Không
ai nghi ngờ về vai trò toàn cầu của một tổ chức an ninh tập thể đang
vươn mình, thế nhưng, những kỳ vọng và tham vọng của các thành viên và
những nhà sáng lập NATO dường như vẫn vượt quá tiềm lực của cả khối.
Từ phòng thủ đến tấn công
Mục tiêu mà các nước tham gia sáng lập
NATO đưa ra năm 1949 là thiết lập một liên minh trong đó các nước thành
viên thực hiện phòng thủ chung khi bị tấn công bởi bên ngoài. Trong
giai đoạn đầu mới thành lập, NATO đã trở thành cánh tay đắc lực trong
chính sách đối ngoại của Mỹ góp phần kiềm chế khối Vác-sa-va do Liên Xô
cũ đứng đầu và nhằm mục đích cuối cùng là tái cân bằng "cán cân chiến
lược". Như vậy, có thể nói đến một NATO thiên về phòng thủ, phù hợp với
bối cảnh Chiến tranh Lạnh.
Sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ
(1991), NATO nằm ở trung tâm chiến lược đầy lùi và ngăn chặn mọi sự hồi
sinh của Nga. Không những đánh bật ảnh hưởng của Nga khỏi một số nước
truyền thống, mà còn mở rộng sang Đông Âu, siết chặt vòng vây quanh Nga.
NATO đã thiên về tiến công, thâu tóm cán cân lực lượng mới nảy sinh từ
thời hậu Xô viết như một cơ hội thực tiễn để mở rộng vùng trách nhiệm và
can thiệp.
Mỹ và NATO còn tham gia can thiệp
chính trị tại không gian ảnh hưởng lịch sử của Nga (lật đổ chính phủ
Kyrgyzstan năm 2005), hỗ trợ cuộc cách mạng màu (2005 và 2010 ở Ukraine
và Kyrgyzstan), mở rộng hợp tác kinh tế với các nước Cộng đồng các quốc
gia độc lập… Trong con mắt của Nga, NATO là dư âm của Chiến tranh Lạnh,
nhưng không còn hợp pháp nữa khi mở rộng và có mặt ở khắp nơi như hiện
nay. Học thuyết chiến lược mới của Nga được đưa ra vào tháng 1/2010, coi
NATO là mối đe dọa lớn (hàng đầu).
Nhắc lại tóm tắt lịch sử phát triển
của NATO và quan hệ với Nga để thấy vai trò của tổ chức ngày càng lớn,
và ảnh hưởng của nó cũng ngày càng sâu rộng cũng như mối quan hệ khá gai
góc của tổ chức này với Nga trong quá trình tìm lại vị trí siêu cường.
Những sáng kiến mới
Sự kiện Hội nghị thượng đỉnh năm nay
của NATO tại Chicago (Mỹ) nhận được sự chú ý của đông đảo dư luận. Hội
nghị được xem là “lớn nhất trong lịch sử NATO”, với sự tham gia của các
nhà lãnh đạo từ 61 quốc gia, trong đó có 28 nước thành viên NATO, 22
nước đối tác tham gia lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế (ISAF), các tổ
chức quốc tế thuộc LHQ, EU và các đối tác khác của NATO.
Hội nghị tập trung vào 3 vấn đề lớn:
Thống nhất lịch trình rút quân tại Afghanisan và kế hoạch hậu
Afghanistan sau 2014; Các biện pháp nhằm tăng cường năng lực quốc phòng
của NATO; Phát triển quan hệ đối tác giữa NATO và các nước đối tác từ
các khu vực khác.
