Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2012

12. Vai trò của Võ Văn Kiệt đối với ngành ngoại giao Việt Nam (1991 - 1997)


VAI TRÒ CỦA VÕ VĂN KIỆT
ĐỐI VỚI NGÀNH NGOẠI GIAO VIỆT NAM (1991 – 1997)

Ths. Võ Minh Tập
Trường CĐSP Trung ương TP.HCM

Hội thảo khoa học Kỷ niệm 90 năm ngày sinh của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt  (22/11/1922 - 22/11/2012) "ĐỒNG CHÍ VÕ VĂN KIỆT VỚI CÁCH MẠNG VIỆT NAM VÀ QUÊ HƯƠNG VĨNH LONG" (Đồng tổ chức: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long, Ban Tuyên giáo TP.Hồ Chí Minh và Học viên Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh)

Võ Văn Kiệt là một nhân vật có nhiều thành tích nổi bật trong công cuộc đổi mới và xây dựng nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Công lao và vai trò của Ông có ảnh hưởng rất lớn đến nhiều thế hệ người Việt Nam cũng như ở nước ngoài.
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ cố gắng làm rõ bối cảnh tác động đến chính sách đối ngoại của Đảng ta và nội dung của nó. Từ đó, làm rõ vai trò của Võ Văn Kiệt đối với ngành ngoại giao Việt Nam trong thời kỳ Ông giữ những chức vụ quan trọng trong Đảng, Chính phủ và nhà nước ta (1991 – 1997).
1. Bối cảnh
Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, tình hình thế giới có nhiều chuyển biến quan trọng, trật tự hai cực Yalta tan rã, xu hướng đối đầu suy giảm, tăng cường đối thoại giữa các nước lớn, các khu vực và trên toàn cầu trở thành xu thế tất yếu tạo ra bước ngoặc mang tính sống còn đối với tất cả các quốc gia dân tộc trên thế giới.
Xu thế toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ, tạo ra nhiều cơ hội và thách thức đối với các dân tộc, các nước tập trung phát triển kinh tế, cùng với sự lớn mạnh của các cường quốc như Trung Quốc, Nhật Bản, EU, Ấn Độ….đã tạo nên một diện mạo mới trong lĩnh vực chính trị, an ninh, hợp tác và từng bước tạo sự cân bằng mới trong quan hệ quốc tế.
Sự tan rã của Liên Xô và Đông Âu đã mở ra một thời đại mới trong đời sống chính trị quốc tế, trật tự hai cực không còn… đã tạo điều kiện thúc đẩy xu thế hòa hoãn quốc tế tiếp tục phát triển.
Khu vực Đông Nam Á đã xuất hiện xu thế đối thoại, tình hình chính trị chuyển hướng tích cực, quá trình liên kết, thống nhất và hợp tác khu vực vì lợi ích chung đã đẩy mạnh, quan hệ gữa các nhóm nước (nhóm nước ASEAN và Đông Dương) đối đầu suy giảm, hình thành cơ chế hợp tác song phương và đa phương, trong đó có vấn đề Campuchia, quá trình tiến tới một khu vực hòa bình, hợp tác và phát triển là điều không tránh khỏi.
Mặc dù vậy, thế giới vẫn còn nhiều bất ổn ở nhiều khu vực, tính cạnh tranh, phụ thuộc, lôi kéo của các nước lớn đã tạo ra nhiều thách thức cho các nước, nhất là các nước đang phát triển.
Như vậy, tình hình thế giới, khu vực vừa tác động to lớn (cả thời cơ và thách thức) cho các nước đang phát triển. Việt Nam không tránh khỏi xu thế đó, chính vì vậy, một mặt vừa đón nhận thách thức vừa tranh thủ thời cơ, phát huy nội lực và tận dụng ngoại lực để thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới đất nước là nhiệm vụ đặt ra vô cùng to lớn đối với Đảng và nhà nước ta.
