Bất
ổn rất lớn sẽ xảy ra không những ở cấp độ khu vực mà còn tác động đến
toàn cầu nếu như chủ nghĩa dân tộc mang tính phòng ngự ở Trung Quốc và
Nhật Bản hiện nay chuyển sang trạng thái chủ nghĩa dân tộc tấn công. Liệu có kịch bản nào tốt đẹp cho tương lai quan hệ Trung-Nhật?
Việc chính phủ
Nhật Bản quốc hữu hoá quần đảo Điếu Ngư/Senkaku đang tồn tại tranh chấp
chủ quyền, đã dẫn đến làn sóng biểu tình chống Nhật với quy mô lớn tại
Trung Quốc. Đồng thời, tại Nhật Bản cũng diễn ra các cuộc biểu tình
chống Trung Quốc nhưng với quy mô nhỏ hơn. Trung-Nhật bùng phát chủ
nghĩa dân tộc, khiến mọi người cảm thấy lo ngại sâu sắc về tình hình an
ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Quan hệ Trung-Nhật sẽ đi về đâu?
Hoà bình hay chiến tranh? Trong quan hệ giữa các quốc gia châu Á, quan
hệ Trung-Nhật có thể nói là nhân tố quyết định hoà bình và an ninh tại
khu vực này. Theo tác giả, có một số nguyên nhân chủ yếu sau:
Thứ nhất,
hai nước Trung-Nhật lần lượt là nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế
giới, nền kinh tế hai nước không chỉ có tính phụ thuộc lẫn nhau, mà nền
kinh tế của mỗi nước cũng có tính phụ thuộc cao độ với các nền kinh tế
khác. Vì vậy, khi chủ nghĩa dân tộc hai nước Trung-Nhật xảy ra xung đột,
tất yếu sẽ tác động đến kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thậm
chí ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu.
Thứ hai, sự
tồn tại của liên minh Mỹ-Nhật cho thấy xung đột chủ nghĩa dân tộc
Trung-Nhật tất yếu ảnh hưởng đến quan hệ Trung-Mỹ, trong đó quan hệ
Trung-Mỹ lại là nhân tố mang tính kết cấu của thế giới hiện nay, có thể
cấu thành ảnh hưởng mang tính thực chất đối với toàn bộ công việc thế
giới. Mỹ luôn coi liên minh Mỹ-Nhật là trụ cột trong việc duy trì địa vị
bá quyền của mình tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Khi chủ nghĩa dân
tộc Trung-Nhật xảy ra xung đột, bất kể nhìn từ góc độ nào, Mỹ rất khó
đặt mình ở ngoài cuộc xung đột này. Can dự hay không can dự đều là quyết
định khó khăn đối với Mỹ. Không can dự đồng nghĩa với việc Mỹ vứt bỏ
liên minh Mỹ-Nhật, lòng tin và danh dự của Mỹ tại Nhật Bản sẽ mất hết,
không những thế lòng tin và danh dự của Mỹ tại khu vực châu Á cũng vì
thế mà không còn. Nếu can dự, điều này có nghĩa sẽ bị cuốn vào cuộc xung
đột giữa hai nước lớn hạt nhân.
Sự
phụ thuộc cao độ về kinh tế giữa hai nước Trung-Mỹ, đã hình thành nên
cách nói “nước Trung-Mỹ” mà một số học giả Mỹ từng nêu ra, hai nước có
thể trở thành “chủ nghĩa khủng bố” tài chính đối với nhau. Khi Trung-Mỹ
xảy ra xung đột, kết quả sẽ không giống như Mỹ và Liên Xô của thời kỳ
Chiến tranh Lạnh, mà sẽ giống như xung đột giữa Athena và Sparta của
thời kỳ Hy Lạp cổ đại. Đối kháng Mỹ-Xô cuối cùng dẫn đến Liên Xô tan rã,
nhưng khi Trung-Mỹ đối kháng, nhiều khả năng sẽ dẫn đến cả hai đều tổn
thương.
