Thứ Năm, 25 tháng 10, 2012

18. Cạnh tranh Nga - Mỹ tại Trung Á

Email In PDF.
Cuộc đua Nga-Mỹ tranh giành ở Trung Á có xu hướng gia tăng khi Nga đang trở lại khu vực một cách nhanh chóng với các dự án lớn về quân sự và kinh tế, trong khi Mỹ sẵn sàng chấp nhận rủi ro để đạt các mục tiêu quan trọng tại đây.

“Báo Độc lập” (Nga) ngày 24/9 đăng bài của tác giả Anton Barbashin – nhà nghiên cứu chính trị thuộc Trung tâm thẩm định khu vực Xibêri “Hiện đại hoá”, bình luận về mục đích chuyến thăm Cưrơgưxtan của Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa qua và sự tranh giành ảnh hưởng giữa Nga và Mỹ ở khu vực Trung Á như sau: 
Ngày 20/9 Tổng thống Putin đã tới thăm Cưrơgưxtan. Trong chuyến thăm này, Nga và Cưrơgưxtan đã ký Hiệp định về gia hạn thời gian hiện diện của căn cứ quân sự của Nga và thỏa thuận về việc xây dựng nhà máy thủy điện trên lãnh thổ Cưrơgưxtan. Sau một thời gian không xác định, Biskếch đang trở lại quan hệ đối tác ổn định với Nga. 
Cưrơgưxtan xác định là đồng minh địa chính trị với Nga, có nghĩa là các vị trí của Mỹ - đấu thủ quan trọng thứ hai trong khu vực - bị suy giảm. Tại cuộc họp báo với Tổng thống Putin, Tổng thống Cưrơgưxtan Almazbek Atambayev một lần nữa khẳng định rằng căn cứ không quân Manas của Mỹ sẽ chấm dứt sự tồn tại vào năm 2014. Còn năm 2017 ở thành phố Osh, một căn cứ quân sự mới của Nga - Cưrơgưxtan sẽ được mở ra với thời hạn ít nhất là 15 năm. Căn cứ quân sự mới sẽ bổ sung cho sự hiện diện vốn đã rất ấn tượng của quân đội Nga trên lãnh thổ Cưrơgưxtan, cụ thể là – bổ sung cho căn cứ không quân Kant, căn cứ thử nghiệm vũ khí chống tàu ngầm ở khu vực Issyk-Kul, đầu mối liên lạc số 338 của Hải quân (trạm Prometheus) và trạm đo địa chấn hoạt động cùng với các đơn vị tên lửa chiến lược. 
Nga tăng cường sự hiện diện của mình không chỉ với các căn cứ quân sự, mà cả với các cơ sở kinh tế, cụ thể là xây dựng Nhà máy thuỷ điện Kambarata-1 (với sự tham gia của Công ty điện của Nga "Inter RAO") và xây dựng đập thượng Naryn của Nhà máy thuỷ điện (với sự tham gia của Công ty điện lực "RusHydro" của Nga), có thể cùng xây dựng lại Nhà máy nhiệt điện Biskếch – 1. Những công trình này sẽ cho phép Cưrơgưxtan không chỉ đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng của mình, mà còn có thể xuất khẩu. Triển vọng xây dựng thành công đập thượng Naryn của Nhà máy thủy điện có thể sẽ đưa Nga tham gia thị trường xuất khẩu năng lượng vượt ra ngoài giới hạn khu vực Trung Á - đi qua Pakixtan và Ápganixtan đến Ấn Độ. 
Còn nếu tham gia các dự án ở Cưrơgưxtan làm tăng khả năng Nga có thể tham gia việc xây dựng Nhà máy thủy điện Rogun ở Tátgikixtan, thì về nguyên tắc, Mátxcơva sẽ thay đổi bản đồ năng lượng của khu vực. Thoả thuận mới đây về việc gia hạn sự hiện diện của Căn cứ quân sự 201 trên lãnh thổ Cưrơgưxtan thêm 20-30 năm nữa là tiền đề cho quyết định quan trọng trong vấn đề Nga tham gia “Dự án thế kỷ”. 
Như vậy, chính sách của Nga tại Trung Á đang dần phát triển. Hiện nay sự kết hợp các giải pháp kinh tế với các các thỏa thuận quân sự thể hiện rõ ràng sự tăng cường hiện diện của Nga ở Trung Á. Định dạng Mátxcơva –Biskếch - Đusanbe đã hiện lên rõ ràng. 
