Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2012

2. Chân dung thế hệ lãnh đạo "6X" của Trung Quốc


Đến cuối năm 2012, Trung Quốc đã hoàn thành việc thay đổi lãnh đạo 4 cấp: xã, huyện, thành phố và tỉnh. Kết quả cho thấy trên chính trường Trung Quốc hiện nay có 6 vị quan chức thuộc thế hệ 6X trở thành “đại sứ biên cương”.
 
Đại hội 18 sẽ hoàn thành việc chuyển giao quyền lực tối cao ở Trung Quốc. Tại Đại hội 18, Phó Chủ tịch nước đương nhiệm Tập Cận Bình và Phó Thủ tướng Thường trực đương nhiệm Lý Khắc Cường sẽ trở thành nòng cốt ban lãnh đạo khóa mới. Đồng thời, Đại hội 18 cũng là nơi để thế hệ lãnh đạo 6X (sinh sau năm 1960) chính thức ra mắt, hình thành thế hệ lãnh đạo kế cận Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường. 
Vào năm 2011 và 2012, Trung Quốc đã hoàn thành việc thay đổi lãnh đạo 4 cấp: xã, huyện, thành phố và tỉnh. Kết quả cho thấy trên chính trường Trung Quốc hiện nay có 6 vị quan chức thuộc thế hệ 6X trở thành “đại sứ biên cương”. Trong số lãnh đạo thế hệ 6X này có 3 vị là Bí thư Tỉnh ủy, gồm: Bí thư Tỉnh ủy Hồ Nam Chu Cường, Bí thư Đảng ủy Khu Tự trị Nội Mông Hồ Xuân Hoa và Bí thư Tỉnh ủy Cát Lâm Tôn Chính Tài; 3 vị đứng đầu chính quyền cấp tỉnh là Tỉnh trưởng Hà Bắc Trương Khánh Vĩ, Tỉnh trưởng Phúc Kiến Tô Thụ Lâm và Chủ tịch Khu tự trị Tân Cương Nỗ Nhĩ Bạch Khắc Lực. Họ đều là Ủy viên Trung ương đương nhiệm, có học vấn cao và kinh nghiệm công tác tại địa phương, nhiều khả năng trở thành ứng cử viên hàng đầu cho thế hệ lãnh đạo kế cận tương lai, trong đó đáng chú ý nhất là hai nhân vật trưởng thành từ phái Đoàn Thanh niên là Hồ Xuân Hoa và Chu Cường.
Hồ Xuân Hoa sinh năm 1963, có quá trình công tác khá giống với Tổng Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đương nhiệm Hồ Cẩm Đào – từng trấn giữ ở Tây Tạng, từng làm Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn. Sau khi tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh, Hồ Xuân Hoa lựa chọn Tây Tạng làm nơi khởi đầu sự nghiệp. Mười chín năm công tác ở Tây Tạng, Hồ Xuân Hoa đã đi từ một cán bộ phổ thông tới chức Phó Bí thư Thường vụ Khu ủy Tây Tạng và Phó Chủ tịch Thường trực chính quyền Khu tự trị Tây Tạng. Con đường quan lộ của Hồ Xuân Hoa có thể nói là rất thuận lợi và luôn trở thành cán bộ trẻ nhất ở các cấp được bổ nhiệm (29 tuổi làm cán bộ chủ chốt cấp sở, 45 tuổi đã là Tỉnh trưởng Hà Bắc). Sau này, Hồ Xuân Hoa được điều từ Hà Bắc về Nội Mông làm Bí thư Khu ủy. 
Hồ Xuân Hoa có kinh nghiệm công tác ở 3 địa phương là Tây Tạng, Hà Bắc và Nội Mông. Là người dám làm bất cứ việc gì, khi còn là Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn, Hồ Xuân Hoa từng chỉ trích mạnh mẽ một bộ phận cán bộ đoàn sốc nổi, chỉ mải tiếp khách, khoác lác, yêu cầu cán bộ Đoàn nói ít làm nhiều, tránh khoa trương. Trong thời gian Hồ Xuân Hoa làm Tỉnh trưởng Hà Bắc, địa phương này để xảy ra sự kiện sữa Tam Lộc nhiễm độc. Khi đó, Hồ Xuân Hoa lại lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ một số quan chức “lúc chưa xảy ra vấn đề thì mất cảnh giác, lúc xảy ra chuyện rồi thì bỏ mặc”, nói rằng nếu các quan chức không làm được việc thì không nên níu giữ chức vụ, nếu đã xảy ra sự cố an toàn thực phẩm lớn, sẽ nghiêm trị theo pháp luật những lãnh đạo chủ chốt và nhân viên liên quan. 
