Thứ Năm, 25 tháng 10, 2012

20. Những yếu kém trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc nhìn từ tranh chấp đảo Điếu Ngư/Senkaku

Chiếc áo “yêu nước” của phong trào biểu tình chống Nhật đã biến màu rất nhanh, dẫn đến đập phá, bạo lực, cướp bóc và trở thành một trò hề tự mình hại mình. Chuyên gia Vương Quân đánh giá đây là sự thất bại trong chính sách đối nội của Trung Quốc.
 
Các cuộc biểu tình đường phố chống Nhật thời gian gần đây tại một số thành phố của Trung Quốc được khoác lên mình chiếc áo “yêu nước”, nhưng đã biến màu rất nhanh, xuất hiện các hoạt động bạo lực phá phách, cướp bóc. Về mặt hình thức, ngòi nổ của các hoạt động biểu tình này là do Chính phủ Nhật Bản quốc hữu hoá đảo Điếu Ngư/Senkaku, nhưng đây chỉ là một mặt của vấn đề. Bình tĩnh suy xét lại, sự chuyển ngoặt gần đây trong quan hệ Trung-Nhật và sự kiện bạo lực ở các địa phương có thể đem lại sự gợi mở về hai phương diện cho Trung Quốc: Một là, thất bại ngoại giao lần này cho thấy rõ chính sách đối ngoại của Trung Quốc có vấn đề, phản ánh tính không hiệu quả của khuôn mẫu tư duy trong giải quyết tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc. Vì nếu trước đó Trung Quốc định ra được chính sách đối ngoại hữu hiệu, thì không những có thể ngăn chặn được hành động quốc hữu hoá đảo Điếu Ngư/Senkaku của Nhật Bản, mà trong nước cũng sẽ không xuất hiện các hoạt động biểu tình như nói ở trên. Hai là, sự kiện bạo lực vừa qua cho thấy rõ sự thiếu sót về tố chất quốc dân của Trung Quốc, Trung Quốc đã “nếm quả đắng” từ bộ máy tuyên truyền nhà nước gây ra, vì tinh thần dân tộc chủ nghĩa hẹp hòi đã phát tác, ban đầu là kháng nghị đối ngoại, sau đó diễn biến thành một trò hề tự người mình hại người mình. Có thể nói, bất kể là sự thất bại của ngoại giao lần này, hay là hành động phá phách cướp bóc, phần lớn đều có thể quy kết là do sự thất bại của chính sách đối nội Trung Quốc.
Tác giả cho rằng một loạt sự kiện kể trên khiến mọi người nhớ đến tranh luận mấy chục năm trước đây giữa hai đảng Quốc-Cộng (Quốc dân đảng và Cộng sản đảng) xung quanh vấn đề “bài ngoại, yên trong”. Ở một chừng mực rất lớn, “bài ngoại” và “yên trong” được ví như gà với trứng gà, ai quan trọng hơn, khó có thể đạt được nhận thức chung. Tuy nhiên, đối với làn sóng chống Nhật lần này, tác giả suy luận: kháng nghị đường phố và tình trạng phá phách, cướp bóc cho thấy “bên trong” của Trung Quốc bất an, nếu trước đó làm tốt “bài ngoại” thì nội bộ có thể an. Nói cách khác, ngòi nổ của hoạt động kháng nghị lần này và sau đó là sự kiện bạo lực đều bắt nguồn từ sự không thoả đáng trong các biện pháp, chính sách đối nội của Trung Quốc. 
Theo các thông tin công khai do giới truyền thông gần đây tiết lộ, sự thất bại ngoại giao lần này của Trung Quốc không chỉ phản ánh rõ nguyện vọng ban đầu của giới hoạch định chính sách liên quan của Trung Quốc chưa thực sự nỗ lực, chưa thể hiện rõ nỗ lực ngoại giao mà quốc dân kỳ vọng, thậm chí các bộ ngành liên quan không dự báo được kết quả xấu nhất có thể xảy ra. Ví dụ, khi Chính phủ Nhật Bản tuyên bố mua đảo Điếu Ngư/Senkaku, cách thức xử lý tuyên truyền đối ngoại của phía Nhà nước Trung Quốc lại không thống nhất, có nhiều động tác tỏ ra bất lực. Hoặc có thể do sự việc liên quan đến nhiều bộ ngành nên khó phối hợp điều hoà, nhưng công chúng không nhận được ý kiến uy tín thống nhất mang tính định hướng từ các bộ ngành chính phủ trong thời gian đầu diễn ra các hoạt động biểu tình. 
