Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2013

17. Về tư tưởng trung bình chủ nghĩa

13:42' 11/7/2013
TCCSĐT - Tư tưởng trung bình chủ nghĩa thực chất là một dạng chủ nghĩa cơ hội. Nó khéo léo thích nghi và thích ứng để đạt mục tiêu cá nhân với lầm tưởng không làm phương hại lợi ích chung. Nhận diện rõ biểu hiện, đặc điểm, tác hại của tư tưởng trung bình chủ nghĩa trên cơ sở quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và của Đảng ta; từ đó đề xuất được cách thức khắc phục trong thực tế là một nhiệm vụ quan trọng hiện nay.


Biểu hiện của tư tưởng trung bình chủ nghĩa
Những biểu hiện của tư tưởng trung bình chủ nghĩa đã và đang xuất hiện trong điều kiện công cuộc đổi mới được triển khai trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội với nhiều thành tựu quan trọng, song cũng có không ít hạn chế, khuyết điểm đáng lo ngại; trong bối cảnh đất nước vừa có thời cơ, vận hội lớn, vừa đứng trước nguy cơ, thách thức nghiêm trọng. Chính trong bối cảnh như vậy, tư tưởng trung bình chủ nghĩa vốn là hậu quả của cơ chế phân phối theo kiểu bình quân chủ nghĩa trong cơ chế kế hoạch hóa, tập trung, bao cấp, tái xuất hiện, tồn tại và phát triển. Thực chất của tư tưởng trung bình chủ nghĩa là chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh(1).
Trước đây V.I.Lê-nin (1870 - 1924) đã từng cảnh báo chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh bộc lộ ra như một tâm trạng, một huynh hướng và thậm chí thành một nhóm người quan liêu và bạn đường tiểu tư sản. Chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh xuất hiện trong phong trào công nhân quốc tế do sự tác động của bối cảnh phát triển tương đối hòa bình của chủ nghĩa tư bản thời kỳ 1871 - 1914. Chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh trong phong trào công nhân quốc tế phủ nhận các phương pháp đấu tranh cách mạng, tán thành thoả hiệp với giai cấp tư sản. Hệ tư tưởng và chính sách của chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh phản ánh lợi ích của các giai tầng tiểu tư sản (trong đó có cả một số bộ phận giai cấp công nhân đã tư sản hoá). Đây là lớp người có thể sống khấm khá dưới chủ nghĩa tư bản và vì thế luôn luôn ủng hộ chủ nghĩa cải lương, không đụng chạm nhiều đến chế độ tư bản chủ nghĩa nhằm duy trì phong trào công nhân trong khuôn khổ trật tự tư bản chủ nghĩa.
Trong quan hệ xã hội, chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh biểu hiện thành nhóm trung gian, nhóm trung bình chủ nghĩa. Đây là những người thỏa mãn và an tâm với hoàn cảnh của mình, xa lạ với hết thảy mọi ước mơ “viển vông”, nhưng biết rất rõ mình muốn cái gì(2). Họ cầu cạnh danh lợi và là những kẻ tôi đòi để đạt danh lợi trong “hoà bình”.
Trên cơ sở xem xét lịch sử phong trào công nhân quốc tế, V.I.Lê-nin nhận thấy rằng chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh nhìn bề ngoài có vẻ như hoàn toàn đối lập với chủ nghĩa cơ hội “tả khuynh”, vốn bênh vực các phương pháp đấu tranh quyết liệt nhất, có tính chất siêu cách mạng, phủ nhận mọi biện pháp cải lương. Song thực chất cũng giống chủ nghĩa cơ hội “tả khuynh”, chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh ca tụng chủ nghĩa vô chính phủ và chủ nghĩa giáo điều. Sự khác nhau giữa chúng chỉ là ở chỗ: trong hoàn cảnh hòa bình thì diễn ra sự hoạt động sôi nổi của chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh; còn trong hoàn cảnh đấu tranh gay gắt với những khó khăn và thiếu thốn thì chủ nghĩa cơ hội “tả khuynh” bộc lộ công khai và rốt ráo.