Thượng đỉnh Chicago đã cụ thể hóa các
mốc chuyển giao để lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế - ISAF chuyển từ
nhiệm vụ chiến đấu sang hỗ trợ lực lượng an ninh của Afghanistan đứng ra
đảm nhiệm vai trò chính và xác định quan hệ của NATO với Afghanistan
thời kỳ hậu 2014. NATO và các nước đối tác trong ISAF đã thống nhất sẽ
tiếp tục hỗ trợ trong việc xây dựng cấu trúc hạ tầng cho nhà nước
Afghanistan, bao gồm cả hệ thống lập pháp và hành pháp, trên nguyên tắc
tôn trọng quyền con người, quyền bình đẳng giới và hướng tới xã hội dân
chủ. NATO và cộng đồng quốc tế cam kết sẽ hỗ trợ đào tạo, trang bị và
đóng góp tài chính cho việc duy trì lực lượng an ninh ANSF của
Afghanistan từ 2014 cho tới 2024, với khoản đóng góp giảm dần theo từng
năm, phù hợp với sự phát triển kinh tế của Afghanistan. (Theo ước tính,
Afghanistan cần 4,1 tỷ USD để duy trì lực lượng quân đội với 228.500
người, trong khi phía Afghanistan chỉ có thể đóng góp 500 triệu USD tính
từ năm 2015.).
Nhằm tăng cường năng lực quốc phòng
của khối tương xứng với tham vọng đóng vai trò duy trì an ninh toàn cầu
trong bối cảnh mọi thành viên NATO đều chịu ảnh hưởng mạnh từ khủng
hoảng kinh tế thế giới, NATO đã đưa ra sáng kiến sử dụng ngân sách quốc
phòng một cách hiệu quả hơn, bao gồm 2 nội dung chính:
Thứ nhất là Phòng vệ Thông minh (Smart
Defense) do Tổng thư ký NATO Rasmussen khởi xướng từ đầu năm 2012, nhằm
phối hợp sử dụng ngân sách quốc phòng của mỗi quốc gia một cách hiệu
quả hơn. Cụ thể là khuyến khích 28 nước thành viên NATO, thay vì sử dụng
ngân sách quốc phòng của mình để trang bị những vũ khí trên cơ sở nhu
cầu của quốc gia, thì nay sẽ phối hợp phân công nhiệm vụ dựa trên nhu
cầu chung của NATO để tránh chồng chéo lãng phí ở một số lĩnh vực, trong
khi lại yếu kém ở những lĩnh vực khác.
Tuy nhiên, sáng kiến phòng vệ thông
minh được đưa ra trong một bối cảnh đặc biệt, ngân sách quốc phòng căng
thẳng chưa từng có tại mọi nước thành viên. Mỹ với tư cách là nước chi
tiêu quốc phòng lớn nhất thế giới cho tới nay đang phải đối mặt với
những lựa chọn khó khăn trong bối cảnh nước này phải quyết định thực
hiện khoản cắt giảm 487 tỷ USD. Tại châu Âu, do hậu quả của khủng hoảng
tài chính: từ 2008 đến 2010, chi tiêu quốc phòng thực của các nước châu
Âu thành viên NATO giảm bình quân 7,4% ở mỗi nước. Giai đoạn 2010-2011,
chi tiêu quốc phòng thực của châu Âu về tổng thể giảm thêm 2,8%.
Mặt khác, châu Âu cũng nhận thức được
rằng riêng từng nước sẽ không thể có một lực lượng an ninh toàn diện để
đối phó với những thách thức an ninh mới, trong khi chính sách chuyển
trọng tâm về châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ đang đặt châu Âu vào hoàn
cảnh buộc phải tính đến việc tự bảo vệ mình tại các khu vực lân cận.
Chưa kể, việc thực hiện “smart defense” sẽ phức tạp vì hai lẽ: Một là
cần có sự tin tưởng tuyệt đối về cam kết chính trị giữa các thành viên
NATO đối với việc sẵn sàng đóng góp nguồn lực thế mạnh của mình khi được
yêu cầu. Hai là, NATO cần phải có cơ chế xử lý thoả đáng nếu các nước
thành viên không sẵn sàng tham gia vào một hoạt động chung của NATO. Với
những khó khăn như vậy, “smart defense” trước mắt chỉ có khả năng thành
công ở các dự án phối hợp đa quốc gia của NATO để xây dựng các tài sản
chung của khối và trong các dự án thực hiện sáng kiến kết nối lực lượng
trên toàn NATO để nâng cao năng lực quân sự chung của khối.