Theo tác giả, đảo Điếu Ngư/Senkaku và vùng biển phụ cận của nó bị người Nhật kiểm soát thực tế trong thời gian dài, điều này không thể không khiến Trung Quốc phải suy xét lại tính hiệu quả của nguyên tắc “gác tranh chấp, cùng khai thác”. Vì tình hình hiện thực luôn Trung Quốc đã gác tranh chấp, song nước khác lại đang khai thác và lợi dụng, Trung Quốc chưa kiểm soát thực tế đảo tranh chấp nào, chính vì vậy không thể khai thác được gì. Điều này ít nhiều phản ánh các bộ ngành có liên quan đến yếu tố nước ngoài của Trung Quốc trong thời gian dài có tư duy cứng nhắc. Hành động gần đây của Trung Quốc trong việc thành lập “thành phố Tam Sa” đã nói rõ điểm này, hơn 60 năm thành lập nước, trong suốt thời gian dài không thành lập đơn vị hành chính trên vùng đất mà mình cho là chủ quyền lãnh thổ của mình, cho thấy Chính phủ Trung Quốc thiếu quyết tâm muốn kiểm soát vùng lãnh thổ này. Sự thiếu sót của chính bản thân Trung Quốc mới dẫn đến thế bị động của ngoại giao hiện nay. 
Xem xét tình hình trong nước Nhật Bản, bất luận là Chính phủ Noda đang cầm quyền hiện nay quyết định quốc hữu hoá đảo Điếu Ngư/Senkaku, hay Shinzo Abe có khả năng quay lại chính trường, thì đều là do dân chúng Nhật Bản bầu lên, họ là những người đại diện cho đa số ý dân Nhật Bản. Nói cách khác, trong khi Trung Quốc xem hành động của Nhật Bản là “trò hề” quái gở, nhưng tại Nhật Bản lại nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của dân chúng. Dựa vào lôgíc này, trừ phi dân ý của Nhật Bản phát sinh thay đổi, nếu không những sự kiện khiến Trung Quốc khó chịu như trên sẽ khó có thể chấm dứt trong thời gian trước mắt. 
Tác giả cho rằng về mặt nguyên lý, phạm trù của ngoại giao thuộc lĩnh vực cộng đồng, chính sách ngoại giao là một dạng của chính sách cộng đồng, vì vậy nó cũng cần thể hiện ý nguyện và đòi hỏi của công chúng xã hội. Sứ mệnh của ngoại giao là thúc đẩy công chúng nước nhà hiểu biết chính sách đối ngoại và nâng cao địa vị, vai trò của nước mình trên trường quốc tế. Tại một số nước, ngoại giao là một ngành sôi động và cực kỳ quan trọng, như Bộ Ngoại giao Mỹ. Tại quốc gia dân chủ, công chúng xã hội có thể “chỉ tay năm ngón” hoặc can thiệp đối với chính sách ngoại giao. Ngành ngoại giao đã sớm không còn là một cơ quan thần bí xa rời quần chúng, hoạt động bí mật, mà là một bộ ngành cởi mở liên quan thiết thực với toàn thể công dân. 
Ngoại giao và quốc phòng đều là do tiền nộp thuế của dân nuôi sống, vì thế, họ phục vụ người nộp thuế là đạo lý hiển nhiên, không gì nghi ngờ, trong khi điều này cũng là yêu cầu cơ bản nhất của công chúng đối với lĩnh vực liên quan đến nước ngoài. Người định ra chính sách ngoại giao cung cấp dịch vụ và sản phẩm ngoại giao nên xuất phát từ yêu cầu quốc dân, tương xứng với thực lực tổng thể quốc gia, trong khi nghĩa vụ của quốc phòng nằm ở chỗ bảo đảm cảm giác an ninh và cảm giác về tinh thần của công dân không bị ngoại lai xâm phạm. Hai cảm giác này nếu bất cứ bên nào xuất hiện vấn đề đều sẽ dẫn đến sự bất mãn của dân chúng. Chính sách đối ngoại thành công chí ít còn cần thể hiện ý chí tập thể của công chúng xã hội, thể hiện yêu cầu luân lý như bảo vệ chính nghĩa. 
