm tra, người ta cũng kiểm tra với thái độ nhẹ nhàng, xem chuyện còi báo động nổi lên, trước hết, là một lỗi kỹ thuật. Chính vì vậy, người bị kiểm tra không hề thấy bị xúc phạm. Họ thấy họ được tin cậy.
Dưới các chế độ độc tài thì khác. Trên bình diện chính trị, người ta xây dựng sự thống nhất bằng cách chia rẽ: làm cho không người nào tin người nào cả. Không tin nhau nên người ta không thể kết hợp lại với nhau thành một lực lượng đủ sức để làm đối trọng của giới cầm quyền. Biện pháp ấy, trước, chủ nghĩa thực dân đã thực hiện; sau, chủ nghĩa cộng sản cũng như tất cả các chế độ độc tài đều bắt chước. Và càng ngày càng tinh vi dần.
Ngay trên bình diện xã hội, người ta cũng tìm cách chia rẽ để không ai tin ai cả. Có thời, ở mọi chế độ cộng sản, kể cả cộng sản Việt Nam, người ta khuyến khích mọi người tố cáo lẫn nhau. Hàng xóm tố cáo nhau. Bạn bè tố cáo nhau. Anh em tố cáo nhau. Thậm chí, cả vợ chồng và bố mẹ/con cái cũng tố cáo nhau. Không ai chừa ai cả. Bởi vậy không ai dám nói thực với ai điều gì. Lúc nào cũng giấu giếm nhau. Như cái chuyện có lẽ ai cũng biết: có thời, ở miền Bắc, làm thịt gà ăn, người ta phải đào hố chôn lông để hàng xóm khỏi thấy. Thấy là đi tố. Tố là bị mang tội… “tiểu tư sản”.
Trên bình diện chính trị cũng như xã hội, sự nghi ngờ dẫn đến sự thù hận. Không tin nhau, ai cũng nghĩ người khác là kẻ thù lúc nào cũng sẵn sàng rình rập để tố giác và hãm hại mình.
Về phương diện xã hội, cả ở Trung Quốc lẫn Việt Nam hiện nay có lẽ đã khá hơn nhiều. Người ta không cần tố giác nhau như ngày trước nữa. Nhưng về phương diện chính trị, chắc chắn hiện tượng nghi ngờ, rình rập và chơi xấu nhau vẫn còn rất phổ biến.
Chỉ có hai vấn đề là: Một, khi nào những chuyện ấy được phơi bày; và hai, liệu người ta có thể xây dựng một chế độ thực sự mạnh mẽ trên nền tảng sự nghi ngờ như thế?
*****
Quan chức vượt khỏi vòng kiểm soát
Tác giả: Angela Köckritz - Người
dịch: Nguyễn Hội
Đàn Chim
Việt – 14-5-2012
Trường hợp
Bạc Hy Lai (Bo Xilai) cho thấy: Đảng Cộng sản Trung Quốc đã mất kiểm soát. Trận
chiến tranh giành vai trò lãnh đạo leo thang, lãnh đạo tỉnh nắm quyền lực.
Một số người
gọi nó là phim bộ gay cấn nhất của Trung Quốc, nhưng kịch bản của bộ phim không
phải chịu sự kiểm duyệt của nhà nước. Và có lẽ không một nhà văn nào có thể
nghĩ ra được là tầng lớp chính trị gia Trung Quốc tự phơi bày cho người dân một
bi kịch có thực. Vai trò chính của vở bi kịch: một kẻ thèm khát quyền lực, một
vị Chúa vùng có uy lực đã bị tước mọi quyền hành một cách ô nhục. Vợ của ông ta
bị tình nghi đầu độc giết chết một thương gia bạn người Anh. Các vai phụ: chàng
con trai được nuông chiều, thường lái lượn những chiếc Porsche và Ferrari trong
vùng, trong khi cha của mình thúc giục dân chúng hát những bài hát về Mao, công
an trưởng đã bị sa thải và blogger tại Trung Quốc là những người luôn luôn phát
triển những mã từ mới để báo cáo liên tục về tình trạng Bạc Hy Lai mặc cho sự
kiểm duyệt gắt gao.
