Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2012

4. Một góc nhìn về nguyên nhân suy thoái đạo đức trong xã hội Việt Nam hiện đại

Sự tha hóa về mặt nhân cách, đạo đức (sau đây gọi chung là sự tha hóa) trong xã hội Việt nam hiện tại hiện diện ở mọi giai cấp, tầng lớp, thành phần, trình độ, và lứa tuổi. Và dường như không có sự ngoại lệ.

Có thể đối với mỗi ngành, mỗi góc độ, lại nêu ra nhiều nguyên nhân khác nhau. Chỉ xin góp một ý kiến để góp thêm vào những cái nguyên nhân cho sự tha hóa.

Trước hết, xét thấy, cần liệt kê một số nguyên nhân đã được thừa nhận chung hiện nay:

+ Sự tác động tiêu cực từ mặt trái của nền kinh tế thị trường;

+ Sự du nhập của những yếu tố văn hóa lai căng, đồi trụy từ vấn đề “hội nhập quốc tế”;

+ Sự bùng nổ thông tin, internet;

+ Sự thoái hóa của nền giáo dục hiện tại, cùng sự chưa chú trọng đúng mức về việc đào tạo nhân cách, đạo đức của các bậc, cấp học.

Phương pháp luận phục vụ cho việc “suy nghĩ” trong bài viết là phương pháp luận Marxist – có thể dựa vào một số lý luận:

+ Đạo đức, pháp luật – là phạm trù thuộc về Kiến trúc thượng tầng – và hiển nhiên, nó sẽ phụ thuộc, được quyết định bởi Cơ sở hạ tầng – tổng thể các quan hệ sản xuất;

+ Không có cái chung tồn tại thuần túy ngoài cái riêng; nên cái chung là cái sâu sắc hơn cái riêng; cái chung thì có cái chung tiêu cực và cái chung tích cực;

+ Trong quan hệ sản xuất, có: quan hệ sở hữu, quan hệ quản lý và quan hệ phân phối – trong đó, quan hệ sở hữu mang tính quyết định; nhưng nguyên nhân của mọi cuộc cách mạng lại có bắt nguồn trực tiếp từ quan hệ phân phối;

+ Sự phát triển bảo gồm cả những bước thụt lùi tạm thời.

Cùng một số phương pháp luận phi Marxist:

+ « Xà trên không thẳng, xà dưới ắt cong » ;

+ « Dân tha hóa là do quan tha hóa » - Montesquieu ;

+ « Trị lại, bất trị dân » ;

+ Mọi hành động của con người đều nhằm mục đích đạt được lợi ích tối đa – Học thuyết về « Sự chọn lựa hợp lý » của Coleman ;

+ « Chính trị là một ngành kinh doanh » - « tiền không ở các bank, mà tiền nằm ở Hoa Thịnh Đốn » - Trường phái kinh tế học Lựa chọn công.

Xin được bắt đầu từ « Xà trên không thẳng, xà dưới ắt cong », « dân tha hóa là do quan tha hóa ». Cái gì là « trên » ? Trong khi « dân là chủ », nhưng « trên » lại là « quan ».

« Quan » hay « trên » cũng phải từ « dân », từ « dưới » mà ra. Nhưng không phải là chủ nghĩa kinh nghiệm, mà hiện thực xã hội lại dẫn chứng ra một cách hiễn nhiên rằng, sự tha hóa của « quan », là nguyên nhân cho sự tha hóa xã hội, tha hóa « dân ».

Vì sao vậy, vì « quan » lãnh cái trách nhiệm « quản lý » xã hội, « phụng sự » nhân dân. Quan tha hóa, thì hiễn nhiên quản lý kém, phụng sự kém, quản lý và phụng sự kém thì « nhiễu loạn » phát sinh, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân bị suy kiệt. Từ đó mà dẫn đến cái tha hóa của dân. Vậy nên, cái khởi sự cho sự tha hóa của dân, bắt nguồn từ sự tha hóa của quan.