2. Đường lối đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam
Tình hình thế giới và khu vực đã tác động to lớn đến chính sách đối ngoại của Đảng ta. Quá trình hình thành đường lối, sách lược mới  và tư duy mới về đối ngoại trong tình hình mới của Đảng được xác định từ Đại hội VI (12/1986), các Nghị quyết 13 (5/1988) và các Hội nghị Ban chấp hành Trung ương năm 1989, 1990… Theo đó, Đảng ta đã chủ động tích cực, linh hoạt, thúc đẩy các cuộc đối thoại giải quyết vấn đề Camphuchia, cải thiện quan hệ với Bắc Kinh, điều chỉnh và đổi mới quan hệ với Liên Xô, Đông Âu, các nước tư bản… từng bước tạo môi trường quốc tế hòa bình để phát triển kinh tế, khắc phục khó khăn về kinh tế-xã hội trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới.
Đến Đại hội VII (6/1991), xuất phát từ phân tích, nhận định tình hình thế giới và khu vực, Đảng ta đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ và mục tiêu phát triển thời kỳ 1991 – 1995 nhằm đưa nước ta ra khỏi khủng hoảng. Trên lĩnh vực đối ngoại, Đảng nhận định: “Những thành tựu đối ngoại đã tạo môi trường quốc tế thuận lợi hơn cho công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đẩy lùi một bước âm mưu bao vây, cô lập đối với nước ta, tăng thêm bầu bạn, nâng uy tín của nước ta trên trường quốc tế” [1:.40-41]. Đồng thời “cần nhạy bén nhận thức và dự báo được những diễn biến phức tạp và thay đổi sâu sắc trong quan hệ quốc tế, sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng sản xuất và xu hướng quốc tế hóa của nền kinh tế thế giới để có những chủ trương đối ngoại phù hợp” [1:.88].
Trong bối cảnh thế giới thay đổi, đường lối nhất quán của Đảng ta là giữa vững đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hợp tác và hữu nghị, đa dạng hóa, đa phương hóa với tất cả các nước…  với chính sách ngoại giao rộng mở, Đảng ta tuyên bố rằng Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, với phương châm thêm bạn bớt thù. Việc thực hiện đường lối đối ngoại đó đã góp phần cho việc đảm bảo an ninh quốc gia, nâng cao vị thế của ta trong quá trình hội nhập quốc tế.
Đến Đại hội VIII của Đảng (7/1996), xuất phát từ tình hình thế giới và Việt Nam, Đảng ta đã nêu lên 5 đặc điểm và 5 xu thế phát triển của tình hình thế giới [2: 12] để xây dựng cơ sở lý luận và thực tiễn trong chính sách đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa mà Đảng đã đề ra thời gian trước đó.
Về cơ bản, đường lối đối ngoại của Đảng tại Đại hội VIII là sự tiếp bước các đại hội trước đó nhưng chủ trương mở rộng hơn nữa sự hợp tác, song phương và đa phương với các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng cùng có lợi, giải quyết các vấn đề tồn tại và tranh chấp thương lượng bằng hòa bình [2:88]. trên cơ sở đó, Đảng ta đã triển khai các hoạt động đối ngoại đa phương và song phương với các nước láng giềng, các bạn bè truyền thống, các nước tư bản, các nước thế giới thứ ba và phong trào không liên kết….
Như vậy, quá trình đề ra chủ trương, đường lối và sách lược đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta đã được hoạch định cụ thể và rõ ràng, điều này phù hợp với tình hình mới và lợi ích của Việt Nam. Có thể nói, hoạt động và vai trò ngoại giao của Võ Văn Kiệt  đã gắn chặt với đường lối đó và từng bước đưa hình ảnh của Việt Nam ngày càng phát triển trên con đường hội nhập.
3. Vai trò của Võ Văn Kiệt đối với ngành ngoại giao của Đảng
Trong thời gian Ông Võ Văn Kiệt làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và sau đó là Thủ tướng từ 8/1991 đến 9/1997, Ông được nhiều báo chí đánh giá là người có vị trí, vai trò và công lao to lớn đối với nước ta như đã đẩy mạnh công cuộc Đổi mới và cải cách chính sách ở Việt Nam kể từ năm 1986, là "tổng công trình sư" nhiều dự án táo bạo của thời kỳ Đổi mới.
Riêng trong lĩnh vực đối ngoại, chúng tôi xin nêu lên và phân tích những vai trò to lớn của Ông đã được thực tiễn chứng minh là một nhà ngoại giao tài ba thời kỳ đổi mới.
3.1. Khôi phục và cải thiện quan hệ đối ngoại
Sau khi vấn đề Campuchia được giải quyết, có thể nói Việt Nam đã chủ động tích cực khôi phục quan hệ với các nước Trung Quốc, Mỹ, EU.