Về
điểm này Mỹ rất rõ. Vì thế, cho dù từ góc độ địa chính trị, Mỹ hài lòng
nhìn thấy quan hệ căng thẳng nhất định Trung-Nhật, nhưng nếu Mỹ cảm
thấy xung đột giữa Trung-Nhật có khả năng xấu đi nghiêm trọng, lập tức
Mỹ trở nên căng thẳng. Thái độ mâu thuẫn này của Mỹ, gần đây đã được bộc
lộ rõ. Một mặt, Mỹ thể hiện với Nhật Bản, liên minh Mỹ-Nhật có thể sử
dụng thích hợp đối với đảo Điếu Ngư/Senkaku; mặt khác Mỹ cũng kêu gọi
Trung Quốc và Nhật Bản không nên sử dụng vũ lực giải quyết vấn đề. Một
bên là “nước Trung-Mỹ” về mặt kinh tế, một bên là “liên minh Mỹ-Nhật” về
mặt quân sự, chiến lược, Mỹ muốn giữ được sự cân bằng giữa hai mặt này,
là một việc làm rất khó khăn. Nhưng khi mất cân bằng, không chỉ dẫn đến
xung đột giữa hai nước Trung-Nhật, mà còn dẫn đến xung đột giữa hai
nước Trung-Mỹ. Song, hành vi của Mỹ những năm gần đây khiến mọi người
ngày càng hoài nghi về năng lực Mỹ có thể làm được sự cân bằng này.
Thứ ba, so
sánh chủ nghĩa dân tộc giữa Trung Quốc với các quốc gia châu Á khác, chủ
nghĩa dân tộc Trung-Nhật có tính đặc thù. Chủ nghĩa dân tộc giữa Trung
Quốc, Việt Nam và Philíppin có thể được coi là chủ nghĩa dân tộc thông
thường, cốt lõi của chủ nghĩa dân tộc là tranh chấp cụ thể về lãnh thổ
và biển đảo. Có thể nói, nội dung chủ yếu của chủ nghĩa dân tộc này là
“lợi ích quốc gia” về mặt ý nghĩa vật chất. Tranh chấp và xung đột giữa
“lợi ích quốc gia” của hình thái này, thường có thể quản lý. Nhưng chủ
nghĩa dân tộc của Trung Quốc nhằm vào Nhật Bản lại có tính đặc thù.
Từ
thời cận đại đến nay, chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc vốn bắt nguồn từ
Nhật Bản, cũng là vì nhân tố Nhật Bản cắm rễ, phát triển và lớn mạnh
tại Trung Quốc. Từ Chiến tranh Giáp Ngọ đến Chiến tranh Thế giới thứ
Hai, Nhật Bản đem đến chiến tranh và tai hoạ to lớn cho nhân dân Trung
Quốc, trong một giai đoạn lịch sử dài như vậy, đã thay đổi triệt để quan
niệm chủ nghĩa dân tộc của người Trung Quốc. Nỗi nhục dân tộc và quốc
gia của người Trung Quốc có liên quan trực tiếp với Nhật Bản. Nói như
vậy, chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc đối với Nhật Bản, trên cơ sở lợi
ích quốc gia cụ thể, đã làm tăng thêm nhân tố tình cảm mãnh liệt. Nhân
tố tình cảm mãnh liệt này khiến cho chủ nghĩa dân tộc khó có thể kiểm
soát và quản lý. Có thể dễ dàng nhận thấy tính tình cảm thậm chí tính
bạo lực được thể hiện ra trong phong trào biểu tình chống Nhật lần
này,.