Nếu suy diễn theo chiều ngược lại :

+ Thì có những tên dân tha hóa làm quan, nên đội ngũ quan lại mới tha hóa : Nếu theo chiều suy diễn này, thì dân là một tổng thể gồm nhiều cá thể, sự tha hóa không phải là tất cả, chỉ vì chọn những tên dân tha hóa làm quan mới tạo ra sự tha hóa của đội ngũ quan lại. Sự tha hóa của từng tên dân tha hóa, khác với sự tha hóa của dân, vì đó chưa hẵn đã là cái chung, vì chỉ có cái riêng dân tha hóa lên làm quan.

+ Trong khi đó, có những dân không tha hóa, nhưng khi làm quan lại tha hóa ; cũng dân đó, nhưng với những quan tốt thì làm nên lịch sử sáng chói, vẻ vang, nhưng khi kẻ làm quan từ dân tốt mà tha hóa thì làm chính dân đó tạo nên những vết nhơ trong lịch sử.

          Vậy nên: Quan là từ dân mà nên, nếu cả dân tộc, số đông nhân dân tha hóa thì hiển nhiên dân sẽ là cái nguyên nhân làm cho quan tha hóa. Nhưng điều này chỉ xảy ra khi nào cả một dân tộc tha hóa. Cả một dân tộc với máu huyết, truyền thống, lịch sử ngàn đời bổng dưng tha hóa – điều này rất ít khi xảy ra, mà nếu xảy ra thì lại nằm ở khía cạnh khác. Ví dụ điển hình như ở dân tộc ta : Nhân dân ta bị chà đạp qua thời kỳ « Nam - Bắc phân tranh », qua các đời Vua Nguyễn, phải gánh cái chính sách ngu dân của thực dân Pháp 100 năm. Nhưng chỉ có từng người dân tha hóa, những cả một dân tộc thì không tha hóa. Từng người dân ta sau những cuộc nội chiến, triều đình Nguyễn thối nát, chính sách ngu dân của bọn thực dân đã bị tha hóa với số lượng ngày càng tăng lên. Nhưng đâu làm cho những cán bộ, đảng viên thời kháng chiến chống pháp, chống mỹ tha hóa ; mà ngược lại còn tạo ra một lớp, một thời các cán bộ, đảng viên sẵn sàng chết vì độc lập tự do của tổ quốc, vì hạnh phúc nhân dân, vì chủ nghĩa xã hội. Sau ngày đất nước thống nhất, số lượng dân tha hóa được giảm đi, ta diệt được dặt dốt, ấy vậy mà lại tạo ra một đội ngũ « quan » tha hóa. Và từ đội ngũ quan tha hóa này tạo cho số lượng dân tha hóa ở nước ta hiện nay ngày càng tăng lên. Và nguy cơ là lượng thay đổi đến một lúc nào đó, sẽ dẫn đến chất thay đổi - cả một dân tộc tha hóa.

- Nhìn từ góc độ vi mô, mọi công việc trong hoạt động thường ngày, trong quản lý nhà nước, giao tiếp, ứng xử, quản trị kinh doanh đều chịu sự tác động của yếu tố công quyền. Một vị quan vô đạo đức, bắt buộc chủ thể khi cần đến « quan » - kể cả đồng nghiệp của quan - phải ứng xử tương ứng với vị quan vô đạo đức này, nếu chủ thể muốn đạt được lợi ích tối đa. Từ đó, tạo nên cái bắt buộc phải tha hoa của dân chúng. Còn những vị quan đồng nghiệp, khi sự tha hòa đem lại lợi ích tối đa, và lúc sự tha hóa của quan đã trở thành cái phổ biến, cái chung, cái sâu sắc, bắt buột các quan cũng phải biết « tùy thời »  - xuôi theo sự tha hóa – nếu không muốn phải từ bỏ con đường quan lại hay nhận lấy mọi điều nhục nhã.

- Trong khi đối với giới trẻ, họ sẽ thấy những tấm gương, quan tha hóa thì thăng chức, danh vọng, giàu có ; còn quan thanh liêm thì chẳng được lợi ích gì cả. Nếu họ là kẻ tha hóa, họ sẽ chọn con đường làm quan ; nếu họ làm quan, họ sẽ chọn con đường tha hóa. Từ đó, quan tha hóa là cái nguyên nhân gây nên sự tha hóa của giới trẻ.

