BBT: Khoa Quốc tế học xin giới thiệu bài của Ông
Dương Trung Quốc phát biểu trong hội thảo "Engaging with Vietnam: An
interdisciplinary dialogue" ngày 4-5 tháng 12 năm 2011, đã được chỉnh
sửa và đăng trong báo điện tử Lao động cuối tuần.
Ông Dương Trung Quốc trình bày tại hội thảo. (Nguồn ảnh: Thành Long/USSH)
Mới rồi, cuộc hội thảo khoa học quốc tế nghiên cứu về Việt Nam
lần thứ III, một tiếp xúc khoa học truyền thống giữa các nhà nghiên cứu
về Việt Nam đến từ nhiều nước trên thế giới do hai trường đại học của
Việt Nam (Khoa học Xã hội & Nhân văn Hà Nội) và Australia (Monash)
chủ trì được tổ chức tại Hà Nội.
Được mời tới làm khách thuyết trình chủ đề “Giao lưu Đông - Tây với
vai trò người trí thức” như lời giáo đầu cho cuộc trao đổi, lại thấy
ngồi dưới có nhiều chuyên gia hàng chót vót như GS Carlyle Thayer (Học
viện Quốc phòng Australia) hay TS Charles Morisson (Giám đốc Trung tâm
Đông - Tây, Hoa Kỳ) v.v... tự hỏi sẽ nói gì về một vấn đề lớn của thời
đại trong vòng có ba mươi phút.
Một trong những chủ đề của cuộc trao đổi này đề cập tới vai trò của
tầng lớp trí thức địa phương có mối liên hệ như thế nào với cuộc tiếp
xúc Đông - Tây, tập trung ở Châu Á trong bối cảnh toàn cầu hoá... Vì thế
nên không thể không đề cập tới những nét riêng của trí thức Việt Nam
được hình thành trong hoàn cảnh lịch sử như thế nào xuyên suốt trong
lịch sử, về căn bản được chia ra làm hai giai đoạn: trong “Thế giới
Trung Hoa” kéo dài hơn hai thiên niên kỷ và trong tiếp xúc với thế giới
phương Tây trong đó có nước Pháp thời thực dân và phần còn lại của thế
giới thực sự mới cách nay vài thế kỷ. Điều cần nhấn mạnh là với dân tộc
Việt Nam, muốn nói đến giao lưu Đông - Tây thì không bao giờ được quên
và tách nó ta khỏi quan hệ Nam - Bắc, không chỉ trong quá khứ, hiện tại
và cả tương lai. Xin lược lại những gì đã nói để chia sẻ với bạn đọc
cuối tuần.
Bàn đến quan hệ giao lưu Đông - Tây và vai trò người trí thức ngày nay
trong cuộc giao lưu ấy, trước tiên không thể không nói đến quan hệ “Nam
-Bắc”.
Quan hệ Nam -Bắc, diễn đạt cho cụ thể hơn là quan hệ giữa Việt Nam và
Trung Hoa. Nước Việt Nam về lãnh thổ và tên gọi (quốc danh) trong lịch
sử có nhiều lần thay đổi, nhưng về địa lý, luôn nằm ở phía Nam trong
tương quan với Trung Hoa. Lãnh thổ và tên gọi nước Trung Hoa cũng vậy và
nó luôn nằm ở phía Bắc nước Việt Nam.
Vì hoàn cảnh địa lý, núi liền núi, sông liền sông, chung một con đường
biên giới trên đất liền và cùng có bờ biển hướng ra Thái Bình Dương về
phía đông mà giữa hai quốc gia đã từng có cả những chung đụng và xung
đột trong lịch sử hàng ngàn năm. Đó là một câu chuyện dài....