Trên toàn
thế giới, tên của ông ta là đồng nghĩa với cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất
của Trung Quốc từ hơn hai mươi năm qua. Cuộc khủng hoảng, các vết nứt lớn trong
cơ cấu của đảng cho thấy rằng – cũng có thể táo bạo như âm thanh của nó – có
thể đưa đến một cuộc tranh luận cải cách chính trị đã quá hạn từ lâu. Sự kiện
này sẽ là một cuộc tranh luận thực sự đầu tiên kể từ năm 1989.
Có thể nói:
xui cho đảng là vụ bê bối về Bạc (Bo) bây giờ mới được khám phá, đặc biệt là
trong giai đoạn nhạy cảm thay đổi thành phần lãnh đạo. Vào tháng mười, Đại hội
Đảng thứ 18 được tổ chức. Sau đó lãnh đạo Đảng Cộng Sản Trung Quốc Hồ Cẩm Đào
(Hu Jintao) và Thủ tướng Ôn Gia Bảo (Wen Jiabao) sẽ từ chức, những người kế vị
họ có khả năng sẽ là Tập Cận Bình (Xi Jinping) và Lý Khắc Cường (Li Keqiang).
Người được nêu trước (Tập Cận Bình) là một người đàn ông lực lưỡng, khá gần gũi
với dân chúng, được thấy qua chuyến đi Mỹ vài tháng trước đây. Người thứ hai
nhìn có vẻ là người qui củ đến từng ngọn tóc. Định hướng chính trị của họ chưa
được thấu hiểu rõ. Điều này sẽ là tiêu chuẩn tương lai của Uỷ ban thường vụ Bộ
Chính trị, là cơ chế chính trị mạnh nhất nước, bảy trong số chín ghế của cơ chế
này sẽ được thay thế trong đại hội tới đây.Ủy ban đưa ra các đề cương chính
sách cho Trung Quốc – và các đề cương này cũng ảnh hưởng từ lâu đến các vấn đề
kinh tế của phần thế giới còn lại.
Có thể nói
rằng: Vụ bê bối trên đã nhận diện được chỉ vì đảng đang phải đối mặt với một
cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Người ta có thể dấu diếm được một vụ giết người.
Nhưng không thể dấu được một đè nén về quyền lực.
Mục tiêu
chính của Bạc Hy Lai (Bo Xilai) vào được uỷ ban thường vụ Bộ Chính trị, nên ông
đã bỏ nhiều nỗ lực vận động cho “Mô hình Trùng Khánh”: chấp nhận chủ nghĩa tư
bản, nhưng biện pháp nhà nước XHCN phải được áp đặt, dùng bạo lực nhiều hơn đối
với Mafia (và những người bất đồng chính kiến), bày trí xã hội theo kiểu cách
chủ nghĩa xã hội (cờ đỏ và các bài hát về Mao). Mô hình đối nghịch được tỉnh
Quảng Đông ở miền Nam Trung Quốc đưa ra: chấp nhận chủ nghĩa tư bản, không cần
xây dựng mạng lưới xã hội, nhưng nhiều an toàn pháp lý hơn. Nhiều người cho
rằng sự lật đổ Bạc (Bo) là một chiến thắng của phe cải cách. Thực sự đây không
phải là cuộc đấu tranh tư tưởng giữa các phe phái và cũng không phải là sự đói
quyền hành của một chính trị gia có uy tín, nhưng là một biểu lộ sự không kiểm
soát được của đảng Cộng Sản, của các lực lượng trọng yếu cuộc cải cách kinh tế
trong nhiều thập niên vừa qua. Trung tâm quyền lực đã bị dao động.
Bạc Hy Lai
(Bo Xilai) đã khai thác tình thế. Theo nguồn tin của The New York Times trước
đây vài ngày, Bạc (Bo) không chỉ cho nghe lén các đảng viên mà thậm chí đã cho
nghe lén cả Chủ tịch Hồ Cẩm Đào (Hu Jintao). Đồng thời ông tìm cách liên lạc
với các tướng có quyền thế trong quân đội. “Đó
là một điều cấm kỵ tuyệt đối với các nhà lãnh đạo dân sự“, Willy
Lam, nhà báo và nhà khoa học chính trị thuộc Đại học Hong Kong cho biết như
trên. Một người trong cuộc dấu tên cho biết toàn bộ lãnh đạo đảng “cảm thấy bị
đe dọa bởi Bạc Hy Lai. Người ta tin rằng ông ấy có thể phá hủy sự đoàn kết của
đảng. Vì vậy, họ không muốn sự tồn tại của ông ta nữa”. Trường hợp Bo xảy ra
bởi vì đảng Cộng Sản Trung Quốc (CPC) không có quy tắc qui định người kế nhiệm
rõ ràng.