- Vậy, nhất quán lại : dân tha hóa là do quan tha hóa – vô đạo đức; nhưng hiện nay, dân là từng người dân tha hóa với số lượng ngày càng tăng lên, và số lượng này nắm giữ lợi ích trong xã hội, còn dân tộc ta, thì vẫn là dân tộc ta, chưa tha hóa.

* Vậy nên : Ta phải truy nguyên được nguyên nhân vì đâu dẫn đến quan tha hóa.

Một lần nữa lại phải đề cập đến những vấn đề đã trở nên quá phổ biến :

+ Tác động của thủ đoạn “diễn biến hòa bình” trên nhiều lĩnh vực;

+ Cơ chế giám sát, công tác cán bộ của Đảng còn gặp nhiều bất cập ;

+ Sự tác động tiêu cực từ mặt trái của nền kinh tế thị trường;

+ Sự du nhập của những yếu tố văn hóa lai căng, thực dụng, đồi trụy từ vấn đề “hội nhập quốc tế”.

Tuy nhiên, nếu dùng với lập luận đơn giản nhất, quan tha hóa là vì sự tha hóa là giải pháp tối ưu đem lại cho quan lợi ích tối đa.

Nếu vậy, lại phải truy về nguyên nhân từ đâu mà sự tha hóa lại là giải pháp tối ưu để quan đạt được lợi ích tối đa. Nguyên nhân nhằm ở thể chế công vụ - tổng thể các quy phạm pháp luật điều chỉnh:

+ Thể chế tuyển dụng, bổ nhiệm, bầu cử, bãi miễn, đề cạc, khen, thưởng…

+ Thể chế quản lý hành chính, tài chính, tín dụng, ngân hàng, sở hữu, đầu tư … dịch vụ công, sự nghiệp công.

Nhưng thể chế lại là yếu tố thuộc về kiến trục thường tầng, hiển nhiên nó chịu sự quyết định từ cơ sở hạ tầng. Tức là phải tìm ra cái nguyên nhân kinh tế của nó. Vì chính sự tha hóa của yếu tố kinh tế dẫn đến một thể chế tha hóa.

Yếu tố kinh tế, biểu hiện, là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Nhưng kinh tế thị trường là yếu tố kinh tế, chứ không phải là nguyên nhân kinh tế của thể chế tha hóa.kinh tế thị trường tha hóa mới là nguyên nhân kinh tế của thể chế tha hóa.

Tất cả mọi sự vật, hiện tượng đều có tính hai mặt của nó. Kinh tế thị trường hiển nhiên không ngoại lệ, nó hiễn nhiên có mặt tích cực và mặt tiêu cực. Vậy nên, mặt trái của kinh tế thị trường không phải là sự tha hóa của kinh tế thị trường.chính sự méo mó của kinh tế thị trường mới là sự tha hóa của kinh tế thị trường.

Và biểu hiện của kinh tế thị trường tha hóa – méo mó :

- Sự độc quyền cực đoan ;

- Sự thiếu hoàn thiện các loại thị trường ;

- Sự thiếu minh bạch về thông tin có liên quan, ảnh hưởng đến thị trường.

Nguyên nhân nào cho ra đời một nền kinh tế thị trường méo mó:

1. Nguyên nhân đầu tiên đến từ sự méo mó trong quan hệ sở hữu trong nền kinh tế thị trường.

Sự méo mó trong quan hệ sở hữu trong nền kinh tế thị trường, được biểu hiện ở :

+ Sự hiện diện của sở hữu toàn dân – sở hữu nhà nước - ở quá nhiều lĩnh vực không nhất thiết phải có sự diện diện của sở hữu toàn dân – sở hữu nhà nước ;

+ Sự hiện diện của sở hữu toàn dân quá lượng cần thiết trong những lĩnh vực cần sự hiện diện của sở hữu toàn dân ;

+ Thiếu sự hiện diện của sở hữu ngoài sở hữu toàn dân ở những lĩnh vực mà sở hữu ngoài sở hữu toàn dân hoàn toàn có khả năng hiện diện và cần phải hiện diện.