Trong hiện thực, chúng ta sẽ phát hiện không ít hành động ngoại giao giương cao chiêu bài an ninh quốc gia, “bắt cóc” ý chí người nộp thuế. Ví dụ nổi bật nhất là quan hệ Trung Quốc-Bắc Triều Tiên. Một lượng lớn tiền mồ hôi nước mắt của người nộp thuế bị ném vào một quốc gia như thùng không đáy, trong khi đây là một quốc gia bất cứ khi nào cũng có thể trở mặt với Trung Quốc, như “quả bom hẹn giờ”, vì quốc gia này luôn tách biệt với cộng đồng quốc tế. Trong thời gian dài làm bạn với quốc gia như vậy, “phương thức kết bạn” này không chỉ đã làm tổn hại hình ảnh đất nước Trung Quốc, mà còn sớm dẫn đến sự bất mãn của dân chúng. Năm 2006, sau khi Bắc Triều Tiên tiến hành thử bom hạt nhân, báo chí chính thống Trung Quốc nói Bắc Triều Tiên “ngang ngược” tiến hành thử nghiệm hạt nhân. Cách nói này khiến mọi người không thể liên tưởng đến khẩu hiệu “đối tác tốt, láng giềng tốt, anh em tốt” với nhân dân Trung Quốc. Chí ít, nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên khi đó còn thực sự không coi “anh cả” Trung Quốc là quan trọng, trong khi đó Trung Quốc vẫn lún sâu vào ảo giác quan hệ Trung-Triều “dùng máu đào hun đúc tình hữu nghị”. 
Các nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế đã sớm cảnh báo Trung Quốc hiện nay bị cô lập từ bốn phía, mối đe doạ hiện diện khắp mọi nơi. Nhìn ra các nước xung quanh, cho dù là Nhật Bản hay Philíppin và Việt Nam, đều có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Từ đáy lòng, các nước này không chấp nhận Trung Quốc và càng không thể bái phục Trung Quốc. Giữa các quốc gia vì lợi ích kinh tế mà thúc đẩy họ đến với nhau, kiểu quan hệ nhà nước như vậy phần lớn thuộc mô hình lạnh về chính trị, nóng về kinh tế. Do thể chế chính trị, quan điểm trị quốc, giá trị quan khác nhau, trong thời điểm then chốt, những nước này có phải là bạn của chúng ta? Điều này e rằng sẽ là thách thức lớn mà tương lai ngoại giao Trung Quốc không thể tránh khỏi. 
Tục ngữ nói nước yếu không có ngoại giao, tổng lượng kinh tế của Trung Quốc hiện nay đã đứng thứ hai thế giới, nhưng điểm lại thành quả ngoại giao của Trung Quốc những năm gần đây không chỉ hết sức mờ nhạt, thậm chí trong những hoàn cảnh nào đó còn nguy hiểm hơn 30 năm trước đây, nghiên cứu nguyên nhân, không thể không suy xét lại chính sách ngoại giao. Vấn đề mấu chốt ở đây là ngoại giao rốt cuộc phục vụ ai? Ai là người hoạch định chính sách ngoại giao? Nguyên tắc ngoại giao “giấu mình chờ thời” mấy năm gần đây đã diễn ra tranh luận giữa các giới học thuật trong nước, có học giả thuộc lĩnh vực quan hệ quốc tế cho rằng Trung Quốc hiện nay so với 30 năm trước cần có vai trò lớn hơn trên vũ đài quốc tế. Phê bình khéo léo này có nghĩa người hoạch định chính sách ngoại giao Trung Quốc thực sự tồn tại thiếu sót, không làm tròn nhiệm vụ của mình, thậm chí một bộ phận học giả và công chúng đều có nhận định như vậy. 
