Thứ Tư, 31 tháng 10, 2012

22. Mùa xuân Arab: Nguyên nhân nội tại và những kết cục khác biệt

Biến động “mùa xuân Arab” nổ ra tập trung nhất ở 5 quốc gia là Tunisia, Ai Cập, Yemen, Libya và Syria. Có thể nói 5 quốc gia lâm vào “mùa xuân Arab” đều là các nền cộng hoà- chế độ chính trị- xã hội tân tiến hơn so với các quốc gia Arab khác còn giữ chế độ quân chủ.

Các chính quyền ở Ai Cập, Libya và Syria được coi là có truyền thống cách mạng giải phóng dân tộc Arab từ hồi thập niên 60 và 70 của thế kỷ trước. Hosni Mubarak từng là anh hùng của cuộc chiến tranh Tháng 10/1973 chống Israel. Muama'r Qaddafi từng là lãnh tụ cuộc cách mạng ngày 01/9/1969 lật đổ chế độ quân chủ, lập nên nhà nước Libya cách mạng. Đảng al-Baath ra đời tại Syria từ năm 1963, hiện do Basha'r al-Assad đứng đầu, vẫn giương ngọn cờ "chủ nghĩa dân tộc Arab" và tự coi mình là "thủ lĩnh" của lực lượng "Arab tiền tuyến" chống Israel. Chớ trêu thay, các chế độ "cách mạng và tiến bộ" ấy lại bị nhân dân vùng lên lật đổ, trong khi các nhà nước Arab quân chủ đều tương đối bình yên!

Qua một năm diễn biến, kết cục tại mỗi quốc gia chịu biến động nói trên lại mỗi nơi một vẻ.
Những kết cục khác biệt :
Hai cuộc sụp đổ chóng vánh:
Tại Tunisia, tổng thống Ben Ali cùng gia đình phải bỏ nước vội vã ra đi ngày 14/01/2011, sau gần một tháng chống cự với làn sóng biểu tình. Việc ra đi chóng vánh của Ben Ali tạo điều kiện cho Tunisia có một cuộc chuyển giao quyền lực đỡ phức tạp hơn cả so với các quốc gia khác. Ben Ali và gia đình đã cao chạy xa bay, nên dù có bị xét xử vắng mặt trong nước, nhưng có thể coi như đã tương đối an toàn.
Ông Hosni Mubarak tại Ai Cập buộc phải chấp nhận trao quyền lại cho Hội đồng quân sự tối cao vào sáng sớm ngày 11/02/2011, sau 17 ngày chống đỡ quyết liệt với cả phản kháng cuồng nộ từ bên trong và áp lực ngày càng dứt khoát từ phía Mỹ buộc ông phải "ra đi". Từ đó đến nay, mặc dù chính quyền quân sự tại Ai Cập thực tâm không muốn "xử tệ" với Mubarak và gia đình ông này, nhưng áp lực quần chúng phản kháng và phe đối lập (nay đã trở thành lực lượng làm chủ đất nước) đang thúc đẩy mạnh mẽ để toà án phải xử Mubarak, cùng một số cộng sự bị kết tội "giết hại người biểu tình", với mức án cao nhất!
Những cuộc đấu dằng dai với kết cục không giống nhau:
Ở Yemen, tổng thống Ali Abdullah Saleh đã cầm cự dằng dai khá hữu hiệu để đảm bảo không bị sụp đổ chóng vánh như hai nguyên thủ Tunisia và Ai Cập. Trong nước, Abdullah Saleh phải đối phó với cuộc phản kháng vừa quy mô, vừa quyết liệt, vừa kiên trì; với sự tham gia của đông đảo dân chúng bất mãn, của phe đối lập chính trị và cả một sư đoàn chính quy li khai khỏi quân đội. Ông này còn chịu áp lực liên tục, dai dẳng và nhất quán từ các quốc gia Arab láng giềng trong Tổ chức hợp tác vùng Vịnh (GCC) được Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) hậu thuẫn. Chính quyền Saleh cũng bị phe phản kháng lên án là đã giết hại cả ngàn người biểu tình. Vậy mà ông này chỉ chịu "tạm trao quyền cho phó tổng thống" trong một giải pháp chính trị mà ông ta được hưởng quyền miễn bị truy cứu về tư pháp. Saleh đã rời Yemen sang Mỹ "chữa bệnh" vào ngày 23/01 vừa qua để được coi như đã "hạ cánh an toàn"!
Saleh cũng bị phong trào phản kháng bùng lên rất sớm, nhưng ông này là người lão luyện trong nghệ thuật cầm quyền do trải qua nhiều thăng trầm trong suốt 33 năm tại vị. Saleh lại chứng tỏ khả năng "chơi con bài al-Qa'eda" để buộc Mỹ phải có giải pháp nương nhẹ hơn so với trường hợp Mubarak tại Ai Cập.