Tôi không phải là một người cổ súy cho nền kinh tế thị trường tự do ; cũng không phải là cụ học trò chuyên học vẹt của cụ Lão tử với thuyết « Vô vi nhi trị », xem người quản lý giỏi nhất là không quản lý gì cả.

Nhưng Nhà nước chỉ nên hiện diện sự sở hữu những yếu tố nào mà tư nhân không cần sở hữu, không sở hữu được, không thể tồn tại nếu thiếu sự hiện diện của sở hữu nhà nước. Chính sự hiện diện của sở hữu toàn dân ở quá nhiều lĩnh vực không nhất thiết phải có sự hiện diện, và quá lượng cần thiết khi cần hiện diện, và thiếu sự hiện diện của sở hữu ngoài sở hữu toàn dân ở những lĩnh vực mà sở hữu ngoài sở hữu toàn dân hoàn toàn có khả năng hiện diện cũng như cần hiện diện là nguyên nhân cho sự tha hóa của quan hệ sở hữu trong nền kinh tế thị trường.

Hiện nay, sở hữu toàn dân hiện diện ở rất nhiều lĩnh vực : hành chính công, dịch vụ công, y tế, giáo dục, công nghiệp then chốt, dịch vụ và thương mại mang tính kinh doanh.

Sự hiện diện sở hữu toàn dân trong các lĩnh vực trên không phải là đã sẵn mang bản chất dẫn đến tha hóa, mà sự hiện diện quá mức cần thiết trong sự tương tác với quan hệ quản lý đã làm cho quan hệ sở hữu bị tha hóa.

Trong mỗi lĩnh vực lớn, lại chia ra nhiều lĩnh vực nhỏ, trong nhiều lĩnh vực nhỏ, sự hiện diện của sở hữu nhà nước không nên « độc quyền » trong những lĩnh vực nhỏ mà tư nhân có thể làm được và làm tốt được. Cần có sự tham gia của sở hữu ngoài sở hữu toàn dân để tạo nên tính cạnh tranh ngay trong những lĩnh vực nhỏ mà sở hữu nhà nước độc quyền  trong hiện tại – ngay cả khi đó là hành chính công – và  những lĩnh vực mà sở hữu nhà nước có tham gia, dù chi phối hay không chi phối.

Đơn cử như dịch vụ hành chính công. Hành chính công hiển nhiên cần có sự hiện diện của sở hữu nhà nước. Nhưng không phải chỉ có sở hữu toàn dân mới có thể hiện diện ở hành chính công. Những sự thí điểm cho sự hiện diện của sở hữu ngoài sở hữu toàn dân trong những vần đề liên quan đến hành chính công đến thời điểm hiện tại ở nước ta đã cho thấy tính phù hợp, hạn chế những tiêu cực phát sinh của nó.

Vậy nên :

Để ngăn cản sự tha hóa của quan hệ sở hữu, lành mạnh hóa quan hệ sở hữu  - làm cơ sở cho một nền kinh tế thị trường lành mạnh, tạo nên yếu tố quyết định để tạo ra một hệ thống thể chế lành mạnh, ngăn cản sự tha hóa của quan lại – cần phải làm lành mạnh hóa quan hệ sở hữu toàn dân.

Bằng cách :

+ Giảm bớt sự hiện diện của sở hữu toàn dân trong những vấn đề, lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực cả về lượng hiện diện lẫn lĩnh vực hiện diện;

+ Giảm bớt những lĩnh vực mà sở hữu toàn dân độc quyền hiện diện trong những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực (thậm chí cả trong những lĩnh vực « có khả năng » phát sinh tiêu cực, hành chính công) và sở hữu ngoài sở hữu toàn dân hoàn toàn có khả năng hiện diện hay cần phải hiện diện ;

+ Giảm bớt lượng sở hữu toàn dân theo lĩnh vực và trong những lĩnh vực bắt buộc hay cần phải có sự hiện diện ;

+ Sở hữu ngoài sở hữu toàn dân bắt buộc phải hiện diện ở tất cả các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, có thể hiện diện, cần hiện diện ; dần dần thâm nhập vào những vấn đề liên quan đến quản lý hành chính nhà nước trên tất cả các lĩnh vực từ phát triển kinh tế đến chính trị - văn hóa – xã hội – giáo dục – y tế tại tất cả các cấp quản lý, ngành  quản lý, chức năng quản lý và tham gia vào tất cả các thủ tục quản lý cần thiết để đảm bảo tính lành mạnh, minh bạch.