Đối với Trung Quốc, sau vấn đề Campuchia và sự chuyển biến của tình hình thế giới đã làm cho Trung Quốc thay đổi thái độ và muốn bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Đối với ta, Việt Nam cũng muốn bình thường hóa với Trung Quốc. Hội nghị cấp cao không chính thức giữa hai nước đã được tổ chức tại Thành Đô (Trung Quốc) vào năm 1990. Với phương châm “khép lại quá khứ, mở ra tương lai”, Hội nghị đã mở đường cho việc khai thông bình thường hóa quan hệ Việt Nam – Trung Quốc.
Sau khi Võ Văn Kiệt nhận chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nhận lời mời của Tổng Bí thư và Thủ tướng Trung Quốc, Ông Võ Văn Kiệt cùng với Tổng Bí thư Đỗ Mười dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao nước ta thăm hữu nghị chính thức Trung Quốc vào ngày 5 tháng 11 năm 1991. Sau 5 ngày, hai bên đã ra Thông cáo chung khẳng định quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước, chính thức bình thường hóa và phát triển quan hệ hữu nghị láng giềng thân thiện dựa trên cơ sở nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình, tôn trọng độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của nhau… Thông cáo cũng đề cập đến việc thúc đẩy sự hợp tác toàn diện giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực. Hội nghị Bắc Kinh có ý nghĩa quan trọng, là cột mốc lịch sử trong quan hệ Việt – Trung xuất phát từ lợi ích lâu dài của hai nước, đồng thời góp phần cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới.
Như vậy, với trách nhiệm là một nhà ngoại giao, thực hiện đúng chủ trương chính sách đối ngoại của Đảng, Ông Võ Văn Kiệt đã có vai trò to lớn  trong việc khôi phục và cải thiện quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc.
3.2. Phá vỡ thế cô lập và bao vây cấm vận
Thực hiện chính sách đối ngoại của Đảng ta tại Đại hội VII (6/1991) là ưu tiên mở rộng quan hệ và hợp tác với các nước láng giềng trong khu vực và chính sách ngoại giao rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế. Việt Nam đã tiến hành gia nhập ASEAN, tăng cường quan hệ với các nước Đông Nam Á và thúc đẩy quan hệ với các nước trên thế giới nhằm phá vỡ thế bị bao vây cấm vận và cô lập tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Với chính sách mới về Đông Nam Á là chúng ta chủ trương mở rộng quan hệ nhiều mặt theo nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, hai bên cùng có lợi [1:40]. Quan hệ Việt Nam – ASEAN bước vào thời kỳ phát triển mới và tốt đẹp.Việt Nam bày tỏ mong muốn tham gia Hiệp ước Bali, từ tháng 10/1991 đến 3/1992, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt đã lần lượt đi thăm 6 nước thành viên ASEAN nhằm xúc tiến việc tham gia Hiệp ước Bali. Với quá trình vận động tích cực của Ông, Việt Nam tán thành ký Hiệp định trên vào tháng 7/1992 và trở thành quan sát viên của ASEAN (1993) và đến 27/7/1995, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của ASEAN. Sự kiện này đã mở ra bước ngoặc mới trong quan hệ quốc tế của Việt Nam là thời kỳ hội nhập khu vực và quốc tế.
Cùng với quá trình trên, quan hệ song phương giữa Việt Nam và các thành viên trong ASEAN từng bước được xúc tiến.
Tháng 10/1991, Ông Võ Văn Kiệt thăm chính thức Indenosia, cùng với nhiều hoạt động ngoại giao khác đã thúc đẩy quan hệ song phương với nước này và chuẩn bị cho việc gia nhập ASEAN của Việt Nam. Các đoàn cấp cao khác của nước ta cũng lần lượt thăm Indonesia trong năm 1992, 1994 đến khi Việt Nam gia nhập ASEAN (1995) đã chứng tỏ ta đã chọn Indenosia làm đối tác chính trên con đường vận động gia nhập ASEAN. Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt cũng thăm chính thức Malaysia (7/1992) nhằm khôi phục lại quan hệ với nước này sau vấn đề Campuchia; thăm và khôi phục quan hệ với Philippines (2/1992); thăm Singapore (10/1991) và (10/1993); với Thái Lan (10/1991); với Brunei (2/1992)…
Cùng với các chuyến thăm khác của đoàn cấp cao Việt Nam, giữa Việt Nam với các nước trong ASEAN nói trên đã ký các hiệp định cấp chính phủ tạo cơ sở pháp lý để phát triển và hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học-kĩ thuật…
Bảng 1. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và một số nước trong ASEAN năm 1990 và 1995 [4: 93].