Cuộc đấu tại Libya cũng giằng dai quyết liệt và chỉ ngã ngũ vì sự can thiệp quân sự từ bên ngoài. Qaddafi và các con, rút kinh nghiệm từ biến động tại Tunisia và Ai Cập, lại có tiềm lực tài chính và vũ khí dồi dào, đã không từ một hành động nào để bảo vệ quyền lực, chống lại lực lượng phản kháng vũ trang trong một cuộc nội chiến thực sự đẫm máu. Muama'r Qaddafi chịu một kết cục bi thảm hơn cả. Ông này cùng một con trai đã bị giết "tại trận" vào ngày 20/10/2011. Nhưng cho đến nay, Libya cũng là trường hợp duy nhất trong các quốc gia chìm vào "mùa xuân Arab" bị can thiệp quân sự quốc tế do Liên Hợp Quốc áp đặt. Có thể nói nếu không có cuộc chiến tranh không quân cường độ cao của NATO thực thi nghị quyết 1973 của Hội đồng Bảo an từ ngày 31/3/2011, thì chế độ "Jamaheriyah" chưa thể sụp đổ vào cuối tháng 8, để Qaddafi bị tiêu diệt sau đó gần 2 tháng.
Phản kháng ở Syria bùng lên từ 17/3/2011- muộn màng nhất so với "những người anh em Arab" khác. Chính quyền Syria cũng đã rút được kinh nghiệm từ các cuộc biến đông trước đó, nên ngay từ đầu đã áp dụng một đường lối nhất quán là trấn áp quyết liệt, bất chấp đổ máu! Các biện pháp cường quyền và bạo lực của chính quyền tổng thống al-Assad khiến phản kháng không thể phát triển thành những cuộc "biểu tình triệu người". Phe đối lập chính trị trong và ngoài nước không thể thống nhất lực lượng. Chưa thể xảy ra hiện tượng li khai ở cấp cao, kể cả trong lực lượng vũ trang và chính quyền.
Hiện tượng quân nhân li khai thành lập "quân đội tự do Syria" là một thách thức nghiêm trọng, nhưng cho đến nay, đạo quân này vẫn chỉ có thể hoạt động theo những đơn vị nhỏ lẻ, rải rác tại các địa phương; chưa thể tập hợp thành đơn vị quy mô lớn và chưa thể chỉ huy thống nhất. Chính quyền Syria còn thành công trong việc tạo ra một "lực lượng đối lập" làm bình phong "dân chủ" che chắn cho sự tồn tại của chế độ; để đối trọng với đối lập thực sự cả ở trong nước và với nước ngoài.
Hơn nữa, chính quyền của tổng thống al-Assad đánh giá đúng tình hình quốc tế và cuộc khủng hoảng kinh tế đang diễn ra ở Mỹ và châu Âu, khiến cho kịch bản Libya khó có thể tái diễn. Tổng thống al-Assad cũng rất biết tận dụng vị thế không thể xem thường của Syria ở Liên đoàn Arab và trong khu vực; tận dụng quan hệ "trao đổi lợi ích" với Iran và Nga để được trợ giúp mọi mặt tại chỗ, cũng như được "bênh che" tại HĐBA.
Bởi thế, sau gần một năm biến động đẫm máu, chưa thấy cuộc khủng hoảng tại Syria có thể ngã ngũ sớm theo một hướng nào rõ rệt.
Sự khác biệt về nội tri có vai trò quyết định:
Qua một năm biến động, nghiêm trọng nhất ở năm quốc gia kể trên, có thể thấy có những đặc điểm đáng lưu ý:
Tunisia và Ai Cập là hai chế độ cộng hoà có nền tảng xã hội dân sự rõ nét hơn cả, thì đã sụp đổ nhanh chóng. Nhưng sự thay đổi chế độ tại hai nước này, tuy có đổ máu, vẫn không đến mức "đẫm máu" như tại ba nước còn lại. Điều quan trọng nhất là thể chế nhà nước dân sự khá rõ nét vẫn được bảo toàn. Sau khi thay đổi chế độ trong hoàn cảnh tương đối ôn hoà, chưa xảy ra tình trạng khoảng trống quyền lực có nguy cơ vượt tầm kiểm soát.
Các lực lượng mới trỗi dậy vẫn đang đấu tranh quyết liệt với chính quyền lâm thời nhận chuyển giao từ chế độ đã bị lật đổ, nhưng hình thái đấu tranh văn minh hơn, thượng tôn pháp luật hơn. Cuộc đấu tranh tập trung vào giành giật lợi thế tại nghị trường và xây dựng hiến pháp mới. Lực lượng "tàn dư của cách mạng không đầu" vẫn còn hoành hành trên đường phố vào những thời điểm khác nhau, nhưng đã không còn là "bất ngờ" nữa. Chính quyền lâm thời cùng các đảng chính trị mạnh nhất ý thức được lợi ích của đất nước và tương lai của chính đảng trên chính trường, tuy mâu thuẫn nhau về giành quyền lực, nhưng thống nhất với nhau về mục tiêu không để đất nước trượt dài xuống vực sâu hỗn loạn.
Trong khi đó, các chế độ tại Libya, Yemen và Syria có vẻ "vững chãi" hơn, tồn tại lâu hơn nhờ bộ máy cường quyền, độc trị; nhờ sự trung thành của các cơ chế cai trị do chính con cháu họ thống lĩnh; nhờ sự ràng buộc dòng tộc và giáo phái hạn hẹp; nhờ áp dụng đường lối bạo lực đẫm máu bất chấp thương vong của hàng ngàn người dân. Các chế độ này, trước khi xảy ra biến động đều có bộ mặt xã hội vô cùng êm ả nhờ "sự ủng hộ hoàn toàn của nhân dân". Nhưng khi chế độ sụp đổ thì đất nước hầu như rơi vào tình trạng vô chính phủ do khoảng trống quyền lực quá lớn. Libya đang là một ví dụ điển hình. Yemen muốn tránh được hỗn loạn vượt khỏi tầm kiểm soát chắc cũng phải nhờ cậy nỗ lực tột độ của GCC do Saudi Arabia và Qatar dẫn đầu.