Chỉ có thể nói rằng, Việt Nam vốn nằm trong không gian của một cộng
đồng rất to lớn của các tộc Việt sinh sống ở phía nam sông Dương Tử gọi
chung là Bách Việt, gắn với nền văn minh lúa nước và đã đạt tới một
trình độ văn minh khá cao, mà với những tộc Việt là tổ tiên trực tiếp
của dân tộc Việt Nam ngày nay, đó là nền Văn hoá Đông Sơn với biểu tượng
là những chiếc trống đồng tinh tế, gắn với huyền thoại về thời kỳ dựng
nước của dân tộc Việt Nam, tương ứng với một giai đoạn lịch sử cách nay
chừng hơn hai thiên niên kỷ rưỡi.
Nhưng rồi với sức bành trướng của người Hán từ phía trên sông Dương Tử
tràn xuống phương Nam, hầu hết các tộc trong Bách Việt, kể cả lãnh thổ
của các Vua Hùng và những triều đại kế tiếp đều bị thôn tính vào trong
đế chế rộng lớn từ phương Bắc tràn xuống này. Nền cai trị kéo dài hơn
một thiên niên kỷ với một chính sách đồng hoá khắc nghiệt và triệt để
đến mức, cho đến ngày hôm nay người Việt Nam hiện đại vẫn đứng trước câu
hỏi: liệu trước khi bị người Hán đô hộ, người Việt đã có chữ viết của
mình chưa? Và những tầng lớp tinh hoa của cộng đồng là ai ngoài những ý
niệm về các thủ lĩnh quân sự?
Với một ngàn năm Bắc thuộc, sự có mặt của ngưòi Hán vừa là kẻ cai trị,
vừa là người đến định cư và hoà trộn thành phần dân cư với người Việt
bản địa đã tạo ra một cộng đồng dân cư mà hạt nhân là người Kinh, một
thành phần đa số và có vị thế ngày càng quan trọng trong quá trình phát
triển của dân tộc Việt Nam. Văn minh phương Bắc ban đầu là sự áp đặt
thuần tuý của kẻ đến từ bên ngoài và thống trị. Nhưng với hơn một ngàn
năm, những nhân tố tích cực ưu trội của nền văn minh này được du nhập và
được tiếp nhận. Tổ tiên chúng ta một mặt không ngừng tìm cơ hội để
thoát ra khỏi ách thống trị của đế chế phương Bắc về phương diện chính
trị (mà những tên tuổi của Hai Bà Trưng, Bà Triệu v.v... là biểu tượng),
nhưng cũng chấp nhận nhiều giá trị có nguồn gốc từ phương Bắc. Việc sử
dụng chữ Hán như một ngôn ngữ viết chính thức là một bằng chứng. Nguời
Việt sẵn lòng tôn vinh viên quan cai trị nhà Hán Sĩ Nhiếp là “Nam Giao
học tổ” lập đền thờ phụng; các nhân vật cai trị khác như Tích Quang,
Nhâm Diên cũng được tôn trọng tương tự...
Trên phương diện văn hoá, người Việt tiếp nhận những giá trị văn hoá
phương Bắc để làm phong phú cho chính mình nhưng không chấp nhận bị đồng
hoá. Do vậy, trong khi chấp nhận Hán tự làm chữ viết thì vẫn nói tiếng
nói riêng của mình. Đã có những nỗ lực của các nhà trí thức Việt Nam
sáng tạo ra “chữ Nôm” trên cơ sở sử dụng các bộ nét trong chữ Hán tượng
hình để định dạng ghi lại tiếng nói của mình. Chữ Nôm đã phát triển một
cách mạnh mẽ tuy chưa đạt tới sự hoàn thiện nhưng là một biểu hiện của
bản lĩnh và năng lực bảo tồn và sáng tạo văn hoá riêng của người Việt
Nam trong hoàn cảnh sống cạnh và bị sự đô hộ của một đế chế sở hữu một
nền văn minh lớn như Trung Hoa.
