Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2013

24. Mỹ-Trung: Hợp tác có át đối đầu?

Tgvn-Thứ Năm, 06/06/2013-2:25 PM
Ông Obama tiếp ông Tập Cận Bình tại Nhà Trắng hồi tháng 2/2012.
Cuộc gặp không chính thức giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại California (Mỹ) tuần này là cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi ông Obama tái đắc cử nhiệm kỳ hai và ông Tập Cận Bình được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Sự kiện này thu hút sự chú ý lớn của cộng đồng quốc tế bởi ông Obama và ông Tập Cận Bình được cho là đang tìm cách kết thân với nhau trong bối cảnh hai siêu cường “đối đầu chan chát” trên nhiều mặt trận.
Kể từ khi được bầu làm Tổng Bí thư ĐCS Trung Quốc, ông Tập Cận Bình luôn khẳng định muốn truyền “năng lượng tích cực” vào mối quan hệ Trung - Mỹ. Việc ông Tập đến Mỹ chỉ sau 2 tháng lên cầm quyền cũng là điều chưa có trong tiền lệ trong giới lãnh đạo Trung Quốc (TQ). Những người tiền nhiệm của ông Tập Cận Bình là Hồ Cầm Đào chỉ đến Mỹ sau 3 năm còn ông Giang Trạch Dân không đến Mỹ sau khi tại vị tới 4 năm. Hơn nữa, hầu hết các cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo cấp cao nhất của TQ với những người đồng cấp Mỹ chỉ kéo dài từ một đến 2 giờ đồng hồ hay thậm chí chỉ 30 phút bên lề các hội nghị quốc tế. Tuy nhiên, lần này, Chủ tịch Tập Cận Bình quyết định ở thăm Mỹ đến 2 ngày.
Một điều đặc biệt nữa là lần này hai nhà lãnh đạo này chọn hình thức gặp gỡ không chính thức ở một khu nghỉ dưỡng rộng lớn và thoải mái. Dường như cả ông Obama và ông Tập Cận Bình đều muốn thoát khỏi những nghi lễ cứng nhắc, gò bó để có thể trò chuyện thẳng thắn, thân mật với nhau. Giới phân tích tin rằng, hai nhà lãnh đạo Mỹ và TQ muốn thông qua cuộc gặp gỡ đặc biệt của họ để thiết lập tình cảm cá nhân và từ đó khôi phục lại mối quan hệ đang xấu đi nhiều trong thời gian gần đây giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới.
Trong thế giới toàn cầu hóa, các nước phụ thuộc vào nhau để phát triển. Mỹ và TQ không nằm ngoài quy luật này. Là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, Mỹ và TQ ngày càng phụ thuộc vào nhau nhiều hơn và cùng chia sẻ với nhau nhiều lợi ích chung hơn, từ việc khôi phục sự ổn định về kinh tế và tài chính toàn cầu đến việc giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu. Mỹ cần sự ủng hộ của TQ trong nhiều vấn đề quốc tế quan trọng như Triều Tiên, Syria. Trong khi đó, TQ cũng muốn củng cố quan hệ với cường quốc số 1 thế giới để phục vụ sự phát triển của mình cũng như làm suy yếu liên minh đối đầu với mình ngay tại khu vực.
Tại Sunnylands, ông Obama và ông Tập Cận Bình sẽ thảo luận nhiều vấn đề mà hai nước có thể hợp tác với nhau, từ phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, cuộc chiến ở Syria, biến đổi khí hậu, khủng hoảng tài chính toàn cầu đến quan hệ thương mại, đầu tư song phương Trung-Mỹ. Tuy nhiên, hai nhà lãnh đạo không tránh khỏi phải đối mặt với một loạt vấn đề mà hai nước đang mâu thuẫn gay gắt như tấn công mạng, chiến lược chuyển hướng trọng tâm vào Châu Á của Mỹ hay các cuộc tranh chấp ở Biển Đông và biển Hoa Đông...
Ngoài ra, từ lâu hai cường quốc này vốn có sẵn mối nghi kỵ về những ý định lâu dài trong tương lai của nhau dù giới lãnh đạo hai bên không ngừng cam kết thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược dựa trên sự tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau. Theo nhiều nhà phân tích, sự nghi kỵ, thiếu tin tưởng lẫn nhau giữa Mỹ và TQ đang ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ này và đe dọa mối quan hệ hợp tác giữa hai nước. Người TQ thì e ngại Mỹ đang tìm cách bao vây, kiềm chế sự nổi lên của họ để duy trì thế độc tôn trên sân khấu chính trị toàn cầu, đặc biệt kể từ sau khi Washington tuyên bố thực hiện chiến lược hướng trọng tâm vào Châu Á-Thái Bình Dương.
Trong khi đó, người Mỹ lại hoài nghi về sự vươn lên mạnh mẽ của TQ cho rằng nước này đang muốn tìm cách thay thế vị trí cường quốc số 1 của họ. Nghi ngờ này càng được củng cố khi TQ gần đây liên tiếp có sự thể hiện mình “thái quá” trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Chưa hết, Washington còn “tố” chính phủ và quân đội TQ dính líu tới nhiều vụ tấn công nhằm vào các mạng lưới máy tính trọng yếu của chính phủ và doanh nghiệp Mỹ. Quan hệ cũng rất khó cải thiện vì những mâu thuẫn muôn thuở như việc Mỹ bán vũ khí cho vùng lãnh thổ Đài Loan, vấn đề Tây Tạng hay các chính sách thương mại, tiền tệ của Trung Quốc...
*
Quan hệ Mỹ-Trung thuận hay nghịch đều có tác động tích cực hay tiêu cực đến mỗi nước và đối với toàn bộ quan hệ quốc tế cũng như khu vực. Bắc Kinh và Washington chắc chắn hiểu rõ điều này và họ sẽ tiếp tục hợp tác với nhau trước hết vì lợi ích của chính họ. Tuy nhiên, với quá nhiều mâu thuẫn tồn tại, Trung Quốc và Mỹ được cho là sẽ không tránh khỏi phải đối đầu với nhau. Điều quan trọng là ông Obama và ông Tập Cận Bình phải tìm kiếm được một cơ chế hợp tác mới giữa hai siêu cường quốc để sao cho có thể tránh được một cuộc xung đột đáng sợ, gây tổn hại cho cả thế giới.
Hải Yến