Còn Syria, chưa thể nói gì vào lúc này. Nhưng điều mà các bên trong và ngoài khu vực, dù có lợi ích hết sức trái chiều nhau, đều lo ngại là nếu chính quyền của tổng thống al-Assad sụp đổ vào lúc này thì không thể tránh khỏi hỗn loạn. Một Syria hỗn loạn sẽ tác động tiêu cực đến toàn khu vực ở mức độ vượt xa so với tình trạng tương tự ở Libya hay Yemen.

“Mùa xuân ARAB"- Mùa xuân hồi giáo

Phong trào Hồi giáo đang nổi lên tại các quốc gia Arab đã thay đổi chế độ cầm quyền trong "mùa xuân Arab" cũng như tại nhiều quốc gia Arab khác đang biến động hoặc đang có những chuyển biến nội bộ.

Hồi giáo phục hồi và chiếm thế thượng phong trên chính trường Arab
:
Rõ nhất là tại Ai Cập và Tunisia- 2 quốc gia biến động đầu tiên và đang trong giai đoạn chuyển tiếp.
Tại Ai Cập: Phong trào Anh Em Hồi giáo (AEHG) đã được phép hoạt động hợp pháp trở lại sau thời gian bị đặt ra ngoài vòng pháp luật suốt từ cuối những năm 50 của thế kỷ trước đến khi Mubarak bị lật đổ đầu tháng 2 vừa qua. Đảng chính trị của phong trào này đã tham gia tranh cử trong cuộc tổng tuyển cử bầu quốc hội mới của Ai Cập kết thúc vào tháng 1/2012. Kết quả chính thức đã được công bố cho thấy đảng Tự do và Công lý của Phong trào AEHG giành được tới 47,2% tổng số ghế quốc hội. Một tổ chức Hồi giáo khác là đảng "Nou'r" (Ánh Sáng) được 24,29%. Như vậy, phe Hồi giáo chiếm gần 71,5% trong quốc hội mới, thừa tỷ lệ đa số tuyệt đối để có thể quyết định những vấn đề lập pháp của đất nước này. Tiếp đó, lãnh tụ đảng Tự do và Công lý của AEHG đã được bầu làm chủ tịch quốc hội.
Tại Tunisia: Đảng Nahda của Phong trào Phục Hưng Hồi giáo, mặc dù mới trở lại hoạt động trong nước từ cuối tháng 1/2011, sau khi Ben Ali phải bỏ chạy khỏi đất nước, nhưng đã giành thắng lợi vang dội trong cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên ngày 23/10/2011. Đảng này chiếm tới 50% số ghế của Hội đồng Sáng lập Quốc gia có nhiệm vụ bầu tổng thống và soạn thảo hiến pháp cho giai đoạn tiếp theo của Tunisia. Tiếp đó, tổng thư ký của Nahda trở thành thủ tướng của chính phủ chuyển tiếp tại Tunisia.
Tại Libya: Mặc dù tình hình chưa ổn định, nhưng Hồi giáo đã trở thành một thế lực có vị thế áp đảo, khiến chủ tịch Hội đồng quốc gia chuyển tiếp (NTC) phải tuyên bố trong lễ mừng "giải phóng hoàn toàn khỏi chế độ Qaddafi" ngày 23/10/2011 tại Bengazi rằng giáo luật Shariya là "nguồn chính yếu cho lập pháp tại Libya" hậu Qaddafi.
Tại Syria: AEHG cũng là một trong những lực lượng mạnh nhất trong phong trào đấu tranh quyết liệt cả bằng biểu tình hoà bình và xung đột vũ trang với mục tiêu lật đổ chế độ của tổng thống Basha'r al-Assad.
AEHG cũng đang hoạt động mạnh trong phong trào đòi cải cách chính trị tại 2 vương quốc có bộ mặt "hiện đại" là Jordani, Maroc. Nhà vua Mohammed VI của Maroc đã phải sửa đổi hiến pháp vào tháng 7/2011, tăng quyền giám sát cho quốc hội và tổ chức tổng tuyển cử vào tháng 11 vừa qua. Cuộc bầu cử này đã mang lại thắng lợi cho đảng Công lý và Phát triển theo xu hướng AEHG và lãnh tụ của đảng này đã trở thành thủ tướng mới của Maroc.
Các quốc gia Arab khác như Moritani, Bahrein, Kuwait, Oman cũng mới sửa đổi hiến pháp theo hướng có lợi cho phong trào Hồi giáo.
Sự nổi lên của phong trào Hồi giáo trên chính trường nhiều quốc gia Arab trong năm 2011 là nối tiếp mạch trở lại của Hồi giáo tại các quốc gia Arab kể từ sau khi chế độ Saddam Hussein bị Mỹ xoá sổ tại Iraq năm 2003. Từ đó đến trước "mùa xuân Arab" năm 2011, đã có Hồi giáo Shi'a cầm quyền tại Iraq, Hamas cầm quyền tại Palestin và Hizbullah nắm quyền áp đảo trên thực tế chính trường Liban.