* Có thể khẳng định rằng: Sự diện diện của sở hữu ngoài sở hữu toàn dân có tính cạnh tranh cao ở những thủ tục, bước thực hiện, cách thức thực hiện trong quá trình thực hiện chức năng quản lý nhà nước, hành chính công dễ phát sinh tiêu cực sẽ là cơ sở kinh tế cho sự lành mạnh quan hệ sở hữu – kinh tế thị trường – thể chế quản lý, từ đó lành mạnh hóa đội ngũ cán bộ công chức.

2. Nguyên nhân thứ hai dẫn đến sự méo mó của nền kinh tế thị trường đến từ sự méo mó của quan hệ quản lý

Sự méo mó trong quan hệ quản lý biểu hiện:

+ Méo mó về chủ thể được giao quản lý tài sản thuộc sở hữu toàn dân ;

+ Méo mó về cơ chế quản lý ;

+ Méo mó về đối tượng, phạm vi quản lý.

Sự méo mó trong quan hệ quản lý sở hữu toàn dân không chỉ gồm sự méo mó trong những việc quản lý tài sản thuộc sở hữu toàn dân tại những tập đoàn kinh tế, mà đó là sự méo mó trong quan hệ quản lý sở hữu toàn dân đối với tất cả tài sản trong các lĩnh vực, chuyên môn, ngành, đoàn thể, cấp, hình thức, chính sách, chương trình, dự án … thuộc sở hữu toàn dân

* Nguyên nhân cho những méo mó trên:

- Chủ thể quản lý không được xác định cụ thể về mặt chịu trách nhiệm trực tiếp, hình thức và mức trách nhiệm – dẫn đến cái « bị kịch của tài sản chung » như cách gọi của Lý thuyết trò chơi;

- Chủ thể quản lý không gắn được lợi ích hợp pháp của mình với lợi ích từ sự quản lý tốt tài sản thuộc sở hữu toàn dân; nhưng lại gắn được lợi ích phi pháp của mình với việc quản lý « tồi » tài sản thuộc sở hữu toàn dân;

- Chủ thể quản lý không đủ năng lực, trình độ, phẩm chất để quản lý.

- Sự thiếu minh bạch trong quá trình quản lý, cung cấp thông tin;

- Xác định đối tượng quản lý quá rộng dẫn đến kém hiệu quả do phải dàn trải;

- Phạm vi quản lý quá rộng, quá sâu và quá trực tiếp – dẫn đến phát sinh tiêu cực, không phát huy được mặt tích cực của những nhu cầu lợi ích bản thân hợp pháp, chính đáng.

Có thể nhận thấy rằng: Quan hệ sở hữu và quan hệ quản lý tuy đều nằm trong quan hệ sản xuất, nhưng không hiển nhiên chủ thể sở hữu đồng thời là chủ thể trực tiếp quản lý.

* Muốn lành mạnh hóa quan hệ quản lý tài sản thuộc sở hữu toàn dân, thì buộc phải khắc phục được những mặt trên:

+ Phải làm sao gắn được lợi ích có được một cách hợp pháp phải là lợi ích tối đa và phải gắn với sự quản lý tốt tài sản thuộc sở hữu toàn dân của chủ thể quản lý – người quản lý tốt, không cần biết là ai, phải có động lực để quản lý tốt, và động lực đó là – « quản lý tốt là giải pháo tối ưu để đạt được lợi ích tối đa » hay không bị lấy đi những lợi ích;