Những
nhân tố này cho thấy hai nước Trung-Nhật làm thế nào để đối phó một
cách lý trí với chủ nghĩa dân tộc của mỗi nước, điều có ý nghĩa quyết
định đến an ninh của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Nhìn từ quan điểm
của chủ nghĩa lý trí, bất cứ vấn đề nào xuất hiện đều có nguyên nhân của
nó. Chỉ cần có nguyên nhân, mọi người thường có thể tìm thấy phương
pháp kiểm soát, quản lý thậm chí cuối cùng giải quyết được vấn đề. Chủ
nghĩa dân tộc Trung-Nhật cũng như vậy. Muốn kiểm soát và quản lý chủ
nghĩa dân tộc, đầu tiên cần phải hiểu con đường chúng sinh ra và phát
triển. Nhìn từ góc độ lịch sử, bất cứ chủ nghĩa dân tộc nào hoàn toàn
không phải là vừa sinh ra đã có tính tấn công và tính xâm lược. Chủ
nghĩa dân tộc cuối cùng trở thành căn nguyên của xung đột và chiến tranh
giữa các quốc gia, là do con người sau này tạo nên, tức lực lượng chính
trị coi chủ nghĩa dân tộc là một dạng sức mạnh để huy động và sử dụng
vào quan hệ quốc tế. Về mặt ý nghĩa này, chủ nghĩa dân tộc của hai nước
Trung-Nhật, nếu phát triển theo hướng không được kiểm soát, đều có tính
nguy hiểm tiềm tàng dẫn đến xung đột hai nước. Đầu tiên, đối với chủ
nghĩa dân tộc Trung Quốc, tính đến nay, biểu hiện đặc trưng chủ yếu của
nó là mang tính phản ứng và tính phòng ngự, khác với chủ nghĩa dân tộc
của Đức, Nhật Bản trước Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Cho dù hoạt động
biểu tình dân tộc chủ nghĩa của Trung Quốc lần này có tính bạo lực, cũng
là phản ứng đối với hành động quốc hữu hoá đảo Điếu Ngư/Senkaku của
Chính phủ Nhật Bản. Nhưng điều này hoàn toàn không có nghĩa, tính chất
của chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc sẽ không thay đổi. Nếu điều kiện bên
ngoài tiếp tục xấu đi, chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc cũng có thể diễn
biến thành chủ nghĩa dân tộc của Đức và Nhật Bản trước đây.
Chủ
nghĩa dân tộc của Đức và Nhật Bản tại giai đoạn đầu tiên, cũng là mang
tính phản ứng và phòng ngự, nhưng vì sao cuối cùng lại diễn biến thành
chủ nghĩa dân tộc mang tính tấn công cao độ? Chủ nghĩa dân tộc mang tính
tấn công vừa là kết quả của nhân tố chính trị nội bộ của Đức, Nhật Bản
lúc đó thúc đẩy, đồng thời cũng là kết quả của sự tác động lẫn nhau giữa
Đức, Nhật Bản và các quốc gia khác trong điều kiện quốc tế lúc đó. Một
tính chất đặc biệt của chủ nghĩa dân tộc quốc gia là kết quả tác động
lẫn nhau giữa quốc gia này với các quốc gia liên quan khác. Cũng có thể
nói, chủ nghĩa dân tộc mang tính phản ứng và phòng ngự của Trung Quốc
ngày nay, trong quá trình tác động lẫn nhau với chủ nghĩa dân tộc của
các nước khác, cũng có thể trong tương lai, diễn biến thành một chủ
nghĩa dân tộc mang tính tấn công. Hiện tại, chủ nghĩa dân tộc của Trung
Quốc ngày càng thể hiện tính tự phát của mình. Chủ nghĩa dân tộc đã diễn
biến thành một sự tồn tại khách quan tại Trung Quốc. Một mặt, Chính phủ
thực sự có thể lợi dụng chủ nghĩa dân tộc, để chứng minh tính hợp lý,
hợp pháp của một số chính sách đối nội, đối ngoại của mình. Song tính
đến nay, Chính phủ Trung Quốc hết sức tiết chế. Từ trung ương cho đến
địa phương, chưa có một nhân vật chính trị nào có thể trắng trợn động
viên chủ nghĩa dân tộc, phải dùng đến chủ nghĩa dân tộc để đạt được mục
tiêu chính trị đặc biệt. Ngược lại, Chính phủ Trung Quốc luôn quản lý và
kiểm soát đối với chủ nghĩa dân tộc. Mặt khác, trong phương diện quản
lý và kiểm soát chủ nghĩa dân tộc, Chính phủ Trung Quốc đối mặt với các
thách thức ngày càng lớn. Chính phủ Trung Quốc thường gặp phải sự chỉ
trích thậm chí là đả kích mạnh mẽ của những người theo chủ nghĩa dân tộc
Trung Quốc trong và ngoài nước. Một số quan chức chính phủ, nhất là
quan chức trong hệ thống ngoại giao, bị dân chúng coi là “Hán gian” và
“kẻ bán nước”. Đồng thời, chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc không những ngày
càng thể hiện tình cảm quyết liệt, khiến cho nó có thể sinh ra tính phá
hoại to lớn, mà còn làm tăng thêm áp lực đối với Chính phủ.