Phong trào Hồi giáo nổi lên tại các quốc gia Arab nhờ các cuộc bầu cử dân chủ mà chiến lược "Đại Trung Đông" của Mỹ khuyến khích và cổ xuý. Đây là kết quả hợp với thực tế khách quan, bởi đại đa số cử tri Arab là tầng lớp bình dân và họ đều là các tín đồ Hồi giáo ngoan đạo.
Xu hướng tự cải cách của một bộ phận Hồi giáo nguyên gốc
:
Chấp nhận tham gia chính trường thông qua bầu cử:

Phong trào Hồi giáo trở thành cầm quyền nhờ "mùa xuân Arab" dường như thể hiện một bộ mặt mới, có thể đang trở thành một trào lưu, đó là ôn hoà hơn, "hợp thời" hơn. Phong trào Hồi giáo theo chủ thuyết Hồi giáo nguyên gốc này chấp nhận tham gia chính quyền, đấu tranh chính trị và có thể tách khỏi bạo lực.
Phong trào AEHG từ khi ra đời tại Ai Cập năm 1928 cho đến đầu thế kỷ XXI vẫn giữ lập trường bản chất của một tổ chức theo chủ thuyết Hồi giáo nguyên gốc với một số đặc trưng về hành động thực tiến là:
- Coi các chính quyền Arab hiện hữu là "phi Hồi giáo".
- Không chấp nhận đàm phán với "kẻ thù Do Thái" (Israel). Kiên quyết tiến hành "thánh chiến" (Jihad) để "giải phóng Palestin" (có nghĩa là đuổi người Do Thái ra khỏi vùng lãnh thổ hiện nay là nhà nước Israel).
- Không chấp nhận tham gia bầu cử cùng các lực lượng mà họ coi là "ngoại đạo" (thế tục) hoặc "phi Hồi giáo".
- Kiên định mục tiêu giành chính quyền để độc tôn xây dựng một nhà nước Hồi giáo theo nguyên mẫu "Omma Islamiyah" có từ thời Mohammed, với phương sách duy nhất để giành chính quyền cho Hồi giáo là bạo lực.
- Áp đạt giáo luật Shariya lên toàn bộ xã hội.
Nhưng từ các cuộc bầu cử theo thể thức dân chủ được tổ chức từ năm 2005 đến nay tại một số quốc gia Arab, đã xuất hiện việc các nhóm Hồi giáo nguyên gốc tham gia tranh cử, chấp nhận đấu tranh nghị trường, chấp nhận tham gia chính phủ liên hiệp với các thế lực chính trị khác mà trước đây Hồi giáo nguyên gốc không bao giờ liên hiệp. Cụ thể là:
- Shi'a tại Iraq cầm quyền trong chính phủ liên hiệp có cả thế tục và Suna.
- Hizbullah Liban tham gia quốc hội, trở thành nòng cốt của phe đối lập và tham gia chính phủ liên hiệp với Suna và Thiên Chúa giáo.
- Hamas (Palestin) tham gia quốc hội và cầm quyền trong chính phủ liên hiệp với Fatah (thế tục).
- AEHG Ai Cập tham gia quốc hội với tư cách "những ứng viên độc lập".
- Các tổ chức theo AEHG ở Jordani, Sudan, Algieria, Maroc cũng đấu tranh đòi cải cách chính trị theo hướng chấp nhận tham gia bầu cử để tham gia chính trường.
Thay đổi hệ thống tổ chức:
Về mặt hệ thống tổ chức, có thể thấy một sự chuyển biến tự thân của phong trào AEHG khi đã chấp nhận tham gia chính trường. Cụ thể là phong trào này đã tách riêng hai hệ thống:
- Một bên là "phong trào" vẫn giữ nguyên bản sắc Hồi giáo nguyên gốc cả về hệ tư tưởng, tổ chức và phương sách hành động. Bên "phong trào" này thường vẫn giữ nguyên cả cánh vũ trang của họ. Khi giành được vị thế cầm quyền, thì cánh vũ trang ấy trở thành lực lượng vũ trang của chính quyền. (Điển hình là Hamas Palestin ở Gaza).
- Bên kia là "đảng" hoạt động theo luật đảng phái của chính quyền, tham gia bầu cử và tham gia chính quyền, thậm chí cầm quyền trong một thể chế "dân chủ lập hiến".
Có thể thấy những hình thức khác nhau của sự "tự cải cách" này:
- AEHG Ai Cập và Tunisia (đảng Nahda) chấp nhận từ bỏ bạo lực, chỉ còn đấu tranh chính trị- nghị trường.
- Hamas Palestin không có đảng chính trị riêng, nhưng có "cánh chính trị" và "cánh vũ trang"; trong đó, cánh chính trị là lãnh đạo đường lối chung.
- Nahda ở Tunisia là "đảng" đồng nghĩa với Phong trào Nahda. Trong khi Ai Cập vẫn có Phong trào AEHG và mới thành lập đảng "Tự do và Công lý" của Phong trào này.
Sự tự cải cách nêu trên cho thấy một chuyển biến mới rất căn bản của một bộ phận Hồi giáo nguyên gốc trong hoàn cảnh biến động tại khu vực Arab từ đầu thế kỷ XXI đến nay. Họ đã thích nghi hơn trong một thế giới mà toàn cầu hoá bao hàm cả những nội dung về chung sống hoà bình, xã hội dân sự, thượng tôn pháp luật, nhân quyền...