Trong thời kỳ lịch sử dài hơn thiên niên kỷ này, bên cạnh các quan lại
người Hán, hẳn đã hình thành một tầng lớp “tinh hoa” trong cộng đồng
những người dân bị trị cũng như một bộ phận quan lại, tầng lớp trên có
xu hướng ly khai với nền đô hộ của triều đình phương Bắc diễn ra trước
thời tự chủ bắt đầu từ Ngô Quyền (938), như Dương Đình Nghệ, các nhà
lãnh đạo họ Khúc... Phải chăng những người dẫn đạo tinh thần tự chủ của
người Việt Nam thời đó là những trí thức đầu tiên (!?). Sứ mệnh của họ
là từ trong cơ chế chính trị đương thời chống lại sự đô hộ của ngoại
bang không chỉ bằng bạo lực mà bằng cả các tri thức, trong đó có cả
những tri thức của nền văn minh của chính kẻ đã thống trị dân tộc
mình.... Đó chính là nét phác hoạ đầu tiên về sứ mệnh tiếp nhận văn hoá
bên ngoài cho nội lực dân tộc của một tầng lớp xã hội mà sau này ta gọi
là trí thức.
Dần từng bước, cùng với sự truyền bá đạo Phật vào Việt Nam, tầng lớp
tăng lữ của tôn giáo có đặc trưng nhập thế rất sâu sắc này đã trở thành
một lực lượng trí thức dân tộc, đồng hành cùng dân tộc thúc đẩy quá
trình xây dựng nền tự chủ quốc gia. Sau Ngô Quyền, vị tổ trung hưng thứ
nhất xác lập nền tự chủ bằng chiến thắng Bạch Đằng (938), lần lượt các
triều Đinh và (Tiền) Lê tuy ngắn ngủi nhưng từng bước củng cố nền tự chủ
bằng việc thống nhất lực lượng dân tộc và tiếp tục khẳng định nền tự
chủ ấy bằng sự nghiệp chống mưu toan thôn tính trở lại của phương Bắc
(lúc này là nhà Tống).
Năm ngoái (năm 2010), Việt Nam tổ chức trọng thể 1000 năm Vua Lý Thái
Tổ rời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long (nay là Hà Nội) như một sự kiện có ý
nghĩa đặc biệt. Vị vua này không có chiến công của người giành độc lập
từ tay ngoại bang nhưng lại là người có một tầm nhìn vượt lên trên các
bậc tiền bối. Điều đó thể hiện qua việc lựa chọn nơi định đô ngay sau
khi lên ngôi. Qua việc Ngài không chấp nhận kinh đô Hoa Lư của các triều
Đinh, (Tiền) Lê và cũng không trở về Cổ Loa có từ thời An Dương Vương
mà vị tổ trung hưng Ngô Quyền sau khi lập lại nền tự chủ đã lựa chọn như
sự “nối lại quốc thống”.
Lý Công Uẩn đã chọn Đại La, nơi chính quyền đô hộ Trung Hoa mà tiêu
biểu là viên quan cai trị Cao Biền đặt trị sở, làm kinh đô của nước Đại
Việt tự chủ, cho thấy một tầm nhìn sáng suốt của vị vua sáng lập triều
Lý, mà đứng đằng sau là các vị tăng lữ Phật giáo tiêu biểu như sư Vạn
Hạnh. Tầm nhìn ấy dựa trên một nguyên lý sáng suốt, đó là: Dân tộc Việt
Nam thường trực phải đối phó với nước láng giềng phương Bắc không phải
chỉ là một thế lực bành trướng, một nguy cơ bị xâm lăng mà còn là một
nền văn minh lớn và một cơ hội để chúng ta có thể tiếp thu những tinh
hoa từ bên ngoài nhằm làm giàu chính nền văn hiến của dân tộc mình.
