Thứ Năm, 25 tháng 10, 2012

14. Năm thách thức an ninh quốc gia cấp bách của Mỹ

Email In PDF.
Bất kể ứng cử viên nào giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 6/11 sẽ phải đối mặt với 5 thách thức an ninh quốc gia cấp bách nhất trong những tuần đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống.
1. Khó khăn tài chính và cắt giảm nợ: Đây là một vấn đề an ninh quốc gia và cũng là vấn đề kinh tế trong nước. Hiện nay, thế giới vẫn phụ thuộc sự lãnh đạo của Mỹ. Vai trò này đặc biệt quan trọng khi một loạt nhân tố, chẳng hạn những kẻ cực đoan Hồi giáo, luôn tìm cách phá hủy. Lãnh đạo thế giới đòi hỏi Mỹ phải có khả năng đưa ra các lựa chọn và ủng hộ các giá trị bằng các nguồn lực. Tuy nhiên, ngân sách hạn hẹp, thâm hụt lớn, các khoản nợ ngày càng tăng và nền kinh tế yếu kém đồng nghĩa với việc Oasinhtơn không có các nguồn để dự trữ và thực hiện vai trò lãnh đạo. Tình hình tài chính hiện nay của Mỹ sẽ hạn chế các lựa chọn và làm mất niềm tin của công chúng. Điều này khiến Mỹ không muốn can dự vào các cuộc khủng hoảng nghiêm trọng như Xyri hoặc rút khỏi các chiến dịch quân sự. Chừng nào mỗi đồng USD được chi tiêu là một đồng USD đi vay, Mỹ không thể sử dụng các nguồn chiến lược. Do đó, tổng thống và Quốc hội phải có chính sách và kế hoạch chi tiết nhanh chóng giải quyết những khó khăn tài chính của đất nước. 
2. Khôi phục trật tự kinh tế quốc tế: Nếu khu vực tài chính của Mỹ ổn định sẽ thúc đẩy tính cạnh tranh của đất nước; thúc đẩy hệ thống kinh tế toàn cầu sẽ tạo nên sân chơi để Mỹ cạnh tranh. Khi các cường quốc kinh tế mới như Trung Quốc, Ấn Độ và Braxin phát triển, các thách thức đối với nền tảng của trật tự kinh tế tự do sẽ phát triển. Đó không phải hiện tượng mới. Vấn đề mới là thiếu sự lãnh đạo kiên quyết của các nền kinh tế phát triển để củng cố trật tự kinh tế toàn cầu đã tạo ra rất nhiều cơ hội mà hiện nay các nước đang phát triển đang khai thác. Các cường quốc kinh tế phát triển đang tự thay đổi theo thời gian: lão hóa, đi vào các ngành công nghệ cao và dịch vụ, tăng sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nước trong hệ thống kinh tế toàn cầu, thậm chí cả cải cách chính trị. Do đó, họ ngày càng quan tâm đến một trật tự kinh tế tự do và hoạt động hiệu quả. Chính quyền Mỹ sắp tới cần sử dụng sự kết hợp giữa các hình phạt và cơ hội, trong đó chú trọng các biện pháp trả đũa thương mại quyết liệt hơn đối với những hoạt động thương mại, lao động và tiền tệ không công bằng thông qua Tổ chức Thương mại Thế giới.
3. Đối phó với thách thức hạt nhân của Iran: Chính quyền của cựu Tổng thống G. W. Bush và B. Obama đều theo đuổi chính sách dựa trên các nghị quyết Liên hợp quốc, các biện pháp cấm vận kinh tế, thương mại và đàm phán nhằm nỗ lực ngăn chặn Iran đạt được vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, Iran không tuân thủ các yêu cầu của quốc tế đòi nước này ngừng làm giàu urani. Nếu Iran đạt được khả năng hạt nhân, nước này có thể chế tạo các loại vũ khí hạt nhân khu vực. Cả ứng cử viên Obama lẫn ứng cử viên M. Romney đều cam kết tiếp tục thắt chặt các biện pháp cấm vận trong khi vẫn duy trì tất cả các lựa chọn khác, kể cả quân sự. Quan điểm đó thích hợp với mùa bầu cử, nhưng trong những tháng sau bầu cử tổng thống phải đưa ra lựa chọn. Mỹ và các nước đồng minh sẽ sử dụng vũ lực để phá hủy chương trình hạt nhân của Iran và chấp nhận những hậu quả do Iran trả đũa. Nếu Ixraen tiến công quân sự chống Iran, khu vực Trung Đông có nguy cơ bùng nổ xung đột và thúc đẩy phổ biến vũ khí hạt nhân hơn nữa. Nhưng nếu Oasinhtơn lựa chọn biện pháp quân sự, tổng thống cần nhận được sự ủng hộ của các nước đồng minh và quản lý những hậu quả chính trị toàn cầu của biện pháp như vậy.