Nên nhớ vẫn tồn tại một số phong trào và tổ chức Hồi giáo khác vẫn đậm đặc bản chất "nguyên gốc", đó là al-Qa'eda, Taliban và các tổ chức theo trường phái Hồi giáo Salfiya (Tiền bối). Taliban chỉ hoạt động tại Afghanistan và Pakistan. Nhưng al-Qa'eda thì vẫn hiện diện mạnh mẽ tại Yemen và một phần tại Iraq. Nhóm al-Qa'eda ở Tây Arab có thể đang tìm cách trở lại Libya trong hoàn cảnh bất ổn kéo dài. Trường phái Salfiyah (điển hình là nhóm Jihad Islami của Palestin ở Gaza) thì vẫn tồn tại trong tất cả các quốc gia Arab.
Những tổ chức Hồi giáo nguyên gốc nói trên bị liệt vào loại "khủng bố" trên phạm vi thế giới. Các chính phủ Arab trước đây đều tham gia cuộc chiến toàn cầu chống lại các tổ chức này. Nhưng chưa thể biết các chính quyền Arab mới do AEHG đứng đầu sẽ có thái độ thế nào với cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ khởi xướng và làm xung kích?
Dự báo tình hình khu vực
:
Với khu vực Arab:
"Mùa xuân Arab" có thể coi là một cuộc biến động toàn diện, có ảnh hưởng sâu sắc, lâu dài đối với thế giới Arab. Đây là sự kiện có tầm ảnh hưởng lớn thứ hai trong lịch sử Arab hiện đại. Lần trước là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc bắt đầu từ cách mạng Ai Cập năm 1952 cho đến những năm 70 của thế kỷ XX.
Với tác động mãnh liệt của "mùa xuân Arab", các chế độ Arab, dù là cộng hoà hay quân chủ, cũng phải chấp nhận cải cách chính trị theo hướng mở rộng dân chủ phù hợp với toàn cầu hoá; nhưng sẽ trở lại với bản sắc Arab và Hồi giáo rõ rệt.
Sẽ có nhiều rủi ro đe doạ ổn định bền vững, bởi nền tảng xã hội Arab Hồi giáo vốn có nhiều khác biệt về bản chất với nền dân chủ phương Tây. Xã hội truyền thống Hồi giáo lại càng xa lạ với văn hoá và lối sống phương Tây. Khó tránh khỏi áp đặt giáo luật Shariyah hà khắc ở mức độ khác nhau tại các quốc gia Arab mà Hồi giáo trở thành cầm quyền. Nữ quyền sẽ bị thu hẹp. Các hoạt động kinh tế dịch vụ du nhập theo lối sống phương Tây sẽ bị cấm đoán, hạn chế. Tình trạng này sẽ xung khắc với bộ phận không nhỏ dân chúng đã quá quen với lối sống của một xã hội cởi mở, nhất là tầng lớp thanh niên, trung lưu, có học và cư dân đô thị lớn. Ngay lúc này đã có nhiều hoạt động phản kháng xu thế hồi giáo nguyên gốc cầm quyền. Không thể tránh được những cuộc biểu tình chống lại áp đặt giáo luật, bởi phản kháng kiểu "biển người" đã trở thành một thói quen mà "mùa xuân Arab" mang lại.
Nếu tình trạng hỗn loạn trên đường phố kéo dài tại những quốc gia mới thay đổi chế độ, thì lại xuất hiện môi trường để cho ra đời những chế độ hà khắc và những nhân vật độc tài mới.
Với Trung Đông:
Tình trạng hoà bình giữa Israel với các quốc gia Arab kế cận (Ai Cập, Syria) trở nên bấp bênh hơn bao giờ hết kể từ 1979 đến nay. Đảng Tự do và công lý của AEHG Ai Cập tuyên bố "tôn trọng các hiệp định quốc tế mà Ai Cập đã ký", nhưng lại giành quyền sửa đổi hiệp định hoà bình với Israel. Trong khi đó, lãnh tụ phong trào AEHG Ai Cập công khai tuyên bố không đàm phán hay đối thoại với "Sionist"! Tiến trình hoà bình Trung Đông đang lâm vào tình trạng "chết lâm sàng", khi phe Hồi giáo cứng rắn trở thành thế lực chủ đạo trên chính trường những nước Arab quan hệ trực tiếp tới giải pháp hoà bình.
Al-Qa'eda có thể rảnh tay hơn để củng cố trận địa của tổ chức này ở Yemen, Iraq và Tây Arab.
Nguy cơ xung đột dòng Hồi giáo giữa Suna với Shi'a sẽ tăng lên trong lòng một số quốc gia Arab (Iraq, Liban, Yemen, Bahrein...).
Tranh chấp ảnh hưởng khu vực giữa Arab với Iran sẽ nghiêm trọng hơn bởi yếu tố mâu thuẫn dòng Hồi giáo Suna- Shi'a thậm chí còn nóng hơn cả các yếu tố địa- chính trị.
Với thế giới:
Việc manh nha xuất hiện một số quốc gia Arab do nững người theo chủ thuyết Hồi giáo nguyên gốc cầm quyền có thể khiến thế giới phải theo dõi một cách thận trọng có phần lo ngại. Trong lịch sử thế giới hiện đại, mới chỉ có hai nhà nước do Hồi giáo nguyên gốc cầm quyền, đó là Cộng hoà Hồi giáo Iran ra đời năm 1979 và chế độ Taliban ở Afghanistan tồn tại từ 1996 đến 2001. Tổ chức al-Qa'eda bị coi là "khủng bố quốc tế" cũng nuôi tham vọng sẽ tạo dựng một thế giới có thể gọi là "Hồi giáo toàn tòng" theo đức tin của Kinh Qoraan (!).