Thứ hai là Sáng kiến Liên kết lực
lượng (Connected forces Initiative) nhằm phối hợp tốt hơn trong huấn
luyện và phối hợp triển khai giữa các lực lượng quốc gia của các nước
thành viên NATO; tăng cường sự kết nối giữa Tổng Tư lệnh NATO và Tổng Tư
lệnh quân đội các nước thành viên; thúc đẩy việc đơn giản hóa và hiệu
quả hóa bộ máy chỉ huy của NATO và các nước thành viên.
NATO đã thông qua “Gói các năng lực
quốc phòng” cần được phát triển bao gồm: triển khai giai đoạn đầu của dự
án lá chắn phòng thủ tên lửa (NMD) để bảo vệ cho toàn bộ 28 nước thành
viên; triển khai dự án Do thám, trinh sát trận địa và một số lĩnh vực
NATO còn yếu kém khác.
Về phát triển quan hệ đối tác, đây là
Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên xác định sự cần thiết phải xây dựng một
mạng lưới quan hệ đối tác trên khắp thế giới để giúp NATO hoàn thành vai
trò làm trụ cột trong việc giải quyết các vấn đề an ninh toàn cầu. Việc
phát triển mạng lưới quan hệ đối tác được coi là một bước đi “đúng
hướng” của NATO, được chứng minh bằng sự tham gia tích cực của các nước
đối tác thời gian vừa qua trong các hoạt động do NATO lãnh đạo tại
Kosovo, Balkans, Libya và Afghanistan. Sự tham gia của các đối tác mang
lại cho NATO hai lợi ích chính: chia sẻ gánh nặng và xử lý hiệu quả
những mục tiêu an ninh ngoài khu vực; tăng tính chính đáng cho các sứ
mệnh bên ngoài khu vực an ninh truyền thống của NATO. Các đối tác hiện
nay của NATO bao gồm: Áo, Phần Lan, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Gruzia, Jordan,
New Zealand, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Morocco, Qatar và Các Tiểu
Vương Quốc Ả rập thống nhất.
Thách thức bên ngoài và Hiểm họa bên trong
Nhìn chung, tham vọng thực hiện “vai
trò toàn cầu” mới, “sẵn sàng tham chiến ở bất kỳ nơi nào trên thế giới
khi được yêu cầu” của NATO đứng trước những thách thức lớn. Thứ nhất, để
trở thành Trung tâm an ninh toàn cầu, NATO cần phải giải quyết được vấn
đề chia sẻ gánh nặng - vốn vẫn gây căng thẳng ngay từ khi NATO mới được
thành lập và càng nhạy cảm hơn đối với Mỹ trong thời điểm kinh tế khó
khăn. Hiện nay chi tiêu quốc phòng của châu Âu chiếm khoảng 1,6% GDP so
với mức 4% của Mỹ, và Mỹ cũng đã thể hiện sự bất mãn này trong bài phát
biểu khá “nặng lời” của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates tháng
6/2011, cảnh báo châu Âu có nguy cơ “trở thành một đối tác thừa trong
một liên minh an ninh tập thể”.
Thứ hai, ngay cả khi NATO có đủ sức
mạnh quân sự và kinh tế để thực hiện một sứ mệnh toàn cầu như vậy thì cơ
chế quyết định việc tham gia của NATO sẽ như thế nào? Các trường hợp
được coi là can thiệp “thành công” của NATO tại Afghanistan và Libya,
ban đầu chỉ được khởi xướng bởi một số ít thành viên và trong quá trình
thực hiện cũng có nhiều bất đồng giữa các thành viên về những mục tiêu
cũng như cam kết chung của NATO.