Qui định
người kế nhiệm là yếu điểm lớn của hệ thống độc đoán. Đối với ĐCSTQ vấn đề này
rất nan giải. Hai trong số ba người kế vị được Mao Trạch Đông chỉ định đã không
được tôn trọng. Người đầu tiên chết trần truồng và tiều tụy trong một nhà tù,
người thứ hai chết trong một vụ tai nạn máy bay bí ẩn. Chỉ có người thứ ba, là
Hoa Quốc Phong (Hua Guofeng), được thành đạt, nhưng cũng đã bị lật đổ ngay sau
đó bởi Đặng Tiểu Bình (Deng Xiaoping). Ngay cả người kế nhiệm Đặng Tiểu Bình là
Giang Trạch Dân (Jiang Zemin ) cũng là sự lựa chọn thứ ba. Nhưng ông ta đã
truất phế người bảo trợ mình một thời gian ngắn sau khi nhận nhiệm vụ. Tuy
nhiên, cả Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình không phải là những chính trị gia đã
buộc đảng thực thi ý muốn của mình – ngay cả khi Đặng Tiểu Bình đã trái ngược
với Mao là bị buộc phải lấy ý kiến của các đảng viên lão thành. Cả hai đều chỉ
định được thành phần uỷ ban thường vụ, nhưng không chỉ định được người kế nhiệm
cho mình. Trong đảng hiện nay không còn người có thế lực mạnh nữa. Và nguyên
tắc (cho việc quy định kế nhiệm) cũng không có. Sự đè nén quyền lực đã thách
thức các phe nhóm có những âm mưu chọi lẫn nhau.
Các
quan chức nhà nước ăn cắp quyền tự do của quốc gia
Từ năm 2007,
đảng cho thử nghiệm cuộc bỏ phiếu trong phạm vi những đảng viên chủ chốt. “theo
cách thức như thể, các Giám mục sẽ bầu chọn Đức Giáo Hoàng” một người trong
cuộc cho biết. “Nhưng có một vấn đề ở đây là: phiếu của các Giám mục có cùng
trọng lượng. Trong đảng thì khác, giá trị phiếu của cá nhân người này cao hơn,
những người khác thấp hơn“. Điều đó không chỉ lệ thuộc vào chức vụ mà còn lệ
thuộc vào phe nhóm, nền tảng gia đình. Nội bộ của đảng rất phức tạp, làm thế
nào thể chế hóa tất cả qua một thủ tục bầu cử?
Tại sao lại
khó khăn như vậy? Bởi vì nó đe dọa đến chế độ. Lật lại những cuốn sách sử ta
thấy được những các cán bộ đảng đã làm. Vào năm 1949, khi Mao Trạch Đông thành
lập nước Cộng hòa nhân dân, ông ta đã tạo ra một huyền thoại là ông đã làm mới
hoàn toàn. Trong thực tế, ông đã duy trì cấu trúc cơ bản của hệ thống chính trị
Hoàng đế cũ và đặt vào đó nhân sự của các tổ chức cộng sản. Và do đó ngày nay
Trung Quốc vẫn là một quốc gia y nguyên như thời Hoàng đế đầu tiên cách đây hơn
2000 năm: là một quốc gia quan chức chuyên quyền. Các nhà lãnh đạo thường thành
công trong việc tích hợp các học giả và những người có tham vọng, nhằm củng cố
quyền lực, tuy nhiên sự việc này đã từ lâu không còn đạt hiệu quả rất nhiều
nữa.
Sự tiến bộ
của Trung Quốc kể từ năm 1978 là một ví dụ. Tuy nhiên, nhà nước quan liêu độc
đoán cũng là nhược điểm rất lớn. Thiếu tiếng nói của nhân dân và dân chủ, thiếu
kiểm soát và cân bằng. Trung Quốc có cơ hội để tái tạo lại chính mình. Theo các
nhà sử học, 20% các triều đại Hoàng đế (Trung Quốc) bị lật đổ bởi xâm lược từ
bên ngoài. 40% bởi các cuộc nổi dậy của người dân trong nước. Và 40% bị sụp đổ
bởi chính nội bô của họ. Bởi vì các ứng cử viên, những người ham muốn ngự trị
trên ngai vàng tàn sát lẫn nhau. Bởi vì các Bộ đeo đuổi lợi ích riêng của mình
và không còn nhằm phục vụ nhân dân. Bởi vì nhiều cá nhân công chức và các chúa
tỉnh (vùng) cảm thấy không có nghĩa vụ đối với trung tâm quyền lực. Điều này
không có nghĩa là ngày mai chế độ Đảng Cộng sản sẽ sụp đổ. Nhưng là những dấu
hiệu đáng lo ngại cho sự sụp đổ chế độ.
