Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2013

9. Ghi chép toàn văn Hội thảo CSIS: Phiên hai - Những diễn biến gần đây ở Biển Đông

Phiên thảo luận tập trung đánh giá các diễn biến tại Biển Đông trong khoảng 1 năm trở lại đây với sự trình bày của các diễn giả: TS. Wu Shicun, (Trung Quốc), TS. Renato de Castro (Philippin), TS. Yann-Huei Song (Đài Loan) và TS. Trần Trường Thủy (Việt Nam).

Murray Hiebert: Chúng ta sẽ bắt đầu phiên tiếp theo tập trung vào những diễn biến gần đây ở Biển Đông. Với những diễn giả đến từ các nước trong khu vực, chúng ta sẽ thảo luận về những diễn biến trong mười hai tháng qua ở khu vực. Phiên thảo luận này có thể theo dõi trực tiếp trên trang Twitter hoặc truy cập trang CSIS. Tôi sẽ giới thiệu ngắn gọn về các diễn giả và sau đó những diễn giả này trình bày, mỗi người khoảng mười phút và tiếp theo chúng ta sẽ chuyển sang phần hỏi đáp, giống hình thức như phiên buổi sáng. Diễn giả đầu tiên là TS. Wu Shicun, Viện trưởng Viện nghiên cứu Nam Hải Trung Quốc, bên trái TS. Wu là TS. Renato de Castro, giáo sư tại trường đại học De ​​La Salle, Philippin, tiếp theo là TS. Yann-Huei Song, nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm nghiên cứu Châu Âu và Mỹ, Viện Nghiên cứu Trung Cộng, bên trái của TS. Song là TS. Trần Trường Thủy, Giám đốc chương trình nghiên cứu Biển Đông của Học viện Ngoại giao Việt Nam. Xin mời TS. Wu.
TS. Wu Shicun (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Hải, Hải Nam, Trung Quốc): Vâng, xin cảm ơn Murray, xin chào quý ông, quý bà và các đồng nghiệp. Có người nói rằng phiên thảo luận sau bữa trưa sẽ gây chút ít buồn ngủ, vì vậy hiện tại tôi cũng cảm thấy đôi chút buồn ngủ. Tôi rất hân hạnh có cơ hội tham gia phiên thảo luận này đề cập về những diễn biến gần đây của tranh chấp Biển Đông, đặc biệt là những diễn biến trong năm 2012 và 2013 đã khiến cộng đồng quốc tế lo ngại. Và căng thẳng có thể vẫn còn tiếp tục trong những năm tới. Nhân dịp này, tôi muốn chia sẻ đánh giá của mình về tranh chấp Biển Đông xuất phát từ sáu mối quan ngại chính. Thứ nhất, quan ngại về chủ quyền. Các quốc gia yêu sách ở Biển Đông đang áp dụng nhiều biện pháp để củng cố yêu sách lãnh thổ và biển của mình. Tranh chấp hiện nay chủ yếu là về quyền tài phán, hơn là về các yêu sách mâu thuẫn. Ví dụ, hoạt động đơn phương khai thác tài nguyên trong vùng tranh chấp của một số quốc gia yêu sách đã trở thành việc làm thường thấy ở Biển Đông. Điều này trái ngược với thực tiễn khai thác chung ở các vùng biển trong khi chờ đợi việc phân định biển. Sự tham gia của các công ty dầu khí quốc tế khiến tranh chấp Biển Đông trở nên phức tạp và bị quốc tế hóa. Hoạt động thăm dò dầu khí trong khu vực tranh chấp sẽ khiến gia tăng các vụ việc không được kiểm soát hoặc thậm chí dẫn đến xung đột nghiêm trọng.
Thứ hai, quan ngại về sự cân bằng. Vào thời điểm hiện tại, tuy tình hình Biển Đông vẫn ổn định và có thể kiểm soát được, vẫn tồn tại một số yếu tố gây bất ổn. Điều làm chúng tôi lo ngại là việc Mỹ bắt đầu chiến lược xoay trục về Châu Á hay còn gọi là chiến lược tái cân bằng. Khi Mỹ đẩy mạnh sự hiện diện ở Châu Á Thái Bình Dương, một số quốc gia đã tận dụng cơ hội để thúc ép Trung Quốc bằng việc liên kết với các quốc gia không tranh chấp và điều đó có thể gây thêm căng thẳng và bất ổn cho Biển Đông. Đây là những nỗ lực công khai và vụng về của các quốc gia nhằm quốc tế hóa vấn đề Biển Đông.