*
* *
"Mùa xuân Arab" bùng phát đầu năm 2011 đúng là mang đến những chuyển biến lớn lao tại tại khu vực Arab khiến cả thế giới phải ngỡ ngàng. Mới qua một năm kể từ khi sự kiện này bùng phát và còn đang tiếp tục diễn biến theo chiều hướng khó mà cưỡng lại được. Chắc phải cần nhiều năm nữa để có thể thấy hết tầm mức ảnh hưởng của "mùa xuân Arab", nhận thức được đầy đủ tính tích cực và mặt tiêu cực của sự kiện này./.

“Mùa xuân Arab” sau một năm nhìn lại


Những biến động chính trị- xã hội đột ngột bùng phát tại khu vực Arab tới nay vừa tròn một năm.

Tính cho tròn một năm, bởi mặc dù khởi đầu ở Tunisia từ những ngày cuối tháng 12/2010, nhưng tháng 2/2011 có thể nói là đỉnh điểm của sự biến động, khi chế độ Hosni Mubarak "vững như Kim Tự tháp" ở Ai Cập sụp đổ, phản kháng bùng lên tại Yemen và bén tới Libya. Đó là ba quốc gia chịu lây lan của biến động từ Tunisia, nhưng mức độ biến động và tầm mức ảnh hưởng của các sự kiện diễn ra tại ba quốc gia này có tính chất sâu rộng hơn nhiều, cả với khu vực Arab, khu vực Trung Đông và tác động đến thế giới nữa.
Bài 1: CHỈ TRONG MÙA XUÂN TẠI THẾ GIỚI ARAB
Trong vài tháng đầu năm 2011, truyền thông phương Tây (vốn có mãnh lực hướng dẫn dư luận toàn cầu) đặt tên cho các sự kiện tại Tunisia là "cách mạng hoa nhài". Nhưng xem ra, cái thuật ngữ ấy có vẻ hơi mĩ miều quá trong khi những biến động diễn ra không hề êm ái và sự lan toả của nó cũng không ngát hương thơm dịu như hoa nhài. Sau đó, cũng các nhà truyền thông phương Tây đã tìm thấy danh xưng chính xác hơn, đó là "Mùa Xuân Arab". Danh xưng này chính xác ở thời gian bùng phát cũng như đỉnh điểm của các sự kiện diễn ra chủ yếu vào mùa xuân năm 2011.
Còn về không gian thì tính chính xác còn cao hơn nữa, bởi cho đến nay có thể thấy phạm vi chịu ảnh hưởng chủ yếu của các sự kiện này chỉ là khu vực Arab; không như nhiều người quá lo lắng cảnh báo sớm về sự lây lan có thể đến các khu vực khác nữa trên thế giới. Ở Việt Nam, ta thường thấy truyền thông nước mình gọi là "biến động tại Trung Đông- Bắc Phi". Thuật ngữ này không chính xác, bởi nếu nói Trung Đông thì phải bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ, Israel và Iran là những quốc gia tuy cùng một khu vực địa lý với thế giới Arab, nhưng rõ ràng không rơi vào vòng xoáy của biến động đã xảy ra.
Chỉ diễn ra trong khu vực Arab:
Sau một năm nhìn lại, có thể lý giải vì sao biến động chỉ xảy ra tại khu vực Arab.
Các quốc gia Arab có những đặc điểm chung nhất khiến họ giống như một cơ thể sống, tuy có nhiều bộ phận khác nhau, nhưng thật dễ bị lây lan, ảnh hưởng mỗi khi một bộ phận nào đó mắc bệnh.
Cùng một chủng tộc và ngôn ngữ:
Cái chung bao trùm nhất là chủng tộc Arab cùng chung ngôn ngữ Arab. Ngôn ngữ này khiến người Arab ở các quốc gia khác nhau đều có thể đọc, nghe hiểu hết mọi chuyện diễn ra tại các nước trong toàn khối. Ngôn ngữ này là tác nhân thuận lợi nhất để mọi thông tin về biến động bùng phát tại Tunisa dễ dàng tác động lên tâm lý của người Ai Cập, người Libya và các nước Arab khác nữa. Ngôn ngữ này, trong thời đại internet và các mạng giao tiếp xã hội (Facebook, Twitter...) đã tạo thành sức mạnh không thể ngăn cản để tập hợp nhanh chóng, trên diện rộng vô biên những người không quen biết nhau nhưng cùng ý chí xuống đường biểu tình đòi lật đổ chế độ.
Cái chung bao trùm thứ hai là Hồi giáo. Có thể nói thế giới Arab là thế giới của Hồi giáo với nhiều quốc gia "Hồi giáo toàn tòng". Tính tương đồng của người Arab- Hồi giáo có những yếu tố rất dễ gây hội chứng tâm lý trong số đông, như:
- Tinh thần "anh em Hồi giáo" bênh che, ủng hộ lẫn nhau có từ thời Tiên tri Mohammed (thế kỷ thứ VII sau công nguyên).
- Hội chứng đám đông mỗi khi bị kích động bởi các khẩu hiệu tôn giáo.