Ví dụ về
chính sách đối ngoại của Trung Quốc, chính sách này ngày càng nhiều người tham
gia lèo lái hơn để nhằm thực hiện mục đích của riêng mình. Trong một nghiên cứu
về sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông (South China Sea) nhóm
International Crisis Group cho biết, có 11 phòng ở cấp Bộ đeo đưổi lợi ích cá
nhân của họ (tại Biển Đông), và thường gây ra những hậu quả nghiêm trọng có tầm
vóc quốc tế.
Trong nhiều
thập niên qua, Bắc Kinh đã cố gắng gầy dựng niềm tin với các nước láng giềng
phía đông nam qua một cuộc chiến thuật tấn công hấp dẫn. Họ đã thành công cho
đến khi – kích hoạt bởi các ngư dân Trung Quốc và tàu tuần tra – các sự kiện
xảy ra chung quanh các hải đảo mà một số nước lân cận cùng tuyên bố chủ quyền.
Những nước láng giềng cảm thấy bị áp lực bởi Trung Quốc nên đã yêu cầu Mỹ giúp
đỡ – phần lớn nhằm tỏ thái độ xấu đối với Trung Quốc. Sự hiện hữu hung hăng của
Trung Quốc trong vùng biển Đông (South China Sea) không phải là kế hoạch chiến
lược được đề ra tại Bắc Kinh. Đứng đằng sau là những ông chúa tỉnh đầy tham
vọng, muốn bảo vệ các khu vực tranh cãi cho ngành thủy sản và cho các dự án du
lịch. Các Bộ đã lợi dụng chi phí của các cơ quan chính phủ khác làm nổi bật Bộ
của mình. Các công ty dầu mỏ gây áp lực để được khai thác tài nguyên khoáng sản
có thể có ở nơi tranh chấp. Các cơ quan chính phủ, các tỉnh, các công ty nhà
nước đã tự động hành động. Bộ Ngoại giao bất lực và thường phải làm trọng tài,
khi xung đột xảy ra. Trung Quốc tự là kẻ thù của chính mình trong biển Đông
(South China Sea), đó là kết luận của International Crisis Group.
Trong nội
bộ, các chính phủ khu vực và địa phương giằnh co quyền lực và kiểm soát đảng.
Không phải vì động cơ ý thức hệ, nhưng vì kinh tế tư lợi. Năm 2008, khi cuộc
khủng hoảng kinh tế bột phát tại Tây phương, Bắc Kinh lo sợ cuộc khủng hoảng
lan rộng tới Trung Quốc nên chính quyền trung ương đã mở “vòi cung cấp tiền“.
Các quan chức điạ phương hành động nhiệt liệt, họ đo khả năng của họ theo GDP
địa phương. Ý nghĩa của những dự án như vậy không được suy nghĩ kỹ càng: đây là
một công viên vui chơi giải trí vĩ đại, ở đó là một hội trường khổng lồ. Mô
hình Trùng Khánh của Bạc Hy Lai phần lớn được dựa trên sự bùng nổ của ngành xây
cất, ông không chỉ xây dựng các tòa nhà sặc sỡ, mà cũng đã lên kế hoạch xây cất
nhà ở giá rẻ cho người nghèo. Các chuyên gia tài chính muốn biết, có bao nhiêu
khoản vay nợ xấu hiện thời trong hệ thống ngân hàng của Trung Quốc và trong vài
năm nữa núi nợ của chính quyền cấp tỉnh sẽ lên cao tới đâu?