+ Chủ thể trực tiếp quản lý tài sản nhà nước không nhất thiết phải là công chức, viên chức hay cán bộ mà phải là chủ thể hưởng được lợi ích tối đa từ việc quản lý tốt này và phải nhận những điều tồi tệ nhất từ sự quản lý tồi – « cùng chết »;

+ Trách nhiệm của chủ thể quản lý phải là trách nhiệm cá nhân, cụ thể, trực tiếp, trước hết, liên đới và khổng thể đùn đẩy, và họ phải là những chủ thể đảm bảo về năng lực, trình độ và phẩm chất đạo đức ;

+ Thực hiện minh bạch tối đa trong quá trình quản lý – muốn vậy, phải tạo được động lực cho sự minh bạch, động lực đó là gì, chỉ đơn giản: minh bạch là giải pháp tối ưu để đạt được lợi ích tối đa – phải làm cho cái lợi ích của chủ thể quản lý tỷ lệ thuận với sự minh bạch – chứ không phải là tỷ lệ ngược như hiện tại;

+ Thu hẹp đối tượng có sự hiện diện của sở hữu toàn dân mà nhà nước trực tiếp quản lý ; thay vì nhà nước trực tiếp quản lý những đối tượng này, hãy để chủ sở hữu hình thức sở hữu khác trực tiếp quản lý. Lúc đó, vì chính lợi ích của họ, họ buộc phải hành động tích cực, tất nhiên, sự tích cực đó là tích cực cho chính bản thân họ, nhưng thông qua đó, họ bắt buộc đồng thời phải tích cực với tài sản thuộc sở hữu toàn dân mà họ quản lý – nếu như họ không muốn « chết chùm »;

+ Nhà nước không nên cử cán bộ để trực tiếp quản lý, hay can thiệp sâu vào quá trình quản lý, mà phải tạo cơ chế để « ngồi mát ăn bát vàng ». Muốn vậy, lại phải trở lại cái biện pháp để tránh méo mó quan hệ sở hữu – nhà nước không nên nắm « chi phối » ở những loại hình doanh nghiệp – bản thân sự cầu toàn là sự thiếu toàn diện nhất.

3. Sự méo mó của kinh tế thị trường đến từ sự méo mó trong quan hệ phân phối

Quan hệ phân phối – nguyên nhân trực tiếp của mọi sự « nỗi loạn » và tiêu cực.

Một vấn đề đã quá quen thuộc theo lời của Hồ Chủ tịch: « Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng ».

- Biểu hiện của sự méo mó trong quan hệ phân phối tài sản thuộc sở hữu toàn dân là :

+ Phân phối không công bằng;

+ Phân phối không hợp lý; - cụ thể hơn -

+ Phân phối không đúng người;

+ Phân phối không đúng việc;

+ Sự thất thoát trong quá trình phân phối.

- Nhà nước phân phối tài sản thuộc sở hữu toàn dân thông qua các « kênh » sau :

+ Lương, phụ cấp;

+ Đầu tư cho phát triển kinh tế - dự án phát triển kết cấu hạ tầng, ngành công nghiệp – thương mại – dịch vụ, nghiên cứu khoa học, nông – lâm nghiệp;

+ Đầu tư cho an sinh xã hội – y tế, giáo dục, xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, khắc phục thiên tai, cứu trợ xã hội, dịch vụ công…

- Nguyên nhân của sự méo mó trong quan hệ phân phối tài sản thuộc sở hữu toàn dân:

+ Thiếu phù hợp trong thủ tục lựa chọn chủ thể chủ trì phân phối;

+ Hình thức, cách thức phân phối không phù hợp;

+ Chủ thể thụ hưởng ở vào thế bị động, yếu thế trong suốt quá trình phân phối;

+ Sự thiếu minh bạch, phổ thông các thông tin trong quá trình phân phối, đặc biệt trong lựa chọn chủ thể phân phối;

+ Thiếu cơ chế để xác định đúng đối tượng thủ hưởng với mức phân phối phù hợp.