Tư tưởng trung bình chủ nghĩa, xét về thực chất là chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh, song nó sẵn sàng chuyển sang trạng thái “không trung bình” hay “tả khuynh”, cực đoan khi hoàn cảnh thay đổi. Cả hai loại tư tưởng này đều gắn liền với chủ nghĩa vô chính phủ, chủ nghĩa giáo điều. Chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh luôn luôn tìm cách tạo ra hoàn cảnh bình yên cho sự trục lợi cá nhân; còn chủ nghĩa cơ hội “tả khuynh” thì tuy nhân danh lợi ích chung của phong trào, song thực chất là để giải quyết tình cảnh quẫn bách của “anh tiểu tư sản hoá điên”.
Là một dạng của chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh và không giống các hình thức ồn ào, công khai, trực diện, gay gắt của chủ nghĩa cơ hội “tả khuynh”, tư tưởng trung bình chủ nghĩa núp mình trong hoàn cảnh bình yên, cho nên các hình thức biểu hiện của nó lặng lẽ, kín đáo và dường như không hình, không tiếng. Trong bóng tối nên tư tưởng trung bình chủ nghĩa dễ có điều kiện phát triển với những hình thức đa dạng, tinh vi, phong phú và không kém phần nguy hiểm. Tuy vậy, người ta khó nhận ra hình thức của tư tưởng trung bình chủ nghĩa vì nó “mờ mờ nhân ảnh” phù hợp với sự vận động đều đều của các sự vật, hiện tượng trong đời sống xã hội.
Ở Việt Nam, hoàn cảnh xuất hiện tư tưởng trung bình chủ nghĩa có nét đặc thù. Theo Hồ Chí Minh, trước hết đó là sự đồng cam cộng khổ trong kháng chiến chống Pháp(3). Đồng cam cộng khổ là một tinh thần cần phải có để kháng chiến thắng lợi. Trong điều kiện xây dựng hoà bình, vẫn cần đồng cam cộng khổ, “không nên chỉ nghĩ đến mình ăn no, mặc ấm, mà phải nghĩ đến đồng chí, đồng bào, đồng đội mình. Ví dụ: nhân dân ta hiện còn nhiều nơi như miền ngược chẳng hạn, thiếu vải, mỗi người thường chỉ có một bộ quần áo rách, nhưng mình lại cứ nghĩ để lấy giấy (giới thiệu) của đoàn thể, tìm cách này hay cách khác mua vải may ba, bốn áo pôpơlin, thế là không đồng cam cộng khổ. Hay lấy ví dụ khác: như hiện nay đồng bào ta còn phải làm ăn cần cù, đời sống còn thiếu thốn, nhưng có cô lại uốn tóc xoăn, diện loè loẹt đi chơi là không đúng”(4).
Nhưng theo Hồ Chí Minh, không được lẫn lộn giữa đồng cam cộng khổ và bình quân chủ nghĩa. Bình quân chủ nghĩa là không đúng. “Bình quân chủ nghĩa là gì? Là ai cũng như ai, bằng nhau hết. Ví dụ: như Bác yếu chỉ ăn ba bát cơm, chú khoẻ cần nhiều hơn mà cũng ăn ba bát, chú lùn cũng đòi may áo dài, Bác cao hơn cũng mặc áo dài như chú”(5).
Đó là những hình thức biểu hiện bình quân trong phân phối. Bình quân trong phân phối là “tình trạng người giỏi, người kém, việc khó, việc dễ, cũng công điểm như nhau”. Từ đó, Người yêu cầu “phải tránh chủ nghĩa bình quân”(6).
Cũng như V.I.Lê-nin, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, tư tưởng trung bình chủ nghĩa cơ bản thể hiện ở nhận thức và thái độ của con người. Theo Hồ Chí Minh, “bất kỳ nơi nào có quần chúng, thì nhất định có ba hạng người: hạng hăng hái, hạng vừa vừa, hạng ở giữa nhiều hơn hết, hạng hăng hái và hạng kém đều ít hơn …”(7). Hạng người vừa vừa, hạng ở giữa chính là biểu hiện của tư tưởng trung bình chủ nghĩa. Hạng người này thường chiếm số đông trong tập thể, do đó, hình thức biểu hiện của nó rất đa dạng. Tư tưởng trung bình chủ nghĩa, theo Hồ Chí Minh, không chỉ có trong phân phối, mà biểu hiện cả trong chính trị, đạo đức, lối sống.