Thứ ba, quan ngại về tính pháp lý. Nhiều bên yêu sách gần đây đã điều chỉnh luật trong nước cho phù hợp với luật pháp quốc tế đã được thừa nhận. Đặc biệt, họ tìm cách làm cho nội luật phù hợp với UNCLOS. Đây là việc làm khá nực cười về mặt pháp lý chủ yếu nhằm theo đuổi lợi ích riêng hạn hẹp của quốc gia. Điều này cũng phản ánh một xu hướng mới và nhu cầu mới đối với các tranh chấp hiện tại.
Thứ tư, quan ngại về quản lý. Các bên tranh chấp đều đang tăng cường sự hiện diện trong vùng  tranh chấp để củng cố các yêu sách tương lai của mình. Chính vì thế, tất cả các bên đã áp dụng các biện pháp đáng ngờ để đẩy mạnh sự hiện diện ở Hoàng Sa hay quần đảo Trường Sa. Mọi biện pháp pháp lý đều được sử dụng, bao gồm xây dựng các cơ sở dân sự như trường học, bệnh viện, và đưa các nhà sư hoặc ngư dân đến để chiếm đóng các thực thể.
Thứ năm là quan ngại về lãnh thổ. Trọng tâm của tranh chấp Biển Đông đã chuyển từ vấn đề chủ quyền của các thực thể sang các hệ lụy pháp lý của quy định luật pháp quốc tế. Nói cách khác, những gì cần xem xét sâu hơn là phạm vi của một quốc gia có thể mở rộng quyền tài phán trên biển tính từ các thực thể mà họ chiếm đóng.
Thứ sáu, quan ngại về quân sự. Phải nói rằng chúng ta đang chứng kiến một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực này. Các quốc gia ven Biển Đông đang nỗ lực mua sắm vũ khí tối tân, tạo điều kiện cho sự gia tăng các cuộc diễn tập chung và các cuộc tập trận giành quyền kiểm soát. Các hoạt động quân sự ngày càng gia tăng có thể dẫn đến nghi ngờ, căng thẳng, đối đầu và điều này tạo nên mối đe dọa nghiêm trọng đối với Biển Đông. Một khu vực Biển Đông ổn định và hòa bình là lợi ích của tất cả các bên yêu sách và của cộng đồng quốc tế nói chung.
Hiện nay, Trung Quốc là động lực quan trọng và đóng vai trò xây dựng quan trọng để đạt được những mục tiêu trông đợi trên. Vì vậy tôi muốn chia sẻ với các bạn đánh giá của riêng tôi về chính sách của Trung Quốc.Tôi sẽ đề cập về sáu mục tiêu quan trọng trong chính sách của Trung Quốc đối với khu vực này.
Thứ nhất là mục tiêu hòa bình. Trung Quốc theo đuổi phát triển hòa bình và không bao giờ tìm kiếm đối đầu. Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi với bốn nhóm đảo ở Biển Đông và các vùng nước liền kề căn cứ vào “bốn đầu tiên” trong lịch sử: phát hiện đầu tiên, lập bản đồ đầu tiên, đặt tên đầu tiên và chiếm giữ đầu tiên. Việc quản lý hiệu quả khiến yêu sách lịch sử này phù hợp với luật pháp quốc tế. Với đường chữ U hoặc đường chín đoạn lịch sử, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với các thực thể đất và được hưởng quyền lịch sử như đánh bắt cùng các quyền khác. Trung Quốc chưa bao giờ đưa ra yêu sách chủ quyền đối với toàn bộ Biển Đông và sẽ không bao giờ yêu sách vượt quá quyền lịch sử. Việc cố ý gây khó hiểu từ một số nước quan ngại về yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông đã tạo ra mâu thuẫn hoặc bóp méo thực tế lịch sử này và điều đó có thể cản trở những giải pháp hòa bình cho vấn đề.
Đọc toàn bộ bản ghi chép tại đây.
Các bài tham luận được trình bày tại Hội thảo “Quản lý Căng thẳng ở Biển Đông” được tổ chức bởi CSIS vào ngày 5-6 tháng 06 năm 2013 và được đăng lần đầu tiên trên website chính thức của CSIS.
Người dịch: Tuấn Anh, Duy Thực
 Hiệu đính: Minh Ngọc