- Tập quán tập trung cầu nguyện tại giáo đường ngày thứ sáu hằng tuần. Những người phản kháng thường tận dụng các giáo đường này để tập hợp quần chúng và truyền bá tư tưởng chống đối; trong khi chính quyền không dễ ứng xử với người phản kháng tại các địa điểm tôn nghiêm này.
- Tập quán đám tang đông người và phải chôn người chết trong vòng 24 giờ. Tận đụng tập quán này, phe chống đối thường biến các đám tang thành những cuộc biểu tình phản kháng đông đảo, đầy kích động; trong khi chính quyền càng đàn áp, càng có người chết thì càng "đẻ" ra nhiều đám tang như thế.
- Luật tục "đáp trả tương tự"- nếu nợ máu phải trả bằng máu. Luật tục này khiến cho tinh thần trả thù rất cao và "bên gây ra tội ác" cũng kháng cự tới cùng vì nếu không, sẽ bị trừng phạt khốc liệt. Điều này lí giải vì sao những người cầm quyền Arab bị phản kháng đã "ngoan cố" đến cùng; và khi thất bại, số phận của họ thật là bi thảm!
Về mặt lịch sử: Các quốc gia Arab ngày nay vốn cùng trong một đế chế Arab suốt từ thế kỷ thứ VIII cho đến trước khi bị đế quốc phương Tây xâm lược và chia thành các quốc gia sau đại chiến thế giới thứ nhất (1914- 1918). Bởi thế, người Arab cho đến nay vẫn sử dụng thuật ngữ "tổ quốc" (al-Omma) chỉ dành riêng cho nghĩa "tổ quốc Arab". Còn khi nói tới từng quốc gia hiện hành thì có danh từ khác như "al-Watan".
Lý tưởng khôi phục một tổ quốc Arab thống nhất đã từng được các lãnh tụ giải phóng Arab (Abdu Nase'r, Muama'r Qaddafi, Hafeiz al-Assad, Saddam Hussein...) thực thi dưới dạng những "liên bang Arab" tồn tại trong một thời gian ngắn hồi thập niên 60- 70 của thế kỷ trước. Một trong những tiêu chí cách mạng của đảng al-Baath (từng cầm quyền tại Iraq và vẫn cầm quyền tại Syria hiện nay) là "thống nhất tổ quốc Arab".
Cho đến nay, lý tưởng khôi phục "al-Omma al-Arabiya" vẫn còn tồn tại vững chắc trong các phong trào Hồi giáo nguyên gốc (al-Qa'eda, Anh Em Hồi giáo, Thánh chiến Hồi giáo- Jihad Islami...). Với tinh thần thống nhất Arab như vậy, người Arab thuộc các quốc gia khác nhau vẫn coi nhau như những người "anh em" với từ "shaqeeq" không thể sử dụng với ai không phải là người Arab. Bởi sự gắn kết chủng tộc và lịch sử như vậy, người Arab rất dễ đồng cảm và mọi chuyện đều dễ dàng "lây lan" giữa "những người anh em Arab" với nhau.
Về mặt chính trị- xã hội: Các nước Arab lọt trong vòng xoáy biến động đều có các chính quyền gia đình trị độc đoán:
Những quốc gia chịu biến động mạnh nhất đều có chế độ cai trị mang tính độc đoán, chuyên quyền, gia đình trị kéo dài từ 23 năm đến 42 năm. Các nguyên thủ quốc gia đã hoặc sắp bị lật đổ đều xuất thân từ quân nhân và đều đang có tham vọng "cha truyền con nối".
- Ben Ali cầm quyền ở Tunisia từ năm 1987.
- Hosni Mubarak làm tổng thống Ai Cập từ 1981.
- Muama'r Qaddafi làm lãnh tụ Libya từ 1969.
- Chính quyền al-Assad cai trị Syria từ 1970. (Basha'r al-Assad làm tổng thống từ năm 2000, do "kế vị" cha là Hafeiz al-Assad).
- Ali Saleh cầm quyền tại Cộng hoà (Bắc) Yemen từ 1979 và làm tổng thống Yemen sau khi hai nước Yemen thống nhất đầu thập niên 90 thế kỷ trước tới nay.
Với chế độ cai trị như vậy, bức xúc xã hội tích tụ quá lâu biến thành mâu thuẫn đối kháng.
Nhóm nước biến động mạnh mẽ và căn bản nhất là Ai Cập, Tunisia và Libya còn có yếu tố địa lý liền kề nhau ở Bắc Phi, chịu tác động dây chuyền.
Bức xúc dân sinh, nghèo khổ:
Các quốc gia biến động mạnh chủ yếu có nền kinh tế yếu kém so với khu vực, tỷ lệ người nghèo cao, những bức xúc về đời sống nan giải đối với số đông dân chúng. Libya và Bahrein là hai quốc gia có thu nhập bình quân đầu người cao nhờ tài nguyên dầu lửa, nhưng do giới cầm quyền tham nhũng nghiêm trọng và chi tiêu công quỹ vô tội vạ không phục vụ quốc kế dân sinh, nên bất công xã hội tràn lan cũng tích tụ thành mâu thuẫn đối kháng.
Ý nghĩa của "mùa xuân":
Qua một năm nhìn lại có thể thấy "Mùa xuân" trong thuật ngữ "mùa xuân Arab" có ý nghĩa thực tiễn về khoảng thời gian trong một năm hơn là ngụ ý bóng bẩy về sự đâm chồi nảy lộc, đơm hoa kết quả.