Trong quá trình đổi mới, Đảng ta đã kiên trì phê phán tư tưởng trung bình chủ nghĩa, dựa dẫm và ỉ lại vào cơ chế, vào tập thể. Tư tưởng trung bình chủ nghĩa là hệ quả của cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp. Xoá bỏ cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp, xét về nguyên tắc, là xoá bỏ tư tưởng trung bình chủ nghĩa. Tuy vậy, tư tưởng này cho đến nay vẫn tồn tại khá phổ biến. Đây không chỉ do sức ỳ của nó, mà còn do sự tồn tại của cơ chế xin - cho và nếp sống trọng tình nghĩa... vẫn đang dung dưỡng cho tư tưởng đó.
Đặc điểm của tư tưởng trung bình chủ nghĩa
Bản chất của tư tưởng trung bình chủ nghĩa là chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh với tính chất vô chính phủ và giáo điều.
Chủ nghĩa vô chính phủ từ chỗ là trào lưu tư tưởng phản đối và hướng đến sự phá huỷ bộ máy nhà nước tư bản, đã biến dạng thành một thứ chủ nghĩa chiết trung trong phong trào công nhân. Nó tuyên truyền cho phương châm dựa vào tình hình hỗn đỗn tự phát của quần chúng, nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng chính trị và hướng đến các biện pháp phiêu lưu trong phong trào công nhân.
Còn chủ nghĩa giáo điều thì coi thường điều kiện lịch sử, từ đó biến những luận điểm đúng thành sơ đồ lý luận trừu tượng, tách rời hoạt động thực tiễn của con người.
Đặc điểm của tư tưởng trung bình chủ nghĩa - theo V.I.Lê-nin, cũng giống như đặc điểm của tất cả chủ nghĩa cơ hội hiện đại trong mọi lĩnh vực là nó mang tính chất không rõ ràng, lờ mờ và không thể nào hiểu nổi được. Do bản chất của mình (nó) bao giờ cũng tránh đặt các vấn đề một cách rõ ràng và dứt khoát; bao giờ nó cũng tìm thấy con đường trung dung, nó quanh co uốn khúc như con rắn nước giữa hai quan điểm đối chọi nhau, nó tìm cách “thoả thuận” với cả quan điểm này lẫn quan điểm kia, nó quy những sự bất đồng ý kiến của mình lại thành những điều sửa đổi nhỏ nhặt, những sự hoài nghi, những nguyện vọng thành tâm và vô hại, .v.v. và .v.v.!”(8).
Về nhận thức, tư tưởng trung bình chủ nghĩa là một thứ tư tưởng chiết trung, coi thường lý luận, có khi theo quan điểm hư vô chủ nghĩa. Nó là hệ quả của việc kết hợp máy móc, vô nguyên tắc kinh nghiệm cá nhân với những sơ đồ lý luận trừu tượng. Nó thiên về tính hỗn độn, tự phát về tư tưởng và quan hệ xã hội; phủ nhận tính định hướng trong quá trình vận động, phát triển của xã hội. Nhưng nó lại không xa lạ với chủ nghĩa sùng bái cá nhân, thậm chí còn coi sự sùng bái cá nhân là “ô dù” tạo nên “bóng tối” bình yên cho sự trục lợi cá nhân một cách lặng lẽ, kín đáo, (song không loại trừ biện pháp phiêu lưu).
Về thái độ, do nhận thức chiết trung nên thái độ, tức là tâm thế sẵn sàng hành động của những người trung bình chủ nghĩa thường theo phương châm “gió chiều nào che chiều ấy”; hoặc bàng quan. “Gió chiều nào che chiều ấy” dẫn đến chần chừ; bàng quan dẫn đến quan liêu (quan phương)… Rốt cuộc là một thái độ thụ động, trì trệ, quan phương.
Hành vi (hành động): lặng lẽ, kín đáo như không làm gì cả. Thực chất đó là những hành vi (hành động) cơ hội, khéo léo lách theo xu hướng giữa “thuận” theo thế và thời trong mọi hoàn cảnh. Những hành vi (hành động) trung bình chủ nghĩa, vì là ở giữa, là trung bình, nên không va đập vào các hành vi (hành động) khác.
Tác hại, sự nguy hiểm của tư tưởng trung bình chủ nghĩa
Trước đây, V.I.Lê-nin đã vạch trần sự nguy hiểm và tác hại sâu sa của chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh trong phong trào công nhân là ở chỗ ru ngủ công nhân, kìm hãm phong trào công nhân trong khuôn khổ chế độ tư bản chủ nghĩa. V.I.Lê-nin cũng đã phân tích tác hại của chế độ sử dụng ruộng đất trung bình ở Nga khiến nông dân hạng trung khó mà đủ ăn. Nông dân hạng trung buộc phải làm những nghề nửa nông dân, nửa công nhân. Những nghề đó đã dẫn họ đến chỗ không có khả năng chuyên sâu một nghề nào cả, và xao nhãng thâm canh kinh doanh chính trên mảnh đất của họ. Hậu quả là làm cho công việc kinh doanh của họ đi đến chỗ suy sụp hẳn(9).
