Thứ Năm, 25 tháng 10, 2012

15. Quan hệ Pakixtan-Nga: Sự chuyển hướng địa chính trị tại Nam và Trung Á?

Email In PDF.
 Pakixtan và Nga đang lặng lẽ xây dựng một mối quan hệ đa phương trong những năm vừa qua, thông qua các cuộc tiếp xúc song phương cũng như các cuộc tiếp xúc đa phương ở cấp cao nhất. Việc Pakixtan là quan sát viên trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải  tạo cho nước này một cơ hội quan trọng để tiếp xúc với giới lãnh đạo cao nhất của Nga.
Tháng 6/2009, Tổng thống Pakixtan Asif Ali Zardari đã tham gia hội nghị thượng đỉnh của SCO tại Yaketerinburg và gặp Tổng thống Nga lúc đó là Dmitry Medvedev, người đã bày tỏ mong muốn có quan hệ gần gũi hơn với Pakixtan trong tất cả các lĩnh vực quan trọng, gồm quốc phòng, đầu tư và năng lượng. Việc thiết lập những tiếp xúc chặt chẽ giữa các nhà lãnh đạo hai nước và hai bên sẵn sàng mở ra một chương mới trong quan hệ của họ không chỉ có lợi cho hai nước, mà còn có lợi cho hòa bình, an ninh và hội nhập khu vực tại hai khu vực quan trọng trên thế giới là Nam Á và Trung Á.Trong 6 thập kỷ qua, Pakixtan và Nga vẫn xa cách về chính trị. Chiến tranh Lạnh và sự đối đầu Đông-Tây đã xác định quan hệ giữa hai nước trong giai đoạn này. Một yếu tố nữa cản trở sự phát triển những quan hệ gần gũi và hữu nghị giữa hai nước là việc Nga thường nhìn Nam Á theo lăng kính của Ấn Độ và phớt lờ những quan ngại an ninh quốc gia của Pakixtan. Tuy nhiên, sự biến đổi chính trị toàn cầu và tình hình địa chính trị thay đổi nhanh chóng sau các cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 tại Mỹ đã tạo ra những động cơ mới mạnh mẽ để Nga và Pakixtan xích lại gần nhau hơn và hợp tác song phương trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế và an ninh.
Thực tế này đã được công nhận trong những phát biểu của Ngoại trưởng Pakixtan Hina Rabbani Khar và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov tại một cuộc họp báo chung ở Ixlamabát hồi đầu tháng 10 vừa qua. Chuyến thăm của ông Lavrov đã đưa quan hệ Nga-Pakixtan lên một tầm cao mới. Pakixtan đã đạt một thành công ngoại giao lớn khi được Nga ủng hộ quan điểm của Pakixtan về hòa bình và tiến trình hòa giải tại Ápganixtan, đó là không chấp nhận việc áp đặt giải pháp từ bên ngoài cho vấn đề Ápganixtan và việc phớt lờ ý chí cũng như nguyện vọng của người dân Ápganixtan. Việc Nga lên án các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái cũng củng cố quan điểm của Pakixtan trong việc đảm bảo độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình. Nga và Pakixtan có thể phát triển quan hệ trong những lĩnh vực như năng lượng, liên kết khu vực, cơ sở hạ tầng và thương mại. Tuy nhiên, khi thảo luận về triển vọng tương lai của sự hợp tác Nga-Pakixtan, Ixlamabát nên tính tới những hậu quả chính trị và chiến lược của quan hệ hữu nghị mới giữa hai nước. Cho đến nay, Pakixtan vẫn đi theo một chính sách đối ngoại dựa trên tầm nhìn khu vực và toàn cầu hẹp hòi.Tuy nhiên, Nga hiện có thế giới quan riêng của họ. Ví dụ, bất chấp sự thiết lập quan hệ chiến lược giữa Ấn Độ và Mỹ, mà biểu tượng là hiệp định hợp tác hạt nhân dân sự, và những quan hệ kinh tế và thương mại Trung-Ấn phát triển, Mátxcơva vẫn đánh giá Niu Đêli là một người bạn gần gũi và Nga không muốn hy sinh các quan hệ với Ấn Độ cho các quan hệ mới với Pakixtan. Là một đối tác lớn trong hòa bình và bình yên tại Nam Á, sự phát triển của quan hệ Pakixtan-Nga sẽ là một động lực để Pakixtan theo đuổi hòa bình và bình thường hóa quan hệ với Ấn Độ.
Nga đang có quan điểm riêng về các vấn đề có liên quan đến các hoạt động cực đoan, khủng bố, hòa bình và an ninh khu vực. Nga cũng quan ngại về những nguy cơ rằng Taliban có thể trở lại cầm quyền tại Ápganixtan. Tuy nhiên, các phát biểu của Ngoại trưởng Nga Lavrov tại Ixlamabát cho thấy Nga đang phản đối sự hiện diện quân sự thường trực của Mỹ tại Ápganixtan; quan ngại về nguy cơ thất bại của NATO tại Ápganixtan bởi vì điều đó có thể dẫn tới tình trạng hỗn loạn nghiêm trọng tại Ápganixtan. Đó là lý do Nga đang hỗ trợ lực lượng an ninh quốc tế tại Ápganixtan (ISAF) bằng việc cho phép vận chuyển cung cấp hậu cần qua lãnh thổ Nga. Mátxcơva cũng rất quan ngại về tình hình an ninh, luật pháp và trật tự tại Ápganixtan, nhất là sự có mặt của một lượng lớn dân quân nước ngoài từ Trung Á và Chechnya. Trong cuộc gặp bên lề hội nghị SCO tại Yaketerinburg vào tháng 6/2009, có tin Tổng thống Nga lúc đó là Medvedev đã kêu gọi Tổng thống Zardari xóa bỏ những thiên đường an toàn của khủng bố tại các khu vực bộ lạc của Pakixtan.
Tác giả Rashid Ahmad Khan là Giáo sư về Quan hệ Quốc tế tại Đại học Sargodha
Theo "Nghiên cứu toàn cầu" (ngày 22/10)
Hương Trà (gt)
http://nghiencuubiendong.vn/quan-h-quc-t/3031-quan-he-pakixtan-nga-su-chuyen-huong-dia-chinh-tri-tai-nam-va-trung-a