Những biến động bắt đầu từ Tunisia vẫn kéo dài cho đến nay tại nhiều quốc gia Arab, mà nóng bỏng nhất lúc này là Syria. Nhưng sự bất ngờ đến ngỡ ngàng của sự kiện thì đúng là chỉ trong phạm vi mùa xuân năm 2011.
Điển hình của sự bất ngờ, ngỡ ngàng là biến động tại Tunisia và Ai Cập. Hai quốc gia này khi ấy khá ổn định và bình yên. Đặc biệt chính quyền của tổng thống Hosni Mubarak vừa rất thành công trong việc loại bỏ các đối thủ chính trị, đứng đầu là nhóm Anh Em Hồi giáo ra khỏi quốc hội trong một cuộc tổng tuyển cử "dân chủ, đa đảng" vừa diễn ra cuối tháng 11/2010. Bởi thế, khi biến động xảy ra trên diện rộng, với quy mô không thể nào tưởng tượng được, chính quyền Tunisia và Ai Cập khi ấy đều ngỡ ngàng.
Chẳng phải chỉ có những chính quyền trong cuộc, mà ngay cả Mỹ, Pháp và các nước lớn khác cũng không hiểu điều gì đang diễn ra? Chính quyền Mubarak xác định "thủ phạm nổi loạn" là Anh Em Hồi giáo và đã tung ra chiến dịch trấn áp, bắt bớ các thủ lĩnh của nhóm này. Nhưng biện pháp mạnh nhắm vào Anh Em Hồi giáo không hiệu quả, vì Anh Em Hồi giáo không hề tổ chức hay lãnh đạo các cuộc biểu tình triệu người tại quảng trường Tahree'r ở thủ đô Cairo và các thành phố lớn khác trong cả nước. Túng quẫn, chính quyền Ai Cập đàn áp tràn lan những người biểu tình, khiến hàng trăm người thiệt mạng.
Tinh thần "anh em Hồi giáo" bùng lên thành biển lửa đấu tranh mang tính chất sống còn, quyết lật đổ chế độ Mubarak. Tính chất quá khác lạ của cuộc biến động dẫn đến kết quả là cả tổng thống Ben Ali của Tunisia và tổng thống Hosni Mubarak của Ai Cập đều phải chấp nhận "ra đi" trước khi hiểu ra bản chất của cuộc biến động. Đó là diễn biến của tháng 1 và tháng 2/2011.
Nhưng sau đó, các chế độ cầm quyền còn lại của thế giới Arab cũng như thế giới bên ngoài đã nhận diện được bản chất của cuộc biến động. Nét nổi bật gây bất ngờ lớn nhất có thể được gọi là "cuộc cách mạng không đầu". Những người tham gia biểu tình, nhiều khi lên đến cả triệu người, đều không có tổ chức thống nhất, không có lãnh đạo chung và không có đường lối chính trị rõ ràng. Họ chỉ chung một tâm lý bất mãn cao độ và chung một mục tiêu rất ngắn hạn là lật đổ cho được người cầm quyền mà họ đã chán ghét đến mức không thể chịu nổi!
Khi đã nhận ra tính chất và đặc điểm khác lạ này của cuộc biến động, thì các chính quyền còn lại đã có những phương sách khác nhau để đối phó một cách chủ động hơn.
Kết quả của sự đối phó hữu hiệu này thể hiện tại Libya, Yemen, Bahrein và cả Syria hiện tại. Ở Libya, chính quyền Qaddafi chưa thể sụp đổ vào tháng 8/2010 nếu không có cuộc can thiệp quân sự hùng hậu của NATO suốt từ đầu tháng 4. Ở Yemen, tổng thống Saleh đã cầm cự được cho đến khi phe đối lập cũng phải chấp nhận giải pháp của Tổ chức Hợp tác vùng Vịnh để ông này ra đi an toàn mà không bị "truy cứu trách nhiệm" mặc dù cũng bị lên án là "giết hại cả ngàn nguười phản kháng". Biến động tại Syria nổ ra vào giữa tháng 3/2011, nghĩa là sau khi tính chất "cách mạng không đầu" đã bị nhận diện. Bởi thế, chính quyền của tổng thống al-Assad vẫn trụ được từ đó đến nay, chưa để xảy ra "phản bội" trong hàng ngũ lãnh đạo và tướng lĩnh; chưa ngưng nghỉ đàn áp thẳng tay khiến phe đối lập và phản kháng không thể tập hợp lực lượng và thống nhất lãnh đạo.
Cũng nhờ nhận diện được tính chất "cách mạng không đầu", mà các thế lực bên ngoài, từ Mỹ, phương Tây, đến Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ... đều có những phương sách tác động khác nhau vào từng đối tượng Arab, để xoay chuyển cục diện tại chỗ sao cho phù hợp với lợi ích của các lực lượng bên ngoài ấy.
Cho nên, có thể nói "mùa xuân Arab" chỉ gây bất ngờ, ngỡ ngàng và đạt hiệu quả ngẫu hứng trong khoảng thời gian mùa xuân năm 2011 mà thôi. Những diễn biến sau đó, tuy vẫn khốc liệt, phức tạp, nhưng đã có thể bị chế ngự và lèo lái theo một hướng nào đó bởi bàn tay của giới cầm quyền tại chỗ, cùng với sự can thiệp của các thế lực bên ngoài, trong khu vực hay quốc tế./.
Tác giả: Nguyễn Ngọc Hùng
Nguồn: VNN