Hồ Chí Minh, khi nói chuyện với đồng bào Đại Nghĩa (Hà Đông) đã yêu cầu: không nên có tình trạng người giỏi, người kém, việc khó, việc dễ cũng công điểm như nhau. Theo Người, nếu phân phối theo kiểu trung bình chủ nghĩa thì sẽ thiệt hại cho hợp tác xã và không phù hợp với xã viên, có người khoẻ, người yếu, có người già, người trẻ(10).
Tư tưởng trung bình chủ nghĩa, theo V.I.Lênin “về nguyên tắc” là sự thích ứng với trào lưu thịnh hành trong công nhân và trong xã hội, thay màu đổi sắc để ẩn nấp dễ dàng hơn. Do đó, tác hại của nó diễn ra theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, thẩm thấu từ bên trong, từ nền móng; từ đó không chỉ dẫn đến sự trì trệ, dung túng tính hình thức, mà rốt cuộc dẫn đến sự sụp đổ đồng loạt có tính hệ thống. Có thể nói, sự trì trệ, tình trạng “sống mòn”, chủ nghĩa hình thức là tác hại rõ nhất và phổ biến nhất của tư tưởng trung bình chủ nghĩa.
Nguyên nhân
Tư tưởng trung bình chủ nghĩa, dù dưới dạng thức nào, chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh, phân phối bình quân, hay “hạng vừa vừa, hạng ở giữa” trong chính trị, đạo đức và lối sống, thì đều xuất phát từ chủ nghĩa cá nhân thực dụng, kết hợp với sự khủng hoảng niềm tin hay ấu trĩ tư tưởng trong điều kiện tương đối bình yên. Tư tưởng trung bình chủ nghĩa trong chính trị thường gắn với khủng hoảng niềm tin ở những người mang nặng chủ nghĩa cá nhân thực dụng; còn trong phân phối thường là hệ quả của sự ấu trĩ về tư tưởng.
Ở những người mang nặng tư tưởng trung bình chủ nghĩa, cái gọi là lý tưởng (nếu có) chỉ giới hạn ở ước mơ thường nhật; chính xác thì họ không có lý tưởng sống. Ước mơ, hoài bão của họ thường thiên về nhu cầu vật chất của bản thân và gia đình. Nguyên nhân sâu sa ở chỗ tư tưởng của họ thực chất là sự sao chép tư tưởng thịnh hành trong xã hội. Chính xác thì họ không có chính kiến và “mũ ni che tai”. Họ có khả năng nhận thức được xu hướng tư tưởng chung trong xã hội, song bao giờ họ cũng tìm thấy con đường trung dung, quanh co, uốn khúc, “thoả thuận” với cả chính kiến này lẫn chính kiến kia. Nếu họ có bất đồng ý kiến thì lại tìm cách quy những sự bất đồng ấy thành những điều sửa đổi nhỏ nhặt, những sự hoài nghi, những nguyện vọng thành tâm và vô hại .v.v. và .v.v. như V.I.Lê-nin cảnh báo. Tất cả chỉ nhằm mục đích bảo toàn và thực hiện “ước mơ con”, “cuộc đời con” (Chế Lan Viên) ở họ.
Thiếu lý tưởng sống; thiếu chính kiến; thiếu ước mơ hay hoài bão, chỉ xoay quanh lợi ích cá nhân và gia đình - là tiền đề của tư tưởng trung bình chủ nghĩa. Hoàn cảnh xã hội tương đối bình yên là môi trường thuận lợi dung dưỡng tư tưởng trung bình chủ nghĩa. Tư tưởng trung bình chủ nghĩa cơ bản là sản phẩm của hoàn cảnh bình yên; và đến lượt nó, hoàn cảnh bình yên lại tiếp tục dung dưỡng cho sự xuất hiện và tồn tại của tư tưởng trung bình mới.