Chính là nhà Lý đã đưa Khổng Tử về thờ (lập Văn Miếu), tổ chức các kỳ
thi chữ Hán, học Tứ Thư, Ngũ Kinh của phương Bắc để tuyển chọn nguồn
nhân lực cho quốc gia (Quốc Tử Giám) v.v... Nhưng cũng chính nhà Lý đã
tuyên ngôn “Nam Quốc sơn hà Nam đế cư...”. Cũng như sau này là nhà Lê,
lập triều từ việc chấm dứt ách cai trị 20 năm của phương Bắc (nhà Minh),
lại là triều đại tiếp nhận một cách mạnh mẽ những ảnh hưởng văn hoá của
phương Bắc, đặc biệt là trong việc xây dựng thiết chế chính trị của nhà
nước trung ương. Lại cũng chính nhờ vậy mà triều Lê dù trải qua nhiều
thăng trầm nhưng gìn giữ được bờ cõi hơn 3 thế kỷ phương Bắc không lai
vãng. Hơn thế, chính trong thời kỳ lịch sử này, bờ cõi được mở mang về
phương Nam với công lao của các Chúa Nguyễn. Việc mở mang này vô cùng
quan trọng không chỉ về không gian lãnh thổ mà là sự tiếp nhận nhiều
nguồn văn hoá mới “phi Trung Hoa” từ phương Nam (Ấn Độ và hải đảo Đông
Nam Á cùng những nền văn hóa bản địa của những vùng đất mới).
Đây cũng là một quá trình lâu dài hình thành tầng lớp nho sĩ thành đạt
với đội ngũ quan lại và đông đảo những nhà nho gần gũi với nhân dân ở
các làng xã có ảnh hưởng sâu sắc trong việc tiếp thu có chọn lựa những
nhân tố tích cực của văn hoá Trung Hoa, gây dựng cũng như bảo tồn những
giá trị văn hoá bản địa và tạo dựng thành truyền thống. Vai trò tầng lớp
trí thức này là vô cùng to lớn tạo nên nền văn hiến Đại Việt, nền tảng
của tinh thần dân tộc và sức mạnh nội lực giúp Việt Nam tồn tại cạnh
Trung Hoa như một quốc gia tự chủ về chính trị và thân thiện về văn hoá.
Quan hệ Nam - Bắc ấy đã chi phối như nhân tố chủ đạo của một trường kỳ
lịch sử xuyên suốt lịch sử và cho đến ngày nay vẫn còn là một yếu tố
không thể bỏ qua cho dù thời đại đã có rất nhiều thay đổi.
Cho dù người phương Tây đã đến Việt Nam từ sớm hơn thông qua việc
truyền giáo hay buôn bán nhưng về căn bản cho đến thế kỷ thứ XVIII, Việt
Nam vẫn bị bao trùm trong “thế giới Trung Hoa” mà những trí thức Việt
Nam vẫn phải “ngụp lặn” vừa để ứng phó chống trả, vừa nương dựa vào
những giá trị của nó để tiếp thu, học hỏi... Trải nghiệm lịch sử ấy đã
tạo nên một bản lĩnh cũng như sắc thái của tầng lớp trí thức Việt Nam,
sẽ đi tiếp trong một thử thách mới khi một “thế giới ngoài Trung Hoa” đã
cận kề.
Ý niệm về mối quan hệ “Đông -Tây” hình thành vào thời điểm mà sự
truyền giáo cũng như cuộc chinh phục thuộc địa từ các quốc gia Châu Âu
đã bước qua thời kỳ tư bản chủ nghĩa sang những phần đất còn lại của thế
giới, đặc biệt là với 2 nền văn minh lớn (Trung Hoa, Ấn Độ) và rộng hơn
là Châu Á trong đó có Việt Nam.
Có thể tiếp cận với nền văn minh mới mẻ này đầu tiên là những tín đồ
Thiên Chúa giáo hay các nhà buôn vốn không mạnh ở nước ta, cùng với nhà
cầm quyền luôn e ngại những yếu tố mới, xa lạ, nằm ngoài những khuôn
vàng thước ngọc của thánh hiền chỉ có thể là man-di-mọi-rợ lấy sự khước
từ làm phản xạ ban đầu.