Vấn
đề cũng hết sức quan trọng là- chúng ta cần có nhận thức đầy đủ về sự
thay đổi của tính chất chủ nghĩa dân tộc Nhật Bản. Vì Nhật Bản là quốc
gia dân chủ, trong thời gian dài đến nay, chúng ta không có nhận thức
đầy đủ về mối nguy hiểm tiềm tàng đối với chủ nghĩa dân tộc Nhật Bản.
Bất luận là Mỹ, phương Tây hay các quốc gia châu Á khác đều có thái độ
“hiểu” đối với chủ nghĩa dân tộc Nhật Bản, luôn cho rằng Nhật Bản là
quốc gia “hoà bình”. Có hai lý do: một là Hiến pháp hoà bình của Nhật
Bản, hai là sự thay đổi xã hội của Nhật Bản (như dân chủ, xã hội tiêu
dùng, sinh ít con, dân số lão hoá…). Ngay tại Trung Quốc, những người có
cách nhìn như vậy cũng không ít. Nhưng tình hình trên thực tế thì như
thế nào?
Nhiều
năm trở lại đây, chủ nghĩa dân tộc cực hữu của Nhật Bản luôn phát
triển. Đồng thời, số phần tử chính trị ưu tú cũng đang động viên sức
mạnh của chủ nghĩa dân tộc. Giống với rất nhiều quốc gia phát triển
khác, dân chủ đại chúng của Nhật Bản ngày càng khó tạo ra một Chính phủ
có sức mạnh. Vì nhu cầu chính trị, các nhân vật chính trị luôn mượn cớ
dân chủ, dùng phương thức chính trị chủ nghĩa dân tuý, huy động tài
nguyên chủ nghĩa dân tộc đang tồn tại trong xã hội. Kết quả, vật hy sinh
luôn là quan hệ giữa Nhật Bản và các quốc gia khác, nhất là quan hệ với
nước láng giềng Trung Quốc và Hàn Quốc. Hiện tượng này được thể hiện rõ
nhất trong thời gian Junichiro Koizumi cầm quyền.
Xu
thế thông thường của Chính phủ Nhật Bản hiện nay là, bất luận là đảng
cầm quyền hay đảng đối lập, bất luận là nhân vật chính trị trung ương
hay là nhân vật chính trị địa phương, bất luận là Chính phủ hay xã hội,
đều có động lực rất lớn phải dùng đến chủ nghĩa dân tộc. Các nhân vật
như Junichiro Koizumi (cựu Thủ tướng), Ishihara (Thị trưởng thành phố
Tôkyô), Hashimoto (Thị trưởng Osaka), sở dĩ trở thành minh tinh chính
trị của Nhật Bản, một trong những nguyên nhân rất quan trọng chính là họ
giỏi động viên sức mạnh dân tộc chủ nghĩa. Có thể tưởng tượng, cùng với
việc Chính phủ Nhật Bản tiếp tục suy yếu và sự nổi lên của những thành
phần ưu tú chính trị dân tộc chủ nghĩa, xu thế phát triển của chủ nghĩa
dân tộc Nhật Bản sẽ như thế nào trong khi sự phát triển mạnh mẽ của chủ
nghĩa dân tộc Nhật Bản lại tất yếu sẽ làm chuyển hướng và kích động chủ
nghĩa dân tộc của Trung Quốc. Rất rõ ràng, đúng như mọi người đã cảm
nhận thấy, trong quan hệ Trung-Nhật, sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc ngày
càng thể hiện năng lượng to lớn. Trong đại xu thế như vậy, quan hệ
Trung-Nhật sẽ đi về đâu? Tương lai quan hệ Trung-Nhật sẽ như thế nào?
Mọi người có thể liên tưởng đến một số tình hình sau đây có thể trở
thành hiện thực.