Thật ra, bất luận là “giấu mình chờ thời” hay “gác tranh chấp, cùng khai thác”, đều là chuẩn tắc ngoại giao được đưa ra từ nhiều năm trước. Đến nay, sự kỳ vọng của dân chúng Trung Quốc đối với ngoại giao đã không còn như xưa, các giới xã hội bức thiết đòi hỏi một hình ảnh đất nước và địa vị quốc tế tương xứng với một nước lớn như Trung Quốc hiện nay. Nếu người hoạch định chính sách ngoại giao không thể tiến cùng thời đại, vẫn theo đuổi quan điểm “thà không đạt thành tích, cũng không thể xảy ra vấn đề”, như vậy chính sách đối ngoại của Trung Quốc sẽ không thể thoả mãn kỳ vọng của dân chúng, tình huống thất bại ngoại giao vẫn sẽ xảy ra. 
Trong thời điểm 40 năm bình thường hoá quan hệ bang giao Trung-Nhật, quan hệ hai nước ngày càng căng thẳng, mặc dù nói ngoại giao Trung Quốc gặp thất bại, nhưng Bộ Quốc phòng và An ninh cũng khó thoái thác trách nhiệm. Vì nếu Trung Quốc có chính sách thỏa đáng đối với Nhật Bản, nếu quốc phòng thể hiện được sức răn đe đáng tin cậy, thì về cơ bản Nhật Bản sẽ không dám làm liều trước Trung Quốc. Trên quốc tế đã có rất nhiều án lệ có thể giúp các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc học tập. Nhìn Nga xử lý tranh chấp biển đảo với Nhật Bản như thế nào, vấn đề 4 hòn đảo phương Bắc luôn là một cái gai trong quan hệ Nga-Nhật, nhưng từ trước đến nay ngoại trừ kháng nghị ngoại giao, Nhật Bản hầu như không dám áp dụng bất cứ hành động mang tính thực chất nào. So sánh hai nước Trung-Nga, mặc dù tổng lượng kinh tế của Trung Quốc đã sớm vượt Nga mấy lần, nhưng tiếng nói, tác dụng và vai trò của Trung Quốc trên vũ đài quốc tế vẫn khiêm tốn hơn nhiều so với Nga, ngoại giao Trung Quốc hoàn toàn chưa thể hiện được sứ mệnh và tham vọng tương xứng với sức mạnh kinh tế của mình. 
Quay trở lại vấn đề trong nước, trong một số vấn đề cơ bản nhất, Trung Quốc cần lý trí, nếu không cục diện ngoại giao cô lập sẽ không thể giải quyết triệt để, tình hình bất an cả bên trong và bên ngoài sẽ tiếp tục quấy nhiễu Trung Quốc. Một trong các vấn đề là chính sách đối ngoại của Trung Quốc có bao nhiêu phần trăm đại diện cho ý dân? Nhà hoạch định chính sách có lẽ sẽ cho rằng ý dân hiện nay là ấu trĩ, quá khích thậm chí là hẹp hòi, cố tình không cần thu hút sự ủng hộ ý dân. Hiện nay, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã xa rời quần chúng, cách thức làm việc là đóng cửa để định ra chính sách đối ngoại mãi mãi không thể đại diện cho ý dân; mặt khác cho rằng ý dân không đáng tin cậy. Cho dù thế nào, bất cứ chính sách gì, bao gồm việc xây dựng và thực thi chính sách ngoại giao, nếu không lấy ý dân làm cơ sở, sẽ không thể trường tồn. 
Tính đến lực lượng phi chính thức của Trung Quốc ngày càng lớn mạnh, cho dù Chính phủ không có ý cuốn vào tranh chấp lãnh thổ, nhưng Chính phủ cũng nên cho phép, chí ít là không phản đối lực lượng phi chính thức tham gia vào quá trình khai thác và sử dụng các đảo tranh chấp. Điều này mới là sáng suốt, cũng là sự lựa chọn chiến lược thực sự tính toán xuất phát từ lợi ích quốc gia.
Quốc Trung (gt)