Nông
dân bị tước đoạt bất hợp pháp
Có thời gian
Trung Quốc đã có thể gánh chịu được một hoặc nhiều đầu tư sai lầm, bởi vì Trung
quốc là một quốc gia nghèo, cần thiết gấp đường xá, sân bay và đường sắt. Thời
gian đó đã qua rồi. Quốc gia với lợi thế có mức lương thấp ngày càng tăng. Nền
kinh tế của Trung Quốc phải chuyển đổi tập trung vào các ngành có tính chất
sáng tạo và các ngành công nghệ cao, nền kinh tế Trung quốc cần thiết sự phối
hợp và đặc biệt là bảo đảm pháp lý. Liên minh giữa ngành xây dựng và chính phủ
các khu vực dẫn đến vấn đề nan giải khác: Chính quyền địa phương phải đáp ứng
ngân sách của họ và phải bán đất đai để có tiền. Muốn có đất đai để bán, chính
quyền tịch thu đất của nông dân một cách bất hợp pháp và sử dụng côn đồ đánh
đuổi nông dân đi nơi khác. Sự kiện này dẫn đến các cuộc phản đối ngày càng
thường xuyên hơn trên khắp nước và mất tin tưởng vào đảng, sự tin tưởng này dù
sao cũng đã bị tấn công bởi nạn tham nhũng lan tràn khắp nơi.
Bạc Hy Lai
và người vợ có khả năng thương mại được cho là đã giấu đi số tiền lên đến một
tỷ đô la Mỹ. Bà vợ bị cho rằng đã giết chết người thương gia bạn là Neil
Heywood trong một cuộc xung đột. Theo biên bản chính thức, đó là điểm chính của
vụ bê bối. Về thực chất, không có gì gọi là mới lạ đối với công chúng Trung
Quốc, bê bối về tham nhũng là chuyện quá bình thường. Một điều đáng ngạc nhiên
là – có lẽ trong sau vụ bê bối của Bạc – từ trong nội bộ hệ thống quyền lực đã
dấy lên báo động. „Một số cá nhân sử dụng các thủ đoạn của Mafia trong quân
đội.“. Không phải chỉ một người đã không hổ thẹn làm giàu bản thân, hấp dẫn và
đe dọa những người khác. „Họ đang tấn công các quan chức đứng đắn, bắt cóc và
tống tiền những người này.“ Điều đó không do người bất đồng chính kiến phát
biểu, mà do tướng Liu Yan phát biểu gần đây, tướng Liu Yan là một quan chức
quyền lực nhất trong các bộ phận hậu cần của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung
Quốc, theo báo cáo của tạp chí Chính sách Ngoại giao (Foreign Policy- Magazin)
dành cho cán bộ của mình. Liu là người hiểu biết vấn đề, nhưng không nhìn thấy
được cơ quan của ông có nhiều hợp đồng khổng lồ về bất động sản, về tài chính
và thực phẩm. „Không quốc gia nào có thể đánh thắng được Trung Quốc. Chỉ có
tham nhũng của chính mình mới có thể tiêu diệt được chúng ta.“
Không chắc
chắn những cảnh báo ngắn gọn như vậy sẽ dẫn đến hậu quả. Trung Quốc bị bịnh do
chính mình gây ra và chỉ có một cách duy nhất có thể giúp được, đó là cải cách
chính trị. Không phải vì các nhà bất đồng chính kiến hay các chính phủ Tây
phương đòi hỏi, nhưng vì đảng với hệ thống quyền lực tuyệt đối trống rỗng không
giải quyết được mà còn làm vấn đề tồi tệ hơn. Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã thường
kêu gọi cải cách kiểu, cải cách của ông kêu gọi không thuộc kiểu dân chủ phương
Tây, nhưng là một nhà nước pháp quyền. Các đồng chí nhiều quyền lực của ông đã
luôn luôn bỏ ngoài tai, không nghe. Có lẽ bây giờ ông đã có một thế lực hỗ trợ.
Trong những ngày gần đây, ba tờ báo đảng có ảnh hưởng, bao gồm tờ Nhân Dân,
đăng tải một loạt các bài bình luận rất dài về cải cách chính trị. Đó là điều
không bình thường và theo ý kiến của nhiều nhà quan sát, sự kiện trên chỉ có
thể xảy ra với sự đồng ý của lãnh đạo tối cao.
Tờ South
China Morning Post nhận định về trường hợp của Bo rằng, đảng sẽ đưa ra một án
quyết, Bạc (Bo) có thể bị xoá đi. Nhưng những vấn đề đã đưa trường hợp của ông
ta ra ánh sáng, thì không thể xoá đi được.