Thứ nhất,
chính phủ hai nước Trung-Nhật quay trở lại lý trí, đồng thời mỗi bên tự
có khả năng quản lý hữu hiệu chủ nghĩa dân tộc nước mình. Trong tình
hình này, mặc dù chủ nghĩa dân tộc cực hữu của hai nước đôi khi sẽ bùng
phát khiến hai nước thường xuyên tranh cãi, nhưng không đến mức xảy ra
xung đột và chiến tranh. Về phương diện này, không cần nghi ngờ năng lực
của Chính phủ Trung Quốc, nhưng Chính phủ Nhật Bản sẽ phải đối mặt với
hoàn cảnh khó khăn rất lớn. Hiện nay, trong kết cấu dân chủ đại chúng,
Nhật Bản rất khó xuất hiện một Chính phủ có sức mạnh và hiệu quả. Không
chỉ có vậy, các phần tử ưu tú chính trị của Nhật Bản vì quyền lực, không
chỉ không kiềm chế chủ nghĩa dân tộc, ngược lại phải dùng đến chủ nghĩa
dân tộc.
Thứ hai, trạng
thái lý tưởng nhất là Chính phủ hai nước có thể có quyền “tự chủ” tương
đối (Chính phủ không chịu ảnh hưởng quá mức bởi chủ nghĩa dân tộc cực
hữu), đạt được nhận thức chung “gác tranh chấp, cùng khai thác”, đồng
thời có thể chuyển hoá nhận thức này thành chính sách cụ thể, từ đó thực
hiện biến Đông Hải (biển Hoa Đông) thành vùng biển “hữu nghị” như cựu
Thủ tướng Nhật Bản Hatoyama từng nói. Nhưng xét trong bối cảnh hiện nay,
tình hình này là ý tưởng xa vời không thể đạt được. Đứng trước chủ
nghĩa dân tộc của hai nước đều mạnh mẽ, tính “tự chủ” của Chính phủ, nói
thì dễ làm thì khó.
Thứ ba, quan
hệ Trung-Nhật tồn tại bên cạnh chủ nghĩa dân tộc tiếp tục lớn mạnh và
không ngừng xấu đi. Nhìn từ lịch sử, lôgíc của chủ nghĩa dân tộc là khi
sức mạnh trỗi dậy và lớn mạnh đến một trình độ nhất định, tất yếu có lực
lượng chính trị thông qua sử dụng chủ nghĩa dân tộc để nắm chính quyền
đất nước. Nếu như vậy, có nghĩa hai nước đều có thể bị thế lực cực đoan
gây sức ép, cuối cùng khiến xung đột và chiến tranh trở nên không thể
tránh khỏi. Song, chiến tranh cũng không giải quyết được vấn đề. Chiến
tranh có thể giải quyết, nhiều nhất cũng chỉ là vấn đề ai chiếm lĩnh
thực tế đảo Điếu Ngư/Senkaku. Nhưng cho dù như vậy, bên nào thua trận
cũng sẽ không thừa nhận bên kia. Như vậy, chiến tranh chỉ có thể để lại
hận thù cho thế hệ tiếp theo mà thôi.
Tình hình thứ tư
chính là hai nước Trung-Nhật quay trở lại trạng thái truyền thống “cô
lập” tương đối. Hai nước Trung-Nhật sống chung với nhau hàng nghìn năm,
nhưng về mặt chiến lược đa số thời gian hai nước đều ở trong trạng thái
“cô lập” tương đối với nhau. Trạng thái cô lập tương đối này, hoàn toàn
không gây trở ngại cho giao lưu trên nhiều phương diện như thương mại,
văn hoá. Nhưng khi hai nước có ý muốn tiến hành trao đổi trên bình diện
chiến lược, hoặc nói quan hệ chính trị hai nước quá gần, hai bên sẽ
không có cuộc sống “hạnh phúc”. Mặc dù hai nước đều biết khái niệm “một
núi không thể có hai hổ”, nhưng hai nước lại có thể nằm ở hai “đầu núi”,
đều có đủ năng lực bảo vệ mình. Để tránh xung đột và chiến tranh quy mô
lớn, trở về trạng thái truyền thống “cô lập” tương đối này cũng là một
sự lựa chọn lý trí. Giống như trong quá khứ, trong trạng thái “cô lập
tương đối”, cũng có thể phát triển giao lưu nhân dân mang tính thực
chất, nhất là về lĩnh vực văn hoá và thương mại.
Trịnh
Vĩnh Niên-Viện trưởng Viện Đông Á, Trường đại học Quốc lập Xinhgapo,
đồng chủ biên “Tạp chí nghiên cứu Trung Quốc quốc tế”
Theo China Review News
Văn Cường (gt)