Tư tưởng trung bình chủ nghĩa cũng như các dạng thức tư tưởng khác, nói theo Ph. Ănghen (1820 - 1895), có sức ỳ tương đối. Nhưng tính đặc trưng của tư tưởng trung bình chủ nghĩa so với các dạng thức tư tưởng khác có sức ỳ lớn hơn. Vì tính chiết trung của nó có khả năng thích ứng với nhiều hoàn cảnh, kể cả khi hoàn cảnh đã đổi thay. Và cũng vì lẽ đó mà việc khắc phục tư tưởng trung bình chủ nghĩa là rất khó khăn, có lẽ còn phức tạp hơn việc khắc phục chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh, mặc dù bản chất của tư tưởng này chính là chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh.
Nguyên nhân là tư tưởng trung bình chủ nghĩa không bộc lộ công khai tính trục lợi, thậm chí nó còn biểu hiện tính trục lợi dưới dạng “ý kiến chung”, “lợi ích chung”, “đồng thuận xã hội”, “đồng cam cộng khổ” .v.v. và .v.v. Nó lại phù hợp với hoàn cảnh yên bình; và ở phương diện nào đó, nó “góp phần” vào sự “ổn định” chung.
Nhưng tình trạng “sống mòn”, sự trì trệ, chủ nghĩa hình thức do tư tưởng trung bình chủ nghĩa tạo ra, gây tác hại sâu sắc đến tiến trình phát triển vốn có của mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Tác hại cơ bản của nó chính là “cầm tù” sự đổi mới và phát triển. Vì thế, phải kiên quyết khắc phục tư tưởng trung bình chủ nghĩa.
Cách thức khắc phục
Thứ nhất, chú ý giáo dục và bồi dưỡng tư duy chấp nhận mâu thuẫn. Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh yêu cầu nhìn nhận thế giới một cách toàn diện trong “tính khách quan của sự xem xét”, trong sự vận động, phát triển lịch sử - cụ thể và thực tiễn. Muốn vậy, phải đoạn tuyệt với lối tư duy một chiều, trung bình chủ nghĩa, tức lối tư duy gạt bỏ mẫu thuẫn. Tư duy biện chứng là tư duy chấp nhận mâu thuẫn; chỉ như vậy mới phản ánh đầy đủ và chính xác được thực tế sinh động muôn hình muôn vẻ đang vận động, phát triển thông qua phát hiện mâu thuẫn, giải quyết mâu thuẫn.
Chú ý giáo dục và bồi dưỡng tư tưởng chấp nhận mâu thuẫn là cách thức chủ động khắc phục lối tư duy một chiều, trung bình chủ nghĩa trong tư tưởng, đạo đức, lối sống. Ở Việt Nam hiện nay, kinh tế thị trường định hướng XHCN, hội nhập quốc tế và đẩy mạnh CNH, HĐH không tạo ra hoàn cảnh bình yên cho tư tưởng trung bình chủ nghĩa. Đây là hoàn cảnh thuận lợi để giáo dục, bồi dưỡng tư duy chấp nhận mâu thuẫn, tức tư duy biện chứng.
Thứ hai, tăng cường động viên, biểu dương những tấm gương điển hình, người tốt, việc tốt. Theo Hồ Chí Minh, trong ba hạng người: hạng hăng hái, hạng vừa vừa và hạng kém “người lãnh đạo phải dùng hạng hăng hái làm trung kiên cho sự lãnh đạo, do trung kiên đó mà nâng cao hạng vừa vừa và kéo hạng kém tiến lên”(11).
Thứ ba, thực hiện nhiều hình thức phân phối, trong đó lấy phân phối theo kết quả lao động và hiệu quả kinh tế - xã hội là chủ yếu, để tạo cho mọi người đều có cơ hội phát triển và sử dụng tốt năng lực của mình./.
------------------------------------------------
(1) V.I.Lê-nin, Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2006, T. 27, tr. 153
(2) V.I.Lê-nin, Toàn tập, sđd, T. 1, tr. 377
(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, H, 1996, T. 8, tr. 386
(4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, tr. 386
(5) Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, tr. 386
(6) Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, T. 10, tr. 410
(7) Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, T. 5 tr. 289
(8) V.I.Lê-nin, Toàn tập, Sđd, T. 8, tr. 476-477
(9) V.I.Lê-nin, Toàn tập, Sđd, T. 1, tr. 279
(10) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, T. 10, tr. 410
(11) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, T. 5, tr. 289.
PGS, TS. Nguyễn Thanh Tuấn TS. Vũ Công Giao