Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2013

1. Quan hệ Mỹ - Trung : Hữu nghị hay chiến tranh?

Email In PDF.
NCBĐ-Quan hệ Mỹ - Trung đã có những điểm thân thiện hiếm thấy, hai bên đã nhất trí về một loạt biện pháp nhằm chống lại biến đổi khí hậu bằng cách cắt giảm khí thải. Lãnh đạo hai nước cuối cùng cũng đã có hướng giải pháp về vấn đề Bắc Triều Tiên tại Hội nghị thượng đỉnh tháng 6 vừa qua. Đây là một giai đoạn chung sống hòa bình. Vậy tại sao quân đội hai nước vẫn chuẩn bị cho cuộc chiến tranh?
Cả Lầu Năm góc và Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đều đang trang bị cho một cuộc chiến tranh tổng lực và theo đuổi những chiến lược lớn vô cùng tốn kém, với giả định rằng một cuộc chiến như vậy sẽ xảy ra. Trong trường hợp của Mỹ, việc này dường như đang diễn ra mà không có sự cho phép hoặc phê chuẩn từ Nhà Trắng hay Quốc hội. Lầu Năm góc đang đặt chiến lược toàn cầu trên cơ sở một kế hoạch chi tiết, được gọi là khái niệm Tác chiến Không Biển (ASB), trong đó Lục quân và Không quân Mỹ bảo vệ sự hiện diện của 320.000 binh lính Mỹ tại châu Á bằng việc sẵn sàng chuẩn bị cho họ một cuộc tấn công tổng lực trên bộ và trên không nhằm vào Trung Quốc trong trường hợp Trung Quốc đe dọa Biển Đông và các khu vực xung quanh.
Trong một phân tích chi tiết mới đây trên Tạp chí "Các Vấn đề quốc tế" của Đại học Yale, Giáo sư chuyên về chính sách quân sự nổi tiếng Amitai Etzioni, đặt câu hỏi: Ai cho phép chuẩn bị chiến tranh với Trung Quốc? Câu trả lời của ông là rõ ràng: Ông Obama đã tuyên bố chuyển ưu tiên chiến lược sang châu Á, nhưng không có nội dung chính trị hay mong muốn có một đối đầu quân sự với Trung Quốc. Tuy nhiên, trên thực tế, chính trị và ngoại giao đang đi theo các đường hướng trái ngược nhau. Giáo sư Etzioni viết: "Mỹ đang chuẩn bị chiến tranh với Trung Quốc, một quyết định quan trọng mà cho đến nay chưa được Nhà Trắng và Quốc hội xem xét kỹ lưỡng. Về công khai, không có những tranh cãi về cuộc chiến với Trung Quốc như những gì đang diễn ra về việc có nên sử dụng phương án quân sự chống lại chương trình hạt nhân của Iran hay không".
Nhưng kế hoạch ASB có những tác động nguy hiểm và tốn kém. Kết quả có thể tưởng tượng của ASB là khả năng chấm dứt xung đột với Trung Quốc theo cách Mỹ đã kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ hai: Quân đội Mỹ đánh bại Trung Quốc và áp đặt các điều kiện đầu hàng. Đây là một thay đổi lớn từ cách tiếp cận thời Chiến tranh Lạnh, khi cuộc xung đột quy mô hạt nhân được tránh một cách cẩn thận. Kế hoạch ASB khiến nhiều quan chức quân sự của Mỹ quan ngại. Năm ngoái, cựu Phó Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ James Cartwright đã cảnh báo rằng "ASB không có lợi cho ai".
Và Trung Quốc đang phản ứng theo kiểu "nếu quân đội Mỹ phát triển ASB để đối phó với PLA, thì PLA sẽ buộc phải phát triển một kế hoạch chống lại ASB. Ngay sau khi lên nắm quyền, ông Tập Cận Bình đã từ bỏ cam kết "trỗi dậy hòa bình" của người tiền nhiệm, trực tiếp nắm quyền chỉ huy Quân ủy Trung ương và ra lệnh cho quân đội tập trung vào tác chiến thực và "chiến đấu và chiến thắng trong các cuộc chiến tranh".
Ông Tập Cận Bình đã phục hồi một nhóm các viên tướng và cố vấn quân sự cực kỳ diều hâu, những người đang ủng hộ một chiến lược quân sự dựa trên việc chuẩn bị đối đầu trực tiếp với Mỹ. Một quan điểm mới đã xuất hiện trên tạp chí nội bộ của quân đội Trung Quốc, cho rằng đối tượng tác chiến chủ yếu của quân đội Trung Quốc trước tiên là quân đội Mỹ, kế đó mới đến quân đội Đài Loan và thứ ba là quân đội Ấn Độ. 
Thế giới đang đối mặt với tình hình là chính phủ hai siêu cường hòa bình với nhau, trong khi hai quân đội chuẩn bị cho chiến tranh tổng lực. Đây là một tình huống ngoại giao nguy hiểm, giống với thời kỳ trước Chiến tranh Thế giới thứ nhất năm 1914, khi chỉ một động thái không phù hợp có thể dẫn thế giới tới chiến tranh.
Thuỳ Anh (gt)