Nước
1990
1995
Indonesia
70 triệu USD
230 triệu USD
Malaysia
51 triệu USD
350 triệu USD
Singapore
691 triệu USD
2,1 tỷ USD
Thái Lan
72 triệu USD
550 triệu USD

Song song với hội nhập ASEAN và bước đầu khôi phục quan hệ với các nước lớn nhất là Trung Quốc, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh quan hệ với tất các nước theo tinh thần Đại hội VII “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đầu vì hòa bình, độc lập và phát triển” [1:147]. Xúc tiến quan hệ với Trung Quốc với phương châm 16 chữ vàng “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và ra Thông cáo chung Việt Nam – Trung Quốc (11/1994), đặc biệt là bình thường hóa với Hoa Kỳ (6/1995), góp phần phá vỡ hoàn toàn thế bị bao vây cấm vận và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Một ngày sau tuyên bố bình thường hóa của Tổng thống Clinton, Thủ tướng Võ Văn Kiệt ra tuyên bố đánh giá “là một quyết định quan trọng, phản ánh nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân Mỹ muốn khép lại quá khứ chiến tranh, xây dựng mối quan hệ bình thường, hữu nghị và hợp tác với Việt Nam” [5:40].
Với việc mở rộng hợp tác bình đẳng cùng có lợi với các nước Bắc Âu, Tây Âu, Nhật Bản và các nước phát triển khác [1: 90], các lãnh đạo Việt Nam lần lượt đến thăm các nươc kể trên. Tháng 6-7/1993, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã thăm Ủy ban châu Âu, Pháp, Đức, Bỉ và Anh; đến tháng 5-6/1995, Ông thăm Luxembourg, Đan Mạch, Nauy, Thần Lan, Thụy Điển và Iceland. Qua đó, nhiều hiệp định khung và các văn bản được kí kết giữa Việt Nam và các đối tác. Đồng thời, thăm Nhật Bản (3/1993) và tiếp Thủ tướng Nhật Myazawa (8/1994) nhằm thắt chặt quan hệ hai nước trên nhiều lĩnh vực và phát triển toàn diện. Đối với bạn bè truyền thống, Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng đến thăm Liên bang Nga (6/1994), Ucraina và Kadacxtan (1994), Cuba (1993)….
Tóm lại, quá trình giải quyết vấn đề Campuchia, bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, Hoa Kỳ và gia nhập ASEAN, khôi phục phát triển quan hệ với EU, Nhật…là những thành tựu to lớn có sự đóng góp của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, trong ngành ngoại giao của Việt Nam, đã phá vỡ hoàn toàn thế bao vây cấm vận , xóa bỏ những trở ngại lớn trên con đường hội nhập quốc tế của nước ta.
3.3. Thúc đẩy quan hệ song phương và đa phương
Khi Việt Nam đã trở thành thành viên của tổ chức ASEAN để phát huy nội lực trong quá trình hội nhập, Việt Nam thực hiện đúng những nguyên tắc và thể hiện vai trò, vị trí cũng như trách nhiệm của mình đối với tổ chức.
Với tư cách là một thành viên của tổ chức, thúc đẩy xu thế đoàn kết, hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển và thịnh vượng chung và hợp tác quốc tế. Việt Nam đã tích cực tham gia hoạt động của Hiệp hội như Hội nghị cấp cao ASEAN, ASEM, APEC, ASEAN +… và đẩy mạnh quan hệ với nhiều nước.
Những vấn đề trên điều gắn với vai trò và hoạt động đối ngoại của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Đối với các nước ASEAN, tháng 4/1996, Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm Campuchia, cùng các cuộc gặp gỡ khác của lãnh đạo hai nước, Việt Nam ủng hộ và vận động các nước thành viên ASEAN kết nạp Campuchia, kí kết các Hiệp định hợp tác kinh tế và Hiệp định biên giới… góp phần quan trọng khôi phục và phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước.