Đến Khu tự trị Nội Mông, Hồ Xuân Hoa tiếp tục làm quan trường nóng lên khi chỉ trích về sự giả dối trong số liệu tài chính, mù quáng theo đuổi bệnh thành tích GDP. Đi lên từ cơ sở ở Tây Tạng, từng được điều về Trung ương giữ cương vị Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn, con đường thăng tiến của Hồ Xuân Hoa rất giống với Hồ Cẩm Đào. Tiền đồ của nhân vật này vì thế được nhìn nhận là rất tốt. 
Chu Cường sinh năm 1960, tốt nghiệp Đại học Chính trị Pháp luật Tây Nam, từng phục vụ trong ngành tư pháp nhiều năm và làm tới chức Trưởng Ty Pháp chế trước khi được điều về Trung ương Đoàn công tác. Năm 1998, Chu Cường trở thành Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn, thay Lý Khắc Cường. Tám năm sau, Chu Cường chuyển về Hồ Nam làm quyền Tỉnh trưởng. Chẳng bao lâu sau vụ án tham nhũng đặc biệt lớn được phát hiện làm 158 quan chức thành phố Sâm Châu, trong đó có cả Thị trưởng và Bí thư mất chức. Ngay trong lần xuất hiện đầu tiên, Chu Cường đã cam kết làm người thanh bạch, làm việc trong sạch. Trong thời điểm then chốt, Chu Cường đã tỏ rõ quyết tâm quản trị theo pháp luật. 
Ban đầu khi nói về tân Tỉnh trưởng, người Hồ Nam không ít hoài nghi vì không biết Chu Cường về Hồ Nam mang theo cái gì, cũng không ai biết Chu Cường ở lại Hồ Nam bao lâu. Sau này, khi Chu Cường khẳng định được mình qua các thành tích đạt được, họ thấy Chu Cường là người làm được việc, nắm kinh tế chắc và có tinh thần cầu tiến. Năm 2010, khi tiếp nhận chức Bí thư Tỉnh ủy Hồ Nam , Chu Cường yêu cầu quan chức các cấp, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo phải làm được “ba ít, ba nhiều”, đó là “tiếp khách ít, học tập nhiều, hội họp ít, làm việc nhiều, tổ chức diễn đàn ít, làm việc thực tế nhiều”. Chu Cường cũng yêu cầu cán bộ lãnh đạo không được can thiệp các vụ án để bảo đảm ngành tư pháp xử lý theo đúng pháp luật, bảo đảm sự công bằng chính trực của tư pháp. 
Tôn Chính Tài sinh năm 1963 ở Sơn Đông, trước khi làm chính trị, công tác trong ngành nông lâm. Năm 1997, Tôn Chính Tài tới huyện Thuận Nghĩa, thành phố Bắc Kinh nhận công tác. Thuận Nghĩa có nền tảng nông nghiệp tốt đã mang đến cho Tôn Chính Tài cơ hội phát huy sở trường của mình. Nhưng không lâu sau khi Tôn Chính Tài trở thành huyện trưởng, Thuận Nghĩa được nâng cấp thành quận. Trăm công nghìn việc xuất hiện khiến Tôn Chính Tài như người làm trong phòng thí nghiệm, cái gì cũng phải sắp xếp gọn gàng. 
Nhờ làm việc hiệu quả cao và có thành quả rõ rệt, Tôn Chính Tài được đặt biệt danh là “Tôn Có Tài”, từ phó Bí thư Huyện ủy, Huyện phó, thành Huyện trưởng, phó Bí thư Quân ủy, Quận trưởng, Bí thư Quận ủy và tiếp đó là Ủy viên Thường vụ Thành ủy, Tổng Thư ký Thành ủy Bắc Kinh. Tháng 12/2006, Tôn Chính Tài được cấp trên đưa vào tầm ngắm, điều lên Trung ương làm Bộ trưởng Nông nghiệp, trở về với đúng chuyên ngành. Khi đó, Tôn Chính Tài là Bộ trưởng trẻ nhất trong Chính phủ Trung Quốc. Năm 2009, Tôn Chính Tài một lần nữa về cơ sở, đảm nhiệm chức Bí thư Tỉnh ủy Cát Lâm. Có cả kinh nghiệm lãnh đạo ở Trung ương lẫn địa phương, Tôn Chính Tài trở thành ngôi sao trong đội ngũ kế cận tương lai. 