- Vậy nên, để đảm bảo lành mạnh hóa quan hệ phân phối tài sản thuộc sở hữu toàn dân, phải thực hiện cho bằng được:

+ Chủ thể thụ hưởng cuối cùng phải được tham gia tích cực, đầy đủ, chủ động vào toàn bộ quá trình phân phối; có toàn quyền trong việc quyết định lựa chọn mọi vấn đề từ hình thức, cách thức, chủ thể phân phối ; và phải được đảm bảo cung cấp đầy đủ các thông tin một cách chính xác, kịp thời;

+ Tổ chức thi sát hạch đồng thời với lấy phiếu tín nhiệm hàng năm đối với tất cả các cấp, ngành, lĩnh vực để tiến hành phân loại đối tượng đảm bảo việc phân phối lương, phụ cấp đảm bảo tính công bằng, hợp lý – đảm bảo công khai, minh bạch trong toàn bộ quá trình;

+ Thực hiện minh bạch, dân chủ hóa, dân sự hóa, tư nhân hóa trong toàn thể quá trình phân phối đối với tất cả các « kênh » phân phối - Từ việc xác định « kênh » phân phối; cách thức phân phối ; chủ thể chủ trì phân phối ; đối tượng phân phối ; đánh giá, lựa chọn chủ thể trực tiếp phối… ;

+ Đa hạng hóa, tư nhân hóa, cạnh tranh hóa về chủ thể thực hiện phân phối trên tất cả các « kênh » phân phối, ngay cả dịch vụ công, hành chính công, an sinh xã hội.

 

- Chúng ta đang cố gắng để « kinh tế nhà nước cùng kinh tế tập thể » ngày càng trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân. Nhưng muốn được như vậy, trên chặng đường phát triển, đôi lúc vì sự phù hợp, tất yếu, chúng ta phải chấp nhận những bước lùi nhất định. Không phải là cổ xúy tư nhân hóa, nhưng hãy cố gắng để đảm bảo có sự tham gia của sở hữu, quản lý, phân phối tư nhân tại những vấn đề cần, có thể và hợp lý cần sở hữu tư nhân ; và giảm thiểu sự hiện diện của sở hữu, quản lý, phân phối thuộc hay mang tính công quyền tại những vấn đề không cần thiết, hay tư nhân cũng có thể làm tốt và cần tham gia.

- Vậy nên :

 

* Tóm lại:   Sự tha hóa của xã hội là do từ sự tha hóa của quan lại, sự tha hóa của quan lại là do sự tha hóa của thể thế công vụ, sự tha hóa của thể chế công vụ với tư cách là một yếu tố của Kiến trúc thượng tầng có nguyên nhân từ sự tha hóa của yếu tố kinh tế thị trường – sự méo mó của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hay nói khác đi là tự sự tha hoa hay méo mó của Quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa – chính là sự méo mó hay tha hóa của Quan hệ sở hữu, quan hệ quản lý và quan hệ phân phối tài sản thuộc sở hữu toàn dân.

Vậy nên: Có thể nói rằng, một trong những nguyên nhân của sự tha hóa về đạo đức trong xã hội Việt Nam hiện nay chính là do sự « méo mó » – « tha hóa » -  của Quan hệ sở hữu, Quan hệ quản lý và Quan hệ phân phối tài sản công.

Muốn có một đội ngũ cán bộ, công chức « vừa hồng, vừa chuyên », thì một công việc cần phải làm là phải hoàn thiện, hợp lý hóa Quan hệ sở hữu, Quan hệ quản lý, Quan hệ phân phối tài sản công. Vì đây là cái gốc Cơ sở hạ tầng, cái gốc Kinh tế của Kiến trúc thượng tầng Đạo đức.

Chúng ta có hệ tư tưởng là Chủ nghĩa Mác – Lenin, nên khi muốn giải quyết mọi vấn đề, phải truy nguyên về cái nguyên nhân Kinh tế của nó! – Không phải là Kinh tế thị trường, cũng không phải là mặt trái của Kinh tế thị trường - như đã lý luận ở trên - , mà chính là sự méo mó của Kinh tế thị trường. Và sự méo mó của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay ở nước ta, nguyên nhân chính yếu chính là sự méo mó trong Quan hệ sở hữu, Quan hệ quản lý và Quan hệ phân phối tài sản công.

 

Hố khô !