Không thể không nói đến một thách thức
nữa đối với vai trò toàn cầu của NATO, đó là thái độ của các nước lớn
khác, đặc biệt là Nga. Kể từ bước đột phá tại Thượng đỉnh Lisbon 2010,
Quan hệ NATO – Nga hầu như không có tiến triển gì. Tại Chicago, Nga đã
chứng kiến việc NATO tuyên bố thực hiện giai đoạn đầu tiên của kế hoạch
NMD - kế hoạch mà Nga tiếp tục phản đối mạnh mẽ. Để làm dịu phản ứng của
Nga, NATO tái khẳng định Nga không phải là mối đe dọa của mình và NATO
sẵn sàng hợp tác với Nga trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, giữa hai bên vẫn
còn tồn tại nhiều bất đồng và nghi ngại khi Nga phản đối sự can thiệp
của NATO tại Libya, phản đối Gruzia tham gia NATO; còn các thành viên
Đông Âu của NATO luôn nghi ngại về thái độ của Nga và việc tập trận của
Nga tại biên giới Tây Bắc. Tuy vậy, vẫn có một số điểm sáng trong quan
hệ, đó là việc Nga hỗ trợ cung cấp Trạm chung chuyển tiếp tế cho quân
NATO tại Afghanistan, hợp tác với NATO trong một số dự án chống khủng
bố, chống vi phạm bản quyền, hợp tác không vận, dự án kiểm soát các
thiết bị gây nổ tại sân bay.
Không những thế, NATO hiện tại còn lo
ngại trước các đối thủ cạnh tranh tiềm tàng đến từ phương Đông. Tại Hội
nghị của Tổ chức Hiệp ước Hợp tác an ninh tập thể (CSTO) mới đây ở
Mátxcơva, Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev đã mô tả vai trò
của NATO sau Chiến tranh Lạnh là "hoàn toàn không rõ ràng". Thay vào đó,
ông tán đồng xu hướng chống khủng bố của CSTO - tổ chức hiện được coi
là "NATO phương Đông" gồm 7 nước thành viên là Nga, Kazakhstan, Belarus,
Armenia, Tajikistan, Kyrgyzstan, Uzbekistan, với Nga là "bộ não". Các
quy định của CSTO cũng giống như NATO, trong đó coi cuộc tấn công vào
một quốc gia thành viên đồng nghĩa với việc nhắm vào cả khối.
Một thế lực khác có thể trở thành một
đối trọng với NATO là Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Kết quả của Hội
nghị Ngoại trưởng SCO tại Bắc Kinh mới đây cho thấy tổ chức này đang sẵn
sàng cho những thay đổi lớn. Trong thập kỷ 1990, SCO là một tổ chức xây
dựng lòng tin giữa Nga, Trung Quốc và 4 nước Trung Á. Sang đầu thế kỷ
21, SCO đã chuyển trọng tâm sang chống khủng bố, buôn ma túy quốc tế
cũng như hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế và nhân đạo. Ngoại trưởng
Nga Sergei Lavrov cho biết từ nay trở đi, SCO sẽ có một chính sách chung
và quan điểm thống nhất của SCO sẽ ủng hộ những nỗ lực của Nga và Trung
Quốc nhằm ngăn chặn sự thao túng của phương Tây trong các vấn đề quốc tế.
Răn đe và đánh bại một cuộc tấn công
của Liên Xô vào Tây Âu là việc của 60 năm trước và Liên Xô giờ đã không
còn tồn tại. Hiện sự tiến triển của NATO từ một tổ chức an ninh khu vực
thành một tổ chức an ninh tập thể có vai trò toàn cầu là một xu thế quan
trọng tác động đến cục diện thế giới nói chung cũng như khu vực châu Á –
Thái Bình Dương nói riêng. Hệ lụy của quá trình này đối với sự ổn định
của thế giới và khu vực là yếu tố cần được tính đến trong việc hoạch
định chính sách của mỗi quốc gia.
Vũ Châu Âu
http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/BAICHU/2012/6/0F4C445FD40BDC3B/
|