Để cũng cố quan hệ đặc biệt Việt – Lào, ngày 16/8/1997, Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm Lào và kí thỏa thuận về hợp tác chiến lược kinh tế, văn hóa, khoa học-kĩ thuật đến năm 2000. Tiếp đó là thăm Thái Lan ( cuối năm 1995 và tháng 3/1996)… góp phần đưa quan hệ Việt – Thái lên một cấp độ mới và hợp tác ở nhiều tầng nấc khác nhau.
Quan hệ Việt – Trung cũng được đẩy mạnh, thường xuyên trao đổi cấp cao ở nhiều phương diện giữa hai bên, Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng sang thăm Trung Quốc góp phần giải quyết các vấn đề như biên giới, lãnh hải và các lĩnh vực khác.
Tiếp tục quan hệ song phương với EU và các thành viên, cuộc tiếp xúc với Tổng thống Pháp J.Chirac tại Hội nghị cấp cao ASEM 1 tại Băngcốc (3/1996), hai bên đã trao đổi một số vấn đề nhằm thúc đẩy quan hệ Việt-Pháp lên tầm cao mới. Tiếp đó tháng 5/1997, Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm Italia, sau đó là các nước không thuộc EU như Balan, Sec, Hunggari, Xlovakia. Các chuyến thăm đó đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và các nước.
Một vài nhận xét
Với bối cảnh quốc tế, khu vực và Việt Nam đã tác động lớn đến chính sách đối ngoại của Việt Nam, thời gian Ông Võ Văn Kiệt giữa chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đến Thủ tướng chính phủ đã có nhiều đóng góp to lớn đối với ngành ngoại giao Việt Nam. Hoạt động ngoại giao với nhiều cấp độ, nhiều tầng nấc khác nhau, thăm nhiều nước trong khu vực và thế giới, các diễn đàn quốc tế và khu vực… với một tinh thần trách nhiệm cao, thực hiện đúng đường lối, chính sách tại các Đại hội và nghị quyết  (VI, VII, VIII…) của Đảng . Võ Văn Kiệt vừa là một nhà chính trị vừa là một nhà ngoại giao xuất sắc, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Những hoạt động và vai trò, đóng góp của Cố thủ tướng Võ Văn Kiệt đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam ở nhiều lĩnh vực nói chung và ngành ngoại giao nói riêng đã để lại những dấu ấn không thể nào phai cho các thế hệ Việt Nam hiện nay và mai sau. Những bài học kinh nghiệm quí báu về ngoại giao của Ông đã được Đảng ta học tập và tiếp tục phát triển và cũng cần thiết đưa vào các giáo trình, sách giáo khoa và chương trình giảng dạy ở các bậc học về một cá nhân, một trí tuệ lớn – Võ Văn Kiệt trong lịch sử Việt Nam hiện đại.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1.  Đảng Cộng sản Việt Nam (1991), Văn kiện Đại hôi đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb Sự thật, Hà Nội.
  2. Đảng Cộng sản Việt Nam (1996), Văn kiện Đại hôi đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb CTQG, Hà Nội.
  3. Bùi Văn Hùng (2011), Ngoại giao Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, Nxb Tư pháp, Hà Nội
  4. Phạm Đức Thành (1998), Việt Nam – ASEAN cơ hội và thách thức, , Nxb CTQG, Hà Nội.
  5. Tuyên bố của Tổng thống Bin Clinton về việc Mỹ bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, Nxb KHXH, Hà Nội.
  6. Nguyễn Đức Bin (chủ biên, 2005), Ngoại giao Việt Nam (1945 – 2000), Nxb CTQG, Hà Nội.
  7. Trần Nam Tiến (2010), Quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ: thực trạng và triển vọng, Nxb Thông tin –truyền thông.
  8. Nguyễn Thị Quế - Nguyễn Hoàng Giáp (Đồng chủ biên, 2012), Việt Nam gia nhập ASEAN từ năm 1995 đến nay: thành tựu, vấn đề và triển vọng, Nxb CTQG, Hà Nội.
  9. Trần Văn Độ (2002), Quan hệ Việt Nam – Trung Quốc những sự kiện 1991 – 2000, Nxb KHXH, Hà Nội.
  10.  Lưu Văn Lợi (1995, 1996), Năm mươi năm ngoại giao Việt Nam, , tập 1, 2, Nxb CAND,  Hà Nội.