Mô hình như vậy buộc Oasinhtơn phải phản ứng và tìm những cách thức mới để thực hiện mục tiêu chiến lược của mình. Mỹ cần Trung Á để hỗ trợ việc vận chuyển hàng hoá khi rút quân khỏi Ápganixtan, còn sau năm 2014 - giám sát sự phát triển ổn định của nước này trong tương lai. Đồng thời, nhu cầu tăng lên đối với việc theo dõi các hoạt động của Trung Quốc trong khu vực đòi hỏi Oasinhtơn phải duy trì sự hiện diện quân sự trong các vùng lân cận khu vực Trung Á. Hơn nữa, như chính sách của Mỹ trong 50 năm trở lại đây cho thấy Oasinhtơn rất không muốn rút hẳn khỏi những nơi mà binh lính Mỹ đã tới. Vì lý do này, sự "thất bại" trong vấn đề căn cứ Manas đòi hỏi một “trận phục thù” tại một góc khác của khu vực Trung Á. Thực chất, đối với Mỹ, đối tác duy nhất còn lại là Udơbêkixtan - đất nước thất bại trong việc thực hiện các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng với sự tham gia của Nga ở các nước láng giềng. Hơn nữa, thời gian gần đây các mối quan hệ giữa Nga và Udơbêkixtan xấu đi nhanh chóng. Một dấu hiệu rõ ràng về tình hình ngày càng xấu đi trong quan hệ giữa Mátxcơva và Tasken là việc tháng 6/2012, Udơbêkixtan rút ra khỏi Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (ODKB), và những khó khăn mà các doanh nghiệp của Nga và một số người dân nói tiếng Nga sống ở nước này gặp phải. Những ví dụ về sự gia tăng căng thẳng từ phía Tasken là một loạt các hành động chống lại một bộ phận công dân Nga và việc Công ty liên lạc di động của Nga tạm ngừng hoạt động trong 3 tháng. 
Oasinhtơn định đàm phán với Tasken ngay sau khi biết Nga và Cưrơgưxtan có ý định ký hiệp định về các căn cứ quân sự ở Cưrơgưxtan. Chính khi đó, ông Robert Blake, người phụ trách các vấn đề về hợp tác và phát triển ở Trung Á thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, vốn lên kế hoạch đi một tour tới thủ đô các nước khu vực Trung Á, đã hủy chuyến thăm của mình tới Almaty (Cadắcxtan) và Biskếch mà không tuyên bố lý do và chuyển chuyến công du tới Tasken. Rõ ràng, chủ đề của cuộc trao đổi là khả năng triển khai căn cứ quân sự của Mỹ trên lãnh thổ Udơbêkixtan, mặc dù Oasinhtơn chính thức bác bỏ tuyên bố như vậy. 
Thật không may cho Oasinhtơn, theo sáng kiến của Tổng thống Karimov, ngày 30/8 dự luật cấm triển khai các căn cứ quân sự của nước ngoài trên lãnh thổ Udơbêkixtan, đã được thông qua. Nhưng tham khảo kinh nghiệm của Cưrơgưxtan (năm 2009 cơ sở quân sự Manas ở nước này đơn giản được đổi tên thành trung tâm vận chuyển quá cảnh), không loại trừ khả năng Tasken sẽ tìm được lỗ hổng pháp lý để có thể thành lập căn cứ quân sự của Mỹ. Việc tiếp tục xây dựng Nhà máy thuỷ điện có thể sẽ làm trầm trọng thêm quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Mátxcơva và Tasken và đẩy Tổng thống Karimov vào vòng tay của Mỹ. 
Rõ ràng là Nga đang trở lại Trung Á - và trở lại một cách nhanh chóng với các dự án lớn và mục tiêu rõ ràng. Dự án Liên minh Á-Âu đã được tuyên bố sẽ không thể thực hiện được nếu không có sự tham gia tích cực của các nước trong khu vực, hơn nữa Cưrơgưxtan đã bày tỏ mong muốn là một bộ phận của Liên minh thuế quan. Tuy nhiên, lợi ích của Nga không chỉ ở sự phát triển kinh tế và thúc đẩy các dự án liên kết. Trong điều kiện việc Hồi giáo hoá ngày càng tăng trong khu vực và quân đội NATO sắp rút khỏi đây, thì đối với Nga, các nhiệm vụ ưu tiên là an ninh và ngăn chặn ảnh hưởng của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan ở biên giới phía Nam nước mình. 
Đối với Mỹ, Trung Á là khu vực quan trọng không kém, và để đạt được mục tiêu của mình, Oasinhtơn sẵn sàng chấp nhận các rủi ro. Rủi ro chính là ở việc lôi kéo chế độ của Tổng thống Karimov, người nhận thấy Trung Á là khu vực lợi ích của mình và hiện tuyên bố về sự đe dọa của chiến tranh. Thời gian sẽ cho thấy liệu Oasinhtơn có thoả thuận được với Tasken mà không gây ra xung đột giữa các nước trong khu vực hay không và liệu Mátxcơva có thể trở thành người sáng tạo và trung gian trong việc giải quyết các vấn đề của các dân tộc ở Trung Á hay không? 
Anton Barbashin – nhà nghiên cứu chính trị thuộc Trung tâm thẩm định khu vực Xibêri “Hiện đại hoá”
Thúy Bình (gt)