Những
tuyên bố hùng hồn về quan hệ đối tác được xác định là một trong những
mối quan hệ của thế kỷ 21 hoặc một trong những “đồng minh tự nhiên” vẫn
không loại bỏ được những hoài nghi tại cả hai nước về khả năng và sự sẵn
sàng của mỗi bên nhằm đáp ứng mong đợi của nhau.
Sự
tương đồng ngày càng tăng giữa Mỹ và Ấn Độ về một số vấn đề vẫn không
loại bỏ được những bất đồng quan trọng, xuất phát từ sự chênh lệch lớn
về tiềm lực, những ưu tiên khác nhau, mâu thuẫn về lợi ích khu vực và
khác biệt quan điểm về các cơ cấu điều hành toàn cầu. Ấn Độ đã chuyển từ
thái độ thiếu tin cậy sang hợp tác tích cực và có sự chấp nhận lớn hơn
về thiện chí cơ bản của Mỹ đối với quan hệ đối tác chiến lược. Mỹ đã
công nhận tầm quan trọng quốc tế ngày càng tăng của Ấn Độ. Tuy nhiên,
bầu không khí đã được cải thiện này trong quan hệ song phương chưa đủ để
loại bỏ những khác biệt thực sự. Trong khi hai bên có chung chí hướng
về những vấn đề như dân chủ, đa nguyên, nhân quyền, tự do hóa kinh tế,
chủ nghĩa cực đoan tôn giáo, chủ nghĩa khủng bố và không phổ biến hạt
nhân, thì cách thức giải quyết từng vấn đề cụ thể của mỗi nước vẫn còn
khác xa nhau.
Đối
với vấn đề Pakixtan, Ápganixtan, Iran, Xyri, biến đổi khí hậu, vòng đàm
phán thương mại Doha, vấn đề chủ quyền, và quản trị toàn cầu, Ấn Độ và
Mỹ vẫn có những quan điểm khác nhau. Trong khi khác biệt giữa Mỹ và một
số nước đồng minh của Mỹ về những vấn đề quan trọng là "không thành vấn
đề" khi xét về quan hệ song phương trong phạm vi một hệ thống liên minh,
thì quan hệ đối tác chiến lược Ấn-Mỹ thường bị sức ép soi xét của dư
luận mỗi khi hai bên có bất hòa. Nếu Quốc hội Ấn Độ thông qua luật trách
nhiệm hạt nhân dân sự đối với những nước cung cấp nhiên liệu hạt nhân
cho Ấn Độ, nhất là sau sự cố Fukushima tại Nhật Bản, thì các chuyên gia
chiến lược tại Mỹ và Ấn Độ sẽ trở nên nóng nảy. Tương tự, nếu các công
ty Mỹ bị loại khỏi các hợp đồng quốc phòng của Ấn Độ, sẽ có sự chất vấn
về cam kết của New Delhi trong quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ. Những
nghi ngờ tại Ấn Độ về chất lượng mối quan hệ với Mỹ là do mâu thuẫn,
thiếu kiên định và thậm chí thiếu minh bạch trong các chính sách của Mỹ.
Mỹ có thể “chuyển số” cho phù hợp với lợi ích của Washington theo tình
hình cụ thể, tùy thuộc vào những cân nhắc liên quan đến bầu cử hoặc vận
động hành lang.
Chẳng
hạn đối với Pakixtan, Washington tiếp tục viện trợ kinh tế và quân sự
cho Islamabad bất chấp sự “đồng lõa” của Pakixtan trong việc cấp nơi ẩn
náu cho Osama bin Laden. Trong vấn đề Ápganixtan, lúc đầu Mỹ hoài nghi
vai trò của Ấn Độ, sau đó ủng hộ và nay lại không để ý đến những hoài
nghi chiến lược cơ bản của Ấn Độ về sự phục hồi vai trò chính trị của
Taliban. Mỹ đã hướng tới đối thoại với lực lượng Taliban, thậm chí hiện
có vẻ mở cửa cho sự tham gia của mạng lưới Haqqani trong "ván bài" chính
trị cuối cùng tại Ápganixtan. Canh cánh về sự nổi lên của Trung Quốc,
Mỹ đã ra tuyên bố về “trục Châu Á” nhằm “tái cân bằng” lực lượng tại
Châu Á-Thái Bình Dương, song cuối cùng chính sách Châu Á-Thái Bình Dương
được tăng cường này của Mỹ cũng bị hoài nghi.
Chuyến
thăm của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tới New Delhi hồi tháng sáu vừa qua
để tham dự vòng đối thoại chiến lược Mỹ-Ấn lần thứ tư đã làm tăng mối
hoài nghi trong quan hệ đối tác chiến lược Ấn-Mỹ. Tuyên bố chung của
vòng đối thoại đã không đề cập gì đến Pakixtan, Trung Quốc, Biển Đông
hoặc chính sách “tái cân bằng” của Mỹ tại Châu Á, mặc dù ông Kerry đã
khẳng định trong tuyên bố báo chí rằng ban lãnh đạo Mỹ coi Ấn Độ là bộ
phận chính trong một chính sách tái cân bằng như vậy. Tuyên bố chỉ đề
cập chung chung đối với an ninh hàng hải, tự do lưu thông thương mại và
hàng hải. Vấn đề Iran và Xyri cũng không được đề cập trong tuyên bố
chung. Do vậy, cuộc đối thoại chiến lược Mỹ-Ấn đã "phớt lờ" hoặc gây khó
hiểu đối với các vấn đề chiến lược.
Ông
Kerry đã thúc ép Ấn Độ một cách vô lý về lĩnh vực hạt nhân dân sự bằng
cách đơn phương khẳng định trong cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng
Salman Khurshid rằng hai bên đã nhất trí rằng công ty Westinghouse của
Mỹ và Nuclear Power Corporation của Ấn Độ sẽ đạt được một hiệp định
thương mại về hạt nhân vào tháng 9 năm nay. Liệu có phải ông Kerry đang
gợi ý rằng việc thực hiện đầy đủ và kịp thời hiệp định hạt nhân dân sự
đòi hỏi Ấn Độ phải nhanh chóng hoàn tất các hợp đồng hạt nhân với các
công ty Mỹ? Có lẽ động thái này liên quan đến chuyến thăm Mỹ của Thủ
tướng Manmohan Singh vào tháng 9. Tất nhiên, những nét tích cực trong
chuyến thăm của ông Kerry là cải thiện quan hệ Mỹ-Ấn nói chung và chương
trình nghị sự phong phú về hợp tác song phương có thể là điều hữu ích
đối với Ấn Độ.
Tóm
lại, quan hệ đối tác chiến lược Mỹ-Ấn vẫn còn những vấn đề tranh cãi và
“cỗ máy” này chưa được tra dầu mỡ đầy đủ bằng những gắn kết ngoại giao
rõ ràng, sự cân bằng về lợi ích và một ý nghĩa về đối tác thực sự.
Bài viết của cựu Bí thư Đối ngoại Ấn Độ Kanawal Sibal đăng trên Báo “The Hindu” (ngày 16/7)
Lê Sơn (gt)