Trương Khánh Vĩ sinh năm 1961, có thời gian dài làm việc trong ngành hàng không vũ trụ, từng đảm nhiệm chức Tổng Giám đốc Công ty Tập đoàn Khoa học Kĩ thuật Hàng không Vũ trụ Trung Quốc. Năm 2007, Trương Khánh Vĩ đảm nhiệm chức quyền Chủ nhiệm Ủy ban Công nghiệp Khoa học Kĩ thuật Quốc phòng một thời gian ngắn trước khi chuyển sang làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Máy bay Thương mại Trung Quốc. Cuối năm 2011, Trương Khánh Vũ được điều đi nhậm chức ở tỉnh Hà Bắc. 
Trong những năm công tác ở ngành hàng không vũ trụ, Trương Khánh Vĩ đã trải qua toàn bộ quá trình trỗi dậy của ngành hàng không vũ trụ Trung Quốc từ việc phóng vệ tinh thương mại bằng tên lửa Trường Chinh tới việc đưa tàu vũ trụ Thần Châu vào không gian. Trương Khánh Vĩ được nhìn nhận là người dám quyết định vào thời khắc then chốt và thực tế chứng minh quyết định của Trương Khánh Vĩ đều đúng đắn, khiến quan chức trẻ tuổi này có uy tín rất cao trong lĩnh vực hàng không vũ trụ. 
Sau khi rời ngành hàng không vũ trụ, Trương Khánh Vĩ lại gánh vác trọng trách trong lĩnh vực chế tạo máy bay cỡ lớn. Tiến trình nghiên cứu chế tạo máy bay cỡ lớn C919 dưới sự lãnh đạo của Trương Khánh Vĩ diễn ra thuận lợi. Sau khi đặt nền tảng thị trường ban đầu cho việc phát triển máy bay cỡ lớn, Trương Khánh Vĩ lại chuyển sang “đường băng” khác, đầu năm 2012 được bầu làm Tỉnh trưởng tỉnh Hà Bắc, trở thành quan chức chủ chốt ở địa phương. Đối với một người xuất thân từ ngành công nghệ như Trương Khánh Vĩ, con đường quan lộ đã chính thức mở ra. 
Tô Thụ Lâm sinh năm 1962, trước khi làm Tỉnh trưởng tỉnh Phúc Kiến có thời gian dài công tác trong ngành dầu khí, từng kinh qua các chức vụ như Cục trưởng Cục Quản lý mỏ dầu Đại Khánh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dầu khí Trung Quốc, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Hóa dầu Trung Quốc. Sau khi rời ngành dầu khí, Tô Thụ Lâm có một thời gian ngắn làm Ủy viên Thường vụ kiêm Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Liêu Ninh. Tháng 4/2011, Tô Thụ Lâm được thăng chức làm quyền Tỉnh trưởng tỉnh Phúc Kiến, 3 tháng sau thì được bầu làm Tỉnh trưởng, chính thức mở ra con đường hoạn lộ ở địa phương, 
Nỗ Nhĩ Bạch Khắc Lực sinh năm 1961, là người dân tộc thiểu số duy nhất đứng trong đội ngũ kế cận. Nỗ Nhĩ Bạch Khắc Lực học chuyên ngành lý luận chính trị ở Đại học Tân Cương, từ trẻ đã sớm xác định phát triển sự nghiệp chính trị. Năm 1986, Nỗ Nhĩ Bạch Khắc Lực làm Bí thư Đoàn và Trưởng Ban Tuyên truyền Đại học Tân Cương. Hai năm sau, Nỗ Nhĩ Bạch Khắc Lực trở thành Thị trưởng Ô Lỗ Mộc Đề, thủ phủ của Tân Cương. Tại đây, Nỗ Nhĩ Bạch Khắc Lực ra sức phát triển việc xanh hóa đồi trọc, xử lý ngành nghề ô nhiễm và được vinh danh là “Thị trưởng Bảo vệ môi trường”. Nhờ những thành tích nổi bật đạt được ở Ô Lỗ Mộc Đề và Khách Thập, Nỗ Nhĩ Bạch Khắc Lực trở thành lãnh đạo dân tộc thiểu số trọng điểm được trung ương bồi dưỡng.
Theo Tin tức Thế giới (Trung Quốc)
Văn Cường (gt)