Cũng chính vì thế mà người trí thức trong bộ máy quan lại, trong dân
gian và trong hàng ngũ giáo dân đóng một vai trò rất quan trọng để tạo
ra những đột phá trong việc tiếp nhận và giao lưu văn hoá với phương
Tây.
Cần phải nói thêm rằng, ngay từ phía phương Tây cũng sớm đưa ra nhận
thức cực đoan “Đông là Đông, Tây là Tây” như một sự phân ranh không suy
xuyển và cùng với nó là quan niệm “phương Tây chinh phục phương Đông”
của chủ nghĩa thực dân.
Tuy nhiên, đối với Việt Nam, như trên đã nói, một dân tộc từng chịu
ảnh hưởng của văn minh Trung Hoa rất sâu sắc nhưng trong tâm thức lại
luôn muốn thể hiện mình khác Trung Hoa và luôn tìm cơ hội để tách dần ra
khỏi ảnh hưởng Trung Hoa mà trước tiên là thoát khỏi ách đô hộ về chính
trị.
Đàng Trong (nơi các Chúa Nguyễn lập nghiệp và mở mang bờ cõi) không
chỉ xa về địa lý với Trung Hoa, cát cứ với triều đình trung ương mà còn
đựơc tiếp nhận các nền văn minh “phi Trung Hoa” nên nó cũng rất nhạy bén
khi tiếp xúc với văn minh phương Tây. Cùng thời với Phố Hiến ở Đàng
Ngoài, Hội An ở Đàng Trong là cửa ngõ hướng ra bên ngoài, trong đó có
các thành phần phương Tây (nhà truyền giáo, nhà hàng hải, thương
nhân...).
Nhưng, chính Hội An ở Đàng Trong lại là cái nôi tiếp nhận những giá
trị văn minh phương Tây mạnh mẽ và tiêu biểu là sự ra đời của chữ viết
sau này đuợc gọi là quốc ngữ tại đây. Nhu cầu truyền giáo buộc phải đi
tìm cây cầu ngôn ngữ để thâm nhập vào cư dân và xã hội bản địa. Các nhà
truyền giáo Tây ban Nha, Bồ Đào Nha, Italia, Pháp… đã tìm đến chữ latinh
làm công cụ ghi âm tiếng nói của dân bản địa và truyền đạo.
Cũng giống như quan hệ Nam -Bắc, quan hệ Đông - Tây ở Việt Nam cũng
khắc nghiệt bởi cho dù có yếu tố truyền giáo hay thương mại... thì chủ
yếu vẫn diễn ra trong bối cảnh của chủ nghĩa thực dân phương Tây tiến
hành chinh phục bằng bạo lực và xâm chiếm thuộc địa ở phương Đông (Viễn
Đông) mà ở Việt Nam là chủ nghĩa thực dân Pháp.
Phạm Duy tốn, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh là những trí thức Tây học theo chủ nghĩa ôn hòa. Ảnh: TL
Cũng giống như trong quá
khứ, quan hệ Đông-Tây, ban đầu là một sự kháng cự có phần tuyệt vọng
bằng bạo lực. Chủ nghĩa thực dân phản động khi xâm lăng, và đô hộ dân
tộc khác nhưng khách quan nó cũng lại truyền bá nền văn minh phương Tây
tiên tiến và nhân bản. Triều đình Việt Nam sau những kháng cự bán đầu đã
từng bước khiếp nhược trước sức mạnh, vũ khí phương Tây và chấp nhận sự
đầu hàng. Ngay trong giới trí thức quan lại cũng bị chia rẽ sâu sắc
trước câu hỏi “Chủ chiến hay chủ hoà?”. Tầng lớp trí thức trong dân cũng
đứng trước câu hỏi “duy tân hay thủ cựu”.