Tựa đề nguyên thủy: Kader außer
Rand und Band
đăng trên tuần báo “Die Zeit” ngày 03.05.2012
đăng trên tuần báo “Die Zeit” ngày 03.05.2012
© Nguyễn Hội
*****
Kêu gọi cách chức ông Chu Vĩnh Khang
BBC
- Thứ năm, 17 tháng 5, 2012
Một
nhóm đảng viên lão thành của Đảng cộng sản Trung Quốc đã viết đơn
kiến nghị đến Chủ tịch Hồ Cẩm Đào yêu cầu cách chức ông Chu Vĩnh
Khang, một trong những nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc.
Ông Chu là một trong
chín ủy viên Thường vụ Bộ chính trị đầy quyền lực và hiện đang phụ
trách bộ máy an ninh của nước này.
Trong một lá thư
ngỏ gửi đến ông Hồ, tổng bí thư của Đảng, các đảng viên lão thành
này cho rằng ông Chu nằm trong phong trào muốn khôi phục lại đất nước
Trung Quốc dưới thời cố Chủ tịch Mao Trạch Đông. Những
đồn đoán về số phận của ông Chu đã gia tăng kể từ cú ngã ngựa của
ông Bạc Hy Lai, ủy viên Bộ chính trị và là bí thư Thành ủy Trùng
Khánh.
Việc các đảng viên có một thỉnh nguyện táo bạo
như thế đến lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc là việc hiếm khi xảy
ra.
Bức thư này kiến
nghị ông Hồ cách chức ông Chu khỏi vị trí người đứng đầu hệ thống
an ninh, tòa án và tình báo của nước này. Những
người đứng tên trong thư kiến nghị cũng yêu cầu khai trừ ông Chu ra
khỏi Thường vụ Bộ chính trị, cơ quan chính trị đầu não của Trung
Quốc.
Một số đảng viên lão thành ký tên vào đơn đã gia
nhập Đảng cộng sản Trung Quốc trước khi đảng này lên nắm quyền vào
năm 1949.
"Ông
Bạc thú nhận là ông ấy có sự ủng hộ của ông Chu Vĩnh Khang. Ông Chu
cũng chính là người giúp ông ta liên hệ với các ban đảng ở trung
ương."
Vũ Nhung Thanh, một trong những người đứng đơn
Họ không nắm giữ
vị trí gì quan trọng và cũng không có ảnh hưởng gì đặc biệt. Tuy nhiên một trong số các đảng viên này, ông Vũ Nhung Thanh, nói
với BBC rằng ông nhận được hàng trăm cuộc gọi bày tỏ sự ủng hộ
cũng như một số cuộc gọi đe dọa.
Phe cánh ông Bạc
Ông Vũ từng có vị
trí cao ở Thành ủy thành phố Chiêu Tông thuộc tỉnh Vân Nam ở tây nam
Trung Quốc. Ông cho biết ông Chu Vĩnh Khang phải ra đi vì đã ủng hộ ông
Bạc Hy Lai. Ông Bạc đã bị khai trừ ra khỏi Bộ
chính trị và bị cách chức bí thư Thành ủy Trùng Khánh, nơi ông từng
dẫn đầu một phong trào nhằm làm hồi sinh những tư tưởng dưới thời
Mao Trạch Đông.
“Ông Bạc thú nhận
là ông ấy có sự ủng hộ của ông Chu Vĩnh Khang. Ông Chu cũng chính là
người giúp ông ta liên hệ với các ban đảng ở trung ương,” ông Vũ cho
biết.
Lá đơn kiến nghị
này dường như cũng cảnh báo về những hiểm họa của việc hồi sinh lại
hình ảnh Mao Chủ tịch và những chính sách của ông ta. Theo đó nếu không tiến hành cải cách chính trị thì Trung Quốc sẽ
đối mặt với những hiểm họa như tham nhũng và sự phân cách giàu
nghèo.
Đã xuất hiện nhiều
phỏng đoán về số phận của ông Chu trong nhiều tuần qua.
Chính quyền Trung
Quốc vẫn chưa đưa ra bình luận chính thức nào, nhưng lá thư này cho
thấy hiện đang có quan ngại về ông Chu trong nội bộ Đảng cộng sản
Trung Quốc.
Ngoài ra những
người đứng đơn cũng yêu cầu cách chức ông Lưu Vân Sơn, người đứng đầu
bộ máy tuyên truyền của Đảng. Ông này dự kiến sẽ được thăng tiến
trong kỳ đại hội đảng vào cuối năm nay.
File: ITN-051712-CHINA-3-Vu
Bac Hy Lai.doc