4. Ngăn chặn một sự sụp đổ ở Ápganixtan: Trong chiến dịch tranh cử, cả ông Obama và ông Romney đều ủng hộ thời hạn chuyển giao năm 2014 ở Ápganixtan, mặc dù ông Romney cho biết ông sẽ đánh giá lại nhu cầu về lực lượng trên cơ sở các điều kiện ở thời điểm đó. Tuy nhiên, sau khi cuộc bầu cử trôi qua, tổng thống sẽ đối mặt với thực tế là tình hình tại Ápganixtan đang suy giảm nhanh chóng. Thời hạn rút quân đã khuyến khích Taliban nổi dậy, trong khi lực lượng an ninh quốc gia Ápganixtan không có khả năng duy trì an ninh trên cả nước mà không có sự can dự trực tiếp của Mỹ. Bên cạnh đó, cuộc bầu cử năm 2014 của Ápganixtan có nguy cơ dẫn đến một cuộc khủng hoảng khi Mỹ và các nước đồng minh NATO không còn lực lượng để duy trì tình hình ổn định. Sụp đổ về quản lý và an ninh ở Ápganixtan có thể giúp Taliban trở lại nắm quyền, ít nhất là ở phía Nam của đất nước và mở ra một cuộc tranh giành Cabun và đất nước nói chung. Đây sẽ là một thảm họa cho nhân quyền, đặc biệt quyền của phụ nữ và nền giáo dục của trẻ em. Nó cũng sẽ một thắng lợi của những kẻ cực đoan Hồi giáo bạo lực, tăng triển vọng Ápganixtan một lần nữa có thể là nơi trú ẩn an toàn cho al-Qaeda và tiếp tục gây bất ổn cho Pakixtan. Do đó, thay vì kiên quyết duy trì thời hạn rút quân Mỹ vào năm 2014 và có nguy cơ mất tất cả mọi thứ mà Mỹ và lực lượng liên quân đạt được 10 năm qua, tổng thống Mỹ sắp tới cần đánh giá và xem xét lại kế hoạch thời hạn rút quân. Ngoài ra, Mỹ cần tiếp tục nhiều nội dung chính sách hiện nay như hỗ trợ hơn nữa lực lượng an ninh địa phương, công tác quản lý hiệu quả, giáo dục, quyền phụ nữ và phát triển kinh tế, chống tham nhũng, cải cách chính trị, xây dựng niềm tin về các nhà lãnh đạo của họ. Khi điều kiện ổn định, việc rút quân có thể tiếp tục với điều kiện không đưa ra thời hạn nhất định.
5. Cứu Xyri và "Mùa xuân Arập": Hiện nay, khoảng 30.000 người đã bị thiệt mạng ở Xyri, trong khi các nền dân chủ lớn của thế giới vẫn đứng bên ngoài. Chế độ Bashar al-Assad sẵn sàng giết hại dân chúng miễn sao chính quyền tồn tại. Cách duy nhất sắp tới của Mỹ là đánh bại chế độ này. Để ngăn chặn tình trạng bắn giết hàng loạt và xung đột lan rộng khu vực, sự can dự và lãnh đạo của Mỹ rất quan trọng để xây dựng một liên minh quốc tế nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Xyri. Bên cạnh đó, "Mùa xuân Arập" là sự phát triển an ninh và chính trị quan trọng nhất trên thế giới kể từ sau sự sụp đổ của Bức tường Béclin, nhưng Mỹ tỏ ra không quan tâm hỗ trợ các nhà cải cách thực sự trong thế giới Arập và quá thụ động trong việc đối phó với ảnh hưởng của những kẻ cực đoan. Vì vậy, tổng thống sắp tới của Mỹ cần áp dụng chính sách rộng lớn hơn bao gồm: ủng hộ mạnh mẽ tự do, dân chủ, khoan dung, quản lý tốt đồng thời hỗ trợ an ninh và những người chia sẻ những mục tiêu này. Ngoài ra, Mỹ vẫn phải thường xuyên nỗ lực tiêu diệt các nhóm khủng bố trong khu vực. 
Vũ Hiền (gt)
http://nghiencuubiendong.vn/nghien-cuu-my/3032-nam-thach-thuc-an-ninh-quoc-gia-cap-bach-cua-my