Những vấn đề liên quan
đến sự lựa chọn thái độ với văn minh phương Tây - sự cộng tác hay chống
đối sự cai trị của chế độ thực dân luôn là một vấn đề sát sườn của giới
trí thức cận đại. Những Nguyễn Trường Tộ, Trương Vĩnh Ký hay Phạm Quỳnh,
Nguyễn Văn Vĩnh... luôn là những trường hợp có sự đánh giá trái
chiều...
Thời cận và hiện đại gắn
với công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc luôn tạo ra thử thách cho
giới trí thức, trong đó có giới trí thức Tây học, được đào tạo trong nền
giáo dục Pháp (ở thuộc địa hay chính quốc)... Khỏi phải phân tích dài
dòng, cùng với thời gian càng ngày chúng ta càng nhận ra, về căn bản
những người trí thức đều quy tụ về một mối là hướng tới dân tộc bằng
cách tiếp cận với văn hoá phương Tây, vì với nền văn hoá ấy, chủ nghĩa
thực dân chỉ là một hiện tượng lịch sử, còn những giá tri tiến bộ, giá
trị căn bản của một nền văn minh luôn là nguồn lực cho sự phát triển,
nhất là với văn minh phương Tây, những giá trị Dân chủ là một ưu thế
mang tính chất tiên phong.
Hiện tượng “chữ quốc
ngữ” là một thí dụ: ban đầu, với các nhà truyền giáo nó là công cụ
truyền bá, với thực dân nó là công cụ hành chính và phương thức để gạt
dần ảnh hưởng của Trung Hoa, nhưng với người Việt Nam thì đó là công cụ
để hội nhập với thế giới ngoài Trung Hoa, hướng tới những giá trị tiên
tiến của phương Tây nên rất nhanh chóng được chấp nhận, phát triển thành
ngôn ngữ xã hội và nghệ thuật để rồi trở thành “quốc ngữ”, ngôn ngữ
chính thống kể từ khi nước Việt Nam độc lập (1945).
Nhân vật Hồ Chí Minh có
thể là một biểu tượng tập trung của sự hình thành , lựa chọn và hành
động của trí thức Việt Nam thời hiện đại mà vấn đề trung tâm là sứ mạng
giải phóng dân tộc. Sự sa sút của tầng lớp nho sĩ nhanh chóng đựơc thay
thế bằng những trí thức tân học (Tây học)... gánh vác những đòi hỏi phát
triển của xã hội.
Lẽ ra, tại cuộc hội thảo
này phải nói về vai trò của tầng lớp trí thức trong cuộc giao lưu Đông -
Tây hiện tại, nhưng là một nhà sử học tôi chỉ muốn nói rằng, trong mọi
sự phát triển, những di sản của quá khứ luôn có mặt như một sự lựa chọn
giữa bảo thủ và truyền thống. Ứng xử trong mối quan hệ Nam - Bắc đã giúp
cho dân tộc Việt Nam tồn tại và trưởng thành bên cạnh nước Trung Hoa
thì giải quyết tốt mối giao lưu Đông - Tây hiểu theo nghĩa hẹp của dân
tộc Việt Nam vẫn là những truyền thống đã từng có trong quá khứ : tồn
tại và trưởng thành, nhưng theo nghĩa rộng chính là sự hội nhập với toàn
thế giới, cho dù ngày nay vẫn là một thế giới phức tạp và không ổn
định.
Đã từng có thời “Đông là
Đông -Tây là Tây”, lại có thời “Gió Đông thổi bạt Gió Tây” hay ngược
lại... Ngày nay thế giới càng nhận thức được rằng Đông hay Tây đều là
của chung nhân loại, một nhân loại chung sống trên một hành tinh ngày
càng mỏng manh nếu những ngọn gió không chịu thổi thuận chiều... đó là
chưa nói đến những biến đổi khí hậu mà Đông hay Tây đều phải chung tay
ứng phó. Nếu tầng lớp trí thức là những người có trách nhiệm nhất với
tương lai thì nó vẫn phải đi đầu trong cuộc vận động của lịch sử đương
đại...”
Dương Trung Quốc