Cuộc tranh luận trực tiếp cuối cùng trên truyền hình ngày 22/10 giữa Tổng
thống Mỹ Barack Obama và cựu Thống đốc bang Massachusetts Mitt Romney
cho thấy những quan điểm khác biệt về chính sách ngoại giao của hai ứng
viên trong giai đoạn nước rút của cuộc bầu cử đầy cam go vào tháng 11
tới.
Cuộc
tranh luận giữa hai ứng cử viên tổng thống Mỹ trong tuần này diễn ra
tại Boca Raton (Florida), 15 ngày trước khi cuộc bầu cử được tổ chức, sẽ
chỉ đề cập tới chính sách ngoại giao. Đây có thể là sự đối đầu nhiều
rủi ro nhất đối với ông Romney, phần lớn là bởi ông thiếu kinh nghiệm về
lĩnh vực này cũng như những sai lầm gần đây của ông trên vũ đài quốc
tế. Việc ông Romney mắc sai lầm trong khi chỉ trích cách Tổng thống
Obama giải quyết vụ lãnh sự Mỹ tại Benghazi bị tấn công hồi tháng 9 vừa
qua - trọng tâm của cuộc tranh luận trước - đã làm phức tạp thêm chiến
lược của chính ông là nỗ lực thể hiện rằng Tổng thống Obama yếu kém
trong việc quản lý sức mạnh của nước Mỹ. Do đó, ông Romney được cho là
sẽ chuyển hướng sự chỉ trích, nhằm vào chính sách của ông Obama đối với
Iran, Ixraen, Xyri, Trung Quốc, Ápganixtan và Nga. Các chính sách của
ông Obama gần đây đã vấp phải nhiều thất bại, từ những thách thức đối
với các lợi ích Mỹ ở Trung Đông tới hàng loạt vụ các binh sỹ Ápganixtan
quay lưng chĩa súng tấn công các lực lượng NATO do Mỹ đứng đầu. Mới đây,
tờ "Thời báo Niu Yoóc" (Mỹ) đưa tin chính quyền Obama đã đồng ý về mặt
nguyên tắc với Iran nhằm mở các cuộc đàm phán giữa hai nước về chương
trình hạt nhân của Iran - động thái có thể sẽ bị ông Romney sử dụng để
lên án Tổng thống Obama đã quá thỏa hiệp với Iran. Nhà Trắng phủ nhận
thông tin này. Tuy nhiên, vẫn cần thời gian để xem những vấn đề trên ảnh
hưởng như thế nào tới các cử tri - những người hiện chỉ có mối quan tâm
chính là kinh tế và việc làm.
Khó
khăn của ông Romney là khi tập trung vào các vấn đề gây rắc rối cho
Tổng thống Obama, ông Romney cũng sẽ càng bộc lộ các điểm yếu của mình.
Từng là Thống đốc bang Massachusetts và là một thương gia, ông Romney sẽ
ra khỏi "vùng an toàn" nếu đó không phải là vấn đề kinh tế và đối nội.
Bằng chứng là trong cuộc tranh luận tuần trước, ông đã mắc sai lầm khi
nói rằng Tổng thống Obama đã phải mất nhiều tuần mới biết rằng vụ tấn
công lãnh sự Mỹ tại Benghazi là một vụ khủng bố. Ông Obama - người đã
nói về "hành động khủng bố" khi xuất hiện tại Vườn Hồng của Nhà Trắng
một ngày sau khi xảy ra vụ tấn công - đã thách thức ông Romney khi nói
rằng "hãy kiểm tra lại bản ghi chép" và lên án ông Romney lợi dụng thảm
kịch quốc gia để ghi điểm chính trị. Trên hết, trong cuộc tranh luận
trước, ông Obama đã xoay xở tốt, chuyển trọng tâm cuộc tranh luận khỏi
những câu hỏi gai góc về việc liệu có phải chính quyền đã lờ đi yêu cầu
tăng cường an ninh cho các cơ sở ngoại giao của Mỹ ở Libi hay không.
Tổng thống Obama - người đang ra sức "quảng cáo" rằng việc Mỹ rút quân
khỏi Irắc cho thấy một chính sách ngoại giao của ông đã được hoàn thành -
đã đưa ra nhiều tín hiệu rằng ông có thể sẽ sử dụng cuộc tranh luận
cuối cùng này để cảnh báo những cử tri lo ngại chiến tranh về những rủi
ro nước Mỹ phải đối mặt nếu ông Romney có tư tưởng "diều hâu" hơn giành
chiến thắng. Bản thân ông Obama thường xuyên đề cập tới việc ông đã ra
lệnh sát hại trùm khủng bố Osama bin Laden, và Nhà Trắng cũng luôn
"quảng cáo" chiến dịch tấn công các thủ lĩnh của al-Qaeda. Tại một buổi
vận động tranh cử ở New Hampshire tuần trước, ông Obama đã nói rằng ông
Romney đang thúc đẩy một kiểu chính sách ngoại giao "sẽ đẩy chúng ta vào
các cuộc chiến tranh và không có kế hoạch giúp chúng ta thoát ra
ngoài".
Cuộc
tranh luận trực tiếp cuối cùng sẽ kéo dài 90 phút, gồm 6 chủ đề chính:
vai trò của nước Mỹ trên thế giới, cuộc chiến tại Ápganixtan, vấn đề
Ixraen và Iran, khu vực Trung Đông đang thay đổi, chủ nghĩa khủng bố, và
sự trỗi dậy của Trung Quốc. Những người chỉ trích cho rằng ông Romney
chỉ trả lời chung chung và tầm thường, ông ấy có thể sẽ bị rơi vào tình
thế khó khăn nếu ông ấy tiếp tục không đề cập tới chi tiết. Ông Romney
đã cam kết tăng cường sức ép đối với chương trình hạt nhân của Iran. Ông
cáo buộc Tổng thống Obama "đứng đằng sau", khiến cuộc nội chiến tại
Xyri ngày càng mở rộng và chỉ đưa ra khung thời gian chính trị để rút
khỏi cuộc chiến tại Ápganixtan. Tuy nhiên, trong mỗi trường hợp, các nhà
phân tích đều nói rằng ông Romney không đưa ra được các chính sách chi
tiết để thay thế.
Theo Reuters (ngày 21/10)
Nhật Linh (gt)
http://nghiencuubiendong.vn/tin-quoc-te-tong-hop/3027-chinh-sach-doi-ngoai-ap-luc-i-voi-cac-ung-cu-vien-tong-thong-m